HomeIndex

Thông Giác Thủy Nguyệt

通 覺 水 月; 1637-1704

Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Tào Ðộng truyền sang miền Bắc, pháp hệ thứ 36. Sư nối pháp Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và truyền lại cho đệ tử là Chân Dung Tông Diễn.

Sư họ Ðặng, quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng. Sư trước học Nho giáo nhưng không hài lòng. Năm 20 tuổi, Sư xuất gia cầu đạo, vân du khắp nơi nhưng không tìm được nơi khế hợp. Sau, Sư quyết chí sang Trung Quốc tu học.

Chuyến du học này gặp đầy trở ngại, một trong hai đệ tử đi theo lâm bệnh, mất giữa đường và khi đến núi Phụng Hoàng, Sư phải ở ngoài chờ ba tháng mới vào được cổng chùa yết kiến Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo.

Nhất Cú gặp Sư hỏi: »Trước khi cha mẹ sinh, trong ấy thế nào là Bản lai diện mục của ngươi?« Sư thưa: »Mặt trời sáng giữa hư không.« Nhất Cú bảo: »Ba mươi gậy, một gậy không tha«, và cho phép Sư nhập chúng.

Sáu năm trôi qua, một hôm, Nhất Cú gọi Sư vào Phương trượng hỏi: »Ðã Kiến tính chưa?« Sư lễ bái và trình kệ:

Viên minh thường tại thái hư trung

Cương bị mê vân vọng khởi long

Nhất đắc phong xuy vân tứ tán

Hằng sa thế giới chiếu quang thông.

*Sáng tròn thường ở giữa hư không

Bởi bị mây mê vọng khởi lồng

Một phen gió thổi mây tứ tán

Thế giới hà sa sáng chiếu thông.

Nhất Cú đưa tay điểm vào đầu Sư, ban hiệu là Thông Giác Ðạo Nam Thiền sư và nói kệ sau để truyền tông Tào Ðộng tại Việt Nam:

Tịnh trí thông tông, từ tính hải khoan

Giác đạo sinh quang, chính tâm mật hạnh

Nhân đức vi lương, huệ đăng phổ chiếu

Hoằng pháp vĩnh trường.

Nhất Cú căn dặn: »Ngươi về nên tinh tiến làm Phật sự, giảng thuyết đề cao chính pháp, không nên chần chờ để tâm theo vọng trần, trái lời Phật, Tổ dặn dò. Ngươi thành tâm đi muôn dặm đến đây nay ta cho một bài kệ để gắng tiến:

Quế nham suy phức tục truyền đăng

Thu nhập trường không quế bích đằng

Trì nhĩ viên lai khai bảo kính

Từ dư qui khứ thị kim thằng

Thụy thâm Phượng lĩnh thiên trùng tuyết

Cáp thụ An Nam nhất cá tăng

Dạ bán cẩm hà sơn hậu khởi

Hạo tòng thiên tế thức tăng hằng.

*Rừng quế gương xưa đền nối sáng

Thu về đâu đấy ngát mùi hương

Vì người xa đến treo gương báu

Từ biệt ta về chỉ đạo Thiền

Ai vào núi Phụng nghìn trùng tuyết

Dường có An Nam một vị tăng

Nửa đêm áo gấm ra sau núi

Như ở chân trời thấy mặt trăng«.

Từ biệt thầy, Sư cùng với đệ tử trở về Việt Nam. Về đến Việt Nam, Sư đi khắp các thắng cảnh như Yên Tử, Quỳnh Lâm và sau, Sư dừng chân tại Ðông Sơn ở huyện Ðông Triều, trụ tại chùa Hạ Long. Dân chúng xa gần nghe danh Sư đều đến xin qui y, tăng chúng đua nhau đến tham học.

Sắp tịch, Sư gọi Tông Diễn đến nói kệ:

Thủy xuất đoan do tẩy thế trần

Trần thanh thủy phục nhập nguyên chân

Dữ quân nhất bát cam lộ thủy

Bái tác ân ba độ vạn dân.

*Nước cốt tuôn ra rửa bụi trần

Sạch rồi nước lại trở về chân

Cho ngươi bát nước cam lộ quí

Ân tưới chan hòa độ vạn dân.

Sau, Sư nói kệ truyền pháp:

山織錦水畫圖。玉泉涌出白酡酥

岸上黃花鶯弄語。波中碧水鰈群呼

月白堂堂魚父醉。日紅耿耿繭婆晡

Sơn chức cẩm thủy họa đồ

Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô

Ngạn thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ

Ba trung bích thủy điệp quần hô

Nguyệt bạch đường đường ngư phủ túy

Nhật hồng cảnh cảnh kiển bà bô.

*Núi dệt gấm, nước vẽ hình

Suối ngọc chảy, tuôn rượi đà tô

Bờ cúc nở hoa hoàng oanh hót

Nước trong sóng biếc cá điệp nhào

Trăng sáng rỡ ràng ông chài ngủ

Trời soi rừng rực kén nằm nhơ.

Nói kệ xong, Sư bảo: »Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương. Nếu bảy ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm là ta ở đấy.« Chúng bùi ngùi mà không dám theo. Sau đúng bảy ngày, chúng cùng nhau đi tìm thì nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, thấy Sư ngồi kết già trên một tảng đá trong hang. Bấy giờ là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 20 đời vua Lê Hi Tông.