Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) »» 104. Kinh Làng Sāma »»

Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) »» 104. Kinh Làng Sāma

Donate

Sāmagāma sutta

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở giữa các vị Sakka (Thích Ca), tại Sāmagāma (Xá-di thôn).

Lúc bấy giờ, Nigaṇṭha Nātaputta vừa mới tạ thế ở Pava. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigaṇṭha chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí miệng lưỡi.

"Ông không biết Pháp và Luật này, ta biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói ta tương ưng, lời nói Ông không tương ưng. Ðiều đáng nói trước, Ông nói sau; điều đáng nói sau, Ông nói trước. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Ông đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được!"

Hình như các đệ tử của Nigaṇṭha Nātaputta muốn tàn hại lẫn nhau. Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigaṇṭha Nātaputta cũng chán ngấy, cơ hiềm, và phản đối (paṭivānarūpā) các Nigaṇṭha, vì pháp luật của họ đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Rồi Sa-di Cunda, sau khi an cư mùa mưa ở Pāvā, đến thăm Tôn giả Ānanda ở Samagama, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ānanda và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Sa-di Cunda bạch Tôn giả Ānanda:

-- Bạch Tôn giả, Nigaṇṭha Nataputtta đã từ trần ở Pava. Sau khi vị này tạ thế, các Nigaṇṭha chia ra làm hai phái... tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ānanda nói với Sa-di Cunda:

-- Này Hiền giả Cunda, đây là vấn đề đáng đưa ra để yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi yết kiến Thế Tôn; sau khi đến, chúng ta hãy trình bày vấn đề này để Thế Tôn biết.

-- Thưa vâng, Tôn giả .

Sa di Cunda vâng lời Tôn giả Ānanda. Rồi Tôn giả Ānanda cùng với Sa di Cunda đi đến yết kiến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Sa di Cunda có nói: "Nigaṇṭha Nātaputta đã từ trần ở Pava. Sau khi vị này từ trần, các vị Nigaṇṭha chia ra làm hai phái... tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ". Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: "Sau khi Thế Tôn nhập diệt, chớ để cho tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng. Tranh luận ấy đưa đến sự bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài người".

-- Này Ānanda, Ông nghĩ thế nào? Những pháp Ta dạy cho các Ông với thượng trí, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ông có thấy chăng, này Ānanda, có hai Tỷ-kheo đối với những pháp này tuyên bố sai khác nhau?

-- Bạch Thế Tôn, những pháp Thế Tôn dạy cho con với thượng trí, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành, con không thấy cho đến hai Tỷ-kheo đối với những pháp này tuyên bố sai khác nhau. Bạch Thế Tôn, và những người nào sống y cứ sùng kính Thế Tôn, những người ấy sau khi Thế Tôn nhập diệt, có thể khởi lên những tranh luận giữa tăng chúng, hoặc về Tăng thượng hoạt mạng, hoặc về Tăng thượng Giới bổn (adhipātimokkha). Tranh luận ấy đem đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người.

-- Là nhỏ nhặt, này Ānanda, là sự tranh luận ấy, tức là tranh luận về Tăng thượng hoạt mạng hay Tăng thượng giới bổn. Này Ānanda, sự tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng về con đường (magga) hay về đường hướng tu hành (paṭipadā), sự tranh luận ấy mới đưa đến bất an cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người.

Này Ānanda, có sáu căn bản tranh chấp này. Thế nào là sáu?

Ở đây, Tỷ-kheo phẫn nộ, sân hận. Này Ānanda, vị Tỷ-kheo nào phẩn nộ, sân hận, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, và sống không viên mãn sự học tập.

Này Ānanda, Tỷ-kheo nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên tranh luận giữa Tăng chúng. Sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người.

Này Ānanda, nếu Ông thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác, ở đây, này Ānanda, Ông phải tinh tấn đoạn trừ ác căn bản tranh luận ấy.

Này Ānanda, nếu Ông không thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác; ở đây, này Ānanda, Ông phải theo một đường hướng để không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy.

Có sự đoạn diệt ác căn bản tranh luận ấy, như vậy mới không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy như vậy.

Lại nữa này Ānanda, vị Tỷ-kheo hiềm hận não hại... tật đố, xan tham... gian manh, xảo trá... ác dục tà kiến... chấp thủ thế trí, cố chấp, khó thuyết phục. Này Ānanda, Tỷ-kheo nào chấp thủ thế trí, cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập.

