最 澄; J: saichō; 767-822; cũng được gọi là Truyền Giáo Ðại sư;
Cao tăng Nhật Bản, người đem giáo lí của tông Thiên Thai (j: tendai) sang Nhật và người lập một thiền viện danh tiếng trên núi Tỉ Duệ (比 叡; j: hiei). Song song với việc nghiên cứu Thiên Thai tông, Sư cũng tiếp thu giáo pháp của Hoa nghiêm và Mật tông trong lúc du học tại Trung Quốc năm 804.
Sư đặc biệt nhấn mạnh đến tính mở rộng của các học thuyết trong tông Thiên Thai và khuyên đệ tử cần có một cuộc sống đạo hạnh. Sư đưa phép Chỉ-Quán vào phương pháp tu thiền và môn đệ phải tu học một thời gian thiền định 12 năm trên núi Tỉ Duệ. Sư cũng có ý định thành lập nghi lễ thụ giới rặc theo Ðại thừa nhưng kế hoạch này không được thực hiện vì sự chống lại của các tông khác thời đó. Năm 822, Sư viên tịch ngay tại núi Tỉ Duệ
Chủ trương của Thiên Thai tông tại Nhật không khác gì với Thiên Thai Trung Quốc. Ðó là quan điểm đặt cơ sở trên kinh Diệu pháp liên hoa, trên lời thuyết pháp thật sự của đức Phật. Sư cho rằng các tông phái khác hay dựa trên các luận giải, chứ không phải trên kinh điển chính thức của đức Phật nên Thiên Thai tông ưu việt hơn. Sư cũng có quan điểm khác với các tông phái khác và nhấn mạnh đến tính thống nhất và bao trùm của Thiên Thai tông. Tính bao trùm thể hiện trong luận điểm, mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ và thành Phật. Tính này cũng thể hiện trong Phật tính, là tính chất chung nhất của mọi chúng sinh. Ðối với Sư, muốn đạt Phật quả, hành giả phải sống một đời sống trong sạch và tu tập Chỉ-Quán.
Sư quan tâm giữ gìn mối quan hệ với hoàng gia đương thời. Núi Tỉ Duệ được xem là »Trung tâm bảo vệ quốc gia« của Nhật và xem Ðại thừa Phật giáo là người bảo vệ đất nước Nhật. Sư chia tăng sĩ học trong thiền viện mình ra làm nhiều hạng: những người xuất sắc nhất được xem là »bảo vật của quốc gia« và phải ở trong chùa, phụng sự đất nước. Những người kém hơn thì cho vào các công sở, dạy học hoặc làm nhà nông, nói chung là phục vụ xã hội.