Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
|
|
Dưới
bầu trời Paris(1)
Dưới bầu trời Paris, ngày 19 tháng 12 năm 1915 đã ra đời bé gái Édith Giovanna Gassion. Giấy khai sinh chính thức ghi nơi sinh là bệnh viện Tenon, quận 20, Paris, nhưng nhiều người lại truyền nhau là Édith sinh ra trên lề đường, trước nhà số 72 đường Belleville, thuộc Ménilmontant, một khu phố bình dân cũng ở quận 20. Có lẽ chỉ vì chi tiết này phù hợp hơn với những gì liên quan tới cuộc đời của người sẽ trở thành huyền thoại của nền ca nhạc Pháp : gia cảnh tầm thường, tuổi thơ u ám, sức khỏe mong manh, tình duyên lận đận, sự nghiệp gập ghềnh, tuổi thọ ngắn ngủi. Bố là nghệ sĩ xiếc
uốn dẻo, mẹ là ca sĩ đường phố, sinh con trong thời kỳ
chiến tranh, đặt tên con là Édith để tưởng nhớ nữ y tá
người Anh là Edith Cavell được xem như là anh hùng sau khi bị
quân Đức xử bắn vì tội đã cứu cả trăm binh lính đồng
minh trong Thế chiến thứ nhất. Bố nhập ngũ, mẹ
Đại chiến kết thúc, bố Édith giải ngũ trở về tiếp tục nghề xiếc rong ngoài đường phố. Édith theo giúp bố và, ngoài việc ngửa nón xin tiền, bắt đầu thử nghiệm giọng ca của mình bằng các bài hát bình dân trình diễn trước đám đông. Dần dần Édith được người nghe tán thưởng và kiếm được tiền nhiều hơn cả bố. Chẳng bao lâu sau Édith tách khỏi bố để bay nhảy tự do bằng đôi cánh của mình. Tháng 2 năm 1933, Édith 17 tuổi có cuộc tình đầu đời với chàng trai trẻ làm nghề giao hàng Louis Dupont, sinh cho anh ta đứa con gái là Marcelle, 2 năm sau cháu bé qua đời vì bệnh viêm màng não và người tình cũng bỏ đi. Édith tiếp tục lang thang ca hát trên các khu phố Belleville(3) và Pigalle(4) . Chất giọng đặc biệt của Édith đã được Louis Leplée, chủ một phòng trà ca nhạc sang trọng ở Paris chú ý. Đây là phòng trà Gerny's, nằm trên đại lộ Champs-Élysées. Louis Leplée nhận ngay ra rằng giọng ca tuyệt vời này không phải để hát trên đường phố mà phải là dưới ánh đèn màu, đưa Édith về hát tại phòng trà của mình. Ông đặt cho Édith nghệ danh "la Môme Piaf " ( môme là cô bé, piaf, tiếng lóng, nghĩa là con chim sẻ ), cái tên gợi lên vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ bé của Édith vốn chỉ cao 1,47m. Ông cũng yêu cầu Édith mặc toàn đồ đen khi lên hát và đây sẽ là hình ảnh độc đáo sẽ theo Édith suốt cuộc đời ca hát của mình. Con mắt tinh đời của Leplée đã không phụ ông : giọng ca của con chim sẻ nhỏ đã chinh phục được khách của Gerny's. Chẳng mấy chốc cả Paris đổ xô về đấy để tán thưởng một tài năng vừa mới được khám phá. Trên đà thành công của Édith, ông Leplée quyết định giúp cô thu âm đĩa 70 vòng đầu tiên vào năm 1936. Đời màu hồng(5) Một sự việc bất ngờ xảy đến, sự nghiệp của Édith vừa lóe sáng đã tắt ngấm : tháng 4 năm đó, Louis Leplée bị giết tại nhà riêng, Édith bị nghi là có dính líu, cảnh sát thẩm vấn, báo chí công kích. Édith phải từ bỏ Gerny's và có nguy cơ trở lại với đường phố. Trong lúc khó khăn này, một người bạn của Édith là nhạc sĩ Raymond Asso đã giúp cô tìm chỗ trình diễn và nhất là rèn luyện kỹ năng ca hát để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Năm 