Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả  ]

ĐIỂM QUA NHỮNG TƯ TRÀO CHI PHỐI

VĂN HỌC NHẬT BẢN CẬN ĐẠI

Biên khảo: Nguyễn Nam Trân

Đối với chúng ta, những người sống trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, khoảng thời gian gọi là cận đại Nhật Bản có thể ước tính đã kéo dài độ 100 năm, kể từ hậu bán thế kỷ 19 cho đến tiền bán thế kỷ 20, hay muốn nói rõ hơn, từ năm 1868 khi cuộc duy tân thời Meiji bắt đầu [1] đến năm 1945, lúc Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh [2].

Những tư trào chi phối của văn học Nhật Bản cận đại mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là những trào lưu tư tưởng. Tư tưởng, theo sách vở, được định nghĩa như một sinh hoạt tinh thần ra đời trước giai đoạn phán đoán và hành động. Nó là kết quả của một hoạt động trí óc vốn không ngừng lại ở nội dung có tính trực giác mà còn kèm thêm sự phản tỉnh có tính lý luận. Những tư tưởng tương đồng khi có cơ hội tập hợp lại và dâng lên như con nước gọi là tư trào. Một tư trào ưu việt có thể lấn lướt những tư trào khác nhưng không vì thế mà có cơ tồn tại vĩnh viễn. Nó sẽ được thay thế bằng những tư trào khác đáp ứng thỏa đáng hơn nhu cầu của thời đại đến sau. Tư trào không có tính nghiêm nhặt và tính hệ thống chặt chẽ của triết học, thế nhưng dù mang hình thức bất định, nó vẫn phản ánh được quan điểm về nhân sinh và xã hội của cá nhân hay đoàn thể. Còn như vũ trụ quan, do tính cùng cực và tuyệt đối của nó thì có khác, chắc chắn phải mang nhiều màu sắc triết học.

Thế nhưng các trào lưu tư tưởng có liên hệ gì đến văn học?

Thật ra, tất cả mọi tác phẩm của con người đều có tính tư tưởng. Không những tác phẩm bằng văn tự mà các công trình mỹ thuật, kiến trúc, kịch nghệ, âm nhạc, kế hoạch chỉnh trang đô thị, phát minh, chế biến thương phẩm, quảng cáo, trang phục... hỏi có lãnh vực nào mà không thấy dấu ấn của tư tưởng! Như vậy, liên hệ giữa các trào lưu tư tưởng và tác phẩm văn học là một sự thực không sao chối cãi được cho dù tư tưởng cũng có nhiều hình thức: tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng tiếp thu, tư tưởng phê phán, tư tưởng chống đối vv...

Tự điển Kôjien của Nhật đã định nghĩa văn học như học vấn, học nghệ hay học thuật liên quan đến thi văn. Một định nghĩa thứ hai, chi tiết hơn, lồng khung nó trong những tác phẩm nghệ thuật như thi ca, tiểu thuyết, truyện ký, kịch nghệ, bình luận, tùy bút, nghĩa là những gì dựa trên sự tưởng tượng và dùng khả năng ngôn ngữ để diễn tả ngoại giới lẫn nội tâm. Ngoài bộ môn bình luận mà nội dung tư tưởng khá đậm đặc, trong các hình thức văn nghệ khác, tư tưởng tiềm ẩn và bàng bạc hơn nhiều. Một số nhà văn học sử tỏ ra e dè, bỏ qua không nhắc đến những tác phẩm thuộc loại nghị luận. Đó quả là một điều thiếu sót cần tu chính nếu biết rằng văn nghị luận cũng có cái đẹp của cấu trúc và chất thơ trong lối diễn tả của nó.

Sau đây chúng ta thử điểm qua những tư trào chính đã xuất hiện trong khoảng một trăm năm của thời cận đại và đã ảnh hưởng dù gần hay dù xa đến văn học Nhật Bản, văn học trong cái nghĩa bộ môn bao gồm cả tác phẩm thuần túy văn nghệ lẫn những tác phẩm mà ta thường cho là khô khan hơn.

Ta sẽ thấy cảnh tượng buổi đầu thời cận đại ở Nhật giống như một sân khấu lớn đầy những diễn viên đóng mọi vai trò. Những trào lưu tư tưởng đã xung đột, kết hợp, giao thoa với nhau để làm nguồn cảm hứng tạo ra một nền văn học cận đại Nhật Bản phong phú và đa dạng. Cho dù một nhà văn khi viết tiểu thuyết hay làm thơ, không hề ra tuyên ngôn là mình viết theo một trường phái nào, nhưng sau đó đã có những nhà phê bình với kiến thức sâu rộng và óc quan sát bén nhạy (tuy đôi khi cũng có người thiếu vô tư hay có phần võ đoán) giúp chúng ta nhận ra được điều đó, ngay cả khi có những pha trộn hòa lẫn hay những chuyển hướng trong văn nghiệp của các tác giả.

Trước tiên, hãy thử xem những tư trào nào đã có mặt trên đất Nhật trong những năm tháng ấy?

I -Tư tưởng khai sáng 
Năm 1853, đoàn chiến thuyền của đề đốc Mỹ Matthew C.Perry đã gây nên một chấn động trong tâm thức của người Nhật và đẻ ra cuộc đối kháng quyết liệt ở quốc nội giữa hai chủ trương tôn quân nhương di (phò vua đuổi người ngoại quốc) và khai quốc tá mạc (phù tá mạc phủ, mở cửa thông thương). Nhưng dù đứng ở tư thế nào, họ cũng chia sẻ một cái nhìn chung nghĩa là xem việc học hỏi văn minh phương Tây như một nhu cầu cấp bách.


Yoshida Shôin (1882-1859)

Vì vậy mới có những Yoshida Shôin muốn trốn ra nước ngoài bằng tàu Nga, tàu Mỹ (1854) hòng tìm hiểu kẻ địch tận hang ổ, học trò ông là Kusaka Genzui đặt vấn đề đối với "thánh hiền chi thư" để dứt khoát đi theo "sách viết ngang theo lối chữ cua bò" (giải hàng thư) nghĩa là chữ viết phương Tây. Cái gì họ cũng muốn biết từ quân sự, kỹ thuật, tư tưởng, chế độ, kỷ cương, phong tục. Những tên tuổi lớn của thời này là Fukuzawa Yuukichi, Iwakura Tomomi, Tsuda Umeko, Nakae Chômin, kẻ đi sứ, người du học, đều đã có cơ hội nhìn tận mắt văn minh và văn hóa Âu Mỹ để so sánh với hiện trạng nước mình và tránh đi trên vết bánh xe đổ của nhà Thanh.

Meirokusha (Minh Lục Xã) một học hội mang tên như thế vì thành lập năm Minh Trị lục niên (1873) là cơ sở vật chất để các nhà khai sáng có thể hoạt động. Chủ trì bởi viên cựu phụ tá công sứ ở Mỹ là Mori Arinori, nó qui tụ được những nhân tài có tâm huyết như Nishimura Shigeki, Tsuda Mamichi, Nishi Amane, Nakamura Masanao, Katô Hiroyuki, Mitsukuri Shuuhei, Fukuzawa Yuukichi, Sugi Kôji, Mitsukuri Rinshô. Phần đông họ là những người đã bắt đầu theo cái học của người Hòa Lan, sau đó chuyển qua học thuật Anh, Đức Pháp. Để có diễn đàn trao đổi ý kiến, họ lập tạp chí Meiroku, tạp chí tư tưởng tổng hợp đầu tiên ở Nhật. May mắn cho họ là có nhiều người trẻ ở lứa tuổi 40 nối gót và phần đông đã có dịp tham gia chính quyền để thực hiện hoài bảo khai hóa quốc dân.

Tạp chí Meiroku nói chuyện gì?

Trước tiên họ giới thiệu chế độ và học thuật của Âu Mỹ và đề nghị Nhật Bản thi hành những cải tổ theo chiều hướng đó. Họ bàn về tự do ngôn luận trong một quốc hội do dân bầu, luận về hình phạt, tài chính, tiền tệ, mậu dịch, đời sống vợ chồng, đạo đức nam nữ và vấn đề mãi dâm. Họ cũng thảo luận về giáo dục lịch sử, tự do tín ngưỡng, việc sử dụng chữ La Mã và hiragana để cải cách ngôn ngữ văn tự, đưa ra quan điểm về khoa học tự nhiên. Họ nhiều lần như Nishimura Shigeki phủ nhận quan điểm có sẳn của nhà nước như lối định nghĩa thế nào là "giặc" (tặc) và đòi hỏi phải có một nhận thức mới về từ ngữ này, trước đây chỉ được giải thích một cách thô sơ là "kẻ địch của thiên tử" (triều tặc). Cách phân biệt này nhằm đánh giá sự cần thiết của nghị luận chính trị và đặt lại vấn đề đối với một quan niệm cố định lỗi thời nên xứng đáng được mang tên là tư tưởng khai sáng. Họ cũng đưa ra nhiều vấn đề thiết thân nhưng nhạy cảm đối với xã hội buổi đó: ví dụ Tsuda Mamichi đòi bãi bỏ việc tra tấn khi hỏi cung phạm nhân và Mori Arinori bài bác chế độ đa thê mà ông xem là dâm loạn.


Mori Arinori (1847-1889)

Tư tưởng khai sáng còn đòi hỏi thay đổi khí chất của người trong nước mà các nhà tư tưởng khai sáng cho là tinh thần nô lệ. Nishi Amane nói về ý thức về quyền lợi của người dân trước pháp luật, Nakamura Masanao đưa ra thuyết "lương thê hiền mẫu" chủ trương một dân tộc có khí chất tốt phải là con của những bà mẹ hiền lành lương thiện, khỏe mạnh, có giáo dục và bình đẳng với nam giới. Cũng trong thời gian này, khái niệm "cá nhân" (individual) đã được du nhập song song với khái niệm "xã hội" (society). Thêm vào đó có cả "thoát Á luận" (1885) của Fukuzawa, xem việc Nhật Bản cần phải làm sao để dứt khoát bước ra khỏi "phần đất chuyên chính và mê muội bắt đầu từ dãy Himalaya trở về đông" là điều cấp thiết.

Các nhân vật trong Meirokusha không hoạt động cùng chung lãnh vực. Nishi du học Hòa Lan, sau trở thành một nhà bách khoa. Nakamura ở Anh về, đã dịch cuốn "Tây Quốc Lập Chí Biên" (1871) từ Self Help của S. Smiles và "Tự Do Chi Lý" (1872) từ On Liberty của John Stuart Mill. Katô giỏi tiếng Đức, buổi đầu hô hào tự do dân quyền, sau lại chuyển hướng đi theo xã hội tiến hóa luận (social Darwinism) với tiêu đề "mạnh được yếu thua" (ưu thắng liệt bại) [3]. Nishimura cũng là nhà phiên dịch bách khoa toàn thư nhưng chủ trương hồi phục đạo đức quốc dân theo tinh thần Nho giáo. Fukuzawa thì xem học vấn như một phương tiện để con người có thể độc lập được và ông lấy 4 chữ "độc lập tự tôn" làm phương châm cho cuộc sống.

Dù đúng hay sai, các nhà tư tưởng khai sáng (gọi là khải mông = keimô) nhìn lịch sử từ góc độ tiến hóa của văn minh nghĩa là đi từ trạng thái "dã" sang "văn" và cho rằng chân lý xưa nay vẫn là nếu cuộc sống vật chất sung túc thì đầu óc con người sẽ sáng láng. Phương tiện của họ để làm việc này là dịch thuật và công việc "di thực văn hóa" như một cơn đại hồng thủy đã xảy ra là yếu tố quyết định cho việc hình thành một cơ sở tri thức cho xã hội Nhật Bản cận đại. Theo nhà xã hội học Katô Shuuichi, khoảng thời gian ngắn 30, 40 năm sau cuộc Duy Tân là thời kỳ của "văn hóa các dịch giả" và phong trào phiên dịch công, tư hợp nhất này là một sự nghiệp vĩ đại hầu như phép lạ.

II -Tư tưởng tự do bình đẳng
Tiếp xúc vói Tây Phương, Nhật Bản đã nhìn thấy nguy hại của chế độ giai cấp (mibunsei) của mình. Tamamushi Sadayu, một nhân viên sứ bộ sang Mỹ thời đó có viết trong nhật ký hành trình đường biển của ông: "Người Mỹ từ đề đốc đến thủy thủ trên dưới đều hòa hợp, lẫn lộn vào nhau. Nhật Bản ta trọng lễ nghĩa nhưng thực ra là trên khinh dưới, vạn nhất hữu sự thì ai mà tận lực. Người Mỹ tuy không lễ nghĩa nhưng lúc tân khổ gian nan, hung kiết họa phúc, họ đều có nhau". Fukuzawa Yuukichi lẫn Sakamoto Ryôma đều ý thức trước tiên vấn đề này. Khái niệm "quốc dân" (national) cũng là một khám phá mới mẻ chẳng thua gì hai khái niệm Tây Phương và Nhật Bản.


