BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
GIẢI THOÁT
ĐẠO LUẬN Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt |
Phần 2: PHẦN TÌM HIỂU Phần Tìm Hiểu về Phẩm 1: Nhân Duyên 001. Ý chánh của Phẩm 1: Nhân duyên. Muốn cởi bỏ mọi khổ đau ràng buộc, dứt sự sợ hãi về sống chết, và đến được cõi Niết-bàn an lạc, thì phải thấu hiểu Tam tạng Kinh điển dạy rõ con đường giải thoát. Con đường ấy trải qua ba chặng: Giới, Định, Huệ. 002. Tóm tắt Phẩm 1: Nhân duyên. Phẩm Nhân duyên mở đầu bằng bài Kệ khen ngợi công đức của Đức Phật đã giác ngộ được pháp Giải Thoát cao cả nên xứng danh là đấng Thế tôn (= được cả thế gian tôn trọng). Sau khi cắt nghiã bài Kệ, vạch rõ thế nào là Giới, Định, Huệ, Phẩm (1) nầy gồm có các đoạn chánh sau đây: 1. Giải thoát đạo gồm có năm phần: 11. Phục giải thoát, 2. Mục đích việc giảng Giải thoát đạo là chỉ rõ con đường giải thoát cho ai còn chưa hiểu hay đã hiểu lầm, tựa như chỉ đường đi nước bước cho người đi xa chưa rành xứ lạ. 3. Theo Phục giải thoát, thì cần phải học ba môn học: 31. Giới học và Tăng thượng Giới học, 4. Ích lợi thứ nhứt của việc tuân theo Phục giải thoát là thành tựu được ba ấm: Giới, Định, Huệ. 41. Giới ấm gồm có: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; 5. Ích lợi thứ nhì là thành tựu được ba sự thanh tịnh: (1) giới thanh tịnh, (2) tâm thanh tịnh, và (3) tri kiến thanh tịnh. 6. Ích lợi thứ ba là được ba điều thiện (= ba điều lành): 61. sơ thiện là Giới, điều lành
ở bước đầu, 7. Ích lợi thứ tư là được ba niềm vui: 71. vô quá lạc, vui vì chẳng hề phạm tội lỗi, 8. Ích lợi thứ năm là theo đúng con đường Trung đạo, xa lìa được nhị biên (= hai bên, tức là một bên theo sự ham muốn vui sướng [tham lợi dưỡng], còn một bên là ép xác cực khổ [ tu khổ hạnh quá mức ]). 9. Theo Phục giải thoát, tu học Giới Định Huệ, sẽ đắc được các quả: 91. Tu-đà-huờn và Tư-đà-hàm,
nếu tu nhiều Giới mà ít Định và Huệ, 003. Giải nghiã các chữ khó trong Phẩm 1: Giải thoát đạo Luận: Giải = cởi mở; thoát = tránh khỏi; đạo = con đường, đường lối, cách thức; Luận = bộ Luận, tức là quyển sách do bực A-la-hán, Bồ-tát, viết để giảng rõ thêm về Chánh pháp nói trong Kinh. Bộ Luận nầy do Ngài A-la-hán Ưu ba đế sa (Upatissa, trùng tên với Ngài Xá-lợi-phất, Sariputta), viết có lẽ vào đầu thế kỷ thứ nhứt bằng tiếng Pàli, được dịch sang chữ Hán có lẽ vào thế kỷ thứ sáu, do Tam tạng pháp sư Tăng già bà la (Tipitaka Sanghapàla), ở đất Phù Nam, nước Lương [xin dè dặt về thời điểm và điạ danh]. Nguyên tác bằng tiếng Pàli đã bị mất hẳn, nên các tu sĩ Phật giáo ở Tích lan đem bản chữ Hán trong Đại tạng, dịch ngược trở lại tiếng Pàli, nhan đề Vimutti Magga. Bản dịch Anh văn được Buddhist Publication Society ở Sri Lanka ấn hành năm 1961 dưới nhan đề là The Path of Freedom. Bản dịch của Thiện Nhựt căn cứ trên bản Hán văn trong bộ Càn Long Đại Tạng Kinh, quyển số 103, từ trang 620 đến trang 755 và quyển số 104, tiếp theo, từ trang 001 đến hết trang 048. Nhân