Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
__________________________________________________________________________
Mười đêm mộng mị
Nguyên tác : Yume juya
Tác Giả: Natsume Soseki
Người dịch : Đinh văn Phước

Giới thiệu tác giả :

Natsume Soseki (1867-1916) là một nhà văn lớn đại diện cho văn chương cận đại của Nhật Bản. Ngày nay sau một thế kỷ, tác phẩm của ông vẫn thu hút được nhiều người đọc ở mọi lứa tuổi. Một trong ba tờ giấy bạc (mười nghìn, năm nghìn và một nghìn) tờ một nghìn Yen phát hành cho đến năm 2004, mang hình ông.
Ông là nhà văn của truyện dài, rất ít viết truyện ngắn hay tùy bút. Yume juya (Mười đêm mộng mị) viết vào năm 1908, là một sáng tác ngắn, gồm mười giấc mộng có nội dung độc lập với nhau. Tác giả đã dùng hư cấu, tính huyễn hoặc của mười chuyện trong mộng để diễn tả những cảm nhận về cuộc đời: tính lãng mạn, tính đam mê, tội lỗi không thể gột rửa, những nỗi bất an không có cách giải quyết, những ước vọng không thành, những nỗ lực không được đền đáp ... Ở đây xin dịch năm đêm lẻ.
Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông là Waga hai wa neko de aru (Tôi là con mèo) 1905, Botchan 1906, Kofu (Người phu mỏ), Sanshiro (Chàng Sanshiro) 1908, Sorekara (Từ dạo ấy) 1909, Mon (Cánh cửa) 1910, Kokoro (Tấm lòng) 1914.
   Bên cạnh việc sáng tác, ông còn mở hội nhà văn, tích cực dẫn dắt các nhà văn trẻ, trong đó có Akutagawa Ryunosuke.

Đêm thứ nhất
Tôi nằm mơ thấy như vầy:

Tôi vòng tay ngồi cạnh gối của người con gái đang nằm ngửa. Nàng nhỏ nhẹ nói: em sắp chết mất thôi. Mái tóc dài xõa trên gối làm nổi lên khuôn mặt trái xoan dịu dàng lún trong lòng gối. Đôi má trắng nõn hãy còn hồng, cái màu của máu ấm, môi vẫn còn đỏ. Tôi không làm sao tưởng tượng được đây là một người sắp chết. Nhưng người con gái, vẫn giọng nhỏ nhẹ ấy, nói rõ ràng: em sắp chết mất thôi. Tôi cũng nghĩ thế này thì chắc nàng chết thật. Tôi cúi xuống nhìn chằm chằm vào mặt nàng hỏi thử: thế à, em chết thật sao. Vâng, thôi em chết đây, người con gái mở đôi mắt to tròn, đáp như thế. Đôi mắt long lanh, bên trong hai hàng lông mi dài, tuyền một màn đen huyền. Trong lòng đen thăm thẳm của hai đồng tử, tôi thấy hình tôi nổi bật lên thật rõ.

Tôi nhìn màu đen nhánh, trong suốt, sâu thẳm của đôi mắt người con gái, nghĩ thế này mà chết thật sao. Tôi kề miệng sát gối, nói một lần nữa: làm gì mà em chết được, không sao đâu mà. Người con gái mở to cặp mắt đen đã đượm vẻ buồn ngủ, vẫn nhỏ nhẹ đáp: nhưng em chết thật mà, không làm sao hơn được.

Tôi cố hỏi gặn: thế thì có thấy mặt anh không? Người con gái nhoẻn miệng cười đáp: thấy mặt anh không hở, thì đó, mặt anh đang in trong mắt em đấy chứ gì nữa. Tôi im lặng, rời mặt khỏi gối của nàng, khoanh tay vừa nghĩ, thế này mà chết thật sao.

Được một lúc, người con gái lại thốt:

- Sau khi em chết, anh chôn em anh nhé. Lấy vỏ sò ngọc trai đào huyệt cho em, anh nhé. Anh hãy đi tìm một mảnh sao băng rơi từ trên trời xuống làm bia mộ cho em, rồi anh hãy ngồi đợi bên mộ em. Em sẽ trở lại gặp anh.

