Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
351. Chuyện Vòng Tay Bằng Ngọc (Tiền thân Manikundala)
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một ông quan phạm tội thông gian trong hậu cung của vua xứ Kosala.
Trường hợp xảy ra câu chuyện đã được kể đầy đủ trước đây ở số 282 và 303.
*
Ở đây cũng thế, Bồ-tát là vua ở Ba-la-nại. Ông quan xấu xa kia đến với vua Kasala và khuyên vua đánh chiếm vương quốc Kàsi rồi bắt Bồ-tát bỏ vào ngục. Ðức vua Ba-la-nại phát triển thiền định và ngồi bắt chéo chân ở trên không. Ông vua cướp nước kia bị nóng sốt toàn thân, liền đến gần vua Ba-la-nại và đọc bài kệ đầu:
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống,
Hết hoa tai lộng ngọc, ngựa, xe,
Vợ yêu, con dấu mất đi,
Xem ra ngài chẳng tỏ chi phiền hà!
Nghe thế Bồ-tát liền đọc các bài kệ sau:
Thú vui sẽ vội rời ta,
Thú vui rồi sẽ bay xa mấy hồi.
Vua kia tự hóa buồn thôi,
Như vần trăng hiện trên trời, trăng non,
Ðầy dần cho đến lúc tròn,
Khuyết đi rồi lại chẳng còn trăng đâu!
Sưởi cho vạn vật tươi màu,
Mặt trời vội lặn bên bầu trời xa,
Luật đời là đổi thay mà,
Khổ đau không thể làm ta bận lòng.
Thế rồi bậc Ðại Sĩ giảng bài Chân lý cho ông vua cướp nước kia nghe và đem đức hạnh của mình ra thử thách, ngài đọc các kệ sau:
Ghét thường nhân tham dục
Vẫn theo thói biếng lười.
Kẻ tu hành giả mặt:
Phường xảo quyệt đấy thôi!
Hôn quân thường xử án
Mà chẳng chịu lắng nghe;
Không thể nào biện bạch
Bậc trí nổi sân si
Chiếu vương phán một lời
Cân nhắc thật hẳn hoi,
Chính chuyên lời phán ấy
Vang danh mãi trên đời.
Vua xứ Kosala được Bồ-tát tha thứ, và sau khi trao trả lại vương quốc cho Bồ-tát, ông quay về xứ của mình.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Ànanda là vua xứ Kasala, còn Ta chính là vua Ba-la-nại.
-ooOoo- 352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền thân Sujàta)
Sao con lại vội mang...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có cha chết.
Khi cha ông mất, ông buồn bã đi khắp nơi, chẳng thể nào vơi được cơn sầu. Bậc Ðạo Sư nhận thấy người đàn ông này có khả năng đạt quả giải thoát cho nên khi Ngài vào thành Xá-vệ để khất thực, Ngài cùng với một thị giả đến nhà ông ta. Ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài, Ngài cúi xuống nói với gia chủ cũng đang ngồi đấy:
- Nay cư sĩ, phải chăng ông đang sầu khổ?
Người ấy đáp:
- Vâng, bạch Thế Tôn, đúng như thế.
Ngài dạy:
- Này bằng hữu, các bậc hiền trí ngày xưa đã nghe lời trí tuệ của người chính trực và khi họ mất cha, họ không sầu khổ.
Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện tiền kiếp.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh vào nhà một gia chủ nọ. Ngài được gọi là Nam tử Sujàta. Khi ngài lớn lên thì nội tổ của ngài mất. Từ ngày lão gia mất, thân phụ ngài rất sầu khổ. Ông lấy hài cốt của cha từ nơi hỏa táng rồi xây một nấm mồ trong vườn thưởng ngoạn của ông và đặt di cốt vào đấy. Mỗi khi đến thăm chỗ ấy, ông trang hoàng hoa lên mồ rồi mải miết than khóc. Ông chẳng tắm rửa chẳng xức dầu thơm, cũng chẳng để ý đến việc kinh tài. Quan sát việc này, Bồ-tát tự nghĩ: "Từ khi ông nội ta mất, cha ta đi đâu cũng cứ đắm chìm trong sầu muộn. Ta chắc rằng chẳng ai ngoài ta ra có khả năng khuyên nhủ được người. Ta sẽ tìm cách giải thoát cho người khỏi cơn sầu khổ".
Thế rồi khi trông thấy con bò đực nằm chết ở bên ngoài thành phố, ngài mang cỏ và nước tới đặt trước con bò ấy và nói:
- Ăn đi, uống đi! Ăn đi, uống đi.
Mọi người đi qua thấy thế đều bảo:
- Này Sujàta, bạn điên đấy ư? Bạn đưa cỏ và nước cho một con bò chết ư?
Nhưng ngài không đáp một tiếng nào.
Vì thế, họ đến bảo với thân phụ ngài:
- Con trai của ông bị điên rồi, anh ta lấy cỏ và nước đem cho một con bò chết đấy.
Nghe thế, người chủ đất ngưng sầu than cha mình mà lại bắt đầu sầu than đứa con trai. Ông vội chạy đến và kêu lên:
- Này Sujàta, con không được bình thường đấy ư? Sao con lại đưa cỏ cho cái xác bò chết?
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
Sao con lại vội mang
Cỏ mới cắt ngọt ngon
Cho con vật đã chết,
Lại kêu "Dậy mà ăn"?
Không có thức ăn gì
Hồi sinh một bò chết,
Lời con vớ vẩn thật,
Và do bởi mê si.
Bấy giờ Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Con vật này hẳn rồi
Vẫn còn đường sống lại,
Vì đủ cả đầu đuôi
Và bốn chân còn đấy.
Còn ông nội, rõ ràng
Ðầu, tay, chân đã mất,
Kẻ khùng nào khóc than?
Chỉ có cha độc nhất!
Nghe thế, thân phụ của Bồ-tát tự nghĩ: "Con ta thật thông tuệ. Nó biết điều gì đúng cần làm cho đời này và cho cả đời sau. Nó đã làm thế để khuyên nhủ ta". Rồi ông bảo:
- Này Sujàta, con trai yêu dấu và khôn ngoan của ta, ta đã hiểu được rằng mọi sự vật đang hiện hữu đều là vô thường. Từ nay ta sẽ không sầu khổ. Một đứa con như thế này hẳn là kẻ làm cho cha mình hết sầu khổ.
Ðể ca ngợi con trai, ông nói:
Như lửa dầu đang trong cơn cháy mạnh,
Nước đổ vào liền bị tắt ngay đi,
Cõi lòng ta đang nhức nhối sầu bi,
Con ta đã chữa lành đời ta sáng
Gai đã nhổ, tươi vui và tĩnh lặng,
Ta hết sầu, nghe lời của con ta.
Bậc thiện hiền khiến đời dứt phiền hà
Cứu thân phụ như Su-jà thông tuệ.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Đế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ ta là Sujàta.
-ooOoo- 353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền thân Dhonasàkha)
Nay dù bạn bình an hạnh phúc...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại rừng Bhesakalà, gần Sumsumàragiri (Núi Cá sấu) trong xứ của bộ tộc Bhaggas. Chuyện kể về vương tử Bodhi (Bồ-đề).
Vương tử này là con vua Udena, bấy giờ đang sống tại Sumsumàragiri. Ông cho mời một người thợ thật giỏi, bảo xây cho mình một cung điện gọi là Kokànada và làm cho nó khác cung điện của bất cứ ông vua nào. Về sau, ông tự nghĩ: "Tên thợ này có thể xây một cung điện như thế cho một ông vua khác". Và do lòng đố kỵ, ông móc đôi mắt của người thợ ấy đi.
Các Tỷ-kheo biết được chuyện ấy. Họ bàn thảo trong Pháp đường:
- Này các hiền giả, vương tử Bodhi đã móc mắt của người thợ như thế, như thế. Chắc chắn ông ta là một người tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn chuyện gì. Khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
Không chỉ bây giờ mà xưa kia tánh ông ta cũng như vậy. Ngày xưa cũng bằng cách như thế, ông ta đã móc mắt của một ngàn chiến sĩ và sau khi giết chết họ, ông đã đem thịt của họ ra tế lễ.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư lừng danh tại Takkasilà, các thanh thiếu niên thuộc giai cấp quý tộc, võ tướng và Bà-la-môn từ khắp nước Ấn Ðộ đến với ngài để được ngài dạy các học nghệ. Con vua Ba-la-nại là hoàng tử Brahmadatta cũng thế, được ngài dạy ba tập Vệ-dà. Ông ta là một kẻ tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo. Do tài tiên đoán, Bồ-tát biết được tính ấy của hoàng tử nên bảo:
- Này bạn, bạn tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo và thực ra, quyền lực mà kẻ hung bạo đạt được không lâu dài. Khi quyền lực mất đi, người ấy giống như một chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi, ông ta sẽ không đến bến bờ nào an ổn cả. Do đó, bạn chớ giữ tính tình như vậy.
Rồi ngài đọc hai bài kệ sau đây để khuyến dụ:
Nay dù bạn bình an hạnh phúc,
Hạnh phúc kia mấy chốc chẳng còn.
Của mất đi chớ khổ buồn,
Như người đi biển bão dồn ném xa.
Theo hành vi, chúng ta xuôi hướng
Mùa gặt theo như hạt giống gieo,
Hai đằng ta phải nhận vào:
Cỏ hoang độc hại, cây cao tốt lành.
Thế rồi hoàng tử từ biệt thầy và trở về Ba-la-nại. Sau khi trổ tài nghệ cho vua xem, ông được giao chức phó vương và khi vua cha chết, ông nối ngôi trị vì vương quốc. Vị giáo sĩ của nhà vua là một người tàn nhẫn, dữ dằn. Vì tham danh vọng, ông tự nghĩ: "Nếu ta gây sự cho tất cả các nhà lãnh đạo của toàn Ấn Ðộ bị ông vua này bắt hết và nếu bấy giờ ông ta là hoàng đế độc nhất thì ta sẽ là giáo sĩ độc nhất".
Thế là ông làm cho vua nghe theo lời ông.
Vua đem đại quân tiến ra, bao vây kinh đô của một vua kia rồi bắt giữ vua ấy. Bằng những cách thức tương tự, ông chiếm hết toàn lãnh thổ Ấn Ðộ và cùng với một ngàn ông vua trong đoàn của ông, ông tiến đánh vương quốc Takkasilà. Bồ-tát sửa sang các thành lũy để ngăn quân thù xâm nhập. Vua Ba-la-nại đặt bộ tham mưu của ông ở dưới gốc cây đa to lớn. Ông truyền dựng mái đình che phía trên, chung quanh có vây màn và có chỗ nằm trải sẵn cho ông. Khi chiến đấu trên các đồng bằng Ấn Ðộ, ông đã bắt được một ngàn vua, nhưng ông lại không thể tấn công vào Takkasilà được. Ông bèn hỏi giáo sĩ:
- Chúng ta đã đến đây cùng với đạo quân gồm các vua bị bắt và chúng ta vẫn không thể chiếm được Takkasilà. Bây giờ phải làm sao?
- Tâu Ðại vương - Giáo sĩ trả lời- Hãy móc mắt một ngàn vua kia, mổ bụng họ ra và lấy thịt họ cùng với năm món thơm ngon làm lễ cúng dâng vị thần cây đa này. Hãy đào một cái rãnh quanh cây và đổ máu cho ngập tới khoảng một tấc. Và như thế chẳng bao lâu chiến thắng sẽ về ta.
Vua sẵn sàng chấp thuận. Vua giấu kín các võ sĩ khỏe mạnh đằng sau bức màn rồi cho họ gọi riêng từng ông vua kia. Các võ sĩ dùng hai cánh tay siết từng người cho đến khi họ ngất đi rồi vua sai móc mắt họ. Sau khi họ chết, vua cho mang xác ra ném ngoài sông Hằng. Thế rồi vua tổ chức tế lễ như đã nói trên, sau đó, sai đánh trống và mang quân ra trận.
Bỗng một tên quỷ Dạ-xoa từ tháp canh xông tới móc con mắt phải của vua ra. Vua quá đau đớn đến điên cuồng liền đi nằm sóng sượt trên giường dành riêng cho ông dưới gốc cây đa.
Lúc bấy giờ một con kên kên cắp một cái xương nhọn rồi đậu trên đọt cây ấy. Khi đang ăn thịt nó để rớt cái xương và đầu nhọn rơi xuống như dùi sắt trúng con mắt trái của vua, hủy luôn con mắt ấy. Lúc bấy giờ, vua nhớ lại lời dạy của Bồ-tát, ông tự nhủ: "Thầy ta đã từng nói: Người đời phải thọ kết quả tùy theo các việc làm của mình, cũng như trái cây hình thành tùy theo hạt giống vậy", hẳn là người đã thấy tất cả sự việc này bằng con mắt trí tuệ nên nói như thế".
Trong khi đang sầu đau, ông nói với giáo sĩ Pingiya qua hai bài kệ sau:
Nay mới hiểu lẽ chân thầy dạy
Từ lúc ta trẻ tuổi dại ngây:
Chớ gây tội ác, có ngày
Ngươi làm việc xấu bị đày đọa thôi.
