Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả
]
|
(Roma Teikoku no Hokai ... ...)
Tác
giả : Murakami Haruki
|
Lúc tôi để ý thấy gió bắt đầu thổi là buổi chiều chủ nhật. Chính xác là lúc 2 giờ 7 phút chiều. Lúc ấy, tôi như mọi khi -nghĩa là chiều chủ nhật nào cũng thế- ngồi trước bàn ăn trong bếp, vừa nghe nhạc vô hại vừa viết nhật ký cho cả tuần trước. Mỗi ngày tôi ghi vắn tắt sự việc xảy ra vào sổ tay, rồi đến chủ nhật mới viết lại thành câu văn đàng hoàng. Vừa mới viết xong phần của 3 ngày cho đến Thứ Ba, tôi chợt để ý đến tiếng gào thét của gió điên cuồng thổi qua bên ngoài khung cửa sổ. Tôi ngưng viết nhật ký, đậy nắp bút lại, ra hiên nhà thu góp đồ giặt. Áo quần phơi trên dây cứ như là đuôi sao chổi bị rứt sắp đứt đến nơi, nhảy múa loạn lên trong không, phát ra những tiếng phần phật khô khan. Có vẻ trong lúc tôi không để ý, gió đã tăng cường độ dần lên. Bởi lúc sáng, chính xác là lúc 10 giờ 18 phút, đem đồ giặt ra phơi ngoài hiên thì hoàn toàn chẳng có chút gió nào cả. Chuyện này thì tôi có trí nhớ chính xác mà vững chắc như nắp lò nung quặng mỏ ấy. Bởi lúc ấy, tôi đã chợt nghĩ "ngày lặng gió thế này thì chả cần phải kẹp lại làm gì". Gió quả thật đã chẳng có lấy một tí nào cả. Tôi nhanh nhẹn gấp xếp đồ giặt, sắp chồng lên nhau xong, đi vòng vòng cẩn thận đóng tất cả các cửa sổ lại. Đóng hết tất cả các cửa sổ lại thì hầu như chẳng còn nghe tiếng gió nữa. Bên ngoài cửa sổ, trong im lặng, những cây dẻ và tuyết-tùng[1] Hy Mã Lạp Sơn vặn vẹo thân hình cứ như là chó không kham nổi cơn đau đớn; những phiến mây vụn hấp tấp chạy trốn khung trời, loạn xạ cả lên như những mật-sứ mắt kém; ngoài hiên căn chung cư phía bên kia, vài mảnh áo sơ-mi cuốn vòng vòng vào sợi dây phơi bằng nhựa, níu kéo chì chiết như những trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Cứ như là một trận bão. Nhưng mở tờ nhật báo ra, dò kiểm bản đồ thời tiết kỹ lưỡng đến mấy cũng không thấy dấu hiệu nào dự báo một trận bão cả. Xác-suất mưa là con số 0 tuyệt vời. Chỉ căn cứ vào bản đồ thời tiết này thôi, thì phải là một ngày chủ nhật bình lặng như Đế Quốc La Mã thời toàn thịnh mới đúng. Tôi thở nhẹ cái thở dài cỡ 30 phần trăm, gấp báo lại, sắp xếp đồ giặt chỉnh tề vào ngăn tủ, xong vừa tiếp tục nghe nhạc vô hại vừa pha cà-phê, rồi vừa nhâm nhi vừa viết tiếp nhật ký. Thứ Năm, đã ngủ với bạn gái. Nàng rất thích bịt mắt mà làm tình. Cho nên, lúc nào cũng thủ sẵn chiếc mặt nạ bịt mắt cho dễ ngủ trên máy bay. Tôi thì không đặc biệt thích thú gì kiểu ấy, nhưng thấy nàng bịt mắt như thế thật dễ thương nên không có gì phải phản đối cả. Đằng nào thì con người, ai cũng có chút gì đấy khác đời. Trang nhật ký cho Thứ Năm, tôi đã viết đại khái như thế. Phương châm viết nhật ký của tôi là 80% sự thật và 20% bỏ qua. Thứ Sáu, tôi đã gặp một người bạn cũ trong tiệm sách ở Ginza. Anh ta thắt một chiếc cà-vạt in hình thù kỳ dị. Trên nền sọc, chằng chịt những số điện thoại. Viết đến đây, chuông điện thoại reo. Lúc điện thoại reo, kim đồng hồ chỉ 2 giờ 36 phút. Chắc là nàng -tức là cô bạn gái thích bịt mắt-, tôi nghĩ thế. Bởi đã thành lệ là nàng đến tôi ngày Chủ nhật, và điện thoại trước khi đến. Và hẳn là nàng mua và mang đến thức ăn cho bữa tối. Đã bàn nhau là hôm nay sẽ ăn lẩu sò. Dù sao, lúc chuông điện thoại reo là 2 giờ 36 phút