Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
(Download file MP3 - 19.79 MB - Thời gian phát: 01 giờ,26 phút 28 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
I. Trưởng Lão Ni Khemà (S.iv,374)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Khemà đang đi du hành giữa dân chúng Kosala và trú ở tại Toranavatthu, giữa Sàvatthi và Sàketà.
3) Vua Pasenadi nước Kosala cũng đang đi từ Sàketa đến Sàvatthi và trú một đêm ở Toranavatthu, giữa Sàketa và Sàvatthi.
4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi một người và nói:
-- Hãy đến, này Người kia. Ông có biết vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào ở tại Toranavatthu để hôm nay ta có thể đến yết kiến vị ấy?
-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi tìm khắp Toranavatthu không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vua Pasenadi nước Kosala có thể đến yết kiến.
5) Rồi người ấy thấy Tỷ-kheo-ni Khemà đến trú ở Toranavatthu; sau khi thấy, người ấy đi đến vua Pasenadi nước Kosala và thưa:
-- Tâu Ðại vương, tại Toranavatthu không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để Ðại vương có thể yết kiến. Nhưng tâu Ðại vương, có Tỷ-kheo-ni Khemà là đệ tử của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về bậc nữ Tôn giả ấy: "Nữ Tôn giả là bậc hiền trí, thông minh, có trí, nghe nhiều, lời nói đến tâm, ứng đáp lanh lợi". Ðại vương có thể đến yết kiến vị ấy.
6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà; sau khi đến, đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tỷ-kheo-ni Khemà:
-- Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
8) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
9) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
10) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
11) -- Ðược hỏi: "Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Thưa Nữ Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?
12)-- Vậy thưa Ðại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Ðại vương. Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.
13) Ðại vương nghĩ thế nào, thưa Ðại vương, Ðại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
14) -- Ðại vương có người kế toán nào, có người chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
-- Vì sao?
-- Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.
15) -- Cũng vậy, thưa Ðại vương, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupeena), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận... Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
20) Rồi vua Pasanadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời của Tỷ-kheo-ni Khemà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni Khemà, thân phía hữu hướng về Nữ Tôn giả rồi ra đi.
21) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau một thời gian, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Thưa Ðại vương, Ta không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Ðại vương, Ta cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
24-25)... (Như trên)...
26-34... (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những thay đổi cần thiết)...
35) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này, giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.
-- Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.
37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
II. Anuràdha. (S.iv380)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha đang ở một ngôi chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
3) Rồi rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy thưa với Tôn giả Anuràdha:
-- Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng Nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
-- Thưa chư Hiền, Như Lai ấy là bậc Thượng nhân, bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp sau đây: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Anuràdha:
-- Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia không bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh.
5) Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách (apasàdetvà) Tôn giả Anuràdha là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
6) Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các du sĩ ngoại đạo ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ: "Nếu các du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu ta trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai nói lời tương ứng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích".
7) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con trú trong một ngôi chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi, bạch Thế Tôn, rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến con, sau khi đến, nói lên với con những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’". Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thắng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia chưa bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh". Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách con là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
9) Bạch Thế Tôn, khi các vị du sĩ ngoại đạo ấy đi không bao lâu con suy nghĩ như sau: "Nếu các vị du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu trả lời của ta cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp và những ai nói lời tương ưng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích".
10)-- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ là thường hay vô thường?. .. Tưởng là thường hay vô thường?... Các hành là thường hay vô thường?. .. Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11) -- Do vậy, này Anuràdha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại... Phàm có tưởng gì... Phàm có các hành gì... Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi".
12) Thấy vậy, này Anuràdha, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
13) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán sắc là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán thọ là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán tưởng là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán các hành là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán thức là Như Lai không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14-18) -- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai ở trong sắc không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong thọ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong các hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở trong thức không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
19-20) -- Ông nghĩ như thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Ở đây, này Anuràdha, Ông ngay trong hiện tại không có nắm được Như Lai một cách chân thật, một cách xác chứng, thời có hợp lý chăng khi Ông tuyên bố về Như Lai rằng:
"Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được biết đến ngoài bốn trường hợp sau đây: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"".
