Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
(Download file MP3 - 6.48 MB - Thời gian phát: 37 phút 43 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
231. CHUYỆN CHIẾC GIÀY (Tiền thân Upàhana).
Như người mua giày hư...,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện này:
- Thưa ngài Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa phản lại bậc Sư trưởng, trở thành kẻ chống đối, kẻ thù địch của đức Như Lai và gặp tai nạn.
Bậc Ðạo Sư đi đến Pháp đường và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp đang luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới phản lại bậc Sư trưởng, trở thành kẻ chống đối, kẻ thù địch của Như Lai, và gặp đại nạn. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người huấn luyện voi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát được thành thục trong nghề huấn luyện voi. Một thanh niên Bà-la-môn ở một làng của nước Kàsi đến học nghề với Bồ-tát. Trong khi dạy nghề, các vị Bồ-tát thường không giấu giếm điều gì cả. Những gì các vị hiểu biết đều đem dạy cho tất cả. Do vậy, thanh niên ấy học mọi nghề với Bồ-tát và hiểu biết không sót một chút gì. Khi người thanh niên học xong, liền thưa vời Bồ-tát.
- Thưa Sư trưởng, nay con xin đi phục vụ vua.
Bồ-tát nói:
- Lành thay!
Rồi Bồ-tát đi đến yết kiến vua và thưa:
- Thưa Ðại vương, đệ tử của thần muốn phục vụ ngài.
- Tốt lắm, hãy để nó phục vụ trẫm.
- Nhưng Ðại Vương có biết tiền lương là bao nhiêu?
- Ðệ tử của khanh sẽ không nhận được tiền lương như khanh. Nếu khanh nhận được một trăm, nó sẽ nhận năm mươi. Nếu khanh nhận được hai, nó sẽ nhận một!
Bồ-tát đi về nhà báo tin cho đệ tử của mình. Anh ta nói:
- Thưa Sư trưởng, con biết nghề giống như Sư trưởng, nên tay nghề bằng nhau. Nếu tiền lương bằng nhau, thì con sẽ phục vụ. Nếu không, con sẽ không phục vụ.
Bồ-tát trình cho vua biết. Vua nói:
- Nếu nó làm được việc bằng khanh, nếu nó có thể cho thấy tài nghệ của nó bằng tài nghệ của khanh, thì nó sẽ nhận lương bằng khanh.
Bồ-tát báo tin ấy cho đệ tử biết. Anh ta nói:
- Tốt lắm, con sẽ trổ tài.
Bồ-tát lại trình vua.
Vua nói:
- Vậy ngài mai, các khanh sẽ trổ tài nghệ.
- Lành thay, chúng thần sẽ trổ tài.
Nhà vua liền ra lệnh đánh trống báo tin.
- Ngày mai cả Sư trưởng và đệ tử đều trổ tài nghệ huấn luyện voi. Ngày mai, những ai muốn xem hãy họp tai sân của hoàng cung để xem.
Vị sư trưởng suy nghĩ: "Ðệ tử của ta qua huyênh hoang tự mãn, nó tưởng nó có cái tài năng bằng ta trong khi nó chưa biết hết mọi phương tiện thiện xảo của ta".
Sư trưởng chọn một con voi và trong một đêm, vị ấy dạy nó làm mọi việc trái ngược. Sư trưởng dạy nó đi lui trong khi bảo nó đi tới, và dạy nó đi tới trong khi bảo nó đi lui; dạy nó nằm khi bảo nó đứng dậy; dạy nó đứng khi bảo nó nằm; dạy nó thả rơi khi bảo nó nhặt lên; và dạy nó nhặt lên khi bảo nó thả xuống.
Ngày hôm sau, sư trưởng leo lên con voi ấy đi đến sân của hoàng cung. Người đệ tử cũng cưỡi một con voi thật đẹp. Một đám đông người tụ họp tại đó. Cả hai đều trổ tài nghệ giống nhau. Rồi Bồ-tát bảo con voi của mình làm việc trái ngược với mệnh lệnh. Khi bảo nó đi tới, nó lại đi lui. Khi bảo nó đứng, nó lại nằm. Khi bảo nó nằm, nó lại đứng dậy. Khi bảo nó nhặt lên, nó thả rơi. Khi bảo nó thả rơi, nó lại nhặt lên. Ðại chúng la ó lên:
- Kẻ đệ tử độc ác kia, chớ đối địch với sư trưởng của ngươi. Ngươi không biết lượng sức mình, khi ngươi nghĩ: "Ta biết trổ tài như sư trưởng".
