Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả
]
|
Tác
giả : Shiba Ryotaro
|
Đêm tối, mưa rơi. -"Anh à, hôm nay em thấy ma trên phố đấy!" Vợ Yujiro là Onui vừa giúp chồng thay áo vừa nói, mặt tái xanh, vừa nói vừa nuốt nước miếng, có vẻ sợ hãi lắm. -"Không phải em trông lầm đâu. Rõ ràng lắm kia. Chứ ngay giữa ban ngày mà. Hình dạng như là võ sĩ ấy!" -"Làm gì có!" Kimura Yujiro ngồi xuống trước mâm cơm. Anh làm việc trong Huyện đường cai quản vùng Gojo này. -"Thật mà!" Yujiro chỉ nghĩ là Onui đang có bầu 6 tháng, không phải là tình trạng thân thể bình thường, nên đã nhìn lầm gì đấy thôi. Khoảng sau trưa, Onui đã đi công chuyện nơi cuối phố, lúc sắp sửa rẽ qua góc hàng rào dài của chùa Shingon bỗng thấy qua màn mưa, một người võ sĩ mặc áo vải màu đen chạy lại. Tóc anh ta không búi lên, mà rối bù, miệng lại cười đến như toét cả mặt ra, chạy bay đến, rồi chạy bay qua mặt. Onui chợt rùng mình. Onui quay đầu lại nhìn theo, thì đã biến đâu mất, chẳng thấy bóng dáng ai trên con đường dọc theo dãy hàng rào dài của chùa này cả, khiến Onui lại càng hoảng vía. Ở vùng thung lũng này, người ta thường đồn rằng khoảng mùa Vu Lan thì mèo hoá quỷ, bắt cả người sống lẫn hồn ma nhảy múa. Có lẽ Onui đã nghe mãi những lời đồn như thế đến nhập tâm rồi, nên liên tưởng ra chuyện ma quỷ ấy. -"Chắc là người điên gì đấy chứ gì!" -"Không phải!". Onui lắc đầu. Mà đúng thế, khu phố nhỏ, người nào điên, người nào khùng, Onui đều biết cả mà. -"Thế có đeo hai thanh kiếm dài ngắn không nào?" -"Hình như có... À, có đeo chứ. Chắc chắn là võ sĩ đấy!" -"Thế thì lạ quá. Khu phố này, võ sĩ thì chỉ có quan Huyện lệnh, với bọn anh 13 người công chức địa phương thôi mà". -"Chắc chắn là võ sĩ rồi. Tuổi chừng 35, 36. Em nhớ rõ ràng cả phù hiệu trên áo nữa. Hoa cúc nổi trên nước đấy". -"A......" Yujiro sửng sốt đến suýt đánh rơi cả đũa. Anh đã nghe đồn về người mặc áo có phù hiệu như thế. Đó là Inui-juro. |
Inui-juro (tên lúc nhỏ là Yoshizo) là con một nhà may áo quần. Nhà gốc ở xóm Kitanocho dưới dốc cửa nam chùa Sakurai xóm Kosatsu trong vùng Gojo này. Yujiro cũng biết anh ta. Cũng đã nghe nói là anh ta sớm rời bỏ vùng này, lên hành nghề y sĩ không nhiều khách mấy ở xóm phía đông cầu Sujikaibashi ở bến tàu phía bắc của thành phố Osaka. -"Em à, thế thì không phải hồn ma mà cũng chẳng phải người bị quỷ ám gì cả đâu. Thứ người này còn khó xử trí hơn thế nữa kia." -"Thứ người gì thế?" -"Chẳng phải là võ sĩ đâu. Lợi dụng thời buổi uy quyền của Mạc Phủ suy yếu mà giả dạng lãng sĩ (võ sĩ mất chủ tướng hay bỏ phiên trấn nhà) đấy. Em sinh sau khá lâu nên chắc không biết, chứ bọn anh hồi con nít, đã nghe đồn rằng Yoshizo con tiệm may ấy, từ năm lên bốn đã thuộc lòng sách Mạnh Tử rồi. Anh ta là người thông minh đến thế đấy. Người em thấy trên phố chính là Yoshizo đã trở về khu phố này rồi". Yujiro năm nay 28 tuổi, thời niên thiếu đã nghe lời đồn như thế truyền tụng khắp khu phố, tuy lúc bấy giờ, Yoshizo con tiệm may ấy đã lên Osaka từ lâu rồi. Cha Yoshizo tiếc tài học của con mình, đã muốn nó trở thành y sĩ hay tăng lữ. Đối với con nhà thứ dân trong khu phố, thì chỉ có hai đường tiến thân như thế mà thôi. Nhưng nghe đâu, người cha đã mất của Yujiro thương tình cậu bé hiếu học Yoshizo nên có thời đã lãnh cậu về Huyện đường mà cho theo đuổi việc học vấn. Vậy mà hoá ra chuyện không hay. Ông đã tạo cho cậu bé Yoshizo một niềm hy vọng quá lớn rằng tùy thành tích học vấn mà cậu cũng có thể trở thành quan lại được tuyển dụng tại địa phương. Huyện đường Gojo quản trị lãnh địa 7 vạn hộc [1] này ở đất Minami-Yamato vốn trực thuộc Mạc Phủ. Quan Huyện lệnh (Daikan) là một bộ tướng Hatamoto của Chúa Tokugawa, được phái đến từ Edo [2]. Dưới quyền quan có hai tầng lớp quan lại, là Thân quan (Tetsuki), và Tuyển quan (Tedai). Thân quan là cán bộ quản lý trong Huyện đường, tương đương với cấp Thanh tra (Yoriki) trong Sở Chưởng quản Thành phố. Cấp quan này phần đông là gia thần, thuộc hạ trực tiếp của Chúa Tokugawa, do cạnh tranh vào các chức vụ ở Edo bị thua, phải đi trú nhậm ở địa phương, nên phần nhiều là bọn không có khả năng, không có học vấn gì mấy. Còn Tuyển quan là loại công chức được thu dụng ngay tại địa phương. Những người xuất thân thứ dân được tuyển lựa tại chỗ, phần nhiều là những người có trình độ học vấn cao, quá 20 tuổi được dự thi kỳ thi trắc định năng lực vô cùng khó khăn, đậu cao mới được tuyển. Ngay như Yujiro có cha là Tuyển quan, cũng đã phải ban ngày làm việc vặt trong Huyện đường, ban đêm cặm cụi học thi, lao khổ đến bật máu. Lắm người thi hoài không đậu, phải tiếp tục làm việc vặt như thế mãi thì hay bị các đàn anh đã làm Tuyển quan mắng nhiếc rằng: -"Mày định sống bám vào cơm thừa nhà quan cho đến bao giờ đấy hả?". Bởi Thân quan trưởng phòng hành chánh giao cho bếp nhà mình việc nấu thêm phần cơm cho bọn người làm việc vặt này. Nói gì đi nữa, vào được cấp Tuyển quan là gia nhập giai cấp võ sĩ rồi. Quan Huyện lệnh và đám Thân quan đều là gia thần của Mạc Phủ cả, còn đám Tuyển quan chỉ là chuẩn gia thần mà thôi, tương đương với cấp cảnh sát trơn (Doshin) trong Sở Chưởng quản Thành phố. Tuy ở đất Gojo này thì có quyền thế hơn là cảnh sát thành phố. Đi công vụ tuần tra các làng xóm thì dắt theo hai bộ hạ, một người xách giúp thanh kiếm dài trong bao da nhuộm, người kia gánh hành lý vật dụng, còn mình thì mặc áo bào, quần cộc võ sinh, dắt theo thanh đoản kiếm đặc biệt có