Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 11 đến phẩm 13 »»

Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 11 đến phẩm 13

Donate

Anguttara Nikāya

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 11.42 MB - Thời gian phát: 01 giờ,06 phút 30 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

XI. Phẩm Chánh Giác
101.- Trước Khi Giác Ngộ
1. - Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, ta suy nghĩ như sau: "Cái gì là vị ngọt ở đời? Cái gì là nguy hại, cái gì là xuất ly?". Rồi này các Tỷ-kheo, về vấn đề ấy, tư tưởng sau đây khởi lên nơi ta: "Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt ở đời. Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời. Ðiều phục dục tham ở đời, đoạn tận tham dục, đấy là xuất ly ở đời".
2. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi ta: "Bất động là tâm giải thoát của ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa".
3. Này các Tỷ-kheo, ta đã đi tìm cầu vị ngọt ở đời. Vị ngọt ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, vị ngọt có mặt ở đời, với trí tuệ ta khéo thấy vị ấy ngọt. Này các Tỷ-kheo, ta đã tìm cầu nguy hại ở đời. Nguy hại ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, nguy hại có mặt ở đời, với trí tuệ ta, ta khéo thấy nguy hại ấy, này các Tỷ-kheo ta đã tìm cầu xuất ly ở đời. Xuất ly ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, xuất ly có mặt ở đời, với trí tuệ ta, ta khéo thấy xuất ly ấy.
4. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng chánh đẳng giác, cùng với thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi ta: "Bất động là tâm giải thoát của ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa".
102.- Vị Ngọt.
1. - Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở đời, thời các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt ở đời, nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có nguy hại ở đời, thời các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có nguy hại ở đời, nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có xuất ly đối với đời, nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời.
Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình không có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết là vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta không được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, không được công nhận là các Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại không có chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.
Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, được công nhận là các Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại sẽ có chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.
103.- Khóc Than
- Này các Tỷ-kheo, đây được xem là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là múa nhảy. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là trẻ con trong giới luật bậc Thánh, tức là cười quá đáng để lộ cả răng. Do luật này, này các Tỷ-kheo, hãy phá cây cầu đi đến hát. Hãy phá cây cầu đi đến múa nhảy. Thật là vừa đủ nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để tỏ là các Thầy được hoan hỷ.
104.- Không Thỏa Mãn
- Này các Tỷ-kheo, hưởng thọ ba sự ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba?
Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men rượu nấu, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ sự dâm dục giao hợp, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn.
105.- Nóc Nhọn (1)
Rồi gia chủ Anathapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; Thế Tôn nói với gia chủ Anathapindika đang ngồi xuống một bên:
- Này gia chủ, khi tâm không phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp cũng không phòng hộ, ý nghiệp cũng không phòng hộ. Với ai thân nghiệp không phòng hộ, khẩu nghiệp không phòng hộ, ý nghiệp không phòng hộ, thời thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; Với ai thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp ... ý nghiệp bị hủ bại. Với ai thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp ... ý nghiệp bị hủ bại, sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.
Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn vụng lợp, thời nóc nhọn không được phòng hộ, rui kèo không được phòng hộ, vách tường không được phòng hộ; nóc nhọn bị đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo bị đầy ứ rỉ nước, các vách tường bị đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn bị hủ bại, rui kèo bị hủ bại, vách tường bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm không được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không được phòng hộ, khẩu nghiệp ... ý nghiệp ... sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.
Này gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp ... ý nghiệp cũng được phòng hộ. Với ai thân nghiệp được phòng hộ, khẩu nghiệp được phòng hộ, ý nghiệp được phòng hộ, thời thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy; Với ai thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp ... ý nghiệp không bị hủ bại. Với ai thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp ... ý nghiệp không bị hủ bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện ...
Này gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn khéo lợp, thời nóc nhọn được phòng hộ, rui kèo được phòng hộ, vách tường được phòng hộ; nóc nhọn không đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo không đầy ứ, rỉ nước, các vách tường không đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn không bị hủ bại, rui kèo không bị hủ bại, vách tường không bị hủ bại. Cũng vậy, này gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp ... ý nghiệp không bị hủ bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện.
