Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 01 đến phẩm 10 »»

Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 01 đến phẩm 10

Donate

Anguttara Nikāya

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 6.6 MB - Thời gian phát: 38 phút 26 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

I. Phẩm Sắc
1-10 Nữ Sắc v.v...
1. Tôi nghe như vầy.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
2. Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
3-5.Ta không thấy một hương... một vị... một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương... vị... xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
6. Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.
7-10. Ta không thấy một tiếng... một hương... một vị... một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.
II. Phẩm Ðoạn Triền Cái
Những pháp đoạn trừ và nuôi dưỡng năm triền cái.
1-10 Tịnh Tướng v.v...
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng. Ðối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh đưọc sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tâm không được chỉ tịnh. Với người tâm không chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, hay dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, hay dục tham đã sanh được đoạn tận.
7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát. Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ kheo, như tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần tinh tấn, này các Tỷ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn tận
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tâm tịnh chỉ. Người có tâm tịnh chỉ, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận.
III. Phẩm Khó Sử Dụng
1-10 Tâm Không Tu Tập
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại khó sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, này các Tỷ-kheo, khó sử dụng.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại dễ sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, dễ sử dụng.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập, không được làm cho hiển lộ. Tâm không được tu tập, không được làm cho hiển lộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi.
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến ích lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập, được làm cho hiển lộ. Tâm được tu tập, được làm cho hiển lộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
7. Ta không thấy một pháp nào khác đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo như tâm không tu tập, không làm cho sung mãn. Tâm không tu tập, không làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập, được làm sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc.
IV. Phẩm Không Ðiều Phục
1-10 Tâm Không Ðiều Phục
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được hộ trì. Tâm không được hộ trì, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được hộ trì. Tâm được hộ trì, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được phòng hộ. Tâm không được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được phòng hộ. Tâm được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được bảo vệ. Tâm không được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được bảo vệ. Tâm được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ. Tâm không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ. Tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
V. Phẩm Ðặt Hướng và Trong Sáng
1-10 Tâm Ðặt Sai Hướng v.v...
1. Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm bị đặt sai hướng.
2. Này các Tỷ-kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta biết tâm một người là uế nhiễm, Ta rõ biết: "Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy bị rơi vào địa ngục như vậy tương xứng". Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng tâm người ấy uế nhiễm.
Cũng do tâm uế nhiễm làm nhân như vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta biết tâm một người là thanh tịnh, Ta biết rõ: "Nếu trong thời gian này, người này mệnh chung, người ấy được sanh lên Thiên giới như vậy tương xứng". Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì rằng tâm người ấy thanh tịnh.
Cũng do tâm thanh tịnh làm nhân như vậy, này các Tỷ-kheo, một số loài hữu tình ở đời này, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này.
5. Ví như, này các tỷ kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Ví cớ sao? Vì nước bị khuấy đục. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì cớ sao? Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.
6. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Ví sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.
7. Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại cây gì, cây phandana được xem là tối thượng, tức là về nhu nhuyến và dễ sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, lại nhu nhuyễn và dễ sử dụng, như một tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, là nhu nhuyến và dễ sử dụng.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại vận chuyển nhẹ nhàng như tâm. Thật không dễ gì, này các Tỷ-kheo, dùng một ví dụ để diễn tả sự vận chuyển nhẹ nhàng của tâm.
9. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.
10. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào.
VI. Phẩm Búng Ngón Tay
1-10 Tâm Ðược Tu Tập
1. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.
2. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều có được tu tập.
3. Nếu chỉ trong khoảnh khắc búng móng tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo phát từ tâm; vị ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Tỷ-kheo trú Thiền tịnh không có trống không, làm theo lời dạy bậc Ðạo Sư, là người làm theo giáo giới, ăn đồ ăn khất thực của xứ không có uổng phí. Còn nói gì những người làm cho sung mãn từ tâm ấy.
4-5. Nếu chỉ trong khoảnh khắc búng móng tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập từ tâm ... tác ý từ tâm; vị ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Tỷ-kheo trú Thiền tịnh không có trống không, làm theo lời dạy bậc Ðạo Sư, là người làm theo giáo giới, ăn đồ ăn khất thực của xứ không có uổng phí. Còn nói gì những người làm cho sung mãn từ tâm ấy.
6. Phàm những pháp nào, này các Tỷ-kheo, là bất thiện, thuộc thành phần bất thiện, đứng về phía bất thiện, tất cả các pháp ấy đều được ý đi trước. Ý khởi trước các pháp ấy. Các pháp bất thiện theo sau.
7. Phàm những pháp nào, này các Tỷ-kheo, là thiện, thuộc thành phần thiện, đứng về phía thiện, tất cả các pháp ấy đều được ý đi trước. Ý khởi trước các pháp ấy. Các pháp thiện theo sau.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như phóng dật. Với người phóng dật, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như không phóng dật. Với người không phóng dật, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như biếng nhác. Với người biếng nhác, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
VII. Phẩm Tinh Tấn
1-10 Tinh Cần Tinh Tấn
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tinh tấn tinh cần. Với người tinh cần tinh tấn, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như là dục lớn. Với người có dục lớn, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như ít dục. Với người có ít dục, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