Nằm ở dưới tàn cây bóng mát,
Tẩm dầu thơm ngào ngạt chiên-đàn,
Ðịch vương, ta giết cả ngàn,
Nỗi đau họ chịu, ta đang chịu cùng.
Khi khóc than như thế, vua nhớ đến hoàng hậu của ông và đọc bài kệ này:
Ub-ba-rì mặn mà,
Ôi hoàng hậu của ta,
Dáng người trông yểu điệu,
Như cành Mo-rin-ga.
Tay chân nàng thơm ngát,
Ướp dầu hương chiên-đàn,
Làm sao ta sống nổi,
Khi chẳng thấy được nàng?
Ôi chết không tàn khốc
Bằng nỗi này đau thương!
Trong khi còn đang lầm thầm các lời trên, vua chết đi và tái sanh vào địa ngục. Vị giáo sĩ tham quyền ấy không thể cứu được ông, ngay cả ông, với quyền lực của mình, vẫn không tự cứu được. Và ngay khi ông chết đi, quân đội của ông tan vỡ và tháo chạy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ vương tử Bồ-dề là ông vua cướp nước ấy, Ðề-bà-đạt-đa là Pingiya, còn Ta chính là vị thầy lừng danh nọ.
-ooOoo- 354. Chuyện Con Rắn (Tiền thân Uraga)
Người đời bỏ xác ra...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một chủ đất có con trai chết.
Câu chuyện dẫn đầu cũng giống như chuyện của người đàn ông mất cả vợ và cha. Ở đây cũng vậy, bằng cách ấy, bậc Ðạo Sư đến nhà ông và sau khi chào ông, Ngài ngồi xuống và bảo:
- Này, thí chủ, ông đang sầu khổ đấy ư?
Và ông đáp:
- Bạch Ngài, vâng, từ khi con trai của con chết, con rất đau khổ.
Ngài dạy:
- Này thí chủ, quả thật, cái gì phải tan rã thì tan rã, và cái gì bị hủy diệt thì hủy diệt; điều ấy không chỉ xảy ra cho một người, không chỉ xảy ra ở trong một làng mà ở trong vô số cảnh vật, và trong ba cách hữu sinh tam giới, không có sinh vật nào không chết, không có sự vật hiện hữu nào có thể ở mãi trong cùng một hoàn cảnh được. Mọi chúng sinh đều phải chết, mọi kết hợp đều phải tan rã. Khi bị mất một đứa con, các bậc hiền trí ngày xưa bảo. Cái gì phải hủy diệt thì bị hủy diệt, và họ không sầu khổ.
Rồi do lời yêu cầu của người ấy. Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở một ngôi làng phía ngoài cổng thành Ba-la-nại và ngài nuôi sống gia đình bằng nghề cày ruộng. Ngài có hai con: một trai và một gái. Khi con trai lớn lên, ngài cưới vợ cho anh ta từ một gia đình cùng đẳng cấp với ngài. Như thế cùng với một nữ tỳ, họ hợp thành một gia đình sáu người: Bồ-tát và vợ ngài, con trai và con gái, con dâu và nữ tỳ. Họ sống với nhau đầy tình thương và hạnh phúc. Bồ-tát khuyên dạy năm người kia:
- Tùy theo những thứ mà các người nhận vào, phải bố thí, hành trì các ngày trai giới, giữ gìn đức hạnh, sống với ý nghĩ về cái chết, chú ý đến tình trạng phải chết của con người. Trong hoàn cảnh của chúng sinh như chúng ta đây, cái chết là chắc chắn, cuộc sống không chắc chắn, tất cả sự vật hiện hữu đều là tạm bợ và phải chịu suy tàn. Do đó ngày đêm phải chú ý đến lối sống của các người.
Mọi người đều nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát và nghiêm túc sống với ý nghĩ về cái chết.
Một hôm, Bồ-tát cùng con trai đi cày ruộng. Người con nhặt cỏ rác rồi đốt. Cách đó không xa, có một con rắn sống trong một cái đụn kiến. Bị khói làm xốn mắt, con rắn giận dữ bò ra khỏi hang và nghĩ: "Tất cả chuyện này là do tên ấy" và nó phóng tới cắn vào anh ta bằng bốn cái răng cửa của nó. Người thanh niên ngã xuống chết.
Khi thấy anh ngã xuống, Bồ-tát rời mấy con bò chạy tới, và thấy rằng anh ta đã chết, ngài ẵm lên và đặt anh nằm dưới gốc cây nọ. Ngài lấy áo choàng phủ lên anh, không hề khóc lóc sầu đau. Ngài bảo:
- Cái gì phải tan rã thì tan rã, cái gì phải chết thì chết. Tất cả những hiện hữu kết hợp đều tạm bợ và phải chết.
Biết được tính chất tạm bợ của sự vật, ngài tiếp tục việc cày bừa. Trông thấy một người hàng xóm đi qua gần đám ruộng, ngài hỏi:
- Này bạn, có phải bạn đang về nhà đấy không?
Người ấy trả lời:
- Vâng.
Ngài bảo:
- Nhờ bạn đến nhà chúng tôi và nói với bà chủ, hôm nay không phải đem đồ ăn cho hai người như trước, mà chỉ đem cho một người thôi. Và mọi khi chỉ một mình nữ tỳ mang thức ăn đến, thì hôm nay cả bốn người trong nhà phải mặc quần áo sạch sẽ và mang hương hoa đến đây.
- Ðược rồi.
Người ấy đáp và đi nói đúng các lời trên với vợ của vị Bà-la-môn ấy.
Bà hỏi:
- Này bác, ai nhắn tin này thế?
Người ấy đáp:
- Thưa bà, ông Bà-la-môn đấy.
Thế là bà hiểu rằng con trai bà đã chết. Nhưng bà không run sợ, bà sai soạn thức ăn rồi cùng với những người khác trong gia đình ra đồng. Nhưng không ai, kể cả bà, nhỏ một giọt nước mắt hay than van. Khi Bồ-tát dùng bữa xong, mọi người chất củi và nâng xác để lên giàn hỏa táng, họ dâng hương, hoa rồi châm lửa thiêu. Chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt. Tất cả đều an trú vào ý nghĩ về cái chết.
Hiệu lực đức hạnh của họ làm cho ngai của Thiên chủ Ðế Thích nóng lên. Ðế Thích tự bảo:
- Ủa, kẻ nào muốn hạ ta xuống khỏi ngai thế này?
Thiên chủ suy tưởng và phát hiện rằng hơi nóng này là do mãnh lực đức hạnh hiện hữu trong những người ấy. Rất sung sướng, Thiên chủ nói:
- Ta phải đến nơi họ và vui mừng la lớn như tiếng rống của sư tử rồi ngay sau đó sẽ lấy thất bảo đổ đầy chỗ của họ.
Thiên chủ vội vàng đến đó và đứng bên giàn hỏa táng nói:
- Các ngươi đang làm gì thế?
- Thưa ngài, chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thiên chủ nói:
- Không phải các ngươi đang thiêu một người, có lẽ các người đang quay thịt một con vật nào đó mà các người đã giết.
Họ đáp:
- Không phải thế đâu, thưa ngài, đúng là chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thế rồi Thiên chủ nói:
- Vậy chắc hẳn là một kẻ thù nào đấy.
Bồ-tát đáp:
- Ðấy chính là con trai ruột của chúng tôi, chứ không phải kẻ thù nào cả.
- Thế thì hẳn anh ta không được ông yêu mến.
- Tôi rất yêu mến nó, thưa ngài.
- Thế tại sao ông không khóc?
Rồi để giải thích lý do tại sao ngài không khóc, Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ðời người bỏ xác ra,
Khi niềm vui sống qua,
Như rắn kia vẫn thế,
Thường lột vỏ thay da.
Không lời nào thương tiếc
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của Bồ-tát, Ðế Thích hỏi bà vợ của ngài:
- Thưa bà, người chết liên hệ thế nào với bà?
- Tôi mang nó mười tháng trong bào thai, cho nó bú sữa của tôi, dạy cho nó cử động tay chân, đi đứng và thưa ngài nó là đứa con trưởng thành của tôi đấy.
- Thưa bà, do bản tính đàn ông, một người cha không khóc là phải, nhưng trái tim một người mẹ chắc chắn là mềm yếu. Thế sao bà lại không khóc?
Bà đọc hai bài kệ để giải thích vì sau bà không khóc:
Không gọi nó đến đây,
Chẳng sai nó đi ngay,
Nó đi như nó đến,
Sao lại phải sầu cay?
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của vợ Bồ-tát, Ðế Thích hỏi cô em gái:
- Thưa cô, người chết là gì của cô?
- Thưa ngài, anh ấy là anh tôi.
- Thưa cô, chị em gái chắc chắn thương yêu anh em trai. Tại sao cô lại không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Dù nhịn đói, khóc than,
Ích gì được cho con,
Ôi, bà con thân thuộc,
Sẽ nhiều đau khổ hơn.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao còn phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô em gái, Ðế Thích hỏi cô vợ:
- Thưa cô, anh ta là gì của cô?
- Thưa ngài, anh ấy là chồng của tôi.
- Khi chồng chết, các bà là những góa phụ bơ vơ. Tại sao cô không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Như con trẻ kêu gào,
Ðòi vô vọng trăng cao,
Khóc than người yêu mất,
Người đời ngớ ngẩn sao!
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi lại buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô vợ, Thần Ðế Thích hỏi người nữ tỳ:
- Này bà, anh ấy là gì của bà?
- Thưa ngài, ông ấy là chủ của tôi.
- Chắc chắn rằng bà phải bị anh ta la mắng, đánh đập, áp bức, do đó bà nghĩ rằng may quá anh ta đã chết nên bà không khóc.
- Thưa ngài, chớ nói như thế. Cậu ấy không phải thế đâu. Cậu chủ tôi rất chịu đựng, yêu mến và thương xót tôi, cậu ấy cũng như con nuôi của tôi vậy.
- Thế thì tại sao bà không khóc?
Và để giải thích tại sao mình không khóc, người nữ tỳ đọc hai bài kệ:
Một bình đất đã vỡ,
Ai ráp lại được vào,
Khóc than cho người chết,
Chỉ chuốc thất bại vào.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Sau khi nghe tất cả mọi người nói, Ðế Thích rất thích thú liền nói:
- Các ngươi đã thận trọng sống với ý nghĩ cái chết. Từ nay các ngươi khỏi phải tự tay cày bừa nữa. Ta là Ðế Thích, vua cõi trời. Ta sẽ tạo ra vô số thất bảo trong nhà các ngươi. Hãy bố thí, giữ đạo đức, hành trì ngày trai giới, quan tâm đến cách sống.
Sau khi khuyến dụ họ, Thiên chủ tạo ra vô số của cải trong nhà họ rồi ra đi.
*
Sau khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư tuyên dạy Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Khujjutarà là người nô tỳ, Uppalavannà là người con gái, Ràhula còn con trai, Khemà là người mẹ, còn Ta là người Bà-la-môn ấy.
-ooOoo- 355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền thân Ghata)
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ viên về một ông quan của vua Kosalà.
Câu chuyện khởi đầu giống chuyện đã kể. Nhưng ở đây, sau khi ban vinh dự lớn lao cho một ông quan, vua lại nghe lời sàm tấu và truyền bắt ông ta bỏ vào ngục. Khi nằm trong ngục, ông quan ấy nhập Dự Lưu. Sau đó vua biết được công đức của ông và thả ra. Ông mang một tràng hoa thơm và đến tham bái bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư hỏi xem có việc xấu nào đã xảy đến với ông không. Ông đáp:
- Bạch Thế Tôn có. Nhưng qua việc xấu ấy, việc tốt lại đến với con. Con đã nhập Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư dạy:
- Ðúng thế, không phải chỉ bấy giờ, các bậc hiền trí ngày xưa cũng được điều tốt từ điều xấu.
Rồi do yêu cầu của ông quan, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của chánh hoàng hậu. Người ta gọi ngài là thái tử Ghata. Sau đó ngài đạt kiến thức về các học nghệ ở Takkasilà và trị vì vương quốc của ngài rất công chính.
Bấy giờ một ông quan nọ tỏ ra phẩm hạnh xấu trong nội cung. Sau khi tận mắt chứng kiến việc phạm gian, vua liền đuổi ông ra khỏi vương quốc. Lúc ấy, một vị vua tên là Vanka trị vì ở Xá-vệ. Ông quan đến phục vụ cho vua ấy đúng như câu chuyện trước đây số 303, được vua nghe lời và xúi vua chiếm vương quốc Ba-la-nại.