duyên: Nhân = nguyên nhân chánh, cớ chánh; duyên = nguyên nhân phụ, cớ phụ, còn gọi là điều kiện, nếu chẳng có đủ thì chẳng có kết quả sanh ra. Ở Phẩm nầy, chữ Nhân duyên có nghiã là các lý do vì đâu mà tác giả đã viết ra bộ Luận nầy. Thế tôn: Thế = thế gian; tôn = trọng; đấng được cả thế gian tôn kính. Ở đây, chữ Thế tôn dành cho Đức Phật Thích-ca. Lúc Đức Phật còn sống, Ngài tự xưng là Như Lai, còn các đệ tử gọi Ngài là Thế tôn. Ứng cúng: Ứng = xứng đáng, đáng nhận; cúng = đem lễ vật dâng hiến, cúng. Các bực Thánh xứng đáng nhận sự cúng dường của người khác, nên gọi là bực ứng cúng. Chánh biến tri: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; biến = cùng khắp, chẳng sót; tri = biết. Chánh biến tri là sự hiểu biết chơn chánh tất cả mọi sự vật, chẳng sót sự vật nào. Cùng với Ứng cúng, chữ Chánh biến tri là một danh hiệu của Đức Phật. (Phẩm 8: Hành môn, Chi 3 về Niệm Phật sẽ giải thích rõ về Mười Danh hiệu của Phật). Vô thượng: Vô = chẳng có; thượng = ở trên; Vô thượng là cao hết sức cao, chẳng còn gì cao hơn nữa. Hữu xứng: Hữu = có; xứng = hay là xưng, xưng tán, khen ngợi. Ở đây có nghiã là xứng đáng được tôn xưng. Tâm trí ưu thắng: ưu thắng = tốt hơn, cao hơn; có tâm trí vượt lên trên hạng người thường. Niết-bàn: phiên âm chữ Pàli Nibbàna, nghiã gốc là ra khỏi rừng u tối, nghiã giáo lý là đã trừ diệt xong các phiền não, chứng được vô sanh (= chẳng còn phải tái sanh lại nữa). Tiếng Phạn là Nirvana. Có hai cõi Niết-bàn; khi còn sống gọi là Hữu dư Niết-bàn; đến khi lià đời thì vào cõi tịch diệt của Vô dư Niết-bàn. Tam tạng Kinh điển: Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng: Tam = ba; tạng = cái giỏ đựng sách; còn có nghiã là kho tàng (chứa Kinh sách); Kinh = nói gọn là, lời Đức Phật giảng về Chánh pháp; điển = sách làm chuẩn, ghi phép tắc. Tam tạng Kinh điển là kho tàng sách vở giáo lý, gồm có ba tạng là Luật tạng, nói về Giới luật; Kinh tạng, gồm các bộ Kinh dài ngắn; và Luận tạng, các bộ Luận giải thêm ý nghiã trong Kinh. Uy nghi: oai nghi: Chữ nầy được dùng theo như một danh từ, hoặc theo như một tĩnh từ. Danh từ uy nghi chỉ cho bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi; còn gọi là bốn oai nghi. Tĩnh từ uy nghi có nghiã là đàng hoàng trong tư cách, trang nghiêm. Ở đây, chữ uy nghi được dùng theo cả hai nghiã. Loạn động: xao động, chẳng yên. Nói về tâm lăng xăng, chạy tới chạy lui. Trái nghiã với nhứt tâm bất loạn. Vô lậu: Vô = không; lậu = rỉ chảy. Chữ nầy được dùng theo nghiã bóng, chỉ các phiền não bên trong bộc lộ ra, như chất máu mủ rỉ chảy ngoài da. Vô lậu có nghiã là dứt sạch các phiền não. Trái nghiã với chữ hữu lậu, còn phiền não. Thử pháp: Thử = đó, kia; Pháp = pháp tu. Chữ Pháp có ba nghiã: (1) nghiã thường, pháp là pháp luật, luật lệ mà mọi người phải tuân theo; (2) nghiã thứ nhứt trong Phật học là những pháp tu, lời dạy để tu hành. Thí dụ: Chánh pháp, Đạo pháp. (3) Nghiã thứ hai trong Phật học là tất cả sự vật mà ta