Quần chúng đánh anh ta với gạch, gậy gộc và giết chết anh ta ngay tại chỗ.
Bồ-tát từ trên voi bước xuống đi đến trước mặt vua và thưa:
- Thưa đại vương, người ta học nghề để mưu cầu an lạc cho mình. Nhưng có một người do học nghề tự đem lại đại nạn, giống như chiếc giày hư đem lại khổ đau.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Như người mua giày hư
Mong giày đem an lạc,
Không ngờ, giày đem khổ,
Bị nóng bức đốt cháy
Gót chân bị bức bách,
Chân người ấy bị thương.
Cũng vậy kẻ phàm phu,
Sanh gia đình hạ tiện,
Ðến người để học nghề,
Và học cả mọi việc,
Chính do thiếu hiểu biết,
Trở lại làm hại mình,
Kẻ nông nổi nóng vội
Giống như chiếc giày hư.
Vua vô cùng hoan hỷ và đem thưởng Bồ-tát nhiều danh vọng vinh hiển.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, người đệ tử là Ðề-bà-đạt-đa và vị sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo- 232. CHUYỆN KHÔNG ÐƯỢC HƯỚNG DẪN (Tiền thân Vinàthùna)
Việc này do con nghĩ...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một thiếu nữ.
Nàng ấy là một triệu phú ở Xá-vệ, thấy trong nhà mình một con bò đực được cung kính, liền hỏi người vú:
- Này vú, ai lại được cung kính như vậy?
- Thưa cô, đó là con ngưu vương.
Rồi thiếu nữ ấy đứng trong lâu đài nhìn ra đường, thấy một kẻ lưng gù và suy nghĩ: "Giữa loài bò, con đầu đàn có một cái bướu trên lưng. Người đứng đầu loài người chắc cũng như vậy. Người này sẽ làm chủ loài người. Ta sẽ trở thành kẻ hầu hạ của người này".
Thiếu nữ ấy sai nữ tì báo cho người lưng gù này biết:
- Con gái nhà triệu phú muốn đi với chàng. Hãy đi đến chỗ ấy và đứng đợi.
Rồi nàng thu góp và đem theo các thứ nữ trang vật dụng của mình, rồi cải trang, từ lầu bước xuống và đi trốn với người gù lưng.
Sau một thời gian việc làm ấy được thành phố và chúng Tỷ-kheo biết đến. Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện này:
- Này các Hiều giả, con gái nhà triệu phú đã trốn đi với một người lưng gù.
Giữa lúc ấy, bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông đang họp bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay cô ta mới đam mê người lưng gù. Thuở trước cô ta cũng như vậy rồi!
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình một vị triệu phú ở một thị trấn.
Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình, sanh được một con trai và một con gái. Bồ-tát muốn cưới con gái một của một triệu phú ở Ba-la-nại cho con trai mình và chọn ngày làm lễ cưới. Con gái vị triệu phú ấy thấy trong nhà mình một con bò đực được cung kính, liền hỏi người vú:
- Ai đấy?
Ngưới vú nói:
- Ðây là con bò chúa.
Sau đó cô gái thấy một người lưng gù đang đi giữa đường lại nghĩ: "Ðấy là người tối thượng giữa loài người", bèn đem theo mọi thứ trang sức vật dụng và trốn theo người ấy.
Còn Bồ-tát suy nghĩ: "Ta sẽ rước con gái vị triệu phú về nhà", liền lên đường đi đến Ba-la-nại, với một đám tùy tùng lớn.
Người gù lưng và cô gái cũng đi trên con đường ấy. Suốt đêm người gù lưng bị lạnh, vào lúc rạng đông, anh ta bị cảm gió, thân thể run rẩy vô cùng đau khổ. Anh ta ngã xuống, nằm co quắp bên đường như cần cây đàn cầm bị gãy, con cô gái nhà triệu phú ngồi dưới chân anh ta. Bồ-tát và người tùy tùng nhận ra nàng, đi đến, nói chuyện với con gái nhà triệu phú qua bài kệ đầu:
Việc này do con nghĩ,
Ngu si, không người dắt,
Ở một bên kẻ ngu,
Không xứng đáng với con.