Sau khi chiếm đoạt vương quốc này, vua ấy bắt trói Bồ-tát bằng dây xích và bỏ ngài vào ngục. Bồ-tát nhập định và ngồi tréo chân trên không. Vanka bị nóng hừng hực trong thân thể, liền chạy đến Bồ-tát, trông thấy dung mạo của ngài sáng ngời, đẹp như một hoa sen nở, giống như một tấm kính bằng vàng. Qua hình thức một lời hỏi, ông đọc bài kệ đầu:
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ,
Má người kia lệ nhỏ đầm đìa,
Mặt ngài vẫn nụ cười kia,
Ga-ta há chẳng bao giờ kêu than?
Ðể giải thích tại sao ngài không sầu khổ, Bồ-tát đọc các bài kệ sau đây:
Chuyện đã qua, buồn nào thay đổi được,
Buồn nào gây hạnh phúc ở tương lai?
Cớ sao ta than vãn khổ đau này?
Sầu muộn chẳng đáng cho ta làm bạn.
Kẻ mang bệnh khổ sầu thì suy tận,
Các thức ăn thành vô vị nhạt màu,
Như trúng tên mồi thịt của sầu đau
Làm trò tếu cho kẻ thù tiêu khiển.
Nhà ta ở, dù trên đất, ngoài biển.
Dù trong làng hay heo hút rừng già,
Không bao giờ sầu não đền gần ta,
Hồn đã thiện, chẳng có gì để sợ.
Còn kẻ nào chưa kiện toàn đến độ,
Bị nấu nung vì tham dục lắm đàng,
Cả cõi đời cùng của cải tệ tàn
Cũng không hề đủ thỏa lòng tham muốn.
Sau khi nghe xong bốn bài kệ ấy, Vanka xin Bồ-tát tha thứ và giao trả lại vương quốc cho ngài rồi đi theo đường mình. Nhưng Bồ-tát trao vương quốc cho các đại thần, ngài lui vào dãy Tuyết Sơn và trở thành một nhà tu khổ hạnh. Không hề ngưng thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ Ànanda là vua Vanka, còn Ta là Ghata.
-ooOoo- 356. Chuyện Nam Tử Kàrandiya (Tiền thân Kàrandiya)
Sao một mình trong rừng...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Tướng quân Chánh pháp Sàriputta.
Trong truyền khi có bọn người ác như thợ săn, chài lưới v.v... đến với ngài, Trưởng lão đều giảng đạo đức cho họ, và ngài cũng giảng cho bất cứ ai mà ngài có dịp gặp. Ngài bảo:
- Hãy nhận Giáo Pháp.
Do lòng tôn kính Trưởng Lão, họ không thể cưỡng lời ngài. Và khi nhận Giáo pháp xong, họ không thể hành trì mà ai nấy cứ tiếp tục theo lối làm ăn riêng của mình. Trưởng lão đến thổ lộ với chúng Tỷ-Kheo để hỏi ý kiến:
- Này các Hiền giả, những người ấy được tôi truyền Pháp, nhưng không giữ đạo.
Các Tỷ-Kheo trả lời:
- Thưa Tôn giả, ngài giảng Pháp cho họ trái với mong ước của họ và vì họ không dám cưỡng lại lời ngài nên họ chấp nhận đấy thôi. Từ nay ngài chớ giảng Pháp cho những người như thế.
Trưởng lão không thuận ý.
Nghe được chuyện ấy, các Tỷ-Kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường cách Trưởng lão Sàriputta đã thuyết Pháp cho bất cứ ai mà ngài gặp. Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ấy giảng pháp cho bất cứ ai mà ông gặp dù họ chẳng yêu cầu.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trì vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra và lớn lên trong gia đình rồi trở thành đệ tử trưởng của một giáo sư lừng danh tại Takkasilà. Bấy giờ vị giáo sư giảng đạo pháp cho bất cứ người nào mà ông có thể gặp như những người đánh cá v.v... Dù họ không muốn, ông luôn bảo họ nhận pháp. Nhưng dù họ đã nhận pháp, họ cũng không giữ đạo. Giáo sư nói điều ấy cho các môn đệ nghe. Các môn đệ thưa:
- Thưa thầy, thầy thuyết giảng cho họ ngược lại với những mong cầu của họ và do đó, họ phá bỏ pháp. Từ nay, thầy hãy thuyết giảng cho những kẻ nào muốn nghe thầy thôi chứ đừng thuyết giảng cho những ai không muốn.
Vị giáo sư rất ân hận nhưng ông cứ giảng pháp cho bất cứ ai mà ông được gặp.
Một hôm, một số người từ một ngôi làng kia đến mời giáo sư tham dự cuộc dâng bánh cho các Bà-la-môn. Ông cho gọi vị môn đệ tên là Kàrandiya và bảo:
- Này con, ta không đi, con hãy đến đó với năm trăm môn đệ này rồi nhận bánh và mang về phần bánh chia cho ta.
Ông sai vị môn đệ ấy như thế. Vị môn đệ ấy ra đi. Trên đường về, chàng trông thấy một cái hang và chợt có ý nghĩ: "Thầy ta giảng pháp cho bất cứ ai ngài gặp mà không cần họ yêu cầu. Từ nay ta chỉ khiến ngài giảng cho những ai muốn nghe ngài thôi".
Thế rồi trong khi các môn đệ khác đang ngồi nghỉ thoải mái, chàng đứng lên đi khuân những tảng đá lớn ném vào trong hang, chàng cứ khuân đá ném mãi. Những người kia đứng dậy và nói:
- Này đại huynh, anh đang làm gì thế?
Kàrandiya không nói một lời nào. Họ vội trở về kể chuyện cho thầy họ nghe. Vị thầy đến nói chuyện với Kàrandiya bằng bài kệ đầu:
Sao một mình trong rừng
Từng tảng đá con khuân,
Ném đá như có ý
Lấp bằng hang núi chăng?
Nghe thế Kàrandiya muốn thức tỉnh thầy mình liền đọc bài kệ:
Con muốn làm đảo này
Phẳng như lòng bàn tay,
San bằng gò đồi nọ,
Chỗ trũng, đá lấp đầy.
Thầy Bà-la-môn nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Ðời nào một phàm nhân
Có sức lấp đất bằng?
Kà-ran khó hy vọng
Ðọ sức với hang cùng.
Người môn đệ nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
Nếu một kẻ phàm nhân,
Không thể san đất bằng,
Ngoại nhân há chịu nhận
Quan điểm thầy hay chăng?
Nghe thế, vị giáo sư trả lời thích đáng, bấy giờ ông hiểu rằng những người khác có thể không giống như ông. Ông tự nhủ: "Ta sẽ không làm như thế nữa", và đọc bài kệ thứ năm:
Này Kà-ran-di-ya,
Bạn khuyên tốt cho ta,
Ðất không san phẳng được,
Ý người chẳng đồng hòa.
Giáo sư ca ngợi môn đệ của mình. Và vị môn đệ sau khi khuyến dụ thầy mình như vậy liền dẫn thầy về nhà.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Xá-lợi-phất là người Bà-la-môn, còn Ta chính là môn sinh Kàrandiya.
-ooOoo- 357. Chuyện Chim Cút (Tiền thân Latukikà)
Hỡi voi tuổi sáu mươi....,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Ðề-bà-đạt-đa.
Một hôm các Tỷ-Kheo bàn thảo trong Pháp đường:
- Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa thật hung ác, dữ dằn và tàn bạo. Ông ta chẳng chút lòng thương xót nào đối với chúng sinh.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì và sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, ông ấy cũng chẳng có chút thương xót nào.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm một con Voi. Khi lớn lên ngài là một con vật chững chạc đàng hoàng. Ngài trở thành chúa của một đàn mười tám ngàn con và sống trong dãy Tuyết Sơn.
Bấy giờ có một con chim Cút đẻ trứng trong vùng đất sinh sống của đàn voi. Khi trứng nở, bầy chim con phá vỏ trứng ra ngoài. Trước khi bầy chim mạnh cánh và đang lúc chưa thể bay được, bậc Ðại Sĩ cùng với đàn tám chục ngàn con voi đi đây đó kiếm ăn, đã đến chỗ ấy. Khi trông thấy đàn voi, chim Cút tự nghĩ: "Vị vương tượng này sẽ dẫm chết các con thơ của ta. Ờ! ta sẽ cầu xin ông ta che chở và bảo vệ cho tổ của ta". Thế rồi nó nhấc đôi cánh lên, đứng trước ngài và đọc bài kệ đầu:
Hỡi Voi tuổi sáu mươi,
Chúa rừng của đồng loài,
Ta chỉ là chim nhỏ,
Còn ngài lãnh đạo bầy,
Cánh nâng, tôi kính cẩn
Xin tha lũ con này.
Bậc Ðại Sĩ bảo:
- Này Cút, chớ lo sợ. Ta sẽ che chở cho các con thơ của ngươi.
Ngài đứng che lên trên bọn chim nhỏ trong khi tám mươi ngàn voi kia đi qua, rồi ngài dặn Cút:
- Ðằng sau bọn ta có một con voi lẻ bầy rất gian ác. Nó không chịu làm theo lời bọn ta. Khi nó đến, ngươi cũng phải van xin nó để bảo đảm an toàn cho lũ con ngươi.
Nói xong ngài bỏ đi, con Cút đi đến gặp con voi kia và nâng cánh lên kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ hai:
Khắp thung lũng, núi đồi
Ngài riêng một đường thôi,
Vua rừng, tôi năn nỉ
Nâng cánh cúi can ngài,
Tôi chỉ là Cút mọn
Xin tha lũ con tôi.
Nghe Cút nói xong, Voi đọc bài kệ thứ ba:
Cút ơi, ta sẽ giết con mi
Hèn mọn như mi giúp được chi?
Chân trái ta đây đè bẹp hết
Mấy ngàn chim nhỏ vẫn thường khi.
Nói thế xong nó giơ chân dẫm nát bọn chim nhỏ, rồi tiểu tiện lên chúng làm cho chúng trôi theo dòng nước, sau đó rống lên và bỏ đi. Con cút đậu trên một cành cây nói:
- Mi hãy cút đi và rống lên đi. Rồi đây mi sẽ thấy ta làm gì. Mi chẳng biết sức mạnh của thân thể và sức mạnh của trí óc khác nhau như thế nào. Ðược rồi! Ta sẽ dạy cho mi một bài học.
Hăm dọa Voi như thế, Cút đọc bài kệ thứ tư:
Bạo lực không là được lợi luôn,
Mạnh thường là họa của si cuồng,
Thú kia đã giết con ta chết,
Ác ấy ta đây sẽ tính đường.
Nói xong, ít lâu sau Cút đến thăm một con Quạ, bấy giờ Quạ đang cao hứng hỏi Cút:
- Ta giúp gì được cho bạn đây?
Cút bảo:
- Chẳng có gì đâu bác ạ, tôi chỉ mong bác lấy mỏ móc hai con mắt con Voi gian ác kia.
Quạ sẵn sàng nhận lời. Cút đến giúp việc một con Ruồi xanh. Khi Ruồi xanh hỏi:
- Ta làm gì được cho bạn đây?
Cút đáp:
- Khi con Voi gian ác kia bị Quạ móc mắt xong, tôi muốn bạn đẻ trứng vào mắt nó.
Ruồi xanh nhận lời xong Cút đến giúp một con Ếch và khi Ếch bảo cần gì thì Cút bảo:
- Khi con Voi gian ác kia bị mù, nó sẽ tìm nước để uống, bấy giờ bạn hãy đứng trên đỉnh núi và kêu lên. Khi Voi trèo lên đỉnh núi thì bạn hãy xuống đáy dốc mà kêu lên. Ðấy là điều tôi rất mong bạn giúp.
Sau khi nghe Cút nói, Ếch sẵn sàng nhận lời. Thế rồi một hôm, Quạ dùng mỏ móc cả hai mắt con voi ấy, Ruồi đẻ trứng vào mắt nó. Bị bọn dòi rút rỉa, voi cuồng lên vì đau đớn. Rồi bị cơn khát chế ngự, Voi đi khắp nơi để tìm nước uống. Lúc ấy, Ếch đứng trên đỉnh núi kêu lên. Voi tự nghĩ: "Nơi ấy hẳn phải có nước". Rồi nó trèo lên núi. Ếch liền xuống dưới chân núi mà kêu lên nữa. Voi tự nghĩ: "Sẽ có nước nơi ấy", rồi lần mò tiến tới dốc núi và bị lăn cù, rơi xuống đáy núi mà chết. Khi biết rằng Voi đã chết, Cút nói:
- Ta đã toàn thắng kẻ thù.
Và khi toàn thân ngập trong hạnh phúc cao độ, Cút chết và đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư dạy:
- Này các Tỷ-Kheo, Ta không nên chuốc lấy thù hận với bất cứ ai. Bốn con vật ấy hợp lại với nhau đã diệt được con Voi mạnh mẽ như thế kia.
Cút cùng Quạ, Ruồi xanh, Ếch hợp lại,
Từng chứng minh kết quả của thù hằn,
Vương tượng kia vì chúng chết oan thân,
Vậy hãy tránh hết mọi điều tranh cãi.
Sau khi đọc bài kệ phát xuất từ Trí Tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con Voi gian ác kia, còn Ta là con Voi đầu đàn.