có thể đặt tên để gọi. Thí dụ như căn nhà, ngọn núi, con người, thú vật, đều được Phật học gọi là những pháp. Ở đây, hai chữ thử pháp, nghiã là, pháp đó, tức là cái pháp tu được nói đến. Trong bài Kệ, chữ Thử pháp, pháp đó, nói đến Tứ Thánh pháp, tức là bốn Chơn lý Nhiệm mầu, là Tứ Diệu Đế. Tứ Thánh pháp: Tứ = bốn; Thánh = bực Thánh, bực tu hành đã đắc Đạo; pháp = pháp tu. Bốn pháp đó còn gọi là Tứ Diệu Đế, gồm có: (1) Khổ đế = Chơn lý về sự khổ; (2) Tập đế = Chơn lý về nguồn gốc gây ra sự khổ; (3) Diệt đế = Chơn lý về sự tận diệt được sự khổ; (4) Đạo đế = Chơn lý về con đường tu tập để tiêu diệt hết sự khổ. Tứ Diệu Đế được Đức Phật Thích-ca giảng rõ trong bản Kinh đầu tiên của Ngài là Kinh Chuyển Pháp luân (= Kinh chuyển bánh xe Pháp). Cồ-đàm: phiên âm chữ Gotama, họ của Đức Phật Thích-ca. Công đức thù thắng: được sự ích lợi to lớn nhứt. Phiền não: các điều làm cho mình phải lo lắng, đau khổ. Có ba phiền não chánh: tham, sân (giận) và si (ngu tối), thường được gọi là tam độc, tức là ba món độc hại cần trừ bỏ. Phục giải thoát: Phục = điều phục, bắt phải theo lịnh mình, tức là dẹp cho yên ổn. Giải thoát = cởi mở ra cho được tự do. Phục giải thoát là giai đoạn đầu của Giải thoát đạo, con đường đưa đến tự tại, tự mình làm chủ lấy mình, chẳng bị ràng buộc gì nữa. Phục, đây là điều phục các triền cái. Triền cái: Triền = vây quấn xung quanh; cái = che úp lại. Triền cái, theo nghiã Phật học, là năm món che úp: (1) tham dục (= ham muốn), (2) sân khuể (= giận hờn), (3) giải đãi (= lười nhác), (4) trạo (hay điệu, vụt chạc, xao động) và hối (= hối tiếc), (5) nghi. Năm món nầy (thật ra có tới bảy món) làm chướng ngại cho việc tu đắc Sơ thiền (= thiền thứ nhứt). Bỉ phần giải thoát: Bỉ = kia, đó; phần = một phần trong toàn thể; Bỉ phần giải thoát là đắc được một phần giải thoát, phần đó là Định, tâm bớt xao động, biết dừng lại. Khinh an giải thoát: Khinh = nhẹ nhàng; An = yên ổn; Khinh an là tình trạng của thân và tâm cảm thấy nhẹ nhàng và an ổn. (Trong bản dịch chữ Hán, ghi là ỷ giải thoát.) Tri kiến: Tri = biết; kiến = thấy; Tri kiến là các điều mình thấy và biết rõ. Đoạn giải thoát: Đoạn = cắt đứt thành từng đoạn; đoạn trừ. Đây là giai đoạn dẹp bỏ các kết sử, để được tự do.Kết sử: còn gọi là kiết sử. Kết = tụ tập, kết hợp lại; Sử = sai khiến, sai sử. Kết sử là mười phiền não có khả năng sai khiến mình phải hành động hay nói năng theo hướng các phiền não đó; thí dụ kết sử giận sai khiến mình phải to tiếng, quát tháo, đánh đập, phá hủy. Có mười kết sử: (1) tham (2) sân (= giận), (3) si (= si mê), (4) mạn (= kiêu căng, phách lối), (5) nghi, (6) tà kiến (= ý nghĩ sái quấy), (7) giới cấm thủ (= các giới cấm và nghi thức cúng tế của ngoại đạo, đầy vẻ mê tín), (8) tật (= ganh ghét, đố kỵ), (9) khan (= keo kiệt) và (10) hữu kết (= tham muốn được sống mãi; hữu = cuộc sống hiện nay). Xuất thế gian: Xuất = ra khỏi; Thế gian = cõi sống ở trần gian nầy. Xuất thế có nghiã là tu hành để vượt