歸 宗 智 常 ; C: guīzōng zhìcháng; J: kishū chijō; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ nối pháp của Thiền sư Mã Tổ Ðạo Nhất và là thầy của Thiền sư Cao An Ðại Ngu, người đã làm cho cho Lâm Tế ngộ được pháp của Hoàng Bá.
Sử sách không ghi rõ Sư quê quán ở đâu, chỉ biết rằng Sư đại ngộ nơi Mã Tổ và cùng rời Tổ với các vị Nam Tuyền, Trí Kiên... Sau, Sư trụ tại chùa Qui Tông ở Lô Sơn.
Sư dạy chúng: »Các bậc cổ đức từ trước không phải chẳng hiểu biết, các Ngài là bậc cao thượng chẳng đồng hạng thường. Người thời nay không thể tự thành tự lập, để tháng ngày qua suông. Các ngươi chớ lầm dụng tâm, không ai thế được ngươi, cũng không có chỗ ngươi dụng tâm. Chớ đến người khác tìm, từ trước chỉ nương người khác mà hiểu, nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấy suốt, chỉ vì trước mắt có vật.«
Ðại Ngu đến từ biệt Sư. Sư hỏi đi đâu, Ðại Ngu trả lời: »Ði các nơi học Ngũ vị thiền.« Sư bảo: »Các nơi có Ngũ vị thiền, ta trong ấy chỉ có Nhất vị thiền.« Ðại Ngu hỏi: »Thế nào là Nhất vị thiền« Sư cầm gậy đánh, Ðại Ngu hoát nhiên đại ngộ, thưa: »Ngưng, con hội rồi.« Sư quát: »Nói! Nói!« Ðại Ngu vừa suy nghĩ trả lời Sư liền đánh đuổi ra. Ðại Ngu sau thuật lại lời này với Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Hoàng Bá thán phục, nói với chúng: »Mã Ðại sư sinh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến thì cả thảy đều chậm lụt, chỉ có Qui Tông là khá hơn một chút.«
Sư vào vườn hái rau, sẵn tay vẽ một vòng tròn quanh một bụi rau và bảo chúng: »Không được động đến cái này!« Tất cả chúng đều không dám động. Sau đó, Sư trở lại bụi rau, thấy bụi rau còn nguyên, Sư bèn cầm gậy đuổi chúng, bảo: »Cả bọn mà chẳng có một người trí huệ.«
Một vị quan tên Lí Bột đến hỏi: »Kinh sách nói ›Hạt cải để trong núi Tu-di‹, Bột không nghi, lại nói ›Núi Tu-di để trong hạt cỏ‹, phải là nói dối chăng?« Sư hỏi lại: »Người ta đồn Sử quân đọc hết muôn quyển sách phải chăng?« Lí Bột đáp: »Ðúng vậy«. Sư hỏi tiếp: »Rờ từ đầu đến chân bằng cây dừa lớn, muôn quyển sách dể chỗ nào?« Lí Bột nghe rồi lặng thinh.
Sư có một vị đệ tử – vị này sau nổi danh với tên Ðại Thiền Phật Trí Thông – với một cơ duyên giác ngộ rất kì đặc. Một đêm, Ðại Thiền la lớn: »Tôi đại ngộ rồi!« Chúng nghe như vậy đều giật mình. Sáng hôm sau, Sư hỏi: »Ðêm qua ai đại ngộ hãy bước ra?« Ðại Thiền bước ra, nói: »Chính con.« Sư hỏi: »Ông thấy đạo lí gì mà nói đại ngộ?« Ðại Thiền thưa: »Sư cô vốn là phụ nữ.« Sư im lặng chấp nhận.
Không biết Sư tịch năm nào. Sau khi tịch, Sư được sắc phong là Chí Chân Thiền sư.