Này Ānanda, vị Tỷ-kheo nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên sự tranh luận giữa Tăng chúng. Sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người,

này Ānanda, nếu Ông thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác, ở đây, này Ānanda, Ông phải tinh tấn đoạn trừ ác căn bản tranh luận ấy.


Này Ānanda, nếu Ông không thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa người khác, ở đây, này Ānanda, Ông phải theo một đường hướng để không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy.

Có sự đoạn diệt ác căn bản tranh luận ấy, như vậy mới không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận như vậy. Những pháp này, này Ānanda, là sáu căn bản tranh chấp.

Này Ānanda, có bốn tránh sự này. Thế nào là bốn? Tránh sự khởi lên do tranh luận, tránh sự khởi lên do chỉ trích, tránh sự khởi lên do phạm giới tội, tránh sự khởi lên do trách nhiệm (kiccādhikaraṇaṃ: Hành tránh sự). Những pháp này, này Ānanda, là bốn tránh sự.

Nhưng này Ānanda, có bảy diệt tránh pháp này để giải quyết diệt trừ các tránh pháp thỉnh thoảng khởi lên:

phán quyết với sự hiện diện cần được ban cho (sammukhāvinayo dātabbo: Ưng dữ hiện tiền Tỳ-ni),

phán quyết ức niệm cần được ban cho (sativinaya dātabbo: Ưng dữ ức niệm Tỳ-ni),


phán quyết bất si cần được ban cho (amūḹhavinayo dātabbo: ưng dữ bất si tỳ-ni),

quyết định tùy theo thú nhận (paṭiññāya kāretabbaṃ),


quyết định đa số (yebhuyyasikā: đa nhân mích tội),

quyết định tùy theo giới tội người phạm (tassa pāpiyyasikā),


trải cỏ che lấp (tiṇavatthārako: Như thảo phú địa).

Này Ānanda, thế nào là phán quyết với sự hiện diện cần được ban cho?

Ở đây, này Ānanda, các Tỷ-kheo tranh chấp nhau: "Ðây là pháp, hay đây là phi pháp, hay đây là luật, hay đây là phi luật". Này Ānanda, tất cả các Tỷ-kheo ấy phải tập hợp hòa hợp với nhau, sau khi tập hợp, pháp quy chế (dhammanetti) phải được thảo luận, phân tích.

Sau khi pháp quy chế được thảo luận, phân tích, ở đây, làm thế nào để đồng nhất đạt được, như vậy, tránh sự phải được giải quyết. Như vậy, này Ānanda, là phán quyết với sự hiện diện; và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là dùng phán quyết với sự hiện diện.

Và này Ānanda, thế nào là quyết định đa số (yebbuyyasikā)?

Này Ānanda, nếu các Tỷ-kheo kia không có thể giải quyết tránh ấy tại trú xứ ấy, thời này Ānanda, các vị Tỷ-kheo kia cần phải đi đến chỗ trú xứ có nhiều Tỷ-kheo hơn, tại đấy tất cả các Tỷ-kheo phải hòa đồng tập hợp lại; sau khi tập hợp, pháp quy chế (dhammanetti) phải được thảo luận, phân tích.

Sau khi pháp quy chế được thảo luận, phân tích, ở đây làm thế nào, để đồng nhất đạt được như vậy, tránh sự phải được giải quyết. Như vậy, này Ānanda, là sự giải quyết một số tránh sự tức là dùng sự quyết định đa số.

Và này Ānanda, thế nào phán quyết ức niệm?

Ở đây, này Ānanda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di (Pārājika), nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di".

Như vậy, này Ānanda, một phán quyết ức niệm cần phải cho Tỷ-kheo ấy. Như vậy, này Ānanda, là phán quyết ức niệm. Như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là nhờ phán quyết ức niệm.

Và này Ānanda, thế nào là phán quyết bất si?

Ở đây, này Ānanda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di".

Tỷ-kheo ấy bị các vị Tỷ-kheo kia dồn ép phải thú nhận: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả có nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Này Chư Hiền, tôi đã bị cuồng si, tâm trí tôi điên đảo; do tôi cuồng si như vậy, nhiều việc đã được tôi làm, tôi nói không xứng Sa-môn hạnh. Vì bị cuồng si, tôi không nhớ đã làm như vậy".

Này Ānanda, phán quyết bất si cần phải cho Tỷ-kheo ấy. Như vậy, này Ānanda, là phán quyết bất si. Và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh pháp, tức là nhờ phán quyết bất si.

Và này Ānanda, thế nào là quyết định tùy theo thú nhận?