106.- Nóc Nhọn (2)
(Kinh này hoàn toàn giống như kinh trên, chỉ khác có một chữ. Chỗ nào kinh trên dùng chữ "không phòng hộ", thời ở đây dùng chữ "thất thế, lung lay" với những thay đổi cần thiết).
107.- Ba Nhân Duyên (1)
- Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, do tham làm nhân duyên, do tham tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Phàm nghiệp nào do sân tác thành ... Phàm nghiệp nào do si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, do si làm nhân duyên, do si tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
108.- Ba Nhân Duyên (2)
- Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Vô tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do vô tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô tham, do vô tham làm nhân duyên, do vô tham tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Phàm nghiệp nào do vô sân tác thành ... Phàm nghiệp nào do vô si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô si, do vô si làm nhân duyên, do vô si tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
109.- Nhân Duyên (3)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; ước muốn khởi lên.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn khởi lên?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn sanh khởi.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi ?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn khởi sanh?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn khởi sanh. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn sanh khởi.
110. Nhân Duyên (4)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; ước muốn không khởi sanh. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; ước muốn không khởi sanh. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; ước muốn không sanh khởi.
2. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, vị ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi.
3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, người ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, người ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ ý xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi.
XII. Phẩm Ðọa Xứ
111.- Rơi Vào Ðọa Xứ
- Này các Tỷ-kheo, ba hạng người này rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ phi họ đoạn bỏ pháp này. Thế nào là ba?
Ai sống không Phạm hạnh, tự xưng là có sống Phạm hạnh; đối với người sống Phạm hạnh thanh tịnh, hành Phạm hạnh thật thanh tịnh, ai công kích là không Phạm hạnh một cách không căn cứ; ai chủ trương như sau: "Không có lỗi lầm trong các dục vọng" và rơi vào say đắm trong các dục vọng; những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người rơi vào trong đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ phi họ đoạn bỏ pháp này.
112.- Khó Tìm Ðược
- Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, khó tìm được ở đời. Người có thể thuyết pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người tri ân, người biết ơn, khó tìm được ở đời.
Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời.
113. Không Thể Ước Lượng
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Dễ ước lượng, khó ước lượng và không thể ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người dễ ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người dễ ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là người khó ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm lắm miệng, không lắm lời, trú niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, các căn được bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người khó ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là người không thể ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người không thể ước lượng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
114.- Không Vô Biên Xứ
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, chấm dứt đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, xem "hư không là vô biên", đạt đến an trú vào Không vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên đã đạt đến Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Không vô biên xứ là hai mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Ðây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
2. Lại nữa, này các Tỷ Kheo, ở đây có người vượt qua Không vô biên xứ, xem "thức là vô biên", đạt đến an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên đã đạt Thức vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Thức vô biên xứ là bốn mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Ðây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
3. Lại nữa, này các Tỷ kheo, ở đây có người vượt qua Thức vô biên xứ, xem "không có gì cả", đạt đến an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên đã đạt Vô sở hữu xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Vô sở hữu xứ là sáu mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho đến hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loại bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Ðây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
115.- Khiếm Khuyết Và Viên Mãn.
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba sự khiếm khuyết này. Thế nào là ba? Khiếm khuyết về giới, khiếm khuyết về tâm, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về giới?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về giới.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về tâm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tham lam, với tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về tâm.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về tri kiến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có tà kiến, có tri kiến điên đảo: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có cúng tế, không có quả dị thục trong các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, ở đời không có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí, giác ngộ và truyền dạy lại cho đời này, đời sau". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về tri kiến.
4. Do nhân khiếm khuyết về giới, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tâm, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tri kiến, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba khiếm khuyết.
5. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về giới, viên mãn về tâm, viên mãn về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về giới?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về giới.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tâm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không tham lam, không có tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về tâm.
7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tri kiến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có chánh kiến, không có tri kiến điên đảo: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có cúng tế, có quả dị thục trong các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, ở đời có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí, giác ngộ và truyền dạy lại cho đời này, đời sau". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về tri kiến.
8. Do nhân viên mãn về giới, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tâm, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tri kiến, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba viên mãn.
116.- Chính Xác.
1.- Này các Tỷ kheo, có ba khiếm khuyết này, thế nào là ba ?
Khiếm khuyết về giới, khiếm khuyết về tâm, khiếm khuyết về tri kiến... (Giống như kinh 115, 1-4).