Nghe Bồ-tát nói vậy, con gái nhà triệu phú đọc bài kệ thứ hai:
Nghĩ là người tối thượng,
Con yêu kẻ gù lưng,
Nay nó nằm cong queo,
Như đàn cầm dây đứt.
Bồ-tát biết rằng nàng chỉ hóa trang đi theo người gù nên cho nàng tằm rửa, trang điểm cho nàng rồi đưa nàng lên xe về nhà.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ chính người này là con gái nhà triệu phú và vị triệu phú thành Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo- 233. CHUYỆN MŨI TÊN (Tiền thân Bikannaka)
Ngươi muốn đi chỗ nào...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tần.
Vị ấy được đưa đến Chánh pháp đường và được bậc Ðạo Sư hỏi:
- Có thật thế chăng?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
- Thật có vậy.
- Vì sao thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
- Vì nhân duyên các dục.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Các dục, này Tỷ-kheo, giống như mũi tên có ngạnh đâm vào trong tim. Khi đã đâm vào đấy, nó có thể giết người như mũi tên giết con cá sấu.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể một câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, Ðạo Sư làm vua trị vì đúng pháp ở Ba-la-nại.
Một hôm vua đi vào công viên, đến trên bờ hồ xem những người thiện xảo về múa hát trên bờ hồ xem những người thiện xảo về múa hát bắt đầu biểu diễn. Ðàn cá và đám rùa thích nghe tiếng hát, tụ tập lại và đi theo vua. Vua thấy đàn cá dài bằng thân cây cọ dừa, liền hỏi các đại thần.
- Sao những con cá này lại đi theo ta như vậy?
Các đại thần trả lời:
- Chúng đang hầu Thiên tử.
Vua bằng lòng với lời nói ấy, và ra lệnh cho chúng ăn cơm thường xuyên hàng ngày. Một số cá vào giờ ăn, một số khác không đến và cơm bị phí phạm. Các người hầu tâu với vua sự kiện này. Vua ra lệnh:
- Bắt đầu từ nay, vào giờ cơm hãy đánh trống. Khi nghe tiếng trống, các con cá tụ họp lại hãy cho chúng cơm.
Từ đấy người nào cho cá ăn cơm cũng đánh trống và khi đàn cá họp lại, anh ta cho chúng ăm cơm. Khi các con cá đang ăn cơm, một con cá sấu đến ăn vài con cá. Người cho cơm trình vua việc ấy. Vua nghe nói vậy liền ra lệnh:
- Khi con cá sấu ăn cá, hãy bắn nó với mũi tên có ngạnh và bắt nó.
- Thưa vâng, tốt lắm. Người ấy nói.
Rồi anh ta lên một chiếc thuyền và ngay khi con cá sấu đến ăn cá, anh ta đâm nó bằng một mũi tên có ngạnh. Mũi tên bắn vào lưng, con cá sấu đau đớn điên cuồng mang theo mũi tên chạy trốn. Người cho cơm biết mũi tên đã trúng con cá sấu, gọi nó với bài kệ đầu:
Ngươi muốn đi chỗ nào,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Mũi tên ta có ngạnh,
Ðã bắn trúng ngươi rồi.
Nghe tiếng trống gọi cơm,
Ngươi tham lam đã đến,
Ðuổi bắt ăn đàn cá,
Nên ngươi phải mạng chung.
Con cá sấu đi về chỗ ở của mình và chết tại đấy.
Bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Giác muốn giải thích sự việc này, liền đọc bài kệ thứ hai:
Các thú vật trong đời,
Khi đã bị cám dỗ
Và chúng bị chinh phục
Bởi dục vọng của mình,
Chúng sẽ bị giết hại
Giữa bà con, bạn bè,
Như con các sấu ấy
Ði theo ăn đàn cá.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu, và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo- 234. CHUYỆN NÀNG ASITÀBHÙ (Tiền thân Aistàbhù)
Nay chính nhờ chàng làm...,
Câu chuyện này, bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một thiếu nữ.