hơi dài gọi là Nozashi, trong túi có thêm cây thập thủ [3] mạ bạc nằm trong bao bằng len. Đôi khi cưỡi ngựa đi tuần. Trang phục đi đường cỡ này thì tuy không có lính vác thương theo hầu, nhưng cũng oai vệ hơn nhiều so với đám phiên sĩ lãnh lương 100, 200 hộc của các phiên trấn nhỏ. Nghe đâu cậu Yoshizo con tiệm may ấy đã phải đem thân cho người ta sai bảo làm việc vặt trong Huyện đường, đúng là sống bám vào cơm thừa nhà quan như thế, suốt hai năm trời. Rồi bỏ trốn mất. Lý do thì dễ hiểu. Tuyển quan trên nguyên tắc thì được tuyển từ thứ dân, và chỉ đời nào làm quan đời ấy mà thôi, nhưng thực tế vẫn là thế tập. Con của Tuyển quan lại trở thành Tuyển quan. Người cha làm quan đem học vấn và kinh nghiệm làm việc truyền lại cho rồi gửi con đi thi. Việc khảo thí khá nghiêm cẩn, nhưng người con nào thi hỏng nhiều lần thì cũng được các quan chấm thi từ bi châm chước cho đậu. Và tổng số Tuyển quan là khoảng trên dưới mười người, không hơn được, nên nhà nào tuyệt dòng, không có con nối dõi, thì tên nhà đó được bán lại với giá cao. Lúc hiểu ra được cơ cấu lề thói như thế, cậu Yoshizo đâm ra tuyệt vọng. Bao nhiêu khổ nhọc đem thân cho người ta sai bảo như đứa ở suốt mấy năm trời, rốt cuộc chẳng có ích lợi gì. Có lần, một Thân quan sai Yoshizo rửa nghiên mực. Yoshizo rửa ở bờ giếng sẩy tay làm rớt, nghiên mực vỡ đôi. Quan nổi giận đùng đùng, quát mắng: -"Thằng khốn kia, lắp hai mảnh đó lại, lấy tay giữ cho chặt, đừng để mực chảy xuống; đứng bên bàn đây mà giữ nghiên mực ấy suốt từ sáng đến tối cho ta!". Yoshizo ứa nước mắt mà chịu hình phạt ấy trong ba ngày liền. Đến ngày thứ tư, Yoshizo cầm nghiên mực ấy ném vào người quan, rồi chạy trốn khỏi đất Gojo. Yujiro đã nghe đồn như thế. Khi chuyện đã lắng dịu thì Yoshizo cũng đã có lần trở về Gojo làm phụ tá bưng hộp thuốc cho thầy thuốc làng là Morita Jin-an. Jin-an là em ruột của Morita Sessai (1811-1868), người được xem là danh nho cuối thời Mạc Phủ. Nhưng chưa tới nửa năm thì Yoshizo bỏ đi Otsu ở Omi, vừa làm nghề đấm bóp dạo vừa theo học Umeda Unbin (1815-1859), được dạy cho tư tưởng Đảo Mạc (đánh đổ Mạc Phủ). Sau đó, thỉnh thoảng lại trở về Gojo. Có lẽ cũng còn làm nghề đấm bóp dạo, nên đầu cạo trọc lóc. Người ta đồn là hay thấy anh ta bửa củi ở nhà cũ trong xóm Kitanocho. Cầm cây búa cán dài, mỗi lúc bửa xuống lại hét lên: -"Đồ Mạc Phủ!". Mùa thu năm ngoái, trên đường trong xóm Kicho, Yujiro tình cờ gặp mặt anh ta lúc đó đã trở về Gojo. Bấy giờ Yoshizo đã xưng tên mới là Inui-juro, hành nghề y sĩ trong xóm Uonotana ở khu Korai-hashi gần bến bắc của thành phố Osaka. Đã được biết tiếng trong giới chí sĩ lãng sĩ Cần Vương ở vùng Kyoto-Osaka này, kết thân với Sakamoto Ryoma, lãng sĩ Tosa, kinh doanh trường dạy về Hải quân ở thôn Kobe, hay Mutsu Yonosuke (Mutsu Munemitsu, 1844-1897, bộ trưởng ngoại giao thời Minh Trị), lãng sĩ Kishu. Trước khi gặp, Yujiro đã có nghe đồn về Inui-juro cũng là Yoshizo ấy, nhưng không nhớ mặt. Thoạt đầu, Yujiro cứ ngỡ anh ta là người điên! Người vùng Gojo kháo nhau rằng anh ta có khuôn mặt như "thùng đàn ba dây samisen", thật to mà vuông vức. Chân tay ngắn ngủn, người cao đâu chừng 5 thước (khoảng 1 mét 5), hai chân mày giao nhau, mắt sáng rực. Tóc không cạo phía trước trán mà cũng không búi lên, lại xoã dài xuống tận vai. Đeo theo một thanh đoản kiếm thô kệch, choàng áo vải màu đen xốc xếch, trông cứ như là thầy bói đi ăn mày. Chỉ có phù hiệu trên áo là sáng chói! Phù hiệu hoa cúc nổi trên nước của trung thần Kusunoki Masashige (võ tướng, 1294-1336) đời Nam Triều (1331-1392). Nhìn phù hiệu danh tiếng đặc biệt ấy, Yujiro nhận ra ngay đấy là hình dung đã biến đổi dị thường của Yoshizo như người ta đồn bao lâu nay. Tất nhiên, vào thời đó thì ngay cả những nhà thứ dân cũng đã có phù hiệu riêng của nhà mình. Nhưng phù hiệu của nhà Yoshizo là kiếm và hoa trong khung hình thoi kia mà. Anh ta đã đổi sang phù hiệu của Kusunoki Masashige đang là biểu tượng của phái Cần Vương, khiến Yujiro khinh miệt là thói theo đuôi Cần Vương thật lộ liễu thô bỉ. Ngay cả lúc Inui-juro ở Osaka, thấy anh ta xõa tóc như thế ngồi bàn chuyện đánh đổ Mạc Phủ, các đồng chí của anh ta đã bảo là: giống hệt như Yui Shosetsu (Yui Masayuki, nhà binh học, 1605-1651). Yui Shosetsu là người đã mưu phản Chúa Tokugawa vào thời kỳ đầu của Mạc Phủ, cũng đã xoã tóc dài như thế, và cũng đã ngụy xưng là con cháu của Kusunoki Masashige mà mặc áo có phù hiệu hoa cúc nổi trên nước ấy. Inui-juro rất khoái được cho là giống Yui Shosetsu nên đã ghi vào nhật ký, và tự mình đã khoe chuyện đó với người khác nữa. Yujiro bước đến gần Inui-juro. Thông thường, người trong vùng này thấy mặt Kimura Yujiro là Tuyển quan trong Huyện đường thì ai cũng khom lưng cúi chào cả. Nhưng Inui-juro vẫn bình thản dợm bước ngang qua. Yujiro thử lên tiếng để anh ta dừng lại: -"Tôi là con của Kimura Sanjuemon đây". Inui-juro sửng sốt. Có vẻ lần đầu tiên nhận ra được con trai của Kimura Sanjuemon, ân nhân của anh ta thời niên thiếu. Cơn sửng sốt qua đi thì Inui-juro đổi sang thái độ khúm núm đến làm cho Yujiro cũng phải ngán ngẩm. Anh ta cười giả lả: -"Thế thì tôi thật có lỗi quá. Ngài Kimura đã cứu giúp tôi thời niên thiếu, thế mà khi nghe tin ngài qua đời thì tôi lại ở nơi xa, không đến dâng được một nén hương, không đành lòng mà phải chịu thất lễ. Hoá ra ngài đây là quý công tử của ân nhân tôi đấy ạ! Vậy mà tôi cũng không được biết..." Lời