Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [ Trang Chủ ]               [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

HOÀNG XUÂN-HÃN
Lý Thường Kiệt
LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần I - Bại Chiêm Phá Tống

CHƯƠNG V : BANG GIAO LÝ TỐNG

1. Giao-thông 
2. Giao-dịch
3. Tu-cống
4. Biên-sự buổi đầu
5. Can-thiệp trực-tiếp
6. Việc động Tư-lẫm 
7. Việc châu Tây-bình. Thân Thiệu-Thái
8. Việc động Lôi-hỏa. Nùng Tôn-Đán
9. Kết-luận
Chú thích

1. Giao-thông
Giao-chỉ tiếp đất với Tống, dọc theo biên thùy đầy núi rừng hiểm trở. Đường giao thông bằng bộ khó khăn. Đường bể dễ dàng hơn nhiều, vì các cửa bể Khâm, Liêm cách biên giới chung chỉ một vài ngày. Vả từ cửa sông Bạch-đằng đến châu Vĩnh-an giáp hải phận Khâm-châu, có rất nhiều đảo (ở vùng Hạ-long và vịnh Đàm-hà ngày nay). Những đảo lớn, như đảo Cát-bà, Vân-hải, Kế-bào (tên ở địa đồ Đông-dương ngày nay) và vô số đảo nhỏ ngăn một giải nước khá yên lặng trước bờ bể; người ta và Trung-hoa vẫn coi giải nước ấy là một con sông, nối Bạch-đằng với Khâm-châu (Thủy-kinh chú). Sách TB (288/13b) có nói đến sông Đông-kênh (kênh ở phía đông), có lẽ chỉ giải nước này (XI/5).

Theo sách LNĐĐ đời Tống, đường thủy từ Khâm-châu vào nước ta như sau : từ Khâm-châu, thuyền đi hướng tây-nam, một ngày đến châu Vĩnh-an; theo trại Đại-bàn (đảo Kế-bào ngày nay) thuộc Ngọc-sơn tới Vĩnh-thái, Vạn-xuân (vùng Vạn-kiếp, sông Lục-đầu), liền tới Thăng-long, thuyền đi mất năm ngày.

Còn đường bộ từ Ung-châu tới Thăng-long, thì đường tiện nhất là đường ngày nay còn dùng : đường qua Ninh-minh, Bằng-tường, Lạng-sơn, Bắc-giang và Bắc-ninh (tên ngày nay). Theo LNĐĐ, đời Tống, đường ấy từ trại Vĩnh-bình thẳng xuống phía nam, vào huyện Quang-lang thuộc Giao-chỉ. Đường qua hai con sông nhỏ Ô-bì và Đào-hoa, đến sông Nam-định, tức là sông Phú-lương. Theo địa thế thì ba sông ấy tức là sông Kỳ-cùng, sông Thương và sông Cầu ngày nay (1). Đường đi bốn ngày đến Thăng-long. Đó là đường Quách-Quì đem quân Tống xâm ta.

Ở phía tây đường chính lộ ấy, còn có hai đường. Một đường từ trại Thái-bình vào, qua sông La thuộc động Đan-đặc thì tới Lạng-châu. Đường ấy đi mất sáu ngày mới tới Thăng-long. Một đường từ trại Ôn-nhuận thuộc đạo Hữu-giang vào địa phận Cao-bằng ngày nay. Tức là đường Cao-bằng, Bắc-cạn, Thái-nguyên. LNĐĐ chỉ nói rằng đường ấy quanh co, chứ không nói đi mất mấy ngày. Nhưng theo lời Triệu Tiết (TB 279/21b), từ Cao-bằng đến Thăng-long có mười hai trạm, tức là đi mất mười hai ngày.

Các đường giao thông này từ đời Đường đã từng dùng. Đến đời Tống, đã có lúc sao lục lại. Năm 1046, khu-mật-viện kiểm các đường thủy lục dùng từ đời Đường vào Giao-chỉ. Cả thảy có mười sáu chỗ. (TB 158). Mười sáu chỗ ấy gồm phần lớn những ải khó đi. Chỉ có bốn đường kể trên là quan hệ. Từ năm 1006, Thiệu Dục sau khi đi sứ Giao-chỉ về đã hiến các bản đồ vẽ bốn đường thủy lục từ Ung vào Giao-chỉ (ĐĐSL 112 và TB 63). Chắc là bốn đường kể trên. (2)

2. Giao-dịch
Ngoài sự bang giao chính thức bằng các sứ bộ, hai nước Tống Lý có sự giao dịch hằng ngày ở biên thùy. Trên những chỗ đường thông lộ lớn, qua biên giới, sự buôn bán khá thịnh, và có tổ chức.

