Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
1. (13) Chuyện Người Tìm Giải Thoát Vòng Luân Hồi (Samsàmocaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)
Thuở ấy, trong làng Itthakàvati ở nước Magadha và làng Dìgharàji có nhiều người mang nặng tà kiến, muốn tìm giải thoát vòng luân hồi sanh tử. Trước đó có một nữ nhân được tái sanh và một gia đình như vậy. Vì giết hại nhiều gián, dế và châu chấu, khi từ trần, bà tái sanh làm ngạ quỷ, chịu mọi nỗi khổ đói khát giày vò suốt năm trăm năm.
Thời đức Thế Tôn Gotama đang ở tại Ràjagaha, nữ nhân ấy một lần nữa tái sanh vào cùng gia đình như trước kia tại Itthakàvati. Một hôm, khi nàng đang chơi đùa cùng các cô gái khác trên đường cái gần cổng làng, thì Tôn giả Sàriputta cùng mười hai Tỷ-kheo khác đi ngang qua và các cô gái kia vội vàng đảnh lễ. Nhưng cô này vẫn đứng yên tại chỗ một cách vô lễ. Sau đó vị Trưởng lão suy xét quá khứ và tương lai của cô, động lòng thương xót, phê bình thái độ của cô với các cô kia. Họ liền nắm tay cô và kéo cô đến đảnh lễ chư vị.
Về sau, cô gái từ trần lúc sanh con và lại tái sanh giữa loài ngạ quỷ. Ban đêm, nữ ngạ quỷ ấy xuất hiện trước Tôn giả Sàriputta, vị ấy thấy nó liền hỏi:
1.Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm Vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
Tôn giả Sàriputta:
3. Ngày xưa ngươi phạm ác gì
Do thân, khẩu, ý thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào, ngươi đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Nữ ngạ quỷ:
4. Tôn giả, con không có họ hàng,
Mẹ cha, quyến thuộc để khuyên lơn:
'Này con, hãy có tâm thành kính
Với các Sa-môn, hãy cúng dường'.
5. Ngũ bách niên từ đó đến đây,
Con lang thang với tấm thân này,
Trần truồng, đói khát luôn hành hạ,
Ðây quả do nhiều ác nghiệp gây.
6. Kính bái hiền nhân với tín tâm
Bạch ngài đại lực, xót thương con,
Cúng dường lấy đức cho con hưởng,
Giải thoát con từ cảnh khổ thân.
Chư vị kết tập Kinh điển kể tiếp chuyện này:
7. Chấp thuận với lời: 'Ðược lắm thay!'
Vì lòng bi mẫn cõi đời này,
Cúng dường Tăng chúng phần cơm nhỏ,
Một mảnh y cùng chén nước đầy,
Xá-lợi-phất Tôn nhân phát nguyện
Dành cho ngạ quỷ phước phần này.
8. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
9. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Ðến gần Xá-lợi-phất Tôn nhân.
Tôn giả Sàriputta hỏi:
10. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
11. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào yêu chuộng
Trong dạ, nàng đều thỏa ước ao?
12. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Nữ ngạ quỷ đáp:
13. Trước con hình vóc chỉ trơ xương,
Gầy guộc, đói cơm, lại ở truồng,
Da dẻ nhăn nheo, nhờ Giác giả
Từ bi nhìn cảnh ngộ đau thương.
14. Khi ngài ban tặng chủng hiền Tăng
Một mảnh y vàng, một miếng ăn,
Và chén nước kia, ngài đã chuyển
Phước phần công đức đến cho con.
15. Hãy nhìn kết quả của phần ăn:
Lạc thú mà con vẫn ước mong,
Con được cả ngàn năm thọ hưởng
Thức ăn đầy đủ các mùi hương.
16. Hãy nhìn kết quả phát sinh ra
Từ một mảnh trong chiếc áo kia:
Y phục giờ đây đầy đủ loại
Khác nào quốc độ chúa Nan-da.
17. Tôn giả, nay con có biết bao
Áo quần, mền đắp thật dồi dào,
Bằng tơ lụa với lông loài vật,
Ðủ loại vải dày mỏng đẹp sao.
18. Sung mãn và cao quý tuyệt vời,
Chúng treo lơ lửng ở trên trời,
Con mang tùy ý, thưa Tôn giả,
Bất cứ loại nào thích thú thôi.
19. Hãy nhìn kết quả tạo nên phần
Từ chén nước trong đã cúng dâng:
Có bốn hồ sen sâu thẳm thẳm
Ðược xây dựng khéo léo vô ngần.
20. Bến bờ xinh đẹp, nước trong xanh,
Nhè nhẹ hương thơm, dịu mát lành,
Bao phủ toàn sen xanh, đỏ thắm,
Tràn đầy ngó súng mọc chung quanh.
21. Phần con an hưởng thú vui chơi,
Chẳng sợ gì đâu bốn góc trời,
Tôn giả, nay con về cõi đất
Ðể con đảnh lễ đấng thương đời. 2. (14) Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Sàriputtatheramàtu)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Một hôm, các Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên), Anurudha (A-na-luật-đà) và Kapppina (Kiếp-tân-na) đang trú tại một nơi trong khu rừng không xa thành Ràjagaha (Vương Xá).
Bấy giờ ở Benares (Ba-la-nại) có một Bà-la-môn đại phú gia, vốn là một giếng nước đầy đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đám dân nghèo, du sĩ, lữ khách, hành khất; vị ấy cúng dường bố thí thực phẩm, y phục, sàng tọa và nhiều vật dụng khác.
Vị ấy điều hành sinh hoạt của mình và bố thí tùy theo cơ hội phù hợp với các khách vãng lai, đủ mọi vật cần thiết cho tuyến đường trường. Vị ấy thường dặn bà vợ:
- Này bà, đừng quên việc bố thí này, bà phải chuyên tâm chăm lo bố thí như đã được định đoạt.
Bà vợ đồng ý, nhưng khi ông ra đi, bà liền cắt giảm tục lệ cúng dường chư Tăng. Hơn nữa, đối với đám lữ khách đến xin cư trú, bà chỉ vào túp lều xiêu vẹo bị bỏ phế đằng sau nhà và bảo họ:
- Hãy ở lại đó.
Khi đám du sĩ đến xin thực phẩm nước uống và các thức khác, bà thường buông lời nguyền rủa, kể ra cho từng người bất cứ vật gì ô uế đáng ghê tởm và bảo:
- Hãy ăn phân đi! Hãy uống nước tiểu đi! Hãy uống máu đi! Hãy ăn óc mẹ ngươi đi!
Do nghiệp lực trói buộc, lúc từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu nỗi khốn cùng phù hợp với ác hạnh của bà. Khi nhớ lại đám quyến thuộc trong tiền kiếp, bà ước mong đến gần Tôn giả Sàriputta, và bà liền đến nơi ngài cư trú.
Các vị thổ thần trong nhà ngài không chấp nhận cho nữ quỷ vào. Do đó nữ quỷ nói như sau:
- Trong kiếp thứ năm kể về trước, ta là mẹ của Tôn giả Trưởng lão Sàriputta, hãy cho phép ta vào cửa để thăm ngài.
Vừa nghe vậy, chư thần liền cho phép nữ quỷ.
Khi nữ quỷ vào trong, nữ quỷ đứng cuối am thất và thấy ngài. Chợt trông thấy nữ quỷ, ngài động lòng từ bi liền hỏi nữ quỷ:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, xưa ta mẹ của ngài,
Trong nhiều kiếp trước ở trên đời,
Tái sanh cảnh giới loài ma quỷ,
Ðói khát giày vò mãi chẳng thôi.
3. Những thứ gì nôn tháo, bọt mồm,
Nước mũi tuôn ra, nước dãi đờm,
Chất mỡ rỉ ra từ xác chết
Bị thiêu, máu sản phụ lâm bồn.
4. Máu chảy ra từ các vết thương,
Hoặc từ đầu, mũi bị cưa ngang,
Những gì cấu uế trong nam nữ,
Ðói lả, ta đều phải lấy ăn.
5. Máu mủ ta ăn của các loài,
Và luôn máu mủ của con người,
Không nơi cư trú, không nhà cửa,
Nằm chiếc giường đen nghĩa địa hoài.
6. Tôn giả, xin Tôn giả cúng dường,
Vì ta, ngài bố thí ban ân,
Ðể cho ta hưởng phần công đức,
Giải thoát ta từ máu, mủ, phân.
Ngày hôm sau, Tôn giả Sàriputta cùng ba vị Tỷ-kheo kia khất thực trong thành Vương Xá, đến tận cung Ðại vương Bimbisàra (Tần-bà-sa).
Nhà vua hỏi:
- Chư Tôn giả, tại sao chư vị đến đây?
Tôn giả Mahà-Moggallàna trình vua những việc đã xảy ra. Nhà vua phán:
- Chư Tôn giả, trẫm chấp thuận việc ấy.
Nhà vua bảo chư vị ra đi, triệu vị cận thần vào và truyền lệnh:
- Hãy xây trong khu rừng của thành này bốn am thất được cung cấp đủ bóng mát và nước chảy.
Khi các am thất đã được hoàn tất, nhà vua đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường Trưởng lão Sàriputta. Sau đó vị ấy dâng tặng lễ vật này lên Tăng chúng khắp thế gian do đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia.
Nữ ngạ quỷ hưởng các lợi lạc này liền được tái sanh lên thiên giới. Bấy giờ đầy đủ mọi thứ cần dùng, một hôm Thiên nữ đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và kể cho vị ấy nghe tất cả mọi chi tiết trong hai kiếp tái sinh làm ngạ quỷ và Thiên nữ.
Do đó, chuyện kể rằng:
7. Khi nghe mẹ đã nói gần xa,
Thương xót, ngài U-pa-tis-sa,
Triệu tập Mục-kiền-liên đại lực,
Cùng A-na-luật, Kiếp-tân-na.
8. Khi đã làm xong bốn cái am,
Ngài dâng lễ cúng tứ phương Tăng,
Am tranh, thực phẩm và hồi hướng
Công đức về cho mẹ hưởng phần.
9. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
10. Xiêm y thanh lịch hiện dần ra,
Ðệ nhất Ba-la-nại lụa là,
Tô điểm ngọc vàng, nhiều kiểu áo,
Ðến gần Tôn giả Ko-li-ta.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:
11. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
12. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào yêu chuộng
Trong dạ, nàng đều thỏa ước ao?
13. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Thiên nữ đáp:
14. Xá-lợi-phất Tôn giả cúng dường,
Nhờ đây, con hạnh phúc hân hoan,
Bốn phương con chẳng hề kinh hãi,
Tôn giả chính là bậc xót thương
Khắp cõi trần gian, thưa Giác giả,
Con về đây kính lễ tôn nhan. 3. (15) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà (Mattà)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) có một vị địa chủ đầy tín tâm và đạo hạnh. Tuy thế, bà vợ Mattà lại không có lòng tin, không mộ đạo, bản tính hay nóng giận và không có con.
Sau đó, ông sợ dòng họ bị tuyệt tự, đã cưới một phụ nữ khác tên là Tissà. Nàng có lòng tin, mộ đạo và làm đẹp lòng chồng, nàng sinh một con trai được đặt tên là Bhùta. Là bà chủ nhà, nàng kính cẩn phục vụ bốn Tỷ-kheo thọ trai.
Không thể chịu đựng mãi tình địch, khi đã quét nhà xong, Mattà đổ rác lên đầu Tissà. Về sau Mattà từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, phải chịu nỗi khốn khổ năm phần vì nghiệp lực của mình.
Nỗi thống khổ của bà được thấy rõ trong bài kinh này. Rồi một hôm, nữ ngạ quỷ nhớ lại quá khứ, liền hiện hình trước Tissà lúc ấy đang tắm rửa sau nhà. Khi thấy ngạ quỷ, Tissà hỏi:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai hiện đến đây chăng?
Mattà:
2. Mat-tà là chị, hỡi Tis-sà,
Chị lấy chồng chung một kiếp xưa,
Do chị đã gây nên ác nghiệp,
Từ đây đọa đến cõi yêu ma.