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Lành thay, lành thay! Này Anuràdha. Trước đây và hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.
III. Sàriputta-Kotthika (1) (hay Trú trước) (S.iv,384)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Barànasi, tại Isipatana, trong vườn Nai.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Mahà Kotthika nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Thưa Hiền giả Sàriputta, Như Lai có tồn tại sau khi chết hay không?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
4)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
5)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
6)-- Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
7) -- Ðược hỏi: "Thưa Hiền giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thưa Hiền giả, thế là Như Lai không tồn tại sau khi chết?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Hiền giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thưa Hiền giả, thế là Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?", Hiền giả trả lời: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Thưa Hiền giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?
8) "Như Lai có tồn tại sau khi chết", thưa Hiền giả, là chấp trước sắc. "Như Lai không có tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc.
9) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai không có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ.
10) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng.
11) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành.
12) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức.
13) Này Hiền giả, do nhân này, do duyên này, Thế Tôn không trả lời.
IV. Sàriputta - Kotthika (2) (hay Tập khởi) (S.iv,387)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàranasi (Ba-la-nại), tại Isipatana, chỗ vườn Nai...
2-7) -- Thưa Hiền giả, do nhân gì Thế Tôn không trả lời câu hỏi ấy?
8) -- Thưa Hiền giả, do không như thật biết, như thật thấy sắc; do không như thật biết, như thật thấy sắc tập khởi; do không như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt; do không như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến sắc đoạn diệt nên mới có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết..".
9-11). .. thọ... tưởng... các hành...
12) Do không như thật biết, như thật thấy thức; do không như thật biết, như thật thấy thức tập khởi; do không như thật biết, như thật thấy thức đoạn diệt; do không như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến thức đoạn diệt nên mới có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) Do như thật biết, như thật thấy sắc; do như thật biết, như thật thấy sắc tập khởi; do như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt; do như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến sắc đoạn diệt nên không có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
14-16). .. thọ... tưởng... các hành...
17) Do như thật biết, như thật thấy thức; do như thật biết, như thật thấy thức tập khởi; do như thật biết, như thật thấy thức đoạn diệt; do như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến thức đoạn diệt nên không có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
18) Thưa Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên, đây là lý do mà Thế Tôn không trả lời vấn đề ấy.
V. Sàriputta - Kotthika (3) (hay Ái) (S.iv,368)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàranasi (Ba-la-nại), tại Isipatana, chỗ vườn Nai...
2-7) -- Thưa Hiền giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn không trả lời câu hỏi ấy?
8) -- Thưa Hiền giả, đối với ai chưa đoạn trừ tham đối với sắc, chưa đoạn trừ dục, chưa đoạn trừ ái, chưa đoạn trừ khát, chưa đoạn trừ nhiệt tâm, chưa đoạn trừ khát ái, thời người ấy có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
9-11). .. đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
12) Thưa Hiền giả, đối với ai chưa đoạn trừ tham đối với thức, chưa đoạn trừ dục, chưa đoạn trừ ái chưa đoạn trừ khát, chưa đoạn trừ nhiệt tâm, chưa đoạn trừ khát ái, thời người ấy có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) Này Hiền giả, đối với ai đã đoạn trừ tham đối với sắc, đã đoạn trừ dục, đã đoạn trừ ái, đã đoạn trừ khát, đã đoạn trừ nhiệt tâm, đã đoạn trừ khát ái, người ấy sẽ không có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
14-16) ... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
17) Này Hiền giả, đối với ai đã đoạn trừ lòng tham đối với thức, đã đoạn trừ dục, đã đoạn trừ ái, đã đoạn trừ khát, đã đoạn trừ nhiệt tâm, đã đoạn trừ khát ái, thời người ấy không có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
18) Này Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên, đây là lý do mà Thế Tôn không trả lời vấn đề ấy.
