Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về ]
[ Trang Chủ ]
[ PDF
] [ Tác
giả ]
|
|
Lời
Giới thiệu :
* Chữ "quốc ngữ" hay chữ Việt viết với mẫu tự La Tinh đã được các giáo sĩ truyền giáo sáng tạo ra để dùng như một công cụ truyền đạo. Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng thứ chữ này thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là một công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ "quốc ngữ" cho toàn xứ , xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận sảy ra rất sôi nổi. Sau đây là quan điểm của Aymonier , cũng là đường hướng tiêu biểu của phe chống đối chủ trương phổ biến chữ "quốc ngữ". Bài phát biểu của Aymonier đặt ra hai vấn đề: 1. Khả năng phát triển của tiếng Việt. 2. Vì quyền lợi lâu dài của nước Pháp, nên phổ biến "chữ quốc ngữ" hay nên "Pháp hóa" người Việt ? Aymonier là một trong những người Pháp thuộc địa, thật hiếm hoi, dù đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của nước Pháp, đã dùng những từ "Phe kháng chiến quốc gia" ( Le parti de la résistance nationale) để chỉ những người chống lại Pháp, đã dự đoán ngay từ đầu thời Pháp thuộc là về lâu dài Pháp sẽ bắt buộc phải trả lại quyền tự chủ cho người Việt. Do đó, mục tiêu ông thấy cần phải đạt tới là làm sao biến người Việt thành người Pháp-Á-Đông. Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp "biến thể" , thô sơ), suy nghĩ như Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, vẫn sẽ gắn bó với "mẫu quốc" như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn. Những đề nghị của Aymonier đã không hoàn toàn được thể hiện, cuối cùng chính sách "Pháp hóa" không thành, người Việt vẫn nói tiếng Việt, lại dùng chữ "quốc ngữ" làm phương tiện trao đổi ghi nhận tư duy ở mọi cấp độ, bình dân cũng như đại học. Ngày nay, hơn 100 năm sau, qua diễn biến lịch sử, chúng ta có đủ dữ kiện để đánh giá những nhận định, những tiên quyết, những dự phóng, những câu hỏi Aymonier đặt ra. Nhưng, dù Aymonier đúng hay sai, khi nới rộng tầm nhìn , cuộc tranh luận này giúp ta tìm hiểu thêm những suy tư tính toán của người Pháp trong thời kỳ bắt đầu tìm đường củng cố nền thống trị của họ lên xứ ta, cũng như cho ta một số dữ kiện lịch sử của thời đó. Tập "Tiếng Pháp và nền học chính tại Đông Dương", do Aymonier soạn, gồm 3 phần, dùng làm tài liệu tranh luận về chính sách học chính tại Đông Dương. Phần 1 là bài phát biểu đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889. Tất cả những lập luận chính của Aymonier đã được trình bày trong phần này. |
**
Về tác giả :
Etienne François Aymonier (1844-1929), Tốt nghiệp Trường võ bị Saint Cyr tháng 10 năm 1868 với cấp bậc thiếu úy Thủy quân lục chiến (infanterie de marine), được gửi tới Sài Gòn vào tháng 10 năm 1869. Ông đã tự học , tìm hiểu văn hóa dân tộc bản xứ và được xem như là chuyên gia tại vùng đất mà người Pháp vừa mới chiếm được. Do đó, năm 1870, ông được biệt phái sang chức vụ tham biện hậu bổ (inspecteut stagiaire des affaires indigènes) và năm 1871 được cử tới sở tham biện Trà Vinh. Tại đây, ông đã gặp nhiều nhóm dân tộc gốc Khmer và nhờ vậy có dịp học tiếng nói khmer. Năm 1872, ông được thăng chức chánh tham biện và trở thành phụ tá công sứ Pháp tại Cambodge, năm 1874, giữ chức chánh tham biện Hà Tiên, 1878, giám đốc trường tham biện hậu bổ tại Sài Gòn (collège des administrateurs stagiaires de Saigon), 1879 , đại diện chính quyền bảo hộ tại Cambodge cho đến năm 1881. Từ năm 1882 đến 1885, ông tổ chức nhiều cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Khmer và Chàm. Tháng 7 năm 1885, ông bắt đầu khởi hành một cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Chàm thì sảy ra biến cố 4-7-1885, vua Hàm Nghi tấn công Pháp để dành lại chủ quyến nhưng thất bại. Tình hình bất an sau đó khiến ông phải hủy bỏ cuộc tham quan. Năm 1886, Aymonier được cử làm công sứ tỉnh Bình Thuận, lấy vợ người Chàm. Năm 1886 ông cùng Tổng đốc Emmanuel Trần Bá Lộc [2] (Tổng đốc Lộc đặt dưới quyền ông) dẹp tan quân Cần vương vùng Bình Thuận - Khánh Hòa. Năm 1889 Aymonier về hẳn Pháp và được cử làm giám đốc trường Thuộc địa (Ecole coloniale) vừa được thành lập với sự hỗ trợ tích cực của Thứ trưởng Bộ Thuộc Địa Eugène Étienne. Năm 1905, Aymonier về hưu. Năm 1929, qua đời. |
Bài
Dịch :
(Phát biểu đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889 .) [3] |
Thuộc địa Đông
dương của chúng ta, đất đai rộng hơn xứ Pháp, nuôi sống
gần 20 triệu dân và một ngày kia sẽ còn lên đến 30 hay
40 triệu.