-ooOoo- 358. Chuyện Tiểu Vương Hộ Pháp (Tiền thân Culladhammapàla)
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc lâm về cách Ðề-bà-đạt-đa mưu toan giết Bồ-tát.
Trong tất cả các Tiền thân khác, Ðề-bà-đạt-đa không làm sao gây cho Bồ-tát một tý nào kinh hãi. Nhưng trong Tiền thân Culladhammapàla, khi Bồ-tát mới lên bảy tháng, ngài bị Ðề-bà-đạt-đa chặt tay chân, chặt đầu và khắp thân thể ngài bị gươm đâm như có đeo vào một tràng hoa vậy. Trong Tiền thân Daddara, Ðề-bà-đạt-đa giết Bồ-tát bằng cách vặn cổ ngài, quay thịt ngài trong lò rồi ăn thịt ấy. Trong Tiền thân Khantivàda (số 313), Ðề-bà-đạt-đa đánh Bồ-tát hai ngàn roi và ra lệnh chặt tay, chân, tai, mũi ngài, nắm tóc ngài kéo đi và khi ngài nằm ngã sóng soài ra thì ông ta đánh vào bụng ngài rồi bỏ đi; Bồ-tát chết ngay ngày hôm đó. Nhưng trong cả hai Tiền thân Cullanandaka và Vevatiyakapi (chưa được xác định), ông ta chỉ ra lệnh giết ngài mà thôi. Trong một thời gian dài, Ðề-bà-đạt-đa cứ lo toan tìm cách giết Bồ-tát và vẫn còn tiếp tục làm như thế ngay cả khi Ngài đã trở thành một đức Phật.
Một hôm, các Tỷ-Kheo bàn tán trong Pháp đường:
- Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa vẫn tiếp tục lập âm mưu giết hại đức Phật. Cố ý giết đức Thế Tôn, ông ta sai bọn cung thủ bắn Ngài, ông ta lăn đá vào Ngài và thả con voi Nàlàgiri đến hại Ngài.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn vấn đề gì, khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ta cứ tìm cách giết Ta, nhưng giờ đây ông ta không thể làm Ta mảy may sợ hãi, dù xưa kia Ta là hoàng tử Dhammapàla, dù Ta là con ruột của ông, ông cũng gây ra cái chết cho Ta bằng cách chặt, đâm gươm vào khắp cả thân Ta như thể nó mang một tràng hoa vậy.
Nói xong, Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Mahàpatàpa đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của chánh hoàng hậu Candà và người ta đặt tên ngài là Dhammapàla (Hộ Pháp).
Khi ngài lên bảy tháng, mẹ ngài tắm ngài trong nước thơm, mặc quần áo sang trọng cho ngài và ngồi chơi với ngài. Vua đến cung thất của hoàng hậu. Vì bà đang chơi với con trai, ngập tràn tình mẹ đối với con nên đã quên đứng dậy chào đón vua. Vua tự nghĩ: "Giờ đây người đàn bà này đầy tự hào về đứa con trai, coi ta không bằng một cọng rơm; đến khi đứa bé lớn lên, bà ta sẽ nghĩ: Ta chỉ có một người là con trai ta, và chẳng để ý gì đến ta. Ta sẽ bảo giết nó ngay".
Vì thế, ông quay trở về, ngồi trên ngai và gọi viên quan hành hình đến trình diện cùng với mọi dụng cụ hành sự. Người ấy mặc áo vàng mang tràng hoa đỏ sẫm, vai vác rìu, tay cầm một cái thớt và một cái chậu đến đứng trước vua, chào vua và nói:
- Tâu Ðại vương, ngài cần gì ạ?
Vua phán:
- Ðến vương phòng của hoàng hậu và mang Dhammapàla lại đây.
Hoàng hậu biết rằng vua đã giận dữ bỏ đi nên bà đã đặt Bồ-tát vào lòng và ngồi khóc. Viên quan hành hình đến và tống một đấm vào lưng bà, giật Bồ-tát ra khỏi tay bà rồi mang đến cho vua và thưa:
- Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa?
Vua sai mang một tấm ván đến đặt trước mặt ông và nói:
- Ðặt nó vào đó.
Người ấy làm theo lời vua. Nhưng hoàng hậu đã đến đứng ngay sau con mình và khóc. Viên quan hành hình lại nói:
- Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa ạ?
Vua bảo:
- Hãy chặt hai bàn tay của Dhammapàla.
Hoàng hậu thưa:
- Ðại vương, con trai tôi chỉ là một đứa bé lên bảy tháng. Nó có biết gì đâu! Lỗi không phải là của nó. Nếu có lỗi nào thì đấy là lỗi của tôi. Do đó ngài hãy sai chặt tay tôi đi!
Rồi để cho rõ nghĩa, bà đọc bài kệ đầu:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt tay tôi, người bất hạnh.
Vua nhìn viên quan hành hình, y hỏi:
- Tâu đại vương, ngài cần gì?
Vua phán:
- Chớ chần chờ, chặt tay đứa bé đi!
Lúc ấy viên quan hành hình lấy cái rìu sắt chặt đứt hai bàn tay như những búp măng của Bồ-tát. Khi đôi tay bị chặt đứt, hài nhi vẫn không khóc, không than mà chỉ chịu đựng với lòng kham nhẫn, nhân từ. Nhưng hoàng hậu Candà lượm các đầu ngón tay của con đặt vào lòng, máu vấy khắp, bà than khóc thảm thiết. Viên quan hành hình lại hỏi:
- Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
Vua đáp:
- Chặt hai bàn chân nó.
Nghe thế, Candà đọc đoạn thơ thứ hai:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pa-la,
Và hãy chặt chân tôi, người bất hạnh.
Nhưng vua ra hiệu cho viên quan hành hình và ông chặt cả hai chân Bồ-tát. Hoàng hậu Candà lượm hai bàn chân con đặt vào lòng máu me vấy khắp, bà than khóc và nói:
- Tâu Ðại vương Mahàpatàpa, mẹ phải chăm nuôi con. Tôi sẽ làm việc để kiếm tiền chăm nuôi nó. Xin ngài giao nó cho tôi.
Viên quan hành hình nói:
- Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa? Công việc của tôi thế là xong chưa?
Vua bảo:
- Chưa đâu!
- Tâu Ðại vương, thế ngài cần gì nữa?
- Chặt đầu nó đi. Vua bảo.
Candà lại đọc bài kệ thứ ba:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa,
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt đầu tôi, người bất hạnh.
Nói xong, hoàng hậu đưa đầu mình ra. Viên quan hành hình lại bảo:
- Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
- Chặt đầu đứa bé đi! Vua phán.
Thế rồi người ấy chặt đầu Bồ-tát và hỏi:
- Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa?
- Chưa. Vua bảo.
- Thưa Ðại vương, còn phải làm gì nữa?
Vua nói:
- Hãy lấy gươm đâm nó, lấy gươm mà cắt quanh thân nó, làm như nó có đeo tràng hoa vậy.
Người ấy tung thân Bồ-tát lên không lấy mũi gươm đâm vào, rồi cắt quanh thân ngài làm như thân có đeo một tràng hoa và rải các miếng thịt trên bệ. Candà đặt thịt của Bồ-tát vào lòng, ngồi xuống than khóc và đọc các bài kệ sau đây:
Cận thần chẳng ai can
Một lời với chúa công:
Chớ giết kẻ thừa kế
Từ ruột ngài nên thân!
Thân quyến chẳng một người
Nhẹ khuyên vua một lời:
Chớ giết đi hoàng tử
Ngài đã ban cuộc đời!
Ðọc hai bài kệ ấy xong, hoàng hậu Candà đè hai bàn tay lên ngực đọc bài kệ thứ sáu:
Hỡi Dham-ma-pà-la,
Dòng chính thống sinh ra;
Ðể trị vì trọn cõi
Tay con từng tắm dội,
Với dầu thơm chiên-đàn,
Nay nằm đấy, máu tràn.
Hỡi ôi, ta nghẹn thở,
Nghẹn cả lời kêu than.
Trong khi bà than vãn như thế, trái tim bà vỡ ra như một cây tre nổ giữa khu rừng đang cháy và bà ngã xuống chết ngay tại đó. Vua cũng không thể ngồi trên ngai vàng mà ngã xuống bệ. Ngay đó, đất nứt ra làm hai và vua rơi vào chỗ nứt ấy. Ðất rắn chắc dù dày gấp hàng ngàn lần hơn hai trăm ngàn dặm vẫn không thể chịu nổi sự hung ác của ông ta, đã nứt ra làm đôi và mở rộng khe ra. Lửa từ ngục Avìci (A-tỳ) vọt ra ập vào bọc lấy vua như một vương bào bằng len, rồi dìm ông vào ngục A-tỳ.
Các đại thần làm lễ tống táng hoàng hậu Candà và Bồ-tát.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là vua, Mahàpajàpati là Candà, còn ta là hoàng tử Dhammapàla. 359. Chuyện Con Nai Vàng (Tiền thân Suvannamiga)
Hỡi chân vàng hãy dồn hết sức...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một thiếu nữ thuộc gia đình quí phái ở Xá-vệ.
Cô ta là con gái của một người hầu cận hai vị Trưởng Tỷ-Kheo ở Xá-vệ và là một tín đồ thuần thành, liên hệ thân thiết với Phật, Pháp, Tăng, thường xuyên làm việc thiện, thông tuệ đối với đạo giải thoát, chuyên tâm bố thí và những hành vi đạo đức như thế.
Một gia đình khác ở Xá-vệ, cùng một đẳng cấp nhưng theo ngoại đạo hỏi cưới cô ta. Cha mẹ cô bảo:
- Con gái của chúng tôi là một tín đồ thuần thành, qui y Tam bảo, bố thí và làm các việc thiện, nhưng ông bà lại có quan điểm ngoại đạo. Và vì ông bà sẽ không cho phép nó bố thí, hoặc nghe Pháp, hoặc đến thăm tinh xá, giữ giới luật đạo đức, tuân hành các ngày trai giới như nó vẫn muốn nên chúng tôi sẽ không gả nó về nhà quí vị được. Hãy chọn một thiếu nữ thuộc một gia đình ngoại đạo giống như quí vị vậy.
Khi lời cầu hôn của gia đình kia bị từ chối, họ bảo:
- Xin cứ cho con gái của quí vị đến nhà chúng tôi và làm mọi việc như thế đúng theo ý muốn của cô. Chúng tôi sẽ không ngăn cản cô ta đâu. Xin hãy chấp thuận yêu cầu ấy.
Gia đình cô gái bảo:
- Thế thì quí vị hãy đem nó về đi.
Lễ cưới được cử hành vào một ngày tốt lành và cô gái được đưa về nhà chồng. Cô tỏ ra rất chuyên chính trong việc hoàn tất các bổn phận, là một người vợ tận tụy, một nàng dâu đảm đang đối với cha mẹ chồng.
Một hôm cô nói với chồng:
- Chàng ơi, em muốn cúng dường các Tỷ-Kheo của gia đình ta.
- Ðược lắm, em ạ. Em cứ cúng dường đúng như em thích.
Thế là một hôm cô mời các Tỷ-Kheo ấy và tổ chức một cuộc khoản đãi lớn. Cô cúng dường các thức ăn hảo hạng và cung kính ngồi cách xa các vị ấy và bảo:
- Bạch chư Tôn giả, gia đình này ngoại đạo và không có lòng tin. Họ không biết giá trị của Tam bảo. Dù thế, xin chư vị cứ tiếp tục nhận thực phẩm nơi đây cho đến khi họ hiểu được giá trị của Tam Bảo.
Các Tỷ-Kheo nhận lời và tiếp tục thọ thực tại đó. Cô lại bảo với chồng:
- Chàng ơi, quí Tỷ-Kheo vẫn thường xuyên đến đây luôn, sao chàng không ra gặp các ngài?
Nghe thế, chàng đáp:
- Tốt lắm, ta sẽ ra gặp các ngài.
Ngày hôm sau, khi các Tỷ-Kheo thọ thực xong, cô ta lại nhắc chồng. Chàng đến ngồi xuống một bên và từ tốn thưa chuyện cùng các vị ấy. Thế rồi Tướng quân Chánh Pháp Sàriputta thuyết Pháp cho chàng. Chàng rất thích thú nghe giảng và nhìn thấy thái độ nhu hòa ân cần của các Tỷ-Kheo, nên từ hôm đó trở đi chàng luôn luôn soạn sẵn thảm cho các Trưởng Lão ngồi và lọc nước cho các vị ấy dùng và trong khi các vị ấy thọ thực, chàng chăm chú nghe giảng Pháp. Chẳng bao lâu, chàng không còn theo các quan điểm ngoại đạo nữa.
Thề rồi một hôm, Trưởng Lão giảng Pháp, tuyên thuyết Tứ Ðế cho hai vợ chồng ấy và khi bài thuyết giảng chấm dứt, cả hai vợ chồng đều đắc quả Dự Lưu. Từ đó, tất cả mọi người trong gia đình ấy, từ các bậc cha mẹ cho đến người giúp việc đều bỏ hết các tà kiến ngoại đạo và hết lòng vì Phật, Pháp, Tăng.