Tôi hỏi: chừng nào thì em trở lại gặp anh?

- Đấy, mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn. Rồi mặt trời lại mọc và lại lặn. - Mặt trời đỏ hực, hừng lên từ hướng đông, tắt lặn sang hướng tây, chừng nào mặt trời còn mọc lên từ bên đông, còn lặn sang bên tây - anh có chờ em nổi không?

Tôi im lặng khẽ gật đầu, giọng người con gái tỉnh hơn, nói dứt khoát:

- Xin anh hãy đợi em một trăm năm.

- Một trăm năm, anh hãy ngồi đợi bên mộ em. Thế nào em cũng sẽ trở lại gặp anh.

Tôi chỉ trả lời: anh đợi. Vào lúc ấy, hình tôi nãy giờ hiện rõ trong con ngươi của người con gái bỗng nhòa đi như bóng in trên mặt nước bị loãng ra vì mặt nước lay động nhẹ. Nước như muốn chảy ra thì mắt người con gái nhắm nghiền lại. Giữa hai hàng lông mi dài, một dòng nước mắt ứa trào xuống má. - Người con gái chết.

Sau đó, tôi ra ngoài vườn, lấy vỏ sò ngọc trai đào huyệt. Vỏ sò ngọc trai rất lớn, thật láng và có đường viền rất bén. Mỗi lần tôi xúc đất, lòng vỏ sò lóng lánh phản chiếu ánh trăng. Có mùi đất ẩm. Đào một lúc thì xong được huyệt, tôi đem xác người con gái chôn và xúc đất nhuyển rải nhẹ lên trên. Mỗi lần tôi xúc đất, ánh trăng óng ánh trong vỏ sò.

Xong, tôi đi lượm mảnh sao băng rớt xuống từ trên trời xa, đặt làm bia trên phần mộ. Mảnh sao tròn. Tôi nghĩ, mảnh sao tròn vì từ trên trời xa rớt xuống, mòn hết các góc cạnh. Khi bưng mảnh sao, đặt lên mô đất của phần mộ, tôi cảm thấy ngực và tay tôi ấm hơn một tí.

Tôi ngồi trên rêu, nghĩ, từ nay tôi ngồi đợi như vầy cho đến hết một trăm năm, và tôi vòng tay ngồi ngắm cái bia mộ. Đúng như lời người con gái nói, mặt trời mọc lên bên hướng đông. Mặt trời đỏ, thật to. Và cũng đúng y lời người con gái, mặt trời lặn qua hướng tây. Mặt trời lặn, vẫn giữ nguyên một màu đỏ hực. Tôi đếm, một.

Một thời gian sau, vừng thái dương lại xuất hiện trên nền trời rồi tắt ngấm. Tôi đếm, hai.

Tôi đếm một, tôi đếm hai rồi cứ như thế tiếp tục đếm cho đến lúc không còn biết là đã thấy mặt trời đỏ hực ấy bao nhiêu lần. Đếm hoài, đếm mãi, đếm không biết bao nhiêu ngày mặt trời đã vòng qua trên đầu, nhưng vẫn chưa được một trăm năm. Cuối cùng, tôi nhìn tấm bia tròn bị rêu bám đầy, nghĩ, có lẽ mình bị người con gái đánh lừa.

Bỗng từ dưới bia mộ, một chồi xanh lú lên, nghiêng về phía tôi. Tôi chăm chú nhìn, chồi xanh vẫn tiếp tục trổi lên, đến khoảng giữa ngực tôi thì dừng lại. Khi tôi nhận ra điều đó, thì trên đầu chồi xanh đang lung lay ấy, một nụ hoa thon dài trổ nghiêng xuống, nụ hoa bỗng chốc căng phồng và nở ra từng cánh một, những cánh hoa huệ trắng thơm sực nức. Bỗng từ thượng từng không gian, có sương rơi xuống, đóa hoa lắc lư dưới sức nặng của nó. Tôi nghiêng đầu cúi hôn cánh hoa trắng đọng sương lạnh. Tôi xoay mặt khỏi cánh hoa, bất giác ngước nhìn trời cao và tôi thấy chỉ còn có mỗi một vì sao ban mai đang lấp lánh.