Tissà:
3. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì
Do khẩu, ý, thân chị thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào nên đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Mattà:
4. Xưa chị ác tâm, lắm hận sân,
Xan tham, dối trá, lại ghen hờn,
Vì dùng ác ngữ làm thương tổn,
Chị đoạ từ đây đến cõi âm.
Tissà:
5. Em còn nhớ mọi chuyện ngày xưa,
Chị thật hung hăng thuở bấy giờ,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao mình chị phủ đồ dơ?
Mattà:
6. Một buổi em vừa tắm gội xong,
Áo quần sạch sẽ mới vừa mang,
Chị đây, quả thật, còn hơn thế,
Chị điểm tô nhiều món nữ trang.
7. Khi điểm trang vầy, chị ngó qua
Em đang nói chuyện với chồng ta,
Chính vì việc ấy, niềm ganh tỵ,
Cuồng nộ trong lòng bộc phát ra.
8. Rồi chị cầm đồ rác bụi lên,
Ðúng là chị đã rải đầu em,
Vì do kết quả hành vi ấy,
Chị phải giờ đây chịu lấm lem.
Tissà:
9. Thật em biết mọi chuyện ngày xưa,
Chị rảy lên em lắm bụi dơ,
Nhưng có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị ngứa ngáy giày vò?
Mattà:
10. Tìm dược thảo, xưa hai chúng ta
Cùng đi vào tận chốn rừng già,
Em tìm các cỏ cây làm thuốc,
Chị hái quả cây Ka-pi-ka.
11. Lúc ấy em không biết chút nào,
Giường em, chị rải chúng nhiều sao,
Vì do kết quả hành vi ấy,
Chị bị giày vò, ngứa biết bao!
Tissà:
12. Thật ra, em biết rõ hoàn toàn
Chị rải trái kia khắp cả giường,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị phải chịu trần truồng?
Mattà:
13. Ngày kia có cuộc họp thân bằng,
Tụ tập họ hàng lại thật đông,
Em đã được mời đi dự lễ
Cùng chồng ta đó, chị thì không.
14. Thế rồi em chẳng biết hoàn toàn,
Chị lấy cất đi mọi áo quần,
Do chính việc này sinh kết quả,
Giờ đây chị phải chịu trần truồng.
Tissà:
15. Thật ra em biết chuyện kia mà,
Chị lấy áo quần em quẳng xa,
Song có việc này em muốn hỏi:
Sao mùi xú uế chị xông ra?
Mattà:
16. Vòng hoa, hương liệu, với trầm hương
Chị lấy của em vứt hố phân,
Do quả chị làm ra ác nghiệp,
Chị xông mùi xú uế vô cùng.
Tissà:
17. Ðúng là em biết rõ điều này,
Ác nghiệp kia do chị đã gây,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị khốn khổ như vầy?
Mattà:
18. Tài sản trong nhà của chúng ta
Thuộc về cả chị lẫn em mà,
Cúng dường bố thí là công đức,
Song chị không hề tự tạo ra
Một chỗ trú an, nay khốn khổ,
Là do kết quả lỗi lầm xưa.
19. Em thường bảo chị chính lời này:
Chị cả đang hành ác nghiệp đây,
Song nếu không làm điều tổn đức,
Về sau sẽ hưởng phước tràn đầy'.
Tissà:
20. Thái độ hận sân, chị đến gần
Bên em, chị tật đố ghen hờn,
Hãy nhìn quy luật điều chân lý:
Kết quả hành vi ác đã làm.
21. Chị lắm gia nhân ở tại nhà,
Nữ trang đầy đủ thật xa hoa,
Ngày nay chúng được người ngoài hưởng,
Lạc thú ở đời chỉ thoảng qua.
22. Giờ đây, cha của bé Bhù-ta
Từ chợ sắp quay trở lại nhà,
Ông sẽ tặng quà cho chị đó,
Ðừng đi, hãy đợi lát giây mà.
Mattà:
23. Trần truồng, dị tướng, quá hao gầy,
Mình mẩy đường gân nổi rõ đầy,
Ðây chiếc khố che phần hạ thể,
Ðừng cho bố trẻ thấy ta vầy.
Tissà:
24. Này, chị muốn em tặng thứ nào,
Làm gì giúp đỡ chị hay sao,
Ðể cho chị được nhiều an lạc,
Hạnh phúc mọi điều thỏa ước ao?
Mattà:
25. Ðây bốn Tỷ-kheo của chúng Tăng,
Và thêm vào đó bốn Sa-môn,
Cúng dường tám vị và hồi hướng
Công đức cho ta được hưởng phần,
Sau đó, ta tràn đầy hạnh phúc,
Thỏa lòng ao ước được hồng ân.
Chuyện kể tiếp:
26. 'Ðược lắm!', nàng vừa nói vậy xong,
Liền đem dâng cúng tám Sa-môn
Phạn trai, cùng với nhiều y phục,
Hồi hướng phước phần đến cổ nhân.
27. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
28. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Ðến gần vợ kế của phu nhân.
Tissà:
29. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
30. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, nàng đều thỏa ước ao?
31. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Mattà:
32. Mat-tà là chị, hỡi Tis-sà,
Chị lấy chung chồng một kiếp qua,
Do chị đã gây nên ác nghiệp,
Từ đây đọa tới cõi yêu ma,
Nhờ em dâng lễ, nay an hưởng.
Chị chẳng sợ gì mọi hướng xa.
33. Mong em trường thọ với thân nhân!
Em hỡi, mong em hưởng phước ân
Ðạt cảnh ly sầu bi, dục vọng,
Cõi trời của Hóa Lạc Thiên thần.
34. Em sống đời sùng đạo, cúng dường,
Tại đây bố thí, hỡi hồng nhan,
Ðoạn trừ gốc rễ xan tham ấy,
Em đến cõi thiên, phước nghiệp tràn. 4. (16) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Nandà (Nandàpeti)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Ở một làng nọ không xa Sàvatthi (Xá-vệ) có một đệ tử tại gia đầy lòng tin và mộ đạo. Tuy thế, vợ vị ấy tên là Nandà lại không có lòng tin, không mộ đạo, xan tham, dễ nóng giận, ác ngữ, thường tỏ ra bất kính và bất tuân lời chồng. Bà thường la mắng ồn ào như trống nổi và say mê phỉ báng mạ lỵ.
Khi từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, bà cư trú gần làng ấy. Rồi một hôm, bà xuất hiện trước mặt cư sĩ Nandasena đang đi trên đường. Khi thấy nữ ngạ quỷ, chàng ngâm kệ hỏi:
1. Ðen đủi và hình tướng dữ dằn,
Thân mình xương xẩu thật kinh hoàng,
Nhà ngươi mắt đỏ, răng vành chạch,
Ta chắc ngươi không phải thế nhân.
Nữ ngạ quỷ:
2. Nan-dà là thiếp, hỡi Nan-da,
Thiếp chính vợ chàng một kiếp xưa,
Vì đã dùng ngôn từ phỉ báng,
Từ đây đọa đến cảnh yêu ma.
Nandasena:
3. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào nên đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Nữ ngạ quỷ:
4. Xưa thiếp ác ngôn, lắm hận sân,
Thiếp thường không kính trọng phu quân,
Vì dùng lời lẽ gây thương tổn,
Thiếp đọa từ đây tới cõi âm.
Nandasena:
5. Ta tặng nàng đây chiếc áo choàng,
Áo này nàng hãy lấy mà mang,
Sau khi nàng đã choàng xong áo,
Ta sẽ dẫn nàng đến cố hương.
6. Nàng sẽ được ta tặng áo quần,
Về nhà đủ thức uống, đồ ăn,
Rồi nàng sẽ ngắm đôi nam tử,
Dâu của nàng là một ác nhân.
Nữ ngạ quỷ:
7. Những gì chàng tặng, dẫu trao tay,
Cũng chẳng giúp cho thiếp thật hay,
Song với Tỷ-kheo đầy giới đức,
Ða văn, ly dục ở đời này,
8. Cúng dường chư vị đủ cao lương,
Hồi hướng về cho thiếp phước ân,
Thiếp sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Ðạt thành mọi nguyện ước toàn phần.
Ba vần kệ tiếp theo được chư vị kết tập Kinh điển ngâm:
9. 'Ðược lắm!', chàng vừa hứa hẹn xong,
Cúng dường hào phóng lễ chàng dâng
Dồi dào thực phẩm mềm và cứng,
Y phục, dù, hương liệu, tọa sàng,
Ðủ loại dép giày, hoa kết chuỗi,
Sau khi dâng cúng các hiền Tăng
Ly tham, đạo hạnh, đa văn đủ,
Chàng chuyển phước phần đến cổ nhân.
10. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả phần công đức,
Thức uống, thức ăn lẫn áo quần.
11. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Nàng liền tiến đến vị phu quân.
Nandasena:
12. Hỡi nàng Thiên nữ dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi
Như vì sao cứu hộ trần gian.
13. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao?
Bất kỳ lực thú nào trong dạ
Yêu chuộng, nàng đều thỏa ước ao?
14. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Thiên nữ:
15. Nan-dà là thiếp, hỡi Nan-da,
Thiếp chính vợ chàng một kiếp qua,
Do đã phạm vào bất thiện nghiệp,
Từ đây đọa tới cõi yêu ma,
Nhờ chàng dâng lễ, nay an hưởng,
Thiếp chẳng sợ gì mọi hướng xa.
16. Mong chàng trường thọ với thân nhân,
Gia chủ, mong chàng hưởng phước ân,
Ðạt cảnh ly sầu bi, dục vọng,
Cõi trời của Hóa Lạc Thiên thần.
17. Chàng sống đời sùng đạo, cúng dâng,
Tại đây, bố thí, hỡi phu quân,
Ðoạn trừ gốc rễ xan tham ấy,
Chàng đến cõi thiên chẳng lỗi lầm. 5. (17) Chuyện Mattakundalì (Mattakundalì)
Chuyện này đã được kể ở Tập "Chuyện Thiên Cung", Phẩm II, số 9: Thiên tử Ðeo Vòng Tai. 6. (18) Chuyện Ðại Vương Kanha (Kanha)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở thành Sàvatthi, con trai của một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đau buồn không thể tắm rửa ăn uống hay quan tâm đến công việc của mình, mà cũng không đi phụng sự đức Phật. Vị ấy thường nói lảm nhảm:
- Con yêu quý của ta đã bỏ đi đâu rồi! Tại sao nó ra đi trước ta?
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào lúc rạng đông. Ngài thấy người kia có đủ cơ duyên đắc đạo quả. Ngày hôm sau, được chúng Tỷ-kheo vây quanh, Ngài đi vào Sàvatthi để khất thực. Sau khi thọ trai, Ngài cùng thị giả Ananda đến cửa nhà người ấy. Lập tức các gia nhân báo cho vị đệ tử cư sĩ kia và đưa vị ấy đến tiếp kiến bậc Ðạo Sư.
Khi Ngài thấy vị ấy ngồi một bên, Ngài bảo:
- Này cư sĩ, ông đang phiền muộn điều gì chăng?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này cư sĩ, các bậc trí nhân ngày xưa không còn than khóc đứa con yêu từ trần sau khi đã nghe chuyện của các bậc Hiền trí.
Rồi theo lời thỉnh cầu của người gia chủ, Ngài kể chuyện cổ tích này.
Thời xưa trong thành Dvàravati, có mười huynh đệ hoàng gia: Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura. Trong số này, có con trai của Ðại Vương Vàsudeva từ trần.
Vị vua ấy tràn ngập nỗi sầu bi, xao lãng mọi phận sự quân vương, cứ nằm dài trên giường, chắp tay lên đầu và nói lảm nhảm. Lúc ấy Ghatapandita (Trí giả Ghata) suy nghĩ: 'Không ai ngoài ta có thể xua tan nỗi ưu phiền của Hoàng huynh. Ta sẽ dùng mưu kế dẹp bỏ nỗi sầu của Hoàng huynh'.
Vì thế vị ấy làm ra vẻ điên khùng vừa nhìn lên trời, vừa lang thang khắp kinh thành, bảo:
- Cho ta con thỏ! Cho ta con thỏ!
Lúc ấy dân chúng toàn thành suy nghĩ: 'Ghatapandita đã phát điên rồi!'.