nói khéo léo nghe mà rùng mình! Yujiro là người không thể làm ra vẻ mặt giả tạo được, nên bất giác mỉm nụ cười mai mỉa. Inui-juro là người mẫn cảm nên nhận ra ngay, hơi cau mặt lại. Nhưng vẫn không ngưng lại được lời chào hỏi dài dòng đã buột miệng ra, mà còn vẽ rắn thêm chân: -"Tôi cũng vừa mới viếng mộ ngài Kimura về đây chứ!". Mộ phần của nhà Kimura thì không ở Gojo này. Tuy cũng trong vùng Yamato nhưng lại ở tận chùa Taima huyện Kitakatsuragi (thuộc tỉnh Nara)kia. Yujiro nghĩ chẳng lẽ anh ta lại đi đến tận đấy sao, nên bất giác mà hỏi: -"Anh biết được chỗ thật giỏi quá. Thế anh đã đến chùa nào?" Inui-juro nghẹn lời, rồi nói liều: -"Chùa Sakurai". -"A, chùa ấy thì không có mộ của nhà chúng tôi đâu. Bởi nhà chúng tôi theo tông Jodo (Tịnh độ) mà". Hẳn là thói quen đáng phàn nàn của đám công chức đã khiến Yujiro vô tình mà hỏi vặn như thế! -"Ha ha ha! Thế thì tôi đã viếng lầm mộ của ai khác rồi! A ha ha! Dù sao thì cũng chẳng phải là chuyện quan trọng". Inui-juro đổi cây quạt sắt sang tay khác, nhún vai rồi bước đi mất. Về sau, nghe người ta mách là từ đó Inui-juro cứ đi nói xấu Yujiro là "đồ tham quan ô lại". Yujiro thấy đấy là thói xấu của những kẻ hèn nhát mà ưa làm bộ oai dũng. Yujiro là người được sinh ra trong một nhà khá giả, may mắn không khổ nhọc gì lắm cũng kế thừa được chức vụ của cha mình, nên không hiểu được tâm tình của Inui-juro là kẻ đã cố công cực khổ mà vẫn không được tuyển thành quan lại. Sau đó, có lần Yujiro đã thấy được một bài thơ do Inui-juro sáng tác: Liễu lộng khinh
phong hoa lộng yên
(Liễu đùa gió
nhẹ, hoa đùa khói,
Phỏng dịch: Liễu đùa gió
nhẹ, khói vờn hoa
So với ấn tượng Yujiro đã có về con người ấy, thì bài thơ hay quá cỡ anh ta. Một người làm được thơ xuất sắc đến như thế, cớ sao lại không được tuyển làm quan ở một lãnh địa nhỏ chỉ 7 vạn hộc như đất Gojo này chứ? Trót sinh nhằm một nhà hèn hạ hẳn là một tội mà anh ta phải chịu phạt rồi. Ý nghĩ ấy của Yujiro cũng đã là ý nghĩ chung của cả giới quan lại đương thời, dưới thể chế Mạc Phủ, dù chức quan lớn hay quan nhỏ cũng thế. Nhà làm tiệm may ở xứ quê mùa thế này, mà lại sinh ra đứa con có tài đến như Inui-juro thì rốt cuộc bắt đứa con phải chịu tội thôi. Có khi lại còn gây ra tội phạm làm hại xã hội nữa. Về sau, nhờ có người quen làm sư quản trị ở chùa Sakurai vùng Gojo này, tên là Rainin, thời niên thiếu đã là bạn đồng song của Inui-juro, nên Yujiro biết thêm được nhiều điều về Inui-juro. Sau thời gian làm nghề đấm bóp dạo ở Otsu, Inui-juro đã lưu lạc đến Osaka, ở đậu giúp việc khám bệnh cho thầy thuốc Hara Saichi trong khu phố Gochome gần cầu Koribashi, rồi mở phòng khám bệnh ở xóm phía đông cầu Sujichigai. Vị trí sang quá, khách không dám đến, nên đã dời nhà đến xóm Uonotana có nhiều tiệm bán cá gần cầu Koraibashi. Và lấy vợ ở đấy. Vợ tên là Kiku, em của Matsubee bán rau trái nấu món chay ở xóm Takikawa khu Tenma. Những tưởng về làm vợ một y sĩ nghiêm cẩn, nào ngờ nhà Inui-juro có nhiều lãng sĩ ra vào, chẳng hiểu là những người như thế nào mà cứ họp nhau uống rượu bàn chuyện quốc sự, cao hứng lên lại rút kiếm ra múa, cao giọng ca hát hay ngâm thơ, khiến Kiku khiếp sợ, ba tháng sau là trốn về nhà cha mẹ. Không bao lâu sau, Inui-juro lấy vợ khác, là Iou, con của lãng sĩ Himeji là Naruse Seizaemon mở trường dạy Hán học ở dốc Takasu Kitasaka. Và có một đứa con gái với người vợ này. Có vẻ Inui-juro làm y sĩ không mát tay mấy. Người ta đồn rằng có lần anh ta chưa trở về tới nhà đã thấy người nhà bệnh nhân chạy theo báo: -"Thưa thầy, bệnh nhân vừa tắt thở". Inui-juro đã nhếch mắt nhìn lên khoảng không mà lầm bầm: -"Thôi, chết rồi!" ra dáng lang băm lỡ tay gì đấy, thật buồn cười. Có lẽ anh ta là nhà thơ hơn là y sĩ. Yujiro được Rainin cho xem một bài thơ Inui-juro mới làm, mà Yujiro phải chịu là hay: Hiểu quan môn xuất
địch quân xung
(Sáng sớm ra
cửa ải đến nơi hiểm yếu của quân địch,
Phỏng dịch: Sáng sớm ra ải
xem địch quân
Từ câu: Xuân phong bất đãi đông thiên bạch (Gió xuân không chờ được trời sáng trắng phương đông) mà xét thì Yujiro nghĩ đó là bài thơ mơ tưởng đến chuyện thảo phạt Mạc Phủ. Inui-juro ấy, nay trở lại xứ Gojo này đấy. -"Người xấu đấy ạ?", Onui hỏi. -"Chẳng phải là người tốt đâu". Yujiro kể cho vợ nghe chuyện Inui-juro bửa củi. Người vừa bửa củi vừa hét "Đồ Mạc Phủ!", "Đồ Mạc Phủ!", thì chẳng thể nào lại là người có tâm địa tốt được. -"Thật thế sao?" Onui nghe chuyện mà không tin nổi, đến phải bật cười. Làm thế nào ở chốn yên tĩnh thế này mà có thể có người mưu chuyện phản loạn thế được! Mà lại là con tiệm may ở Kitanocho, và y sĩ xuất thân là người đấm bóp dạo nữa! |