Một hôm, cô gái bảo với chồng:
- Chàng ơi, em có gì liên quan với đời sống gia đình nữa đâu? Em mong được sống đời tu hành.
Chàng đáp:
- Tốt lắm em ạ, ta cũng muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh.
Thế là chàng vui vẻ dẫn cô đến một Ni chúng và cô được nhận làm một Sa-di-ni, còn chàng cũng đến với bậc Ðạo Sư để xin vào Tăng Ðoàn. Lúc đầu bậc Ðạo Sư nhận chàng làm Sa-di, sau đó cho chàng thọ giới Tỷ-Kheo. Cả hai đều đạt tuệ nhãn và chẳng bao lâu đắc Thánh quả.
Một hôm, các Tỷ-Kheo bàn tán trong pháp đường:
- Này các Hiền giả, người phụ nữ nọ nhờ lòng tin của chính mình và của chồng mà trở thành một Sa-di-ni. Rồi cả hai người sống cuộc đời Phạm hạnh, đạt tuệ nhãn và đắc Thánh quả.
Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn chuyện gì và sau khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ cô ấy mới giải thoát cho chồng khỏi những ràng buộc của khổ đau. Xưa kia cũng thế, cô cũng đã giải thoát các bậc hiền trí khỏi những ràng buộc của cái chết.
Ngài dạy đến đó rồi im lặng, nhưng vì các Tỷ-Kheo thúc nài, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Nai vàng và lớn thành một con vật đẹp đẽ duyên dáng với màu sắc vàng ròng. Ðôi chân trước và sau của ngài như được phủ bằng một thứ sơn bóng. Sừng như bằng bạc, mắt như những viên ngọc, miệng như một cuộn len đỏ. Con Nai cái, vợ Ngài, cũng là một con vật rất xinh đẹp. Cả hai sống hòa hợp, hạnh phúc với nhau. Tám vạn nai đốm đi theo hầu Bồ-tát.
Trong khi bầy nai sống nơi ấy, một người thợ săn đặt bẫy vào chỗ nai lui tới. Một hôm, đang dẫn dắt bầy nai, Bồ-tát bị mắc chân vào bẫy. Ðể làm đứt dây thòng lọng, ngài giựt mạnh đến đứt cả da chân. Ngài lại giựt nữa và bị đứt tới thịt. Lần thứ ba, ngài lại giựt và bị phạm tới gân. Rồi cái dây thắt vào tận xương. Không thể phá bẫy được, Nai rúng động vì sợ chết đến độ kêu la từng hồi. Nghe thế bầy nai kinh hoàng chạy trốn. Nhưng con Nai cái, trong lúc chạy trốn, không thấy Bồ-tát trong bầy liền nghĩ: "Hẳn là nỗi kinh hoàng có liên hệ đến chồng ta rồi". Rồi Nai cái vội phóng đến bên chồng tuôn trào nước mắt và than:
- Chàng ơi, chàng mạnh mẽ đến thế, sao lại không thắng được cái bẫy chứ? Hãy cố sức mà tàn phá bẫy đi!
Ðể khích lệ Bồ-tát, vợ ngài đọc bài kệ đầu:
Hỡi chân vàng, hãy dồn hết sức,
Ðể thoát ra cho dứt bẫy này,
Mất chàng, há thiếp vui say
Thảnh thơi dong ruổi đó đây trong rừng?
Nghe thế, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Ta đây đã quá chừng cố gắng,
Tự do nào đạt đặng đâu mà!
Càng vùng để thoát thân ra,
Mối dây càng thắt thịt da thế này.
Thế rồi Nai cái bảo:
- Chàng ơi, đừng sợ. Em sẽ hết sức van xin người thợ săn và sẽ hy sinh mạng sống của em và để xin đổi mạng cho chàng.
Vừa an ủi bậc Ðại sĩ, vợ ngài vẫn tiếp tục ôm lấy Bồ-tát mình đang rớm máu. Nhưng người thợ săn tay cầm gươm và lao đã đến gần, giống như một ngọn lửa hủy diệt vào lúc mở đầu một chu kỳ. Khi thấy người ấy, Nai cái bảo:
- Chàng ơi, người thợ săn đã đến. Em sẽ đem hết khả năng để cứu chàng. Chàng chớ sợ.
An ủi chồng xong, nai cái đến gặp người thợ săn, đứng cách một khoảng để tỏ vẻ kính trọng, nai chào người ấy và nói:
- Thưa ngài, chồng tôi là một con Nai có màu vàng ròng, đầy đủ mọi đức hạnh và là vua của tám vạn con nai.
Ca ngợi Bồ-tát xong, Nai xin hy sinh mạng sống của mình để vua bầy nai khỏi bị hại. Rồi Nai đọc bài kệ thứ ba:
Nơi đây, hãy trải lá dày
Chúng tôi sẽ ngã xuống ngay đây mà,
Thợ săn, hãy rút gươm ra
Giết tôi, rồi giết tiếp là chồng tôi!
Nghe thế, người thợ săn rất kinh ngạc, liền nghĩ: "Ngay cả người ta cũng không hy sinh đời mình cho vua nữa huống chi là loài vật. Thế này nghĩa là gì chớ? Con vật nói với một giọng êm dịu như tiếng người. Hôm nay, ta sẽ tha mạng cho nó và cho chồng nó". Rất thích thú nai cái, người thợ săn đọc bài kệ thứ tư:
Con vật nói tiếng người
Ta chưa thấy trên đời
Nai hiền, an tâm nhé!
Chân vàng, dứt sợ thôi!
Thấy Bồ-tát được tha ra, Nai cái vô cùng sung sướng liền quay lại cám ơn người thợ săn và đọc bài kệ thứ năm:
Hôm nay tôi thích thú đầy tràn,
Nai vĩ đại này được thoát thân,
Vậy thợ săn, người vừa gỡ bẫy,
Hãy vui vầy với mọi thân nhân.
Bấy giờ Bồ-tát tự nghĩ: "Người thợ săn này đã tha mạng ta và vợ ta và cả tám vạn nai kia. Ông đã là nơi nương nhờ của ta, vậy ta cũng phải là nơi nương nhờ của ông ta". Và với tính chất của một bậc đức hạnh tối cao, ngài nghĩ: "Ta phải đền cho ân nhân của ta". Rồi ngài trao cho người thợ săn một viên ngọc kỳ diệu mà ngài đã tìm được ở nơi ngài thường đi kiếm ăn và nói:
- Này bằng hữu, từ nay, chớ giết hại sinh vật nào nữa, với viên ngọc này, hãy xây dựng gia đình, vợ con, hãy bố thí và làm các việc thiện khác.
Khuyến dụ xong Nai biến vào trong rừng.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Channa (Xa-mặc) là người thợ săn, Sa-di-ni ấy là con Nai cái, còn ta là Nai chúa kia.
-ooOoo- 360. Chuyện Hoàng Hậu Sussondi (Tiền thân Sussondi)
Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo thối thất.
Bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông ta thèm muốn đời thế tục và ông ta thấy điều gì khiến ông ta ân hận đã thọ giới. Vị Tỷ-Kheo trả lời:
- Tất cả là do nét yêu kiều của một phụ nữ.
Bậc Ðạo Sư dạy:
- Thật thế, này Tỷ-Kheo, không thể nào canh phòng được phụ nữ. Các bậc hiền trí ngày xưa, dù họ thận trọng ở tại trú xứ của loài Garudas (Kim sí điểu: chim thần cánh vàng), họ cũng không thể canh giữ phụ nữ.
Rồi do Tỷ-Kheo ấy thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện thời xưa.
*
Ngày xưa, vua Tamba trị vì Ba-la-nại, chánh hoàng hậu tên là Sussondi là một phụ nữ đẹp tuyệt vời.
Bấy giờ, Bồ-tát sinh ra là một Garuda (chim thần cánh vàng) trẻ. Bấy giờ đảo Nàga (Long thần) được gọi là đảo Seruna. Ngài đến Ba-la-nại giả nam trang và chơi súc sắc với vua Tamba. Nhận thấy sắc đẹp của ngài, người ta bảo Sussondi:
- Một trang thanh niên như thế... như thế... thường chơi súc sắc với đức vua.
Nàng ao ước được thấy ngài.
Rồi một hôm, nàng trang điểm thật đẹp và đi đến phòng đánh súc sắc. Ðứng nơi ấy, trong đám hầu cận, nàng nhìn đăm đăm vào chàng thanh niên. Chàng cũng nhìn đăm đăm vào hoàng hậu và cả hai đâm ra yêu nhau. Vua chim thần Garuda dùng thần lực, khởi lên một cơn bão ập vào thành phố. Mọi người vì sợ nhà sập, đã phóng chạy ra khỏi cung điện. Với quyền năng, vua Garuda khiến cho cung điện tối đen rồi mang hoàng hậu theo mình bay lên không, về chỗ trú ngụ của riêng mình ở đảo Nàga. Nhưng chẳng ai biết việc đi hay đến của Sussondi.
Vua Garuda vui thú với nàng và vẫn đến chơi súc sắc với vua Tamba. Bấy giờ vua Tamba có một nhạc công tên là Sagga. Không biết hoàng hậu đã đi đâu, vua gọi nhạc công ấy lại và nói:
- Bây giờ ngươi hãy khám phá xem điều gì đã xảy ra cho hoàng hậu.
Nói thế xong vua truyền lệnh cho Sagga ra đi.
Sagga mang theo các thứ cần thiết cho cuộc hành trình và khởi sự tìm kiếm từ cổng thành, cuối cùng chàng đến Bhàrukaccha. Lúc ấy các thương gia ở Bhàrukaccha đang giương buồm đi đến vùng Kim Ðịa. Chàng đến gần họ và nói:
- Tôi là một nhạc công. Nếu các ông miễn tiền tàu cho tôi thì tôi sẽ làm như một nhạc công của các ông. Hãy mang tôi theo với!
Họ chấp thuận như thế, cho chàng lên tàu và nhổ neo. Khi thuyền đi được khá xa, họ gọi chàng và bảo chàng trổi nhạc cho họ nghe. Chàng nói:
- Tôi muốn trổi nhạc, nhưng nếu làm thế, cá sẽ bị kích động quá đến nỗi thuyền của các ông sẽ chìm đấy.
Các thương gia nói:
- Nếu chỉ là một con người tầm thường trổi âm nhạc thì chẳng có gì kích động đến phía cá. Cứ chơi nhạc đi cho chúng tôi nghe.
- Thế thì đừng tức giận tôi nhé.
Nói xong, chàng lên dây đàn giữ cho lời ca hài hòa toàn hảo với tiếng dây đàn đệm theo rồi trổi nhạc cho họ nghe. Bọn cá điên cuồng khi nghe âm thanh ấy và quẫy tung cả lên. Một con hải quái nhảy vọt lên, rơi vào thuyền và làm thuyền vỡ đôi.
Sagga nằm trên một tấm ván được gió đẩy đi cho đến khi chàng giạt vào một cây đa ở đảo Nàga, nơi vua chim Garuda ở. Bấy giờ hoàng hậu Sussondi, như mỗi lần vua chim thần Garuda đi chơi súc sắc, vẫn từ nhà đi xuống và đi lang thang dọc bãi biển, nàng trông thấy và nhận ra nhạc công Sagga, nàng bèn hỏi chàng đến đây bằng cách nào. Chàng kể lại toàn bộ câu chuyện cho nàng nghe. Nàng an ủi chàng và nói:
- Ðừng sợ.
Rồi ôm chàng trong đôi cánh tay, nàng đem chàng về chỗ nàng ở, và đặt chàng nằm trên một chiếc trường kỷ. Khi chàng phục hồi đầy đủ sức lực, nàng cho chàng ăn những thức ăn của thần tiên, tắm chàng trong nước hoa thần tiên, mặc cho chàng những y phục thần tiên và trang sức cho chàng bằng những bông hoa có mùi thơm thần tiên và để chàng nằm trên một sàng tọa thần tiên. Nàng săn sóc chàng như thế, và mỗi khi vua chim thần Garuda trở về, nàng đem giấu người yêu, và ngay khi vua ra đi do ảnh hưởng của đam mê, nàng hưởng lạc thú với chàng.
Một tháng rưởi sau, một số thương gia cư ngụ ở Ba-la-nại ghé lên dưới góc cây đa trong đảo này để lấy củi và nước. Chàng nhạc công lên thuyền với họ và về tới Ba-la-nại đúng vào lúc chàng thấy vua đang chơi súc sắc, chàng liền cầm đàn, tấu nhạc và đọc bài kệ đầu:
Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm,
Tôi nghe ra biển thẳm rền la,
Vì tình tôi khổ, Tam-ba,
Sus-son-di đẹp cách xa tôi rồi!
Nghe thế, vua Garuda đọc bài kệ thứ hai:
Biển bão tố, sao người qua được
Se-ru-ma mà vẫn an hòa?
Cách nào, hãy nói, Sag-ga,
Sus-son-di đẹp, người đà đến ngay?