Đấy cũng là lúc tôi vừa nhận ra: “Thế là đã tròn một trăm năm”.
 

Đêm thứ ba
Tôi nằm mơ thấy như vầy:

Tôi cõng một thằng nhỏ sáu tuổi. Thằng nhỏ chính là con tôi. Nhưng quái lạ, không biết tự hồi nào, mắt nó đui, đầu nó trọc lốc. Tôi hỏi: mắt mầy đui hồi nào. Nó đáp: cái gì Bố, đui từ hồi xưa lận mà. Tiếng nó là tiếng con nít, nghe không thể lầm được, thế nhưng giọng nó nói ngang hàng như người lớn.

Hai bên toàn là ruộng xanh. Đường thì hẹp. Đây đó, một vài bóng cò nổi lên trong bóng tối.

- Đã vô tới trong ruộng rồi nhỉ. Tiếng nói đàng sau lưng.

- Sao mầy biết? Tôi ngoái ra sau lưng hỏi.

- Thì cò gáy đấy thôi. Thằng nhỏ đáp.

Quả thật có hai tiếng cò gáy.

Thằng nhỏ là con tôi, thế mà tôi thấy rờn rợn. Nếu cứ phải cõng nó như thế này, không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Có chỗ nào để vứt nó đi, tôi đảo mắt nhìn về phía trước, đằng xa có một khu rừng lớn. Khi tôi vừa nghĩ chỗ đó được, thì sau lưng có tiếng:

- Ơ hơ.

- Mầy cười cái gì mậy?

Thằng nhỏ không chịu trả lời. Nó chỉ hỏi lại:

- Bố ơi, nặng không bố.

- Nặng gì mà nặng mầy.

Tôi đáp vậy, thì thằng nhỏ lại nói:

- Con sắp nặng bây giờ đấy Bố.

Tôi im lặng, nhắm phía khu rừng dấn bước. Con đường giữa những đám ruộng ngoằn ngoèo, đi mãi mà không sao ra được. Đi một đỗi thì đến đầu ngã ba. Tôi dừng lại ở đầu ngã ba, nghỉ một lát. Thằng nhỏ nói:

- Có một tảng đá dựng ở đó đấy.

Ơ kìa, quả thật có một tảng đá vuông vức khoảng tám tấc, dựng đứng đến ngang eo. Trên mặt có khắc: Bên trái Higakubo. Bên mặt Hotta Hara. Trời tối, thế mà những lằn chữ đỏ lại hiện lên rõ mồn một. Màu đỏ của những chữ khắc giống như màu đỏ dưới bụng con sa giông (1). Thằng nhỏ ra lệnh:

- Nên đi về hướng tay trái.

Tôi nhìn về phía bên trái, khu rừng lúc nãy nhả cái bóng đen lồng lộng trùm lên đầu hai đứa tôi. Còn đang do dự thì thằng nhỏ lại nói:

- Bố khỏi cần lo cho con.

Tôi đành cất bước tiến về phía khu rừng, trong bụng nghĩ, thằng này đui, thế mà chuyện gì nó cũng biết trước. Tôi cứ nương theo con đường, lần tới khu rừng, thằng nhỏ trên lưng lại nói: Con đui, đi đứng không được, thật phiền cho Bố quá.

- Thì tao mới cõng mầy.

- Con rất khổ tâm vì bắt Bố cõng con, nhưng bị thiên hạ chê cười thì khó chịu quá. Và còn bị cả Bố chê nữa thì con chịu không nổi.

Tôi bỗng thấy chán ghét hết mọi chuyện. Muốn nhanh đến khu rừng để bỏ phứt thằng nhỏ. Tôi bước gấp. Thằng nhỏ trên lưng như nói một mình:

- Đi thêm một chút nữa thì biết. - Hồi đó cũng một đêm như thế này.