2.- Ví như, này các Tỷ Kheo, một hột súc sắc chính xác, nếu được liệng về mặt trên, được nằm về mặt ấy, được nằm khéo đặt. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, do nhân khiếm khuyết về giới, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục..... Do nhân khiếm khuyết về tâm,....Do nhân khiếm khuyết về tri kiến...... này các Tỷ-kheo, ... sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục . Các pháp này, này các Tỷ kheo, là ba khuyết điểm.
3.- Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về giới, viên mãn về tâm, viên mãn về tri kiến. .... (Như kinh 115, 5-8).
4.- Ví như, này các Tỷ Kheo, một hột súc sắc chính xác, nếu được liệng về mặt trên, được nằm về mặt ấy, được nằm khéo đặt. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, do nhân viên mãn về giới.... do nhân viên mãn về tâm .... do nhân viên mãn về tri kiến, này các Tỷ kheo, các loại hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện, cõi trời, cõi đời này. Các pháp này, này các Tỷ kheo, là ba viên mãn.
117.- Hành Ðộng
1 - Này các Tỷ-kheo, có ba khiếm khuyết này. Thế nào là ba? Khiếm khuyết về hành động, khiếm khuyết về sanh kế, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về hành động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người sát sanh ... (như 115.1) nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây là khiếm khuyết về hành động.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về sanh kế?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà sanh kế, nuôi sống bằng tà sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về sanh kế.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về tri kiến? (như kinh 115.3).
4. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về hành động, viên mãn về sanh kế, viên mãn về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về hành động? ... (như kinh 115.5)
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về sanh kế?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh sanh kế, nuôi sống bằng chánh sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về sanh kế.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tri kiến? ... (như kinh 115.7)
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba viên mãn.
118.- Thanh Tịnh (1)
- Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
Thế nào là thân thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có tham lam, với tâm không sân không hận, có chánh tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.
119.- Thanh Tịnh (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này, Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thân thanh tịnh? (như kinh 118, về thân thanh tịnh).
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh? (như kinh 118, về lời nói thanh tịnh).
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, nếu nội tâm có ước muốn về dục, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta có ước muốn về dục". Nếu nội tâm không có ước muốn về dục, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta không có ước muốn về dục". Ước muốn về dục chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Ước muốn về dục đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và ước muốn về dục đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
5. Nếu nội tâm có sân, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta có sân". Nếu nội tâm không có sân, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta không có sân". Sân chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Sân đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và sân đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
6. Nếu tâm có hôn trầm thụy miên, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta có hôn trầm thụy miên". Nếu nội tâm không có hôn trầm thụy miên, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta không có hôn trầm thụy miên". Hôn trầm thụy miên chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Hôn trầm thụy miên đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và hôn trầm thụy miên đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
7. Nếu tâm có trạo hối, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta có trạo hối". Nếu nội tâm không có trạo hối, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta không có trạo hối". Trạo hối chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Trạo hối đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và trạo hối đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
8. Nếu tâm có nghi, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta có nghi". Nếu nội tâm không có nghi, vị ấy rõ biết: "Nội tâm ta không có nghi". Nghi chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Nghi đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và nghi đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.
9.
Thân và lời thanh tịnh
Tâm thanh tịnh vô lậu
Trong sạch được thanh tịnh
Ðược gọi ác đoạn trừ.
120.- Toàn Hảo.
- Này các Tỷ-kheo, có ba sự toàn hảo. Thế nào là ba? Toàn hảo về thân, toàn hảo về lời nói, toàn hảo về ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về thân? ... (như kinh 118)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về lời nói? ... (như kinh 118)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn trừ có lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba toàn hảo.
Thân và lời toàn hảo,
Tâm toàn hảo vô lậu,
Toàn hảo, được toàn hảo
Ðược gọi đoạn tất cả.
