首 山 省 念; C: shǒushān xǐngniàn; J: shuzan shōnen; 925-993;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế, đệ tử xuất sắc nhất của Phong Huyệt Diên Chiểu. Sư là người gìn giữ tông Lâm Tế trước cơ nguy tàn lụi. Thiền sư Phong Huyệt đã tỏ nỗi lo rằng chính pháp của Lâm Tế sẽ thiên hóa cùng với mình vì không tìm được người nối dõi. Nhưng sau đó Sư đến hội Phong Huyệt và được ấn chứng. Trong thời loạn (hậu Ðường sang đời Tống), Sư ẩn cư không để lộ tung tích. Sau khi bình yên lại, Sư mới bắt đầu tụ chúng và giáo hóa. Sư có 16 truyền nhân, trong đó Phần Dương Thiện Chiêu xuất sắc nhất, người đã đưa Thiền tông lên hàng đầu trong các môn phái đạo Phật đời Tống.
Sư họ Ðịch, quê ở Lai Châu, xuất gia tại chùa Nam Thiền. Vừa thụ giới cụ túc xong, Sư diêu du khắp nơi và thường tụng kinh Pháp hoa nên Sư cũng có biệt danh là Niệm Pháp Hoa.
Sau, Sư đến pháp hội của Thiền sư Phong Huyệt và được cử làm Tri khách. Một hôm, Sư đứng hầu, Phong Huyệt than với Sư: »Bất hạnh! Ðạo Lâm Tế ta sắp chìm lặng vậy.« Sư nghe vậy thưa: »Xem trong đại chúng đâu không có người kế thừa Hòa thượng?« Phong Huyệt bảo: »Người thông minh thì nhiều, kẻ kiến tính rất ít.« Sư thưa: »Như con, Hòa thượng xem thế nào?« Phong Huyệt bảo: »Ta tuy trông mong ở ngươi đã lâu nhưng vẫn e ngại đắm mến kinh này không thể buông rời.« Sư thưa: »Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.« Phong Huyệt thượng đường, nhắc lại việc đức Phật dùng cặp mắt như sen xanh nhìn đại chúng, bèn hỏi: »Chính khi ấy hãy bảo nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói, lại là chôn vùi thánh trước. Hãy bảo nói cái gì?« Sư liền phủi áo đi ra. Phong Huyệt ném gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo Phong Huyệt hỏi: »Niệm Pháp Hoa sao chẳng đáp lời Hòa thượng?« Phong Huyệt bảo: »Niệm Pháp Hoa đã hội.«
Sư đến Thủ Sơn trụ trì. Ngày khai đường có vị tăng hỏi: »Thầy xướng gia khúc tông phong ai, Nối pháp người nào?« Sư đáp: »Thiếu Thất trước núi xem bàn tay.« Tăng hỏi: »Lại thỉnh hồng âm hòa một tiếng?« Sư đáp: »Như nay cũng cần toàn thể biết.«
Sư dạy chúng: »Phật pháp không nhiều, chỉ vì nơi các ông tự tin chẳng đến. Nếu các ông tự tin thì ngàn vị Thánh ra đời cũng không làm gì được các ông. Vì sao như thế? Vì trước mặt các ông không có chỗ mở miệng. Chỉ vì các ông không có tự tin, chạy ra ngoài tìm cầu. Sở dĩ đến được trong ấy bèn là Phật Thích-ca, sẽ cho các ông ba mươi gậy. Tuy nhiên như thế, kẻ sơ cơ hậu học vào bằng đạo lí nào? Hãy hỏi các ông được cùng ấy hay chưa?« Sư im lặng giây lâu nói tiếp: »Nếu được cùng ấy mới là vô sự.«
Một giai thoại của Sư được nhắc lại trong Vô môn quan, Công án 43. Sư giô gậy trúc lên nói: »Này các ông, nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì trái nghịch, vậy gọi là gì?«
Ðời Tống, niên hiệu Thuần Hóa năm thứ ba (992), giờ Ngọ ngày mùng 4 tháng chạp, Sư nói kệ:
今年六十七,老病隨緣且遣日
今年記卻來年事,來年記著今朝日
Kim niên lục thập thất
Lão bệnh tùy duyên thả khiển nhật
Kim
niên kí khước
lai niên sự
Lai niên kí trước kim triêu nhật.
*Năm nay sáu mươi bảy
Già bệnh tùy duyên hãy đuổi theo
Năm nay ghi lại việc năm tới
Năm tới ghi chắc việc ngày nay.
Ðến năm sau đúng ngày giờ nói trước, Sư từ biệt chúng và nói kệ:
Chư tử mạn ba ba
Quá khước cơ Hằng hà
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù bất nại hà?
*Các con dối lăng xăng
Lỗi nhiều cát sông Hằng
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù biết làm sao?
Sau khi im lặng giây lát, Sư lại nói kệ:
白銀世界金色身,情與非情共一真
明暗盡時俱不照,日輪午後示全身
Bạch ngân thế giới kim sắc thân
Tình
dữ phi tình cộng nhất chân
Minh ám tận thời câu bất chiếu
Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.
*Thế giới bạch ngân thân sắc vàng
Tình với phi tình một tính chân
Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu
Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.
Mặt trời vừa xế, Sư ngồi yên thị tịch, thọ 68 tuổi.