Hôm sau, ở Huyện đường, Yujiro nghe một tin quái lạ. Rằng dân làng Totsukawa đang dao động mạnh. Làng này ở trên núi, cũng trực thuộc Mạc Phủ, từ thời thượng cổ là đất cư trú của giống dân đặc biệt gọi là "Kuzu", có truyền thuyết rằng dân làng này đã giúp Thiên hoàng Jinmu (660-585 trước Tây lịch) trong cuộc Đông chinh, rồi từ thời đại của Vương triều Yamato (300-700), mỗi khi triều đình có chuyện là tất cả dân làng võ trang đến giúp, lệ ấy đã trở thành truyền thống của làng. Từ xưa, làng đã tham gia vào việc dẹp loạn Jinshin (672), và thời Nam Bắc Triều (1331-1392) cũng đã ra quân giúp vua dẹp loạn rồi. Tư tưởng Cần Vương hiện nay là sản phẩm của quan niệm mới của thời đại, còn truyền thống phò vua của làng Totsukawa thì phải nói là độc nhất trong thiên hạ rồi, không có nơi nào khác có được. Khắp làng không có đất ruộng, nên dân làng sống bằng nghề đốn củi, đốt than và săn bắn; vì không sản xuất lúa gạo nên từ thời Toyotomi Hideyoshi (1536-1598, quyền trùm thiên hạ từ 1590) vẫn tiếp tục được miễn tô thuế. Dân làng này quen được gọi là "hương sĩ Totsukawa", nhưng chỉ là danh xưng theo thói quen, thế thôi, chứ thân phận vẫn chỉ là thứ dân, không phải thuộc loại "hương sĩ" là cấp võ sĩ ở thôn quê mà chế độ của Mạc Phủ đã đặt ra. (Mãi sau này, do công trạng trong cuộc Duy Tân, làng này đã được chính phủ Minh Trị phong xưng hiệu võ sĩ cho tất cả dân trong làng). Làng Totsukawa mới đây đã nhận được một sắc chỉ kỳ dị từ triều đình ở Kyoto, gọi là "Sắc chỉ từ Thân vương Nakagawa-no-miya". Dạy rằng phải lãnh nhiệm vụ bảo vệ cung khuyết ở kinh đô. Điều này vượt ra ngoài khuôn khổ, bởi việc bảo vệ cung khuyết ở kinh đô thì đã được hạ chỉ cho các phiên trấn giàu mạnh như Aizu, Choshu, Satsuma, Tosa, Geishu rồi, cớ gì lại kêu gọi một làng thứ dân phải xuất binh như một phiên trấn? Thế nên, đám chức sắc trong làng Totsukawa sửng sốt. Mà triều đình thì thời bấy giờ đâu phải là chính phủ. Mạc Phủ mới là chính phủ duy nhất trong nước Nhật; Mạc Phủ không ra lệnh thì làng đâu có tuân theo sắc chỉ của triều đình mà làm gì! Tất nhiên, trong làng này cũng có phái quá khích. Đã có vài người trong số đó tiếp tục hoạt động cho phe Cần Vương, tham gia ở các căn cứ Cần Vương là các dinh cơ của phiên trấn Choshu hay Tosa ở kinh đô Kyoto. Họ chủ trương phải đáp ứng sắc chỉ xuất binh đó. Thế là trong làng trên núi này cũng đã xảy ra đấu tranh giữa hai phái. Tin đó đã truyền đến Huyện đường Gojo là cơ quan cai trị của Mạc Phủ ở vùng Yamato này. Tin truyền đến dưới dạng yêu cầu không chính thức từ các chức sắc thuộc phái bảo thủ trong làng. Huyện đường họp lại bình nghị. Trong số 13 công chức, người xướng lên thuyết cứng rắn nhất là Kimura Yujiro. Lý luận của anh là: -"Cả làng xuất binh như thế là bỏ làng mà đi đấy". Thứ dân bá tánh bỏ làng xã, ruộng đất, mà tràn qua địa phương khác một cách hỗn loạn như thế thì bị cấm ngặt trên pháp luật của Mạc Phủ từ đời tằng tổ đến nay. Cho dù dưới danh nghĩa Cần Vương đi nữa, từ lập trường của quan hành chính Mạc Phủ thì đấy là tội bỏ làng mà đi chứ chẳng còn gì khác cả. -"Tôi nghe rằng gần đây trên kinh đô, các phiên sĩ hay lãng sĩ của các phiên trấn từ Choshu đến Satsuma, Tosa, cứ tha hồ tiếp cận các quan trong triều, các thân vương, mà ra sức thuyết phục chuyện Cần Vương. Và các triều thần cũng dao động vì lời thuyết phục dai dẳng ấy. Nghe đâu chẳng bao lâu nữa, có thể triều đình sẽ có hành động bất chấp Phủ Chúa. Thế nhưng, xách động cả bá tánh trong lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ như thế này thì rõ ràng là hành vi quá đỗi ngạo mạn của triều đình rồi". Cả bọn Thân quan, Tuyển quan trong Huyện đường đều đồng cảm với lời thuyết giải của Yujiro, ai nấy im lặng gật đầu. Nói gì đi nữa, không kể Inui-juro nổi danh thần đồng, trong vùng này, Yujiro xưa nay vẫn được biết là người thông tuệ nhất. Yujiro đã nói thế thì không còn sai vào đâu được. -"Anh nói đúng lắm!". Cụ Hasegawa Taiji là Thân quan chủ quản hành chính trong Huyện đường vỗ đùi, vui mừng nói như thế. Cụ cũng là cha vợ của Yujiro, xưa nay vẫn tự hào về chàng rể của mình. Nhưng quan Huyện lệnh Suzuki Gennai thì không bày tỏ ý kiến gì mà chỉ bảo: -"Thôi, để sang ngày mai!" rồi chấm dứt buổi họp mất. Khiến từ Yujiro đến các quan khác, ai cũng ấm ức về thái độ nửa chừng nửa đỗi của quan Huyện lệnh. Ngày hôm đó cũng mưa. Ngọn núi Kongosan ngay phía tây của khu phố, bị che phủ trong màn sương mù. Bầu trời phía đông có phần sáng sủa hơn, dãy núi Kumano ló đầu lên trên tầng mây dày đặc. Trong gần ba trăm năm Phủ Chúa Tokugawa cai quản, phố phường Gojo đều đều thở nhịp bình an trong phong cảnh như thế. Biến động đang làm rối trí 13 vị quan trong Huyện đường như lần này thì chưa hề xảy ra ở nơi đây, mà có lẽ ba trăm năm sau nữa, cũng thế thôi. Ngay cả người trai trẻ Yujiro cũng nghĩ như thế. Hôm sau, Yujiro rời Huyện đường, vừa về đến dãy nhà của mình thì có người nhà của quan Huyện lệnh đến bảo: -"Quan muốn gặp anh có chút chuyện". -"Quan gọi à? Thế thì tôi đến ngay" Ở công đường hay trên phố, người ta vẫn quen gọi kính quan Huyện lệnh Suzuki Gennai là "Quan" như thế. Quan mới từ Edo đến năm ngoái, chưa hiểu rõ tình hình lãnh địa này. Nhà Suzuki hưởng bổng lộc bảy trăm hộc, đã là bộ tướng của Chúa từ thời Phủ Chúa Tokugawa khởi nghiệp ở đất Mikawa. Mạc Phủ muốn thực thi một nền chính trị liêm chính theo kiểu Nho giáo đối với các lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, nên khi chọn quan cai trị ở các địa phương thì nguyên tắc là chọn người có học vấn, kiến thức phong phú, không tham lam, trong đám gia thần của Chúa. Bởi nhà Chúa muốn các lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ làm gương sáng về chính trị cho các Lãnh Chúa chư hầu noi theo. Vì thế, các quan Huyện lệnh cha truyền con nối thì chẳng nói làm gì, chứ các quan do nhà Chúa phái đi thì hiếm có người tham quan ô lại. Suzuki là người có thể nói là được đúc trong khuôn Nho giáo ấy. Một học giả thâm nho, nhiệt thành muốn thực thi một nền cai trị liêm chính, đến nỗi có khi bị đám công chức địa phương như Yujiro thấy có vẻ ngây thơ nữa. Yujiro đến nhằm lúc Suzuki đang ghi vào nhật chí cai trị, trong phòng văn. Quan làm việc này