Ở đây, này Ānanda, bị buộc tội hay không bị buộc tội, Tỷ-kheo nhớ một giới tội, tỏ lộ, trình bày. Tỷ-kheo ấy phải đến một Tỷ-kheo lớn tuổi hơn, đắp y phía một bên vai, đảnh lễ chân vị ấy, ngồi gối hai chân, chấp tay và nói như sau: "Bạch Tôn giả, tôi có phạm giới tội tên như thế này, nay xin sám hối". Tỷ-kheo kia nói như sau: "Ông có thấy chăng?"- "Tôi có thấy" -- "Ông có gìn giữ trong tương lai không?" -- "Tôi sẽ gìn giữ".

Như vậy, này Ānanda, là quyết định tùy theo thú nhận, như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là nhờ quyết định tùy theo thú nhận.

Và này Ānanda, thế nào là quyết định tùy theo giới tội người phạm?

Ở đây, này Ānanda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di, nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di".

Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo kia dồn ép phải tỏ lộ ra: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả có nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không có nhớ tôi có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di. Chư Hiền, tôi nhớ tôi có phạm khinh tội như thế này".

Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo kia dồn ép phải tỏ lộ: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di hoặc gần Ba-la-di?"

Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, dầu không ai hỏi tội, tôi sẽ thú nhận có phạm khinh tội như thế này, làm sao tôi có thể, khi có người hỏi tôi, lại không thú nhận có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba la di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị kia nói như sau: "Này Hiền giả, dầu Ông có phạm khinh tội này, nếu không hỏi, Ông sẽ không thú nhận, làm sao khi đã phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di, nếu có hỏi, Ông lại có thể thú nhận?

Tôn giả hãy biết rõ ràng, nếu Tôn giả nhớ có phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi nhớ, tôi có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di.

Ðiều tôi đã nói như vậy, là nói chơi, điều tôi đã nói như vậy là để cười (rava). Tôi không có nhớ tôi đã phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di".

Như vậy, này Ānanda, là quyết định tùy theo giới tội người phạm. Và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh tội, tức là nhờ quyết định tùy theo giới tội người phạm.

Và này Ānanda, thế nào là trải cỏ che lấp?

Ở đây, này Ānanda, một số Tỷ-kheo sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, có nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh.

Tất cả các Tỷ-kheo ấy phải tập hợp hòa đồng với nhau. Sau khi tập hợp, một Tỷ-kheo thông minh có kinh nghiệm hơn của một phe nhóm Tỷ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chắp tay, bạch Tăng chúng, nói rằng:

"Chư Tôn giả, Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Nếu Tăng chúng xem là phải thời, tôi xin tỏ lộ bất cứ giới tội nào của các Tôn giả này và bất cứ giới tội nào của tôi. Vì lợi ích cho chư Tôn giả và cũng vì lợi ích cho tự thân, tôi xin tỏ lộ giữa Tăng chúng, như lấy cỏ trải ra, trừ các trọng tội, trừ tội liên hệ đến cư sĩ".

Rồi một vị Tỷ-kheo thông minh, kinh nghiệm của nhóm Tỷ-kheo khác, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chấp tay bạch Tăng chúng, nói rằng:

"Chư Tôn giả, Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Nếu Tăng chúng xem là phải thời, tôi xin tỏ lộ bất cứ giới tội nào của các Tôn giả này và bất cứ giới tội nào của tôi. Vì lợi ích cho chư Tôn giả và cũng vì lợi ích cho tự thân, tôi xin tỏ lộ giữa Tăng chúng, như lấy cỏ trải ra, trừ các trọng tội, trừ tội liên hệ đến cư sĩ".

Như vậy, này Ānanda, là trải cỏ che lấp, và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh pháp, tức là nhờ trải cỏ che lấp.

Này Ānanda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu?

Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ khẩu nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú từ ý nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ānanda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, Tỷ-kheo là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, Tỷ-kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất.

Này Ānanda, sáu pháp khả niệm này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất.

Này Ānanda, nếu Ông thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm này, thời này Ānanda, Ông thấy có những cách nói nào, hoặc tế hoặc thô, khiến Ông không có thể kham nhẫn?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Do vậy, này Ānanda, hãy thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm này, như vậy sẽ đưa đến cho Ông an lạc và hạnh phúc lâu dài.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hết phần 104. Kinh Làng Sāma (Sāmagāma sutta)

(Lên đầu trang)


Tập 3 có tổng cộng 52 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hai Gốc Cây


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Vầng sáng từ phương Đông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.84.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...