Tôi giật mình hỏi:

- Chuyện gì mậy?

- Chuyện gì hả, thì Bố biết cả mà.

Thằng nhỏ trả lời như châm chọc. Tôi bỗng cảm thấy như mình có biết gì đó, nhưng lại không rõ là chuyện gì. Chỉ mang máng nhớ có một đêm giống như đêm nay. Tôi nghĩ đi thêm một chút nữa chắc sẽ biết hết. Nhưng tôi lại nghĩ, biết chỉ càng phiền ra, tốt hơn là khi chưa vỡ lẽ câu chuyện, đem bỏ phứt thằng này đi cho yên bụng. Nghĩ vậy tôi càng rảo bước nhanh hơn.

Trời mưa tự nãy giờ, đường đi mỗi lúc một tối, tôi như trong cơn hôn mê; thằng nhỏ tôi cõng, cứ bám chặt sau lưng. Nó biết hết quá khứ, hiện tại và tương lai của tôi không sót một mảy may, mọi chuyện sáng như soi gương. Mà nó là con, nó đui, tôi thấy rợn cả người.

- Ở đây, ở đây. Chính ở dưới gốc cây tuyết tùng này.

Trong mưa, tiếng thằng nhỏ nói nghe rõ mồn một. Tôi bỗng dừng chân. Không biết tự hồi nào tôi đã lạc vào trong rừng. Cách chỗ tôi đứng khoảng hai thước, tôi thấy một vật gì đen sì, đúng như lời thằng nhỏ nói, đó là một cây tuyết tùng.

- Bố ơi, có phải dưới gốc cây tuyết tùng này?

- Ừ, phải. Tôi bất giác đáp.

- Năm thứ 5, niên hiệu Bunka, năm thìn, có phải không?

À ra thế, tôi nghĩ có lẽ đúng vào năm thứ 5 niên hiệu Bunka, năm thìn.

- Một trăm năm trước đúng vào ngày này, chính mầy đã giết tao đó mầy.

Không biết có phải vì tôi đã nghe tiếng thằng nhỏ nói như vậy hay không, nhưng tôi trực nhớ ra một trăm năm về trước, chính dưới gốc cây tuyết tùng này, vào một đêm tối như đêm nay, tôi đã giết chết một người mù. Ngay khi vừa ý thức được tôi là kẻ giết người, thằng nhỏ cõng sau lưng bỗng nặng như một tượng đá.

Đêm thứ năm
Tôi nằm mơ thấy như vầy:

Câu chuyện này có lẽ xưa lắm, xưa cỡ hồi còn Thần Phật. Tôi đi đánh giặc, rủi thua bị bắt sống, thế là tôi bị lôi ra trước tướng địch.

Vào thời ấy người nào cũng cao lớn và mọi người để râu dài. Ai cũng thắt lưng bằng dây da, đeo một thanh kiếm dài. Cung, thì người ta lựa thứ dây mây to để nguyên như vậy mà dùng, không bào gọt cho nhẵn mà cũng không sơn phết trang hoàng, trông thật thô sơ.

Tướng địch, tay phải nắm chính giữa cây cung, chống trên cỏ, mông ngồi trên vật gì giống như một lu rượu lớn để lật úp. Mặt tướng địch có hai hàng lông mi thật rậm như muốn dính liền với nhau phía trên sống mũi. Dĩ nhiên thời bấy giờ làm gì mà có dao cạo.

Tôi là tù binh không cho ngồi ghế, bị bắt xếp bằng ngồi bệt trên cỏ. Chân đi giầy ống đan bằng rơm, thời này giầy ống cao đến tận đầu gối. Chỗ đầu ống giầy, người ta bỏ không đan nữa và bẻ quặp những cọng rơm xuống thành một chùm, khi đi rung lủng lẳng, đấy là cách trang trí cho đẹp mắt.