Bấy giờ Sagga đọc ba bài kệ tiếp theo:
Từ Bhà-ru-kac-cha,
Cùng với đoàn thương gia,
Thuyền tôi đi bị đắm
Vì hải quái gây ra,
Tôi nhờ vào tấm ván
Mà ghé được vào bờ.
Một hoàng hậu thơm tho
Với bàn tay dịu hiền
Nhẹ nhàng nâng tôi lên
Ðặt tôi vào đầu gối.
Hẳn như tôi lúc ấy
Là con thực của nàng.
Nàng cho mặc, cho ăn,
Và khi tôi nằm đấy,
Nàng nhìn chỗ tôi nằm,
Bằng đôi mắt đắm đuối,
Suốt cả ngày như vậy,
Chúa Tam-ba, nên biết,
Ðây lời thực tôi trình.
Khi chàng nhạc công nói như thế, vua chim thần Garuda vô cùng ân hận và nói:
- Dù ta ở tại trú xứ của chim thần Garuda, ta cũng không thể giữ nàng an toàn được. Người đàn bà xấu xa này đối với ta còn ra gì nữa?
Do đó vua Garuda mang nàng về trả lại cho vua Tam-ba rồi bỏ đi và từ đó không quay lại nữa.
*
Sau khi chấm dứt bài giảng, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Khi Ngài kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-Kheo có tâm trần tục kia đắc quả Dự Lưu. Sau đó Ngài nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Ànanda là vua ở Ba-la-nại, còn Ta là vua chim thần Garuda.
-ooOoo- 361. Chuyện Sắc Đẹp (Tiền thân Vannàroha)
Có phải chăng Su-dà-tha nói...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hai vị Ðại đệ tử.
Một lần nọ, hai vị Chánh Trưởng lão quyết định suốt trong mùa mưa sẽ chuyên tâm độc cư. Vì vậy họ từ biệt bậc Ðạo Sư rời Tăng chúng, đi khỏi Kỳ Viên, tự tay mang theo y, bát và đến sống trong một khu rừng gần một làng ở biên địa.
Một người đàn ông nọ phục vụ hai vị Trưởng lão và sống bằng các thức ăn thừa của họ, cũng ở riêng một nơi trong khu ấy. Khi thấy hai vị Trưởng lão sống với nhau một cách hạnh phúc như thế, anh ta nghĩ:
- Chẳng biết ta có làm cho họ bất hòa không nhỉ!
Thế là anh ta đến gần Trưởng lão Sàriputta (Xá-lợi-phất) và bảo:
- Thưa Tôn giả, có thể có sự cãi cọ nào giữa ngài và Ðại Trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) không?
- Vì sao ông bảo thế? Trưởng lão hỏi.
- Thưa Thánh giả, vị ấy chê bai ngài và bảo: "Khi ta vắng, Xá-lợi-phất có gì xứng đáng để so sánh với ta về đẳng cấp, dòng dõi, gia đình và xứ sở hoặc về năng lực chứng đạt các Thánh điển!
Vị Trưởng lão mỉm cười và đáp:
- Ði đi, ông bạn.
Một hôm khác người ấy lại đến gần Ðại Trưởng lão Mục-kiền-liên và cũng bảo như thế. Vị này cũng mỉm cười và nói:
- Ði đi, ông bạn!
Mục-kiền-liên đến gặp Xá-lợi-phất và hỏi:
- Ông bạn sống bằng các thứ dư thừa của chúng ta ấy có nói gì với Hiền giả không?
- Vâng, có đấy, Hiền giả ạ.
- Và ông ta cũng nói đúng như thế với tôi. Chúng ta phải đuổi ông ta đi.
- Tốt lắm Hiền giả, hãy đuổi ông ta đi.
Trưởng lão bảo:
- Ông không được đến đây.
Và búng tay tỏ ra khinh miệt anh ta, ngài đuổi anh ta đi. Hai vị Trưởng lão sống hạnh phúc với nhau, và khi quay về với bậc Ðạo Sư, họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư ân cần nói chuyện với họ và hỏi họ có sống thời biệt cư của họ một cách hỷ lạc không. Họ bạch:
- Có một anh hành khất kia muốn làm cho chúng con bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa rồi.
Bậc Ðạo Sư dạy:
- Thực thế, này Xá-lợi-phất, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, anh ta đã nghĩ cách làm cho các ông bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa.
Rồi do yêu cầu các Trưởng lão, Ngài kể một chuyện thời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Thần cây trong một khu rừng. Bấy giờ có một con Sư tử và một con Hổ sống trong một cái động núi ở khu rừng ấy. Một con Chó rừng hầu hạ chúng và nhờ sống bằng thịt ăn thừa của chúng, nó bắt đầu mập ra.
Thế rồi một hôm, nó chợt nghĩ: "Ta chưa bao giờ ăn thịt một con sư tử hay một con hổ. Ta phải làm cho hai con này bất hòa với nhau, và kết quả của việc tranh cãi nhau là chúng phải chết, bấy giờ ta sẽ ăn thịt chúng".
Thế là nó đến gần Sư tử và nói:
- Thưa ngài, có sự tranh cãi nào giữa ngài và Hổ không?
- Sao anh bảo thế?
- Thưa Tôn giả, Chó rừng hỏi - Hổ chê bai ngài và bảo: Khi ta đi vắng, tên Sư tử này sẽ chẳng bao giờ được bằng một phần mười sáu sắc đẹp của ta, vóc dáng và vòng ngực ta, sức mạnh và quyền năng tự nhiên của ta.
Bấy giờ Sư tử nói với nó:
- Xéo đi, Hổ sẽ chẳng bao giờ nói ta như thế.
Thế rồi Chó rừng cũng đến gần Hổ và nói theo cách ấy. Khi nghe nó nói, Hổ chạy đến Sư tử và hỏi:
- Này bạn, có thật rằng bạn đã nói về tôi như thế, như thế?
Rồi Hổ đọc bài kệ đầu:
Có phải chăng Su-dà-tha nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung.
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-bà-hu cũng phải nhường thua tôi!
Nghe thế, Su-dà-tha (Răng mạnh, tức Sư tử) đọc bốn bài kệ còn lại:
Có phải chăng Su-bà-hu nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-dà-ha cũng phải nhường thua tôi!
Nếu lời bạn chê bai như vậy,
Thì bạn đâu còn phải bạn tôi!
Chuyện tầm phào, lắng nghe rồi
Sẽ gây tranh cãi với người bạn ta,
Và trong thù hận cay chua
Mối tình thân hữu sẽ là đứt ngang.
Ðã là bè bạn thương thân,
Ai đâu nghi ngại chẳng nhân cớ nào!
Ai đâu tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau làm gì!
Niềm tin bạn, ta thì vẫn giữ
Như trẻ thơ tin vú mẹ thân.
Chẳng gì kẻ lạ nói năng
Mà đành có lúc tách phân bạn lòng.
Khi bốn bài kệ ấy đã nêu lên phẩm cách của một bạn thân, Hổ nói:
- Tôi có lỗi.
Và nó xin lỗi Sư tử. Sau đó chúng cùng nhau sống hạnh phúc tại nơi ấy. Còn Chó rừng ra đi và tìm đến nơi khác.
*
Sau khi chấm dứt bài dạy, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ, con Chó rừng kia là người hành khất sống bằng thức ăn thừa, con Sư tử là Xá-lợi-phất, con Hổ là Mục-kiền-liên, còn vị Thần sống trong rừng ấy và chứng kiến tận mắt toàn thể chuyện này là Ta.
-ooOoo- 362. Chuyện Thử Nghiệm Đức Hạnh (Tiền thân Sìlavimamsa)
Ðức hạnh và kiến thức...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn muốn thử thách năng lực của đức hạnh.
Người ta kể rằng, do ông nổi danh về đức hạnh, vua đã đặc biệt tôn trọng ông hơn hẳn các Bà-la-môn khác. "Ðức vua đặc biệt tôn trọng ta, có phải vì ta có đức hạnh hay vì ta đạt kiến thức cao? Ta sẽ thử nghiệm xem đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn".
Thế là một hôm, ông rút lấy một đồng trong kho tiền của vua. Người thủ kho vì kính ông đã không nói một lời nào. Việc ấy lại xảy ra lần thứ hai, người thủ kho cũng chẳng nói gì. Nhưng đến lần thứ ba, người thủ kho bắt ông ta như bắt một kẻ sinh sống bằng nghề trộm cắp và mang ông ta đến trước nhà vua. Vua hỏi người thủ kho ông ta bị tội gì, người ấy buộc tội ông đã ăn trộm tài sản của vua.
- Này Bà-la-môn có thật thế không? Vua hỏi.
- Tâu Ðại vương, tôi không có thói ăn trộm của ngài - Ông ta bảo,- Nhưng tôi nghi ngờ không biết đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn, và khi thử nghiệm xem trong hai thứ đó, thứ nào là quan trọng hơn, tôi đã ba lần rút lấy một đồng tiền và thế rồi tôi bị bắt và mang đến trước ngài. Giờ đây tôi biết được rằng đức hạnh có hiệu năng lớn hơn là kiến thức. Tôi không còn muốn sống đời cư sĩ nữa, tôi sẽ trở thành một ẩn sĩ.
Khi được vua cho phép, chẳng cần phải nhìn tới cả nhà cửa, ông đi thẳng đến Kỳ Viên và xin quy y bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư truyền cho ông giới Sa-di và cả giới Tỷ-kheo. Ðược vào Giáo đoàn không bao lâu, ông đạt tuệ giác và đắc quả vị cao nhất. Sự việc này được bàn luận trong Pháp đường rằng Bà-la-môn nọ sau khi chứng nghiệm được năng lực của đức hạnh, đã thọ giới xuất gia và đạt tuệ giác đắc Thánh quả như thế nào.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn luận vấn đề. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
- Không phải chỉ bây giờ người này làm thế, các bậc hiền trí ngày xưa cũng đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và trở thành các ẩn sĩ đem lại sự giải thoát cho mình.
Rồi Ngài kể một câu chuyện ngày xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học được mọi ngành văn học nghệ thuật ở Takkasilà và khi trở về Ba-la-nại, ngài đến yết kiến vua. Vua giao cho ngài chức giáo sĩ hoàng gia, và vì ngài giữ năm giới, vua đối đãi kính trọng, xem ngài là người một đức hạnh. Ngài nghĩ: "Phải chăng vua kính trọng đối xử với ta như một người đức hạnh hay như một người chuyên tâm đạt kiến thức?" Và toàn bộ câu chuyện cũng đúng như sự việc ngày nay, nhưng ở đây, vị Bà-la-môn bảo:
- Bây giờ tôi đã biết đức hạnh là quan trọng hơn kiến thức.
Rồi ngài đọc năm bài kệ sau đây:
Ðức hạnh và kiến thức
Tôi đã thể nghiệm rồi.
Nay không còn ngờ vực,
Ðức hạnh tốt nhất đời.
Ðức hạnh vượt thiên phú
Ðẹp, sang suông đâu bí.
Khi ở xa đức hạnh
Kiến thức chẳng đáng chi!
Nông dân hay hoàng tử
Hễ đã vướng tội vào,
Ở cõi nào đâu chứ,
Thoát khỏi niềm khổ đau?
Dù thuộc hàng thấp kém
Hay ở lớp quý cao,
Nếu đời này đức hạnh,
Ở Thiên giới ngang nhau.
Dòng dõi và trí thức,
Thân tình, chẳng đáng đâu!
Chỉ riêng thuần đức hạnh
Ðem phước lạc mai sau.
Bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh như thế, và sau khi được vua ưng thuận, ngay ngày hôm ấy, ngài đi vào vùng Tuyết-Sơn và sống đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu. Ngài phát triển các Thắng trí và các Thiền chứng rồi được sinh vào cõi Phạm Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy và nhận diện tiền thân:
- Bấy giờ chính Ta đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và nhận lấy cuộc đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu.
-ooOoo- 363. Chuyện Hổ Thẹn (Tiền thân Hiri)
Kẻ nào dù được kính vì...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một vị phú thương bạn của ông Cấp Cô Ðộc, sống tại một tỉnh ở biên địa.
Cả câu chuyện khởi đầu và câu chuyện ngày xưa đều được kể đầy đủ trong số 90. Tiền thân cuối Phẩm thứ chín, Chương Một, nhưng ở đây khi vị thương gia ở Ba-la-nại nghe rằng những người hầu của vị thương gia xa lạ bị đoạt hết tất cả tài sản, và sau khi mất hết mọi thứ đã có, họ phải bỏ trốn, ông nói:
- Vì họ không làm điều mà họ phải làm cho những người xa lạ đã đến với họ, nên họ chẳng tìm thấy ai sẵn sàng đền đáp cho họ.
Nói thế xong, ông đọc các bài kệ sau:
Kẻ nào dù được kính vì,
Khi làm phận tớ, lòng thì ghét ta.
Chẳng làm việc tốt đâu mà,
Còn riêng lời nói rườm rà nhiêu khê,
Ta nên phải quyết một bề:
Người nào như thế, chớ hề kết giao.