Cuộc chinh phục đất đai đã hoàn tất. Chúng ta sẽ không nhắc lại những khó khăn khổ cực, những tốn kém tiền của do thiếu một cái nhìn chính xác về mục tiêu cần đạt tới, phương tiện có thể dùng. Nhưng, từ sai lầm của quá khứ, chúng ta cần phải rút ra bài học cho tương lai. Trong công cuộc, thật tế nhị, tổ chức lâu dài đất đai chiếm được, một chính sách vô trật tự, không kế hoạch chính xác, không chủ định, tùy tiện, sẽ tai hại hơn nhiều so với những sự việc đã sảy ra trong muời năm chiến cuộc quân sự và ngoại giao vừa qua. Cần phải biết rõ ta muốn gì, và, một khi mục tiêu đã được định, đường đi vạch rõ, phải kiên trì vững chãi tiến tới, trong cuộc chinh phục lòng người không nên để rơi trở lại vào những mò mẫm sai lầm đắt giá của thời chinh phục lấn chiếm đất đai. Dĩ nhiên, vấn đề mở rộng thị trường buôn bán của nước Pháp, nhờ có những thuộc địa mới này, đã được nêu ra rõ ràng. Nhưng chỉ đặt vấn đề như vậy quả thật là quá non nớt. Thị hiếu và nhu cầu của 20 triệu người, nghèo đói, dốt nát, hay thấm nhuần một nền văn hoá khác hẳn nền văn hóa của chúng ta không thể chỉ qua một vài sắc lệnh mà tạo ra được Trước hết, phải từ từ triển khai những tài nguyên tiềm ẩn - vật chất và tinh thần - của xứ này. Cùng lúc, cần phải tạo ra những sợi giây văn hóa, bền chắc hơn là bạo lực, để về lâu dài gắn bó nước Pháp với các đất đai xa xôi một ngày kia được phát triển và phồn thịnh. Cho tới nay, khía cạnh tinh thần của vấn đề tổ chức đất đai vùng Viễn Đông của chúng ta chưa bao giờ được nêu lên một cách rõ ràng cho tương lai gần hay xa, và ngay cả cho thế hệ này hay các thế hệ sau. Tuy nhiên, những ai theo dõi sách báo viết về Đông Dương chắc sẽ dễ dàng đồng ý rằng có một trường phái đang từ từ thành hình, dù chưa rõ nét, với xu hướng như sau: giáo dục chính trị và khoa học cho giống dân An Nam, vốn là giống dân đông đảo nhất của vùng đất này, cùng lúc vẫn để họ giữ được bản sắc riêng biệt, tinh thần, cơ cấu xã hội, tiếng nói riêng. Trong chiều hướng đó, một nước An Nam tương lai tiến bộ hơn trên đường văn minh sẽ nảy sinh, dù sẽ phát triển theo những hướng đi lai căng, không thuần nhất, khác hẳn con đường của nước Pháp; và sợi giây ràng buộc dựa trên sức mạnh sẽ càng ngày càng lỏng lẻo. Cách đây ba mươi năm, người Pháp còn có thể không ngượng ngùng nói đến một sợi giây gắn bó dựa trên tình nghĩa; nhưng ngày nay dù ai ngây thơ đến độ tưởng rằng người An Nam phải biết ơn chúng ta vì đã xâm chiếm nước họ một cách hung bạo, khi nhìn lại thực tế, nếu còn chút sáng suốt, sẽ thấy rằng tư tưởng này chỉ là ảo vọng. Tôi tự hỏi thay vì tìm cách cải tiến nửa chừng giống dân An Nam, tại sao ta không nhắm tạo ra một nước Pháp Á Đông, gắn bó chặt chẽ với nước Pháp Âu Châu bằng một sự hòa đồng tư tưởng và tình cảm, điều kiện duy nhất để nước Pháp có thể trực tiếp thừa hưởng những tiến bộ tương lai của thuộc địa ? Và tôi tự trả lời PHẢI NHƯ VẬY! Tôi xin cố gắng trình bày sau đây phương sách chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất để đạt đến mục tiêu tối hậu đó. Đó là việc quảng bá tiếng Pháp tại Viễn Đông. Theo ý tôi, thật ra, tất cả chỉ là vấn đề ngôn ngữ . Tôi không đòi hỏi bắt dân An Nam mang y phục của chúng ta, chẳng hợp với khí hậu họ tý nào, cũng cùng lý lẽ ấy, tôi không muốn một sớm một chiều áp đặt lên họ hệ thống luật pháp và cơ cấu hành chính của chúng ta. Hệ thống hành chính của các dân tộc này sẽ chỉ cần mang một tinh thần mới, sinh động hơn. Tổ chức gia đình của họ cũng chẳng thua tổ chức của chúng ta. Ta cũng phải triệt để tôn trọng tổ chức làng xã của họ.Và nếu, vì ngoại lệ, tôi dành ưu tiên cho tôn giáo của chúng ta như sẽ nói về sau, là vì các nhà truyền giáo chính là một công cụ tuyệt diệu trong việc truyền bá tiếng nói cũng như bảo đảm nền cai trị của chúng ta, cho ngày nay và mai sau. Việc truyền bá tiếng nói của chúng ta cho dân Đông Dương có thể thực hiện được , chỉ vì vài lý do đơn giản nhưng cơ bản sau đây: 1. những dân tộc này rất dễ bảo và có thể uốn nắn được; 2. họ không có một tiếng nói hoàn tất. Tiếng nói của họ, do thói quen lâu đời dựa trên chữ viết và văn học Trung Quốc, chỉ còn được giữ ở mức độ một thổ ngữ (patois) thô sơ. Để chứng minh rằng giống dân An Nam này ( tôi muốn nói giới bình dân, vốn chiếm mười chín trên hai mươi phần dân số ), không mảy may cuồng tín trong tôn giáo hay chính trị, dễ uốn nắn, những kẻ đi chinh phục như chúng ta khó có thể mong gì hơn (ít ra cũng trong hiện tại, vì về lâu dài, chính sự có mặt của chúng ta sẽ chuyển hóa tất cả trong chiếu hướng không lợi cho chúng ta), tôi chỉ xin kể hai sự kiện: sự nhẫn nại chịu đựng , tại Nam kỳ thuộc Pháp, mọi thuế má nặng nề, mọi mò mẫm cai trị do kém thông tin và thiếu nhất quán của chính quyền chúng ta; và sự cải đạo dễ dàng mau chóng khắp xứ sang đạo Ca-tô. "Họ cải đạo chỉ vì một túi gạo", những người đạo ky-tô gốc nhận định như vậy về hầu hết những người mới vào đạo. Các nhà truyền giáo buộc phải chấp nhận rằng thế hệ đầu tiên theo đạo chẳng ra gì . Nhưng thế hệ thứ hai sẽ khá hơn, và thế hệ thứ ba mới thực sự thuần thục. Những nhận định này, xuất phát từ kinh nghiệm lâu năm, có thể cũng sẽ là chiều hướng phát triển