Ở Xá-vệ, trong gia đình một người hầu hạ hai vị Ðại đệ tử của bậc Ðạo Sư, có một thiếu nữ tuyệt sắc. Khi nàng lớn lên, nàng được gả cho một gia đình tương xứng. Nhưng người chồng không nghĩ gì đến nàng, thường tham đắm vui chơi các chỗ khác. Nàng không để ý đến sự vô lễ của chồng đối với mình, đã mời hai vị Ðại đệ tử đến để cúng dường bố thí, nghe pháp và chứng quả Dự lưu. Từ đấy trở đi nàng sống an lạc trong đạo và quả. Về sau nàng nghĩ: "Chồng ta không cần ta, ta không có việc gì phải sống trong gia đình, vậy ta sẽ xuất gia". Vì vậy, nàng báo tin cho cha mẹ rồi xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Việc làm của nàng được các Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện này:
- Thưa các Hiền giả, người con gái của gia đình ấy cố gắng đi tìm mục đích tối thượng. Biết được người chồng không kể gì đến mình, nàng cúng dường hai vị Ðại đệ tử, rồi nghe pháp với hai vị ấy và được an trú trong quả Dự lưu. Sau đó nàng xin phép mẹ cha, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Như vậy, này các Hiền giả, thiếu nữ ấy đã đạt mục đích đối thượng.
Trong lúc ấy, bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp và bàn vần đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ gia đình này đi tìm mục đích tối thượng. Thuở trước, nàng cũng đã làm như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ khổ hạnh đạt được các Thắng trí, và các Thiền chứng rồi sống tại khu vực Hy-mã-lạp-sơn. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại thấy con mình là hoàng tử Brahmadatta đầy uy nghi, oai vệ, sinh nghi ngờ, và đuổi con ra khỏi quốc độ.
Hoàng tử đem theo vợ mình tên Asitabhù, đi vào Tuyết sơn, ăn cá, thịt, các loại rau quả và trú tại một am thất bằng lá. Hoàng tử thấy một nữ thần chim và đam mê nàng; chàng muốn lấy nàng làm vợ, không đếm xỉa đến Àsitàbhù.
Aistàbhù thấy chồng mình đi theo nữ thần liền nghĩ: "Người này không đếm xỉa gì đến ta, và đi theo nữ thần, vậy cần nó làm gì?"
Nghĩ vậy tâm nàng không vui, nàng đi đến gặp Bồ-tát, đảnh lễ, và xin ngài dạy cho nàng một đối tượng để quán tưởng.
Nàng nhìn vào đối tượng ấy, rồi phát triển các Thắng trí và các Thiền chứng. Nàng đi đến Bồ-tát, và đảnh lễ rồi trở về đứng trước cửa thảo am của mình.
Bấy giờ Brahmadatta đi theo nữ thần chim, nhưng tìm khắp không thấy được con đường nữ thần chim ấy đi, chàng thất vọng, hướng mặt về phía chòi lá của mình. Asitàbhù thấy chồng đi đến, bèn bay lên hư không, đứng trên tầng trời có màu sắc châu báu, và nói:
- Này Tôn giả trẻ tuổi, nhờ chàng ta đã chứng được an lạc thiền định này.
Và nàng đọc bài kệ đầu:
Nay chính nhờ chàng làm,
Ta hết say đắm dục,
Như ngà bị cưa đứt,
Không thể gắn lại được.
Nói vậy xong, trước mắt chàng, nàng bay lên hư không và đến một chỗ khác. Khi nàng đi rồi, hoàng tử Brahmadatta than thở qua bài kệ thứ hai:
Như tham lam quá độ,
Làm tâm trí si mê
Cướp đi mọi công đức,
Ta đánh mất vợ ta!
Hoàng tử khóc than với bài kệ này, rồi sống một mình trong rừng. Khi vua cha băng hà, chàng trở về nhận vương quốc.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, hoàng tử và công chúa là hai người này, còn vị ẩn sĩ khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo- 235. CHUYỆN VỀ ẨN SĨ VACCHA-NAKHA (Tiền thân Vaccha-Nakha)
Này Vac-cha-Na-kha...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Roja, một người của bộ tộc Malla.
Người này là bạn cư sĩ của Tôn giả Ànanda, một hôm, gởi một bức thư nhắn tin mời Tôn giả đến thăm mình. Tôn giả xin phép bậc Ðạo Sư và ra đi. Sau khi đãi Tôn giả ăn các món thượng vị khác nhau, vị ấy ngồi xuống một bên, nói chuyện thân mật với Tôn giả, và mời Tôn giả thọ hưởng cuộc sống đầy đủ dục lạc ở nhà mình:
- Thưa Tôn giả Ananda, nhà tôi rất nhiều kho động sản và bất động sản. Tôi sẽ chia tài sản này làm hai và tặng Tôn giả một nửa. Hãy đến đây, chúng ta chung sống trong một gia đình.