Một khi đã trót hứa vào
Thực hành lời hứa làm sao cho tròn.
Việc nào chẳng thể làm xong,
Thì ta từ chối, quyết không hứa gì.
Người khôn quay mặt ngoảnh đi
Những khoa trương rỗng đáng chi để lòng.
Một khi bạn đã nhau cùng,
Thì không tranh chấp khi không cớ nào.
Chẳng hề tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau bao giờ.
Vững tin bạn, tựa trẻ thơ
Tin vào vú mẹ chẳng ngờ chút chi.
Dù người lạ nói, làm gì,
Cũng không hề muốn chia ly bạn lòng.
Tình bằng ai khéo chịu tròn
Hẳn đời tăng ích, cao khôn phước phần.
Nhưng người hưởng thú tịnh an,
Uống vào những ngụm lẽ Chân ngọt ngào.
Riêng người ấy biết làm sao
Thoát dây buộc tội, thoát bao khổ phiền.
Như vậy bậc Ðại Sĩ chán ngán tiếp giao với bạn bè xấu, do sức mạnh của độc cư, ngài đã đưa giáo lý của Ngài lên đến tột đỉnh và dẫn con người đến Niết - bàn vĩnh cửu.
*
Khi giảng xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Ta là vị thương gia ở Ba-la-nại.
-ooOoo- 364. Chuyện Con Đom Đóm (Tiền thân Khajjopanaka)
Chuyện con Ðom Ðóm sẽ được kể đầy đủ trong số 546, Tiền thân Mahà-Ummagga.
-ooOoo- 365. Chuyện Người Luyện Rắn (Tiền thân Ahigundika)
Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi....,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một Trưởng lão.
Chuyện này đã được kể đầy đủ trong số 249. Tiền thân Sàlaka.
Ở đây cũng thế, vị Trưởng lão sau khi truyền giới cho một chàng trai trong làng lại la mắng, đánh đập anh ta. Chành trai ấy chạy trốn và hoàn tục. Trưởng lão một lần nữa truyền giới cho anh và lại la mắng, đánh đập như trước. Chàng trai trẻ sau khi hoàn tục ba lần, lại được khuyến dụ quay trở lại, đã chẳng còn muốn nhìn mặt Trưởng lão ấy nữa.
Chuyện ấy được bàn tán trong Pháp đường về một Trưởng lão đã không thể sống với chú tiểu của ông mà cũng không thể sống thiếu chú ấy, trong khi chàng trai trẻ đã thấy lỗi lầm của Trưởng lão vì thiếu điềm tĩnh, anh ta lại là một chàng trẻ nhạy cảm nên đã không muốn nhìn ông nữa.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn đề mục gì. Khi nghe trình việc ấy, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, chính chàng trẻ này đã làm một chú tiểu nhạy cảm sau khi quan sát thấy lỗi lầm của Trưởng lão ấy, đã chẳng muốn nhìn ông ta nữa!
Dạy thế xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, vào triều đại Brahmadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình làm lúa mì và khi lớn lên, ngài sinh sống bằng nghề bán lúa mì.
Bấy giờ, một người dụ rắn nọ bắt được một con Khỉ rồi huấn luyện nó đóng trò với một con rắn. Thế rồi khi một cuộc hội hè được mở ở Ba-la-nại, ông ta gởi con Khỉ cho người bán lúa mì và đi rong khắp trong bảy ngày làm trò với con Rắn. Trong thời gian ấy, vị thương gia nuôi con Khỉ bằng thức ăn loại cứng, loại mềm.
Vào ngày thứ bảy khi đã say sưa ở chỗ vui chơi hội hè ấy, người dụ rắn trở về và ba lần đánh đập con Khỉ bằng một thanh tre rồi đem nó theo vào trong một khu vườn, cột nó lại và nằm ngủ. Con Khỉ tháo được dây ra rồi trèo lên cây xoài, ngồi đó ăn trái. Khi thức dậy người dụ rắn thấy con Khỉ ngồi trên cây, liền nghĩ: "Ta phải bắt nó bằng cách tán tỉnh nó". Rồi khi nói chuyện với nó, ông đọc bài kệ đầu:
Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi,
Như người chơi bị súc sắc phá tàn,
Hãy ném xoài đây; Ta biết rõ ràng
Ta sống được nhờ bạn nhiều mưu kế.
Khi nghe thế, con Khỉ đọc các bài kệ còn lại:
Lời bạn khen, âm thanh vô nghĩa thế,
Khỉ đẹp xinh: Bao giờ kiếm cho ra!
Xin hỏi ai trong hàng quán say sưa,
Nay bỏ đói và đánh ta đau vậy?
Anh dụ rắn hỡi, ta đây nhớ lại
Giường khổ đau nơi ta phải nằm vào.
Nếu có ngày ta lên nắm ngôi cao,
Chớ xin ta rỉ chút nào ân huệ.
Vì ta nhớ bạn từng hung ác thế,
Nhưng nếu ai vui vẻ sống trong nhà
Hạng thanh cao, chịu đem của trao ra,
Thì sẽ được người khôn giao kết chặt.
Nói những lời này xong, con Khỉ biến mất trong bầy khỉ bạn.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Trưởng lão này là người dụ rắn nọ, chú tiểu là con Khỉ, còn Ta là người bán lúa mì.
-ooOoo- 366. Chuyện Con Quỷ Gumbiya (Tiền thân Gumbiya)
Thuốc độc giống như mật ngọt ngào....,
Cây chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo hối tiếc vì đã thọ giới.
Bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông đã hối tiếc như thế không.
- Bạch ngài, đúng thế. Ông ta đáp.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Ông đã thấy điều gì khiến ông cảm thấy như thế?
Khi vị Tỷ-kheo đáp:
- Ðấy là do những vẻ duyên dáng hấp dẫn của một phụ nữ.
Bậc Ðạo Sư dạy:
- Năm thứ ham muốn giống như mật có rảy thuốc độc giết người do quỷ Gumbiya để giữa đường.
Rồi do yêu cầu của Tỷ-kheo ấy, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một thương gia mang theo năm trăm chiếc xe chở hàng hóa đi bán. Ðến đường cái, trước khi vào một khu rừng, ngài gọi các thành viên trong đoàn lại và nói:
- Này, trên con đường này có lá, hoa, trái vân vân, tất cả đều có thuốc độc đấy. Khi ăn, chớ ăn các thứ lạ mà không hỏi ta: Vì bọn quỷ đã để trên đường những rổ cơm mới và nhiều thứ quả hoang ngon ngọt và rưới thuốc độc lên. Hãy dứt khoát đừng ăn thức ăn ấy nếu không được ta chấp thuận.
Sau khi dặn dò như thế, ngài tiếp tục cuộc hành trình.
Bấy giờ một quỷ Yakkha nọ, tên Gumbiya, rải lá trên một khoảng đất giữa rừng và thả vài miếng mật, trên đó có thuốc độc giết người; còn nó đi đây đó trên đường, giả vờ vỗ vào cây cối, làm như đang tìm mật. Những người không biết gì cứ nghĩ: "Mật này được để đây, hẳn phải là một nghĩa cử". Thế là họ phải chết vì ăn mật ấy. Và bọn quỷ đến ăn thịt họ.
Trong thương đoàn của Bồ-tát cũng có một số người vốn tham ăn, khi thấy những thứ ngon này, không kìm lòng được liền ăn vào. Nhưng những người khác khôn ngoan bảo:
- Ta sẽ hỏi Bồ-tát trước khi ăn.
Và họ cầm các thức ăn ấy và đứng đó. Khi Bồ-tát thấy các thứ họ đang cầm trong tay, ngài bảo họ ném đi. Những người đã ăn trọn phần đều chết. Nhưng đối với mỗi người chỉ mới ăn phân nửa, ngài khiến họ nôn ra, và sau khi họ đã nôn hết, ngài cho họ bốn thứ thơm ngọt và do thần lực của ngài, họ được lành.
Bồ-tát đến nơi mà ngài muốn đến một cách bình an, và sau khi giao hàng, ngài trở về nhà.
Thuốc độc giống như mật ngọt ngào
Khi ta ngửi, nếm hoặc nhìn vào,
Gum-bi-ya đã bày ra đó,
Mục đích hại người thật hiểm sao!
Hễ kẻ nào ham ăn hưởng mật,
Ăn vào, phải chết giữa rừng sâu.
Những ai khôn tránh xa mồi nhử,
Giữ được an lành, khỏi khổ đau.
Tham dục cũng như mồi dục vậy,
Ðược bày ra để hại con người,
Tấm lòng tham ái thường khi vẫn
Phản bội, đưa người đến chết thôi.
Những hễ kẻ nào dù yếu đuối,
Tránh xa ác dục cuốn lôi người,
Chính là kẻ thoát dây ràng buộc
Của nỗi thương đau, thoát khổ rồi.
*
Sau khi đọc các bài kệ trên được cảm tác do trí tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư khai thị Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo thối thất ấy đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Ta là vị thương gia ấy.
-ooOoo- 367. Chuyện Vị Y Sĩ Già (Tiền thân Saliya)
Kẻ nào khiến bè bạn....,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm, về một lời nói rằng Ðề-bà-đạt-đa đến cả kêu cứu cũng không thể được.
*
Khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia chủ ở làng. Khi còn trẻ ngài chơi đùa với các cậu trai khác dưới một gốc cây ở cổng làng. Bấy giờ có một y sĩ già nghèo khổ, không có việc làm, lang thang ra khỏi làng, và đến nơi ấy, trông thấy một con rắn nằm ngủ giữa nhánh chĩa của một cây nọ, đầu rúc vào trong. Ông ta nghĩ: "Ta chẳng được gì ở trong làng cả. Ta sẽ tán dụ tụi bé con này, khiến cho con rắn cắn chúng và thế là ta sẽ được thứ gì đó vì đã chữa chúng". Vì thế, ông ta bảo Bồ-tát:
- Nếu cháu tình cờ trông thấy con nhím, cháu có bắt nó không?
- Vâng, cháu bắt chứ. Bồ-tát đáp.
Lão già bảo:
- Xem kìa, một con nhím đang nằm giữa nhánh chĩa của cây này đấy.
Không biết rằng đó là một con rắn, Bồ-tát trèo lên cây và chộp lấy cổ nó, nhưng khi thấy rằng đấy là một con rắn thì ngài không để cho nó quay lại phía ngài, mà kềm chế lấy nó và ném vung nó ra. Con rắn rơi vào cổ của ông y sĩ già, cuốn quanh ông, cắn ông thật nặng đến nỗi răng nó cắm sâu vào thịt ông, lão già ngã xuống chết ngay tại chỗ, còn con rắn thoát đi. Mọi người xúm quanh bậc Ðạo Sĩ và khi giảng Pháp cho đám đông ấy, ngài đọc các bài kệ sau:
Kẻ nào khiến bè bạn
Bắt một con rắn độc tàn,
Bảo là nhím, chẳng hạn,
Chính kẻ ấy lãnh phần
Phải chết vì rắn cắn,
Như kẻ mong láng giềng
Gặp phải điều bất hạnh.
Ai muốn đánh một kẻ
Chẳng bao giờ đánh trả,
Sẽ bị đánh, ngã xoài
Như cú đấm chết người
Khiến kẻ ác thống khổ.
Như cát tung ngược gió
Bị thổi lại người tung.
Kẻ nào trao tai họa
Cho một bậc thiện nhân
Khổ ải quay trở lại
Cho chính kẻ điên khùng
Như cát bay trở lại,
Khi tung ngược cuồng phong.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ, ông y sĩ già nghèo khổ là Ðề-bà-đạt-đa, và cậu thiếu niên khôn ngoan là Ta.
-ooOoo- 368. Chuyện Dây Trói Buộc (Tiền thân Tacasàra)
Bị rơi vào giữa tay thù.....,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Trí tuệ Toàn hảo.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư dạy:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng vậy, Như Lai cũng đã chứng tỏ mình thông tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.
- Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình của một sở hữu chủ trong làng. Toàn bộ câu chuyện diễn tiến đúng như Tiền thân trước đây. Nhưng ở chuyện này, khi lão y sĩ chết, những người láng giềng của ông ta ở trong làng nói:
- Những thiếu niên này đã gây nên cái chết cho người ấy. Chúng ta sẽ mang chúng đến trình vua.
Rồi họ trói các chàng trẻ ấy lại và dẫn đến Ba-la-nại. Dọc đường, Bồ-tát an ủi và bảo các chàng trẻ kia:
- Ðừng sợ! Ngay cả khi các bạn bị đưa ra trước mặt vua, hãy tỏ ra không sợ hãi và lòng đầy hoan hỷ. Trước hết vua sẽ nói chuyện với chúng ta và sau đó, tôi sẽ liệu xem sẽ phải làm gì.