của nước Pháp Á Đông tương lai nếu được tổ chức xây dựng một cách nghiêm chỉnh. Tôi đã nói rằng tiếng An Nam còn ở mức độ một thổ ngữ (patois) thô sơ. Vấn đề nêu ra này quá quan trọng, tôi xin phép đi sâu vào một số điểm chi tiết, nhưng sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn. Chúng ta biết rằng xứ An Nam, trước đây chịu sự đô hộ lâu đời của Trung Quốc, nay vẫn còn hoàn toàn lệ thuộc về mặt tinh thần (và sự thống trị của chúng ta sẽ không được bảo đảm nếu chúng ta không thay đổi được tình trạng đó). Văn học hoàn toàn là văn học Trung Quốc, với một cách đọc phát âm riêng biệt. Nền văn học bình dân sơ khai bị rẻ rúng vì xem là ngây ngô. Tiếng Trung Quốc tại đây đóng vai trò tương đương với chữ La-tinh bên Âu Châu, thời Trung cổ , trước khi các tiếng nói tân tiến địa phương được tạo thành; nhưng tình trạng này còn đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam là những tiếng nói nhiều thanh điệu (varia-tono), đơn tiết (monosyllabique), khép kín trong thứ chữ viết ghi ý (écriture idéographique). Tiếng nói An Nam có sáu âm, nghĩa là chữ ma, chẳng hạn, biến thành sáu chữ khác nhau khi thay đổi âm điệu: không âm hay âm tự nhiên, bổng, xuống trầm, trầm, lên bổng, rồi lên bổng và trở xuống trầm. Sáu cách đọc chữ ma này, trong thuật ngữ chuyên môn, gọi là sáu âm ngữ (phonétique). Ta có thể thấy rõ vai trò của những âm ngữ này trong tiếng Pháp, dù rằng chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, không phải là quy luật như trong tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam. Nếu ta xem ba chữ mẫu hợp lại sin là một âm ngữ (phonétique), tùy cách viết, ta có năm từ đống âm (homophone), nhưng khác nghĩa: sain, saint, sein, seing, ceint. Trong tiếng An Nam có vài trăm trường hợp âm ngữ tương tự như trường hợp âm ngữ sin và một con số rất lớn những chữ đồng âm; những chữ này có thể được diễn nghĩa rõ ràng bằng các chữ ghi ý (idéographique), nhưng khi được ghi bằng phương pháp Âu Châu, chỉ ghi được các âm ngữ, sẽ không phân biệt được nghĩa các chữ. Quá nghèo nàn, chỉ diễn tả được các ý thông thường, muốn trở thành một ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ thông tục phải qua một cuộc chuyển hóa quá lâu dài, quá khó khăn và quá bấp bênh, cho nên đơn giản nhất chắc là phải khiến dân tộc dùng tiếng nói đó chấp nhận một tiếng nói ngoại quốc, có khả năng tiếp cận nghệ thuật, khoa học, triết học Âu Tây, và diễn tả rõ ràng những sắc thái tinh tế của tư tưởng. Những học giả nào còn đặt hoài vọng cho tương lai của tiếng nói An Nam, chỉ có thể trông cậy vào một sự phát triển mơ hồ, theo những quy luật hoàn toàn tưởng tượng. Đứng trên phương diện ngôn ngữ học, quan sát một cuộc chuyển hóa như vậy có thể rất lý thú ... cho cháu chắt chúng ta, và nếu thực sự chuyện đó có sảy ra , tôi cũng sẵn sàng thiếp đi trong năm sáu thế kỷ , để khi tỉnh dậy, nghiên cứu xem sự gặp gỡ giữa tiếng nói thô sơ đó với nền văn minh và chữ viết Âu Tây đưa đến thành quả nào. Nhưng liệu ta có nên đưa yếu tố ngữ văn học (philologie) này vào một vấn đề thực ra chủ yếu là chính trị ? Cho dù tiếng nói An Nam thực sự đã trưởng thành đi nữa, vì quyền lợi cơ bản của kẻ đi chinh phục, có lẽ ta vẫn phải dứt khoát thay thế tiếng nói kẻ bị trị bằng tiếng nói của chúng ta. Cuộc đấu tranh sống còn giữa các quốc gia, rất gay gắt vào thời nay, thường mang hình thức một cuộc đấu tranh về ngôn ngữ. Do những sai lầm của quá khứ, vị trí tiếng nói của chúng ta trên thế giới ngày nay thật quá yếu kém , tiếng nói dịu hiền của nước Pháp thân yêu, ngôn ngữ trong sáng và du dương của Pascal, của Bossuet, của Racine, của Mirabeau, của Victor Hugo! Dân tộc nào thực sự nói tiếng Pháp sẽ là dân Pháp, cộng đồng ngôn ngữ sẽ dẫn đến cộng đồng thị hiếu, tư tưởng và tình cảm. Dù ở xa ta đến đâu đi nữa, các dân tộc này sẽ là những khách hàng buôn bán trung thành nhất của chúng ta. Chỉ có sự bắt rễ sâu đậm của tiếng nói chúng ta tại Đông Dương mới đền bù được những phí tổn, những hy sinh quá nặng về người về tiền của dành cho cuộc chinh phục xa xôi này, và tôi xin thêm, nó sẽ đền bù gấp trăm lần. Theo ý tôi, gác sang bên cái nhìn hiếu kỳ của khoa học ngữ văn về một khả năng phát triển mơ hồ của tiếng nói An Nam, chúng ta phải công nhận rằng lợi ích quốc gia hàng đầu là truyền bá tiếng Pháp cho 20 triệu đứa con nuôi của chúng ta tại Viễn Đông. Dù tin tưởng chắc chắn vào tương lai của nước Pháp Á Châu, tôi cũng phải công nhận là thành quả thu lượm được cho đến ngày hôm nay thật quá kém, và có lẽ tình trạng sẽ không thể khá hơn , nếu ta không tìm ra nguyên nhân của sai lầm và phương thức để sửa đổi. Nam kỳ thuộc Pháp, do chúng ta cai trị từ ba mươi năm nay, tốn 2 triệu Francs hàng năm cho nền học chính, và kết quả là chỉ đào tạo được những lớp người lỡ thời có bằng cấp mà không chức vụ (déclassé) hay những kẻ cầu-thành-công-chức (aspirant-fonctionnaire), đa số , vừa dốt vừa kiêu, kết hợp trong mình mọi tật xấu của người Pháp cùng mọi thói hư của người An Nam. Ở các tầng lớp bình dân, ta không thấy mảy may dấu vết thành quả nào của công cuộc truyền bá tiếng Pháp. Một trong những sai lầm của chính sách đã được áp dụng là tin rằng