Sakamoto Ryôma (1836-1867)

Thế nhưng cuộc vận động tự do dân quyền chỉ được châm ngòi từ năm 1871 khi nhóm các ông Itagaki Taisuke (1837-1919) tám nhà chính trị, đưa ra bạch thư đòi hỏi thành lập một nghị viện do dân bầu. Mười mấy năm sau đó, phong trào này dần dần lan ra khắp nơi và được nhiêu người tham gia. Việc đòi hỏi thành lập quốc hội lại bắt qua chuyện đòi giảm tô giảm thuế, quyền tự trị, quyền kết xã lập đảng. Kết quả trái ngược là đến năm 1889, tuy hiến pháp của Đế quốc Đại Nhật Bản đã ra đời nhưng lại thiết lập chế độ thiên hoàng làm cho cuộc vận động dân quyền bị đánh bại.


Itagaki Taisuke (1837-1919)

Mang tư tưởng dân quyền thời ấy có những đảng viên đảng Tự Do như Ôi Kentarô, Ueki Emori, Baba Tatsui, Nakae Chômin và đảng Cải Tiến như Ono Azusa. Đặc biệt Ueki Emori tranh đấu cho một nền dân quyền gọi là "thiên phú dân quyền luận" có nghĩa là con người khi sinh ra đã có quyền ấy rồi. Hệ luận của sự đối kháng lại chế độ trung ương tập quyền ông đề ra đã đẻ ra những đòi hỏi "chủ quyền tại dân" như việc thành lập chế độ liên bang, sự bảo đảm quyền làm người, phế bỏ án tử hình, khả năng hành sử quyền chống đối nổi dậy, và cả quyền từ bỏ quốc tịch. Nakae Chômin (1847-1901), "Jean-Jacques Rousseau của phương Đông" như tên người hâm mộ gọi ông, trên thực tế đã dịch Dân Ước Luận từ Contrat Social của nhà tư tưởng Pháp. Tuy nhiên, ông không bắt chước Tây Phương một cách mù quáng vì trên đường du học về nước, ông đã chứng kiến người Anh Pháp có thái độ khinh bỉ các sắc dân Á Phi như đồ "heo chó" (khuyển đồn). Tư tưởng dân quyền của ông không phải nhằm đuổi kịp Tây Phương nhưng là đi tìm một giá trị văn minh phổ biến mà ông gọi là "đạo nghĩa" tức là trồng cây tư tưởng phương Tây trên mảnh đất đã có sẳn những giá trị phương Đông. Dân chủ, theo ông, là hình ảnh con người "đầu đội trời, chân đạp đất" (đầu thượng duy hữu thanh thiên) đã có tự cổ xưa. Ông nghĩ rằng đeo đuổi việc "phú quốc cường binh" kiểu hiến pháp Minh Trị là làm "người mặc áo vải nhẹ mà đầu đội nón sắt nặng" (như thân trước cát y khinh, đầu tải thiết mạo trọng), chỉ phục vụ cho cường quyền và như thế, cuộc sống của những người bị áp bức vẫn không được thay đổi. Tư tưởng dân ước theo ông, không phải là độc quyền của Rousseau bởi vì Mạnh Tử của Trung Quốc và Satô Issai (1772-1859) của Nhật đã có những ý tưởng tương tự như thế rồi. Chính vì thế ông đã soạn ra Đông Dương Dân Quyền Bách Gia Truyện (1883-84) để đề cao tên tuổi những nhà chủ trương dân quyền trước kia có mặt ở vùng Đông Á.

III - Âu hóa và tư tưởng quốc túy 
Việc tổ chức nhà nước cận đại theo tinh thần Đại Nhật Bản Đế Quốc Hiến Pháp là dựa trên 3 qui định: tính chính thống (vạn thế nhất hệ), quyền thống trị và tính thần thánh bất khả xâm của Thiên hoàng. Lúc đó tư tưởng dân quyền đã bị đánh bại trên mặt chính trị. Tuy nhiên để thực hiện bên trong vẫn còn cuộc tranh luận giữa khuynh hướng Âu hóa và khuynh hướng giữ gìn truyền thống, quốc hồn quốc túy.

Năm 1887, Tokutomi Sohô (1863-1957), một thanh niên trí thức mới 24 tuổi đã giương cao ngọn cờ Dân Hữu Xã, cổ xúy cho chủ nghĩa bình dân (populism), theo tinh thần chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ của báo The Nation mà ông là một độc giả trung thành. Đồng thời (1888), lại có hai chàng Shiga Shigetaka, 26 tuổi và Miyake Setsurei, 29 tuổi, cùng mươi bạn bè, lập ra tạp chí Người Nhật (Nihonjin), bày to mối lo ngại về sự nguy vong của Nhật Bản trước làn sóng văn hóa và kỹ thuật Tây Phương. Thế nhưng kiện tướng của phong trào quốc túy (Nhật Bản chủ nghĩa, Japanese nationalism) lại là một nhà báo khác, Kuga Katsunan.


Kuga Katsunan (1857-1907)

Những người theo chủ nghĩa bình dân phê phán chủ trương Ấu hóa của giới quí tộc (quí tộc Âu hóa chủ nghĩa) tượng trưng bằng tòa nhà Rokumeikan, nơi nổi tiếng với những cuộc khiêu vũ và ngoại giao bí mật kiểu "đi chui", "đi đêm" của chính quyền Meiji. Người của chủ nghĩa bình dân đặt tên đường lối của họ là "bình dân Âu hóa chủ nghĩa" và đòi hỏi "một cuộc Duy Tân thứ hai" (như ý kiến của Tanaka Akira). Trong khi đó thì những tín đồ theo chủ nghĩa quốc túy đề xướng phải bảo vệ giá trị cổ truyền. Có thể nói, chủ nghĩa bình dân nhắm dàn rộng, chủ nghĩa quốc túy nhắm đâm sâu. Dầu vậy, ta thấy sau đó, người chủ tướng của phong trào bình dân là Tokutomi Sohô đã nghiêng về phía chủ nghĩa đế quốc kể từ trận Nhật Thanh. Đến hồi chiến tranh Thái Bình Dương, ông lại trở thành người sáng lập một hội đoàn văn hóa mang tên Đại Nhật Bản Ngôn Luận Báo Quốc Hội và đóng vai trò hội trưởng của nó. Còn Miyake Setsurei (1860-1945), cây bút chủ lực của chủ nghĩa quốc túy, đã viết hai quyển sách Chân thiện mỹ Nhật Bản nhân (Người Nhật tốt đẹp, 1891) và Ngụy ác xú Nhật Bản nhân (Người Nhật xấu xa, ra đời cùng năm) nói về cái hay cái dở của người trong nước nhưng cũng để biện minh cho lập trường bảo thủ của mình nghĩa là phải thủ thế trước Tây Phương, bảo vệ mậu dịch và kinh tế quốc dân cũng như tập trung cứu giúp những kẻ yếu trong xã hội.


Miyake Setsurei (1860-1945),

Cuộc tranh luận để chọn giữa Âu hóa và quốc túy dù sao cũng đẻ ra một ý thức văn hóa mới vì đã đặt vấn đề cho trí thức Nhật Bản, bắt họ phải động não. Nó đã khơi nguồn cho sự sáng tạo vì đó là một chủ đề thiết thân đối với người cầm bút. Những trí thức trẻ như Natsume Soseki, Nishida Kitarô, Suzuki Daisetsu, Tsuda Sôkichi đều phải đối diện với vấn nạn này. Cuộc thảo luận trở nên phong phú trên báo chí, đặc biệt là tờ Kokumin no tomo (Quốc dân chi hữu) với sự tham gia của nhiều cây bút thời danh đủ mọi khuynh hướng: từ người của phái dân quyền như Nakae Chômin, Ueki Emori, từ phái Ki-Tô giáo như Uchimura Kanzô, Nitobe Inazo, người nghiên cứu xã hội như Katayama Sen, học giả như Inoue Tetsujirô, Ume Kenjirô, văn học gia như Mori Ôgai, Tsubouchi Shôyô, Futabatei Shimei, cho đến hàng quan lại như Ozaki Yukio và Kaneko Kentarô.

Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa quốc túy chủ trương tìm về nét đẹp phương Đông. Okakura Tenshin (1862-1913), đệ tử của Ernest F. Fenollosa, giáo sư trường Đại học Đông Kinh, đã đề xướng việc phân biệt hội họa Nhật Bản (Nihonga) đối với hội họa Tây Phương (Yôga) và nỗ lực cách tân nó. Ông còn viết những tác phẩm nói lên sự đặc thù của văn hóa Nhật Bản như Lý tưởng của phương Đông (Tôhô no risô, 1901-03), Nước Nhật tỉnh giấc (Nihon no mezame, 1904) và Quyển sách về trà (Cha no hon, 1906). Đối với ông, Âu hóa có nghĩa là bị đồng hóa với Tây Phương và chỉ có chủ nghĩa quốc túy mới đối kháng được với họ. Tuy đả kích "hoàng họa luận" (théorie du péril jaune) của người da trắng nhưng Tenshin đã mắc phải sai lầm khi ông xem chuyện Nhật Bản chiếm đóng và cai trị Triều Tiên là điều hợp lý và vì từ đó, ông đã chuẩn bị dư luận cho việc xem Nhật Bản đáng mặt làm chủ tể Á châu.


Okakura Tenshin (1863-1913)

Về mặt văn học mà nói, chủ nghĩa quốc túy đã thúc đẩy đòi hỏi tái sinh văn học truyền thống nhằm thành lập một nền văn học mới. Đó là lý do tại sao Masaoka Shiki đã dùng nhật báo để vận động cách tân haikutanka. Người đã khám phá, ủng hộ và bảo bọc Shiki không ai khác hơn là nhà tư tưởng quốc túy Kuga Katsunan (1857-1907) đã nhắc đến ở trên!

IV - Quốc thể luận
Từ tư tưởng quốc túy đến kokutairon (quốc thể luận) có lẽ chỉ có một bước và đây là một khái niệm đã trói tay buộc chân người Nhật suốt thời cận đại. Nó xem quyền ngự trị của của thiên hoàng trên đảo quốc trong quá khứ, hiện tại cho đến tương lai là một quyền bất khả xâm phạm. Nhân vì đối với nhà cầm quyền, khái niệm ấy tượng trưng cho thể thống quốc gia cho nên đứng trước nó, người thường dân chỉ biết run sợ cúi đầu vâng phục.

Hai chữ kokutai (quốc thể) có nghĩa là hình thái và thể diện của đất nước, từng được sử dụng trong nhiều trường hợp và đã trở thành mồi dẫn hỏa đưa đến nguy cơ ngoại giao của Mạc phủ Tokugawa. Những người đề xướng và ủng hộ nhiệt thành quan niệm này là các học giả phái Mito, một phiên trấn thuộc họ hàng nhà chúa nằm ở đông bắc Tôkyô. Gia thần của trấn Mito là Aizawa Yasushi tức Aizawa Seishisai (1782-1863) đã mô tả Nhật Bản như "nơi mặt trời mọc, chỗ nguyên khí bắt đầu, kẻ cầm đầu mặt đất, kỷ cương của muôn nước". Đứng trước họ là "bọn man di ở cõi Tây hoang, gốc gác hèn hạ, bôn tẩu bốn biển, dày xéo các nước, muốn lăng nhục thượng quốc" (Tân Luận, 1825). Cách nhìn này đã được tiếp thu trong tinh thần hiến pháp của Đại Nhật Bản Đế Quốc (1889) và Giáo Dục Sắc Ngữ (1890), một văn bản 315 chữ và là kinh điển của quốc thể luận, trong đó xác định đại quyền của thiên hoàng. Quốc dân trở thành thần dân.

Đang ngỡ rằng tư tưởng quốc thể luận đã xác định được vị trí thì có những trí thức đứng ra khiêu chiến nó. Bắt đầu là nhà tư tưởng Ki-Tô giáo Uchimura Kanzô (1861-1930), người đã bị coi là mang tội bất kính và học giả ngành sử Kume Kunitake (1839-1931), kẻ mắc phải văn tự họa vì dám coi Thần Đạo chẳng qua là một cổ tục cúng tế trời đất. Sau có Kita Ikki (Bắc, Nhất Huy, 1883-1937) và Kôtoku Shuusui (Hạnh Đức, Thu Thủy, 1871-1911) ra mặt công kích hẳn hoi khái niệm quốc thể đó. Kita đã bỏ tiền ra in tập luận thuyết nhan đề "Quốc thể luận và một xã hội chủ nghĩa thuần chính" (1906). Ông cho quan điểm quốc thể, hoàng thống phù dực là mê tín, vọng tưởng, tôn thờ tượng đất và chủ trương phải đập phá nó. Theo ông, xã hội tương lai phải được dẫn dắt bởi như người Nhật ưu tú, những bán-thần (loại-thần nhân). Còn Kôtoku thì lúc đầu muốn tránh đối chọi với quốc thể luận nhưng từ sau cuộc chiến Nhật Nga, tư tưởng của ông mang màu sắc chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) và bắt đầu phê phán nó. Cái mà ông khao khát là một xã hội có hình thức công xã (commune). Thế nhưng, Kôtoku đã bị cho là liên hệ vào vụ án đại nghịch (cái án mưu sát thực ra là dựng đứng đối với Thiên hoàng Meiji vào năm 1911) và cũng vì ông dám xem những cuộc ám sát các vua chúa ở phương Tây như "dấu hiệu của văn minh và hòa bình chân thực".