đã năm năm nay rồi, từ thời còn ở Edo. Yujiro vào phòng bên cạnh ngồi chờ. -"Đến rồi đấy à?" Quan đặt bút xuống, ngước mắt lên nhìn. Khuôn mặt dài quá khổ, trông giống một diễn viên nổi tiếng trên Edo. -"Hôm qua, về chuyện làng Totsukawa, ta không đồng ý với lời bàn của anh. Một làng trong lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ mà được gửi quân lên kinh đô bảo vệ cung khuyết của Thiên hoàng thì là một vinh dự đấy chứ. Ta định cho gọi bọn chức sắc trong làng đang phản đối ấy lại để thuyết phục đấy". Lời nói ấy thật là đáng ngạc nhiên, từ miệng một vị quan cai trị do Mạc Phủ bổ nhiệm. Yujiro sửng sốt. Có lẽ một học giả sinh trưởng trong nhà quyền quý làm bộ tướng của Phủ Chúa thì là người suốt đời theo quan-niệm-luận đấy. Không sao suy nghĩ như Yujiro là người đã phải cực lực làm việc và học tập đến bật máu mới đạt đến chức vụ ngày nay. Yujiro nhích đầu gối tới mà nói: -"Thưa, không đâu! Ngài là người đọc sách nhiều, tự nhiên, ngài có suy nghĩ theo hướng Cần Vương đang thịnh hành hiện nay, thì cũng là điều thường tình. Thế nhưng, thực tế công việc thì không thể theo tư tưởng ấy được. Nếu như theo lệnh của triều đình mà cho hết bá tánh trong lãnh địa này lên kinh đô, rồi có sắc chỉ từ triều đình bảo giao luôn lãnh địa 7 vạn hộc này cho triều đình, thì ngài sẽ làm sao?" -"Chuyện đó không thể xảy ra được". Quan Huyện lệnh mỉm cười. -"Giả thuyết của anh cực đoan quá". -"Thưa, trên lý thuyết thì đúng như thế. Người ta nói cả con đê có thể đổ sụp từ một lỗ kiến nhỏ kia mà! Thể chế Mạc Phủ này có thể đổ sụp chỉ từ một lỗ kiến nhỏ là làng Totsukawa ấy đấy". -"Anh thật là người suy luận quá xa!" Suzuki Gennai cười lớn, nhưng cũng có thiện cảm đối với sự mẫn tuệ của Yujiro. -"Uống rượu tí đi!". Quan đưa Yujiro qua phòng uống trà: -"Này Yujiro, nhà anh làm việc ở đây là đời thứ mấy rồi?" -"Thưa, từ đời cha của tiện nhân. Trước đấy thì là gốc nông dân". Vì vậy, họ hàng thân tộc nhà Kimura Yujiro phần lớn là thứ dân cả. Mỗi lần giỗ chạp, Yujiro đều được ngồi trên cả gia chủ nữa. Anh được trọng vọng vì là: "Người võ sĩ duy nhất từ dòng họ chúng ta đây". Chú bác của anh khi ngà ngà say lại lè nhè bảo anh: -"Giảm thuế hàng năm cho đi nhé!". -"Thưa, tiện nhân nghe rằng dòng dõi của ngài đã liên tục phục vụ Phủ Chúa, từ đời tổ đã phụng sự cho thân phụ của ngài Gongen (Tokugawa Ieyasu, khai sáng ra Mạc Phủ), thế thì truyền thống thật là lâu đời!" -"ƯØ. Ở đất Mikawa có làng tên là Sakenomi, dòng họ Suzuki lấy chữ Ki (Mộc) từ trong danh xưng Tsuigi (Chùy Mộc) của một ngôi nhà cổ trong làng ấy. Tổ Suzuki Tonai (Suzuki Shosan, 1579-1655) đã tham gia trên 60 trận đánh cùng với Chúa Ieyasu, không kém ai cả. Nhờ vào võ công nơi đầu tên mũi đạn ấy mà ba trăm năm nay, con cháu dòng họ Suzuki được cơm no áo ấm trong lộc Chúa đấy". -"Hẳn là ngài nhớ Edo lắm?" -"ƯØ, có lẽ thế thật". Cuộc rượu thật vui thích. Quan chỉ uống chút ít như nếm rượu, nhưng cách uống rượu cũng có phẩm cách cao quý như đã trau chuốt qua ba trăm năm của dòng họ. -"Anh Yujiro có mong ước gì không nào?" -"Thưa, được trở thành Thân quan đấy. Thông thường thì Tuyển quan không trở thành Thân quan được, nhưng tiện nhân nghe nói chuyện Tuyển quan do thành tích xuất chúng mà được đề bạt lên cũng chẳng phải là không có". -"Tuyển quan cũng tốt vậy chứ!". Quan nói, như an ủi. Nhưng Yujiro thì không chia sẻ tâm tình ấy của quan là người may mắn sinh ra trong dòng dõi quyền quý. Năm trước đây, Yujiro đã có lần đi công vụ lên dinh quan Chưởng quản Osaka. Từ Yamato đến Osaka thì đường đường cưỡi ngựa, có ngựa thồ hành lý và người hầu đi theo, đến chừng vào trong dinh cơ của quan Chưởng quản Osaka thì phải khom lưng cúi đầu xuống mà bước. Bởi về mặt chức phận, thứ Tuyển quan như anh chỉ là do các Huyện đường tùy tiện tuyển chọn ra, nên đến chốn công đường khác thì chỉ là bình dân mà thôi; ăn mặc như dân thường, ngay cả đoản kiếm cũng không được đeo nữa. Lúc đó, Yujiro đã ao ước được trở thành ít nhất là Thân quan. Từ đấy, Yujiro điều nghiên xem có cách gì để được thu dụng làm Thân quan chăng. Tuy ở Huyện đường Gojo không có tiền lệ nào cả, nhưng nói chung trong tất cả các Huyện đường, thì vào thời quyền uy của Mạc Phủ còn thịnh, như niên hiệu Kyoho (1716-1735) có một người, niên hiệu Meiwa (1764-1770) có hai người đã được thu dụng như thế rồi. Đều là những công chức có tài năng, thông suốt việc hành chính, kinh tế, trong lâm nghiệp, trị thủy, thủy lợi. Vì vậy, Yujiro chú tâm nghiên cứu về ngành thủy lợi. Nghĩ ra kế hoạch lớn như giấc mộng, là thông nước sông Yamato lên hướng bắc, biến ruộng khô thành ruộng nước, giúp toàn xứ Yamato này tăng thu lên mức 20 vạn hộc. Suzuki cũng biết chuyện đó. Nhưng công trình xây dựng thủy lợi này không thể thực hiện được, vì phải động viên đến một triệu công. Vị quan bộ tướng của Mạc Phủ này hiểu rõ rằng Mạc Phủ hiện nay không còn uy quyền đủ để động viên được mức lao động khổng lồ đó. Nhưng trong đầu Yujiro lại nghĩ khác. Yujiro chỉ biết mỗi một vùng Gojo, lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, nên cứ tin rằng thiên hạ vĩnh viễn thuộc về Phủ Chúa Tokugawa. Giấc mơ tăng thu hoạch đến 20 vạn hộc nộp cho Mạc Phủ để được thu dụng thành Thân quan, là mục tiêu của chàng trai thông tuệ này. Suzuki đổi sang đề tài khác, làm như tình cờ mà thuyết giảng Cần Vương luận cho Yujiro. Thuyết Cần Vương thời bấy giờ đã là thường thức trong giới người có