Lúc ấy vị quốc sư tên là Rohineyya đi đến Ðại vương Vàsudeva và mở đầu câu chuyện với vần kệ này:
1. Ðứng lên! Tâu Ðại đến Kan-ha,
Sao Ðại đế nằm mãi thế kia?
Ích lợi gì khi ngài ngủ thiếp?
Chàng là bào đệ của ngài mà,
Là tim, mắt phải ngài yêu quý,
Gió cuốn Gha-ta hóa dại khờ!
Bậc Ðạo Sư tiếp tục câu chuyện với vần kệ này:
2. Khi nghe lời của Ro-hi-ya,
Ðại đế Ke-sa, dáng xót xa,
Nặng trĩu sầu tư, liền đứng dậy
Chỉ vì bào đệ của nhà vua.
Sau đó nhà vua từ lầu thượng bước xuống và đi đến gặp Ghatapandita. Nhà vua ôm chặt bào đệ với đôi tay và nói chuyện với chàng:
3. Sao dáng điên rồ, đệ thẩn thơ
Khắp kinh thành đất nước Dvà-ra,
Thì thầm: 'Thỏ! Thỏ!' luôn mồm ấy,
Loại thỏ gì kia đệ ước mơ?
4. Thỏ dầu bằng ngọc hoặc vàng ròng,
Hoặc bạc hay là loại thỏ đồng,
Bảo ngọc, san hô, loài đá quý,
Ta làm cho đệ thỏa cầu mong.
5. Còn có nhiều loài thỏ biết bao
Vẫn thường chạy nhảy chốn rừng sâu,
Loại này ta cũng mang cho đệ,
Loại thỏ nào đâu đệ ước ao?
Ghatapandita đáp:
6. Những loại thỏ này đệ chẳng ham,
Những loài cư trú khắp trần gian,
Ke-sa-va, hãy mau đem xuống
Cho đệ thỏ kia chốn Quảng Hàn!
Khi nghe chàng nói, nhà vua đau buồn suy nghĩ: 'Chắc chắn em ta đã hóa điên rồi', và bảo:
7. Bào đệ, chắc em sẽ bỏ đời,
Vì em mơ ước chuyện xa vời,
Chuyện mà không có ai mơ ước:
Con thỏ cung trăng ở cõi trời!
Khi đã nghe những lời của nhà vua xong, Ghatapandita đứng yên và đáp:
- Này Hoàng huynh, Hoàng huynh cũng đã hủy hoại cuộc đời của mình nhưng không đạt được con thỏ trên cung trăng mà Hoàng huynh mơ ước.
Rồi vị ấy ngâm vần kệ này:
8. Nếu Kan-ha quả thật trí cao
Dạy cho người khác khỏi ưu sầu,
Giờ đây sao vẫn còn than khóc
Nam tử từ trần đã bấy lâu?
Trong khi đang đứng giữa đường cái, vị ấy nói như sau:
- Quả thật đệ ước mơ một điều rõ ràng, có thể hiểu được, nhưng Hoàng huynh lại than khóc về một điều không thể hiểu được như thế kia.
Rồi vị ấy ngâm kệ thuyết pháp với nhà vua:
9. Mong con ta sống chẳng từ trần!
Không một người hay một vị thần
Có thể đạt điều không thể đạt,
Sao điều không thể lại cầu mong?
10. Không có bùa thiêng hoặc thuốc thang,
Chẳng loài dược thảo hoặc tiền vàng
Ðủ công năng để làm hồi phục
Người chết Hoàng huynh vẫn khóc than.
11. Chính đám phú gia lắm bạc vàng,
Quốc vương, quý tộc có giang san,
Những người phong phú bao tiền của
Cũng chẳng thoát tay lão tử thần.
12. Sát-ly, Sa-môn với Thủ-đà,
Puk-ku-sa, Vệ-xá, Chiên-đà,
Những người này với toàn gia tộc
Cũng chẳng thoát tay lão-tử ma.
13. Những kẻ chuyên trì tụng chú thần
Sáu phần sáng tạo bởi La-môn,
Bọn này, bọn khác dùng tà thuật
Cũng chẳng thoát tay lão-tử vong.
14. Ngay các trí nhân thật chánh chân,
Các nhà khổ hạnh đã điều thân,
Sa-môn, ẩn sĩ, dù tu luyện,
Ðến đúng thời cơ cũng mạng vong.
15. Những bậc suốt đời tu tập tâm,
Những người phận sự đã làm xong,
Những người giải thoát, ly tham dục,
Ðoạn thiện ác hành, cũng bỏ thân.
Như vậy Ghatapandita thuyết pháp với nhà vua. Khi nhà vua đã nghe xong, nỗi đau buồn liền tan biến và tâm trí trở nên thanh thản. Nhà vua ngâm kệ để tán thán Ghatapandita:
16. Lòng ta quả thực nóng bừng,
Khác nào sữa lạc đổ trong lửa đào,
Em vừa tưới nước lạnh vào,
Giờ đây ta dứt hết bao khổ sầu.
17. Quả em nhổ mũi tên đau
Nỗi ưu phiền đã cắm sâu vào lòng,
Xua tan mọi nỗi thương tâm,
Sầu tư nặng trĩu, khóc thầm vì con.
18. Giờ đây trút bỏ đau buồn,
Lòng ta lắng dịu, trí thường khinh an,
Ta không còn phải khóc than,
Từ khi nghe những lời vàng của em.
19. Vậy là những bậc trí hiền,
Ðầy lòng bi mẫn, ưu phiền xóa ngay,
Như Gha-ta tiểu đệ này
Ðã làm huynh trưởng từ rày an tâm.
20. Kẻ nào bầu bạn hiền nhân
Vẫn thường hầu cận thiết thân bên mình,
Với lời khuyên nhủ chí tình
Như Gha-ta với trưởng huynh của chàng.
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này và bảo:
- Như vậy, này cư sĩ, những người trí tuệ ngày xưa dứt bỏ ưu phiền vì con sau khi đã nghe chuyện của các bậc hiền nhân.
Sau đó vừa thuyết giảng các Thánh đế, Ngài vừa đưa chuyện Tiền thân này vào cơ hội trên. Khi pháp thoại chấm dứt, vị cư sĩ ấy đã được an trú vào quả vị Dự Lưu. 7. (19) Chuyện Ngạ Quỷ Dhanapàla (Dhanapàlapeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Trước khi đức Phật đản sinh, trong quốc độ Dasanna, tại kinh thành Erakaccha, có một vị chủ ngân khố tên là Dhanapàla (Tài Hộ), là một người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt và đầy tà kiến. Những công việc của vị này có thể hiểu được qua Kinh điển Pàli. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ trong một vùng sa mạc hoang vắng. Ngạ quỷ đi lang thang khắp nơi, bị đói khát giày vò hành hạ.
Thời ấy, một số thương nhân sống ở Sàvatthi chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe và khi đã đến Uttarapatha, họ bán các hàng ấy. Sau đó, họ lại chất đầy hàng hóa lên xe để trở về.
Họ khởi hành lên đường về nhà lúc chiều tối họ đến tại một gốc cây. Ở đấy họ tháo cương bỏ bầy bò ra và tạm trú qua đêm. Thế rồi ngạ quỷ kia bị cơn khát nước giày vò liền đến nơi ấy kiếm thứ gì để uống, nhưng không được giọt nào, nó liền thốt tiếng kêu. Khi thấy nó, các thương nhân hỏi:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai đấy, hỡi vong nhân?
Ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, ta là ngạ quỷ nhân,
Thần dân xấu số của Diêm vương,
Vì ta đã phạm hành vi ác,
Ta đến nơi ma đói ẩn thân.
Ðám thương nhân:
3. Ngày xưa ngươi phạm ác hành gì,
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Ngạ quỷ:
4. Kinh thành bộ tộc Da-san-na,
Danh vọng lẫy lừng E-ra-ka,
Thuở trước ta là nhà triệu phú,
Với tên Tài Hộ tặng cho ta.
5. Tám mươi ngàn chẵn cỗ xe lừa
Chất chứa vàng ròng sở hữu ta,
Thuở đó ta nhiều vàng bạc lắm,
Ngọc trai, ngọc mắt báo đầy nhà.
6. Như vậy ta là đại phú ông,
Nhưng ta lại chẳng muốn cho không,
Khi ta ăn uống, ta cài cửa
Ðể bọn ăn mày chẳng ngóng trông.
7. Xưa ta không mộ đạo, xan tham,
Keo kiệt, dùng lời nói hại nhân,
Ta cản nhiều người chuyên bố thí,
Những người làm phận sự chuyên cần.
8. Ta nói: 'Không sao có phước phần
Dành cho việc bố đức thi ân,
Tu thân đâu có đem thành quả?'
Ta phá bao nguồn nước vệ đường,
Ao giếng, hồ sen, vườn cảnh đẹp,
Lối đi hiểm trở khó băng ngang.
9. Như vậy ta không tạo phước ân,
Làm người gây ác nghiệp từ trần,
Tái sanh vào xứ loài ma quỷ,
Ðói khát luôn hành hạ khổ thân,
Từ đấy đến nay ta tạ thế
Tính ra vừa đủ năm lăm năm.
10. Ẩm thực ta không được hưởng phần,
Do không có bố đức thi ân,
Thì điều tai hại là như vậy,
Vì ngạ quỷ luôn hiểu biết rằng:
'Nếu chẳng muốn thi ân bố đức,
Thì điều tai hại cũng ngang bằng'.
11. Thuở trước ta không muốn phát ban,
Ta không bố thí các kho tàng,
Mặc dù bố thí là công đức,
Ta chẳng tạo nên chốn trú an.
12. Ngày nay ta hối hận ăn năn,
Nặng trĩu trong lòng bởi phải mang
Hậu quả việc làm bao ác nghiệp,
Và sau bốn tháng sẽ từ trần.
13. Ðọa miền địa ngục hãi hùng sao,
Có bốn góc và bốn cửa vào,
Ngục được chia phần theo kích thước,
Xung quanh bao bọc với tường rào
Làm bằng sắt nóng và trên mái
Cũng có sắt che tận đỉnh cao.
14. Nền bằng sắt rực lửa bừng bừng,
Nóng bỏng, chói lòa khắp mọi phương,
Ðịa ngục muôn đời còn đứng mãi,
Trải dài luôn cả trăm do-tuần.
15. Nơi kia ta chịu khổ lâu dài,
Thọ quả do tà nghiệp chín muồi,
Vì thế ta thường ân hận mãi,
Khóc than thực tế chẳng hề nguôi.
16. Bởi vậy ta đem chuyện thật hay
Nói cùng chư vị họp nơi đây,
Ðừng bao giờ phạm hành vi ác,
Dù giấu kín hay được tỏ bày.
17. Nếu ngươi đang phạm việc sai lầm,
Hoặc sắp phạm, thì nỗi khổ tâm
Sẽ chẳng rời ngươi, dù trốn tránh,
Bay lên trời đến giữa hư không.
18. Hãy luôn tôn kính mẹ cùng cha,
Quý trọng bậc niên trưởng tại nhà,
Quy ngưỡng Bà-la-môn, đạo sĩ,
Do vầy, thiên giới sẽ chờ ta.
19. Không giữa trời hay giữa biển thanh
Dẫu đi vào kẽ núi non xanh,
Cũng không tìm được trong trần thế
Nơi chốn thoát thân khỏi ác hành.
Các thương nhân thương xót ngạ quỷ liền rảy nước vào mồm nó. Nhưng vì ác nghiệp của ngạ quỷ kia, nó không thể nuốt được. Họ hỏi nó:
- Thế giờ đây ngươi không thể nào dịu bớt đôi chút khổ đau?
Ngạ quỷ đáp:
- Có thể được khi ác nghiệp này đã được tiêu trừ. Nếu giờ đây có lễ vật cúng dường đức Như Lai hoặc chư đệ tử của Ngài và công đức lễ cúng dường ấy được hồi hướng đến ta, thì ta sẽ được giải thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ này.