Kita Ikki (1883-1937)

Một chi lưu của quốc thể luận là tư tưởng trọng nông (nông bản tư tưởng), đánh giá cao canh nông. Nó đã được đẻ ra bởi các nhà tư tưởng "dĩ nông vi bản" thời Edo trung kỳ như Andô Shôeki (An Đằng Xương Ích, 1703 1762) và kế tiếp bởi các nhà nông chính gia thời mới như Yokoi Tokiyoshi, Yamazaki Enkichi, ngay cả hai ông Kawakami Hajime và Yanagita Kunio thời trẻ. Nhóm nông chính gia xem canh nông như một phương cách để giải quyết những vấn đề xã hội trầm trọng gây ra bởi sự công nghiệp hóa. Tachibana Kôsaburô chẳng hạn, say mê tư tưởng Leo Tolstoy và Robert Owen đến đổi bỏ ngang việc học. Ông về quê lập "làng anh em" tức "làng mới" để thực hiện hoài bão "trở về với đất đai". Cũng vì đứng trên lập trường "cứu tế nông dân" mà một số người trong bọn họ đã tham gia vào chính biến ngày 15/05/1932 với nhóm sĩ quan trẻ.


Kôtoku Shuusui (1971-1911)

Hai chữ "quốc thể" (kokutai) đã trở thành một khẩu hiệu để động viên tinh thần người Nhật kể từ biến cố Mãn Châu (vụ đánh bom ở Liễu Điều Hồ ngày 18/09/1931 dọn đường cho cuộc xâm chiếm Mãn Châu và sự thành lập Mãn Châu Quốc). Nó vượt lên khỏi mọi sự chống đối, còn phát triển uy lực cho đến hòa hội Postdam nghĩa là cả sau ngày bại trận. Lúc đó, dù đã đầu hàng, Nhật Bản vẫn xem việc giữ được quốc thể như một điều kiện duy nhất của mình để ký kết hòa bình với phe Đồng Minh. Cho đến ngày nay, dù ở dưới chế độ dân chủ, hai chữ "quốc thể" từng làm cho bao người khiếp sợ ấy vẫn tiềm tàng tính bộc phát của một ngọn núi lửa đang ngủ.

V - Tư tưởng cách tân tôn giáo 
Cho đến thời cận đại, Phật giáo vẫn giữ một vị trí quan trọng. Tuy nhiên để củng cố thế lực chính trị, chính phủ Meiji với danh nghĩa tự do tôn giáo và bãi bỏ độc quyền tôn giáo (tương đối hóa các tôn giáo) đã bày ra phong trào haibutsu kishaku (phế Phật hủy Thích, bài Phật khí Thích). Trong thâm ý họ muốn tổ chức một chính quyền có điểm tựa tinh thần là Thần Đạo nên mở một cánh cửa lớn cho tôn giáo này có cơ hội bành trướng. Trước tình trạng đó, các tôn giáo thời Meiji nếu muốn tiếp tục tồn tại đã phải theo con đường hoặc sáng tạo ra tôn giáo mới hay cách tân bản thân đạo mình. Đồng thời với sự hiện diện của người ngoại quốc trên đất Nhật, đã thấy rõ là có sự di thực của Ki-Tô giáo từ phương Tây sang.

Trước hết, người ta ghi nhận có sự xuất hiện của các tôn giáo mới như Như Lai giáo, Thiên Lý giáo, Hắc Trụ giáo, Hoàn Sơn giáo, Đại Bản giáo, Kim Quang giáo. Bối cảnh tư tưởng của nó có hai hệ: Thần đạo và Phật giáo. Lý tưởng chung của họ thường nặng màu sắc cứu tế và có đặc tính là độc thần.

Thứ đến, Ki-Tô giáo đã phát triển mạnh từ sau khi chính phủ Meiji nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng. Cách nhìn của Ki-Tô giáo về xã hội (cấm rượu, bãi bỏ mãi dâm, bãi bỏ chế độ đa thê...) cũng như trong các lãnh vực khác từ văn học, chính trị , kinh tế đến văn nghệ rất có ảnh hưởng đối với Nhật Bản thuở ấy. Như đã nói ở trên, trong số các nhà tư tưởng Ki-Tô giáo có những nhân vật như Uchimura Kanzô (Nội Sơn Giám Tam, 1861-1930) đã công kích việc sùng bái thiên hoàng vô điều kiện (ông bị mang tội bất kính), chủ trương một hình thức Ki-Tô giáo phi giáo hội và nhiều lần xung đột với các nhà truyền giáo nước ngoài. Tuy bị các nhà tư tưởng theo quốc gia chủ nghĩa như Inoue Tetsujirô đả kích là phi quốc gia, bác ái chung chung nhưng Uchimura đã thu hút được nhiều thanh niên trí thức (về sau sẽ trở thành nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng) như Mushakoji Saneatsu, Arishima Takeo, Shiga Naoya, Kosanai Kaoru. Thế nhưng những người này không ngừng lại ở địa hạt tôn giáo mà còn đi xa hơn nữa nên đã quay lưng lại với Uchimura và trở thành "những kẻ bội đạo".


Uchimura Kanzô (1861-1930)

Với tinh thần hộ pháp trước nguy cơ phế Phật hủy Thích, Phật giáo tìm đường cải cách. Một cánh chọn giải pháp gắn bó với chính quyền để sống còn nhưng những tín hữu khác đề xướng việc phải thử tự chấn chỉnh bằng nhiều cải cách. Một nhân vật có tầm cỡ trong đám họ là tăng lữ phái Shingon Otani tên là Kiyozawa Manshi (Thanh Trạch, Vạn Chi, 1863-1903), đề xướng sự khắc khổ tinh tiến trong tu học tức là trở về với chủ nghĩa tinh thần mà khai tổ của nó là Shinran (Thân Loan, 1173-1262), một người phi tăng phi tục, hành tung kỳ dị dưới thời Kamakura, đã giảng trong Tannishô (Thán Dị Sao), ngữ lục của ông. Tư tưởng của Shinran từng bị coi là tà thuyết, Tannishô trở thành cấm thư cho đến thời Meiji. Thế nhưng nhờ đó mà nó (tín ngưỡng dựa trên một tha lực tuyệt đối) đã sống lại giữa lòng hiện đại và được nhắc nhở trong tác phẩm của các nhà tư tưởng và nhà văn cấp tiến hàng đầu của Nhật Bản như Ienaga Saburô (1940), Miki Kiyoshi (1944), Kamei Katsuichirô (1944), Hattori Shirô (1948) hay Noma Hiroshi (1969) và (1973). Văn chương của một tác giả như Niwa Fumio chẳng hạn đã dựa trên quan điểm này của phái Shingon khi ông đặt câu hỏi về khả năng được cứu rỗi của con người lúc đang phải sống trong một địa ngục phiền não là cuộc đời này trong 5 tập sách nghiên cứu về Shinran (1969) và 8 tập về Rennyo (Liên Như) (1982-83) của mình. Đó là chưa kể ảnh hưởng tư tưởng của Shinran đến các triết gia như Suzuki Daisetsu và Yanagi Muneyoshi, những kẻ muốn tìm về bản chất tâm lý con người đang sống trong một thời đại đầy xung đột và giả dối.

Xưa kia, nếu Shinran đi tìm sự cứu rỗi cho cá nhân thì Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) một trong những vị khai tổ của Phật giáo Kamakura, có ý hướng cứu giúp quốc gia, xã hội và vũ trụ nói chung. Ông đã nhập cuộc, đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động dân chúng hai lượt kháng chiến chống Nguyên Mông (1274 và 1281) thành công. Tư tưởng của Nichiren cũng đã được phục hồi trong thời hiện đại này. Trong số những người đi đầu của khuynh hướng ấy có thể kể tên Takayama Chogyuu, Tanaka Chigaku, Kita Ikki, Ishihara Kanji, Senoo Girô, Miyazawa Kenji, Makiguchi Jôsaburô vv...tuy rằng giữa họ, dạng thức hành động trong thực tế đã theo những hướng trái ngược.

VI - Tư tưởng về nguồn: nghiên cứu phong tục tập quán dân tộc
Ngoài nhu cầu khám phá Tây Phương, cái nhìn chung thứ hai mà hai phái "tôn nhương" và "tá mạc" đều chia sẻ là tư tưởng về nguồn. Tuy quốc hiệu Nhật Bản đã có từ thế kỷ thứ bảy nhưng khi người Nhật nói về nước mình và xã hội chung quanh mình thì chỉ đưa ra những tư tưởng tenka (thiên hạ), seken (thế gian) mơ hồ chứ ý thức về Nhật Bản như một quốc gia mà họ có ngày nay thì đến thời Duy Tân vẫn chưa thấy gì rõ rệt. Lúc ấy, đối với người Nhật dù là sĩ phu hay thường dân, quốc (kuni) không đi ra ngoài biên giới một lãnh địa (han). Chỉ vào hậu bán thế kỷ 18 khi lấp ló bóng hạm đội Tây Phương thì ý thức quốc gia mới bừng dậy với phản ứng coi trọng việc phòng ngự bờ biển (hải phòng tư tưởng).

Trở về nguồn trước tiên là xây dựng một nền quốc học, điều đó đã bắt đầu với Motoori Norinaga (1730-1801). Về nguồn cũng là từ bỏ tất cả tinh thần chuộng Hán văn, Hán ý (karagokoro), đi tìm cổ ngữ, cổ ý, cổ đạo của nước nhà (mikuni). Sau đó là ý thức về một quốc gia vượt qua biên giới địa phương chủ nghĩa của chế độ phiên trấn.

YÙ thức về đất nước vào thời cận đại sẽ liên kết với folklore, một khoa học mà người Nhật gọi là minzokugaku (dân tục học). [4]Đó là một môn học phát tích từ năm 1846 ở nước Anh. Môn học ấy đã vượt bao sông núi để đến Nhật và trở thành vũ khí cho các nhà nghiên cứu về kyôdo (hương thổ) lỗi lạc như Yanagita Kunio, Minakata Kumagusu, Origuchi Shinobu vv...


Yanagita Kunio (1875-1962)

Yanagita Kunio đứng trên lập trường nông chính học [5] để phê phán xã hội cận đại hóa mà theo ông, đã làm cho con người cận đại chuốc lấy sự đau khổ. Ông bảo "xưa kia người ta nghèo là do mình chơi bời phóng đãng mà sinh ra, họa hoằn thì nghèo vì bị tai ương như hỏa hoạn làm cháy nhà cháy cửa, chứ người ngày nay thì dù có chăm chỉ làm ăn thì vẫn lâm vào cảnh khổ và ngày một nghèo đi" và "không biết phương pháp nào thoát ra cảnh nghèo". Ông chủ trương phải gầy dựng tầng lớp trung nông bằng tạo nên những tổ hợp ngành nghề. Ngoài ra, ông còn để lại một sự nghiệp phong phú với những tác phẩm thời danh khảo cứu mọi khía cạnh đời sống của người Nhật Bản từ bắc chí nam, từ truyền thuyết, cổ tích, truyện kể, tín ngưỡng dân gian, y phục, gia tộc và hôn nhân, cả khuynh hướng đồng tính luyến ái, ngôn ngữ địa phương, địa danh. Các tác phẩm Kể truyện vùng Tôno (Tono Monogatari) và Vấn đáp ở Ishigami (Ishigami Mondô,1910) nói về sinh hoạt người dân sơn cước miền đông bắc và thế giới thần linh, yêu quái, Ghi chép về ngôn ngữ phường săn (Nochi no kari no kotoba no ki, 1909) nhắc lại tập tục và ngôn ngữ của xã hội săn bắn thời cổ, đều đã đánh dấu sự ra đời của ngành dân tục học Nhật Bản. Trong suốt 50 năm hoạt động, Yanagita Kunio cố gắng đào xới những di sản văn hóa đã mai một vì sự cận đại hóa để có thể tái lập hình tượng con người Nhật Bản truyền thống. Tuy nhiên điều đáng tiếc là sau đó Yanagita đã từ giã con người sơn cước (sơn nhân) trong nghiên cứu để trở về với con người thường (thường nhân) trong cuộc đời này và dính líu ít nhiều đến việc cai trị ở thuộc địa. Tuy ông là người đáng quí nhưng nếu không nhắc tới cả điều đó thì e rằng chưa trưng ra được toàn bộ nhân cách của ông.