VI. Sàriputta - Kotthika (4) (hay Vườn) (S.iv,388)
I
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàranasì, tại Isipatana, ở vườn Nai.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kotthika; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Kotthika những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- Thưa Tôn giả Kotthika, Như Lai có tồn tại sau khi chết?... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?... Ðược hỏi vậy, Hiền giả trả lời: "Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"".
Do nhân gì, thưa Hiền giả, do duyên gì, Thế Tôn không trả lời vấn đề ấy?
4) -- Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc sắc, ưa thích sắc, hoan hỷ sắc, không như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt, thời người ấy có quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc thọ, ưa thích thọ, hoan hỷ thọ, không như thật biết, như thật thấy thọ đoạn diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"... tưởng... các hành... Thưa Hiền giả, với ai còn ái lạc thức, ưa thích thức, hoan hỷ thức, không như thật biết, như thật thấy thức đoạn diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
5) Này Hiền giả, đối với ai không ái lạc sắc, không ưa thích sắc, không hoan hỷ sắc, như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. .. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Thưa Hiền giả, với ai không còn ái lạc thọ... tưởng... các hành... không ái lạc thức, không ưa thích thức, không hoan hỷ thức, như thật biết, như thật thấy thức đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
6) Này Hiền giả, đây là nhân, đây là duyên, đây là lý do mà Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
II
7) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do đấy Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
8) Ai còn ái lạc hữu, thưa Hiền giả, ưa thích hữu, hoan hỷ hữu, không như thật biết, không như thật thấy hữu đoạn diệt, thời người ấy có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
9) Ai không còn ái lạc hữu, thưa Hiền giả, không ưa thích hữu, không hoan hỷ hữu, như thật biết, như thật thấy hữu đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
10) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
III
11) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
12) Ai còn ái lạc thủ, thưa Hiền giả, ưa thích thủ, hoan hỷ thủ, không như thật biết, như thật thấy thủ đoạn diệt, thời người ấy có những quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) Ai không còn ái lạc thủ, thưa Hiền giả, không ưa thích thủ, không hoan hỷ thủ, như thật biết, như thật thấy thủ đoạn diệt, thời người ấy không có những quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
14) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
IV
15) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Thưa có, này Hiền giả.
16) Với ai còn ái lạc ái, thưa Hiền giả, ưa thích ái, hoan hỷ ái, không như thật biết, không như thật thấy ái đoạn diệt, thời người ấy có những quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
17) Với ai, thưa Hiền giả, không còn ái lạc ái, không ưa thích ái, không hoan hỷ ái, và như thật biết, như thật thấy ái đoạn diệt, thời người ấy không có các quan điểm: "Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
18) Thưa Hiền giả, đây là lý do vì sao Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy.
V
19) -- Thưa Hiền giả, có lý do nào khác, do vậy Thế Tôn không trả lời về vấn đề ấy?
-- Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, sao Hiền giả còn muốn hỏi thêm chi nữa. Ðối với Tỷ-kheo đã được giải thoát nhờ đoạn tận ái, thời không còn gì để nêu rõ là được tăng trưởng.
VII. Moggalàna (hay Xứ) (S.iv.391)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Tôn giả Mahà Moggalàna; sau khi đến, nói với Tôn giả Mahà Moggalàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Tôn giả Mahà Moggalàna:
-- Thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là thường còn?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế giới là thường còn".
4) -- Vậy thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là vô thường?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Thế giới là vô thường".
5) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải thế giới là hữu biên?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế giới là hữu biên".
6) -- Vậy thưa Tôn giả Moggalàna, thế giới là vô biên?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Thế giới là vô biên".
7) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải sinh mạng và thân thể là một?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Sinh mạng và thân thể là một".
8)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy sinh mạng và thân thể là khác?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Sinh mạng và thân thể là khác".
