HomeIndex

Ðạt-bảo Cáp-giải

達 保 哈 解; T: dvags-po lha-rje; 1079-1153, là tên dịch theo âm Hán Việt, cũng được biết dưới tên Gam-pô-pa (t: sgam-po-pa);

Một trong những Ðại sư của dòng Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) tại Tây Tạng. Năm 26 tuổi, sau khi vợ mất, Sư trở thành tăng sĩ và theo học giáo pháp của phái Cam-đan (t: kadampa). Trong quá trình tu học, Sư được gặp Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa), một đạo sư tiếng tăm lừng lẫy và được Mật-lặc Nhật-ba truyền cho pháp môn Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā).

Sau khi xuất gia – được thúc đẩy bởi sự bất lực trước cái chết của vợ và con trong một cơn dịch, mặc dù là một y sĩ – Ðạt-bảo Cáp-giải được hướng dẫn vào giáo lí của dòng Cam-đan, một dòng được A-đề-sa (s: atīśa) Ðại sư sáng lập. Sư chăm chỉ tu tập, giữ giới luật nghiêm túc. Nhưng lí luận khô khan của tông này không dẹp hết những hồ nghi và vì vậy Sư quyết định xuống áo cà sa và trở thành một du sĩ tham đạo.

Một ngày kia, Sư nằm mộng thấy linh ảnh của một vị tăng sĩ màu xanh, tóc tai rối bù. Trong ảnh đó, vị tăng sĩ nhìn Sư cười, mắt sáng long lanh và nhổ nước bọt vào mặt Sư. Không bao lâu sau đó, Sư bắt đầu du phương – là một điều mà các vị Lạt-ma thỉnh thoảng vẫn làm. Trên đường đi, Sư bị lạc vào một vùng hẻo lánh của Hi-mã-lạp sơn và quả nhiên gặp một người có màu da xanh, trông rất ốm yếu và người đó không là ai khác hơn là Mật-lặc-nhật-ba. Mật-lặc-nhật-ba nhếch mép cười khi thấy Sư ngần ngừ bước vào. Không nói gì cả, ông đưa cho Sư một cái sọ người đựng đầy Chang (một loại bia) và ép uống hết – theo cách của Mật giáo bày tỏ phép tâm truyền tâm giữa thầy với trò. Sư từ chối không uống vì giới luật không cho phép. Mật-lặc-nhật-ba cười lớn – giống như trong linh ảnh đã hiện và nói ngay rằng, học theo một vị Phật đang hiện tiền tốt hơn bám giữ vào một giới luật hẹp hòi. Ông chế ngạo cách tu hành theo khuôn khổ, không có tính cách quảng đại của dòng Cam-đan. Ðối với ông, cách tu luyện như thế không giúp được một người thượng căn ham học. Ngay tại chỗ, Sư uống cạn một hơi, nhìn thẳng vào mắt Mật-lặc-nhật-ba và nhận ra rằng, linh ảnh đã biến thành sự thật: vị tăng sĩ giác ngộ này xem như đã nhổ nước bọt vào mặt ông và đã trao truyền năng lực cho kẻ thông thái nhưng chưa thật sự thức tỉnh đó. Cũng trong phút đó, Mật-lặc-nhật-ba biết đã tìm ra truyền nhân của mình. Sau đó, Sư ở lại với thầy tu tập thiền định và nghe giảng pháp.

Một ngày kia, Mật-lặc-nhật-ba báo cho Sư hay rằng đã tới lúc phải rời thầy ra đi. Tới ngày từ giã thầy và xa thầy mãi mãi, Sư quì dưới chân Mật-lặc-nhật-ba, để cho vị đạo sư để hai chân lên đầu mình và nhận một luồng chân khí để nhờ đó đạt được tâm thức đại viên kính trí của Phật. Sau buổi lễ này, Sư xin thầy cho một lời nhắn nhủ cuối cùng. Mật-lặc-nhật-ba nhún vai và nói: »Ngồi thiền thì ngươi còn phải ngồi nhiều và thường xuyên, còn học thì tuyệt đối không còn gì để học nữa.« Sau đó, Mật-lặc-nhật-ba không nói gì nữa. Sư xuống núi, vừa đi qua khỏi một con suối thì nghe phía sau Mật-lặc-nhật-ba kêu réo: »Ta còn một lời dạy cuối cùng« tiếng kêu lẫn trong tiếng suối reo, »Và lời này thật sự là bí mật và thâm sâu, chỉ dành chỉ dạy cho các bậc xuất sắc nhất trong giới thượng căn.« Sư yên lặng nín thở quay đầu lại, tim đập thình thình. Mật-lặc-nhật-ba bèn quay lưng, vén váy lên và cho Sư thấy mông đít trần truồng đã đóng thành sẹo sau nhiều nằm ngồi trên đá thiền định. »Lời dạy cuối cùng của ta đây, hãy nhớ!« Mật-lặc-nhật-ba kêu to.

Ðúng như lời tiên đoán của Mật-lặc-nhật-ba, mặc dù tu tập mười ba tháng với thầy nhưng sau ba năm tu tập, Tọa thiền cực khổ kế tiếp Sư mới chứng ngộ yếu chỉ Ðại thủ ấn.

Sau khi Mật-lặc Nhật-ba nhập diệt, Sư thành lập tông Ca-nhĩ-cư (đúng hơn: môn đệ của Sư). Sư soạn bộ Bồ-đề đạo thứ đệ tùy phá tông trang nghiêm (Bồ-đề đạo thứ đệ) và tác phẩm này đã hợp nhất hai trường phái Ca-nhĩ-cư và Cam-đan »như hai dòng nước hòa vào nhau.«