Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
(Download file MP3 - 6.13 MB - Thời gian phát: 35 phút 41 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
V. Phẩm Hoa
I. Dòng Sông (Tạp 10, Ðại 2,70a) (S.iii,137)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông từ núi cao chảy xuống, từ xa chảy đến, dòng nước chảy xiết. Trên hai bờ con sông ấy, nếu cỏ lau kàsà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ kàsà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại lau babbakjà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ bìranà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cây mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống.
4) Và một người bị dòng nước của con sông ấy cuốn trôi, nếu người ấy nắm lấy cỏ lau kàsà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại cỏ kàsà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại lau babbakjà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy các loại cây, loại cây này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Khi sắc ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.
6-8) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
9) ...quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy rơi vào tai ách khổ nạn.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
11-14) -- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
15-16) Do vậy... Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
II. Bông Hoa (hay Tăng trưởng) (Tạp 2, Ðại 2,8b) (Siii,113)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không". Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có", Ta cũng nói là "có".
5) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không"?
6) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời không chấp nhận sắc là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "không".
7-9) Thọ... tưởng... các hành...
10) Người có trí ở đời không chấp nhận thức là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "không".
11) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì ở đời người có trí chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không".
12) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có", Ta cũng nói là "có"?
13) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận sắc là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
14-16) ... thọ... tưởng... các hành...
17) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận thức là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
18) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
19) Ở trong đời, này các Tỷ-kheo, có thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
20) Này các Tỷ-kheo, thế pháp ở trong đời là gì, thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri; sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ?
21) Sắc, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri, sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy.
22-24) Thọ... Tưởng... Các hành...
25) Thức, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri. Sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ. Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy.
26) Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt.
27) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm.
III. Bọt Nước (Tạp 10, Ðại 2,86b) (S.iii,114)
1) Một thời Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng.
2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng... Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì...
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây?
10) Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm chuối được?
11) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong các hành được?
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?
13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại... hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong thức được?
14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
15) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Ðấng bà con mặt trời,
Ðã thuyết giảng như vậy.
2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn các pháp,
Hiện rõ tánh trống không.
3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng,
Ðoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.
4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.
5) Cái thân liên tục này,
Ảo sư, kẻ ngu nói,
Ðược gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.
6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.
7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.
IV. Phân Bò (Tạp 10, Ðại 2,67c) (Trang 11, Ðại 1,496a) (Trang 34, Ðại 1,645a) (S.iii,143)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-4) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?
5-8) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào... có thể có tưởng nào... có thể có các hành nào... có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?
9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.
10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không có các hành nào... không có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.
14) Rồi Thế Tôn lấy tay cầm lên một miếng phân bò và nói với Tỷ-kheo ấy:
15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
16) Nếu được một ngã thể nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thưòng hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Vì này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ bé như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú; do vậy đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
17) Thuở xưa, này Tỷ-kheo, Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh. Khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 đô thị, và đô thị Kusàvatì là bậc nhất.
18) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 cung điện, và cung điện Dhamma là bậc nhất.
19) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 trùng các, và trùng các Mahàvyuuha là bậc nhất.
20) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 sàng tọa làm bằng ngà, làm bằng lõi cây, làm bằng vàng, làm bằng bạc, trải bằng nệm len có lông dài, trải bằng chăn len trắng, trải bằng chăn len thêu bông, trải nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, có lầu che phía trên và có gối chân màu đỏ cả hai đầu.
21) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 con voi với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và voi chúa Uposatha là bậc nhất.
22) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 con ngựa với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và ngựa chúa Valàhaka là bậc nhất.
23) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 cỗ xe, với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và cỗ xe Vejayanta là bậc nhất.
24) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 châu báu, và Ma-ni châu là bậc nhất.
25) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 phụ nữ, và hoàng hậu Subhaddà là bậc nhất.
26) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 chư hầu Sát-đế-lị, và Binh chủ báu là bậc nhất.
27) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 con bò cái, với những dây thừng bằng vải đay mịn màng, và chậu sữa bằng bạc.
28) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 áo bằng vải gai tinh tế, bằng vải lụa tinh tế, bằng vải len tinh tế, bằng vải bông tinh tế.