Tống, cũng như Lý, sợ người ngoài giả mạo vào buôn bán để do thám. Cho nên lúc thường, tuy cho đi lại thông thương, nhưng chỉ được tụ họp tại một nơi nhất định, gọi là bạc-dịch-trưởng (chợ quốc tế).

Một nơi quan trọng thuộc trại Vĩnh-bình. Sách LNĐĐ chép :"trại Vĩnh-bình kề Giao-chỉ, chỉ cách bằng một sông con mà thôi. Phía bắc sông có trạm Giao-chỉ (ở đất Tống). Phía nam sông có đình Nghi-hòa. Đều là chỗ buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh-bình cai quản. Người Giao-chỉ đem các vật quí (vì đường bộ khó chở) như các thứ hương, ngà, sừng tê, vàng, bạc, tiền, đến đổi lấy các thứ vải, vóc. Chỉ có muối là hàng nặng. Muối chỉ dùng đổi lấy vải thường mà thôi. Muối đóng thành sọt, mỗi sọt 25 cân. Vải dệt ở huyện Vũ-duyên, khổ hẹp". Có lẽ trạm này là chợ Kỳ-lừa ngày nay.

Trên biên giới Sác-nam-giang (thuộc trại Cổ-vạn) và châu Tô-mậu, cũng có một "bạc-dịch-trường" nhỏ. Thường, thổ dân hai bên tới buôn bán ở đó.

Một "bạc-dịch-trường" quan trọng khác ở trại Hoành-sơn, vì đó là chỗ tụ tập các nhà buôn ở xa đến, từ Quảng-nguyên (Cao-bằng) và từ các đạo Đặc-ma, nước Đại-lý (Vân-nam). Châu Quảng-nguyên sản xuất nhiều vàng, bạc, đồng, chu-sa, diêm-tiêu. Ấy là những hóa vật rất được chuộng. Các nhà lái buôn lớn, quê ở Quảng-châu, cũng tới đó cất hàng Quảng-nguyên. (Xem chuyện Nùng Trí-Cao, IV/3).

Bạc-dịnh-trường lớn nhất gần biên thùy ta là ở Khâm-châu. Trường ấy ở ngoài thành, tại trạm Giang-đông. Người nước ta đi thuyền đến đó buôn bán. Lái buôn hạng nhỏ có các phường chài, đem cá, sò đến đổi lấy vải; có hàng xén tới mua giấy bút, gạo vải. Sự buôn nhỏ ấy, hằng ngày vẫn có, không cần xin phép riêng.

Đến như việc buôn to, thì phải có viên coi châu Vĩnh-an ở nước ta thông điệp cho viên coi Khâm-châu trước, rồi kẻ phú thương mới được đem hàng hóa vào. Cũng có lúc, chính phủ ta sai sứ tới Khâm-châu buôn bán. Các hàng của ta có : vàng, bạc, tiền đồng, trầm hương, thục hương, sinh hương, trân châu, ngà voi, sừng tê. Về mặt Tống, các đại thương ở vùng Thục (Tứ-xuyên) một năm tới một lần, đem gấm Thục tới đổi lấy hương chở về Thục. Buôn như vậy rất to, mỗi lần trao đổi có hàng nghìn quan tiền.

Trên đây chép theo Chu Khứ-Phi (LNĐĐ) là người đã chứng kiến những sự giao dịch ấy (Sách chép xong năm 1188). Khứ-Phi còn nói rõ cách buôn bán bấy giờ, chẳng khác ngày nay bao nhiêu. Hai bên đem hàng mà cả cùng nhau. Hồi lâu mới định giá. Lúc định giá rồi, thì không được thương nghị với ai nữa. Đó là một lệ ai cũng theo. Lời Khứ-Phi nói :"giá người mà cả đầu đã định, thì trời đất cũng không bằng", nghĩa là ai trả cao bao nhiêu, cũng không được bán; vì lúc ngả giá, phải nhờ quan cân hương và giao gấm. Hình như các hàng ấy phải để sẵn ở công sở. Quan thuế đánh hàng Tống mà thôi, cứ một quan tiền thu ba mươi đồng.