Khi các thương nhân đã nghe chuyện ngạ quỷ xong, họ trở về Sàvatthi, trình lên đức Thế Tôn, rồi suốt bảy ngày làm đại lễ cúng dường Tăng chúng có đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến ngạ quỷ. 8. (20) Chuyện Tiểu Chủ Ngân Khố (Cùlasetthi)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Ở Benares (Ba-la-nại) có gia chủ Cùlasetthi (Tiểu chủ ngân khố) là người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt, không bố thí và khinh thường các thiện sự công đức. Lúc từ trần vị ấy tái sanh giữa loài ngạ quỷ.
Bấy giờ con gái vị ấy là Anulà đang sống tại nhà chồng ở Andhakavinda. Nàng mong muốn cúng dường các Bà-la-môn để lấy phước đức cho cha nên đã chuẩn bị cơm và các thực phẩm khác làm lễ vật.
Khi ngạ quỷ biết tin này, lòng đầy hy vọng liền bay qua không gian hướng về nơi kia và đến Ràjagaha (Vương Xá).
Thời ấy vua Ajatasattu (A-xà-thế) theo sự xúi giục của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đã giết hại phụ vương. Vì lòng hối hận giày vò và gặp cơn ác mộng, nhà vua không ngủ được. Trong lúc đang đi dạo quanh quẩn trên thượng lầu, nhà vua thấy ngạ quỷ kia đang bay qua không gian, liền hỏi:
1. Ngươi là vị khổ hạnh trần truồng,
Gầy guộc, ban đêm vượt dặm đường.
Vì lý do gì, cho trẫm biết,
Trẫm ban ngươi mọi vật giàu sang.
Ngạ quỷ đáp:
2. Thành Ba-la-nại tiếng vang lừng,
Nơi ấy ta là một phú ông
Không bố thí và ham hưởng lạc,
Vì làm ác, đọa cảnh Diêm công.
3. Ðói khổ làm ta kiệt quệ dần,
Ta đau như thể bị kim châm,
Vì gây ác nghiệp, cho nên phải
Ði đến bà con để kiếm ăn,
Song những kẻ nào tâm biển lận
Vẫn không tin tưởng chuyện cho rằng
Thi ân bố đức đem thành quả
Xuất hiện đời sau giữa thế nhân.
4. Con gái ta thường nói với ta:
'Con mong dâng cúng các ông cha'.
Bà-la-môn muốn cho người khác
Ði dự tiệc bằng cách nói ra:
'Ta sắp được mời ăn thịnh soạn
Tại nơi kia ở An-dha-ka'.
Chuyện kể tiếp:
5. Vua truyền: 'Khi đã nhận xong phần,
Ngươi trở lại đây vội bước chân,
Trẫm muốn ban ngươi nhiều phước lộc,
Nếu nhà ngươi có một nguyên nhân,
Trình cho trẫm biết ngay duyên cớ,
Trẫm sẽ nghe điêù xứng tín tâm.
6. 'Mong vậy!', quỷ vừa mới nói ra,
Liền bay đi đến phố An-dha.
Nơi kia chúng hưởng đồ dâng cúng,
Song hội chúng không xứng đáng mà,
Sau đó về thành Vương Xá ấy,
Một lần nữa yết kiến nhà vua.
7. Khi vua nhìn ngạ quỷ quay về,
Liền bảo: 'Nay ta phải cúng gì?
Hãy nói thế nào là cách thức
Khiến ngươi hưởng lạc thú tràn trề?'
Ngạ quỷ đáp:
8. Phục vụ Tỷ-kheo với Phật-đà,
Thức ăn, đồ uống, áo cà-sa,
Cúng dường lấy phước cho ta hưởng,
Ta sẽ hân hoan trọn kiếp mà.
9. Tức thì vua bước xuống hoàng cung,
Dâng lễ tự tay đến chúng Tăng,
Trình đức Như Lai về việc ấy,
Rồi đem công đức tặng vong nhân.
10. Chói lòa ánh sáng, được tôn vinh,
Trước mặt quân vương, quỷ hiện hình:
'Ta đã trở thành thần đại lực,
Không người nào sánh kịp uy danh.
11. Hãy nhìn ta hưởng đại vinh quang
Do Ðại vương vừa mới phát ban,
Khi đã cúng Tăng-già đại lễ,
Từ đây ta được mãi hân hoan,
Vì có biết bao nhiêu phước lộc,
Ta đầy hỷ lạc, hỡi quân vương'. 9. (21) Chuyện Ankura (Ankura)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong trường hợp này, Ankura không phải là ngạ quỷ, nhưng vì có liên hệ với ngạ quỷ, nên chuyện được gọi là chuyện ngạ quỷ Ankura.
Trong thị trấn Asitanjana, ở vùng Kamsabhoga, tỉnh Uttaràpatha, có vị vương tử của vua Mahàsàgara, chúa tể xứ Uttaramadhura, tên là Upasàgara cùng vương phi Devagabbhà, công chúa của vua Mahà-kamsaka, sinh được bầy con này: Anjanadevì, Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura.
Vasudeva và các huynh đệ khởi binh từ kinh thành Asitanjana và theo thời gian tận diệt tất cả mọi vua chúa trong sáu mươi ba ngàn kinh thành thuộc toàn quốc Hồng Ðào (Ấn Ðộ), rồi dừng chân ở thành Dvàravatì và định cư tại đó.
Về sau họ chia vương quốc ra làm mười phần, nhưng họ lại quên phần chị là công chúa Anjanadevì. Khi họ nhớ đến bà, một vương tử đưa ý kiến:
- Chúng ta hãy chia làm mười một phần.
Lập tức tiểu vương tử Ankura nói:
- Hãy đưa phần tiểu đệ cho vương tỷ; tiểu đệ sẽ sống bằng nghề thương mãi, chư vương huynh gửi tiền thuế của tiểu đệ đến vương tỷ, mỗi người từ quốc độ của mình.
Họ chấp thuận và sau khi đã gửi phần trợ cấp của người em cho chị, chín vua kia đều sống tại Dvàravatì.
Tuy thế, Ankura lại theo nghề thương mãi và thường xuyên bố thí rộng rãi. Bấy giờ vị ấy có một người nô lệ làm thủ kho vốn rất quan tâm đến phúc lợi của chủ.
Ankura cưới cho người này một thiếu nữ có gia thế đàng hoàng về làm vợ. Vì người nô lệ chết sớm, Ankura cho con trai người này hưởng tiền lương đã được trả cho cha nó lúc trước.
Khi đứa bé này đến tuổi khôn lớn, trong triều vua có lời bàn xì xào rằng kẻ nô lệ ấy không phải là một nô lệ.
Khi công chúa Anjanadevì nghe chuyện này, bà dùng ví dụ con bò sữa và giải phóng cậu trai ra khỏi tình trạng nô lệ, rồi nói:
- Một bà mẹ được tự do không có gì thua kém một đứa con trai được tự do.
Song nỗi hổ thẹn khiến cậu con trai bỏ ra đi đến kinh thành Bheruva, tại đó cậu cưới con gái của một người thợ may và sinh sống bằng nghề thợ may.
Thời ấy trong thành Bheruva có một vị chủ nghiệp đoàn đại phú tên là Asayha vẫn cúng dường bố thí hào phóng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, du đãng, lữ hành, cùng đám ăn mày, khất sĩ. Người thợ may hân hoan thích thú về việc này, thường chỉ cho những người không biết chỗ ấy, đến tận dinh cơ của gia tộc Asayha với lời dặn:
- Hãy đi đến đó và nhận được nhiều tặng vật xứng đáng.
Hành động của vị này được đề cập trong Kinh tạng Pàli. Khi từ trần, vị ấy tái sanh làm một địa thần trong vùng sa mạc, ở một cây đa kia, tại đó tay phải vị thần thường ban phát các đồ vật đem lại lạc thú.
Bấy giờ cũng trong thành Bheruva ấy có một người tham dự vào việc bố thí hào phóng của Asayha, nhưng vì kẻ ấy không có lòng tin, không mộ đạo, đầy tà kiến và tỏ ra bất kính đối với các thiện sự công đức, nên khi từ trần, kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ ở gần nơi cư trú của vị thần kia. Hạnh nghiệp của vị ấy cũng được tìm thấy trong Kinh tạng Pàli.
Lúc ấy Asayha đã từ trần và cộng trú với Sakka Thiên chủ ở cõi trời Ba mươi ba. Một thời gian sau đó, Ankura chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe, trong khi một Bà-la-môn khác cũng làm như vậy. Hai người này cùng cả ngàn cỗ xe đi vào một sa mạc hiểm trở và lạc đường.
Trong khi họ lang thang quanh quẩn nơi ấy, thì cỏ, nước và thực phẩm cạn dần. Ankura phái đám hầu cận đi tìm nước. Lúc ấy thần Dạ-xoa kia đang ban phát các đồ vật đem lại lạc thú, chợt thấy tình cảnh nguy khốn của họ, và nhớ đến công ơn mà Ankura đã làm cho mình đời trước, liền chỉ cho vị này cây đa mà thần đang cư trú, và suy nghĩ: 'Bây giờ đây ta phải giúp đỡ người này'.
Thời ấy, cây đa này đầy cành lá rậm ráp, rủ bóng che dày đặc và có hàng ngàn chồi non. Cây trải dài, cao và rộng cả một do-tuần. Khi thấy cây đa, Ankura rất hân hoan thích thú bảo cắm lều ngay tại đó. Thần Dạ-xoa đưa tay phải ra và lập tức cung cấp nước uống.
Sau khi đám người này được cung cấp đủ mọi nhu cầu theo nguyện vọng, và đã nghỉ ngơi sau cuộc hành trình, vị Bà-la-môn thương nhân nảy lên ý tưởng ngu si này: 'Sau khi đã đi từ đây đến Kamboja để kiếm tài sản, thì chúng ta sẽ làm được việc gì? Chi bằng ta hãy tìm cách bắt lấy thần Dạ-xoa đưa lên xe. Rồi sau đó cùng thần ấy đi thẳng về kinh thành của ta'.
Với ý tưởng này trong trí, vị Bà-la-môn nói kế hoạch của mình cùng Ankura:
1. Ðích ta tìm ở Kam-bo-ja
Thành tựu khi ta gặp Dạ-xoa,
Thần ấy cho ta bao ước muốn,
Bắt thần cùng ở với đoàn ta.
2. Hãy bắt lấy ngay Ðại lực thần,
Cho dù cưỡng bách hoặc bằng lòng,
Hãy đưa thần ấy lên xe gấp,
Trở lại Dvà-ra vội bước chân.
Khi vị Bà-la-môn đã nói vậy xong, Ankura liền đề cập pháp thực hành của các thiện nhân, vừa phản đối vị kia:
3. Với cây rủ bóng, ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ, ta không bẻ nhánh chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
Vị Bà-la-môn đáp lời, theo quan niệm khôn ngoan thông thường chủ trương rằng căn bản của sự thành công là loại bỏ đạo đức giả:
4. Với cây cao bóng mát tình cờ
Ta đến nằm, ngồi thật tự do,
Có thể đốn cây ngay tận gốc,
Nếu điều này có lợi cho ta.
Ankura:
5. Với cây rủ bóng ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ, ta không hái lá chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
Bà-la-môn:
6. Với cây cao bóng mát tình cờ
Ta đến nằm ngồi thật tự do,
Có thể nhổ cây luôn cả rễ,
Nếu điều này có lợi cho ta.
Ankura:
7. Tình cờ ta ở lại nhà ai,
Dù chỉ một đêm đến sáng mai,
Ta được người kia mời ẩm thực,
Ta không nghĩ kế hại cho người,
Tri ân là một điều cần thiết
Ðược các thiện nhân tán thán hoài.
8. Tình cờ ta trú ngụ nhà ai,
Cho dẫu một đêm, chỉ một thôi,
Và được người kia mời ẩm thực,
Không nên nghĩ việc ác cho người,
Kẻ nào tay chẳng gây tai hại
Cũng chấm dứt mưu phản bạn đời.
9. Ngày trước nếu ai có thiện hành,
Về sau phạm tội ác vào mình,
Bàn tay trong sạch người kia thiếu,
Sẽ chẳng gặp đâu phận tốt lành.
Lúc ấy vị Bà-la-môn trở nên yên lặng. Tuy nhiên thần Dạ-xoa đã nghe cả hai người nói chuyện, liền nổi giận với vị Bà-la-môn và nói:
- Hãy cho gã Bà-la-môn độc ác này lãnh phần xứng đáng với gã.