XIII. Phẩm Kusinàra
121. Tại Kusinàra
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại khóm rừng Bariharana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay con người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị ấy suy nghĩ: "Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm! "Rồi vị ấy suy nghĩ như sau: "Mong rằng người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!". Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, tham dính say đắm, đam trước, không thấy sự nguy hại, không thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về dục, khởi lên sự suy tầm về sân, khởi lên sự suy tầm về hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy không có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống phóng dật.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi một gia chủ hay con người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay con người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị ấy không có suy nghĩ: "Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!". Rồi vị ấy không suy nghĩ như sau: "Mong rằng người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!". Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, không tham dính, không say đắm, không đam trước, thấy được sự nguy hại, thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về viễn ly, khởi lên sự suy tầm về vô sân, khởi lên sự suy tầm về vô hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không sống phóng dật.
122.- Tranh Luận
- Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp và đã làm quá nhiều ba pháp".
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã làm quá nhiều.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này".
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này".
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: "Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này".
123.- Ðiện Thờ Gotama
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại điện thờ Gotama. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thắng trí, không phải với không thắng trí. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông. Này các Tỷ-kheo, do vì Ta thuyết pháp có thắng trí, không phải với không thắng trí; do vì Ta thuyết pháp có nhân duyên, không phải không có nhân duyên; do vì Ta thuyết pháp có thần thông, không phải không có thần thông, nên giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm.
Thật là vừa đủ, này các Tỷ-kheo, để các Thầy bằng lòng. Thật là vừa đủ để các Thầy hân hoan. Thật là vừa đủ để các Thầy hoan hỷ, Chánh Ðẳng Giác là Thế Tôn! Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, khéo hành trì là chúng Tăng!
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ lời Thế Tôn giảng. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, một ngàn thế giới đều rung động.
124. Bharandu
1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala và đi đến Kapilavatthu. Họ Thích Mahànàma nghe tin Thế Tôn đã đến Kapilavatthu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang đứng một bên:
- Hãy đi, này Mahànàma và tìm xem ở Kapilavatthu có chỗ nào, tại chỗ ấy, hôm nay chúng ta sẽ trú lại một đêm.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi vào Kapilavatthu, đi khắp toàn vùng Kapilavatthu và không thấy một chỗ nào, Thế Tôn có thể trú một đêm. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, ở Kapilavatthu không có chỗ nào, tại đây, hôm nay Thế Tôn có thể trú một đêm. Nhưng có Bharandu, người Kàlàmà này, trước tu Phạm hạnh với Thế Tôn. Hôm nay, Thế Tôn hãy ở một đêm tại am thất của vị ấy.
- Này Mahànàma, hãy đi và trải một tấm thảm cho ta ở đó.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, trải tấm thảm, đặt nước để rửa chân, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, tấm thảm đã trải, nước để rửa chân đã sẵn sàng, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy làm gì Ngài nghĩ là phải thời!
3. Rồi Thế Tôn đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn rửa chân.
Rồi họ Thích Mahànàma nghĩ như sau: "Nay không phải thời để hầu hạ Thế Tôn. Thế Tôn đang mệt mỏi. Ngày mai ta sẽ đến hầu hạ Thế Tôn". Nghĩ vậy xong bèn đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về ngài rồi đi ra.
Họ Thích Mahànàma, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang ngồi một bên:
4. - Này Mahànàma, có ba vị đạo sư có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, nhưng không trình bày sự biến tri của các sắc, không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, nhưng không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Nhưng ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Này Mahànàma, có ba vị đạo sư này có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba vị này, này Mahànàma, kết luận là một hay là sai khác?
5. Khi được nói như vậy, Bharandu, người Kàlàmà, nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ hai, Brahandu, người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ ba Brahandu, người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
- Này Mahànàma, hãy nói là khác.
6. Rồi Bharandu, người Kàlàmà suy nghĩ như sau: "Trước mặt họ Thích Mahànàma có thế lực lớn này, ta bị Sa-môn Gotama nói trái ngược cho đến lần thứ ba. Vậy ta hãy rời khỏi Kapilavatthu".
Rồi Bharandu người Kàlàmà đi ra khỏi Kapilavatthu, một sự ra đi khỏi Kapilavatthu, không bao giờ có trở lại nữa.
125.- Hatthaka
1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, khu vườn của Anàthapindika.
Rồi Thiên tử Hatthaka, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetanava đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ đứng thẳng trước Thế Tôn", nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không có thể đứng thẳng; ví như thục tô hay dầu đổ trên cát, chìm xuống, lún xuống, không thể giữ lại. Cũng vậy, Thiên tử Hatthaka nghĩ rằng: "Ta sẽ đứng thẳng trước mặt Thế Tôn", nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không thể đứng thẳng.