chiều. Đồng hồ báo thức để ngay bên cạnh điện thoại, hễ chuông điện thoại reo lên là tôi nhìn đồng hồ, do đó về chuyện giờ giấc thì trí nhớ của tôi không sai vào đâu được. Nhưng nắm ống nghe lên thì chẳng nghe được gì ngoài tiếng gió gào thét. "Ào ào" kịch liệt như dân da đỏ tổng khởi nghĩa năm 1881, cuồng nhiệt náo động trong ống nghe điện thoại. Họ đốt nhà dân khẩn hoang, cắt đường dây thông tin, và hiếp Candice Bergen[2] -"A-lô". Tôi cố nói lớn vào ống điện thoại, nhưng tiếng nói ấy bị cuốn hút mất tiêu vào trong cơn cuồng nộ áp-đảo của lịch sử. -"A-lô, a-lô". Tôi gắng hét thật lớn, nhưng kết cuộc cũng chẳng được gì. Lắng tai nghe ngóng thật kỹ thì ở những chỗ đứt quãng hiếm hoi giữa tiếng gió ào ào ấy, nghe có gì như là tiếng nói nhỏ giọt của cô gái nào. Nhưng cũng có thể chỉ là ảo giác. Nói thế nào đi nữa thì trận cuồng phong này cũng thật quá mãnh liệt. Và có lẽ số trâu rừng trong vùng da đỏ đã giảm đi nhiều lắm rồi. Tôi lặng im áp tai vào ống nghe một hồi lâu. Áp tai thật chặt đến nỗi tưởng chừng tai mình dính khắn vào ống nghe, không rứt ra được nữa. Nhưng sau 15, 20 phút tiếp tục tình trạng ấy, đột nhiên, cứ như là đỉnh cùng cực của cơn động kinh làm sợi dây sinh mệnh đứt phựt, điện thoại đã bị cắt đứt. Sau đó, tĩnh mịch bao phủ. Như áo quần lót bị tẩy sạch đến trắng tinh, không còn sót lại chút hơi ấm nào nữa. Chán thật. Tôi lại thở dài. Rồi trở lại chuyện viết nhật ký. Có lẽ viết nhanh cho xong quách đi thì tốt hơn. Thứ Bảy, sư đoàn cơ giới của Hitler xâm nhập Ba Lan. Phi cơ oanh tạc sà xuống vòm trời Warsaw ... Không, không phải thế. Hitler xâm nhập Ba Lan là ngày 1 tháng 9 năm 1939 chứ, có phải chuyện ngày hôm qua đâu. Hôm qua, sau bữa cơm tối, tôi đã vào rạp chiếu bóng xem phim "Sophie's Choice" do Meryl Streep đóng. Hitler xâm nhập Ba Lan là sự kiện trong phim ấy. Trong phim này, Meryl Streep ly dị với Dustin Hopman, rồi trên tàu điện đi làm, gặp Robert De Niro trong vai kỹ sư cầu đường trung niên, sau đó, tái giá. Một phim rất lý thú. Ngồi gần tôi là một cặp học trò trung học, suốt buổi rờ rịch bụng nhau. Bụng dạ học trò trung học trông được quá. Tôi đây ngày xưa cũng có bụng học trò trung học đấy chứ. Viết nhật ký cho nguyên một tuần trước xong, tôi ngồi trước tủ đĩa nhạc, cố chọn loại nhạc thích hợp cho một buổi chiều chủ nhật gió lớn tung hoành hoảng loạn như chiều nay. Cuối cùng nghĩ là đĩa hoà tấu đàn cello của Shostakovitch và đĩa nhạc "Sly and The Family Stone" hợp với gió loạn, nên cho chạy liên tiếp hai đĩa nhạc ấy. Bên ngoài cửa sổ, đủ thứ đồ vật bay tứ tung. Tấm khăn trải giường màu trắng, trông như một tay phù thủy đang luyện nồi linh đơn dược thảo, phất phới bay từ đông sang tây. Tấm bảng quảng cáo bằng thiếc, dài, hẹp, mỏng manh, uốn cong lại như một tay chơi đồng tính đang cong người xuống phô tấm xương sống yếu đuối. Tôi đang ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ, vừa nghe bản hòa tấu cello của Shostakovitch như thế, thì chuông điện thoại lại reo lên. Đồng hồ bên cạnh điện thoại chỉ 3 giờ 48 phút. Tôi lo lại sắp phải nghe tiếng gió lộng như tiếng động cơ phản lực máy bay Jumbo Boeing 747. Nhưng nhấc ống nghe lên thì lần này chẳng còn nghe tiếng gió loạn nữa. -"A-lô, a-lô". Tiếng đàn bà nói. -"A-lô, a-lô". Tôi đáp. -"Em định mang thức ăn đến làm