học vấn, chẳng phải là thứ tư tưởng phiến loạn gì. Đối với Suzuki thì chỉ là ý muốn dạy cho người thuộc hạ ham học đáng yêu này tư tưởng Cần Vương đang lưu hành trên các diễn đàn tranh luận. Đồng thời, cũng để thuyết phục người Tuyển quan có tài năng này về cách giải quyết vấn đề làng Totsukawa mà mình đã nghĩ ra. Thế nhưng, Yujiro khăng khăng không nghe. Anh ta chẳng phải sinh trưởng trong nhà quyền quý như Suzuki. Hai đời cha con anh ta đã phải cam khổ lắm mới thoát khỏi thân phận thứ dân, mà ngoi lên được giai cấp võ sĩ, nên Yujiro cương quyết cố thủ. Anh ta có trực cảm đặc biệt rằng: làm thế thì không khéo Mạc Phủ sẽ băng hoại mất. Vì thế, anh đã thành khẩn nói ra điều lo mà Suzuki nghe có vẻ quá trớn ấy. -"Chẳng sao cả đâu. Gần đây, uy vọng của triều đình ở Kyoto cũng đã khác xưa rồi. Đây là thời đại mà ngay cả Tướng quân (Chúa Tokugawa Iemochi) cũng đã phá bỏ lệ thường 300 năm nay mà thượng kinh để tâu chuyện quốc sự lên Thiên hoàng đấy. Chuyện làng Totsukawa thì anh đừng suy nghĩ hẹp hòi như thế cũng được". Vị quan đầy nhiệt tình về nền chính trị liêm chính này mỉm cười khoan hoà mà nói với Yujiro. -"Mà này, anh có biết Inui-juro không nào?" Câu chuyện đổi hướng đột ngột khiến Yujiro kinh ngạc. Anh lại càng kinh ngạc hơn vì quan Huyện lệnh không những biết Inui-juro mà còn đồng tình với khuynh hướng tư tưởng của anh ta nữa. Quan bảo là anh ta đã đến dinh của ngài mấy hôm trước đây. Không chỉ thế, quan còn cho biết rằng việc liên kết với Kyoto hạ sắc chỉ cho làng Totsukawa ấy có sự giúp sức ngấm ngầm của Inui-juro. -"Thưa, anh ta là người điên đấy". Yujiro nói. -"Xin ngài đề phòng cho". Tuy nhiên, Yujiro không nói đến mức này: Inui-juro đã khổ công mà không được thành Tuyển quan nên oán hận Huyện đường này, và oán hận cả Mạc Phủ nữa. Thuyết Đảo Mạc quá khích của đứa con trai tiệm may ấy là do lòng thù hận đó mà ra. Yujiro nghĩ nói như thế có vẻ phỉ báng cá nhân anh ta. Hai ngày sau, quan Huyện lệnh Suzuki cho gọi toàn ban chức sắc của làng Totsukawa lên, rồi giữa đủ mặt Thân quan, Tuyển quan, đã ban chỉ thị giải quyết vấn đề kia. Quyết định này đã là công trình khổ tâm suy xét của một sứ thần Mạc Phủ. Đại ý là: -"Ta nghe rằng làng Totsukawa có truyền thống Cần Vương từ hai ngàn năm nay rồi. Có được một làng như thế ngay trong lãnh địa của Phủ Chúa là một vinh hạnh lớn cho quan trấn nhậm là ta đây. Vậy thì hãy sớm mà tuân theo sắc chỉ của triều đình, nhanh chóng thi hành việc xuất binh lên bảo vệ cung khuyết trên kinh đô. Vạn nhất có dị nghị từ Phủ Chúa thì chính ta sẽ mổ bụng mà chịu tội". Yujiro nghe những lời chỉ thị ấy mà cảm thấy rõ ràng là đằng sau đó có bóng dáng của Inui-juro. Trở về nhà, anh bảo vợ: -"Onui à, hôm nọ đúng là em đã thấy ma đấy!". Ở đất này, người ta bảo là con mèo nào khôn ranh quá thì khi già, sẽ có tính cách ma quỷ. Đêm canh xác mà có mèo mò đến thì người ta sợ mà đuổi đi ngay. Bởi thứ mèo ma quỷ ấy có thể dựng xác người dậy mà bắt nhảy múa. Yujiro nhìn thấy Inui-juro là thứ mèo già thành tinh ấy. Có tài năng nhưng không gặp thời nên thất chí mà sinh ra tính cách ma quỷ. Thứ mèo tinh ấy dựng xác người là quan Huyện lệnh của Mạc Phủ dậy, bắt múa may điên cuồng. -"Người đáng sợ đến thế sao anh?" -"Ngay cả anh đây, nếu tài năng này không giúp anh thành Tuyển quan được, phải làm nghề đấm bóp dạo mà sống cho qua ngày, thì có thể anh cũng đi đến chỗ ôm hận mà muốn lật đổ Mạc Phủ, thay đổi thời thế đi thôi. Có lẽ anh phải cảm tạ ơn Trời đã cho anh được may mắn khỏi biến thành mèo tinh, sống được đời người như thế này". -"Anh nói nghe ghê quá!" -"Đàn ông thì có người như thế đấy. Không dung hoà với đời được thì hoá thành ma quỷ. Tuy nhiên, anh là người bình thường, nên nếu gặp cảnh ngộ như thế, cũng chỉ quay trở lại thành thứ dân bá tánh chứ không nổi máu ma quỷ đâu. Còn Inui-juro là loại người có tài thi phú trác việt, thì ma quỷ dễ bám vào". |
Cho đến hôm ấy thì Inui-juro trú ngụ ở nhà người anh trong xóm Kitanocho vùng Gojo, nhưng hôm sau đã lên ở làng Totsukawa trên núi, rồi mười ngày sau đã mang toàn bộ kế hoạch xuất binh lên kinh đô. Đến Kyoto, Inui-juro tìm ngay nhà trọ của Yoshimura Torataro, lãng sĩ từ phiên trấn Tosa, ở lô đất số 35 dốc Sanjo xóm Kiyacho. Con lộ này ở ngay bên cạnh tiệm bánh Tsukimochiya nổi tiếng làm bánh đặc sản Kyoto, có nhiều người làm nghề đấm bóp dạo, cô đầu, thầy châm cứu, vợ lẻ người ta. Gặp mặt Yoshimura Torataro ở đấy. Rồi có thêm nhiều lãng sĩ theo nhau kéo đến nữa. Trong đám có cả những người nổi tiếng như nhà nho học Matsumoto Keido (1831-1863) đã thoát ly phiên trấn Sanshu vùng Kariya, hoạ gia Fujimoto Tesseki (1817-1863), lãng sĩ từ phiên trấn Bizen. Đám lãng sĩ này mơ tưởng những chuyện phá trời. Đòi tổ chức nghĩa quân chỉ gồm toàn lãng sĩ để đánh đổ Mạc Phủ. Lúc đó là cuối mùa hạ năm Bunkyu thứ ba (1863). Trong thiên hạ, tuy tình thế có sôi động náo nhiệt nhưng uy quyền của Mạc Phủ vẫn còn đó, ngay cả các phiên trấn hùng mạnh như Satsuma, Choshu, cũng còn nghĩ chuyện đánh đổ Mạc Phủ là chuyện mơ mộng hão huyền. Thêm vào đó, ở Kyoto, sau cơn náo động do đám lãng sĩ Cần Vương bày trò chém giết dưới danh nghĩa Tenchu (thiên tru, thừa lệnh trời tru diệt bọn man di và gian thần), kinh đô đã trở lại yên ổn lắm rồi. Phiên trấn Aizu vừa đảm nhận chức vụ trấn thủ bảo vệ kinh đô, đã đem toàn lực cảnh bị kinh thành, và dưới trướng của họ lại có đội võ trang cảnh bị