Rồi để chứng tỏ rằng thần không dễ bị bất cứ ai khuất phục, thần bảo:
10. Ta đâu dễ bị một Thiên thần
Khuất phục, hay vua chúa, thế nhân,
Ta chính Dạ-xoa, thần đại lực,
Phi nhanh như chớp giữa hư không,
Và ta thọ hưởng hình dung đẹp,
Phúc phận cho ta đủ lực hùng.
Ankura:
11. Bàn tay ngài chói sáng vàng ròng,
Có mật rỉ và các suối trong
Ðầy tặng vật tuôn từ mọi ngón,
Nước cây trái ngọt nhỏ thành dòng,
Nên ta tin chắc ngài oai lực
Là chính Pu-rin-da hiện thân.
Thần Dạ-xoa:
12. Ta chẳng là tiên, chẳng Thát-bà,
Chẳng Sak-ka hiệu Pu-rin-da,
An-ku-ra hỡi, ta là quỷ
Ðã đến đây từ Bhe-ru-na.
Ankura:
13. Xưa ngài có tính cách ra sao,
Ðời trước ngài theo nếp sống nào,
Vì Thánh hạnh gì, tay ấy vẫn
Hoàn thành thiện sự biết là bao?
Thần Dạ-xoa:
14. Kiếp trước ta là một thợ may,
Suốt đời cùng khổ sống qua ngày,
Ở Bhe-ru phố, ta không có
Phương tiện gì ban phát tự tay.
15. Thuở ấy, tiệm ta ở cạnh nhà
Của người mộ đạo A-say-ha,
Chuyên gia bố thí đầy hào phóng,
Khiêm tốn làm bao thiện sự mà.
16. Các đám ăn mày đến chỗ kia,
Cùng đinh thập loại hỏi thăm ta:
'Chúc ông may mắn! Xin cho biết
Ði đến nơi đâu được phát quà?'
17. Khi các tiện dân đến hỏi ta,
Ta cho biết chỗ A-say-ha,
Vừa đưa tay phải ra, vừa bảo:
'Chúc bạn gặp may, đến chốn kia,
Nhà của A-say-ha ở đó
Tặng vật dồi dào được phát ra'.
18. Do vậy tay ta nay phát phân
Những gì chư vị đến cầu mong,
Nhờ nguyên nhân ấy, tay ta đó
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng,
Vì Thánh hạnh xưa, ta tiếp tục
Hoàn thành thiện sự với tay không.
Ankura:
19. Như thế xưa ngài chẳng tặng ai
Vật gì đâu với chính tay ngài,
Nhưng vì thích thú nhìn người khác
Bố thí, nên tay phải trải dài.
20. Do vậy tay ngài nay biếu không
Những gì cần thiết với tha nhân,
Nhờ nguyên nhân ấy, tay ngài đó
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng,
Vì Thánh hạnh xưa, ngài tiếp tục
Hoàn thành thiện sự với tay thần.
21. Ngài hỡi, người kia có tín tâm
Dùng đôi tay lấy của cho không,
Sau khi đã bỏ thân phàm tục,
Người ấy đi đâu, hãy nói cùng.
Thần Dạ-xoa:
22. Ta chẳng biết gì thuở đã qua,
Chuyện sanh tử của An-gi-ra,
Người thành tựu việc không hề có,
Song đã nghe từ Ves-sa-va,
Người ấy sanh Thiên và cộng trú
Cùng chư Thiên hội chúng Sak-ka.
Ankura:
23. Bố thí, làm lành đúng khả năng
Quả nhiên đầy đủ lợi vô ngần,
Khi nhìn kẻ khác ban ân phước,
Ai chẳng muốn làm thiện sự chăng?
24. Từ đây đến xứ Dva-ra-ka
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem hạnh phúc cho ta.
25. Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng, và ao nước vệ đường.
Vừa lúc ấy, một ngạ quỷ xuất hiện, Ankura liền hỏi:
26. Sao tay ngươi các ngón cong queo,
Và miệng của ngươi lệch một chiều,
Ðôi mắt ngươi tuôn trào nước mãi,
Nhà ngươi đã tạo ác hành nào?
Ngạ quỷ:
27. Với người mộ đạo An-gi-ra,
Gia chủ làm công đức tại nhà,
Tôi đã liên quan về thiện sự,
Xưa tôi giám sát việc chia quà.
28. Nơi kia, khi thấy bọn xin ăn,
Những kẻ thèm cơm nước phát phân,
Ðã đến, tôi liền qua phía khác,
Và tôi làm bộ mặt mày nhăn.
29. Nên tay tôi các ngón cong queo,
Và miệng của tôi lệch một chiều,
Ðôi mắt tôi tuôn trào nước mãi,
Ngày xưa tôi tạo ác hành nhiều.
Ankura:
30. Kẻ khốn khổ kia, thật đúng là
Miệng ngươi méo lệch bởi ngày xưa
Ngươi nhăn mày mặt khi nhìn thấy
Người khác phân chia các món quà.
31. Vì sao ta có thể phát phân
Y phục, tọa sàng, thức uống ăn,
Mà lại mong nhờ tay kẻ khác
Giúp ta phục vụ các tha nhân?
32. Từ đây đến xứ Dvà-ra-ka,
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem lại hạnh phúc cho ta.
33. Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng, và ao nước vệ đường.
Chư vị kết tập Kinh điển tiếp tục câu chuyện qua các vần kệ:
34. Sau khi trở về Dvà-ra-ka,
Vị ấy vừa quay bước đến nhà,
Liền thiết lập công trình bố thí,
Việc này đem hạnh phúc chan hòa.
35. Với tâm thanh thản, vị này ban
Y phục, thức ăn uống, tọa sàng,
Nơi chốn cho bao người tạm trú,
Ðào ao và giếng nước bên đàng.
36. Ai muốn áo choàng, thức uống ăn?
Ngựa bò ai mỏi mệt hay chăng?
Từ nơi đây họ đem dây buộc
Bò ngựa vào xe để chở hàng,
Ai muốn nước hoa, dù đỡ nắng,
Ai cần giày dép hoặc hoa tràng?
37. Như vầy bọn chúng cứ kêu la,
Bọn hớt tóc và bán nước hoa,
Ðầu bếp, không ngừng từ sáng tối
Ở ngôi nhà của An-ku-ra.
Tiếp theo đó là câu chuyện giữa Ankura và Sindhaka, một chàng trai được chỉ định trông coi việc bố thí của vị ấy.
Ankura:
38. Các bọn người kia vẫn nghĩ rằng:
'An-ku-ra ngủ thật bình an',
Sin-dha-ka hỡi, ta trằn trọc,
Vì chẳng thấy đâu bọn cái bang.
39. Chắc các người kia nghĩ đến mình:
'An-ku-ra ngủ thật ngon lành'.
Sin-dha-ka hỡi, ta trằn trọc
Vì chẳng thấy đâu đám lữ hành.
Sindhaka:
40. Nếu Sak-ka, chúa cõi Băm-ba,
Ban tặng cho ngài một ước mơ,
Ngài sẽ chọn gì trong thế giới,
Mong ngài bày tỏ, An-ku-ra?
Ankura:
41. Nếu Sak-ka, chúa cõi Băm-ba,
Ðem một điều mong ước tặng ta,
Ta sẽ cầu xin từ buổi sáng
Khi vừa thức giấc sớm tinh mơ,
Món ăn thiên giới luôn đầy đủ,
Hành khất tín thành cũng hiện ra.
42. Mong ước khi ta đang phát ban,
Công năng bố thí chẳng tiêu tan,
Sau khi bố thí, không ân hận,
Ta ước tâm ta được lạc an,
Trong lúc ta thi ấn bố đức,
Ấy điều ta ước tự Thiên Hoàng.
Như vậy, Ankura đã tuyên bố nguyện vọng của mình. Lúc ấy tại nơi kia, một người đang ngồi mang tên Sonaka, có phẩm hạnh tốt. Người ấy muốn khuyên can vị này đừng bố trí quá nhiều, liền bảo:
43. Chớ nên cho tất cả gia tài,
Ngài phải hộ phòng sản nghiệp thôi,
Vì thế, bạc vàng là chắc chắn
Có giá trị hơn bố thí hoài,
Bố thí quá nhiều sinh kết quả
Gia đình không thể sống lâu dài.
44. Bậc hiền không chấp nhận xan tham,
Cũng chẳng tán đồng quá phát ban,
Vì thế, ngài nhìn xem của cải
Tốt hơn là bố thí tràn lan;
Người nào có quyết tâm chân chánh,
Sẽ chọn đường trung đạo lạc an.
Ankura:
45. Ông nói điều này quả thật hay,
Phần ta muốn bố thí từ đây,
Và cầu mong những người lương thiện,
Mộ đạo mau chân đến chốn này;
Như đám mây tràn đầy vực thẳm,
Ta mong bồi dưỡng hạng ăn mày.
46. Nếu ta tâm trí được bình an,
Khi thấy bọn hành khất hỏi han
Hoan hỷ vì thi ân bố đức,
Ðấy là hạnh phúc giữa nhân gian.
47. Nếu trí tâm ta được lặng yên,
Khi nhìn hành khất đến cầu xin,
Hân hoan vì việc ban ân huệ,
Như vậy là thành tựu phước điền.
48. Trước khi bố thí, phải hân hoan,
Tâm trí hân hoan lúc phát ban,
Hoan hỷ sau khi ta bố thí,
Thế là thành đạt phước nhân gian.
Chư vị kết tập Kinh tạng Pàli tiếp tục kể chuyện này:
49. Sáu mươi ngàn chẵn chuyến xe bò
Thực phẩm hằng ngày được phát cho
Các đám người trong nhà thí chủ
Nguyện làm thiện sự An-ku-ra.
50. Ðầu bếp ba ngàn sống tại gia
Của người thí chủ An-ku-ra,
Ðiểm trang vàng ngọc, hoa tai đủ,
Tận tụy nhiệt tâm phát tặng quà.
51. Thanh niên trai tráng sáu mươi ngàn
Ðeo đủ hoa tai với ngọc vàng,
Ðang bổ củi trong nhà thí chủ
Cử hành đại bố thí nhân gian.
52. Nữ nhi một vạn sáu như hoa
Tô điểm đồ trang sức ngọc ngà,
Nhào bột thành bao hình bánh ngọt,
Cử hành đại bố thí toàn gia.
53. Mười sáu ngàn kìa đám nữ nhân
Xiêm y đủ mọi vẻ thanh tân,
Tay cầm muỗng tại nhà gia chủ
Phục vụ đại công đức phát phân.
54. Phát ban nhiều tới biết bao người,
Người quý cao thay cống hiến hoài,
Bố thí ân cần, tay chỉ bảo,
Quan tâm chăm sóc mãi không thôi.
55. Nhiều tuần trăng, tháng tháng trôi qua,
Chẳng biết bao năm với bốn mùa,
Suốt một thời gian dài đăng đẵng,
Không ngừng bố thí, An-ku-ra.
56. An-ku-ra bố thí lâu dài,
Cống hiến phát ban suốt cả đời,
Ðến lúc từ trần, lìa bỏ xác,
Ði lên thiên giới, cõi Ba mươi.
Khi vị ấy đã được tái sanh ở đó và đang hưởng thiên lạc, thì vào thời đức Thế Tôn Gotama, một thanh niên có tên Indaka đầy nhiệt tâm cúng dường một phần thực phẩm lên Tôn giả Trưởng lão Anuruddha (A-na-luật-đà) trong lúc vị này đang đi khất thực.
Khi Indaka từ trần, và nhờ năng lực công đức đã trở thành phước điền, vị ấy tái sanh lên cõi Ba mươi ba. Vì thế chuyện kể tiếp:
57. Lấy cơm đầy muỗng, In-da-ka
Dâng Trưởng lão A-na-luật-đà,
Khi xả báo thân phàm tục ấy,
Chàng lên cộng trú cõi Băm-ba.
58-59. Trong mười phương diện, In-da-ka
Vượt trội An-ku-ra thật xa:
Khả ái sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Trường tồn thọ mạng, đẹp màu da,
Phước phần, danh vọng và quyền lực,
Chàng đều vượt hẳn An-ku-ra.
