盂 蘭 盆 會 ; S: ullambana; là cách dịch theo âm, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền (救 倒 懸), tức là »Cứu nạn treo ngược«, cứu »những oan hồn bị treo ngược dưới địa ngục«;
Một lễ hội cúng các cô hồn, Ngạ quỉ nhằm ngày rằm tháng bảy. Trong ngày này, các quỉ đói dưới Ðịa ngục (Lục đạo) được cúng dường thức ăn, bánh trái, giấy tiền vàng bạc, quần áo, v.v. để họ được giảm khổ đau. Lễ này được tổ chức lần đầu tiên năm 538 tại Trung Quốc và vẫn được tổ chức hàng năm tại các nước Ðông Á như Trung Quốc, Việt Nam.
Nguồn gốc của lễ này xuất phát từ Mục-kiền-liên. Tôn giả nhờ Thiên nhãn thông (Lục thông) thấy được mẹ mình tái sinh làm ngạ quỉ dưới địa ngục và đau xót muốn cứu bà. Ðức Phật bảo là chỉ có sự hỗ trợ của toàn thể Tỉ-kheo trong Tăng-già mới giảm đau cho họ được. Từ đây xuất phát ra truyền thống cúng ngày rằm tháng bảy, nhằm ngày chư tăng làm lễ tự tứ sau ba tháng an cư, và người ta tin rằng, lễ cúng này giải thoát khổ đau cho thân quyến bảy đời trước của người cúng. Sự phối hợp giữa giáo lí Từ bi và truyền thống thờ Tổ tiên tại Trung Quốc là một trong những yếu tố chính để cho lễ cúng này được lưu truyền đến ngày nay (Phóng diệm khẩu).