chữ quốc-ngữ, hay chữ viết La Mã dùng để ghi lại tiếng nói An Nam thông tục (annamite vulgaire), do các nhà truyền giáo tạo ra với một mục tiêu giáo dục rất giới hạn, đủ sức để làm cơ sở cho nền học chính . Người ta không biết hay quên rằng chữ viết này ghi lại một tiếng nói, và tiếng nói đó lại quá nghèo nàn. Người ta không nghĩ rằng chữ viết này chỉ có thể được xem như một phương tiện đơn giản, dễ dùng, nhưng khả năng rất giới hạn. Kẻ bị trị quá ngoan ngoãn và người thống trỉ qua dốt đã đưa đến, từ non mười năm nay, sắc lệnh ấn định rằng sổ thuế (registe d'impôt) phải được viết bằng thứ chữ này. Như vậy là ban sắc lệnh tạo rối loạn lẫn lộn ngữ nghĩa cho các công văn vì có rất nhiều từ đồng âm ngữ. Các làng xã Nam kỳ, không cách nào ra khỏi những ngõ ngách ngoắt ngoéo của văn ngữ hành chính, đã phải thuê rất đắt những người trung gian, những kẻ không tài năng nào khác ngoài gan làm liều. Năm 1885, có người thú thật với tôi đã kiếm được 30 000 francs trong hai năm để khai sổ thuế cho các làng xã. Nếu nắm vững được thứ tiếng nói sáu âm này có lẽ người đó sẽ thấy công việc khai báo thực sự khó khăn hơn nhiều. Góc màn hé mở cho thấy người nông dân Nam kỳ phải chịu không biết bao phí tổn phi lý, bao nhục nhằn: Con số những kẻ trung gian này, Pháp hay An Nam, phải kể đến hàng mấy trăm. Sai lầm thứ hai là khiến mọi người có ý tưởng rằng hiểu biết tiếng Pháp, dù một cách sơ sài, là phương tiện để đương nhiên trở thành công chức, vốn là mục tiêu có thể nói là duy nhất của những người trẻ tìm học dăm ba chữ của ngôn ngữ này. Sai lầm này, phần lớn, là hậu quả của một sai lầm trước đó, là đặt cơ sở của nền học chính quốc dân trên chữ viết phiên âm tiếng An nam bằng chữ mẫu Âu châu, khiến cho tiếng Pháp đương nhiên trở thành một ngoại ngữ chỉ những kẻ có nhiều tham vọng mới phải tìm học. Những người này, rời ngưỡng cửa gia đình ra xã hội với tâm trạng đó, đông đảo hơn thập bội so với chức vụ cần bổ nhiệm, và từ đó đám người lỡ thời (déclassé) mỗi ngày mỗi thêm đông. Nền giáo dục Trung quốc trước thời chinh phục rất phổ quát, tổ chức vững chắc, cơ sở rộng rãi, chỉ đưa vào các chức vụ quan trọng một thành phần ưu tú ít ỏi và không tạo ra lớp người lỡ thời.Tại sao ta không thể xây dựng nền giáo dục Pháp ngữ trên những cơ sở tương tự và mở hướng cho những người học tiếng nói của chúng ta, không phải chỉ nhắm đến quan chức nhà nước, mà còn nên tìm vào lĩnh vực bao la của tri thức, lĩnh vực mà dân An nam cũng sẽ mê say như mọi người một khi hé thấy ? Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này trong phần sau bằng cách phác họa nhũng phương tiện và phương thức giáo dục cần thực hiện. Sai lầm thứ ba, sai lầm nặng nhất, là tại Đông Dương chúng ta đã bỏ qua những đường hướng chủ đạo của truyền thống chính trị nước Pháp, của thời Quốc Hội Lập Hiến ( La Convention) [4] cũng như thời Louis XIV [5], chúng ta không đếm xỉa gì đến lời nói của Gambetta [6] khi ông tuyên bố cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo quyền (la guerre au cléricalisme) không phải là một thứ hàng xuất khẩu. Các đô đốc, có chức vụ toàn quyền thuở sơ thời, - và chúng ta luôn luôn phải lấy họ làm gương mẫu khi cần tìm những biện pháp vừa khôn ngoan, vừa trung thực vừa đậm tình yêu nước - trao truyền nhau một truyền thống chính trị thượng cấp (haute politique), đã trao cho giáo phận (évêché) duy nhất của Nam kỳ thuộc Pháp một số tiền tài trợ lên đến 160 000 francs mỗi năm. Số tiền tài trợ thình lình bị cắt đứt khi các đô đốc trao quyền lại. Cùng thời, chính sách thế tục hóa (laïciser) [7] khiến chúng ta đã phải thay thế tất cà các tu sĩ bằng những giáo viên tuyển từ Pháp qua, lương bổng tốn kém hơn thập bội. Phần lớn nhất của ngân sách dồi dào dành cho tổ chức học chính Nam kỳ thuộc Pháp bị thâm thủng một cách gần như vô ích. Do bản tính cũng như do tinh thần trách nhiệm , tôi không mảy may có ý ,trực tiếp hay gián tiếp, ám chỉ gì đến hệ thống hiện có tại Pháp. Dù sao, tại đó, điều kiện hoàn toàn khác , ta ở xứ ta, giữa ta với ta. Nhưng ở nơi đất lạ, nhất là tại những nơi vừa xâm chiếm, chưa được đồng hóa, khước từ sự đóng góp của một thành phần công dân nào đó sẵn sàng phục vụ mục đích chung vì tổ quốc , là một lỗi lớn. Nhân đây, ta nên giải quyết ngắn gọn qua vài câu vấn đề các hội truyền giáo. Chỉ cần họ có mặt tại chỗ, các nhà truyền giáo và các người theo đạo Ki -tô đã giúp cho cuộc chinh phục đất đai và giữ gìn những mảnh đất xa xuôi đó trở nên bội phần dễ dãi. Phe kháng chiến quốc gia ( Le parti de la résistance nationale), sáng suốt hơn đa số người Pháp, đã thấy rõ điều này. Trong vòng vài năm, ta có thề nói gần như chỉ trong vòng vài tháng, 50 000 người theo đạo Ki-tô nam nữ đủ lứa tuổi đã bị phe này tàn sát, chỉ vì những vụng về trong công cuộc chinh phục. Những kẻ dốt nát, những người không mảy may khả năng suy xét, không tinh thần phê phán, không đủ sức thấy được quy luật gắn bó nguyên nhân với sự kiện lịch sử, đã cố gắng tìm đủ mọi thứ duyên do cho các cuộc tàn sát khủng khiếp này. Lý do thực và có thể tạm gọi là đáng trọng của những cuộc tàn sát man rợ này bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ tổ quốc của xứ An Nam. Trong vai trò nạn nhân này, các nhà truyền giáo và những người ki-tô giáo lại được chúng ta đền bù bằng những chính sách bất công đau đớn. Chúng ta xin lỗi triều đình Huế vì đã được những người này trợ giúp. Chúng ta ruồng bỏ họ , gây thiệt hại cho ảnh hưởng và uy tín của chúng ta. Vì thực ra chính sách hữu hiệu nhất đối với người phương Đông là phải áp dụng triệt để phương châm : cứng rắn với kẻ thù, khoan hòa với người thân. Đó là quá khứ. Cho tương lai, nên biết rằng nước Pháp sẽ không thể xây dựng gì vững chắc và lâu bền nếu không được sự trợ giúp của những người này, những kẻ đã bao lần bị thí thân. Ngoại trừ tính chuyện rời bỏ Đông Dương, giải pháp mà đố chính phủ nào giám nghĩ tới, điều trước tiên cần làm là mỗi năm tại Pháp ta phải chiêu mộ thêm từ năm chục đến một trăm giáo sĩ truyền giáo. Xưa nay, những tu sĩ này, sau mọi tai họa khủng khiếp nhất, lại nhẫn nại bắt tay vào việc với một đức tính kiên trì mà tôi hết sức cầu mong cho những người cai trị của ta có được; nếu ta sự muốn, những giáo sĩ này, với vai trò dẫn dắt tinh thần cho mọi người, nam, nữ, và trẻ em, sẽ là những kẻ trợ giúp hữu hiệu cho công cuộc thật to lớn và yêu nước của chúng ta: áp đặt tiếng nói nước ta lên các dân tộc Đông Dương. Tôi không đòi hỏi đến mức phải tài trợ việc hành đạo của họ, khác với các quan toàn quyến đô đốc xưa. Không. Tôi sẽ chỉ cho các nhà truyền giáo Ca-tô Pháp, nhưng trên một cơ sở rộng rãi hơn , cùng những loại trợ cấp mà người Anh dành cho các nhà truyển giáo của họ, tại Ấn Độ, để lo việc học chính. Họ hoàn toàn tùy thuộc ta; và, nếu họ được đối đãi trân trọng, với lương bổng cao, làm gì mà ta không thể đòi họ hết lòng hết sức đóng góp vào việc truyền bá tiếng nói của xứ ta ? Tại Đông Dương, nếu tôi không lầm, chúng ta có chín giáo phận (évêché) và từ 500 000 tới 600 000 giáo dân. Thực ra, ba trong những giáo phận đó trực thuộc giòng Dominicain Tây Ban Nha. Vai trò của các giáo sĩ ngoại quốc này có tính trung lập, nếu không nói là đối kháng với vai trò của các giáo sĩ truyền giáo người Pháp, thường thường là những người rất yêu nước. Vấn đề các giáo sĩ Tây Ban Nha tại Bắc Kỳ, cho đến nay chưa được giải quyết, ngay cả chưa được nêu ra, điều này cho thấy rõ tính cách vá víu, lơ là, thiếu định hướng rõ rệt của chính sách thuộc địa. Tôi đề nghị cho mỗi giáo phận , trên tổng số chín kể trên, một số tiền tài trợ hàng năm là 100 000 francs, với điều kiện là trong ngắn hạn phải đủ khả năng mở lớp học tiếng Pháp cho một nghìn học trò. Cứ mỗi học trò được tăng thêm so với con số ban đầu, ta hứa sẽ tài trợ thêm 100 francs, sau khi kiểm thực. Với một số tiền trợ cấp một triệu, chúng ta sẽ có gần như ngay lập tức cho toàn cõi Đông Dương 10 000 người trẻ học tiếng Pháp. Chẳng bao lâu, với 20 000 học trò, chúng ta chỉ tốn 2 triệu đồng, tức là số tiền hiện đang được chi cho chỉ một xứ Nam Kỳ với kết quả chẳng là bao. Chính quyền vẫn có thể, về phía mình xây dựng và bảo quản trường công cho học trò nam, ta sẽ trở lại vấn đề này sau. Nhưng đối với nữ sinh, dù sao cũng cần được dạy dỗ, nếu muốn đạt được mục tiêu vì tổ quốc của chúng ta, công việc sẽ quá tế nhị. Về điểm này, thế kẹt của chính quyền sẽ được giải tỏa nhờ những nữ tu , với đời sống xuất gia, có thể chăm lo hàng ngàn đứa trẻ. Hãy để cho các hội truyền giáo tự chọn phương hướng và phương tiện, cũng như tổ chức nhân sự của họ, nam hay nữ tu, và chúng ta chỉ phải lo công việc tương đối dễ là kiểm tra kết quả gặt hái được rồi tùy theo đó quy định số tiền trợ cấp. Nếu số học sinh của các hội truyền giáo tăng quá đông khiến tiền trợ cấp trở thành quá nặng cho ngân sách nhà nước, ta chỉ cần khiến cho giáo trình học được dùng làm cơ sở cho việc cấp tiền tài trợ trở nên khó khăn hơn. Vậy là xong, những điểm chính đã được giải quyết, lực đẩy đầu tiên được phát động, và nền học chính quốc dân được dựng thành. Các trường công, do chính quyền trực tiếp quản trị, sẽ có số học sinh tương đương với số học sinh của các trường được trợ cấp. Phí tổn điều hành tất nhiên có cao hơn, nhưng ta cũng đừng quên rằng trong ngành giáo dục, yếu tố ganh đua là ích lợi, cần thiết, tạo khởi sắc, và cạnh đó còn có những lý do tối quan trọng khiến cho không thể để các trường Pháp tại Đông Dương hoàn toàn chỉ là các trường của các hội truyền giáo. Với hai loạt trường Pháp này, những trường được trợ cấp và những trường được quản trị trực tiếp, cùng với nhiều trường chuyên nghiệp (écoles professionnelles), nền móng cơ sở của việc truyền bá ngôn ngữ, chuyển hóa tinh thần và tư duy cho toàn xứ được xây dựng. Những thành phần ưu tú nhất của các trường này sẽ có thể qua tu học bồi dưỡng thêm trong các trường kỹ thuật tại Pháp. Một vấn đề rất quan trọng là việc lựa chọn và phổ biến rộng rãi những sách cơ bản phổ thông, phù hợp với điều kiện bản địa, để truyền bá những khái niệm luân lý, những kiến thức thực tiễn hữu ích cho những con dân mới của chúng ta. Những kiến thức phổ thông này sẽ củng cố cho việc học tiếng Pháp. Biết tiếng Pháp sẽ là điều kiện bắt buộc để vào các trường chuyên nghiệp (écoles professionnelles), vào các ngạch công chức, cũng như vào một số ngành nghề vốn