Tướng địch nhìn mặt tôi qua ánh sáng đống lửa, hỏi: muốn sống hay chết. Đây là tục lệ thời ấy. Tù binh bị bắt, ai cũng bị hỏi một câu như thế. Trả lời muốn sống, tức là chịu đầu hàng, chết tức là không chịu khuất phục. Tôi trả lời một tiếng: chết. Tướng địch vứt cây cung đang chống trên cỏ ra xa, tuốt thanh gươm đeo ngang eo ra nửa chừng. Vừa lúc ấy một làn gió thổi ngang làm đống lửa sáng bừng. Tôi giơ tay phải lên, hướng lòng bàn tay với năm ngón xòe ra trước mắt tướng địch, ra hiệu xin khoan. Tướng địch ấn thanh gươm trở vô trong vỏ.

Thời đó, cũng có chuyện yêu đương. Tôi bảo trước khi chết, muốn gặp lại người con gái tôi thương một lần cuối. Tướng địch chịu chờ cho đến hết đêm nay, đến lúc hừng đông trước tiếng gà gáy đầu tiên. Phải gọi cho được người con gái đến đây trước canh gà. Nếu người con gái không đến kịp thì tôi sẽ bị hành quyết, không cho giáp mặt nữa.

Tướng địch vẫn ngồi yên nhìn đống lửa. Tôi vẫn bắt tréo chân mang giầy ống, ngồi bệt trên cỏ, đợi người con gái. Đêm dần dần khuya.

Lúc lúc có tiếng đống củi cháy sụp lở. Mỗi lúc đống lửa sụp, lửa bắn tung tóe ra phía tướng địch, dưới hai hàng lông mi đen rậm, mắt tướng địch ánh lên sáng quắc. Mỗi lần đống lửa sắp tàn, tức khắc có người đến, liệng thêm thật nhiều củi vào. Chỉ một lúc sau thì củi lại bốc cháy nổ tách tách. Tiếng lửa nổ mạnh mẽ như muốn đẩy lùi bóng tối của đêm đen.

Vào lúc ấy, người con gái ra sau nhà, tháo dây cương cột ngựa ngoài cây sồi, dắt con bạch mã ra, vuốt bờm ngựa ba lần rồi nhẹ nhàng phóc lên lưng con ngựa cao. Con ngựa trắng lưng trần không yên, không đai giữ chân. Chân người con gái dài trắng nõn, thúc bụng ngựa, con ngựa sải ngay. Có ai đem củi bỏ thêm vào, đống lửa bừng cháy soi sáng chân trời xa lờ mờ. Trong đêm tối, con ngựa nhắm phía ánh sáng phi tới. Ngựa phi nhanh, mũi phì hai lằn lửa, thế mà người con gái cứ thúc mãi hai chân mảnh khảnh vào bụng con ngựa. Tiếng vó ngựa phi vang ầm không gian. Tóc người con gái bay tung kéo thành một đuôi dài trong bóng tối. Nhưng ngựa vẫn chưa phi tới chỗ có đống lửa.

Bỗng vào lúc ấy, tuốt tận cuối con đường xa tối mịt, có tiếng gà gáy ò ó o. Người con gái ưỡn mình, kìm cương. Con ngựa cắm phập móng chân trước vào vách đá cứng.

Ò ó o... gà lại gáy một tiếng nữa.

Người con gái thốt một tiếng: ối, rồi buông lỏng dây cương. Con ngựa bị gãy đầu gối. Cả người và ngựa té nhào tới trước. Dưới vách đá là vực sâu.

Ngày nay vết móng ngựa vẫn còn hằn trên vách đá. Về sau mới biết, chính mấy con yêu tinh đã giả tiếng gà gáy. Khi nào vết móng ngựa còn hằn trên vách đá, thì tôi còn thù loài yêu quái hại người.

Đêm thứ bảy
Không biết thế nào mà tôi lại đang ở trên một chiếc tàu rất lớn.