Bên cạnh con người học vấn có hệ thống mẫu mực hàng thầy như Yanagita thì Minakata Kumagusu (1867-1941) có vẻ đi lệch ra ngoài đường lối. Nhưng dù nói thế nào đi nữa, ông là một nhà bách khoa có một không hai, lưu ý đặc biệt đến sinh vật học, bản thảo học và địa chí học. Bỏ học nửa chừng, năm 20 tuổi, ông sang Anh, Bắc Mỹ rồi Trung Mỹ và đã sống trên 15 năm ở nước ngoài. Những giai tác như biên khảo về tập từ điển cổ Hòa Hán tam tài đồ hội (Wakan senzai zue) [6] và Bản thảo cương mục (Honsô kômoku) [7], Khảo về 12 con giáp (Thập nhi chi khảo = Junishikô, 1915-24) đã chứng tỏ sự uyên bác vô song của ông. Thế nhưng, đôi khi ông cũng tỏ ra đối lập với Yanagita vì quan điểm bàng hệ của mình vốn không chấp nhận những cấm kỵ và sự ngụy thiện của xã hội.


Minakata Kumagusu (1867-1941)

Tạp chí tìm hiểu đất nước con người Nhật bản có tên là Kyôdo Kenkyuu (Hương thổ nghiên cứu, sáng lập năm 1913) đã qui tụ nhiều tài năng, trong đó có học giả quốc văn và thi nhân Origuchi Shinobu (1887-1953), nhà ngôn ngữ học Kindaichi Kyôsuke (1882-1971), học giả ngành khảo cổ Umehara Sueharu (1893-1983)... Tuy đạt được nhiều thành quả và được quần chúng ủng hộ nhưng mãi đến khoảng thập niên 1920-30 thì môn dân tục học mới được học giới công nhận. Một trong những nhà dân tục lỗi lạc của thế hệ sau là Miyamoto Tsuneichi (1907-1981). Ông chịu khó đi nhiều nơi và quan sát tại chỗ. Tác phẩm đáng kể có Lời dạy dỗ của quê nhà (Kakyô no Oshie, 1943) và Những người Nhật bị quên lãng (Wasurareta Nihonjin, 1960).


Kindaichi Kyôsuke (1882-1971)

Trên những vùng đất chậm tiến bị cuộc cận đại hóa bỏ rơi cũng có khuynh hướng tìm về nguồn gốc. Nhà ngôn ngữ học Iha Fuyuu (1876-1947) đã nghiên cứu về phong tục của của người Okinawa đời xưa trong 3 cuốn Ko-Ryuukyuu (Cổ Lưu Cầu, 1911). Nhà nghiên cứu Chiri Mashiho (1909-1961), gốc gác Ainu, thì ra sức tìm hiểu về ngôn ngữ, dân dao, cổ tích của bộ tộc Ainu miền bắc.

Một khuynh hướng nghiên cứu khác đã thành hình với Yanagi Muneyoshi (1889-1961), một chuyên gia về văn hóa Triều Tiên. Ông đã mở đường cho khoa mingei (dân nghệ) hay môn học về nghệ thuật dân gian. Ông đánh giá cao "cái đẹp ẩn tàng trong những đồ vật hình thù xấu xí" (gọi là getemono no bi) ví dụ chén bát dùng trong đời sống hàng ngày. Ông coi trọng những gì do những người thợ thủ công bình thường làm hơn cả những tác phẩm mỹ thuật của các nghệ nhân tăm tiếng. Song song với Yanagi là Konwa Jirô (1881-1978), nhà chuyên môn nghiên cứu minka (dân gia) hay kiến trúc nhà ở truyền thống mà ông nghĩ rằng chúng đã được xây cất để thích hợp với nhu cầu cuộc sống của người dân Nhật. Với hai ông, văn hóa không chỉ được hiểu qua những sự kiện (koto) mà còn qua những sự vật (mono).

VII - Tư tưởng khoa học
Xin giới hạn địa hạt quan sát ở đây trong phạm vi tương quan giữa khoa học với nhân sinh và khoa học với xã hội. Người đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực này là Oka Asajirô (1868-1944), giáo sư dạy nhiều năm ở Trường cao đẳng sư phạm Đông Kinh và là một học giả về động vật học. Ông được biết nhiều nhờ trứ tác nhan đề Giáo trình về tiến hóa luận (Shinkaron kôwa, 1904), một lý luận mới mẻ đã được truyền vào Nhật do các thầy ngoại quốc khoảng thập niên 1870. Nhờ sức những người như học giả ngành triết và giáo dục Katô Hiroyuki (1836-1916) mà lý luận này đã vượt qua biên giới của khoa học tự nhiên để ảnh hưởng tới các khoa học xã hội, dẫn đến chủ trương gọi là xã hội tiến hóa luận. Điều đáng ngạc nhiên là Katô trước theo chủ nghĩa thiên phú nhân quyền, tự do bình đẳng, nhưng sau lại từ bỏ thế giới quan thần học ấy để cổ võ cho lập trường xem sự ưu thắng liệt bại trong cuộc đời là một hiện tượng tự nhiên (1882). Cùng lúc, một số người theo xã hội chủ nghĩa từ buổi đầu lại dựa vào tiến hóa luận mà cho rằng xã hội trong tương lai sẽ tiến đến xã hội chủ nghĩa. Kôtoku Shuusui (1871-1911) chẳng hạn, trong một bài luận thuyết trên mặt báo năm 1904, đã đem Marx kết hợp Darwin và ca ngợi hai ông như những nhà tư tưởng trác việt, cả mấy nghìn năm mới có và tình cờ cùng nhau ra đời vào đúng thế kỷ 19. Riêng Oka trong tập giáo trình của ông đã cho rằng con người không có gì gọi là thần thánh toàn năng, chỉ là một sinh vật trên quả địa cầu này như mọi giống động vật và thực vật nên cũng phải chấp nhận qui luật tiến hóa. Khi tỏ ra thông cảm với những ai không muốn thừa nhận mình là con cháu họ hàng với khỉ, ông đã xem những người yếu kém về trí lực và thể lực như gánh nặng cho xã hội, nhưng khi nghĩ như thế, ta thấy ông đã lún sâu trong chủ thuyết ưu sinh học (eugenism). Các tác phẩm kế tiếp của Oka nhan đề Từ bầy khỉ đến nước cộng hòa (1924) và Giáo trình về sinh vật học (1926).


Katô Hiroyuki ( 1836-1916)

Yamamoto Senji (1889-1929) là một nhà hoạt động xã hội và giảng sư đại học xuất thân Ki-tô giáo nhưng lại tỏ ra ngưỡng mộ Oka, đánh giá ông ta là một nhà tư tưởng vĩ đại. Yamamoto cũng chủ trương học thuyết xem xã hội phải đi theo một quá trình tiến hóa như một sinh vật. Ông đặt cho môn học ấy cái tên "nhân sinh sinh vật học" (1921), một khoa học về sự sống, phân biệt nó với "tử vật học" là môn sinh vật học đã có từ trước đến giờ. Ông cho rằng phải dạy dỗ, điều tra dân chúng về hành động tính dục của họ và hạn chế sinh đẻ nếu lâm cảnh khổ vì có đông con (1922). Thủ dâm không có gì xấu, phải bỏ mặc cảm tội lỗi vì chỉ là một hành động "tự ủy". Yamamoto sau bị các thành phần cực hữu đâm chết. Tác phẩm có Cuộc cách mệnh luyến ái (Ren.ai kakumei) và Luận về kế hoạch hoá gia đình (Katei Chôsetsuron).

Người xem toán học như có liên hệ với nhân sinh và xã hội là Okura Kinnosuke. Ông cho rằng toán học phải là môn học gắn liền với thực tế cuộc sống nghĩa là "gắn hàm số nhân sinh vào toán học" chứ không để nó là một cái gì trừu tượng và cao ngạo. Ông nghiên cứu về toán áp dụng vào gia chánh (1928) tức một loại toán thực dụng, chủ trương phát triển Wasan (Hòa toán) tức là môn toán độc đáo của xã hội Nhật (1940) để đối đầu với toán học phương Tây. Thế nhưng cùng với sự phát triển của chế độ phát xít và khi Nhật Bản đi vào con đường chiến tranh, ông bị sa lầy trong chính tư tưởng quốc gia cực đoan của mình khi biện hộ cho một thứ "Hoàng quốc số học". Vào thời hậu chiến (1953) ông có công khai hối cải về lầm lẫn ấy của mình.

Khác với lãnh vực trừu tượng của toán học, y học là một môn học rất thực tế. Thế nhưng vẫn có người chủ trương y học phải thuần túy, không dính dáng đến xã hội, trong khi ấy có những chứng bệnh mà nguyên nhân là xã hội. Để bác bỏ luận điểm ấy, đã có phong trào gọi là "xã hội y học" kết hợp đấu tranh xã hội với y khoa hầu tìm ra những nguyên nhân bệnh tật do xã hội sinh ra. Người chủ xướng phong trào là Ishihara Osamu. Trong khi đi điều tra về tình hình vệ sinh ở nông thôn, ông khám phá ra mối tương quan giữa bệnh lao và điều kiện lao động hà khắc cũng như cảnh bần hàn. Ông đã viết báo cáo về điều kiện vệ sinh nơi ăn chốn ở của nữ công nhân và bệnh lao họ mắc phải trong Nữ công nhân và bệnh lao (Jokô to kekkaku, 1923). Bên cạnh Ishihara, còn có Komiya Yoshitaka viết về bệnh lao phổi do nhiễm bụi silic (1925),Wakatsuki Jun.ichi về cấp cứu khi hỏa tai (1943), Takahashi Minoru về y học nông thôn miên Bắc (1940), Hayahi Shun.ichi về trẻ em sơ sinh ở nông thôn (1942). Trong nhóm họ, Matsuda Michio, chuyên gia về bệnh lao, là người năng nổ nhất từ viết lách đến chẩn bệnh. Ông chủ trương người thầy thuốc phải có tinh thần liên đới. Ông phê phán quan niệm "để con bệnh tự chữa bệnh lao lấy một mình". Học giả ngành vệ sinh Maruyama Hiroshi, cũng chịu ảnh hưởng của Ishihara, đã điều tra về con số tử vong của trẻ sơ sinh ở thành phố Kishiwada gần Ôsaka, nơi có nhiều cư dân gốc Triều Tiên. Sau thế chiến thứ hai, phần lớn các học giả nói trên vẫn tiếp tục đi tìm giải pháp cho các ngành nhi khoa, vệ sinh công cộng, y học nông thôn vv...

Cuối cùng cũng cần nói đến sự phát triển của y học luận với sự đóng góp của Tanabe Hajime và Ishihara Jun. Tanabe là người say mê triết thuyết Nishida Kitarô, đã viết Khoa học khái luận (Kagaku gairon, 1918) tuyên bố phải lập ra một triết học cho khoa học, nhấn mạnh về luật nhân quả trong khoa học và tính tự phát nơi bản chất con người. Ishihara, cũng là giáo sư ở Đại học Tôhoku (Đông Bắc) và đồng thời với Tanabe, đã viết Khoa học và văn hóa xã hội (1937) bàn về những chủ đề như khoa học với thời cuộc, khoa học với nhân sinh, khoa học với giáo dục vv...Thời lâm chiến, Tanabe (1936) tuy cổ xúy cho khoa học tự nhiên phụng sự quốc phòng nhưng cũng yêu cầu phải tôn trọng tinh thần thực chứng và hợp lý. Ishihara (1937) thì lại phê phán dữ dội khoa học theo đường hướng dân tộc của nhà nước phát xít. Ông chủ trương phải tu dưỡng tinh thần khoa học để đề kháng nguy cơ khống chế của nhà nước.

VIII - Tư tưởng dân quyền và giáo dục
Khởi đầu của dân quyền phải là nhân quyền. Quyền sinh tồn là một quyền cơ bản của nhân quyền. Điều đó đã được qui định trong hiến pháp Nhật Bản ngày nay (điều 11). Nó đã thấy trong điều 9 [8] trong bản thảo hiến pháp sơ bộ của bộ Tư lệnh quân Đồng Minh dưới trướng nguyên súy Mac Arthur. Tuy trong bản thảo của Đồng Minh không có chữ nào tương tự với từ "quyền sinh tồn" nhưng quyền này đã được giải nghĩa như "quyền sống tối thiểu để được mạnh khỏe và có văn hóa". Trước đó, vào năm 1945, trong khi thương thảo với phía Nhật, Mc Arthur cũng đã đặt vấn đề giải phóng phụ nữ như một mục tiêu của hiến pháp mới.

