松 尾 芭 蕉; J: matsuo bashō; 1644-1694;
Một thi hào vĩ đại người Nhật, người đã đưa dạng thơ Bài cú (排 句; j: haiku, cũng thường được đọc là Hài cú), dạng thơ ba dòng với âm điệu 5-7-5 đến tuyệt đỉnh. Trong những bài thơ của ông, tinh thần Thiền được trình bày dưới dạng thi ca hoàn hảo nhất.
Ông họ Tùng Vĩ (松 尾; matsuo), tên Tông Phòng (宗 房; munefusa) xuất thân từ một gia đình hiệp sĩ (侍; samurai) cấp thấp. Vì sớm bước vào làm việc với vị quan hầu gần nhà nên ông có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật làm thơ, đặc biệt là dạng Bài cú. Vì sau này trụ tại một am có cây chuối trước cổng nên ông đặt tên là Ba Tiêu am, »Am cây chuối« và tự gọi mình là Ba Tiêu.
Sau khi được Phật Ðỉnh (佛 頂; butchō), một vị Thiền sư thuộc tông Lâm Tế hướng dẫn vào giáo lí và phương pháp Tọa thiền theo Thiền tông, ông Kiến tính, ngộ đạo. Những kinh nghiệm quí báu này đã được trình lại một cách trọn vẹn trong những bài thơ, đặc biệt là những tác phẩm được hình thành trong thập niên cuối đời của ông. Cuộc đời của ông là một cuộc đời du tử, chu du đây đó, lúc nào cũng tự do tự tại. Ông du ngoạn khắp nước Nhật và những bài thơ về thắng cảnh, thiên nhiên của ông, được ép vào phạm vi khắc khe của dạng Bài cú là những kiệt tác vô song của nền văn hóa Nhật. Hầu hết tất cả những bài thơ Bài cú của ông đều có liên hệ đến thiên nhiên – không phải chỉ vì qui luật đặc biệt của Bài cú là trong mỗi bài, thi sĩ phải nhắc đến một trong bốn mùa hoặc ít nhất phải ám chỉ. Ông rất yêu thiên nhiên và con người. Nơi con người, ông thấy được sự ưu đãi của thiên nhiên, vũ trụ, sự quí báu vô cùng khi được làm người. Trong một Bài cú, ông trình bày rõ lòng mình (tạm dịch từ một bản Ðức ngữ):
Ko ni aku
tomōsu hito ni wa
hana mo nashi
»Ta không thích trẻ con«
Ai nói vậy sẽ không thấy được
Những nụ hoa chớm nở.
Bài thơ cuối cùng của ông trước khi tịch tại Osaka:
Tabi ni yande
yume wa kareno wo
kake-meguru
*Bệnh trên đường du ngoạn
đeo đuổi trên những cánh đồng khô
những giấc mộng xoay vòng.