Chiếc tàu này liên miên khạc khói ra đen nghịt, ngày đêm lướt sóng. Tiếng máy chạy ầm ĩ. Nhưng tôi không biết chiếc tàu đang chạy về đâu. Chỉ biết ngày lại ngày, dưới đáy sóng, mặt trời trồi lên đỏ như một cùi lửa, lên đến đỉnh cột buồm, tưởng nó còn vắt veo ở đó một hồi lâu, thì không biết từ hồi nào nó đã qua mặt, chạy ở phia trước. Rồi cuối cùng, cùi lửa ấy lặn xèo vào trong làn sóng. Mỗi lần như thế, những ngọn sóng biển xanh biếc phia chân trời bỗng đỏ chói. Chiếc tàu chạy, tiếng máy ầm ĩ, đuổi theo màu đỏ chói ấy, nhưng không thế nào đuổi kịp.

Có một hôm, tôi túm được một người thủy thủ, hỏi:

- Chiếc tàu này chạy về hướng tây phải không?

Người thủy thủ tỏ vẻ chưng hửng, nhìn tôi một hồi, rồi hỏi lại tôi:

- Sao ông lại hỏi như vậy?

- Tại tôi thấy chiếc tàu chạy đuổi theo hướng mặt trời lặn.

Người thủy thủ bật cười khàn khàn, rồi bỏ đi.

Có tiếng hát.

    Mặt trời lặn về tây
    Cuối tây là đông đấy
    Có thật vậy không đây
    Hướng đông mặt trời mọc
    Về quê tận bên tây
    Có thật vậy không đây
    Thân đã ở trên sóng
    Lấy mái chèo làm gối
    Mặc cho đời nổi trôi

Đi về phía đuôi tàu, tôi thấy khá đông thủy thủ đang xúm nhau kéo dây giăng buồm thật to.

Tôi rất lo, không biết chừng nào mới được lên bờ và cũng chẳng biết là mình đang đi về đâu. Chiếc tàu cứ lướt sóng, nhả khói đen kịt. Sóng tràn lan trập trùng, cả vùng xanh ngắt mênh mông. Cũng có lúc sóng nhuộm tím đỏ, nhưng xung quanh chỗ chiếc tàu chạy, lúc nào sóng cũng sùi bọt trắng phau. Tôi thấy rất lo. Tôi chợt nghĩ, thà nhảy xuống biển chết còn hơn là ở lại trên tàu.

Trên tàu có rất nhiều hành khách, phần lớn là người ngoại quốc. Mặt mày họ không ai giống ai. Một hôm, trời u ám và tàu say sóng, tôi thấy một người con gái đứng tựa lan can tàu, cứ khóc mãi. Chiếc khăn tay lau nước mắt của người con gái màu trắng và nàng mặc quần áo dệt bằng vải bông. Khi thấy người con gái này, tôi mới biết không phải chỉ có một mình tôi buồn.

Một đêm, tôi lên trên boong tàu đứng ngắm sao thì một người ngoại quốc mon men lại bắt chuyện, hỏi tôi có biết gì về thiên văn không. Tôi đang chán ngán, chỉ muốn chết, còn thiết gì chuyện trăng sao. Tôi không đáp. Người ngoại quốc ấy bèn kể chuyện về chòm sao Thất tinh nằm phía bên trên đỉnh của chòm sao Kim ngưu cung. Rồi hắn bảo, những ngôi sao trên trời và biển cả dưới đây đều do Thượng đế tạo ra. Cuối cùng hắn hỏi tôi có tin Thượng đế không. Tôi ngước mặt nhìn trời nhưng vẵn im lặng không nói.

Một lần. tôi lạc vào trong khoang khách, thấy một người con gái trẻ ăn mặc rất màu mè, xoay mặt về phía trong, ngồi đánh đàn dương cầm. Một chàng trai cao lớn lịch sự, đứng hát bên cạnh, miệng anh ta há rất to. Nhưng hai người chỉ biết cái thế giới của mình, không hề màng đến những chuyện khác, và có vẻ quên là họ đang ở trên chiếc tàu này.