Như thế, dù ở trong tư thế kẻ chiến bại, người Nhật được bảo đảm hai quyền sinh tồn và nhân quyền nói trên. Trước kia, cuộc vận động tự do dân quyền chỉ đặt mục tiêu vào quyền làm dân (quyền tham chính) chứ không phải quyền làm người (quyền có điều kiện để sống hạnh phúc). Vấn đề nhân quyền có lẽ chỉ được đề cập đến một cách đứng đắn như một vấn đề xã hội vào niên đại 1960 tức gần một phần tư thế kỷ kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Tuy nhiên trước chiến tranh, nhiều nhà trí thức đã khơi gợi ý thức về vấn đề này trong tác phẩm của họ. Đầu tiên là Matsubara Gangorô trình bày cuộc sống u ám ở Tôkyô (Saiankoku no Tôkyô, 1893), Yokoyama Gennosuke mô tả cảnh tượng hạ tầng xã hội Nhật Bản (Nihon no kasô shakai,1899), nói về cuộc sống bi thảm, bần cùng của người dân đô thị bị mất cửa nhà vào thời kỳ kinh tế tư bản Nhật Bản vừa mới thành hình. Sau đó là Hosoi Wakizô tả cảnh kiếp sống đau thương của những nữ công nhân (Jokô aishi, 1925) mà ông xem như những kẻ "nô lệ của đồng lương". Đồng tình một cách mạnh mẽ với Matsubara và Yokoyama là Taoka Reiun. Ông là một nhà tư tưởng đã trưởng thành trong bầu không khí đấu tranh cho tự do dân quyền của phiên Tosa và là một người có tinh thần chống đối, yêu thơ Heinrich Heine, căm phẫn khi đứng trước kiếp sống cùng khổ của người dân. Ông xem họ như là nạn nhân của lý luận "mạnh được yếu thua" và đổ hết trách nhiệm lên đầu cái xã hội "ác ma" chỉ chuộng "văn minh khai hóa" (1905). Sử gia Ienaga Saburô (trong một tác phẩm viết về Taoka Reiun năm 1954) xem lập trường của ông ấy là "phản cận đại chủ nghĩa" trong cái nghĩa là sớm nhìn thấy những căn bệnh của xã hội cận đại và phê phán nó.

Cùng lúc ấy đã có những cuộc vận động "phế xướng" hay bài trừ "công xướng" tức chế độ mãi dâm được nhà nước quản lý, nhằm bảo vệ nhân quyền phụ nữ. Những tạp chí có tên như Kyofuu (Kiểu phong = Chấn chỉnh phong tục) hay Kakusei (Quách thanh = Quét sạch xóm lầu xanh) đã ra đời. Cùng với chủ trương thực hiện cho bằng được chế độ "một chồng một vợ" là việc thúc giục Nhật Bản phải ký vào những hiệp ước quốc tế bải bỏ nạn mãi dâm (1921). Ngoài ra là cuộc vận động do Tanaka Shôzô chủ xướng. Suốt 20 năm trời, ông tố cáo việc khai thác bừa bãi quặng mỏ của công ty Furukawa (mỏ đồng Ashibi, 1898) gây lũ lụt và làm nhiễm độc môi trường sống của nông dân. Đó là chưa kể cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng của các dân tộc ít người như bộ tộc Ainu ở Hokkaidô hay những người bị khinh miệt làm nghề nhơ bẩn, sống dưới đáy xã hội gọi là burakumin (bộ lạc dân), hinin (phi nhân). Nó đã bắt nguồn từ năm 1888 với Nakae Chômin, người sáng lập ra tờ nhật báo Shinonome (Đông Vân) ở Ôsaka và từng viết trong một bài luận thuyết câu nói "Bình đẳng là công đạo của thiên địa".

Về mặt giáo dục, Nhật Bản bắt đầu bằng với việc cưỡng bách giáo dục ở trình độ cơ sở, hoàn thành vào cuối thế kỷ 19. Sau đó là tổ chức một hệ thống giáo dục xem chuyện thu lượm kiến thức chuyên môn như mục đích chính. Yoshino Sakuzô (1878-1933), giáo sư Đại học Tôkyô, một trí thức công giáo, đã đề xướng thuyết "dân bản" qua tạp chí Shinjin (Con Người Mới) sau thắng lợi trong chiến tranh Nhật Nga. Lúc ấy, Nga là một nhà nước mà ông xem là chuyên chế và bế tỏa, kẻ địch của văn minh. Ông cho rằng mục đích của chính trị là đem lại hạnh phúc cho toàn thể dân chúng và làm theo đòi hỏi của họ. Người cũng chống lại chủ nghĩa quốc gia như ông là Minobe Tatsukichi (1873-1948), giáo sư luật Đại học Tôkyô, với chủ trương Thiên hoàng chỉ đóng vai trò cơ quan nhà nước chứ không có quyền thống trị. Một nhân vật quan trọng khác của thời buổi đó là Kawakami Hajime (1879-1946), giáo sư luật và kinh tế học Đại học Kyôto, người đã đứng trên lập trường chủ nghĩa nhân đạo để viết nhiều luận thuyết chống lại sự bần cùng trong xã hội. Sau ông chuyển hướng qua chủ nghĩa Marx (1928) và hoạt động với đảng Cộng Sản để rồi bị bắt bỏ ngục (1933-37).


Kawakami Hajime (1879-1946)

Từ "dân chúng" đã được sử dụng nhiều hơn kể từ khi chủ nghĩa dân bản được đề xướng. Yoshino Sakuzô đã phân biệt "giai cấp độc quyền", chia cách nó khỏi "tầng lớp dân chúng". Từ đó sẽ sinh ra những quan điểm như "nghệ thuật dân chúng" (1910), một nguồn sáng tạo nghệ thuật. Việc Ôsugi Sakae đã dịch quyển sách cùng tên của Romain Rolland ra tiếng Nhật vào năm 1917 là một hành động tượng trưng cho xu thế đó.

Trước vấn đề thuộc địa và chủ nghĩa thực dân, những người như Yoshino Sakuzô cũng rất rõ ràng. Ông lên tiếng đòi hỏi bãi bỏ chính sách đồng hóa người Triều Tiên, chủ trương không nên phân biệt trong sự đãi ngộ đối với họ và phải ban bố những quyền tự do như tự do ngôn luận (1919). Một cuộc vận động nghệ thuật quần chúng đã được khởi xướng với Yanagi Muneyoshi, qua đó, ông nhìn nhận những giá trị nghệ thuật Triều Tiên.Nhà bình luận Ishibashi Tanzan (1884-1973) đứng trên lập trường cấp tiến và tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, phê phán chủ nghĩa thực dân, phản đối việc tham chiến trận đệ nhất thế chiến, việc chiếm đoạt đất đai cũng như kêu gọi việc ngưng can thiệp vào nội tình Triều Tiên, Đài Loan, Trung Quốc, Siberia, đảo Karafuto. Người như nhà báo Sasaki Masaru còn muốn đi xa hơn cả Yoshino Sakuzo khi lên tiếng (1919) phải đòi quyền dân chủ cho cả giai cấp thứ tư nghĩa là giai cấp bần cùng nhất trong xã hội so với giai cấp thứ ba, đối tượng tranh đấu của Yoshino. Những nhà tư tưởng ngoại quốc đã đóng vai trò trong dư luận Nhật Bản thời ấy là Einsenstein (Nga), Freud (Áo), Russell (Anh), Shaw (Ái Nhĩ Lan), Dewey (Mỹ), Gandhi và Tagore (Ấn) trong không khí của hậu cách mạng Nga, cuộc vận động đòi quyền dân tộc tự quyết và những biến loạn chung quanh việc đòi hạ giá gạo ở quốc nội. Tư tưởng "cải tạo xã hội" nhân đó đã trở nên chủ đề bàn cãi của thời đại.


Ishibashi Tanzan (1884-1973)

Buổi đầu thời cận đại ở Nhật đã thấy dấy lên tư trào chú trọng đến giáo dục mà người ta gọi là kyôyô shugi (giáo dưỡng chủ nghĩa) hay chủ trương phải bồi dưỡng kiến thức và đạo đức. Thế nhưng quan niệm này lại khác với chủ trương phải shuuyô (tu dưỡng) đã có từ xưa và đặt đối tượng tham khảo là sách vở Trung Quốc như tứ thư ngũ kinh. Lớp trẻ Nhật Bản thời đó nghiêng về những tác phẩm có tính thời đại kiểu Nhật ký một thằng ngốc (Santarô [9] no nikki, 1914-15) của Abe Jirô, trong đó tác giả chỉ muốn đem đến cho mọi người một khả năng và thái độ phán đoán mọi sự vật trên đời một cách công bình và trung thực chứ không bắt chước thánh hiền nào cả.

Mối quan tâm đến triết học cũng nẩy sinh từ lòng khao khát muốn sống một cuộc đời sao cho phải. Vì thế mà quyển Nghiên cứu về điều thiện (Zen no kenkyuu, 1911) của triết gia Nishida Kitarô đã trở thành sách gối đầu giường của trí thức đương thời. Trong trứ tác ấy, Nishida khuyên mọi người nên rời bỏ những lý thuyết người ta đã bày đặt ra một cách giả tạo mà quay về với kinh nghiệm bản thân thiết thực. Xuất phát từ thể nghiệm cá nhân, nhờ sự thống nhất cả ba phương diện tri-tình-ý, con người có thể nắm bắt được thực tại như một toàn thể. Có lẽ những năm tháng tọa thiền để đấu tranh chống lại vọng niệm đã là cơ sở cho triết học dựa trên thể nghiệm bản thân của Nishida. Theo ông, triết học không phải là thú tiêu khiển cho kẻ nhàn rỗi hiếu sự mà phải là vấn nạn sinh tử của con người.


Nishida Kitarô (1870-1945)

Bên cạnh Nishida, kẻ sống như nhà tu khắc khổ, lại có Kuki Shuuzô (1888-1941), một người nhạy cảm và tinh tế, đồng thời đại và quen thân Heidegger, Bergson, Sartre. Kuki đã hoàn thành công trình nghiên cứu về Iki (Túy), một phạm trù mỹ học độc đáo của Nhật Bản với nhan đề Cấu tạo của Iki (Iki no kôzô, 1930). Triết gia thứ ba có tầm cỡ quan trọng là Watsuji Tetsurô (1889-1960), sau khi nghiên cứu về Nietzsche và Kierkegaard đã trở về với đề tài Nhật Bản. Trong Vãn cảnh chùa xưa (Koji Junrei, 1919), ông ghi lại ấn tượng về các tượng Phật qua khía cạnh mỹ học chứ không phải tôn giáo. Ông cũng đã mở đường cho khoa nghiên cứu tư tưởng sử ở Nhật khi hoàn thành các tác phẩm thời danh về văn hóa đối chiếu như hai cuốn Văn hóa cổ đại Nhật Bản (Nihon kodai bunka, 1920) và Phong thổ, khảo sát khoa học về con người ( Fuudo, ningengakuteki kôsatsu, 1935). Triết gia thứ tư đáng đề cập tới có lẽ là học giả Anh văn Kuriyagawa Hakuson (1880-1923) với luận thuyết về quan hệ nam nữ mang tên Quan niệm luyến ái cận đại (Kindai no ren.aikan, 1922). Ông được xem như là người đi tiên phong trong lãnh vực tư tưởng về nữ quyền khi cho rằng " hôn nhân không có tình yêu chỉ là sự cưỡng gian hay mại dâm", một câu nói gây chấn động mạnh cho dư luận vào thời điểm đó.


Watsuji Tetsurô ( 1889-1960)

Tư trào coi trọng bồi dưỡng tri thức và đạo đức đã nâng cao vai trò của văn hóa trong tâm thức mọi người. Một là tìm hiểu về văn hóa nước người với mục đích so sánh và học hỏi, hai là đào sâu văn hóa nước mình. Khuynh hướng thứ nhất có Naitô Kônan (1866-1934) với Lịch sử phát triển văn hóa ở Trung Quốc (Shina bunka hatten no rekishi), Hội họa Trung Quốc (Shina kaiga) [10], Sakaguchi Takashi với Ảnh hưởng văn minh Hy Lạp đối với thế giới (Sekai ni okeru Girishia bunmei no chôryuu). Ngoài ra còn có những nhà nghiên cứu đặt đối tượng là đề tài về nhận thức lịch sử của Âu Mỹ, cuộc cách mạng kỹ nghệ, cuộc đấu tranh giành độc lập của Hoa Kỳ, cách mạng Pháp vv...Khuynh hướng thứ hai có Nishida Naojirô (1886-1964), tác giả của Lịch sử trung cổ Nhật Bản (Nihon chuuseishi, 1906), Uchida Ginzô (1872-1919), tác giả Lịch sử tiền cận đại Nhật Bản (Nihon kinseishi, 1903) hay sử gia Hara Katsurô (1871-1924), người viết Cuộc sống của một người có địa vị thời Higashiyama [11] (Higashiyama jidai no ichishinshin no seikatsu, 1917).


Naitô Kônan (1866-1934)

Nhiệt tình đối với văn hóa đã giúp cho sự hình thành một môn học gọi là "văn hóa học" đề xướng bởi Tsuchida Kyôson (1891-1934), một đệ tử tài giỏi nhưng vắn số của Nishida Kitarô. Thế rồi, dưới ảnh hưởng của hai tư trào triết học và văn hóa học, một luồng tư tưởng mới mang tên Nhật Bản Luận đã ra đời trong thập niên 1930. Nó chủ trương về nguồn, tìm lại cái đặc sắc của văn hóa Nhật Bản. Thế nhưng, vô tình hay cố ý, nó đã được phát động mạnh mẽ vào lúc biến cố Mãn Châu bột phát và cuộc chiến tranh Trung Nhật sắp châm ngòi thuốc súng. Thời ấy, những tác phẩm đáng được kể tới của Nhật Bản Luận mang tên Tư tưởng Trung Quốc đối với Nhật Bản (Shina shisô to Nihon, 1938) của Tsuda Sôkichi, Đặc trưng của tính chất Nhật Bản (Nihonteki seikaku, 1938-42) của Hasegawa Nyozekan, Những vấn đề của văn hóa Nhật Bản (Nihon bunka no mondai, 1940-42) của Nishida Kitarô, Thiền và văn hóa Nhật Bản (Zen to Nihon bunka, 1940-42) của Suzuki Daisetsu. Vì quá quan tâm đến văn hóa nước nhà, một số tác giả Nhật Bản Luận đã đi đến chỗ cực đoan, viết bừa phứa như trường hợp Tsuda Sôkichi muốn xem "Nhật Bản như là minh chủ của văn hóa Đông phương". May thay, có nhiều nhà phản biện trong nước chủ trương một văn hóa Đông phương đa cực (họ cho rằng ít nhất cũng phải có cả Trung Quốc, Ấn Độ lẫn Nhật Bản) đã dội những gáo nước lạnh để làm nguội bớt nhiệt tình này.

Rốt cuộc, chủ trương trọng bồi dưỡng tri thức đạo đức nghĩa là dành ưu tiên cho những giá trị nhân văn chẳng mấy chốc đã phải đi quành đường và đương đầu với những vấn đề chính trị.

IX - Tư tưởng giải phóng phụ nữ
Trước kia, ở Nhật, người ta chỉ nói đến những hiếu nữ, trinh nữ, tiết phụ, phụ nữ yêu nước mà không nói về...phụ nữ! Tuy Higuchi Ichiyô là nhà văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên nhưng văn phong của bà nhẹ nhàng và tình cảm, không đủ mạnh để tranh đấu trực diện. Hơn thế, bà lại mất quá sớm để nhìn thấy những diễn biến trong lịch sử và phong tục xã hội nước mình. Do đó, Yosano Akiko (1878-1942) mới đáng được xem là người có công khai phá và đã hoạt động lâu dài trong lãnh vực này. Kể từ khi nổi danh với thi tập Tóc rối (Midaregami, 1901), bà đã chuyển qua viết loại bình luận gọi là "cảm tưởng văn" (kansôbun). Với khoảng thời gian từ 1911 đến 1920 đã cho ra mắt tất cả 15 tập sách bàn về vai trò của phụ nữ đối với chính trị, xã hội, giáo dục và kinh tế, đề nghị cho độc giả phụ nữ những phương châm để sống. Trong tập Từ một xó góc (Ichiguu yori, 1911) chẳng hạn, bà đã đăng bài Câu chuyện phòng đẻ (Ubaya Monogatari) để nói đến cảnh mang nặng đẻ đau của người phụ nữ mà nam giới không thể nào hiểu để có thể chia sẻ được nổi khổ của họ. Bà đã phát biểu những câu như "Nghĩ rằng sanh đẻ thì bẩn thỉu, ra trận mới quang vinh, quả là một chuyện sai lầm".


Hirazuka Raichô (1886-1971)

Bên cạnh Yosano Akiko là Hirazuka Raichô, người chủ trương tạp chí phụ nữ Bí Tất Xanh (Seitô). Trong số ra mắt đã thấy viết "Xưa kia phụ nữ là mặt trời (có lẽ ám chỉ nữ thần thái dương Amaterasu), là con người thực sự đúng nghĩa, bây giờ phụ nữ chỉ là mặt trăng, phải sống nương dựa vào kẻ khác. Gương mặt họ cũng như trăng, nếu sáng được là nhờ ánh sáng phản chiếu, bệch bạc xanh xao chẳng khác một con bệnh". Tạp chí Seitô (1911) do năm phụ nữ tốt nghiệp đại học kết hợp lại mà thành. Nó có tính văn học và là diễn đàn để các tác giả nữ trình bày quan điểm của mình về hình tượng người phụ nữ mới. Trong một bài luận thuyết đăng vào tháng 4 năm 1913 khiến số báo bị cấm, Raichô đã chống đối chế độ hôn nhân khi bảo: "có lẽ biết bao nhiêu người đàn bà ngày nay kết hôn mà không có tình yêu, chỉ để bảo đảm cuộc sống của mình, ban ngày đóng vai con ở chạy việc vặt, ban đêm thì làm gái điếm cho một anh đàn ông". Không chỉ nói suông, trong đời thường, cuộc hôn nhân của Raichô với người bạn đường là Okumura Hiroshi chỉ có hình thức "sống chung" (cộng đồng sinh hoạt). Đối với các thành viên của Seitô, thái độ nhân vật Nora trong vở kịch "Căn nhà búp bê" của Ibsen là thái độ một người phụ nữ mới mà họ tỏ ra đồng tình. Họ đã đi xem vở kịch Căn nhà búp bê lúc đó do nữ diễn viên tài danh Matsui Sumako (1886-1919) trình diễn ở rạp Teikoku (Đế Quốc) và ra một số báo đặc biệt về Nora. Kể từ đó, Nora trở thành một cái mốc đánh dấu sự thức tỉnh, tự giác về cá nhân của người phụ nữ Nhật Bản.

Người con tinh thần của Raichô là Takamurei Itsue (1894-1964) đã tiếp nối sự nghiệp của bà. Takamurei, nữ giáo viên tiểu học, có lần xung đột với chồng và bỏ nhà ra đi. Bà đã kể lại kinh nghiêm đó trong Thơ làm hồi bỏ nhà ra đi (Iede no shi, 1925). Bà đề xướng một chủ nghĩa phụ nữ mới, bài xích sự bất bình đẳng nam nữ, chủ trương tự do luyến ái và độc lập kinh tế, đòi bãi bỏ cả định chế kết hôn, và để có sự tự do giáo dục, yêu cầu bãi bỏ cả chế độ giáo dục. Bà cũng là người nghiên cứu và có nhiều trứ tác về lịch sử phụ nữ Nhật Bản và chế độ mẫu hệ.

Tạp chí Seitô lại là diễn đàn thiết thân của người phụ nữ qua những cuộc tranh luận về trinh tiết, phá thai, bài trừ nạn mãi dâm và về chức nghiệp của người phụ nữ. Đặc biệt đề tài sau cùng này đã được khai thác nhiều bởi Yamakawa Kikuei (1890-1980), một tác giả có khuynh hướng mác-xít, với quan điểm "phụ nữ vô sản". Bà đòi nâng cao vị trí của người phụ nữ ngay trong các công đoàn, bãi bỏ chế độ chủ hộ (thường do đàn ông nắm), cấm các hãng xưởng sa thải nữ công nhân vì kết hôn, vì mang thai hay đang nghỉ hộ sản. Còn phải kể thêm một nhà hoạt động phụ nữ khác là Ichikawa Fusae (1893-1981), người đã tranh đấu để đòi hỏi phụ nữ phải được tham chính và riêng bản thân bà, đã đắc cử thượng nghị sĩ vào thời hậu chiến.


Ichikawa Fusae (1893-1981)

X - Tư tưởng hòa bình và phản chiến
Vào thời cận đại Nhật Bản, trong dân chúng thường xuyên xảy ra những phong trào đòi hòa bình khi những cuộc chiến tranh với bên ngoài bùng nổ. Suốt 78 năm trời, từ 1868 lúc cuộc Duy Tân Minh Trị bắt đầu cho đến năm 1945, khi người Nhật hàng phục quân Đồng Minh, đã 4 lần thiên hoàng hạ chiếu thư tuyên chiến. Đó là thời điểm các trận Nhật Thanh, Nhật Nga, Đệ nhất thế chiến và cuộc Chiến tranh Đại Đông Á. Chưa kể các cuộc động binh và giao chiến dưới danh nghĩa vì "xuất binh", "sự biến" như cuộc xuất binh đánh Đài Loan (còn gọi là vấn tội, chinh phạt, thảo phạt, sự kiện vv...), đánh Giang Hoa Đảo, trận Nhâm Ngọ, trận Giáp Thân, trận Bắc Thanh, trận Siberia, hai lần ra Sơn Đông và Thượng Hải, cũng như các đợt biến động gọi là Chi Na sự biến và Mãn châu sự biến.

Đó cũng là thời toàn thịnh của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới và nhà nước cũng mong rằng một binh lực mạnh và chiến tranh sẽ giải quyết tất cả những vấn đề của mình như đất hẹp, thiếu tài nguyên, kinh tế yếu kém. Quốc dân đa số cũng chấp nhận nên phong trào phản chiến, đòi hoà bình trở thành đối tượng áp bức, tiếng nói của họ bị bóp nghẹn bởi kiểm duyệt, hành động của họ coi như làm lợi cho địch và phí phạm xương máu của đồng bào. Một người lớp trước đã ảnh hưởng đến phong trào vận động đòi hòa bình là nhà tư tưởng theo chủ nghĩa bình đẳng Andô Shôeki (1703-1762), thầy thuốc thời Edo trung kỳ. Nối chí ông là một thành phần đa dạng gồm những nhà vận động dân quyền như Ueki Emori, Nakae Chômin, Kitamura Tôkoku cũng như những nhân vật có liên quan đến chủ nghĩa xã hội buổi đầu như Kôtoku Shuusui, Abe Isoo, Kinoshita Naoe và Ishikawa Sanshirô. Phải kể thêm những nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo như Uchimura Kanzô, Kashiwagi Gien, Kawai Michi, Yanahara Tadao, Masaike Hitoshi, Asami Sanasku, Morishita Jirô và nhóm Tôdaisha (Hải đăng). Phía Phật giáo có Kenoo Yoshirô, nhóm theo chủ nghĩa dân chủ tự do có Yoshino Sakuzô, Ishibashi Tanzan, Ozaki Yukio và Minobe Tatsukichi. Đó là chưa kể các cựu quân nhân như Mizuno Kotoku và Matsushita Yoshio. Họ còn kêu gọi được những người biên tập tác phẩm tiểu thuyết chống chủ nghĩa phiệt (anti-militarism) như hai nhà văn vô sản Koshinakaya Riichi và Kuroshima Denji, nhà thơ senryuu (xuyên liễu, một lối haiku phúng thích) Tsuru Akira, các nhà báo Kiriu Yuuyuu, Aozawa Kiyoshi,các triết gia Tominaga Sanjuurô, luật gia Yokota Kisaburô, học giả khoa chính trị Minamihara Shigeru, học giả tiếng esperanto Hasegawa Teru, các quân nhân đào ngũ vì phản chiến... Họ cũng còn là những thủy binh đã nổi loạn trên chiến hạm Mikasa. Họ đã tham gia các hoạt động từ làm văn nghệ, diễn thuyết, hô hào, viết trộm lên tường hay sửa lời ca, phát truyền đơn, không ra trình diện khi có lệnh trưng binh hay không chịu cầm súng.

Trong trận chiến tranh Á châu và Thái Bình Dương, hoạt động cho hòa bình của Ishibashi Tanzan, 1884-1973), Yanahara Tadao, Kiriu Yuuyuu. Masaki Hiroshi là nhân vật tiêu biểu hơn cả. Ishibashi trước làm giám đốc báo Đông Dương Kinh Tế, trong thời chiến, ông ủng hộ lập trường của dân chúng Trung Quốc và chống chế độ quân phiệt. Khi chiến tranh đến chỗ quyết liệt, ông tỏ ra có vẻ nhượng bộ nhiều trong việc kêu gọi hòa bình nhưng vẫn phê bình sự thiếu nhận thức về người khác và chủ nghĩa bí mật trong quân đội. Sau chiến tranh, ông trở thành thủ tướng trong giai đoạn 1956-57. Còn Yanahara, bị chỉ trích vì những tuyên bố của mình về cuộc chiến, đã phải từ chức ghế giáo sư môn kinh tế Đại học đế quốc Tôkyô năm 1937. Trong thập niên 1930, có nhiều giáo sư kinh tế, sử, chính trị, luật... cũng lâm vào cảnh đó như Kawakami Hajime, Takigawa Yukitoki, Kawai Eijirô hay Minobe Tatsukichi vì các ông cho chiến tranh nước mình gây ra là thiếu chính nghĩa.


Minobe Tatsukichi (1873-1948)

Từ đó các nhà trí thức đặt ra câu hỏi phải hiểu yêu nước và trung thành như thế nào. Yêu nước, theo họ, không phải là đón ý chính quyền đương thời mà phải yêu cái lý tưởng của tổ quốc mình và chỉ trung thành với lý tưởng đó.Yanahara, chịu ảnh hưởng của Tolstoy và Uchimura, có tinh thần yêu chuộng hòa bình và sự suy nghĩ độc lập, không hề nhượng bộ trước uy lực nhà nước. Cũng như thầy học của mình là Nitobe Inazô, suốt đời ông đả phá chính sách thực dân và ông xem công cuộc giải phóng người dân thuộc địa đồng nghĩa với việc thực hiện hòa bình. Kiriu Yuuyuu, một nhà báo, và Masaki Hiroshi, một luật sư là hai nhân vật chống chiến tranh không mệt mỏi. Kiriu xem "bốn biển một nhà", bác bỏ tinh thần bài ngoại, khuyên Nhật Bản "phải hòa hợp với lối suy nghĩ của nước khác". Còn Masaki thì đả phá Cương lĩnh sinh hoạt của quốc dân (Quốc dân sinh hoạt cương yếu) gồm 7 nguyên tắc sống để góp phần tăng cường nỗ lực chiến tranh mà Tổng Trưởng Giáo Dục Araki Sadao bắt người dân thời ấy phải triệt để tuân theo. Đi xa hơn cả trong phong trào phản chiến có lẽ là Tsuru Akira vì những vần thơ (1938) chống chiến tranh ở Trung Quốc đã phải chết trong ngục.