29) Này các Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 dĩa bàn, và trên ấy các cơm sáng và cơm chiều được dọn lên.
30) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 đô thị ấy, đô thị Ta trú thời ấy là kinh đô Kusàvatì.
31) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cung điện ấy, cung điện Ta trú thời ấy là cung điện Dhamma.
32) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 trùng các ấy, trùng các Ta trú là trùng các Mahàvyuuha.
33) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 sàng tọa ấy, sàng tọa Ta thọ dùng thời ấy là sàng tọa bằng ngà, hay bằng lõi cây, hay bằng vàng, hay bằng bạc.
34) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con voi ấy, con voi Ta cưỡi thời ấy là voi chúa Uposatha.
35) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con ngựa ấy, con ngựa Ta cưỡi thời ấy là ngựa chúa Valàhaka.
36) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cỗ xe ấy, cỗ xe Ta cưỡi thời ấy là cỗ xe Vejayanta.
37) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 phụ nữ ấy, phụ nữ hầu hạ Ta thời ấy là Khattiyàni hay Velàmikà.
38) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 áo mặc ấy, đôi áo Ta mặc thời ấy, hoặc bằng vải gai tinh tế, hay bằng lụa tinh tế, hay bằng len tinh tế, hay bằng vải bông tinh tế.
39) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 dĩa bàn ấy, một dĩa bàn Ta dùng để ăn một phần (nàlika) cơm, còn dĩa bàn thứ hai, Ta dùng để ăn đồ ăn tương đương.
40) Như vậy, này các Tỷ-kheo, tất cả các hành ấy là thuộc quá khứ, đoạn diệt, biến hoại.
41) Như vậy vô thường, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không thường hằng, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không thường trú, này các Tỷ-kheo, là các hành.
42) Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán đối với tất cả hành, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát.
V. Ðầu Ngón Tay (Tăng 14, Ðại 2,617b) (S.iii,147)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
4) -- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?
5) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào...
6) Bạch Thế Tôn, có thể có tưởng nào...
7) Bạch Thế Tôn, có thể có các hành nào...
8) Bạch Thế Tôn, có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?
9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.
10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không có các hành nào... không có thức nào, thức ấy lại thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.
14) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trong đầu ngón tay và nói với Tỷ-kheo ấy:
15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
Nếu một sắc nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy, đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
16) Cho đến một thọ nhỏ như thế này, này các Tỷ-kheo, cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn, thường hằng, vĩnh trú. Nếu thọ nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú... có thể trình bày.
17) Cho đến một tưởng...
18) Cho đến một hành...
19) Cho đến một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú. Nếu một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một thức nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.
20) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
21-22) Do vậy, thấy vậy... "... không có trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
VI. Thanh Tịnh (hay Biển) (Tạp 18, Ðại 2,69c) (S.iii,149)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
4) -- Có một sắc nào, bạch Thế Tôn, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú không?
5-8) Có một thọ... tưởng... hành... thức nào, bạch Thế Tôn, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú không?
9) -- Không có một sắc nào, này Tỷ-kheo, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
10-13) Không có một thọ... một tưởng... các hành... một thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
VII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69b) (S.iii,149)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
4) Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
5) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, Sineru(Tu-di), Vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!
6) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi!
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững trắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã... quán thọ như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự ngã... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... người ấy chạy theo vòng theo, chạy tròn xung quanh thức; người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: "Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau".
8) Nhưng bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, được thấy các bậc Thánh... khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... thức; do không chạy vòng theo, chạy vòng tròn xung quanh thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát khỏi thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành, được giải thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói: "Vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ".
VIII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69c) (S.iii,151)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột trụ vững chắc. Nếu nó có đi, nó chỉ đi tới cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó ngồi, nó chỉ ngồi gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó nằm, nó chỉ nằm gần cây cột hay cột trụ ấy.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi tới năm thủ uẩn này. Nếu người ấy đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".
7) Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy một bức họa gọi là danh họa không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, bức danh họa ấy do tâm tư họa mà thành. Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm còn đa dạng hơn cả danh họa ấy.
8) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".
