長 慶 大 安; C: chángqìng dàān; J: chōkei daian; tk 8/9;
Thiền sư Trung Quốc đắc pháp nơi Bách Trượng Hoài Hải. Hai vị đệ tử của Sư thường được nhắc đến là Ðại Tùy Pháp Chân và Linh Thụ Như Mẫn (靈 樹 如 敏).
Lúc đầu Sư siêng năng học Luật, sau đó tự nghĩ rằng »Lí cùng tột của Phật pháp vẫn chưa được nghe.« Vì vậy Sư đến Bách Trượng hỏi: »Học nhân muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?« Bách Trượng bảo: »Giống hệt cỡi trâu tìm trâu.« Sư hỏi: »Khi biết được về sau thế nào?« Bách Trượng đáp: »Như người cỡi trâu về đến nhà.« Sư hỏi: »Chẳng biết trước sau gìn giữ như thế nào?« Bách Trượng trả lời: »Như chú mục đồng cầm roi trông chừng, chẳng cho nó vào lúa mạ của người.« Sư nhân đây ngộ được ý chỉ.
Khi Thiền sư Linh Hựu đến Qui Sơn khai sáng, Sư đích thân đến phụ tá và khi Linh Hựu tịch, Sư được chúng thỉnh ở lại trụ trì. Vì thế mà Sư cũng thường được gọi là Qui Sơn Ðại An.
Có vị tăng hỏi: »Khi ấm này đã mất, ấm kia chưa sinh thì thế nào (Trung hữu) ?« Sư hỏi vặn lại: »Khi ấm này chưa mất, cái gì là Ðại Ðức?« Tăng thưa: »Chẳng rõ.« Sư bảo: »Nếu hội ấm này liền rõ ấm kia.«
Sư dạy chúng: »... Tất cả các ngươi, mỗi người đều có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa (Lục căn) ngày đêm thường phóng quang sáng, các ngươi tự chẳng biết lại nhận bóng trong thân Tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chênh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, không dám để sẩy chân. Hãy nói vật gì không thể gìn giữ được? Như thế, không có một mảnh tô, một sợi tóc có thể thấy. Ðâu chẳng nghe Hòa thượng Chí Công nói: ›Trong ngoài tìm kiếm trọn không ra, trên cảnh thi vi gồm tất cả‹ – trân trọng!«
Sau, Sư rời Qui Sơn đến Trường Khánh, tỉnh Phúc Kiến giáo hóa. Ðời Ðường, niên hiệu Trung Hòa năm thứ ba (883), ngày 22 tháng mười, Sư có chút bệnh rồi tịch. Vua sắc phong là Viên Trí Thiền sư, Tháp hiệu ChỨng Chân.