2. Rồi Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka:
- Này Hatthaka, hãy hóa thành một tự thể thô xấu.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thiên tử Hatthaka vâng đáp Thế Tôn sau khi hóa thành một tự thể thô xấu, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka đang đứng một bên:
- Này Hatthaka, các pháp được diễn tiến trước kia, khi Ông còn làm người, các pháp ấy được diễn tiến hiện nay đối với Ông không?
- Bạch Thế Tôn, các pháp được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay với con. Và bạch Thế Tôn, có các pháp không được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay đối với con. Ví như, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sống, được các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua chúa, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo đoanh vây. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con sống được các Thiên tử đoanh vây. Từ xa, bạch Thế Tôn, các Thiên tử đi đến, nghĩ rằng: "Chúng ta hãy đến nghe pháp từ Thiên tử Hatthaka".
Có ba pháp, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Thế nào là ba?
Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được nghe Diệu pháp, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ được phục vụ hầu hạ chúng Tăng, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ. Con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Con thấy không vừa đủ
Khi được gặp Thế Tôn
Ðược phục vụ chúng Tăng
Ðược lắng nghe Diệu pháp
Học tập tăng thượng giới
Thích thú nghe Diệu pháp
Do đối với ba pháp
Cảm thấy không vừa đủ
Thiên tử Hatthaka
Ðược sanh vô phiền thiên
126.- Thối Nát.
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana vườn Nai
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Thế Tôn, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, gần cây sung, chỗ cột đàn bò, thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Thế Tôn liền nói với vị Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra.
2. Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới như vậy, cảm thấy xúc động mạnh. Rồi Thế Tôn, sau khi đi khất thực ở Ba-la-nại xong, sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, ở đây, sau khi đắp y vào buổi sáng, Ta cầm lấy y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Này các Tỷ-kheo, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, Ta thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Ta liền nói với vị Tỷ-kheo ấy: "Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng: "Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra"".
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được ta giáo giới với lời giáo giới này, cảm thấy xúc động mạnh.
3. Khi nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thối nát cái gì, mùi hôi thối cái gì, các loài ruồi lằng là gì?
- Tham cầu, này các Tỷ-kheo, là thối nát; sân là mùi hôi thối, các suy tầm ác bất thiện là ruồi lằng. Này các Tỷ-kheo, ai làm cho các tự ngã thối nát, đầy ứ, thoát ra mùi hôi thối, rồi mong rằng: "Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không chiếm cứ", sự kiện như vậy không xảy ra.
Tai mắt không giữ gìn
Các căn không phòng hộ
Ruồi lằng sẽ bu đậu
Các tư duy tham ái
Tỷ-kheo làm thối nát
Ðầy ứ những mùi hôi
Xa thay là Niết-bàn!
Chịu phần về bất hạnh
Tại làng hay trong rừng
Tự ngã không an tịnh
Kẻ ngu và không trí
Ði đứng đầy ruồi lằng
Ai đầy đủ giới luật
Thích tịch tịnh trí tuệ
Sống an tịnh hạnh phúc
Mọi ruồi lằng diệt trừ
127. Anuruddha (1)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, con thấy phần lớn các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?
2. - Do đầy đủ ba pháp, này Anuruddha, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba?
Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân vào buổi sáng sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của xan lẫn; vào buổi trưa sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của tật đố; vào buổi chiều sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh cấu uế của dục tham. Do đầy đủ với ba pháp này, này Anuruddha các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
128.- Anuruddha (2)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Tôn giả Sàriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ.
2. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới". Ðây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: "Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm", đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ"; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.
3. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau môt thời gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa.
129.- Che Giấu
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba?
Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ.
2. Này các Tỷ-kheo, ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trời, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu.
130.- Chữ Viết Trên Ðá, Trên Ðất, Trên Nước.
1. - Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đá?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đá.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đất.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên nước?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên nước.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

Hết phần Phẩm 11 đến phẩm 13 (Anguttara Nikāya)

(Lên đầu trang)


Chương Ba Pháp có tổng cộng 5 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.4.50 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...