qua được cuộc sống ở thế gian. Trái nghiã với chữ tại thế, thế tục. Quả vị: Tu hành theo pháp thành công là chứng được Đạo (tiếng Pàli là Magga). Tu hành được viên mãn chứng đắc được bực Thánh, gọi là đắc quả vị (tiếng Pàli là Phala). Hai chữ Đạo quả có nghiã là, Đạo là nguyên nhân khởi việc tu, Quả là kết quả việc tu đã xong. Vị là ngôi vị, cấp bực. Trần lao: Trần = bụi bặm; lao = khổ nhọc; Trần lao chỉ các chỗ khổ sở, nhọc nhằn, dơ bẩn trong cuộc đời ở thế gian. Thoái chuyển: Thoái = thối = lùi trở lại; chuyển = di động, chuyển động. Thoái chuyển là lùi sụt. Bất chánh: Bất = chẳng; Chánh = đứng đắn, chơn chánh, ngay thẳng. Trái nghiã với chơn chánh. Thiền: (tiếng Pàli là Jhàna) phương pháp tu hành để tâm được Định. Có bốn cấp Thiền: (1) Sơ thiền, (2) Nhị thiền, (3) Tam thiền, và (4) Tứ thiền. Có nơi còn thêm Ngũ thiền nữa. Ấm = Uẩn = sự nhóm họp, kết tụ lại nhiều thứ. Vì tụ lại lắm thứ nên có sự lẫn lộn che mờ. Thường nói Năm Ấm hay Ngũ uẩn, để chỉ thân tâm nầy gồm có năm phần: (1) sắc ấm (phần vật chất), (2) thọ ấm (các cảm giác), (3) tưởng ấm (các tri giác và tư tưởng, (4) hành ấm (các hành động của thân và của tâm) và (5) thức ấm (các sự hiểu biết). Ở đây, nói ba ấm: giới ấm, định ấm và huệ ấm, chữ ấm được dùng với nghiã là tụ lại, nhóm họp. Thành tựu: thành công, làm thành được. Chánh ngữ: lời nói chơn chánh. Chánh nghiệp: Nghiệp = chữ Pàli là Kamma, chữ Phạn là Karma, chỉ tất cả các hành động và lời nói đã làm hay nói, trong thời gian đã qua, tạo thành nghiệp, khiến cho mình nay được sung sướng hay khổ cực. Nghiệp có sức mạnh dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh trong vòng Luân hồi, sanh ra lớn lên rồi chết và phải sanh trở lại nữa, lẩn quẩn mãi chẳng dứt. Ở đây, chữ Chánh nghiệp có nghiã là nghiệp chơn chánh, sẽ dắt ta sanh theo đường lành. Chánh mạng: có nghề nghiệp chơn chánh để nuôi mạng sống. Chánh tinh tấn: sự cố gắng đúng đắn, chơn chánh. Chánh niệm: Chánh = chơn chánh, đúng đắn; Niệm = một ý tưởng khởi lên ngay lúc nầy trong tâm; Chánh niệm là ý tưởng khởi lên trong tâm, ngay trong lúc mình đang làm gì thì biết mình đang làm việc ấy. Người có chánh niệm đang tụng Kinh, biết mình đang đọc tới câu nào, chữ nào; trái với người thất niệm, miệng đọc Kinh mà tâm đang nghĩ đến việc khác. Chánh định: Định = dừng lại, trụ lại, chuyên vào một việc đang suy nghĩ. Chánh định là tình trạng tâm an ổn của người đang dừng lại sự suy nghĩ. Chánh kiến: ý kiến chơn chánh, tri kiến(= hiểu biết) chơn chánh. Trái nghiã với tà kiến (= ý tưởng sái quấy), với vọng tưởng (= ý nghĩ mơ vọng, chẳng đúng đắn, chẳng hợp với lúc đang suy nghĩ, lạc ra ngoài đề). Chánh tư duy: Tư duy = suy nghĩ; Chánh tư duy là có sự suy nghĩ đứng đắn, chơn chánh, nghiã là theo đúng Chánh pháp. Giới học: học về Giới luật tu hành theo đạo Phật. Có 10 giới của Sa-di (= người mới vào chùa tu), 250 giới của Tỳ-kheo (nam tu sĩ thọ Cụ túc giới [ = Giới đầy đủ ], chánh thức gia nhập Tăng