Cả bọn đều chấp nhận ngay lời khuyên bảo ấy và làm đúng theo như vậy. Khi vua thấy họ đều bình tĩnh và hoan hỷ, vua bảo:
- Những kẻ khốn khổ này bị xích trói và mang đến đây như những kẻ sát nhân, và dù phải khổ sở đến như vậy họ vẫn không sợ hãi mà còn hoan hỷ nữa. Ta sẽ hỏi họ lý do tại sao họ không buồn phiền.
Và vua đọc bài kệ đầu:
Bị rơi vào giữa tay thù
Bị dây tre trói buộc như thế này,
Vẫn trông tươi tỉnh mặt mày,
Làm sao người dấu được ngay khổ sầu?
Nghe thế, Bồ-tát đọc tiếp các bài kệ sau:
- Người kia than trách buồn đau
Có đâu thu được lợi nào mảy may!
Ðối phương thích thú lắm thay
Khi trông thấy nỗi khổ giày vò ta.
Thù nhân sẽ lắm ưu tư
Khi ta ngẩng mặt tiến ra số phần,
Chẳng lùi như một trí nhân
Khéo bề phán đoán tách phân mọi điều.
Dù nhờ bùa chú cao siêu
Thì thầm nho nhỏ, dù nhiều tài cao,
Người thân quyền thế giúp vào,
Mà ta thoát nạn cách nào cũng hay.
Ta nên nỗ lực cho tày
Chiếm phần ưu thắng về ngay phía mình.
Nhưng khi kết quả không thành
Nhờ người giúp hoặc riêng mình chẳng xong,
Thì ta nên vẫn một lòng
Sẵn sàng chấp nhận mà không đau buồn.
Số phần dù quá gian truân,
Ta đành nỗ lực gắng công tới cùng.
Nghe Bồ-tát giảng Pháp, vua điều tra sự việc và thấy các thiếu niên kia đều vô tội, liền sai cởi trói cho họ, ban thưởng Bồ-tát nhiều vinh dự và phong ngài làm cố vấn về thế sự và thánh sự kiêm chức đại thần cao quý. Vua cũng ban vinh dự cho các thiếu niên kia và chỉ định họ vào nhiều chức vụ khác nhau.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ, Ànanda là vua xứ Ba-la-nại, hàng phó giáo sĩ là các thiếu niên kia, còn Ta là chàng trai trẻ thông tuệ ấy.
-ooOoo- 369. Chuyện Chàng Trai Mittavinda (Tiền thân Mittavinda)
Việc xấu nào tôi đã trót gây....,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phóng dật.
Sự việc đưa đến câu chuyện sẽ giống như ở Tiền thân Mahàmittavinda (các số 41, 82, 104 và 439).
*
Bấy giờ, khi Mittavindaka bị thả xuống dưới biển, đã tỏ ra tham ái vô độ và ngày càng thái quá như vậy nên anh ta đến một nơi hành tội của các chúng sinh bị đọa vào địa ngục. Anh ta đi vào địa ngục Ussada, nhầm tưởng đấy là một đô thị và ở đó anh ta phải mang trên đầu một bánh xe bén như lưỡi dao cạo. Lúc ấy Bồ-tát mang hình hài một vị Thiên tử đi thi hành một sứ mạng đến ngục Ussada. Khi trông thấy ngài, Mittavindaka đọc bài kệ đầu theo hình thức một câu hỏi:
Việc xấu nào tôi đã trót gây
Khiến trời nguyền rủa phận tôi đây?
Ôi, đầu tôi hẳn là nứt vỡ
Vì bánh xe quay hành tội này.
Nghe thế, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Từ bỏ cửa nhà đầy phước lạc,
Ðây thì dát ngọc, đấy pha lê,
Các phòng đều chói ngời vàng bạc,
Thảm cảnh do đâu đấy bạn về?
Thế rồi Mittavindaka đọc bài kệ thứ ba:
"Lạc thú nơi kia sẽ ngập tràn,
Chốn này kém cỏi chẳng so bằng".
Ðấy là ý nghĩ gây tai ách
Và đấy tôi vào cảnh thảm thương.
Bồ-tát đọc những bài kệ sau cùng:
Từ bốn lên thành tám,
Lên mười sáu, băm hai,
Lòng tham không biết thỏa
Cứ tăng trưởng lên hoài.
Và cứ thế đưa bạn
Sinh linh tham dục đầy
Ðến khi chịu đày đọa
Ðầu mang bánh xe nầy.
Vậy tất cả thế nhân
Cứ đeo đòi tham ái,
Mãi vẫn chưa thỏa lòng,
Vẫn đòi thêm, thêm mãi.
Ðường tham lam rộng lớn,
Họ vẫn bước chân vào
Rồi phải mang như bạn
Bánh xe này trên đầu.
Nhưng trong khi Mittavindaka đang còn nói thì bánh xe rơi xuống chà nát anh ta, khiến anh ta không nói thêm được nữa. Còn vị Thiên tử quay thẳng về trú xứ của mình ở trên trời.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Tỷ-kheo phóng dật là Mittavindaka, còn Ta là vị Thiên tử.
-ooOoo- 370. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ (Tiền thân Palàsa)
Ngỗng này nói với cội Ju-das...,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự khiển trách tội lỗi.
Sự việc dẫn đến câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Pannà.
Nhưng ở đây bậc đạo Sư bảo chúng Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, phải dè chừng tội lỗi. Dù tội lỗ nhỏ bằng một chồi cây đa, nó cũng có thể tỏ ra rất tàn khốc. Các hiền trí ngày xưa cũng dè chừng điều gì tỏ vẻ đáng nghi ngại.
Dạy thế xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, dưới triều Brahnadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Ngỗng vàng và khi lớn lên, ngài sống trong một cái hang vàng trong núi Cittakùta thuộc vùng Tuyết Sơn và thường đến ăn lúa hoang mọc ở trên một cái hồ thiên nhiên. Trên con đường ngài vẫn thường qua lại có cây Judas (Hồng Phượng vĩ) lớn. Cứ mỗi bận đi và về, ngài đều dừng nghỉ tại đó. Vì thế, một mối tình bạn nảy sinh giữa ngài và vị Thần sống trong cây ấy.
Thế rồi có một con chim nọ, sau khi ăn trái chín của cây đa, đến đậu trên cây Judas và rớt phân vào nhánh chĩa của cây ấy. Sau đó, một cây đa con mọc lên nơi ấy, cao tới một tấc và rực rỡ với những chồi đỏ, lá xanh. Ngỗng chúa thấy thế liền bảo với Thần giữ cây:
- Này Hiền hữu, hễ cây nào bị chồi đa mọc đều bị hủy diệt vì chồi ấy lớn lên. Chớ để cho nó lớn lên, nếu không nó sẽ phá hủy chỗ ở của bạn đấy. Hãy trở về ngay, nhổ nó lên và ném nó đi. Ta phải dè chừng thứ gì tỏ ra đáng nghi ngại.
Nói với Thần cây như thế xong, Ngỗng đọc bài kệ đầu:
Ngỗng này nói với cội Ju-das:
Chồi của cây đa bám bạn kia,
Vật bạn vẫn nuôi trong bụng ấy
E rồi sẽ xé bạn tơi ra.
Nghe như vậy, vị thần cây không chú ý đến những lời ấy, đọc bài kệ thứ hai:
Ðể nó lớn lên tôi sẽ là
Nơi nương tựa của một cây đa.
Tôi săn sóc nó, tình cha mẹ,
Phước lạc cho tôi, nó tỏ ra.
Thế rồi Ngỗng đọc bài kệ thứ ba:
Sợ rằng đấy là mầm tai ách
Sâu tận trong lòng, bạn vẫn nuôi.
Từ biệt bạn thôi, tôi bay vút,
Hỡi ơi, nó lớn, bực lòng tôi!
Nói xong những lời kia, Ngỗng chúa dang rộng cánh và bay thẳng về núi Cittakùta. Từ đó, Ngỗng không quay lại nữa. Thế rồi cây đa lớn lên. Cây này cũng có vị Thần cây đổ xuống cùng với một cành. Bấy giờ nghĩ lại những lời của Ngỗng chúa, vị Thần cây tự bảo: "Vua của loài ngỗng đã thấy được mối nguy hại sắp tới và báo cho ta biết nhưng ta chẳng nghe lời vị ấy". Sầu than như thế, Thần đọc bài kệ thứ tư:
Quỷ hung cao tợ núi Tu-di
Ðã đẩy ta vào cảnh khốn nguy;
Lời bạn Ngỗng kia ta miệt thị,
Giờ đây ta ngập nỗi sầu bi.
Như vậy cây đa khi lớn lên làm đổ nguyên cả cây Ju-das xuống, làm cho nó chỉ còn trơ một gốc và chỗ ở của vị Thần cây bị tiêu mất hẳn.
Người khôn sinh sợ loài tầm gửi
Chèn nghẹt vật chi nó bám mình,
Bậc trí dè chừng nguy cỏ dại,
Diệt ngay rễ trước lúc mầm sinh.
Ðây là bài kệ được cảm tác do Trí tuệ Toàn hảo.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo đắc Thánh quả và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Bấy giờ Ta là Ngỗng vàng nọ.
-ooOoo- 371. Chuyện Hoàng Tử Kosala (Tiền thân Dìghitikosala)
Người đang thuộc quyền ta sinh sát....,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một nhóm người tranh cãi nhau từ Kosambi.
Khi họ đến Kỳ Viên, giữa lúc họ hòa hợp lại với nhau, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, các ông là Pháp tử của Ta trong đạo, được sinh ra do những lời nói từ miệng Ta. Con cái không được dẫm lên lời khuyên của cha, thế mà các ông lại không theo lời khuyên dạy của Ta. Các trí giả ngày xưa, khi những người đã giết cha mẹ họ, đã chiếm vương quốc họ, rồi phải rơi vào tay họ ở trong rừng, họ vẫn không giết những người ấy, dù những người ấy bị kết tội phiến loạn, mà họ bảo: Ta sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ ta đã ban cho ta.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ. Trong Tiền thân này, cả sự việc đưa đến câu chuyện và chính câu chuyện sẽ được kể đầy đủ trong Tiền thân Sanghabehedaka.
*
Bấy giờ hoàng tử Dìghàvu khi thấy vua xứ Ba-la-nại nằm bên cạnh mình ở trong rừng liền túm lấy chỏm đầu vua và nói:
- Bây giờ ta sẽ chặt tên cướp nước đã giết cha mẹ ta ra làm mười bốn miếng.
Và ngay khi chàng vung gươm, chàng nhớ lại lời cha mẹ đã khuyên dạy và tự nghĩ: "Dù ta phải hy sinh đời ta, ta cũng sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ. Cứ dọa nó là thỏa bụng ta rồi". Và chàng đọc bài kệ đầu:
Ngươi đang thuộc quyền ta sinh sát,
Khi nằm đây úp mặt, vua kia,
Mưu nào ngươi tính nghĩ ra
Cứu ngươi ra khỏi tay ta hãi hùng?
Và ông vua kia đọc bài kệ thứ hai:
Nay ta chẳng còn phương cứu nữa,
Trên đất nằm lọt giữa tay người.
Cách nào cũng chẳng biết noi
Ðể mong thoát được ra ngoài khốn nguy.
Thế rồi Bồ-tát đọc các bài kệ còn lại:
Hỡi nhà vua, chẳng phải là của cải,
Mà chính là các lời nói, hành vi
Vốn thiện hiền mà ta đã thực thi,
Ðến giờ chết mới cho ta thư thái,
Nếu cứ bảo: "Ta đây từng khổ ải,
Kẻ này la, và kẻ nọ đánh ta.
Và kẻ kia cướp của đến thứ ba",
Những kẻ nào nuôi các tình cảm ấy
Chẳng bao giờ giận hờn nguôi lắng lại.
"Nó xưa kia từng đánh, mắng vào ta,
Nó đã gây lắm áp bức phiền hà",
Ý nghĩ ấy những ai không ham muốn
Giận sẽ nguôi và hài hòa chung sống.
Xóa căm hờn đâu phải bởi căm hờn,
Xóa căm hờn chính là bởi yêu thương,
Ðấy là luật niên trường cho an lạc.
Sau những lời ấy, Bồ-tát bảo:
- Thưa Ðại vương, tôi sẽ chẳng làm hại ngài đâu. Ngài cứ giết tôi đi.
Rồi ngài đặt cây gươm của mình vào trong tay vua ấy. Vua cũng bảo:
- Ta cũng sẽ chẳng làm hại người.
Vua tuyên thệ và đi đến thành phố cùng với Bồ-tát, đưa ngài đến gặp cận thần và nói:
- Này các khanh, đây là hoàng tử Dìghàvu, con trai của vua xứ Kosala. Người đã tha mạng cho ta. Ta quyết chẳng làm điều chi hại đến người.
Nói thế xong, vua gả con gái cho Bồ-tát và đưa ngài lên ngôi trong vương quốc trước đây thuộc về cha ngài. Từ đấy hai vua cùng trị vì một cách an lạc và rất hài hòa với nhau.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, người cha và người mẹ là những thành phần hiện nay trong hoàng gia; còn hoàng tử Dìghàvu chính là Ta.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.84.208 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (266 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.