Tôi càng chán ngán, cuối cùng quyết định tự tử. Rồi một đêm, vào lúc bốn bề không còn bóng ai, tôi lấy hết sức bình sinh nhảy xuống biển. Nhưng - khi chân tôi vừa lìa khỏi sàn tàu, khi giữa tôi và chiếc tàu không còn một chút liên hệ nào nữa, tôi bỗng ao ước sống. Tự đáy lòng, tôi thấy hối tiếc, đừng tự tử thì vẫn hơn. Nhưng chuyện đã muộn. Dù muốn thôi, tôi cũng đã rớt xuống biển. Chiếc tàu thật cao, thân tôi đã rớt khỏi chiếc tàu, nhưng chân tôi vẫn không dễ gì chạm được mặt nước. Không còn bám vào đâu được, chân tôi càng lúc càng sát xuống mặt nước. Tôi cố co rút cẳng, nhưng mặt nước cứ xáp tới. Nước biển đen ngòm.

Trong lúc đó, chiếc tàu vẫn nhả khói đen nghịt, bỏ chạy mất. Bây giờ tôi mới thấy thắm thía, dù không biết chiếc tàu sẽ đưa mình đi đâu, vẫn nên ở lại trên tàu. Và hơn thế khi hiểu ra được thì đã lỡ cả rồi. Vừa vô cùng hối tiếc vừa vô cùng lo sợ, tôi rơi dần xuống vùng sóng biển đen ngòm trong yên lặng.

Đêm thứ chín
Ngoài đường thiên hạ bắt đầu xôn xao. Chiến tranh như sắp xảy ra. Những con ngựa sổng chuồng, bất kể ngày đêm, hung hăng chạy tứ tán quanh trang trại. Những tên tiểu tốt hùa nhau đuổi theo đàn ngựa. Bên ngoài thì ồn ào như thế, nhưng trong nhà lại yên lặng như tờ.
Trong nhà chỉ có một người mẹ trẻ và một đứa con lên ba. Người cha đã bỏ nhà đi, vào một đêm không trăng. Đêm ra đi, người cha đứng trên sân đất, chân xỏ đôi dép rơm, đầu quấn khăn đen, rồi ra cửa sau mà đi. Đêm ấy người vợ trẻ xách lồng đèn tiễn chồng, ánh sáng lồng đèn soi sáng một lằn dài cho đến chỗ cây bách lừng lững trước hàng dậu trong đêm tối.

Từ đó người cha đi mất biệt. Mỗi ngày người mẹ đùa với đứa con ba tuổi: “Cha đâu con?”. Đứa bé im không biết nói. Khá lâu về sau đứa bé mới bắt đầu nói được: “Đằng kia”. Người mẹ hỏi: “Chừng nào cha con về hở con?”, đứa bé lúc nào cũng chỉ đáp: “Đằng kia” rồi cười. Những lúc ấy người mẹ cũng cười theo. Và người mẹ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, cố tập cho đứa con nói: “Cha sắp về bây giờ”. Nhưng đứa bé chỉ nhớ được có hai tiếng: “Bây giờ”.  Đôi lúc người mẹ hỏi: “Cha đâu con?”, đứa bé có lúc đáp: “Bây giờ”.

Về đêm khi bốn bề chìm trong yên lặng, người mẹ nịt lại giải thắt lưng, dắt đoản đao vào đấy, chuôi đoản đao quấn bằng da cá mập, rồi nịt đứa bé cõng trên lưng. Người mẹ lặng lẽ bước ra khỏi cổng nhà. Người mẹ lúc nào cũng mang dép rơm. Có lúc đứa bé ngủ thiếp đi trên lưng, trong tiếng dép rơm của người mẹ.

