道 行; ?-1115
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái thiền Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 12, kế thừa Thiền sư Sùng Phạm.
Sư tên tục là Từ Lộ, con của Viên tăng quan Ðô Án Từ Vinh, quê tại làng Yên Lãng. Sư tính tình hào hiệp, chí cao, ban ngày thì chơi cờ thổi sáo nhưng ban đêm cần cù đọc sách. Sau Sư đi thi đỗ Tăng quan.
Nhân khi cha của Sư là Từ Vinh bị người dùng bùa chú ám hại, Sư quyết tâm tu học huyền thuật để rửa hận cho cha. Sau khi trả thù xong, duyên nợ đã rửa sạch, Sư phát tâm cầu giải thoát và chu du đây đó tầm đạo.
Ban đầu, Sư đến Thiền sư Kiều Trí Huyền ở Thái Bình tham học nhưng không có sở đắc. Ðến Thiền sư Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân, Sư hỏi: »Thế nào là chân tâm?« Sùng Phạm đáp: »Cái gì chẳng phải chân tâm?« Sư nhân đây tỉnh ngộ, hỏi thêm: »Làm sao gìn giữ?« Sùng Phạm bảo: »Ðói ăn khát uống.«
Rời Sùng Phạm, Sư đến chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích trụ trì hoằng hóa chúng. Một vị tăng hỏi: »Ði đứng ngồi nằm (Hành trụ tọa ngọa) cả thảy đều là Phật tâm, thế nào là Phật tâm?« Sư trả lời bằng kệ:
作有塵沙有。爲空一切空
有空如水月。勿著有空空
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
*Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không
Có, không trăng đáy nước
Ðừng mắc có cùng không.
Sư lại bảo:
日月在巖頭。人人盡失朱
富人有駒子。步行不騎駒
Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất chu
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kị câu
*Nhật nguyệt tại non đầu
người người tự mất châu
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe.
Sắp tịch, Sư gọi đệ tử đến dạy: »Túc nhân của ta chưa hết phải còn sinh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương. Sau khi mệnh chung ta lại lên cõi trời Tam thập tam làm Thiên chủ. Nếu thấy thân ta bị hư hoại thì ta mới thật vào Niết-bàn, chẳng trụ trong vòng sinh diệt này nữa.« Sư nói kệ phó chúc:
秋來不報雁來歸。冷笑人間暫發悲
爲報門人休戀著。古師幾度作今師
Thu lai bất báo nhạn lai qui
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỉ độ tác kim sư.
*Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay
Cười lạt người đời luống xót vay
Thôi! Hỡi môn đồ đừng lưu luyến
Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.
Nói xong, Sư an nhiên thị tịch. Nhục thân Sư mãi sau này vẫn còn.