đoàn), và 348 giới của Tỳ-kheo ni (nữ tu sĩ thọ Cụ túc giới). Cư sĩ tu tại nhà có 5 giới; Cư sĩ thọ Bồ-tát giới có 40 giới. Tăng thượng: Tăng = tăng thêm; thượng = cao hơn. Tăng thượng giới là các giới luật cao hơn dành cho bực Thánh. Giới tướng: Giới = điều răn cấm trong Đạo Phật; Tướng = hình tướng, hình thức. Thí dụ: giới sát sanh có giới tướng là chẳng cầm dao giết hại chúng sanh. Dục giới: Chữ Giới nầy khác nghiã với chữ Giới là điều răn cấm. Giới trong chữ Dục giới, có nghiã là cõi, lãnh vực; Dục là ham muốn. Cõi dục giới là cõi chúng ta đang sống, còn nhiều ham muốn. Có ba cõi, hay là tam giới: dục giới, sắc giới (= cõi còn hình sắc, nhưng hình sắc tế nhị hơn ở cõi dục giới), và vô sắc giới (= cõi chẳng còn hình sắc, chỉ còn tư tưởng mà thôi) Sắc giới: Cõi cao hơn cõi Dục giới, chẳng còn ham muốn, có hình sắc nhưng tế nhị hơn cõi Dục giới. Vô sắc giới: Cõi cao nhứt trong ba cõi, chẳng có hình sắc, chỉ còn tư tưởng. Tương tự trí: Tương tự = giống y với, chẳng khác. Tương tự trí là trí đã thông hiểu rõ ba mươi bảy phẩm trợ đạo Bồ-đề (Các Phẩm sau của bộ Luận sẽ chỉ rõ 37 phẩm trợ đạo). Đạo trí: Đạo = ở đây chữ Đạo có nghiã là con đường tu hành để đắc được bốn quả hàng Thanh văn (tức là Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán). Chữ Đạo nầy được dùng trong chữ đạo quả (đạo = magga, quả = phala). Như thế, Đạo trí là trí biết rõ và thực hành theo đúng đường lối tu hành hàng Thanh văn (Pàli: Sàvaka, tu sĩ nghe Kinh Phật dạy để tu.) Độn căn: Độn = trì độn, chậm lụt; Căn = gốc, tức là vốn liếng hiểu biết. Người độn căn là người có căn cơ chậm lụt, thông minh kém cỏi. Lợi căn: Lợi = sắc bén. Lợi căn nói đến người thông minh nhiều, hiểu nhanh các điều được chỉ dạy. Khả học: Khả = có thể, nên phải. Điều khả học là điều phải nên học hỏi thêm. Như thị học: Như thị = như thế, nghiã là, như thế nào thì thấy và hiểu đúng như thế ấy, theo đúng Chơn lý. Như thị học là cái học về Chơn lý. Hữu học và Vô học: Đây là nói về hai hạng người. Người hữu học là người còn nhiều điều phải học thêm; ý muốn nói chưa biết cách diệt trừ các phiền não. Còn người vô học, chẳng phải là người chẳng học gì ráo, vì đó là người thất học, chớ chẳng phải là người vô học. Vô học là học xong và thực hành đầy đủ việc diệt trừ các phiền não, nên chẳng điều gì phải học thêm nữa. Như thế, hữu học còn thấp hơn vô học. Thanh tịnh:Thanh = trong, chẳng đục; Tịnh = sạch sẽ. Giới thanh tịnh là giữ gìn giới luật chặt chẽ chẳng sơ hở, chẳng hề phạm giới. Tâm thanh tịnh là lòng trong sạch, chẳng vướng bận ý nghĩ xấu ác, chẳng có vọng tưởng. Huệ thanh tịnh là trí sáng suốt chẳng bị các tà kiến che mờ, khiến cho Trí huệ Bát-nhã chiếu sáng lên, vẹt được sự vô minh (= sự ngu tối). Tẩy trừ: gột rửa cho sạch, dẹp bỏ chỗ dơ xấu. Cấu nhiễm: Cấu = cặn cáu dơ bẩn; Nhiễm = dính dơ Triền cấu: Xin xem lại chữ Triền cái. Vô tri cấu: Vô tri = chẳng biết; Cấu là cặn bã dơ dáy. Vô tri cấu tức là sự ngu dốt, thiếu sự