Vị Trưởng lão nói cho bạn biết sự nguy hiểm của các dục, rồi từ chỗ đứng dậy, đi về tinh xá.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Ànanda, ông có gặp Roja không?
Trưởng lão trả lời:
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Roja nói chuyện gì với ông?
Trưởng lão trả lời:
- Bạch Thế tôn, Roja mời con sống đời gia đình. Con nói lên những nguy hiểm của một đời sống gia đình cho bạn con.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này Ànanda, không phải chỉ nay Roja, người Malla ấy mời các vị xuất gia sống đời gia đình. Lúc trước kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Rồi theo yêu cầu của Tôn giả Ànanda, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở một thị trấn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ sống lâu ngày tại khu vực Tuyết sơn.
Vì mục đích lấy muối và giấm, ngài đi đến Ba-la-nại trù ở công viên của vua. Hôm sau vị ẩn sĩ đi vào thành.
Bấy giờ một vị triệu phú ở Ba-la-nại hoan hỷ với uy nghi của Bồ-tát, đưa ngài về nhà, mời ngài thọ trai.
Ngay khi được ngài nhận lời ở lại với mình, vị ấy đem ngài vào ở trong hoa viên và thường đến phục vụ ngài đủ mọi nhu cầu.
Hai người nảy sinh tình thân mến với nhau.
Một hôm vị triệu phú Ba-la-nại, vì thương mến Bồ-tát, suy nghĩ như sau: "Ðời sống xuất gia thật cực khổ. Ta sẽ khuyên bạn ta từ bỏ xuất gia. Ta sẽ chia tất cả tài sản ta làm hai và cho bạn một nửa, rồi hai chúng ta cùng chung sống với nhau".
Vị vậy, một hôm sau khi ăn uống xong, nói chuyện thân mật với bạn, vị triệu phú Ba-la-nại nói:
- Thưa Tôn giả Vacchanakha, đời sống xuất gia đầy phiền toái. Ðời sống gia đình đầy an lạc. Hãy hoàn tục, và hai chúng ta cùng thọ hưởng các dục lạc với nhau.
Nói vậy xong, vị triệu phú đọc bài kệ đầu:
Này Vac-cha-na-kha,
An lạc thay gia đình,
Ðầy đủ thứ vàng bạc,
Ðầy đủ các món ăn,
Ở đây, ăn và uống,
Rồi nằm dài thỏa thích!
Nghe vậy, Bồ-tát nói:
- Này đại triệu phú, bạn đắm say dục lạc, vì không có trí, bạn tán thán công đức của đời tại gia, không tán thán công đức của đời xuất gia. Tôi sẽ nói với bạn mọi phiền toái của đời sống gia đình. Nay hãy lắng nghe. Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Người sống trong gia đình,
Không bao giờ an lạc,
Người ấy thường nói láo,
Người ấy thường lừa đảo,
Người ấy thường đánh đập,
Làm hại những người khác,
Các tội lỗi như vậy,
Làm sao chế ngự được,
Vậy ai nay còn muốn
Sống ở trong gia đình?
Với những lời này bậc Ðại sĩ nới lên những khuyết điểm của đời sống gia đình, rồi đi đến hoa viên như cũ.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vị triệu phú Ba-la-nại là Roja, người của bộ tộc Malla, còn ẩn sĩ Vacchanakha là Ta vậy.
-ooOoo- 236. CHUYỆN CON CÒ (Tiền thân Baka)
Thật trắng thay chim này...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ giả dối. Khi kẻ ấy được đưa đến trước mặt bậc Ðạo sư, Ngài nói:
- Này các Tỷ-kheo, người này không những nay mà thuở xưa đã là một kẻ giả dối.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là con cá vua sống trong cái hồ ở khu vực Tuyết Sơn cùng với một số lớn cá tùy tùng.
Lúc ấy một con cò muốn ăn các con cá tại chỗ gần hồ nước. Vì vậy nó cúi đầu, dang cánh ra, nhìn các con cá một cách mơ màng, chờ đợi khi nào chúng mất cảnh giác thì bắt chúng.
Bấy giờ, Bồ-tát cùng với đàn cá đi tìm mồi, đến tại chỗ ấy. Ðàn cá thấy con cò đang rình mồi liền đọc bài kệ đầu:
Thật trắng thay chim này,
Loài chim hai lần sanh,
Chẳng khác gì hoa súng,
Lặng lẽ dang hai cánh,
Im lặng, mơ màng nhìn,
Như trầm tư mặc tưởng!