Lúc hai nhà buôn gặp nhau, mời nhau uống rượu làm vui; lâu rồi mới nói đến buôn bán. Trong lúc mà cả, những tùy tùng trả thêm dần dần đến lúc giá gần bằng nhau, rồi đến ngang nhau. Người Tống thường găng giá. Họ sai người nhà làm nhà ở, buôn bán lặt vặt để cấp; rồi họ ở đó mãi, cứ ngâm giá cho người ta mỏi mệt, phải bán rẻ. LNĐĐ chép tiếp : "Nhưng phú thương kia (Việt) ngoan cố, nó không nhúc nhích, cầm vững giá lâu, làm cho ta khốn đốn".

Theo Khứ-Phi, người Giao vốn thực thà. Chắc vì vậy, người Tống cân hàng một cách gian trá, tuy rằng Khứ-Phi chép trái lại. Cho nên Lý đã ba lần sai sứ sang Khâm-châu để thử lại cân. Vì hay bị lừa, nên người nước ta cũng trở nên dối trá. Khứ-Phi nói tiếp : "Gần đây, người Vĩnh-an rất gian giả. Vì nhà buôn ta (Tống) bán cho chúng thuốc giả, chúng đúc lẫn đồng vào vàng bạc; hương thì tẩm muối cho nó chìm (để giả trầm hương) hoặc đổ chì vào những lổ hổng trong hương. Nhà buôn ta đều bị lừa".

Nói tóm lại, đời Tống Lý, hai nước giao dịch nhiều; không những chỉ giữa dân biên thùy mà thôi, mà cả đến những cự phú từ phương xa cũng dự. Hàng hoá như ngà, hương, đạt tới miền kinh đô và Thục; và hàng tơ, vải, gấm, giấy của Tống được dùng ở xứ ta.

Chắc từ đời bắc thuộc đến Đinh, Lê, sự buôn bán ở biên thùy đã có rồi. Sử chép rằng : năm 1009 Lê Chí-Trung (Ngọa-triều) xin buôn bán với Ung-châu (TB 72/19b). Lại chép : năm 1012, Lý Công-Uẩn xin cho thuyền tới Ung-châu buôn bán. Vua Tống Chân-Tông chỉ bằng lòng, theo lệ cũ, cho tới buôn bán ở Quảng-châu và ở trại Như-Hồng (Khâm-châu) mà thôi.

Sự giao dịch với Tống có lợi nhiều cho nước ta, về nhu cầu của dân cũng như về quốc dụng. Vả đó cũng tiện cho việc do thám tình hình trong nước Tống. Sau này quan Tống cấm ta sang buôn bán, và vì đó ít nhiều mà đã có cuộc Lý Tống chiến tranh.

Còn ở nước ta, ngoài những trạm biên thùy như trạm Nghi-hòa ở huyện Quang-lang đã nói trên, có một trường bạc-dịch lớn lập ở Vân-đồn. Đảo Vân-đồn ở trong nhóm đảo mà bản đồ Đông-dương đề : đảo "De la Table". Ấy là đảo lớn ở ngoài hết nhóm ấy. Hình dài, hướng đông bắc tây nam. Phía nam đảo ấy có một đảo nhỏ ngăn thành một lối vào, gọi là cửa Vân-đồn. Đời xưa, đó là một căn cứ hải quân quan trọng, và cũng là một hải cảng duy nhất mở cho thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Sách TT chép rằng : năm Kỷ-tị 1149, có thuyền ba ngoại quốc Qua-oa (Java), Lô-lạc (?) và Tiêm-la tới Hải-đông (miền Quảng-yên) xin ở lại buôn bán. Vua Lý Anh-tông bèn lập những trang ở trên các đảo, đặt tên là Vân-đồn, để mua bán châu, báu, hàng hóa và dâng phương vật".

Tuy năm 1149 mới đặt lệ, nhưng trước đó đã có ngoại quốc đến buôn bán rồi. Có lẽ Vân-đồn là nơi thuyền từng ghé mà LNĐĐ đã gọi là Đồn-sơn. Ngày nay, một nhà khảo cổ Nhật-bản có tìm thấy ở đó nhiều tiền đời Tống và các mảnh sứ đời Tống. Xem vậy thì các thuyền Tống cũng từng ghé buôn ở đó. (Sách An-nam mậu-dịch-cảng Vân-đồn).

