香 嚴 智 閑 ; C: xiāngyán zhìxián; J: kyōgen chikan; ?-898;
Thiền sư Trung Quốc, ngộ đạo nơi Qui Sơn Linh Hựu. Câu chuyện »sáng mắt« của Sư được nhắc nhở nhiều trong giới thiền vì nó nêu rõ quan niệm »Bất khả tư nghị« và các phương pháp hoằng hóa đặc biệt của các vị Tổ sư.
Trước khi đến Qui Sơn, Sư đã đến học nơi Bách Trượng Hoài Hải, nổi danh là đã nghiên cứu nhiều kinh luận nhưng vẫn không đoạn triệt hồ nghi. Sau khi Bách Trượng tịch, Sư đến tham vấn Qui Sơn. Qui Sơn hỏi: »Ta nghe sư đệ ở chỗ Tiên sư Bách Trượng thông minh lanh lợi, nhưng ta không hỏi đệ về chỗ học bình sinh, cũng không hỏi về kinh sách. Giờ đây hãy nói thử một câu khi cha mẹ chưa sinh xem!« Sư mù mịt không biết đâu là đâu bèn rút lui vào thất, soạn hết sách vở đã học qua nhưng trọn không tìm được câu giải đáp. Sư than: »Bánh vẽ chẳng no bụng đói« và đến Qui Sơn xin lời giải. Qui Sơn bảo: »Nếu ta nói sư đệ sau này sư đệ sẽ mắng ta, vì ta nói là việc của ta, liên hệ gì đến sư đệ?« Sư đem sách vở ra đốt hết, tự nghĩ »Ðời này không học Phật pháp nữa, làm tăng thường lo cơm lo cháo để khỏi nhọc tâm.« Sư từ giã Qui Sơn đi thẳng đến di tích của Quốc sư Nam Dương Huệ Trung, cất am tại đây. Sư ngày ngày lấy chổi quét dọn sạch mộ của Quốc sư. Một hôm Sư quét lá, một viên sỏi bay đụng vào khóm tre vang lên một tiếng. Sư nghe vậy bỗng nhiên đại ngộ, tìm được câu trả lời Qui Sơn, phá lên cười và làm bài kệ sau:
一擊忘所知。更不假修治
動容揚古路。不墮悄然機
處處無蹤跡。聲色外威儀
諸方達道者。咸言上上機
Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trị
Ðộng dung dương cổ lộ
Bất đọa tiểu nhiên cơ
Xứ xứ vô tung tích
Thanh sắc ngoại uy nghi
Chư phương đạt đạo giả
Hàm ngôn thượng thượng cơ.
*Tiếng dội lùm tre quên sở tri
Có gì đối trị giả tu trì
Ðổi thay thần sắc nêu đường cổ
Nếp cũ tiêu điều chẳng trệ si
Chốn chốn dạo qua không dấu vết
Sắc thanh nào nhiễm được uy nghi
Mười phương đạt giả đều như vậy
Tối thượng là đây biết nói gì.
(Trúc Thiên dịch)
Sư trở về am thắp hương hướng về Qui Sơn bái lễ: »Hòa thượng từ bi hơn cha mẹ, khi trước nếu vì ta mà nói thì đâu có ngày nay.«
Sư hỏi chúng: »Ví như có người leo cây cao, dưới là vực thẳm. Người ấy miệng ngậm cành cây, chân không đạp chỗ nào, tay không bám vào đâu. Chợt có người đến hỏi ›ý của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang‹, khi ấy phải làm sao?« Vị Thượng tọa bước ra thưa: »Chẳng hỏi khi đã leo lên cây, lúc chưa leo lên cây thế nào?« Sư cười rồi thôi.