60. Ở trong thiên giới, cõi Băm-ba,
Bậc Tối thượng nhân, đức Phật-đà,
Ðang ngự trên ngai Hoàng bảo thạch,
Dưới chân của đại thọ San-hô.
61. Khi chư Thiên tụ tập mười phương,
Ðảnh lễ đấng Toàn Giác Thế Tôn
Vừa đến cõi thiên, đang trú ngụ
Ở trên thượng đỉnh của Cao Sơn.
62. Không một thần tiên ở cõi trời
Sánh bằng đức Phật vẻ hùng oai,
Vượt lên tất cả chư Thiên ấy,
Duy nhất Thế Tôn chiếu rạng ngời.
63. Ðồng thời có mặt An-ku-ra
Cách đó mười hai dặm phía xa,
Nhưng ở không xa đức Phật mấy,
In-da-ka vượt An-ku-ra.
64. Khi đức Phật vừa chợt ngó qua
An-ku-ra với In-da-ka,
Muốn làm hai vị tăng công đức,
Ðức Phật bèn cất tiếng nói ra:
65. 'Lâu dài bố thí, An-ku-ra,
Xưa phát phân nhiều để lợi tha,
Nay vẫn đang ngồi xa cách quá,
Ðến nơi này ở phía gần ta'.
66. Ðược đấng Toàn tri kiến bảo ban,
An-ku-ra vội nói lên rằng:
'Lợi gì bố thí thời xưa ấy,
Vì thiếu người tương xứng cúng dường?
67. In-da-ka hiện ở nơi đây,
Dù đã cúng dường ít ỏi thay,
Chàng vẫn sáng ngời hơn tất cả,
Như trăng vượt các đám sao dày'.
Ðức Phật liền dạy bảo:
68. Ví như trong đám ruộng khô cằn
Hạt giống dù vô số được trồng,
Chúng vẫn không đem nhiều kết quả,
Và không làm đẹp ý nhà nông.
69. Cũng vậy đem nhiều của phát ban
Cho người độc ác hoặc tà gian,
Sẽ không tạo quả lành phong phú,
Và chẳng làm vui kẻ cúng dường.
70. Nhưng khi ít hạt được gieo trồng
Trong chỗ đất tươi tốt ruộng đồng,
Lại có nhiều mưa hòa gió thuận,
Ðược mùa làm đẹp ý nhà nông.
71. Cũng vậy, khi tôn kính chánh nhân,
Những người đạo hạnh giữa nhân quần,
Thiện hành dù chỉ là nho nhỏ,
Cũng tạo công năng đại phước phần.
Chư vị kết tập Kinh điển tiếp tục kể chuyện:
72. Vậy phải biết phân biệt cúng dường
Ðem về phước báo lớn vô lường,
Cúng dường có chú tâm suy xét,
Thí chủ lên thiên giới trú an.
73. Ta phải cúng dâng lễ tín thành
Lên người xứng đáng giữa quần sanh,
Lễ dâng như vậy đem thành quả
Phong phú như gieo hạt đất lành. 10. (22) Chuyện Mẹ Của Uttara (Uttaramàtu)
Sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, vào thời Ðại hội kết tập Kinh điển đầu tiên đang diễn tiến, Tôn giả Mahà-Kaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên) cùng mười hai Tỷ-kheo đang cư trú trong ngôi rừng nọ gần Kosambi (Kiều-thưởng-di).
Thời ấy Uttara, vị nam tử thừa kế của vị quốc sư triều vua Udena, đang cùng đám thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà, và được Trưởng lão này thuyết pháp.
Về sau Uttara thường cúng dường vị ấy thực phẩm và xây tặng vị ấy một thảo am.
Song bà mẹ của Uttara căm hận những việc cúng dường ấy. Bà bảo:
- Ta mong bất cứ thức ăn uống nào con cúng các Sa-môn mà ta không đồng ý đều trở thành máu cho con uống ở đời sau.
Tuy thế, vào ngày cúng dường am thất, bà cho phép tặng một bó lông đuôi công. Khi từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và do đã cúng dường một bó lông đuôi công ấy, nữ ngạ quỷ có mái tóc đen thật dài, uốn lượn óng ả rất đẹp và dài tha thướt.
Bất cứ khi nào nữ ngạ quỷ bước xuống tự nhủ: 'Ta sẽ uống nước sông Hằng' thì dòng sông trở thành máu đỏ. Sau khi đã đi lang thang suốt năm mươi năm bị đói khát giày vò, ngày kia nữ ngạ quỷ chợt thấy Trưởng lão Kankhàrevata (Kankhà Ly-bà-la) ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng:
Cuộc đối thoại này tiếp theo sau hai vần kệ đầu của chư vị kết tập Kinh điển:
1. Khi một Tỷ-kheo đến nghỉ trưa
Và ngồi trên bến nước Hằng hà,
Gần người, nữ quỷ hình ghê rợn,
Dáng điệu rụt rè, tiến bước ra.
2. Mái tóc quỷ nương ấy thật dài
Thả ra chấm đất, được buông lơi,
Che thân bằng các chùm tóc ấy,
Nữ quỷ thưa Tôn giả chuyện đời:
Nữ ngạ quỷ:
3. Năm mươi năm đã giã từ trần,
Con chẳng biết gì thức uống ăn.
Tôn giả, cho con xin chút nước,
Hiện con đang khát nước muôn phần.
Tỷ-kheo:
4. Ðây dòng nước mát của sông Hằng
Chảy xuống từ miền núi Tuyết Sơn,
Hãy lấy nước kia và uống gấp,
Sao ngươi xin nước ở trên dòng?
Nữ ngạ quỷ:
5. Tôn giả, xin thưa, nếu chính con
Tự tay lấy nước ở dòng sông,
Nước liền thành máu, và vì thế
Con khẩn cầu ngài chút nước trong.
Tỷ-kheo:
6. Ngày xưa đã phạm ác hành nào
Do khẩu, ý, thân đã phạm vào,
Từ nghiệp quả gì tay ấy chạm
Nước sông Hằng hóa máu, vì sao?
Nữ ngạ quỷ:
7. Nam tử của con, Ut-ta-ra,
Xưa vốn là cư sĩ tại gia
Ðem cúng các Sa-môn thực phẩm,
Tọa sàng, dược liệu, áo cà-sa.
8. Lòng con sôi động bởi xan tham
Thúc giục, nên con phỉ báng chàng:
'Bất cứ vật gì ta chẳng muốn
Ngươi đem dâng cúng các Sa-môn,
9. 'Ut-ta-ra, thứ ấy, ta cầu
Thành máu cho ngươi ở kiếp sau'.
Do nghiệp quả này, tay chạm phải
Nước sông Hằng hóa máu từ lâu'.
Khi ấy Tôn giả Revata cúng dường nước lên Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Sau đó Tôn giả đi khất thực và khi đã nhận được thức ăn Tôn giả cúng dường chư Tăng. Rồi Tôn giả lấy một ít giẻ rách từ đống rác, rửa sạch, phơi khô xong, Tôn giả may thành y và cúng dường Tăng chúng.
Nhờ vậy nữ ngạ quỷ thọ hưởng thiên lạc, liền trình với vị Trưởng lão sự việc cùng bày tỏ niềm hạnh phúc thần tiên mà nó đã đạt được. 11. (23) Chuyện Cuộn Chỉ (Sutta)
Trong một làng kia gần Sàvatthi, bảy trăm năm trước khi bậc Ðạo Sư xuất hiện, có một nam tử phục vụ một vị Ðộc Giác Phật. Chàng trai ấy bị rắn cắn, từ trần vào ngày cưới vợ. Trong khi phục vụ, chàng đã tạo nhiều phước nghiệp nhưng vì chàng luyến ái vị tân nương, nên chàng tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài có đầy đủ quyền lực và vinh quang.
Do ước muốn đưa tân nương về lâu đài của mình, khi thấy một vị Ðộc Giác Phật đang may áo, vị thần hiện hình người lại gần Ðộc Giác Phật và hỏi:
- Thưa Tôn giả, Ngài có cần chỉ không?
Vị ấy đáp:
- Này cư sĩ, ta đang bận may áo.
Vị thần chỉ tay về phía nhà cô dâu vừa góa bụa ấy và bảo:
- Tôn giả có thể xin chỉ ở nhà kia.
Vị ấy làm như vậy và được cô gái tặng một cuộn chỉ.
Còn vị thần vẫn mang hình người đến xin phép bà mẹ cô gái cho vị ấy ở lại vài ngày, rồi đổ đầy tiền vào các nồi niêu trong nhà ấy. Sau đó vị ấy ra đi cùng cô gái về lâu đài của mình
Bà mẹ đem nhiều tiền cho họ hàng và đám lữ hành nghèo khổ. Khi từ trần, bà dặn:
- Nếu con gái ta trở về, hãy chỉ cho nó số tiền này.
Bảy trăm năm sau, bậc Ðạo Sư giáng sinh ở đời và đến Sàvatthi. Thời ấy, nữ nhân kia vẫn còn sống với vị quỷ thần và xin vị ấy đưa nàng về nhà cũ, nàng bảo:
1. Thiếp đem dâng cúng thuở xưa xa
Lên một Tỷ-kheo đã xuất gia
Vừa bước đến gần, xin ít chỉ.
Việc xưa đem kết quả nay là
Phước phần thiếp hưởng luôn phong phú,
Vô số thiên y cứ hiện ra.
2. Muôn hoa bao phủ cả lâu đài,
Gia bộc, nô tỳ đủ gái trai,
Tô điểm lâu đài trăm vẻ đẹp;
Thiếp nay tận hưởng thú vui chơi
Và mang đủ loại thiên y báu,
Tài sản dồi dào chẳng thể vơi.
3. Phước báo này do một nghiệp xưa,
Hân hoan, hạnh phúc hưởng bây giờ;
Khi nào thiếp trở về nhân thế,
Thiếp sẽ thực hành việc lợi tha.
Chàng hãy đưa đường xưa lối cũ,
Phu quân hỡi, thiếp muốn về nhà.
Khi nghe nàng nói, vị thần không muốn đi, vì lòng thương xót người vợ yêu quý, vị ấy bảo:
4. Ðã bảy trăm năm nàng đến đây,
Về kia già yếu khổ thân ngay.
Nay ta nói thật cho nàng biết:
Tất cả họ hàng đã bỏ thây.
Nàng sẽ làm gì nơi chốn ấy
Khi nàng đã giã biệt nơi này?
Nàng ấy không tin, lại nói nữa:
5. Chỉ cách bảy năm thiếp đến đây,
Hưởng bao thiên lạc bấy lâu nay,
Khi nào thiếp trở về nhân thế,
Thiếp sẽ thực hành thiện sự ngay.
Chàng hãy đưa đường xưa lối cũ,
Phu quân hỡi, thiếp muốn chia tay.
6. Thế rồi lập tức nắm tay chàng,
Thần dẫn nàng về chốn cố hương,
Nay hóa bà già đi khập khểnh,
Bảo bà: 'Dặn với các thân nhân
Ðến nơi kia: Hãy làm điều thiện,
Hạnh phúc đời sau được hưởng phần'.
Khi bà già ấy đến nơi cư trú của đám họ hàng, bà tự xưng danh cho họ biết. Rồi bà đem số tiền họ trả lại bà đi cúng dường phẩm vật lên các Sa-môn, Bà-la-môn và khuyên bảo đám người thường lui tới với bà:
7. Chính mắt ta trông thấy rõ ràng
Các loài ngạ quỷ gặp đau buồn
Bởi vì không biết làm điều thiện,
Cũng vậy loài người giữa thế gian.
Hành thiện tạo nên nhiều phúc lạc,
Thiên thần, nhân loại mãi hân hoan 12. (24) Chuyện Nữ Quỷ Ở Hakannamunda (Kannamundapetì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi.
Tương truyền rằng thuở xưa vào thời đức Phật Kassapa, ở xứ Kimbilà có một đệ tử tại gia đã thọ Tam quy, cùng chung niềm tín ngưỡng với năm trăm cư sĩ khác chuyên tâm thực hành các thiện sự như trồng hoa viên, xây cầu cống, làm đường sá, và các việc công ích khác.