Người mẹ đi dọc theo những bức tường trát đất của những trang trại trong ấp, lần về hướng tây, xuống hết con dốc thoai thoải thì đến một cây lá quạt to. Cây lá quạt to này là cái đích để rẽ sang phải, đi thêm khoảng vài trăm thước nữa thì đến một cổng đền xây bằng đá. Đường dẫn đến cổng đền, một bên là ruộng còn một bên toàn là những bụi cỏ tre cụt. Qua khỏi cổng đền thì có hàng cây tuyết tùng cao trong bóng tối. Từ đây là một đoạn đường dài khoảng ba bốn mươi thước được lát bằng những tảng đá, dẫn đến ngay dưới tam cấp của ngôi đền. Trên tam cấp có đặt một cái thùng gổ hứng tiền cúng điếu của tín đồ. Ngay trên cái thùng xám xịt này, một sợi dây thừng thả thòng lòng xuống, phía trên có mấy cái lục lạc treo lủng lẳng. Ban ngày, nhìn thì sẽ thấy ngay gần chỗ mấy cái lục lạc có một tấm biển, khắc mấy chữ Hán: Bát Phiên Cung. Hai nét phết của chữ Bát được viết trang trí thành hai con bồ câu đâu đầu với nhau trông thật đẹp. Ngoài ra còn có nhiều tấm đích đã bắn thủng do gia thần trong vùng đem cúng cho đền. Những tấm đích này có khắc tên người đã bắn thủng đích. Cũng có người đem cúng cả gươm giáo.

Qua khỏi cổng đền, lúc nào cũng nghe thấy tiếng cú rúc trên ngọn cây tuyết tùng. Người mẹ đi, tiếng dép rơm đã mòn dẫm lẹp xẹp. Mỗi khi dừng chân lại trước đền thờ, người mẹ đến lay sợi dây thừng, rung lục lạc mấy cái, rồi ngồi thụp xuống chấp tay vỗ. Những lúc như thế, con cú thường im ngay tiếng gáy. Người mẹ hết lòng khấn vái cho chồng được bình an. Người mẹ tin trong dạ, chồng là vũ sĩ đi đánh giặc, mà Thần Bát Phiên là thần chiến tranh, nếu đã đem hết lòng cầu nguyện như thế này, không lẽ nào lại không được toại nguyện.

Đứa bé cõng sau lưng hay thức giấc vì tiếng lục lạc, bốn bề tối om nên thường giật mình khóc. Những lúc như vậy, người mẹ vừa lẩm bẩm khấn vái, vừa lay vai ru con. Có lúc đứa bé nín khóc, cũng có lúc, đứa bé càng khóc dữ hơn. Nhưng không bao giờ người mẹ bỏ mà đi.

Sau khi hết lòng cầu khẩn cho chồng được bình an, người mẹ tháo dây nịt đứa con cõng sau lưng, kéo đứa bé xuống phía trước, bồng nó lại trong tay rồi leo mấy bực tam cấp lên trước điện thờ. "Con ngoan đấy nhé, ở yên chờ mẹ một lát nghe con" Lúc ấy, chắc người mẹ vừa nựng má đứa con vừa nói như thế. Xong người mẹ tuốt sợi dây nịt cho dài thêm, cột một đầu vào thân đứa bé, còn một đầu cột vào lan can tam cấp. Rồi người mẹ trở xuống tam cấp, đi đi lại lại con đường ba bốn mươi thước lát đá trong sân đền, một trăm vòng để cầu khấn.

Đứa bé bị cột ở sân đền, trong bóng tối, nó bò tới bò lui trong khoảng giới hạn của chiều dài sợi dây nịt. Những đêm như thế là những đêm người mẹ được yên dạ. Nhưng cũng có đêm đứa bé bị cột, la khóc ôi ối, làm người mẹ sốt ruột. Người mẹ gấp gáp đi một trăm vòng, bước những bước thật mau muốn đứt hơi. Có khi người mẹ chịu không nổi, phải bỏ nửa chừng, trở lên trên sân đền, tìm cách nựng con cho nó nín khóc, rồi mới xuống bắt đầu đi lại một trăm vòng.

Cứ như thế, không biết đã bao nhiêu đêm rồi người mẹ không ngủ, không ngớt lo lắng trông chồng. Nhưng người chồng đi chinh chiến ấy đã bị giết từ lâu.

Câu chuyện đau thương này tôi nằm mơ nghe mẹ tôi kể trong mộng.

Tokyo, Hino 08-2004
Trích dịch từ nguyên tác trong Iwanami Bunko
Đinh văn Phước
Chú thích

(1) Sa giông: Một loài bò sát có hình dáng na ná con giông ở miền Trung, nhưng có thể sống cả trên cạn lẫn dưới nước.


Trở Về   ]