4. (Như số 2 ở trên, chỉ thế vào "không biết vừa đủ")...
5. (Như số 3 ở trên, chỉ thế vào "biết vừa đủ")...
6. (Như số 2 ở trên, chỉ thế vào "không như lý tác ý")...
7. (Như số 3 ở trên, chỉ thế vào "như lý tác ý")...
8. (Như số 2 ở trên, chỉ thế vào "không tỉnh giác")...
9. (Như số 3 ở trên, chỉ thế vào "tỉnh giác")...
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với ác. Với người làm bạn với ác, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
VIII. Phẩm Làm Bạn Với Thiện
1-11 Làm Bạn Với Thiện
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với thiện. Với người làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với các pháp bất thiện, và không hệ lụy với các pháp thiện. Do hệ lụy với các pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, do không hệ lụy với các pháp thiện, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với các pháp thiện, không hệ lụy với các pháp bất thiện. Do hệ lụy với các pháp thiện, này các Tỷ-kheo, do không hệ lụy với các pháp bất thiện, nên các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh không sanh khởi, và các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, các giác chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh được sanh khởi và các giác chi đã sanh đi đến tụ tập viên mãn, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ kheo các giác chi chưa sanh được sanh khởi, và các giác chi đã sanh đi đến tu tập viên mãn.
6. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát bà con. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
7. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng bà con. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ.
8. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát tài sản. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
9. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng tài sản, Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ.
10. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát danh tiếng. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
11. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như tăng trưởng danh tiếng. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
IX. Phẩm Phóng Dật
1-16.
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như là phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa đến ích lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như là không phóng dật. Không phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến ích lợi lớn.
3. (Như số 1, chỉ thế vào "như là biếng nhác")....
4. (Như số 2, chỉ thế vào "như là tinh cần tinh tấn")...
5. (Như số 1, chỉ thế vào "như là nhiều dục")...
6. (Như số 2, chỉ thế vào "như là ít dục")...
7. (Như số 1, chỉ thế vào "như là không biết đủ")...
8. (Như số 2, chỉ thế vào "như là biết đủ")...
9. (Như số 1, chỉ thế vào "như là không như lý tác ý")...
10. (Như số 2, chỉ thế vào "như là như lý tác ý")...
11. (Như số 1, chỉ thế vào "như là không tỉnh giác")...
12. (Như số 2, chỉ thế vào "như là tỉnh giác")...
13. (Như số 1, chỉ thế vào "như là làm bạn với ác")...
14. (Như số 2, chỉ thế vào "như là làm bạn với thiện")...
15. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, có thể đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như là hệ lụy với các pháp bất thiện, không hệ lụy với các pháp thiện. Hệ lụy với các pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, không hệ lụy với các pháp thiện, đưa đến bất lợi lớn.
16. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như là hệ lụy với các pháp thiện, không hệ lụy với các pháp bất thiện. Hệ lụy các pháp thiện, này các Tỷ-kheo, không hệ lụy với các pháp bất thiện đưa đến lợi ích lớn.
X. Phẩm Phi Pháp (1)
1-32.
1. Ðứng về phương diện nội phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
2. Ðứng về phương diện nội phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến lợi ích lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như không phóng dật, này các Tỷ-kheo. Không phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
3. (Như số 1 ở trên, chỉ thay vào "biếng nhác")...
4. (Như số 2 ở trên, chỉ thay vào "tinh cần tinh tấn")...
5-12 (Như trên, tuần tự thay vào "dục lớn, ít dục, không biết đủ, biết đủ, không như lý tác ý, như lý tác ý, không tỉnh giác, tỉnh giác")...
13. Ðứng về phương diện ngoại phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với ác. Làm bạn với ác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
14. Ðứng về phương diện ngoại phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến lợi ích lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với thiện. Làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
15. Ðứng về phương diện nội phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến bất lợi lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ lụy với pháp thiện. Hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ lụy với pháp thiện, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn.
16. Ðứng về phương diện nội phần, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một phần nào khác đưa đến lợi ích lớn như vậy, này các Tỷ-kheo, như hệ lụy với các pháp thiện, không hệ lụy với các pháp bất thiện. Hệ lụy với pháp thiện, không hệ lụy với pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn.
17. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp bị lu mờ, biến mất như vậy, này các Tỷ-kheo, như phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp bị lu mờ và biến mất.
18. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp được an trú, không bị lu mờ, không bị biến mất như vậy, này các Tỷ-kheo, như không phóng dật. Không phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không bị lu mờ, không bị biến mất.
19. (Như số 17, chỉ thế vào "biếng nhác")...
20. (Như số 18, chỉ thế vào "tinh cần tinh tấn")...
21-32 (Như trên, chỉ tuần tự thế vào các pháp như sau: "dục lớn, dục ít, không biết vừa đủ, biết vừa đủ, không như lý tác ý, như lý tác ý, không tỉnh giác, tỉnh giác, làm bạn với ác, làm bạn với thiện, hệ lụy với pháp bất thiện, không hệ lụy với pháp thiện, hệ lụy với pháp thiện, không hệ lụy với pháp bất thiện").
Phẩm Phi Pháp (2)
33-42 Phi Pháp
33. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
34. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ pháp là phi pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
35-42. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là luật,... nêu rõ luật là phi luật,... Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, không tuyên bố là Như Lai không nói lên, ... Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, không tuyên bố là Như Lai có nói lên, ... Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành,... Như Lai thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành,... Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt... Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt... Sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
Hết phần Phẩm 01 đến phẩm 10 (Anguttara Nikāya)

(Lên đầu trang)


Chương Một Pháp có tổng cộng 2 phần.
||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Chuyện Phật đời xưa


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Đừng đánh mất tình yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.174.253 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...