1937 Édith được nhận vào nhà hát ABC (6) và ngay lập tức tỏa sáng ở đây. Raymond Asso đề nghị cô đổi nghệ danh thành Édith Piaf , đây sẽ là cái tên mà cô sử dụng suốt đời. Sau thành công ở ABC, Édith còn biểu diễn ở nhà hát Bobino (7), tham gia đóng kịch ( vở Le Bel Indifférent -1940 - do Jean Cocteau viết cho chính cô ) , đóng phim ( Montmartre-sur-Seine -1941- của đạo diễn Georges Lacombe ). Cả kịch và phim này ( Édith diễn chung với Paul Meurisse ) đều thành công, chứng tỏ tài năng của Édith trong lĩnh vực diễn xuất. Đến tuổi 30, Édith Piaf đã vững vàng trong sự nghiệp nhưng không quên bước khởi đầu gian nan của mình nên nghĩ tới việc giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Mùa hè 1944, Édith gặp Yves Montand (8)lúc này chưa nổi tiếng, chỉ làm nhiệm vụ hát mở màn(9)cho những tiết mục của cô ở cabaret Moulin Rouge. Tiếng sét ái tình khiến cô chăm sóc đặc biệt cho Yves, hướng dẫn, giúp đỡ mọi mặt. Cô đề nghị Henri Cortet, nhạc sĩ chuyên viết cho cô hát, sáng tác nhiều bài riêng cho Yves ( "Battling Joe" , " Luna park" ). Và chính Édith cũng viết dành riêng cho Yves nhạc phẩm Đời màu hồng (1945 ) , bây giờ trở thành bài ca bất tử. ( Khi chàng ôm em trong vòng tay/ Khi chàng âu yếm thì thầm bên tai / Là khi em thấy đời hồng tươi ! ). Cả hai còn cùng nhau đóng phim Ngôi sao không ánh sáng ( Étoile sans lumière ) của đạo diễn Marcel Blistère. Nhưng mối tình nghệ sĩ này không bền lâu, đầu năm 1946 hai người chia tay nhau. Sau này Yves kết hôn với diễn viên Simone Signoret còn Édith bay nhảy với nhiều cuộc tình khác. Cũng thời gian này, Édith có dịp làm quen với nhóm ca sĩ trẻ Les Compagnons de la chanson(10)( Những người bạn của ca khúc ) chuyên trình diễn những giai điểu cổ có âm hưởng dân ca. Édith khích lệ nhóm chuyển sang loại nhạc trẻ trung hơn, đề nghị ghi âm chung bài Les trois cloches ( Ba quả chuông ) của nhạc sĩ Thụy Sĩ Jean Villard. Thành công vang dội rất bất ngờ : bán được cả triệu dĩa. Édith quyết định đưa nhóm cùng sang Mỹ trong chuyến lưu diễn đầu tiên vào năm 1947. Chuyến đi này là một dấu mốc mới trong cuộc đời ái tình và sự nghiệp của Édith Piaf. Bài tụng ca Tình yêu (11) Không có gì hứa hẹn cho con chim sẻ thành Paris trên đất khách, những buổi trình diễn đầu tiên của cô trong các phòng trà ca nhạc ở New York chưa được khán giả chú ý mấy. Định quay trở về châu Âu thì tình cờ cô đọc được một bài phê bình với lời lẽ khích lệ đặc biệt trên một nhật báo lớn ở đây khiến cô đổi ý. Cô ký hợp đồng hát một tuần cho Café Versailles, một phòng trà khá nổi tiếng ở Manhattan (12) . Chính nơi đây Édith mới được khán giả Mỹ hâm mộ nên tiếp tục cộng tác đến 4 tháng và sau này còn trở lại nhiều lần. Thời gian này, Édith lao vào một cuộc tình lớn : cô gặp và yêu say đắm Marcel Cerdan, một võ sĩ quyền Anh vô địch thế giới. Tuy Marcel đã có vợ và tuy hai người hoạt động trong hai lĩnh vực khác hẳn nhau, cuộc tình giữa " ông vua đánh bốc và bà hoàng ca nhạc" vẫn được báo chí xem là cuộc tình lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ. Định mệnh lại giễu cợt Édith. Chỉ một năm sau, Marcel thiệt mạng trong một tai nạn máy bay khi đi từ Paris sang New York thăm người tình. Tinh thần suy sụp, lại bị hành hạ bởi những cơn đau của chứng bệnh viêm đa khớp ( polyarthrite ), Édith phải sử dụng mooc-phin với liều cao. Cuộc tình này đã để lại nhạc phẩm Édith viết cho anh Bài Tụng ca Tình yêu , một trong những bài ca sẽ đi cùng năm tháng với tên tuổi của tác giả.