Shinsengumi [4] vừa được thành lập, bắt đầu hoạt động. Trong tình thế ấy, chuyện thảo phạt đánh đổ Mạc Phủ nghe có vẻ như chuyện thần tiên cho trẻ nít. Vậy mà, đối với đám lãng sĩ tụ tập trong nhà trọ này thì lại là chuyện có vẻ hiện thực vô cùng. Tổng hợp tình hình các nơi, họ quyết định khởi nghĩa ở đất Yamato. Trước hết, bàn về chiến lược chiến thuật thì người gia nhập qua duyên quen biết với Hayashi Hyokichiro, lãng sĩ Yamato, là Inui-juro đề nghị: -"Nên tấn công Huyện đường Gojo là nơi cai quản toàn vùng Yamato". Nói gì đi nữa, Huyện đường của lãnh địa 7 vạn hộc này thế nào cũng chứa tiền của đủ để dùng làm vốn mua quân trang, võ khí. Tấn công vào đấy, cướp vàng bạc, lập "chính quyền cách mệnh" để kêu gọi lãng sĩ, chư hầu trong thiên hạ nổi dậy đánh đổ Mạc Phủ. Inui-juro đề xuất mưu lược như thế. Mọi người vỗ tay tán thành. Nhưng phần đông là người từ các phiên trấn xa lại, như phiên trấn Tosa, Chikuzen, Chikugo, Mikawa, Onshu, Bizen, Bitchu,...; đến cả địa danh Gojo ở Yamato họ cũng chưa hề nghe bao giờ, nên chẳng hình dung ra được Huyện đường Gojo của Mạc Phủ lớn cỡ nào. -"Thế, võ sĩ cỡ chừng 200 người à?" Có người hỏi, bởi thông thường, lãnh địa của chư hầu mà thu hoạch 7 vạn hộc thì có nơi có số gia thần võ sĩ các cấp tổng cộng trên 200 người. -"13 người đấy". Inui-juro đáp, khiến mọi người ngơ ngẩn, không tin được. -"Tôi đây vì có chút duyên cớ mà từ thời thơ ấu đã vào làm việc không công trong Huyện đường ấy. Không sai đâu. Nếu đồng ý thì tôi sẽ dẫn đường cho". Tất nhiên, mọi người tin tưởng ở Inui-juro. Từ ngày đó, Inui-juro hay trở lại Gojo. Anh ta đến viếng quan Huyện lệnh Suzuki Gennai cũng là để xem cho kỹ cơ cấu của Huyện đường mà ghi vào bản đồ phối trí, và nhắm chừng xem tủ vàng bạc để ở đâu. Bản đồ phối trí ấy hoàn tất, Inui-juro trở lên kinh đô. Để cho cả bọn đồng chí xem, ở nhà trọ của Yoshimura Torataro. -"Quả thật, nhân số địch chỉ là 13 người. Kể luôn quan Huyện lệnh thì 14 người, gom cả bọn bộ tốt thuộc hạ nữa, cũng không tới 20 người". Trong đám đồng chí có Fujimoto xuất thân là hoạ gia, đã sao chép bản đồ ấy ra thêm ba bản nữa. Bọn họ âm thầm rời kinh đô ngày 14 tháng 8 năm Bunkyu thứ ba (1863). Về sau trở thành đội lãng sĩ Cần Vương quá khích gọi là "Tenchugumi". Bọn họ tự tín là sẽ thành công lớn. Sau này không bao lâu, bọn phiên trấn Choshu mới bị đánh đuổi ra khỏi chính giới ở kinh đô, chứ lúc bấy giờ thì vẫn còn có thế lực mạnh lắm. Bọn phiên trấn Choshu xách động những triều thần quá khích, khích động cả Thiên hoàng nữa, để thực hành một thủ đoạn chính trị quái dị gọi là "Yamato Gyoko" (Xa giá đến Yamato). Bọn lãng sĩ như Yoshimura Torataro được phiên trấn Choshu bảo trợ, định lợi dụng lúc Thiên hoàng ngự giá đến Yamato, sẽ nhân chuyện phò xa giá của vua mà dựng cờ khởi nghĩa thảo phạt Mạc Phủ. Có lẽ mưu kế ly kỳ này phát xuất từ phía Maki Izumi là lãng sĩ phiên trấn Kurume, lúc đó giữ vai trò cố vấn cho phiên trấn Choshu. Bọn Yoshimura Torataro chỉ nhắm vào khả năng thành công của mưu kế "Xa giá đến Yamato" ấy mà tính chuyện cử binh trước ở Yamato để chuẩn bị đón xa giá Thiên hoàng đến đó. Bọn này thu mua gom góp quân trang, thương kích, yên ngựa,... từ các hàng bán đồ cũ ở xóm Shisaibashi ở Osaka, rồi đi thuyền đến cảng Sakai; từ Sakai vào đến phiên trấn Sayama vùng Kawachi, ba ngày sau khi khởi hành ở Kyoto. Dắt theo một quan thị (Jiju) trong triều là Nakayama Tadamitsu, một chàng trai 18 tuổi, con quan Tả Ngự sử Nakayama Tadayasu (1809-1888). Chàng trai này không có học vấn gì, tính khí ngông cuồng, nhiều lúc ngay trong cung đình cũng cứ chộp lấy bạn đồng liêu mà chơi trò đô vật sumo. Cả bọn mặc giáp trụ to kềnh của thời phân tranh giữa hai nhà Minamoto-Taira (1180-1185), giương cờ gấm của vua làm cờ hiệu mà tiến quân. Tổng số 39 người. Vào đến Kawachi lại có thêm vài người gia nhập. Nhưng Inui-juro thì không đi theo đội quân ấy. Anh ta trở về nhà người anh ở Kitanocho, mỗi ngày vẫn bửa củi như không có chuyện gì xảy ra cả. Việc đội Shinchugumi từ Kawachi tiến về phía đông thì ở Huyện đường Gojo vùng Yamato, cách đó một ngọn núi, chẳng ai hay biết gì cả. Ở Kawachi, phiên trấn nhỏ Sayama chỉ một vạn hộc bị đội quân này thình lình kéo đến, bảo là "mệnh lệnh của triều đình đấy", đòi phải cung cấp võ khí. Phiên trấn nhỏ ở vùng quê nên nghĩ rằng chắc là đã có biến cố chính trị gì đấy ở trung ương rồi. Dù có nghi ngờ, họ cũng vẫn phải cúi đầu khom lưng mà đưa đám quân ấy lên đường. Có vẻ phiên trấn này đã lập tức gửi sứ giả lên hỏi ở Sở Chưởng quản Osaka là cơ quan cai quản toàn vùng phía tây này của Mạc Phủ, nhưng họ lại không báo tin cho Huyện đường ở Gojo. Bởi không có bổn phận phải báo tin cho xứ khác. Từ Sayama xứ Kawachi đi Gojo xứ Yamato khoảng 9 dặm (chừng 36 km), có núi Kongosan chắn ở giữa. Chỉ chừng ấy chướng ngại cũng đủ khiến đất Gojo hoàn toàn chẳng nghe tin gì cả. Đám quân ấy từ Kawachi leo núi Kongosan, vượt đèo Chihaya-toge thì đã thấy dưới kia ẩn hiện khu phố Gojo, vào giờ đó, ngày làm việc vừa xong. Nhưng vài người Tuyển quan vẫn còn bận rộn việc tính toán sổ sách. Công việc chính của Huyện đường là thâu thuế, thanh tra, đo đạc ruộng đất. Việc cảnh sát cũng có, nhưng đất Gojo này chẳng có bao nhiêu vụ phạm pháp, nên không có Tuyển quan chuyên lo việc cảnh sát. Khi nào có vụ gì xảy ra thì người nào rảnh tay sẽ đảm nhận việc giải quyết. Phần lớn công việc là ghi chép sổ sách và tính