XI - Tư tưởng chủ nghĩa xã hội
Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đóng một vai trò rất quan trọng kể từ buổi đầu của thời cận đại trên toàn thế giới. Riêng tại Nhật, Toàn Tập Marx Engels gồm 17 quyền kèm thêm các quyển phụ đã được nhà xuất bản Kaizô cho ra đời trong khoảng thời gian từ 1928 đến 1935. Chủ nghĩa xã hội hiểu theo nghĩa rộng bao trùm lên cả chủ nghĩa Marx đã được xem như một sức mạnh xung kích đối với Nhật Bản cận đại. Điều này cũng dễ hiểu vì cùng với sự cận đại hoá, mâu thuẫn trong xã hội giữa tầng lớp lao động và giới chủ nhân trở nên sâu sắc, bày ra nhiều cảnh tượng bi thảm, làm cho sự xung đột giữa họ thành ra kịch liệt. Đó là chưa kể áp lực của chế độ thiên hoàng với tính cách chuyên chế và quân sự đang được đặt để trên đầu.

Sau khi Liên Bang Xô Viết băng hoại, xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ trên toàn thế giới và chỉ ngày nay chỉ được biết đến như tàn dư của một ảo ảnh khổng lồ của thế kỷ 20. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng vào tiền bán thế kỷ vừa qua, lý thuyết ấy là một nguyên lý dẫn đường cho cuộc sống tinh thần của người dân Nhật. Có thể chia thời kỳ xuất hiện của xã hội chủ nghĩa vào thời điểm đó ra làm hai giai đoạn: trước và sau Cách Mạng Tháng Mười. Thời kỳ đầu là giai đoạn được gọi là không tưởng, giai đoạn sau là giai đoạn chủ nghĩa Marx mà các nhà lãnh đạo phong trào ấy thuờng tự cho là khoa học hơn vì đã biết dùng phương tiện gọi là cách mạng để thực hiện nó.

Vào thập niên 1880, ở Nhật dã có hai Shaikaitô xuất hiện, một là Đông Dương Hội Đảng và Xa Hội Đảng, có cùng chung cách phát âm. Một đảng tranh đấu cho nông dân, một đảng tranh đấu cho công nhân xe kéo ở Tôkyô đang gặp nguy khốn trước sự cạnh tranh của xe chạy trên đường sắt và do ngựa kéo. Đảng Xã Hội Đông Dương (1882) do Tarui Tôkichi cầm đầu bắt nguồn từ vùng Shimabara (thuộc Nagasaki) chủ trương một chủ nghĩa bình đẳng thiên phú, tranh đấu đòi phân chia đất đai đồng đều cho nông dân. Cuộc vận động này sẽ lan qua giới công nhân kể từ sau trận Nhật Thanh. Hai nhân vật đóng vai trò chỉ đạo, Takano Fusatarô và Katayama Sen, tín đồ Ki-Tô Giáo, đều từng có dịp sang Mỹ và chứng kiến cuộc sống của người lao động bên ấy. Từ đó sẽ có nhiều nhóm nghiên cứu và đảng phái với tư duy xã hội ra đời, đóng vai trò phản chiến trong trận Nhật Nga.


Katayama Sen (1859- 1933)

Phong trào Heiminsha (Bình Dân Xã), một tổ chức điển hình thời đó, sau đó đã bị phân hoá thành hai nhóm: một nhóm muốn tranh đấu dưới hình thức nghị hội (như Katayama Sen), nhóm kia muốn hành động trực tiếp (Kôtoku Shuusui, 1871-1911). Kôtoku đã viết Đế quốc chủ nghĩa, con quái vật của thế kỷ 20 (1901) và Tinh hoa của xã hội chủ nghĩa (1903). Trong tác phẩm thứ nhất, ông đả phá chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa ái quốc, trong tác phẩm thứ hai, ông đã bắt đầu đề cập đến tư tưởng của Marx, Engels và William Morris...mà ông xem như những phương sách kéo được con người ra khỏi hố trụy lạc của lòng tham lam và giữ được hòa bình thế giới. Riêng Heiminsha đã tham gia mạnh mẽ trong phong trào phản chiến của hai nước đang đứng trước nguy cơ phải đối địch với nhau. Tượng trưng cho việc đó là cái bắt tay giữa Katayama Sen và người Mác-xít Nga Plehanov tại Đại hội Quốc Tế Lao Động lần thứ hai.

Xã hội chủ nghĩa trước Cách Mạng Tháng Mười Nga còn được đánh dấu bằng sự góp mặt của phong trào vô chính phủ (anarchism) mà những tên tuổi lớn đều đến từ nhóm Heiminsha như Kôtoku Shuusui, Ôsugi Sakae, Ishikawa Sanshirô...Kôtoku bị tử hình sau vụ án "đại nghịch" năm 1911, Ishikawa trốn qua Âu châu nằm im lìm suốt 7 năm trời, còn Ôsugi sau đó đã bị ngược sát trong trận động đất ở Kantô năm 1923.

Theo triết gia Maruyama Masao thì trước kia, di sản tinh thần của Nhật Bản là kết quả của một sự chung đụng hỗn tạp (tâm vật nhất như) cho đến khi bị học thuyết Ki-Tô Giáo thời Meiji và chủ nghĩa Marx thời Taishô, cả hai phủ nhận nó. Chủ nghĩa Marx từng kinh qua giai đoạn toàn thịnh ở Nhật vào hậu bán thập niên 1920 và suốt thập niên 1930. Lúc đó đã xảy ra vô số cuộc vận động như vận động lao động, nông dân, giới cùng dân (burakumin) cũng như sinh viên vv... Nhà tư tưởng Mác-xít có tiếng thời này là con người đầy tài năng Miki Kiyoshi (1897-1945), từng du học Âu châu, nghiên cứu về Pascal và về duy vật biện chứng. Trứ tác của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm lên cách suy nghĩ của trí thức Nhật Bản đương thời. Thế nhưng quan điểm độc đáo của ông về bản chất con người, mà ông mặc nhiên cho là không chỉ thuần túy vật chất, sau bị xem như sản phẩm của chủ nghĩa xét lại. Rốt cục ông cũng đã rời bỏ hàng ngũ.


Miki Kiyoshi (1897-1945)

Tiếp nối Miki là một nhóm học giả trẻ mệnh danh nhóm Kôza (Giảng Toà) vì họ đã viết sách kiểu giáo khoa bàn về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nhật (Phân tích chủ nghĩa tư bản ở Nhật = Nihon Shihon Shugi Bunseki, 1934) (Cấu tạo của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản = Nihon Shihon Shugi no Kôzô, 1934). Họ là Ôtsuka Kinnosuke, Noro Eitarô, Hirano Gitarô, Yamada Moritarô. Nói chung, những vị này xem cuộc Duy Tân thời Meiji là một cuộc duy tân của giai cấp tư sản, họ đả phá chế độ thiên hoàng, lại dùng quan điểm duy vật để giải thích lịch sử. Sau đó, họ còn có thêm sự góp mặt của các sử gia Hani Gorô (1901-1983) và Hattori Shisô (1901-1956). Hai ông đã biết đem những quan điểm mới mẻ và thú vị vào trong nghị luận của mình. Hani nhìn cuộc duy tân từ quan điểm nông dân và tính quốc tế của nó trong tác phẩm Nghiên cứu lịch sử cuộc Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishinshi Kenkyuu), Hattori đặt trọng tâm vào cuộc vận động tự do dân quyền thời ấy và nhìn cuộc Duy Tân dưới góc cạnh kinh tế (Trước và sau khi Con Tàu Đen đến: chí sĩ duy tân và kinh tế = Kurobune zengo, shishi to keizai).

Nhật Bản vốn là một quốc gia nông nghiệp cho nên những mâu thuẫn, nghịch cảnh cũng như sự bần cùng trong xã hội nông thôn đã trở thành mồi dẫn hỏa cho các cuộc vận động chính trị. Những tác giả đánh dấu giai đoạn này là Inomata Tsunao (Điều tra về sự cùng khổ của nông thôn = Kyuubô no nôson, 1934) và Maruoka Hideko (Vấn đề của phụ nữ ở vùng nông thôn Nhật Bản = Nihon Nôson Fujin Mondai, 1937).) trong đó, cuộc đời ở vùng nhà quê, nhất là miền Đông Bắc, được phơi bày ra trước ánh sáng. Về mặt lý luận, thời này còn có Tozaka Jun (1900-1945) đã nổi lên như một triết gia chủ trương sử dụng quan điểm duy vật để tìm hiểu các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trước và trong chiến tranh, những nhà tư tưởng theo xã hội chủ nghĩa đều bị đàn áp thẳng tay. Sau Kôtoku Shuusui (1911) và Ôsugi Sakae (1923) trước kia, nay đến lượt Kobayashi Tokiji, Tozaka Jun và Miki Kiyoshi. Kobayashi Tokiji, tác giả Tàu đánh cua (Kanikôsen) bị hiến binh tra khảo đến chết năm 1933. Hai người sau đều chết trong ngục (1945), trước và sau ngày Nhật hàng phục có ít hôm.

Trong thập niên 1940, dưới áp lực của nhà đương cục, không thiếu chi những người Mác-xít và xã hội rời bỏ hàng ngũ trong phong trào thỏa hiệp mang tên "chuyển hướng" (tenkô). Từ trong nhà tù Ichigaya nội thành Tôkyô, hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Nhật Bản lúc ấy (1933) là Sano Manabu (1892-1953) và Nabeyama Sadachika (1901-1979) đã kêu goị các đồng chí của mình nên " tự giác để đứng trên lập trường dân tộc mà phê phán về những hoạt động trong quá khứ của chính mình" nghĩa là phải phủ nhận đường lối quốc tế của Komintern và đi theo hướng thực hiện "xã hội chủ nghĩa trong phạm vi một quốc gia". Rất nhiều người đã thay đổi như thế và không tránh được sự dè bĩu, nhưng cũng có những kẻ chấp nhận "tử vì đạo" hoặc cam sống trong câm nín. Người "chuyển hướng" nổi tiếng hơn cả có lẽ là nhà thơ kiêm nhà văn Nakano Shigeharu (1902-1979), tác giả những vần thơ hùng hồn và bi phẫn nhan đề "Ga Shinagawa duới màn mưa" (Ame no furu Shinagawa eki), nói về việc trục xuất các nhà cách mạng Triều Tiên vào năm Thiên hoàng Shôwa lên ngôi (1926).

Hiện tượng gọi là chuyển hướng này đến nay vẫn là câu hỏi lớn mỗi khi người ta nhắc tới sự xoay chiều của trí thức thiên tả Nhật Bản trong thời chiến. Hai nhà bình luận Honda Shugo (1954) và Yoshimoto Takaaki (1958) đều đã thử giải thích hiện tượng khá cá biệt này. Honda cho rằng lý do của hành động đó nằm trong cái khó khăn của việc bản địa hoá một tư tưởng ngoại lai là chủ nghĩa Marx. Yoshimoto thì nêu lên nỗi sợ hãi của người trí thức e ngại mình bị cô lập với đại chúng lúc đó đang đi theo một chiều khác. Người thứ ba nghiên cứu về vấn đề này, Tsurumi Shunnosuke, thì bảo sự chuyển hướng trong tư tưởng của bọn họ chỉ là một phản ứng chẳng đặng đừng, nảy sinh ra khi nguời ta đứng trước sự khống chế của quyền lực. Ông cho rằng không phải là sau khi bại trận vào năm 1945, người Nhật nói chung đã chẳng chuyển hướng thêm một lần nữa là gì! Tuy nhiên, về mặt văn chương, phong trào chuyển hướng này để lại được một số tác phẩm giá trị mà các tác giả khi viết ra đã khơi gợi những vết thương của thể nghiệm cá nhân. Điều đó đã được họ bộc lộ với văn tài qua Nhà trong thôn (Mura no ie, 1935) của Nakano Shigeharu, Phải quên cho được tình cố cựu (Kokyuu wasureebeki, 1935-36) của Takami Jun và Đi tìm cuộc sống (Seikatsu no tankyuu, 1937) của Shimaki Kensaku.

Vai trò đặc biệt của nhật ký, tự truyện, tùy bút và thư tín:
Trừ những tác phẩm luận thuyết của các nhà tư tưởng đã đề cập đến bên trên, loại văn chương trình bày tư tưởng và tình cảm thiết thân của người viết nhiều nhất có lẽ là thể loại nhật ký (nikki) mà truyền thống đã bắt đầu với các nhà văn nữ cung đình thời Heian. Donald Keene than rằng ông chưa thấy trên thế giới có dân tộc nào viết nhật ký nhiều như người Nhật. Năm 1975, người ta đã cho in một tùng thư về nhật ký và ký lục liên quan đến lịch sử Nhật Bản gồm 52 quyển. Vào cuối thời cận đại, hãy còn nhiều nhật ký quan trọng được nhắc tới như nhật ký của vợ chồng Hashimoto Kenzô - Takamurei Itsue và của Takami Jun, trong đó, họ trình bày cảm tưởng của người Nhật trong ngày bại trận .