hiểu biết. Ác nghiệp: Nghiệp ác là vì các hành động xấu ác đã qua khiến phải sanh vào ba đường dữ (= tam ác đạo: điạ ngục, ngạ qủi [ = qủi đói] và súc sanh [ = thú vật].) Ba điều lành: Nguyên văn chữ Hán là tam chủng Thiện, ba loại thiện. Ở đây có nghiã là việc tu tập theo Giải thoát đạo qua ba giai đoạn tạo thành ba điều lành; đúng ra đó là một điều lành trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là Sơ thiện, khi giữ Giới được thanh tịnh; giai đoạn giữa được gọi là Trung thiện, khi tâm đắc được Định, ý nghĩ dừng lại, chẳng còn lăng xăng nữa và nhờ đó đến giai đoạn chót, gọi là Hậu thiện, Trí Huệ chiếu sáng lên dẹp xong các tà kiến, khiến cho tri kiến được thanh tịnh, lià xa các ham muốn mà được giải thoát. Chữ Thiện, trong Hán văn, còn có nghiã là khéo léo, cho nên Kinh sách thường nói, lời giảng pháp của Đức Phật đều được sơ thiện, trung thiện và hậu thiện, có nghiã là Ngài khéo nói ở đoạn đầu, khéo nói ở đoạn giữa, và cũng khéo nói ở đoạn cuối. Vô quá lạc: Vô = chẳng có; Quá = lỗi lầm, quá thất; Lạc = vui. Vô quá lạc là niềm vui trong lòng khi nhận thấy và biết mình chẳng có lỗi lầm chi cả. Tịch diệt lạc:Tịch = yên lặng, lặng lẽ; Diệt = tiêu mất. Tịch diệt lạc là niềm vui thấy thân tâm được an ổn, nhẹ nhàng, như đang trong cõi tịch diệt (= yên lặng) của Niết-bàn. Chánh giác lạc: Chánh giác = sự giác ngộ chơn chánh, tức là hiểu và áp dụng đúng theo Chánh pháp và chứng đắc được. Chánh giác lạc là niệm vui được giác ngộ, hiểu theo nghiã biết rõ cả Chơn lý. Trung Đạo: Trung = ở giữa. Đạo = con đường, đường lối. Trung Đạo là con đường tu tập mà Đức Phật đã vạch ra trong Bát Chánh Đạo, theo đó người tu hành tránh xa hai cực đoan: (1) tham lợi dưỡng, ham hưởng thú vui vật chất, và (2) khổ hạnh, tu hành ép xác cực khổ, tưởng rằng nhờ đó mà mau đắc quả. Hai cực đoan, lợi dưỡng và khổ hạnh, còn được gọi là nhị biên. [ Đừng lầm với Đạo Trung dung của Nho giáo]. Nhị biên: Nhị = hai; Biên = biên giới; Nhị biên thường được dịch là hai bên; còn ở giữa chính là con đường Trung Đạo, tránh được hai bên. Nhưng chữ nhị biên, hai bên còn có nghiã khác, chỉ cho hai tà kiến trái ngược hẳn nhau: thường kiến và đoạn kiến. Chống lại vô thường kiến (tư tưởng Phật học cho rằng muôn sự đều biến đổi để đi đến hoại vong), thường kiến là ý kiến tin rằng chẳng có sự thay đổi, hễ đã là người rồi thì chết đi, lại sanh ra làm người nữa. Còn đoạn kiến thì cho rằng chết đi là hết, chẳng có Luân hồi sanh tử chi cả. Cả hai tà kiến đoạn kiến và thường kiến khi tu theo đạo Tu-đà-huờn thì dẹp được hết, cùng với thân kiến (= chấp thân nầy là Ta). 