Bồ-tát nhìn con cò, và đọc bài kệ thứ hai:
Con cò ấy làm gì,
Các ngươi đâu biết được,
Vì không biết rõ ràng,
Nên có lời tán tụng
Chim hai lần tái sanh ấy
Ðang đợi giết chúng ta,
Do vậy hai cánh nó
Không vẫy, không động đậy.
Nghe nói vậy đàn cá vẫy nước và đuổi con cò đi.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, con cò là kẻ giả dối này, còn vua cá là Ta vậy.
-ooOoo- 237. CHUYỆN THÀNH SÀKETA (Tiền thân Sàketa)
Thế Tôn, do nhân gì...,
Câu chuyện này, khi ở gần Sàketa, bậc Ðạo Sư kể về sự sanh khởi luyến ái. (Chuyện hiện tại và quá khứ giống như Tiền thân số 68, Chương năm).
*
Khi đức Như Lai đi vào tinh xá, các Tỷ-kheo hỏi:
- Bạch Thế Tôn, luyến ái bắt đầu như thế nào?
Và họ đọc bài kệ đầu:
Thế Tôn, do nhân gì,
Ở đời có số người,
Tâm hết sức lạnh nhạt.
Nhưng đối với kẻ khác,
Tâm lại rất yêu thương?
Bậc Ðạo Sư giải thích bản chất của luyến ái qua bài kệ thứ hai:
Xưa do vì sống chung,
Nay, do vì hạnh phúc,
Như vậy, luyến ái sanh,
Như sen mọc trong nước.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Hai người này là hai vợ chồng vị Bà-la-môn thời xưa và con trai của họ là Ta vậy.
-ooOoo- 238. CHUYỆN MỘT CHỮ (Tiền thân Ekapada)
Cha thân, hãy nói lên...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể kể về một vị điền chủ ở Xá-vệ.
Một hôm, đứa con trai của vị ấy ngồi trên bắp vế của cha và hỏi vị ấy về ý nghĩa cái cửa. Người điền chủ ấy nói:
- Câu chuyện này, trừ đức Phật không một ai khác có thể trả lời.
Vì vậy, ông dắt con đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư thưa:
- Bạch Thế Tôn, đứa con trai của con ngồi trên bắp vế con và hỏi về ý nghĩa cái cửa. Con không biết trả lời nên đến đây. Mong Thế Tôn trả lời câu hỏi này.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này nam cư sĩ, đứa trẻ này, nay đang đi tìm lý tưởng. Thuở trước, nó cũng đã đi tìm lý tưởng, và hỏi các hiền trí câu hỏi này rồi. Các nhà hiền trí đã trả lời nó. Nhưng qua nhiều lần tái sanh chồng chất, nó không nhớ.
Rồi theo lời yêu cầu của người điền chủ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình triệu phú. Lúc lớn lên, cha chết, Bồ-tát được hưởng địa vị của người triệu phú.
Bấy giờ con trai của Bồ-tát ngồi trên bắp vế cha và hỏi:
- Thưa cha thân, hãy nói cho con một việc chỉ gồm có một chữ nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa.
Rồi nói đọc bài kệ đầu:
Cha thân, hãy nói lên
Một chữ gồm nhiều nghĩa,
Với chữ ấy, chúng ta
Thành đạt được lý tưởng.
Người cha nói lên bài kệ thứ hai:
Một chữ đáng kính trọng,
Một chữ gồm nhiều nghĩa,
Ðó chính là tài năng,
Liên hệ với giới đức,
Gắn liền với nhẫn nhục,
Ðể con giúp bạn hữu,
Và cảnh giác kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát đã trả lời câu hỏi của con trai. Ðứa con trai ấy dùng phương pháp mà người cha nêu ra để thành tựu lý tưởng. Về sau, khi mệnh chung nó đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi thuyết Pháp Thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, cả hai cha con đắc quả Dư lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, người con trai ấy là người con trai ngày nay, còn Ta là triệu phú Ba-la-nại.
-ooOoo- 239. CHUYỆN CON NHÁI XANH (Tiền thân Harita-Màta)
Khi ta là con rắn...,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về vua Ajàtasttu (A-xà-thế).