9)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
10)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai không có tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
11) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
12)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, vậy Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13)-- Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì các vị du sĩ ngoại đạo, khi được hỏi như thế này, thời trả lời như thế này: "Thế giới là thường còn. Hay thế giới là vô thường. Hay thế giới là hữu biên. Hay thế giới là vô biên. Hay sinh mạng và thân thể là một. Hay sinh mạng và thân thể là khác. Hay Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
14) Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì, Sa-môn Gotama, khi được hỏi như thế này, thời không trả lời như thế này: "Thế giới là thường còn. Hay thế giới là vô thường. Hay thế giới là hữu biên. Hay thế giới là vô biên. Hay sinh mạng và thân thể là một. Hay sinh mạng và thân thể là khác. Hay Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
15) -- Này Vaccha, vì rằng các du sĩ ngoại đạo quán con mắt là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi";. .. quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi". Do vậy, các du sĩ ngoại đạo, nên khi được hỏi như vậy, trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
16) Và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, này Vaccha, quán con mắt là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi"... quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi". Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không có trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
17) Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
18) Ngồi một bên, Vacchagotta bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, thế giới thường còn?
-- Này Vaccha, Ta không trả lời: "Thế giới là thường còn".
19-26)... (như trên)...
27) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
28) -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì các du sĩ ngoại đạo, khi được hỏi như vậy, thời trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"? Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, khi Tôn giả Gotama được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
29)-- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán con mắt là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi", quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi". Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, nên trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
30) Còn Như Lai, này Vaccha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quán con mắt là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi", quán tai... quán mũi... quán lưỡi... quán thân... quán ý là: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải là tự ngã của tôi". Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
31) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Vì rằng giữa Ðạo sư với nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
32) Thưa Tôn giả Gotama, nay con đi đến Sa-môn Mahà Moggalàna và nói về ý nghĩa này. Sa-môn Moggalàna, với những câu như thế này, với những lời như thế này đã trả lời về ý nghĩa này giống như Tôn giả Gotama. Vì rằng giữa Ðạo sư với nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
VIII. Vaccha (hay Trói buộc) (S.iv,395)
1) ...
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, thế giới có phải là thường còn?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Thế giới là thường còn..".
4-11)... (như trên)...
12) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Ta không có trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
13) -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, thời trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Tôn giả Gotama được hỏi như vậy, lại không trả lời: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
14) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Họ quán thọ như là tự ngã... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
15) Như Lai, này Vaccha, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán thọ không phải tự ngã... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có thức, hay thức không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong thức. Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
16) Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Moggalàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Moggalàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
17) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta nói với Tôn giả Mahà Moggalàna:
-- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải thế giới là thường còn?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Thế giới là thường còn".
18-26)... (như trên)...
27) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không có trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
28) -- Thưa Tôn giả Moggalàna, do nhân gì, do duyên gì, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Moggalàna, Sa-môn Gotama khi được hỏi như vậy, lại không trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
29) -- Này Vaccha, các du sĩ ngoại đạo quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Họ quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, các du sĩ ngoại đạo khi được hỏi như vậy, liền trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
30) Còn Như Lai, này Vaccha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, quán sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc. Như Lai quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức không phải là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Do vậy, Như Lai khi được hỏi như vậy, không có trả lời như vầy: "Thế giới là thường còn... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
31) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Moggalàna! Vì rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
32) Thưa Tôn giả Moggalàna, nay tôi đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến tôi hỏi về ý nghĩa này. Sa-môn Gotama với những câu văn, với những lời văn đã trả lời về ý nghĩa này giống như Tôn giả Moggalàna. Thật vi diệu thay, Tôn giả Moggalàna! Thật hy hữu thay, Tôn giả Moggalàna! Vì rằng, giữa Ðạo sư và nam đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
IX. Luận Nghị Ðường (Kutùhalasàlà) (S.iv,398)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo ngồi tụ tập, tụ hội tại Luận nghị đường, và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Vị Pùrana Kassapa này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng". Khi nói về một đệ tử từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ tử là vị thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này".