Vị ấy đã xây một tinh xá cúng dường giáo hội Tỷ-kheo và thỉnh thoảng cùng đến nơi ấy với các cư sĩ kia. Các bà vợ của hội chúng này cũng rất hòa hợp với nhau, thường cùng đi đến tinh xá cúng dường vòng hoa, hương liệu, dầu xoa và trên đường đi vẫn nghỉ ngơi tại các hoa viên và nhà trọ.
Rồi một ngày kia, một số kẻ bất lương đang tụ tập với nhau trong nhà trọ của một bà chủ kia, trông thấy nhan sắc diễm lệ của các nữ nhân khi họ đến nghỉ ngơi tại đó, liền đem lòng say mê.
Biết đám nữ nhân này lương thiện, chúng bắt đầu bàn tán với nhau:
- Ai có khả năng thực hiện việc phá giới hạnh với một nữ nhân trong đám này?
Lập tức một gã đáp:
- Tôi đây.
Bọn chúng liền bảo:
- Chúng ta hãy đánh cuộc với hắn một ngàn đồng tiền.
Chúng đánh cuộc như thế và thêm:
- Nếu bạn thành công, chúng tôi sẽ đưa cho bạn một ngàn đồng; nếu không thì bạn phải đưa số ấy cho bọn ta.
Vì ước mong thắng cuộc và sợ mất tiền, gã bày đủ mưu kế trong lúc đám nữ nhân nghỉ chân tại đó. Vừa chơi đàn thất huyền cầm du dương vừa hát tình ca êm ái, gã dụ dỗ được một nàng trong đám ấy phá giới hạnh, khiến bọn bất lương kia phải mất một ngàn đồng tiền.
Bị gã này đánh bại, bọn chúng bèn đem chuyện ấy kể cho chồng nàng nghe. Vị này không tin, nhưng cũng hỏi nàng:
- Nàng có phải là hạng người như các kẻ kia vừa nói chăng?
Nàng phủ nhận ngay:
- Thiếp không biết những chuyện như vậy.
Vì chàng không tin nàng, nàng liền chỉ con chó đang đứng gần đó và thề độc;
- Nếu thiếp làm ác hạnh như vậy thì mong con chó đen tai cụt này xé xác thiếp ra khi thiếp tái sanh kiếp sau.
Ngoài ra, khi đám nữ nhân biết rõ nàng đã phá giới hạnh, được chất vấn:
- Nữ nhân này đã phạm tà hạnh kia hay là không phạm?
Họ cũng thề dối trá:
- Nếu chúng tôi biết thì mong chúng tôi trở thành nô tỳ của bà ấy ở kiếp tái sanh.
Về sau người gian phụ kia bị hối hận vì tội lỗi cũ giày vò, nên héo mòn dần và qua đời. Nàng được tái sanh làm một nữ quỷ trong một lâu đài bên bờ hồ Kannamunda (Tai cụt) là một trong bảy hồ lớn ở vùng Himalaya (Tuyết Sơn), chúa tể của núi đồi.
Hơn nữa, chung quanh mọi phía của lâu đài xuất hiện một hồ sen để vui chơi thỏa thích. Khi đám nữ nhân kia từ trần, do hậu quả lời thề dối trá mà họ đã nói ra, họ liền trở thành bầy nô tỳ của nàng.
Trong lâu đài ấy, nhờ các thiện nghiệp nàng đã thực hiện trong kiếp trước, nàng hưởng thọ lạc thú thần tiên suốt ngày, nhưng đến nửa đêm, do động lực của ác hạnh xưa thúc giục, nàng thức dậy từ tọa sàng và đi đến hồ sen, rồi bị một con chó ngao cắn xé tan thân tại chỗ.
Ngay sau đó nàng lập tức biến hình trở lại với dung sắc kiều diễm như cũ và bước lên lâu đài của nàng, nằm xuống tọa sàng.
Tuy nhiên, đám nô tỳ kia lại phải chịu vất vả nhọc nhằn hầu hạ nàng liên tục ngày đêm. Cứ thế năm trăm năm trôi qua, và bởi vì bọn nữ quỷ nhân hưởng lạc thú thần tiên mà thiếu vắng các đức lang quân, nên chúng bắt đầu mong nhớ họ.
Bấy giờ tại nơi ấy có một con sông phát xuất từ hồ Kannamunda và do một kẽ nứt trong núi, đã chảy xuống tận sông Hằng. Gần con sông ấy có một vườn xoài sanh trái tiên, cùng với các loại cây mít và nhiều cây khác. Do vậy bọn chúng suy nghĩ: 'Bây giờ đây, chúng ta sẽ ném các trái xoài này vào dòng sông; như thế khi đã thấy các trái cây trôi bồng bềnh xuống dưới nước, một số nam nhân có thể đến đây để tìm xoài. Sau đó chúng ta sẽ hưởng lạc thú với họ'.
Bọn chúng đều làm như vậy. Bấy giờ khi các trái xoài bị thả trôi giạt, đám đạo sĩ khổ hạnh lượm được một ít, các sơn nhân tiều phu tìm được số khác, còn một số nữa tấp vào bờ. Tuy thế, có một quả xoài trôi vào dòng sông Hằng và theo thời gian đến tận Ba-la-nại.
Thuở ấy, vua Ba-la-nại đang tắm trên sông Hằng và được một tấm lưới đồng bao bọc. Thế rồi trái xoài kia đã được dòng nước cuốn đi theo hướng ấy và mắc vào lưới đồng.
Khi các cận vệ của vua nhìn thấy trái xoài tiên to lớn tuyệt hảo về màu sắc lẫn hương vị, họ liền đem dâng vua. Ðể thử xoài, nhà vua cắt một lát và đưa cho một tên cướp khét tiếng đã bị giam vào ngục. Khi ăn xong, tên cướp trình:
- Tâu Ðại vương, tiểu tử chưa bao giờ ăn được thứ xoài như vậy. Có lẽ đây là xoài tiên.
Nhà vua cho gã một lát nữa. Sau khi ăn xong, làn da nhăn nheo và râu tóc hoa râm của gã biến mất; gã trở thành một chàng trai tuấn tú và có thể nói gã đã hồi xuân.
Khi thấy vậy, nhà vua tràn đầy kinh ngạc, ăn ngay trái xoài và cũng nhận được sự kỳ diệu hy hữu trong cơ thể. Nhà vua liền hỏi:
- Các trái xoài này kiếm được ở đâu?
Ðám cận thần đáp:
- Tâu Hoàng thượng, chúng thần nghe nói ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi đồi.
- Vậy có thể tìm ra chúng chăng?
- Tâu Hoàng thượng, đám thợ rừng có thể biết việc ấy.
Nhà vua truyền đưa đám thợ rừng vào, ban một ngàn đồng tiền cho một người thợ nghèo và bảo gã ra đi:
- Này, hãy đi mang xoài tiên về cho trẫm ngay.
Kẻ ấy đi lên thượng lưu sông Hằng đến tận hồ Kannamunda. Khi gã đã đi quá xa con đường của mọi người, gã gặp liên tiếp ba vị ẩn sĩ khổ hạnh chỉ đường, vị thứ ba khuyên gã:
- Hãy rời bỏ sông Hằng lớn này, đi theo dòng sông nhỏ kia và cứ lên mãi cho đến khi chú thấy một kẽ nứt trong núi đá. Rồi chú phải vào sâu trong đó ban đêm với ngọn đèn. Vì con sông này không chảy ban đêm, nên chú có thể du hành cách ấy.
Gã làm theo lời dặn, và vào lúc rạng đông, gã đến một vùng có chính vườn xoài tuyệt diệu ấy. Khu rừng vang dội tiếng hót du dương của nhiều đàn chim đủ loại và được tô điểm thêm vẻ đẹp bằng những khóm cây xanh sum suê vươn những cành lá trĩu xuống dưới sức nặng của các chùm trái. Cả vùng rực rỡ trong làn ánh sáng tỏa ra từ vô số châu ngọc. (Hai câu này được bổ sung từ tập Sớ giải của Dhammapala).
Thế rồi, khi các nữ nhân vắng chồng đã lâu, nay thấy gã đi đến từ xa, vội chạy tới bảo nhau:
- Người này thuộc về ta! Người này thuộc về ta!
Thuở ấy, gã chưa từng làm các thiện nghiệp xứng đáng hưởng thọ lạc thú thần tiên với hội chúng này trong tiên cảnh. Vì thế chỉ thoạt trông thấy chúng, gã đã kinh hoàng vừa chạy vừa thét lớn. Khi về tới Ba-la-nại, gã trình nhà vua mọi sự đã xảy ra.
Khi nghe việc này, trong tâm nhà vua khởi lên một ước muốn gặp các nữ quỷ thần kia và hưởng thú ăn xoài tiên. Vì thế nhà vua liền giao quốc độ cho các vị cận thần, và lấy cớ đi săn, nhà vua đem cung tên và kiếm cùng vài thị vệ khởi hành về vùng ấy như lời người thợ rừng dặn.
Sau khi đi được vài do-tuần, nhà vua giã từ đám cận vệ và tiếp tục đi với người thợ rừng. Sau một khoảng đường nữa, nhà vua lại bảo gã trở về. Vào lúc rạng đông, nhà vua đã đến vườn xoài trong tiên cảnh.
Thuở ấy, khi các nữ quỷ thần thấy nhà vua hồi xuân như một tiên đồng giáng thế, liền ra nghênh tiếp và khi biết ngài là một quân vương, chúng liền đưa vào lâu đài, dâng các thứ tiên thực và phục vụ ngài như ý.
Thế rồi sau một trăm năm mươi năm trôi qua, một hôm nhà vua thức dậy nửa đêm và thấy nữ quỷ đã phạm giới kia đi ra phía bờ hồ sen. Ðộng lòng hiếu kỳ, ngài đi theo nữ quỷ. Sau đó ngài thấy nữ quỷ bị một con chó lớn vồ xé xác ngay khi vừa mới tới nơi. Suốt ba ngày liền ngài suy xét, không làm sao có thể hiểu được ý nghĩa việc này. Hôm sau này cầm mũi tên nhọn bắn con chó kia bỏ mạng và vừa khi nữ quỷ đã nhảy vào hồ sen, lập tức ngài thấy nàng xuất hiện với dung sắc phục hồi như trước.
Ngài liền ngâm kệ hỏi nàng những sự việc đã xảy ra:
1. Ðây vàng ròng đúc các cầu thang
Nằm dựa lên trên dải cát vàng,
Diễm lệ, ngát hương hoa súng trắng,
Gây niềm lạc thú tận tâm can.
2. Bao cây làm thảm phủ trên hồ,
Theo gió đủ mùi hương thoảng đưa,
Hồ mọc tràn đầy sen đỏ thắm
Ðiểm tô sen trắng nỏn cành tơ.
3. Lay động theo làn gió nhẹ nhàng
Mặt hồ kỳ thú tỏa hương lan,
Âm vang với tiếng thiên nga, hạc,
Văng vẳng hồng nga hót gọi đàn.
4. Ðây các bầy chim đủ mọi loài,
Ngân nga bao tiếng hót êm tai,
Cây trồng sanh quả tiên phong phú,
Rừng mọc kỳ hoa ở khắp nơi.
5-6. Thành phố như đây thật tuyệt vời
Khó tìm thấy ở cõi người đời.
Nàng nhiều cung điện bằng vàng bạc,
Lấp lánh bốn phương chiếu sáng ngời.
Lại có năm trăm tỳ nữ ấy
Sẵn sàng phục vụ lệnh nàng thôi.
7. Bọn chúng mang vòng ốc, vỏ trai,
Ðiểm trang y phục dệt vàng tươi,
Nàng nhiều sàng tọa bằng vàng bạc
Ðưọc trải da dê quý phía ngoài.
8. Tất cả đều chu đáo sẵn sàng,
Bên trong được phủ với chăn màn
Dệt bằng lông thú, khi nằm xuống,
Nàng thọ hưởng bao nỗi lạc hoan.
9. Tuy nhiên, khi đến nửa đêm khuya,
Nàng thức dậy và cất bước ra
Ði tới hoa viên đầy lạc thú
Bao quanh hồ nước phủ liên hoa.