rất được dân bản xứ ưa chuộng. Hiện nay, các lang y ( médecins) [8], nhan nhản ở Nam Kỳ, tùy hứng truyền nhau những phương thức chữa bệnh dựa trên thói quen kinh nghiệm nhiều khi rất ngây thơ non nớt. Nếu tôi nhớ không sai, thuế môn bài họ đóng thay mọi bằng cấp chứng chỉ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, phải chăng ta nên lập ra những trường y khoa bản xứ trong đó những kiến thức sơ đẳng của y khoa Pháp được giảng dạy , và, nếu có thể, những phương thức chữa bệnh bản xứ được nghiên cứu có phương pháp , những người theo học phải đủ thông thạo tiếng Pháp? Sau đó, ra quyết định rằng những lang y mới này cũng có thể gọi là quan chức y khoa bản xứ (officiers de santé indigène) , có thể được cấp bằng, sẽ dần dà thay thế các thầy thuốc cổ truyền ( anciens maîtres en médecine) [9] . Trong thực tế và khi thực hiện chương trình, thế nào cũng sẽ có rất nhiều phương tiện thích hợp xuất hiện có thể giúp ta tiến mau tiến chắc tới mục đích nếu ta biết nắm đúng cơ hội. Thí dụ như, về sau nữa, ta có thể, trên nguyên tắc, chỉ chấp nhận cho trở thành công dân Pháp những người An Nam biết nói tiếng Pháp. Về phía ta, ta cũng phải quen dần với tư tưởng vừa chính đáng vừa khôn ngoan: ngang trình độ học thức đưa đến ngang quyền lực chính trị. Ngày kia, khi toàn thể dân Đông Dương nói tiếng Pháp, ta có thể không ngại ngùng cho họ quyền tự trị; Những sợi giây gắn bó tinh thần sẽ hữu hiệu thay thế sức mạnh áp lực vật chất. Trước khi bước qua vấn đế khác, ta cũng nên đưa ra một ước vọng. Vì lợi ích cho nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, ta cần giảm thiểu tính gò bó câu nệ hình thức và những ngoại lệ trong chính tả chữ Pháp, vốn có nhiều trường hợp kỳ quái và không hợp lý, làm tăng khó khăn trong việc học tập tiếp thu. Sau cùng, có nên phải lo sợ đề phòng Đông Dương bị dẫn đến hiểm họa giáo quyền (péril clérical) không? Có cần phải nêu lên trở lại cái ngớ ngẩn trong việc ghép chung những chữ Đông Dương , hiểm họa giáo quyền, ngay sau khi 50 000 người theo đạo Ki Tô vừa bị tàn sát, trong một xứ mà họ chỉ được 500 000 người trên 20 triệu dân? Việc truyền bá tiếng Pháp, cũng sẽ được chính quyền cùng lúc trực tiếp tổ chức, không lẽ không tiến nhanh hơn sự bành trướng của tôn giáo ? Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà truyền giáo, ít nhất một nửa số dân vẫn sẽ còn là người ngoại đạo. Và nếu, trong vài thế hệ nữa, hai ba chục triệu dân Đông Dương nói tiếng Pháp, tư tưởng tôn giáo của họ chắc cũng sẽ rất rộng rãi chung chung. Hiện nay, Đông Dương, chưa quân bình được ngân sách, còn nhận viện trợ của chính quốc; đây cũng là một trong những lý do chính của nguồn dư luận chống lại việc xâm chiếm chinh phục. Vậy tìm đâu ra tiền cho công cuộc tổ chức giáo dục quốc dân mà chúng ta đề nghị. Theo ý tôi, ta có thể tìm ra tiền ngay tại Đông Dương, một khi ta thực sự muốn đơn giản hóa tất cả guồng máy nhà nước, sắp xếp lại và tiết kiệm chi tiêu, lùng kiếm tận cùng mọi phí phạm. Số lượng công chức tại những thuộc địa của chúng ta nhiều gấp hai, gấp ba lần hơn số lượng cần thiết. Nhiều người thành thực nghĩ rằng công dụng tốt nhất của những thuộc địa mới chiếm được là để giải tỏa phần nào đòi hỏi của những người đang muốn tiến thân và được quá nhiều ô dù thế lực che chở bao bọc trong nền dân chủ còn chưa được tổ chức vững chắc của chúng ta. Với nguyên tắc thường được áp dụng đó, Đông Dương bị tràn ngập đầy những hạng người giáng cấp, những cặn bã của các cơ quan hành chính mẫu quốc. Không có một quan chức cai trị nào ( và với số lượng không biết bao nhiêu mà tính, kể từ năm 1879 [10], thời khởi đầu của đại nạn này) mà không lôi theo đuôi cả một chuỗi những kẻ cầu cạnh chức quyền, lấy đòi hỏi tham vọng cá nhân làm lợi thế, thay cho khả năng hiểu biết nhân tâm địa lý đất đai cai trị. Trong thực tế, có thể nói rằng ngày nay, mọi người đều xem như là thuộc địa được tạo ra để phục vụ giới công chức thay vì ngược lại. Đây là mệnh đề cần phải hoàn toàn đảo ngược. Trước hết, trong vòng một hai năm, phải ngừng việc tuyển nhận công chức, vốn dễ tạo dịp cho tệ đoan thiên vị. Sau đó, phái sang Đông Dương một thành phần nhân sự rất giới hạn, nhưng được lựa chọn và chuẩn bị kỹ, theo những khóa tu tập chuyên môn cao để gạn lọc những phần tử yếu kém. Sau hết, phải cho quan chức cai trị Đông Dương có đủ quyền lực để vĩnh viễn thanh lọc, một cách kín đáo nhưng cương quyết, những kẻ không đủ khả năng hay không xứng đáng, làm sao cho những thế lực ô dù bao che không đưa trở lại thuộc địa những phần tử đã bị loại trừ vì những lý do nghiêm trọng và chính đáng. Cũng phải cho quan chức cai trị có thẩm quyền sắp đặt và dùng người trong thuộc địa tùy theo khả năng. Không biết bao nhiêu tài nguyên trí tuệ và tinh thần bị phân tán hay tiêu hủy, bị kẹt ở những chức vụ phụ thuộc thấp kém, trong một xứ má khí hậu mau chóng làm hao mòn, trong khi đó những chức vụ quan trọng lại được giao cho những kẻ mới tới, tài cán chẳng có gì, chỉ nhờ thế ô dù bao che! Tổ chức quân đội Pháp, rất tốn kém cho ngân sách Đông Dương, còn quá đông. Với một tổ chức hợp lý hơn, 5 hay 6000 lính gốc Âu thừa đủ để tổ chức và huấn luyện lính bản