toán trên bàn toán. Lúc bấy giờ, có người đấm bóp dạo hay ra vào nơi công đường này là Kakichi mặc áo có phù hiệu bước vào. Anh ta đã được quan cho gọi đến. -"Kakichi đấy à? Ngồi chơi, đợi đấy đi". Quan Huyện lệnh Suzuki Gennai bảo. Có lẽ quan thấy bộ hạ còn lưu lại làm việc mà mình bày trò đấm bóp thì không nên. Đúng lúc bà vợ của Hasegawa Taiji, Thân quan chủ quản hành chính, bước vào nói: -"Có bánh đặc sản Kyoto người ta mới tặng đây. Xin mời các ngài xơi". rồi chia bánh cho từng người. -"Thế thì cho trà đi". Cậu trai học việc đi vòng, pha trà cho mọi người. Kimura Yujiro cũng uống trà. Anh không ăn bánh mà cho vào túi, định đem về cho vợ. Rồi cả bọn trò chuyện vui vẻ. Trong lúc đó, có nhân vật hình dáng kỳ dị, mặt thoa chút phấn, răng bôi đen, mình mặc giáp trụ to kềnh có viền màu tím, đầu đội mão sắt có hình cái mai, lắc lư trên lưng ngựa đi vào phố Gojo. Trước sau, bên trái, bên phải anh ta đều có đám võ sĩ mặc quần áo dày, mang võ khí, đầu quấn khăn ra trận, bước theo. Khoảng bốn giờ chiều, bọn này đến trước Huyện đường. Đại tướng cưỡi ngựa canh giữ cổng sau của Huyện đường, Yoshimura Torataro chỉ huy đội lính cầm thương trấn giữ cổng trước, chung quanh đó bố trí lính cầm súng canh chừng. Bên trong Huyện đường vẫn còn tiệc trà. Đột nhiên, từ phía cổng trước, cổng sau, và tường rào nghe có nhiều tiếng la lớn: -"Gian thần Suzuki Gennai đâu! Quân Cần Vương đến trừng phạt ngươi đây". Quả thật đã nghe như thế. Suzuki bảo Yujiro: -"Nghe như có ai gọi tên ta đấy". Yujiro đứng phắt dậy. Đúng lúc hai mươi mấy người ùa vào như gió lốc. Lãng sĩ Tosa là Ueda Tsuneji khua đại đao đứng chắn trước Suzuki mà nói: -"Hoàng thượng sắp sửa ngự giá chinh phạt phía đông (Mạc Phủ) rồi (Cả bọn Tenchugumi đều tin như vậy, là điều bất hạnh cho cả hai bên trong vụ này). Xa giá đang trên đường từ Kyoto đến, còn bọn ta có ngài Nakayama, chức quan thị, con thứ bảy của ngài Tả Ngự sử, làm Đại tướng thống lĩnh, đi trước bình định các xứ lân cận này. Do đó, quan địa phương hãy tức khắc giao nạp tất cả công đường, hương thôn cho bọn ta. Có thuận như thế không?" Trong khi đó, người đấm bóp dạo là Kakichi định trốn đi thì vì mặc áo có phù hiệu nên bị lầm là viên chức của Huyện đường, lập tức bị chém ngay, máu vọt lên đến trần nhà. Yujiro định kiếm cách che chở cho quan Huyện lệnh. Hai người đưa mắt nhìn nhau. Yujiro muốn nói: -"Quan thấy chưa? Tôi đã nói rồi mà!". Ngay lúc đó, quan Huyện lệnh lắc đầu. Lưỡi đao của Ueda Tsuneji rung lên thành tiếng, chém vụt tới. Đầu quan Huyện lệnh Suzuki Gennai rơi bắn ra xa cả chục thước. Thân quan Hasegawa Taiji cũng bị chém chết, các Thân quan Ito Keigo, Kurosawa Gisuke rơi đầu theo. Yujiro nhanh chân leo tường rào thoát được. Nhưng anh xót vợ đang có thai, nên trở ngược lại, hộc tốc chạy về dãy nhà của mình, rồi vừa dìu vợ vừa leo qua tường thành phía bắc. Phía dưới là ruộng cà tím. Đặt chân lên đất ruộng thì bị mấy người lãng sĩ phát giác. Yujiro hét bảo vợ: -"Onui, chạy đi. Đừng lo cho anh!" rồi ra sức chiến đấu chống cự, đến lúc thấy Onui đã chạy thoát rồi mới tháo chạy, trốn vào một nhà hào lý trong xóm Suei. Trong đêm đó, Yujiro đã trốn chui trốn nhủi từ nhà hào lý này sang nhà hào lý khác là những chỗ quen biết, nhưng cuối cùng, biết là không thể thoát khỏi vòng vây được, nên sáng sớm hôm sau, anh đã dặn dò người trong xóm đi báo cáo hộ, rồi tự sát ở chùa Myosai-ji trong xóm Oshima. Thủ cấp của Yujiro bị đem ra bêu bên đường xóm Suei. Năm thủ cấp sắp hàng bên nhau: của quan Huyện lệnh Suzuki Gennai, Thân quan Hasegawa Taiji, Thân quan Kurosawa Gisuke, Tuyển quan thư ký Tsunekawa Shojiro, và Tuyển quan Kimura Yujiro. Bên tấm bảng gỗ hạch tội: "Bọn này gần đây đã nhận lệnh Mạc Phủ làm trái với sắc chỉ của triều đình, ca tụng ơn nghĩa Mạc Phủ chỉ có ba trăm năm đó mà quên mất ân sủng của Thiên hoàng từ thuở khai thiên lập địa, do đó đã làm nhục đến đất nước mà Thần thánh đã tạo lập, nối giáo cho bọn man di mọi rợ, không thiết đến nghĩa vụ chư hầu, làm hao hụt bao nhiêu là tô thuế, tội lỗi trọng đại, cho nên phải chịu tru diệt theo lệnh Trời". * Tuy nhiên, chính đội Tenchugumi này khoảng một tháng sau đó, đã bị quân Mạc Phủ và các phiên trấn bao vây tiêu diệt. Inui-juro chạy trốn khỏi xứ Yamato, chui rúc ở cửa sông vùng Setsu, rồi bị bắt ở đó, đến ngày 20 tháng 7 Genji nguyên niên (1864), ngay lúc loạn lạc trong biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành thì bị chém chết trong ngục Rokkaku. Về sau được phong hàm Ngũ phẩm.
|
Chú
thích:
[1] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít. [2] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo. [3] Thập thủ (Jutte) : một loại võ khí tùy thân và tượng trưng cho uy quyền của cảnh sát thời Edo, là một thanh sắt dài cỡ 4, 5 tấc, gần tay cầm có thêm một mấu nhỏ song song chừng 1 tấc để chận lưỡi gươm, đao. [4] Shinsengumi : là đội võ trang cảnh bị Kyoto, do Mạc Phủ chiêu mộ các võ sĩ mất chủ tướng (lãng sĩ, ronin) mà lập ra để truy lùng tiêu diệt các chí sĩ Cần Vương mượn cớ đánh đuổi người ngoại quốc để mưu đồ đánh đổ Mạc Phủ, thực tế là đã khuấy động kinh đô Kyoto. Ghi chú của người dịch: Truyện ngắn "Gojo Jinya" (Huyện đường Gojo) của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ ba trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000. Xin xem : Thơ Inui-juro (http://chimviet.free.fr/vanco/phamvt/pvtt_Inuijuro/pvtt_Inuijuro.htm). |
|