10. Bên bờ nàng đứng lại soi mình,
Tiên nữ ở trên thảm cỏ xanh,
Bỗng một chó ngao tai cắt cụt
Vồ nàng xé xác đến tan tành.
11. Khi nàng đã bị nát toàn thân,
Và đã biến thành một bộ xương,
Nàng vội nhảy vào hồ nước biếc,
Hình hài trở lại đẹp muôn phần.
12. Thân thể nàng nay đã vẹn toàn,
Cực kỳ diễm lệ, đóa hồng nhan,
Ðiểm trang đủ thứ thiên y đẹp,
Nàng đến cho ta diện kiến nàng.
13. Ngày xưa nàng phạm ác hành nào
Do khẩu, ý, thân đã phạm vào,
Con chó cụt tai nay xé xác
Bởi vì quả báo tội gì sao?
Khi được nhà vua hỏi như vậy, nữ quỷ liền kể chuyện đời này:
14. Ngày xưa ở xứ Kim-bi-la,
Có một nam cư sĩ tại gia,
Ðệ tử với tâm thành mộ đạo,
Thiếp là ác phụ nghiệp gian tà.
15. Bởi vì thiếp phạm tội dâm loàn,
Chồng của thiếp lên tiếng hỏi han:
'Nàng đã tạo ra điều bất xứng
Là không tiết hạnh với chồng nàng'.
16. Thế rồi thiếp phải nói lời thề
Giả dối tràn đầy khủng khiếp kia:
'Thiếp chẳng dám lừa chàng việc ấy,
Dù thân hay ý cũng chưa hề.
17. Song nếu thiếp vi phạm việc này
Dù thân hay ý bấy lâu rày,
Thì mong con chó ngao tai cụt
Cắn xé thiếp tan nát cả thây'.
18. Thiếp từng chịu đựng bảy trăm năm
Quả báo do tà hạnh, dối gian,
Từ ấy, chó ngao tai cắt cụt
Xé thân từng mảnh thật kinh hoàng.
Nàng nói như vậy xong rồi lại ngâm hai vần kệ ca ngợi đặc ân mà nhà vua đã ban cho nàng:
19. Quân vương thần lực thật cao cường,
Ngài đã đến đây cứu quỷ nương,
Ðược thoát chó ngao tai cụt ấy,
Thiếp không còn sợ hãi, đau buồn.
20. Quân vương, thiếp kính cẩn tôn sùng
Ðảnh lễ cầu xin đấng chúa công
Hãy thọ hưởng thần tiên lạc thú,
Quân vương và thiếp hãy vui chung.
Ngay lúc ấy bỗng nhiên nhà vua cảm thấy chán sống ở cảnh tiên kia, liền nói ý định giã từ cho nàng biết và ngâm vần kệ cuối cùng:
21. Ta đã hưởng bao thú cõi tiên,
Cùng nàng hoan lạc thật vô biên,
Giờ đây, tiên nữ, ta mong ước,
Mau hãy đem ta trở lại liền.
Khi đã nghe lời của nhà vua, nữ quỷ thần ở lâu đài ấy không chịu nổi sự biệt ly. Lòng nàng rối bời vì đau khổ ưu phiền và toàn thân nàng run lên xúc động. Song dù nàng đã dùng đủ cách khẩn cầu nhà vua, nàng cũng không thể thuyết phục ngài ở lại được nữa.
Nàng đành đưa ngài về kinh đô cùng nhiều châu báu và rước ngài vào cung điện. Sau đó nàng than khóc bi thảm và trở về trú xứ của nàng ngay. Khi nhà vua thấy vậy, lòng ngài xúc động vô cùng. Từ đó về sau ngài thực hành nhiều thiện sự như bố thí cùng các phương tiện khác và được sanh lên cõi thiên.
Thế rồi khi đức Thế Tôn Gotama giáng sanh ở cõi đời, và theo thời gian đã đến cư trú tại thành Sàvatth, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành vào vùng núi này trông thấy nữ thần cùng đoàn tùy tùng của nàng, bèn hỏi về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo trước kia. Nàng kể với Tôn giả mọi sự và Tôn giả trình bày câu chuyện ấy lên đức Thế Tôn. 13. (25) Chuyện Hoàng Hậu Ubbarì (Ubbarì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở Sàvatthi, người chồng của một nữ đệ tử tại gia vừa từ trần. Nàng ưu phiền đi đến nghĩa địa khóc than. Khi đức Thế Tôn nhận thấy nàng đã đạt thành các đức tính đưa đến quả Dự Lưu, ngài động lòng bi mẫn, đi đến nhà nàng và hỏi tại sao nàng khóc. Nàng đáp:
- Bạch đức Thế Tôn, quả con đang đau buồn vì xa cách một người thân của con.
Sau đó đức Thế Tôn kể một chuyện quá khứ.
Thuở xưa trong quốc độ Pancala ở thành Kapila có một vị vua mệnh danh Cùlani Brahmadatta chuyên tâm làm phước nghiệp sự lợi ích cho thần dân và không hề phạm Thập Vương pháp.
Một hôm mong muốn nghe thần dân bàn tán việc gì trong xứ sở của mình, ngài bèn cải trang làm một thợ may và rời kinh thành mà không có ai hầu cận.
Trong lúc ngài du hành từ làng này sang làng khác, quận này sang quận khác, ngài nhận thấy toàn quốc không có trộm cướp và bất công đàn áp, dân chúng sống thân thiện với nhau và có thể là an trú trong mọi nhà cửa mở toang.
Lòng vui mừng hớn hở, ngài khởi hành quay về kinh và đi đến một thị trấn nọ, ngài vào nhà một góa phụ nghèo khó. Khi thấy ngài, bà ấy hỏi:
- Này Tôn ông là ai? Tôn ông từ đâu đến đây?
Ngài đáp:
- Này hiền phụ, ta là một thợ may; ta đang đi quanh quẩn may thuê vá mướn để kiếm tiền. Nếu bà có vật gì cần may, bà hãy đưa cho ta, cả quần áo lẫn khăn đội đầu, ta sẽ may cho bà.
Bà liền nói:
- Chúng tôi không có việc gì cần làm về quần áo hoặc khăn đội đầu cả. Ông đi làm cho các người khác nhé.
Trong khi ngài ở vùng đó vài ngày, ngài thấy con gái bà có đủ tướng mạo tốt lành của phúc phận và đức hạnh, ngày sau ngài liền bảo bà mẹ:
- Nếu con gái bà chưa gả cho ai, thì xin bà hãy gả cho tôi. Tôi có đủ khả năng tìm kế sinh nhai để mẹ con bà no ấm.
Bà ấy gả con gái cho ngài. Sau khi đã ở lại với nàng vài ngày, ngài đưa cho nàng một ngàn đồng tiền vàng Kahàpana và nói:
- Ta sẽ trở lại trong vòng vài ngày thôi. Hiền thê chớ lo buồn gì cả.
Ngay sau đó ngài trở về kinh thành. Khi đã truyền lệnh đắp đường thật bằng phẳng giữa kinh đô và làng ấy cùng trang hoàng mọi sự xong xuôi, ngài đi đến nơi kia trong cảnh huy hoàng rực rỡ. Sau khi đã chất một đống tiền vàng lớn trên thân cô thiếu nữ và truyền đem nàng đi tắm rửa trong các chậu bằng vàng bạc, ngài đặt tên nàng là Ubbarì và phong nàng ngôi hoàng hậu.
Ngài ban cho quyến thuộc nàng ngôi làng ấy và sau đó đưa nàng về kinh trong cảnh oai nghi lộng lẫy. Ngài sống đời hạnh phúc với nàng, trị nước phồn vinh và sau đó băng hà.
Nỗi ưu phiền của Ubbarì được các vị kết tập Kinh điển kể lại như vầy:
1. Brah-ma-dat, đại đế ngày xưa,
Chúa tể của dòng Pan-ca-la,
Sau khoảng ngày đêm cai trị nước,
Mạng chung, đại đế đã băng hà.
2. Hoàng hậu Ub-ba-rì khóc hoài,
Lên đàn tế lễ hỏa thiêu ngài,
Dù không còn thấy hình tiên đế,
Bà vẫn gào: 'Brah-ma-dat ôi!
3. Ðến nơi kia một vị hiền nhân,
Bậc Thánh đầy đức hạnh chánh chân,
Vào dịp lễ tang, ngài muốn hỏi
Những người đang tụ tập quây quần:
4. 'Dàn hỏa táng ai chết thế này?
Các vòng hoa tỏa ngát hương bay,
Vợ ai đang khóc chồng nàng vậy?
Người ấy là ai quá vãng đây?
Dù chẳng thấy đâu người đã khuất,
Nàng gào: 'Brah-ma-dat thương thay!'
5. Những người đang ở đó thưa liền:
'Hoàng hậu là đây, chính vợ hiền;
Cầu phúc phần ngài, thưa Thánh giả,
Cầu vua Brah-ma-dat thăng Thiên'.
6. Ðây là dàn hỏa táng thi hài
Tỏa ngát hương bay khắp mọi nơi.
Hoàng hậu là đây đang khóc lóc
Tiên vương vừa khuất bóng trên đời,
Dù không còn thấy ngài đâu nữa,
Bà khóc: 'Brah-ma-dat hỡi ôi!'
Vị khổ hạnh liền bảo hoàng hậu Ubbarì:
7. 'Tám vạn sáu ngàn người bấy lâu
Tên Brah-ma-dat cũng như nhau,
Ðược thiêu trong nghĩa trang này vậy;
Vì kẻ nào nàng phải khổ đau?'
Ubbarì:
8. Tôn giả, con thương tiếc chúa công
Cù-la-ni đế, chính con dòng,
Làm vua bộ tộc Pan-ca ấy,
Người đã ban con mọi ước mong.
Vị khổ hạnh:
9. Tất cả những ai được gọi là
Brah-ma-dat cũng đã làm vua,
Ðều là con của Cù-la đế,
Chúa tể của dòng Pan-ca-la.
10. Sanh tử dòng kia cứ chuyển vần,
Nàng làm hoàng hậu đã bao lần,
Sao nàng quên lãng bao chồng cũ,
Và chỉ tiếc thương vị cuối cùng?
Ubbarì:
11. Chính vì con có phận hồng nhan,
Tôn giả, từ xưa, vậy phải chăng
Mọi việc theo dòng đời tiếp diễn,
Mà ngài cất tiếng để khuyên răn?
Vị khổ hạnh:
12. Nàng đã từng làm một nữ nhân,
Nam nhi, thú vật, biết bao lần,
Ðiều này chẳng thấy đâu biên giới
Với việc tái sanh ở cõi trần.
Ubbarì:
13. Lòng con quả thật nóng bừng
Như là sữa lạc đổ trong lửa đào,
Ngài vừa tưới nước lạnh vào
Giờ đây con dứt biết bao khổ sầu.
14. Chính ngài nhổ mũi tên đau
Nỗi ưu phiền đã cắm sâu vào lòng.
Xua tan mọi nỗi thương tâm
Sầu tư nặng trĩu, khóc thầm quân vương.
15. Giờ đây trút bỏ đau buồn,
Lòng con lắng dịu, trí thường bình an,
Con không còn phải khóc than
Sau khi nghe những lời vàng ngài răn.
Ðể phát họa sự chứng đắc của Ubbarì, bậc Ðạo Sư ngâm bốn vần kệ:
16. Khi nàng nghe được các lời ca
Ðáng cảm phục từ bậc xuất gia,
Nàng đắp chiếc y, cầm lấy bát,
Ra đi theo cuộc sống không nhà.
17. Khi giã từ nhà, cất bước lên
Ði vào cuộc sống giữa thiên nhiên,
Nàng liền tu tập tâm từ ái,
Ðể được tái sanh cõi Phạm thiên.
18. Nàng đã viễn du mọi xóm làng,
Kinh thành, thị trấn, các hoàng cung,
Ưu-lâu-tần ấy là tên gọi
Thôn xóm nàng thân hoại mạng chung.
19. Khi nàng đã phát triển từ tâm
Ðể được tái sanh ở Phạm cung,
Nàng đã đoạn trừ tâm nữ giới,
Trở thành một vị Phạm thiên thần.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.140.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.