xứ. Đây cũng là một nguồn tài nguyên vô tận về trí tuệ và tinh thần cho xứ Pháp Á châu. Với 6000 người này, cộng thêm 15000 hay 20000 lính bản xứ được huấn luyện thuần thục, được lưu giữ lâu dài tại ngũ bằng cách khuyến khích và tạo dễ dãi cho việc tái nhập ngũ, chúng ta có một quân đội chính quy từ 20000 tới 25000 lính, một con số thấp hơn nhiều so với con số hiện có. Con số này chắc sẽ đủ, vì cái thiếu sót hiện nay là việc tổ chức, đằng sau 25000 quân chính quy này, từ 30000 đến 40000 quân trừ bị, có thể được trưng dụng khi cần, toàn bộ hay một phần, và đây là phương sách chủ chốt cho công cuộc bình định rốt ráo, cũng như cho an ninh của nền thống trị của nước Pháp. Thêm vài biện pháp cụ thể thích đáng nữa là trong vòng hai năm chúng ta sẽ có một lực lượng quân trừ bị trung thành, rất ít tốn kém cho ngân sách, khác hẳn đám đầu trộm đuôi cướp hay lũ giặc mà chúng ta đã đào tạo từ nhiều năm qua tại Bắc Kỳ. Nếu những nguyên tắc mà tôi đề nghị, với những biện pháp tương ứng, được áp dụng một cách cương quyết và nhất quán, ngay lập tức ngân sách Đông Dương sẽ trở thành thặng dư , từ đó 1° chúng ta không cần xin một xu từ mẫu quốc; 2° có thể phát triển một cách khôn ngoan hệ thống công chánh: những gì sảy ra tại Đông dương từ mười năm qua buộc ta phải nhấn mạnh ở chữ khôn ngoan; 3° xây dựng nền học chính trên những cơ sở được định rõ nhằm tạo thành nước Pháp Á đông; 4° dần dần tạo ra một binh chủng hải quân Pháp An Nam thực thụ, với một hạm đội gồm chiến hạm, thay thế những tàu tuần sông gần như vô dụng ngày nay và sẽ càng vô dụng trong tương lai. Biện pháp sáng tạo này làm gia tăng một cách rõ rệt và cụ thể thế lực của nước Pháp tại Viễn Đông. Những suy nghĩ nghiền ngẫm bao lâu nay, cùng kinh nghiệm mười sáu năm sống giữa các dân tộc Đông Dương, đã cho tôi lòng tin tuyệt đối rằng các dự án đó có thể thực hiện được, với điều kiện phải dứt khoát để mục đích dẫn dắt phương tiện , để quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân. Nội trong vòng ba năm, vị trí của chúng ta sẽ rất vững chắc tại Đông Dương, và nội trong vòng ba thế hệ nước-Pháp-mới sẽ phát triển một cách tự nhiên tại Á Đông. Tóm lại, do mối liên hệ mật thiết giữa tiếng nói, phương tiện giao lưu tư tưởng, và những nhu cầu vật chất đơn sơ nhất, cuộc chiến ngày nay giữa các quốc gia là một cuộc chiến về ngôn ngữ cũng gần tương đương với cuộc chiến vì quyền lợi vật chất. Mật độ sinh sản của nước Pháp, quá thấp, và chỉ được bù đắp phần nào bằng khả năng đồng hóa, buộc ta phải thâu nhận những đứa con nuôi do cuộc viễn chinh đưa tới. Cuộc thâu nhận này sẽ diễn ra, phần nào đó, qua một số phương tiện, mà chúng ta, nếu không khuyến khích một cách trực tiếp cũng không nên ngăn trở: luật lệ, phong tục và đạo giáo của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn về quả địa cầu được thu nhỏ lại do tiến triển khoa học, do giao thông dễ dãi, chúng ta vui mừng nhận thấy sự trì trệ tai hại trong công cuộc bành trướng nước Pháp, do những sai lầm của các vị cai trị xứ ta trong thế kỷ 18, do các cuộc cách mạng cũng như những mâu thuẫn tranh chấp trong thế kỷ này, được thay thế bằng ánh dương đầy hứa hẹn của công cuộc bảo tồn thiên tài của chúng ta, bảo tồn ngôn ngữ , bảo tồn tác phẩm của các tác giả lớn, của quá khứ cũng như của tương lai. Chiến thắng hạ thành Alger, năm 1830, củng cố vững chắc vị trí chúng ta tại Bắc Phi. Tại Nam Mỹ, chúng ta sẽ phải kết giao với các dân thuộc hệ văn minh La Mã và khôn khéo khiến họ học tiếng nói của ta. Để đạt mục đích này, có lẽ ta sẽ phải chấp nhận nhiều nhượng bộ. Vị thế của chúng ta không nơi nào tốt đẹp hơn là tại Bắc Mỹ, nơi mà con dân chúng ta tại Gia Nã Đại, bị chúng ta bỏ rơi một cách đê hèn cách đây 130 năm, đã quy tụ lại dưới sự dẫn dắt của một tổ chức giáo sĩ yêu nước anh hùng, tôn thờ gìn giữ tiếng nói của mình, xem như ngọn đuốc thiêng tượng trưng cho linh hồn cha ông của họ. Do mật độ sinh sản cực cao, dân số họ đã nhân lên gấp bốn mươi lần, từ 60000 ngày nay thành 2 500 000. Sống quy tụ và vững chãi trên con đường tiến bộ, nội trong thế kỷ này, cả Bắc Mỹ sẽ phải tôn trọng tiếng nói của họ. Còn lại Á Đông , nơi mà cuộc chinh phục một phần đất Đông Dương đã cho ta những con dân tuy số lượng ít hơn, nhưng dễ đồng hóa hơn là đám dân của một đế quốc rộng lớn và phồn thịnh mà Dupleix từng mơ ước và cố gắng hình thành. Từ những hy sinh đã qua phải xây dựng nên một nước Pháp Á Châu. Công cuộc thật to lớn nhưng có thể thực hiện được, và những thành quả sẽ cho chúng ta một vị trí vững chắc tại thật xa nước ta, tận cùng bên kia thế giới. Muốn như vậy, chỉ cần làm sao cho tư tưởng tối cao vì tổ quốc khiến ta đặt mục tiêu muốn đạt lên trên những quyền lợi cá nhân thấp hèn, những ganh đua, những thành kiến tai hại hay nhất thời. Như vậy, chúng ta sẽ đóng góp cho tương lai sán lạn mà thế hệ ta cần phải phác họa trước. Thế giới sẽ không phải chỉ thuộc văn hóa slave [11] hay văn hóa anglo-saxon [12], và, trong cuộc hòa âm giao hưởng của thời đại sắp tới, tiếng nói của nước Pháp sẽ tiếp tục rền vang cho các tư tưởng công lý, tự do, bình đẳng và thân ái như đã từng được long trọng tuyên bố từ một thế kỷ qua.