Khi phụ thân của vua Pasenadi nước Kosala gả con gái cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa), có cho nàng một làng ở Kàsi như món tiền sắm lễ. Khi A-xà-thế giết cha là vua Bimbisàra, không bao lâu, mẫu hậu mệnh chung vì thương chồng. Sau khi mẹ mất, vua A-xà-thế vẫn hưởng lợi tức của ngôi làng ấy. Vua Kosala quyết định không để ngôi làng thuộc tài sản gia đình mình cho nghịch tử đã giết cha, và vua gây chiến với A-xà-thế.
Khi thì người cậu (tức là vua Pasenadi) chiến thắng, khi thì người cháu (tức A-xà-thế) chiến thắng. Khi A-xà-thế thắng trận, vua dương cờ lên khắp trong nước và đi về thành với khí thế tưng bừng. Khi vua thất trận, vua về sầu muộn và không cho ai biết.
Một hôm tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi nói chuyện này:
- Thưa các Hiền giả, khi A-xà-thế thắng người cậu thì hân hoan, còn khi thất trận thì sầu muộn.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh Pháp đường và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Không phải chỉ nay, ngày xưa cũng vậy, khi nào ai thắng trận cũng hân hoan, khi nào ai thất trận cũng sầu muộn.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con nhái. Lúc bấy giờ khắp nơi tại những hang lỗ sâu dưới sông, dân chúng thường đặt các lưới nơm để bắt cá. Một bầy cá lội vào trong một cái nơm ấy và một con rắn nước cũng bò vào thân chảy máu. Con rắn không thấy ai cứu mình, sợ chết, vội bò ra khỏi miệng rơm, và nó vô cùng đau đớn, nằm nấp một bên bờ nước.
Lúc bấy giờ, con nhái xanh nhảy đến và rơi vào miệng cái lưới. Con rắn biết không ai có thể phán xử cho mình, thấy nhái xanh nằm đấy liền hỏi:
- Này bạn nhái xanh, bạn có bằng lòng với việc làm của đàn cá này không?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
Khi ta là con rắn
Đi vào trong miệng nơm,
Các con cá cắn ta,
Bạn nhái có hoan hỷ
Với việc đàn cá làm?
Con nhái xanh nói:
- Vâng, thưa bạn, tôi hoan hỷ. Vì sao vậy? Khi những con cá đi vào khu vực của bạn, bạn ăn chúng. Khi bạn vào khu vực đàn cá, chúng ăn bạn. Tại khu vực của mình, tại chỗ mình kiếm ăn, không ai là không có sức mạnh.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Loài người thường ăn cướp,
Khi nào thấy được lợi,
Khi người khác ăn cướp,
Kẻ bị cướp, cướp lại.
Khi Bồ-tát phân xử vụ kiện này, đàn cá thấy chỗ yếu của con rắn nước, liền nói:
- Chúng ta sẽ bắt kẻ thù.
Ðàn cá đi ra khỏi miệng nơm, giết con rắn ngay tại chỗ rồi bỏ đi.
*
Sau khi nói pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, con rắn nước là A-xà-thế, còn con nhái xanh là Ta vậy.
-ooOoo- 240. CHUYỆN VUA MAHÀPINGALA (Tiền thân Mahàpingala)
Chính vua Pin-ga-la...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Trong chín tháng Ðề-bà-đạt-đa đã tìm mọi cách hãm hại bậc Ðạo Sư, sau đó đất nứt nẻ và chôn vị ấy vào trong lòng đất của Kỳ Viên. Những ai sống tại Kỳ Viên và toàn dân sống ở trong vùng ấy nghe tin đều hân hoan và nói:
- Ðề-bà-đạt-đa, kẻ thù của bậc Ðạo Sư là đức Phật Chánh Giác, đã bị đất nuốt sống!
Khi nghe những lời này được lan truyền khắp nơi, dân chúng ở toàn cõi Diêm-phù-đề, các Dạ-xoa, các loài hữu tính, và chư Thiên cũng đều hân hoan vui vẻ như vậy.
Một hôm, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, và bắt đầu nói chuyện:
- Thưa các Hiền giả, khi Ðề-bà-đạt-đa bị nuốt vào lòng đất, quần chúng sanh hoan hỷ và nói: Ðề-bà-đạt-đa đã bị nuốt vào lòng đất rồi.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa chết, đại chúng hân hoan vui mừng. Thuở trước, đại chúng cũng hân hoan, vui mừng như vậy.