004. Suy gẫm về Phẩm 1: Nhân duyên của bộ Luận Giải thoát đạo nầy. Sau khi đọc kỹ bản dịch Việt văn về Phẩm 1, tìm hiểu nghiã chữ khó và sắp xếp ý tưởng trình bày trong Phẩm thành một dàn bài chi tiết, ta bắt đầu suy gẫm về Phẩm 1 nầy. Suy gẫm về ý nghiã của một bài văn là tìm hiểu hứng thú của bài văn đó. Suy gẫm về ý nghiã của một bản Kinh, hay một bản Luận, là tìm thấy, qua sự suy nghĩ của chính mình, nghiã lý đã được bản Kinh, Luận nói đến và rút ra bài học cho chính bản thân mình, để ứng dụng tu tập. Như thế, việc đọc Kinh, Luận chẳng giống với việc đọc các bài văn thơ, là ở chỗ tìm thấy ra ích lợi thiết thực trong việc tu tập. Biết rút ra được một vài điều có ích cho việc tu tập, đó là đang nếm pháp vị của bản Kinh hay bản Luận. Nhắc lại lời Đức Phật có nói, như nước biển chỉ có một mùi vị là mặn, Chánh pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Như thế, việc đọc tụng một bản Kinh chưa đủ, việc học thuộc lòng một bản Kinh vẫn chưa đủ, việc tìm hiểu ý nghiã của bản Kinh cũng vẫn chưa đủ, còn phải biết cách tự mình suy gẫm để nếm pháp vị của bản Kinh, Luận đó nữa. Suy gẫm về "Phẩm 1: Nhân duyên" nầy, xin nêu ra các ý nghĩ cá nhơn thô thiển sau đây: 1) Toàn thể bộ Luận đều nói đến sự giải thoát; Phẩm 1 đưa ra các lý do tại sao phải tìm đường giải thoát và giải thoát bằng cách nào. Luận văn ghi rõ: "... muốn cởi được mọi ràng buộc, muốn thành tựu tâm trí ưu thắng dứt sợ hãi về sanh, già, chết, muốn vui giải thoát đạt tới Niết-bàn ..." ba điểm giải thoát, một gần và hai xa. Gần là cởi mọi ràng buộc; xa là có được tâm trí ưu thắng dứt sợ hãi về sống chết, và đạt tới Niết-bàn. Ngay trong lúc nầy, tưởng chỉ nên chú trọng đến một điểm gần mà thôi, để chấm dứt mọi ràng buộc. Đến khi tu tập có tiến bộ, tự nhiên sẽ thấy hai điểm xa tuy khó mà cũng có thể hi vọng thành tựu được ít nhiều. 2) Thắc mắc thứ nhứt: nào ai trói buộc tôi mà gọi là tôi bị ràng buộc? Đáp: Sự ràng buộc nằm bên trong mỗi người. Khi giận, thì có hành động, lời nói như thế nào? Phải chăng giận run lên, đỏ mặt tiá tai, miệng quát tháo, tay đập phá. Đó là tâm giận đã sai khiến mình có thái độ, lời nói và hành động thiếu mất bình tỉnh như vậy. Tâm giận đó nằm bên trong lòng mình, được Kinh sách gọi là một kết sử, cái sự ràng buộc sai khiến mình có tư cách thiếu đúng đắn. Thử nhìn vào trong lòng mình, thật thà mà xét đến thái độ của chính mình, thì thấy ra chính mình đang bị ràng buộc bởi mười kết sử. Việc gần cần làm ngay là phải tìm cách, và áp dụng cách đó, để ngăn chặn các mối ràng buộc ấy. Đấy là đang tu tập theo Phục giải thoát được nói trong Luận văn. Phục, có nghiã là điều phục, là chính mình làm chủ lấy tâm mình, khiến cho cơn giận chóng qua đi mà chẳng gây ra tai hại cho kẻ khác và cho cả chính mình nữa (Khi giận, thân tâm chẳng vui sướng gì đâu!).3) Thắc mắc thứ hai: Có người sanh ra trên nhung lụa, sống sung sướng cả đời, bị khổ gì đâu mà cần giải thoát? Đáp: Bất luận l à ai, giàu sang, quyền thế mấy đi nữa, cũng có lúc đau ốm, và chắc chắn rồi sẽ lo sợ khi phải chết. Đã có thân tâm nầy, tất chẳng ai tránh được sự lo lắng về bịnh tật, già yếu và chết chóc. Phương tiện y khoa có thể trị lành bịnh, kéo dài cuộc sống được, nhưng sự lo lắng khi bịnh, lúc già, cảnh chết, chẳng có cách nào làm cho dứt hẳn được. Nhưng Kinh Luận Phật học