( ... Em sẽ đi đến tận cùng trái đất / Em sẽ nhuộm cho tóc vàng đi / Nếu anh muốn ở em điều đó // Em sẽ hái cả mặt trăng / Em sẽ lấy về bao tài sản / Nếu anh muốn ở em điều đó // Em sẽ chối bỏ cả tổ quốc / Em sẽ từ bỏ cả bạn bè / Nếu anh muốn ở em điều đó // ...) . Nỗi đau vì sự mất mát quá lớn này khó thể nguôi ngoai nhưng Édith vẫn cố gắng tiếp tục làm việc. Năm 1950, cô lại bước ra sân khấu của thính phòng Pleyel (13). Cô kết thân với Charles Aznavour ( ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên trẻ ) qua những mối quan hệ đặc biệt mà không phải là tình nhân : thư ký, tài xế , bạn tâm sự. Ngược lại, Charles Aznavour cũng viết cho cô một số bài khá thành công ( Jezebel, Plus bleu que tes yeux...) Năm 1951, Édith thân mật với Eddie Constantine (14), ca sĩ diễn viên , cùng diễn vở nhạc kịch " La p'tite Lili " tại nhà hát ABC. Bảy tháng sau, thôi diễn vở này, hai người cũng thôi nhau. Năm này, Édith bị hai tai nạn xe hơi, lần sau rất nặng, lại phải điều trị bằng mooc-phin, sự phụ thuộc vào chất gây nghiện này làm sức khỏe cô ngày càng tồi tệ. Tháng 7 năm 1952 Édith gặp và làm đám cưới với ca sĩ Jacques Pills, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được bốn năm. Kể từ giai đoạn này, Édith phải thường xuyên điều trị giải độc nhằm hạn chế tác hại của mooc-phin và rượu. Trong hai năm liền cô thu mình âm thầm không xuất hiện, chỉ chuyên chú việc ghi âm. Tuy nhiên, sang năm 1955, khi biết mình sẽ hát ở Olympia(15), nhà hát sang trọng và nổi tiếng nhất Paris , cô hoàn toàn tự tin, phấn khởi, nhiệt tình trở lại với công việc mặc dù sức khỏe vẫn tồi tệ. Ngay trong buổi trình diễn đầu tiên ở đây, cô đã thành công rực rỡ, khán giả chọn lọc của thủ đô Paris hoàn toàn bị chinh phục bởi hình ảnh độc đáo mang thương hiệu Édith Piaf : một thân hình bé nhỏ với trang phục toàn màu đen,một giọng hát mạnh mẽ, ngân vang cất lên từ lồng ngực, một lối trình diễn lột tả trung thực tất cả lời ca ý nhạc. Cũng trong năm này Édith lại sang Mỹ thực hiện một chuyến lưu diễn dài ngày và kết thúc bằng chương trình độc diễn 22 bài trên sân khấu thính phòng Carnegie Hall (16)tại New York. Tất nhiên là cũng thành công vang dội, Édith Piaf trở thành ngôi sao quốc tế, chói sáng trên bầu trời ca nhạc Paris, New York và một số nước Nam Mỹ. Cuộc phiêu lưu tình ái dõi theo chiếc bóng hạnh phúc của Édith vẫn chưa kết thúc. Năm 1958, cô bắt đầu mối quan hệ tình cảm với ca sĩ trẻ Georges Moustaki, đỡ đầu cho anh và dần dà một cuộc tình sóng gió nữa bắt đầu. Cùng với Marguerite Monnot, Moustaki viết cho cô nhạc phẩm Milord, đây là một trong những bài thành công nhất của Édith. Tháng chín hai người gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng, sức