Lãnh vực tự truyện (jiden) cũng không kém phần phong phú. Khoảng giữa 1980-82, hãng Heibonsha đã xuất bản 25 quyển góp lại những tập tự truyện quan trọng của các nhà trí thức cận đại như Tự truyện của lão Phúc (Fukuô Jiden, 1899) của Fukuzawa Yuukichi, 1834-1901) hay Tự thuật đời mình (Jijutsuden,1947-1948) của Kawakami Hajime (1879-1946). Các ông đã nối tiếp truyền thống của của giới samurai như Yamashika Sokô, Shiraishi Hakuseki và Matsudaira Sadanobu thời Edo nhưng phải nói văn phong của họ biểu lộ nhiều cá tính, dứt khoát hơn. Chẳng hạn, cuốn tự truyện của Fukuzawa chép lại từ văn nói, sau đó ông có sửa lại đôi chút nên trình bày rất thẳng thừng, còn Kawakami thì đứng hẳn trên lập trường Mác-xít, nhiều đoạn khá kích động, bộc lộ rõ ràng tình cảm yêu ghét.

Tùy bút (zuihitsu) còn có tên khác là zuisô (tùy tưởng) cũng là một thể loại đã xuất hiện từ lâu đời ở Nhật. Ai mà không biết Ghi Nhanh Bên Gối (Makura no Sôshi) hay Buồn Buồn Phóng Bút (Tsurazuregusa). Thể loại này tương tự với các nghị luận kiểu Essais (1580-88) của Michel de Montaigne (1533-1592) bên trời Tây và sau đó đã lan rộng ra ở Anh cũng như Mỹ. Hãng Yoshikawa Kôbunkan đã xuất bản trong khoảng năm 1927-31 tất cả 41 tập tùy bút trong bộ sách đại thành Nihon Zuihitsu Taisei. Có thể nói đến sự thịnh hành của cái gọi là "văn hóa tùy bút" ở Nhật mà phạm vi, với đôi chút dị biệt tế nhị, đi từ tùy bút (zuihitsu), mạn bút (manhitsu), mạn lục (manroku), trà thoại (chawa), nhàn thoại (kanwa), tạp thoại (zatsuwa), tạp lục (zatsuroku) cho đến tạp ký (zatsuki). Tuy dùng ngòi bút để giải khuây nhưng đối tượng của tác giả là những thông tin đến từ xã hội và thiên nhiên bên ngoài. Đặc biệt thể loại zuihitsu (tùy bút) hay zuisô (tùy tuởng) này có liên hệ gần gủi với "chủ nghĩa giáo dưỡng", chủ trương cá nhân phải bồi đắp kiến thức, đã chiếm ưu thế ở Nhật Bản trong thập niên 1910. Vìết tùy bút không những để thỏa mãn lòng hiếu kỳ mà còn là cách tìm trở lại với chính mình trong vài giây phút giữa cuộc sống đa mang. Do đó Kikuchi Kan đã thảnh công khi tung ra tạp chí Bungei Shunjuu (Văn Nghệ Xuân Thu) từ tháng 1/1923, nơi mà trong số đầu tiên, Akutagawa Ryuunosuke đã đăng Lời một người hèn kém (Shuju no kotoba), chắp nối những cảm nghĩ của ông về cuộc đời. Tùy bút sau đó cũng có thể kết tinh lại dưới dạng cô đọng hơn, đó là những cách ngôn (kakugen, aphorism), phương châm cho cuộc sống.Ví dụ những câu nói gọi là "đoạn ngôn" (dangen) mà Natsume Sôseki chép trong sổ tay và về sau thu thập lại trong toàn tập của ông (1993-1999). Nó phản ánh cá nhìn về nhân sinh, xã hội, con người, thời đại...của nhà văn. Ngoài Sôseki và Akutagawa, có lẽ nhà thơ cận đại Hagiwara Sakutarô cũng là một cây bút tài hoa khác trong thể loại này với tác phẩm nhan đề Một chính nghĩa gian dối (Kyobô no seigi, 1929).

Cũng vào thời cận đại, có những tùy bút khá đặc biệt vì chúng được viết ra bởi các khoa học gia. Hai nhà vật lý Terada Torahiko và Nakaya Ukichirô nằm trong trường hợp đó. Terada là một học giả địa chấn học, Nakaya nghiên cứu về tuyết.Terada viết tất cả năm tập tùy bút, nhưng nổi tiếng hơn cả là Đồn đại (Ryuugenhigo, 1924) nói về những tin đồn có tính kỳ thị chủng tộc và vu cáo khi trận động đất năm 1923 xảy ra đã kích thích tâm lý và đưa đến việc ngược sát kiều dân Triều Tiên ở vùng Kantô. Trong Tuyết (Yuki, 1928), Nakaya bình luận ảnh hưởng của hiện tượng tuyết rơi sẽ ảnh hưởng đến phong thổ và sinh hoạt con người xứ tuyết như thế nào.

Để khép lại phần này, có lẽ cũng nên nhắc tới những thư từ trao đổi giữa các nhà văn hay với những người thân của họ mà nội dung tư tưởng nhiều khi rất phong phú và sâu sắc. Trong toàn tập của nhà thơ tanka kiêm bác sĩ khoa thần kinh Saitô Môkichi (1882-1953) có đến 9356 bức thư, còn nhà vận động dân quyền Tanaka Shôzô (1841-1913) cũng lưu trữ được 5020 bức. Với tư cách người đứng đầu trường thơ Araragi, thư tín của Sai tô phản ánh quan điểm văn nghệ của ông và của nhóm. Còn đối với Tanaka thì chúng là chứng cứ của những cuộc vận động mà ông đề xướng. Thư tín cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu lập trường những người như nhà tư tưởng Uchimura Kanzô hay nhà dân tộc học Minakata Kumagusu.

Thay lời kết: bàn về liên hệ giữa các hệ tư tưởng và sinh hoạt sáng tác:
Không thể đặt tư tưởng đứng trước sinh hoạt sáng tác trong trình tự thời gian khi chúng ta chưa biết chắc chắn giữa quả trứng và con gà, cái gì có trước. Lấy trường hợp một người như Jean-Paul Sartre (1905-1980), phải định nghĩa ông là tiểu thuyết gia hay nhà tư tưởng đây? Tư tưởng khai sinh ra tiểu thuyết nhưng ngược lại, tiểu thuyết cũng có thể khơi nguồn cho tư tưởng nữa. Chẳng hạn Người Xa Lạ của Albert Camus (1913-1960) hay Mặt Trận Miền Tây Hoàn Toàn Yên Tĩnh của Erich Maria Remarque (1898-1970) đều có thể xem như hàm chứa vấn đề tư tưởng. Các quyển Buồn Buồn Phóng Bút (Tsurezuregusa) của tu sĩ Yoshida Kenkô (1283? -1352?) và Một Năm Rưỡi Để Sống (Ichinen yuuhan) của Nakae Chômin (1847-1901) là những tác phẩm trình bày quan điểm, tư tưởng nhưng lại được phân đoạn theo việc xảy ra hằng ngày và gồm có những chi tiết cụ thể liên hệ đến cuộc sống đời thường của tác giả.

Sau khi chấp nhận tiền đề ấy, ta mới có thể an tâm đặt vấn đề kiểm điểm xem những tư trào của thời cận đại Nhật Bản đã chi phối văn học của nước ấy như thế nào. Khả năng này tương đối có thể xem như lớn hơn là khả năng ngược lại. Tuy nhiên để hiểu các trào lưu tư tưởng đã ảnh hưởng lên các bộ môn thiên trọng nghệ thuật hơn như tiểu thuyết, thi ca, kịch bản... ra sao, chúng tôi buộc lòng trở lại với quí bạn đọc trong một lần khác với một công trình phân tích kèm theo chứng cứ thuyết phục hơn mà giới hạn của bài kiểm điểm có tính cách cung cấp thông tin sơ khởi này không thể đáp ứng được.

Tôkyô, mạnh đông 2010
Nguyễn Nam Trân
Tư liệu tham khảo:
1) Karano Masanao, 1999, Kindai Nihon shisôshi so annai (Để hiểu lịch sử tư tưởng Nhật Bản cận đại), Iwanami Bunko, Tokyo, tái bản lần thứ 6 tháng 5 năm 2001.

2) Karatani Kojin, 1998, Nihon kindai bungaku no kigen (Nguồn gốc văn học Nhật Bản cận đại), Kôdansha, Tokyo, tái bản lần thứ 37, tháng 7 năm 2007.

3) Nakamura Mitsuo, 1954, Nihon no kindai shôsetsu (Tiểu thuyết Nhật Bản cận đại), Iwanami bunko, Tokyo, tái bản lần thứ 37 tháng 1 năm 1983.

4) Nakamura Mitsuo, 1968, Nihon no gendai shôsetsu (Tiểu thuyết Nhật Bản hiện đại), Iwanami bunko, Tokyo, tái bản lần thứ 6 tháng 10 năm 1982.

5) Odagiri Susumu, 1974, Nihon no meisaku, kindai shosetsu 62 hen (Sáu mươi hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản cận đại), Chuô kôron xuất bản, Tokyo, tái bản lần thứ 24 tháng 6 năm 2001.

6) Ono Takeo, 1970, Nihon bungakushi, Kindai kara gendai e (Lịch sử văn học Nhật bản từ cận đại bước qua hiện đại), Chuô kôron, tái bản lần thứ 38 thấng 6 năm 2002.

7) Washida Koyata, 2009, Nihon wo tsukutta shisôkatachi (Các nhà tư tưởng đã tạo ra nước Nhật) , PHP Shinsho, Tokyo.

8) Washida Koyata, 2007, Shôwa no shisoka 67 nin (Sáu mươi bảy nhà tư tưởng đời Shôwa), PHP Shinsho, Tokyo,

__________________________

[1] - Nhiều tác giả như Okuno Takeo trong cuốn Nihon Bungakushi của ông cho là văn học cận đại Nhật Bản bắt đầu từ năm Meiji 20 (1887). Lý do là vì hơn hai mươi năm sau khi nhà nước cận đại Nhật Bản ra đời (1868), ảnh hưởng tiểu thuyết Edo vẫn tồn tại và áp đảo được những tác phẩm viết theo lối mới.

[2] - Về việc phân ranh thời kỳ cận đại và hiện đại cũng có nhiều người nghĩ khác.Ví dụ Washida Koyata (xem thư mục tư liệu ) chủ trương ranh giới của chúng nằm giữa hai trận Nhật Thanh và Thế Chiến lần thứ nhất.Như thế những Nishida Kitarô, Yanagita Kunio và Kita Ikki vốn ra đời vào cuối thế kỷ 19 lại trở thành những nhà tư tưởng hiện đại. Chúng tôi theo ý kiến của Karano Masanao (tư liệu).

[3] - Lúc trẻ, người biên dịch đã được đọc một đoạn văn của Nguyễn Bá Học, trích dẫn Herbert, một nhà bác học người Đức, với lời hô hào tương tự.

[4] - Trong Nhật ngữ, từ minzokugaku có 2 cách đọc và chỉ hai ngành khoa học khác nhau. Một là dân tộc học (ethnology), một môn học đối chiếu văn hóa một dân tộc với văn hóa một dân tộc khác. Nó tương đương với từ văn hóa nhân loại học (social anthropology) của người Anh và đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu nguồn gốc, hệ thống, quan hệ huyết thống, gia đình vv.... Trong khi đó dân tục học (folklore) nhắm những yếu tố như phong tục, tập quán, dân dao, thần thoại, mê tín vv...

[5] - Dùng chính sách nông nghiệp như điểm xuất phát cho việc trị nước và bang giao.

[6] - Wakan sansai zue là một tập từ điển bách khoa ra đời vào thời Edo (1712) do lương y Terashima Ryôan viết, giải thích mọi sự vật ở Trung Quốc và Nhật Bản. Sách có chua hình vẽ nên mới gọi là đồ hội, gồm 105 quyển 81 sách, mô phỏng theo khuôn mẩu của Tam Tài Đồ Hội đời Minh của Vương Tích.

[7] - Danh tác về bản thảo học (môn học về cây cỏ) gồm 52 quyển của người đời Minh là Lý Thời Trân, viết xong năm 1578, in năm 1596. Bàn về đặc tính của hơn 1890 loại cây thuốc.

[8] - The people of Japan are entitled to the enjoyment without interference of all fundamental human rights.

[9] - Trong Nhật ngữ, tam thái lang (santarô) là tiếng chỉ một anh chàng dở người, ngây ngô hay đang lạc hướng.

[10] - Điều này không loại bỏ việc Kônan cũng đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa sử Nhật Bản

[11] - Khoảng từ năm 1483 ở Muromachi, Kyôto.