món lẩu sò, được không anh?". Bạn gái của tôi nói. Nàng sắp mang đến tôi các thức để làm món lẩu sò, cùng với mặt nạ bịt mắt. -"Được thôi. Nhưng mà ..." -"Đằng anh có sẵn nồi đất chưa?" -"Có đấy". Tôi nói. -"Nhưng mà, sao đằng em không nghe tiếng gió nhỉ?" -"Gió gì nữa. Đã lặn rồi cơ mà. Ở vùng Nagano này, gió đã lặn từ lúc 3 giờ 25 phút rồi. Đằng anh chắc cũng sắp lặn gió rồi chứ gì". -"Có lẽ thế". Tôi cắt điện thoại, vào bếp lấy nồi đất trong bao ra rửa sạch. Gió, đúng như nàng dự báo, đã lặn ngấm lúc 3 giờ 55 phút. Tôi mở cửa sổ, ngắm phong cảnh bên ngoài. Dưới cửa sổ, một con chó lớn lông đen đang rảo bước vòng vòng, hít hà hơi đất một cách nhiệt tình. Con chó cứ hít hà không chán như thế suốt 15, 20 phút. Chẳng hiểu nó làm thế để làm gì. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, dung nhan và cấu trúc của thế giới thì không có gì thay đổi so với trước trận cuồng phong. Cây tuyết tùng Hy Mã Lạp Sơn và cây dẻ vẫn đứng sừng sững đấy trên miếng đất trống, như đã chẳng có chuyện gì xảy ra; áo quần phơi buông thõng xuống từ dây nhựa, con quạ đậu trên đỉnh cột điện đập xành xạch đôi cánh bóng láng như tấm thẻ tín dụng. Một lúc sau, cô bạn đến và bắt đầu chuẩn bị món lẩu sò. Nàng đứng trong bếp, rửa sò, cắt cải bẹ trắng, sắp đậu hủ, và làm nước dùng. Tôi hỏi nàng có gọi điện thoại đến tôi lúc 2 giờ 36 phút không. -"Em có gọi đấy chứ". Nàng đáp, vừa vo gạo trong rá. -"Anh chẳng nghe được gì cả". Tôi nói. -"Ừ nhỉ, lúc ấy gió mạnh quá đấy mà". Nàng nói, như chẳng sao cả. Tôi lấy bia trong tủ lạnh ra, ngồi uống cạnh bàn. -"Nhưng mà, tại sao thình lình gió lại thổi mạnh đến mức ấy, rồi lại im phắc đi thế nhỉ?". Tôi nêu thắc mắc với nàng. -"Ôi, em có biết đâu". Nàng đáp, quay lưng về phía tôi, lấy móng tay lột vỏ tôm. -"Về gió thì người ta còn vô số điều chưa hiểu được. Cũng như lịch sử thời cổ, ung thư, đáy biển, vũ trụ hay tính dục, người ta còn vô số điều chưa hiểu." -"Hừm". Tôi nói. Nói như nàng thì hoàn toàn chẳng là câu trả lời cho tôi. Nhưng vấn đề ấy có bàn với nàng cũng không hy vọng tiến hơn được mức này, nên tôi đành ngồi ngắm quá trình hình thành của món lẩu sò. -"Em này, anh sờ bụng em tí được không?". Tôi thử hỏi nàng. -"Lát nữa đã". Nàng nói. Trong khi chờ món lẩu làm xong, tôi ghi vắn tắt lại những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay, chuẩn bị cho chuyện viết nhật ký tuần tới: (2) Da Đỏ khởi nghĩa năm 1881 (3) Hitler xâm nhập Ba Lan Ghi lại như thế thì đến tuần sau, những việc đã xảy ra hôm nay sẽ nhớ lại được rõ ràng. Chính nhờ dùng hệ thống ghi chép chu đáo như thế này mà 22 năm nay, tôi đã viết nhật ký liên tục, không sót một ngày nào. Tất cả mọi hành vi có ý nghĩa đều có hệ thống riêng biệt cả. Cho dù gió có nổi lên, hay không có gió, tôi vẫn sống có hệ thống như thế đấy. Phạm
Vũ Thịnh dịch
Chú thích:
Sydney 07-04 [1] sugi: cedar, cây tuyết-tùng. Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu ghi là "cây sam". [2] Nữ tài tử chính trong phim "Soldier Blue" (1970) về cuộc nổi dậy của dân da đỏ Cheyenne. Truyện ngắn "Roma Teikoku no Hokai ... ..." được dịch từ nguyên tác trong tập truyện "Hotaru, Naya wo Yaku, Sonota no Tanpen" xuất bản năm 1984 tại Nhật Bản, bản dịch Việt ngữ "Đom Đóm" từ nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2006. |
|