9) Này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một bộ loại nào khác lại đa dạng như tâm. Như các hữu tình thuộc loại bàng sanh; các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, do tâm tư duy (mà thành). Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm ấy lại đa dạng hơn các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy.
10) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".
11) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một họa sĩ, nếu người ấy có thuốc nhuộm, hay lạc, hay nghệ, hay màu xanh, hay màu đỏ tía, hay một tấm gỗ khéo bào, hay một bức tường, hay một tấm vải. Người ấy có thể vẽ hình người đàn bà hay hình người đàn ông với đầy đủ tất cả chi tiết. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, liên tục làm cho hiện hữu sắc... thọ... tưởng... các hành... liên tục làm cho hiện hữu thức.
12) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
13-14) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo... Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
IX. Cán Búa (Hay Chiếc Thuyền) (Tạp 10, Ðại 2,67a) (S.iii,152)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do biết, do thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố sự đoạn tận các lậu hoặc, không phải do không biết, do không thấy.
4) Do biết cái gì, thấy cái gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Do biết như vậy, do thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận.
5) Này các Tỷ-kheo, như có Tỷ-kheo sống không chí tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn như sau: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!" Tuy vậy, tâm của vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.
6) Vì sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ. Không có tu tập Bốn chánh cần. Không có tu tập Bốn như ý túc. Không có tu tập Năm căn. Không có tu tập Năm lực. Không có tu tập Bảy giác chi. Không có tu tập Thánh đạo Tám ngành.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.
8) Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: "Mong rằng những con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.
9) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười hay mười hai trứng gà ấy không được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy có khởi lên ý muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.
11) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ... Không có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
12) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
13) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn chánh cần. Có tu tập Bốn như ý túc. Có tu tập Năm căn. Có tu tập Năm lực. Có tu tập Bảy giác chi. Có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
14) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà. Các trứng ấy được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn. Dầu cho con gà mái ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng các con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy, các con gà con ấy có thể với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.
15) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà được con gà mái ấy ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sống chí tâm tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
17) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ... có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: "Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.
19) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: "Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc.
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển có đầy đủ cột buồm và dây buồm, bị mắc cạn sáu tháng do thiếu nước trong mùa khô; các cột buồm và dây buồm bị gió và mặt trời làm hư hỏng, rồi bị nước mưa đổ xuống trong mùa mưa, chúng trở thành yếu và hư nát.
21) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dễ bị yếu dần và hư nát.
X. Vô Thường Tánh (Hay Tưởng) (Tạp 10, Ðại 2,70c) (S.iii,155)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm ruộng, vào mùa thu, dùng một cái cày lớn cắt đứt tất cả rễ mọc trong khi cày. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cắt cỏ cắt đứt cây cỏ, nắm lấy đầu ngọn đập lên, đập xuống, đập tả, đập hữu, rồi quăng một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một chùm xoài bị cắt đứt từ cành, thời các trái xoài cùng dính vào cành đều bị đứt theo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn, phàm có rui kèo nào, tất cả đều đi đến nóc nhọn, hướng đến nóc nhọn, quy tụ về nóc nhọn, và nóc nhọn là tối thượng hơn chúng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng... tất cả ngã mạn được tận trừ.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những rễ hương gì, hương anusàri đen là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương gì, hương chiên-đàn đỏ là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hoa hương gì, hương vassika là tối thượng hơn những hương ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. .. tất cả ngã mạn được tận trừ.
11) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào, tất cả những vua ấy đều tùy thuộc vua Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân vương được gọi là vua tối thượng đối với họ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, ánh sáng các loại sao gì, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng được xem là tối thượng trong các ánh sáng ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
13) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mở rộng và gột sạch mây, mặt trời mọc lên trên bầu trời, đuổi sạch tất cả u ám khỏi hư không, bừng sáng, chói sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
14) Tu tập vô thường tưởng như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như thế nào mà tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ?
15) Ðây là sắc; đây là sắc tập khởi; đây là sắc đoạn diệt; đây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức; đây là thức tập khởi; đây là thức đoạn diệt.
16) Vô thường tưởng được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm cho sung mãn như vậy, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận; tất cả hữu tham được đoạn tận; tất cả vô minh được đoạn tận; tất cả ngã mạn được tận trừ.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.19.136 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.