khỏe Édith tổn thương nặng nề. Édith vẫn cố gượng dậy. Đầu năm sau khi đang hát ở New York, cô gục ngã trên sân khấu phải giải phẫu khẩn cấp trước khi trở về Paris trong tình trạng thảm thương. Moustaki bỏ đi. Không, tôi không hối tiếc điều gì. (17) Năm 1961, Édith bắt đầu một loạt biểu diễn tại nhà hát Olympia Paris mặc những lời can ngăn của bác sĩ và người thân lo ngại cho sức khỏe của cô, chỉ vì lời hứa với giám đốc nhà hát, cô hát để cứu cơ sở này đang lâm vào tình trạng hầu như phá sản. Dịp này Édith đã rút hết gan ruột để diễn tả nỗi lòng mình qua nhạc phẩm Không, tôi không hối tiếc điều gì mà nhạc sĩ trẻ Charles Dumont viết riêng cho cô. Không, không gì cả/ Tôi không hối tiếc điều gì/Cả điều tốt điều xấu thiên hạ làm cho tôi/Cái gì tôi cũng mặc/(...)Đã trả xong, đã quét sạch, đã quên hết/Tôi chẳng cần quá khứ/Với các kỷ niệm/ Tôi châm lửa/Những nỗi đau, niềm vui/ Tôi không cần chúng nữa/Phủi sạch những cuộc tình/ Với những rung động líu lo/ Phủi sạch vĩnh viễn/ Tôi lại khởi đầu từ số không. (...) Chân thành, tha thiết, bài ca nghe như lời tâm tình của người ca sĩ tài danh về cuộc đời đầy thăng trầm của mình. Ngày 25/9/1962, nhân ra mắt cuốn phim Ngày dài nhất(18)cô đã hát từ tầng 1 của Tháp Eiffel ( với độ cao 57m ) cho 25 000 khán giả ngưỡng mộ dưới chân mình ngẩng đầu nhìn lên. Bài hát kết thúc trong ánh sáng muôn màu của hàng ngàn pháo hoa rực sáng cả vùng trời bên bờ sông Seine. Một tháng sau, ở tuổi 47, kiệt sức, bệnh tật, Édith kết hôn với ca sĩ Theophanis Lamboukas mà cô thường gọi là Sarapo có nghĩa là "Em (anh) yêu anh (em)" theo tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của chàng trai kém cô 21 tuổi này. Đây là người đàn ông cuối cùng trong đời Édith. Hai người còn cơ hội trở lại phòng trà Bobino (7) song ca bài Tình yêu có ích gì ? (19) vào tháng 2 năm 1963. Bài hát này có thể xem như tuyên ngôn của Édith về tình yêu, giúp ta hiểu thêm một khía cạnh cuộc đời bà, mỗi chặng nhỏ trên con đường sự nghiệp đều gắn liền với một cuộc tình. ( ... Em vẫn thường hay nghe nói/tình yêu làm ta u sầu /tình yêu làm ta than khóc/ tình yêu có ích gì đâu / Tình yêu nó có ích gì/vừa cho ta mọi niềm vui/lại còn có cả nước mắt/thật buồn mà thật diệu kỳ//... ngay khi ta đã mất đi/ cuộc tình ta hằng ấp ủ/vẫn còn hương vị ngọt ngào/ tình yêu vẫn là bất tử// Thôi thì như em đã hiểu/sống mà không có tình yêu/ với cả niềm vui nỗi khổ/ cuộc sống có nghĩa gì đâu// ... Nhưng anh, anh là người cuối/ nhưng anh, anh là người đầu/ trước anh, không có gì cả/ với anh, hạnh phúc xiết bao// Có anh là điều em muốn/ có anh là điều em cần/ anh, người em yêu mãi mãi/ tình yêu có ích thế thôi. ) Édith rơi vào tình trạng hôn mê hai tháng sau. Sarapo đưa Édith về tỉnh dưỡng tại một biệt thự ở Placassier, ngoại ô thành phố Grasse miền Nam nước Pháp để chăm sóc bà cho đến khi bà qua đời ngày 10 tháng 10 năm 1963 tuy nhiên tin buồn chỉ công bố chính thức vào ngày 11 khi thi hài được bí mật chuyển về Paris. Đám đông(20) Ngày 14/10/1963, hàng chục ngàn người đã tiễn đưa nữ danh ca đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Père Lachaise (21)trong ngôi mộ của bố cô ( mất năm 1944 ).