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại Ba-la-nại, vua Mahàpingala (Ðại hoàng nhãn) trị vì phi pháp và bất công, làm các nghiệp ác theo ý muốn của mình. Vua dùng hình phạt thuế má, còng chân, bức hiếp quần chúng như nghiền mía trong máy ép. Vua cay nghiệp, độc ác, hung bạo, không có một chút tình thương đối với kẻ khác. Ở nhà, vua cư xử hà khắc, nghịch ý đối với vợ, con trai, con gái, đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v... Vua như là hột bụi đời vào mắt, như viên sạn trong vắt cơm, như mũi dao đâm vào gót chân.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra làm hoàng tử của vua Mahàpingala. Suốt một thời gian dài, vua Mahàpingala trị vì rồi mệnh chung. Khi ấy dân chúng toàn thành Ba-la-nại hân hoan vui sướng, cười thật lớn, thiêu đốt thi hài vua với ngàn xe củi, và dập tắt lửa với hàng ngàn ghè nước.
Khi làm lễ quán đảnh tôn Bồ-tát lên ngôi vua, họ hân hoan vui sướng vì được một vị vua trị vì đúng pháp, dân chúng đánh trống khắp nơi ở trong thành. Dân chúng treo cờ xí trang hoàng thành phố. Tại mỗi cửa nhà, họ dựng lều, trải dầu lúa và hoa, và ngồi ăn uống trong các lều được trang hoàng đẹp đẽ ấy trên các bục gỗ được tô điểm rực rỡ.
Còn Bồ-tát ngồi trên một vương sàng tuyệt đẹp, đặt trên một cái bệ cao, dưới chiếc lọng trắng che trên đầu thật oai phong lẫm liệt. Các đại thần, Bà-la-môn, gia chủ, người đánh xe, người giữ cửa đứng bao vây xung quanh ngài. Một người giữ cửa đứng không xa, đang khóc và thở dài. Bồ-tát thấy vậy hỏi:
- Này bạn giữ của, cha ta chết, mọi người đều hân hoan vui sướng, chơi đùa ồn ào, còn bạn lại đứng khóc vậy? Cha ta có tử tế với bạn và yêu quý bạn sao?
Bồ-tát hỏi xong, đọc bài kệ đầu:
Chính vua Pin-ga-la,
Làm hại khắp mọi người,
Nay vua đã chết đi,
Ai cũng thấy thoải mái,
Phải chăng vua Hoàng nhãn
Ðã được ngươi thương yêu?
Khiến ngươi phải than khóc,
Hỡi người giữ cửa kia?
Nghe câu nói của Bồ-tát, người giữ cửa ấy nói:
- Tôi khóc không phải vì vua Mahàpingala chết làm tôi buồn. Nay tôi rất được an lạc. Trước kia mỗi khi vua Mahàpingala đi từ lầu xuống hay lên lầu, thường dùng nắm tay đánh tôi tám cái trên đầu, như cái đánh của cây búa thợ rèn. Khi vua đi đến thế giới bên kia, vua sẽ đánh tám cái trên đầu của thần Yàma giữ địa ngục như đã đánh đầu tôi. Dân chúng ở đấy sẽ nói: vua này quá ác đối với chúng tôi, và chúng sẽ gởi vua lên trên này lại. Tôi sợ vua sẽ đến và nắm tay lại đánh trên đầu tôi, nên tôi khóc.
Ðể nêu rõ ý nghĩa này, anh ta đọc bài kệ thứ hai:
Tôi không hề thương mến
Vua có con mắt vàng,
Tôi chỉ sợ một việc
Vua sẽ trở lại đây.
Vì làm hại thần Chết,
Nên từ đây vua đi,
Thần Chết bị vua hại,
Lại đưa vua trở về.
Bồ-tát nói với anh ta:
- Vua ấy bị đốt với ngàn xe củi, được tưới với trăm ghè nước, và chỗ đất được đào lên xung quanh, Chúng sanh đi đến thế giới bên kia, do sức mạnh của nghiệp không thể trở lại với thân trước được. Ngươi chớ sợ:
Rồi để an ủi anh ta, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Bị ngàn xe củi đốt,
Bị trăm ghè nước tưới,
Ðất đã bị đào quanh,
Chớ sợ vua trở lại.
Từ đấy trở đi, người giữ cửa được an tâm. Còn Bồ-tát trị vì đúng pháp và trọn đời làm công đức như bố thí v.v... rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vua Pingala là Ðề-bà-đạt-đa và vị hoàng tử là Ta vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.101.7 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.