4-9) Makkhali Gosàla... Nigantha Nàtaputta... Sanjaya Belatthiputta... Pakuddha Kaccàyana... vị Ajita Kesakambala này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ tử là vị thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này".
10) Còn Sa-môn Gotama này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, Sa-môn Gotama nói sanh xứ của vị ấy như sau: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nếu đệ tử là bậc thượng nhân, tối thắng nhân đã đạt địa vị tối thượng, khi vị này từ trần, mệnh chung, Sa-môn Gotama không có trả lời: "Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này". Nhưng Ngài nói về vị ấy như sau: "Vị ấy đã chặt đứt ái, đã phá hủy các kiết phược, nhờ chơn chánh thấy rõ kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau".
11) Thưa Tôn giả Gotama, con có khởi lên phân vân và nghi ngờ như sau: "Như thế nào, cần phải thấu hiểu pháp của Sa-môn Gotama?"
12) -- Này Vaccha, thôi vừa rồi sự phân vân của Ông. Thôi vừa rồi sự nghi ngờ của Ông. Chính do trên điểm Ông phân vân mà nghi ngờ được khởi lên. Ta tuyên bố sự sanh khởi, này Vaccha, đối với những ai có chấp thủ, không phải đối với ai không có chấp thủ.
13) Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ (sanh y), không phải với người không có chấp thủ.
14) -- Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho ngọn lửa này?
-- Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Ta nói chính gió là nhiên liệu. Trong khi ấy, này Vaccha, chính gió là nhiên liệu (upàdàna).
15) -- Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này để sanh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?
-- Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và sanh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái (tanhà) là nhiên liệu (upàdànam).
X. Ananda (hay Sự có mặt của ngã) (S.iv,400)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
Khi được hỏi vậy, Thế Tôn im lặng.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
Lần thứ hai, Tôn giả Gotama giữ im lặng.
Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du sĩ Vacchagotta ra đi không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời câu hỏi của du sĩ Vacchagotta?
5) -- Này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?", và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã", như vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường kiến.
6) Và này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?"Và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp đoạn kiến.
7) Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã", như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: "Tất cả các pháp là vô ngã"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
8) -- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác bối rối hơn nữa: "Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa".
XI.Sabhiya (S.iv,401)
1) Một thời, Tôn giả Sabhiya Kaccàna trú ở Nàtika, tại ngôi nhà bằng gạch.
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Tôn giả Sabhiya Kaccàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sabhiya Kaccàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta nói với Tôn giả Sabhiya Kaccàna như sau:
-- Thưa Tôn giả Kaccàna, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
4) -- Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
5) Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
6) -- Thế là, thưa Tôn giả Kaccàna, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
7) -- Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi: "Như Lai có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn không có trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết’"?
8) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết""?
9) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết?", Tôn giả lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết’"?
10) Thưa Tôn giả Kaccàna, vì sao khi được hỏi: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?" Tôn giả lại nói: "Này Vaccha, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"".
11) Thưa Tôn giả Kaccàna, do nhân gì, do duyên gì, Sa-môn Gotama lại không trả lời về vấn đề ấy?
12) -- Này Vaccha, do nhân gì, do duyên gì, mà trình bày người ấy là có sắc, hay không có sắc, có tưởng hay không có tưởng, không có tưởng hay không không có tưởng, thì khi nhân ấy, duyên ấy được đoạn diệt không có dư tàn, một cách toàn diện, một cách hoàn toàn, khi ấy lấy cái gì để trình bày người ấy là có sắc, hay không có sắc, có tưởng hay không có tưởng, không có tưởng hay không không có tưởng?
13) -- Này Tôn giả Kaccàna, Tôn giả xuất gia đã bao lâu?
-- Thưa Hiền giả, không lâu, chỉ có ba năm.
14) -- Hãy xem, với thời gian ngắn như vậy, lại được thấy nhiều như vậy. Còn nói gì đến các vấn đề vi diệu!
-Hết Tập IV-
Hết phần Chương Mười - Tương Ưng Không Thuyết (Abyākatasaṃyutta) (Lên đầu trang)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.235.104 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.