Đây cũng là nơi an nghỉ của con gái Marcelle (mất năm 1935 ) và người chồng cuối đời Théo Sarapo sau khi qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1970. Nếu trong cuộc đời có lúc phải chịu cảnh cô đơn thì sau khi giã từ cõi tạm lúc nào Édith Piaf cũng thấy ấm cúng giữa đám đông người hâm mộ. Mãi tận hôm nay mộ Édith ngày nào cũng phủ đầy hoa tươi của đông đảo khách viếng từ khắp nơi trên thế giới. Đông đảo tín đồ âm nhạc vẫn đến quảng trường mang tên Édith Piaf, nằm ở góc các đường Belgrand, Capitaine Ferber, và la Py, gần bệnh viện Tenon nơi bà chào đời để tưởng niệm trước bức tượng của bà, được thị trưởng Paris Bertrand Delanoë cho dựng lên vào ngày 11/10/1963 nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của ngôi sao này. Đông đảo người quan tâm đến sự nghiệp và cuộc đời của bà vẫn đến thăm bảo tàng Édith Piaf ở số 5 đường Cresoin du Gast, quận 11 Paris, nơi trưng bày đầy đủ những kỷ vật lưu niệm. Nhiều tác phẩm kịch nghệ và điện ảnh đã được thực hiện để vinh danh cuộc đời ( vở kịch "Piaf je t'aime" năm 1996 ) và những tác phẩm để đời của Édith Piaf, trong đó không thể không nhắc tới bài hát La vie en rose. Cho đến nay không ít hơn 30 nghệ sĩ lừng danh thế giới đã từng thể hiện ca khúc này : Patricia Kass, Yves Montand (Pháp), Marlene Dietrich ( Đức ), Placido Domingo ( Tây Ban Nha ), Dean Martin, Ella Fitzgerald, LouisArmstrong, Cyndi Lauper (Mỹ), Bạch Yến, YÙ Lan ( Việt Nam ) ... Điều thú vị là có những cuốn phim không liên quan đến tác giả nhưng xem phim khán giả vẫn nghe được giai điệu bất hủ của Đời màu hồng : Phim Sabrina ( 1995 ) Đạo diễn Sydney Pollack, diễn viên Harrison Ford, Julia Ormond, Greg Kinnear. Phim French Kiss (1995). Đạo diễn Lawrence Kasdan, diễn viên Meg Ryan, Kevin Kline, Timothy Hutton. Phim Something's Gotta Give (2003 ) Đạo diễn Nancy Meyers, diễn viên Jack Nicholson, Diane Keaton, Keanu Reeves. Và, tất nhiên rồi, cuốn phim thuật lại đầy đủ và trung thực nhất cuộc đời của Édith Piaf là La Môme của đạo diễn Pháp Olivier Dahan ( tháng 2 năm 2007 ). Phát hành ngoài nước Pháp phim lấy tên là La vie en rose, do diễn viên trẻ Marion Cotillard vào vai Édith Piaf. Với vai diễn này, Marion Cotillard đã được trao giải Oscar ( 2008, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.) Édith Piaf qua đời hơn nửa thế kỷ rồi nhưng tiếng hát của bà vẫn vượt không gian và thời gian, còn ngân mãi trong tim bao thế hệ người yêu nhạc. Hơn thế nữa, cuộc đời của một người sinh ra trong nghèo khốn giữa thời loạn ly, từ cô bé hát rong tiến lên thành ca sĩ phòng trà để cuối cùng trở thành danh ca của các thính phòng, đại hý viện, vẫn mãi là tấm gương về nghị lực phi thường để vượt lên số phận bằng yêu thương và công việc. Édith, người có nghe không, cả thế giới vẫn còn nói mãi Piaf, je t'aime ?
|
_______________________________________________________________________________
(1).
Sous le ciel de Paris. Tên bài hát, lời Jean Dréjac, nhạc Hubert
Giraud.(1954)
|
|