|
Chú Thích của người dịch |
[1]
- La langue française et l'enseignement en Indo-chine, par E. Aymonier,
Directeur de l'Ecole Coloniale, Membre du Conseil d'Administration de l'Alliance
Française, Paris, Armand Colin et Cie Editeurs, 1- 3- 5 rue de Mézières,
1890
- (Xin đọc thêm : "Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội , Chương 3 - Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ" của GS Nguyễn Phú Phong : http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyenphuphong/vnchuviet/npph04_phan1ch03.htm) [2]
Antoine Brebion viết về Emmanuel Trần Bá Lộc :
[3] - Hội nghị thuộc địa quốc tế được tổ chức tại Paris [4] - "La Convention" được dùng để chỉ Quốc Hội Lập Hiến cai trị nước Pháp từ 21-9-1792 đến 26-10-1795, đã soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho nền Cộng Hòa Thứ Nhất của Pháp. Trong thời này, Louis XVI bị truất phế (10-8-1792) và xử tử (21-1-1793). [5] - Louis XIV (1638-1715), còn được mệnh danh là "Vua - Mặt trời" (Roi Soleil), lên ngôi ngày 16-5-1643 nhưng chỉ thực sự nắm quyền từ năm 1661. Sau khi Hồng Y Mazarin, vốn là tể tướng (Ministre principal) từ thời Louis XIII, từ trần, Louis XIV trực tiếp trị vì , không dùng tể tướng nữa. Louis XIV là một vị vua độc đoán (monarque absolu), nắm mọi quyền hành trong tay. Dưới triều Louis XIV, nước Pháp là một nước giàu mạnh, văn hóa Pháp tỏa khắp Âu châu, với các nhân vật như Molière, Racine, Boileau, Lully, Le Brun, Le Nôtre, La Fontaine, Blaise Pascal, Madame de Sévigné, La Bruyèe, Saint Simon ... [6] - Gambetta (1838-1882), nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Cộng Hòa (Union républicaine) thời Cộng hòa Thứ ba của Pháp (3e république), là người chống đối quyết liệt chủ nghĩa giáo quyền (le cléricalisme). Theo các đảng phái cộng hòa Pháp thời đó, xu hướng giáo quyền chủ trương đưa tôn giáo chi phối đường hướng trị nước, đưa các tổ chức giáo hội, cụ thể là các giáo đoàn trực thuộc Giáo hội nhà thờ La Mã, ảnh hưởng vào nội bộ chính trị nước Pháp. Trên diễn đàn Quốc Hội năm 1876, Gambetta từng tuyên bố : "Chủ nghĩa giáo quyền chính là kẻ thù của chúng ta !" (Le cléricalisme, voilà l'ennemi !" ). Trong nội vụ nước Pháp, Gambetta dứt khoát không chấp nhận để giáo quyền ảnh hưởng lên thế quyền, tách biệt tôn giáo và chính trị. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, ông lại muốn giữ mối quan hệ tốt với Giáo hội La Mã. Trong tinh thần đó, có nguồn dư luận cho rằng ông đã từng tuyên bố : "Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo quyền không phải là món hàng xuất khẩu". Ở đây, Aymonier dẫn chứng lời của Gambetta để nói rằng, người ta có thể chống chủ nghĩa giáo quyền tại Pháp, nhưng tại thuộc địa , phải có một đường lối chính trị khác, phải kết hợp với các giáo sĩ để cai trị. [7] - Nguyên tắc thế tục hóa chính quyền (laïcité) thành hình với cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, khi Chế độ Quân chủ Cũ (Ancien Régime) bị lật đổ và các đặc quyền đặc lợi của nhà thờ và tu sĩ bị bãi bỏ, quyền tự do tư tưởng được ghi chép trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền (Déclaration des droits de l'homme). Các Giáo đoàn (congrégation religieuse) phải khai báo và phải được giấy phép của nhà nước. Trong thế kỷ thứ 19, các cơ cấu chính trị hành chính dần dần được cải tổ trong chiếu hướng xóa bỏ mọi liên hệ hữu cơ đã có từ thời trước giữa nhà nước và Nhà Thờ La Mã (qua trung gian các Giáo đoàn và tu sĩ). Chính thể Cộng Hòa Thứ Ba (3e République) tổ chức một nền học chính thế tục (laïc), phi tôn giáo , bắt buộc (Luật Jules Ferry - 28 mars 1882). [8] - Viết nghiêng trong nguyên tác: médecins [9] - Viết nghiêng trong nguyên tác: anciens maîtres en médecine [10] - Chúng ta không biết tác giả kể ra năm 1879 với ý gì ? nhắm ai ? Về học chính, tại Pháp, vào ngày 15 tháng 3 năm 1879, Jules Ferry trình Quốc hội một đạo luật nhằm loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của các giáo sĩ, chủ yếu nhắm vào các giáo sĩ giòng Tên (Jésuite), ra khỏi tổ chức học chính. Các nghị định các năm sau 1880, 1882... khiến giáo dục tiểu học trở nên phi tôn giáo, miễn phí, bắt buộc cho các trẻ em từ 6 tới 13 tuổi. Trong các trường công, các giáo viên sẽ giảng dạy luân lý và nghĩa vụ công dân cho học trò. Giáo dục về tôn giáo sẽ không được giảng dạy tại trường công. Mặt khác,
Jules Ferry đẩy mạnh chính sách bành trướng thuộc địa (
Tunisie, Madagascar, Congo, xâm chiếm Bắc kỳ... ). Cuộc xâm chiếm
Bắc Kỳ gây nhiều tổn thất về người, tiền của cho Pháp.
|
|