dạy cách làm cho tâm chẳng quá lo lắng về ba cái khổ đó. Dạy cách nào? Bộ Luận Giải thoát đạo nầy sẽ lần lượt chỉ rõ cách khiến cho tâm trí sẵn sàng đối phó với cái khổ tinh thần đó: trên cái đau về thân xác, chẳng chồng thêm lên cái khổ tâm linh. Khi đã học đến làm thế nào để có được tâm trí ưu thắng dứt sợ hãi, sẽ thấy bộ Luận nầy dạy ta cách thực tế nhứt để vượt qua được việc "đau và khổ" đó.4) Thắc mắc thứ ba: đọc qua Phẩm 1, thấy nói đến năm phần giải thoát, sao chỉ thấy giảng rộng về Phục giải thoát thôi, còn các thứ giải thoát khác chẳng thấy nói đến? Đáp: Dụng ý của tác giả là nói đến việc gần trước, rồi các Phẩm sau sẽ khai triển thêm về các giai đoạn giải thoát khác. Vả lại, khi đã điều phục được thân tâm nầy, diệt xong các kết sử, các phiền não khác, tự nhiên tâm trí sáng suốt hơn mà nhìn thấy rõ con đường giải thoát ở mức trọn vẹn như thế nào, và cần còn phải làm những gì thêm nữa, sau khi đã tu tập kỹ về Phục giải thoát. 5) Thắc mắc thứ tư: Vừa đọc qua mấy trang đầu trong Phẩm 1, tôi bị tràn ngập bởi các danh từ chuyên môn về Phật học, làm sao mà nhớ được chừng ấy chữ, chừng ấy ý, để ứng dụng tu hành? Đáp: Các danh từ Phật học đ ã được giải thích một cách rất tóm tắt trong Phần Tìm hiểu. Nếu đi sâu vào chi tiết các danh từ nầy, chắc sự tràn ngập còn lên cao hơn nữa. Trong buổi đầu, xin tạm nhớ chừng ấy, hay ít hơn cũng được; miễn là mỗi khi thấy còn thắc mắc thì giở ra xem lại. Nhờ xem lại thường mà chẳng cần học thuộc lòng, cũng nhớ đúng được.Một điều quan trọng xin nêu lên: trong khi học Kinh sách Phật, xin đừng để các danh từ làm mình rối trí thêm, vấn đề chánh là tìm hiểu được ý chánh nói trong đoạn đang đọc. Ý nghiã mới quan trọng, giúp mình biết cách ứng dụng, xin đừng bắt chước những người thường hay dùng các tiếng dao to búa lớn, nói nhiều tiếng Hán Việt cho ra vẻ ... tu hành! Ngâm nga một bài Kệ mà chẳng hiểu ý nghiã, phải chăng đó là một hình thức để ... khoe khoang mình biết nhiều về Kinh kệ, rằng mình đã tu ... cao! Nếu muốn học thuộc các bài Kệ, xin cứ học thuộc, sẽ được nhiều phước lạc, nhưng xin nhớ giữ lấy ý nghiã để mà tu cho có công đức: tu cho chính mình! 005. Thử tóm tắt những điều cần nên hiểu rõ và biết chắc về Phẩm 1: Nhân duyên. 1. Giải thoát là gì? Giải thoát là cởi mở các ràng buộc từ bên trong. 2. Phục giải thoát là điều phục thân tâm nầy, từ từ dẹp bớt các phiền não, các kết sử. 3. Con đường giải thoát là tu hành theo ba môn học: Giới, Định và Huệ. Nhờ giữ kỹ Giới thành kỷ luật nghiêm khắc để tuân theo khiến cho thân tâm được an lạc, rồi nhờ siêng tập Định bằng cách ngồi Thiền, tâm trí mới trở nên sáng suốt hơn trước, đó là Huệ. Trí huệ sáng suốt giúp ta giác ngộ được Chánh pháp, để ứng dụng tu hành sớm đạt đến giải thoát. Và xin nói thêm một điều thật quan trọng. Đó là Đạo Phật được tóm gọn trong mấy chữ nầy: Giác ngộ và Giải thoát. -ooOoo-
Ðầu trang |
Mục lục |
Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 16-01-2004