Địa vị Vân-đồn rất lợi. Người ngoại quốc ở trên đảo ấy không thể thám thính trong nước ta một cách dễ dàng. Mà ở đó bể lặng, nước sâu, thông với Khâm, Liêm, Quảng ở Tống, và với các nước miền đông và nam, rất tiện.

3. Tu-cống
Từ khi quân Tống bị thất bại bởi tay Lê-Hoàn, nước ta được nhận là phiên quốc. Lại nhờ các vua Tống trước đời Thần-tông khá hiền từ nhu nhược, cho nên dẫu trong nước ta có lúc biến, mà quân Tống cũng không lợi dụng thời cơ.

Từ lúc Lý lên ngôi, ta cố giữ lễ phiên thần để kết tình hòa hảo. Hơn hết các triều đại khác, đời Lý đã luôn luôn sai phái bộ đi cống. Không quản đường sá khó khăn, nhiều lần ta đem cả đàn voi, tê, đến tận kinh đô Tống, gần Khai-phong, ở sát sông Hoàng-hà. Mỗi lúc ở triều Tống có việc vua thăng hà hay đăng cực, ta có sứ sang điếu hay sang mừng. Mỗi lúc ở triều ta có việc tang hay hỉ, cũng có sứ ta sang Tống báo tin, hay cầu phong. Mỗi lúc được phong, vua ta lại sai sứ sang tạ ơn.

Ngoài sự bang giao theo điển nghi một phiên thần đối với nước thiên tử, vua Lý thường sai sứ sang xin kinh Phật. Bấy giờ đạo Phật rất thịnh ở nước ta, mà các tàng viện, tự quán, chắc vì loạn lạc, không còn đủ kinh dùng. Sự đồng tông giáo là một cớ đểâ gây tình hòa hảo.

Sau đây, sẽ kê các phái bộ cống sứ của triều Lý sang Tống, trước khi có việc Lý Tống chiến tranh. Bản kê lập theo TT, VSL, TB và TS. Khi nào sử ta và sử Tàu chép tên và năm hơi khác nhau, tôi theo sử ta. (Một phái bộ thường gồm hai sứ : tên đầu là chánh, tên sau là phó).



Xét qua bản thống kê trên, ta thấy trong khoảng 63 năm, các vua Lý đã sai hơn 23 bộ sang cống vua Tống. Mỗi lúc sứ ta tới, vua Tống rất ưu đãi, ban chức tước cho sứ, và nhân đó gia phong cho vua Lý, từ tước quận vương đến tước vương, và tăng lệ thực-ấp và mỹ tự công thần. (3)

Sứ ta vào nước Tống hoặc bằng đường Khâm-châu, hoặc bằng đường Vĩnh-bình. Mỗi lúc đem voi cống thì đi đường Vĩnh-bình. Quan Tống, Chu Khứ-Phi, còn cho ta biết một vài chi tiết về việc cống.

Trước lúc sứ ta tới biên giới, có phái bộ tới trước xin phép cho sứ tới kinh (ở gần Khai-phong ngày nay). Phải có trả lời của triều đình Tống ưng thuận mới được đi. Mỗi phái bộ ta gồm có đến năm mươi người, có lúc đến trăm người. Nhưng số người được đến kinh cũng phải tùy Tống chấp nhận.

Ngoài các tê, tượng, những cống vật thường rất quí. Sau lúc Tống đã phải dời kinh xuống phía nam, vua Lý vẫn cống hiến rất hậu. Năm 1156, Lý Quốc đem cống đồ kim khí nặng hơn 1200 cân, nạm châu báu nặng phần nửa. Lại thêm hạt trân châu đựng trong bình vàng (3 hạt lớn như quả cà, 6 hạt lớn như hạt mít và 50 hạt lớn như hạt táo). Lại thêm 1000 cân hương trầm, 50 đôi lông thúy, 850 tấm đoạn mầu vàng thắm, hoa rồng cuốn, 6 ngựa vua cỡi đủ cả yên cương, 8 ngựa thường, 5 voi. Phái bộ gồm 100 người. (LNĐĐ 2)

Xem đó biết đời Lý, nước ta giàu biết là bao nhiêu. Những lần khác, tuy cống lễ không hậu như trên, nhưng các đồ vàng, bạc, ngà và hương trầm, cũng trị giá đến vài ba vạn quan. Muốn biết giá trị một lễ như vậy, ta có thể so sánh với tiền ban cho các nhân viên phái bộ dọc đường, mỗi ngày 10 đồng tiền ngoài gạo !

Sứ bộ được ưu đãi dọc đường và lúc tới kinh, vua Tống ân cần phủ dụ.

Sứ thần được chọn trong các hàng quan cao cấp biết ứng đối, biết làm thơ. Khứ-Phi còn ghi một câu thơ của Lý Bang-Chính. Sau khi vua Tống đổi tên nước Giao-chỉ ra nước An-nam (1164), Bang-Chính về; dọc đường có đề thơ ở một bưu-đình. Trong thơ có câu "Thử khứ ưu thành tứ quốc-danh" (Đi lần này thành công lớn là được ban tên nước).

Đáp lễ lại, vua Tống ít sai sứ đến Thăng-long. Chỉ lúc ở nước ta, có quốc tang và tự quân lên ngôi, vua Tống thường sai một viên quan ở Quảng-tây tới điếu-ai và phong vua mới : như năm 1029, viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây Vương Duy-Chính (TS và TB 107) tới tế Lý Thái-tổ và phong Lý Đức-Chính (Thái-tông); năm 1055, viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây Khang-Vệ (TB 231) tới điếu Lý Thánh-tông và phong Lý Càn-Đức (Nhân-tông).

4. Biên-sự buổi đầu
Tuy giữ đạo phiên-thần tu-cống, nhưng các vua Lý gìn giữ cẩn thận bắc thùy. Mỗi lúc các biên-lại Tống dụ thổ dân, lấn đất đai, vua Lý liền phản kháng. Khi thì sai quan sang biện bác, khi thì sai tướng sang chống cự. Có lúc tướng ta giết quan Tống, đốt đồn trại Tống, mà chung qui, Tống cũng phải làm ngơ.

Sau này, ta sẽ kể những chuyện lớn đã xảy ra trên biên thùy, trong 40 năm đầu triều Lý, nó tỏ rõ những mối bất hòa giữa Lý và Tống,và nó chứng tỏ rõ tính cách hoạt động của chính sách bắc thùy của các vua Lý.

Năm 1022, đời Lý Thái-tổ, các dân Đại-nguyên-lịch thuộc Khâm-châu, và châu Như-hồng tới quấy trấn Triều-dương (Hải-ninh, Quảng-yên). Vua sai Dực-thánh-vương đi đánh. Vương đem quân vào sâu trong đất Khâm-châu, đốt phá trại Như-hồng, rồi mới trở về (TT). Trại Như-hồng ở liền phía đông biên giới ta, và bên cạnh có động Như-tích. Ngày nay dộng Như-tích còn ở khoảng giữa Tonghing (Đông-hưng) và Kintcheou (Khâm-châu). Năm1028, có việc gì bất bình ở biên giới, phò mã Thân Thừa-Quí đem quân vào đất Tống. Trại chúa châu Thất-nguyên (Thất-khê) Lý-Tự bị chết. Thừa Quí bắt dân Tống đem về. Viên coi Ung-châu bàn hòa. Lý Thái-tổ ưng thuận. (TB 106)

Năm 1034, đời Lý Thái-tông, có dân ta là bọn Trần Công-Vĩnh đưa hơn 600 người vào theo Tống. Thái-tông sai hơn 1000 quân tới biên giới đuổi bắt. Vua Tống Nhân-tông sợ sinh sự, hạ chiếu trả bọn đào vong ấy cho ta, nhưng dặn đừng giết chúng. (TS 488 và TB 114/16b)

Hai năm sau (1036), lại xẩy ra một việc lôi thôi rất lớn. Số là dân ở các châu giáp đất Tống như Lạng, Môn, Tô-mậu, Quảng-nguyên, động Đại-phát, huyện Đan-ba (TS 488), và các châu Đô-kim,Thường-tân, Bình-nguyên (TT) đều nổi lên đánh Tống, quấy các châu Tư-lăng, Tây-bình,Thạch-tây thuộc Ung-châu. Chúng cướp dân gian, gia súc và đốt nhà cửa, rồi rút lui (TS 488 và 495). Cầm đầu là họ Thân ở động Giáp. Dân động ấy kéo cướp châu Tư-lăng và động Bằng-tường, và giết tướng coi trấn Đăng-uyển (TB 118/4b theo Thực-lục). Về việc này, vua Tống cũng chỉ bàn hòa. Hai bên cho rằng duyên cớ bởi man dân có đứa sinh sự mà thôi. Thật ra đó là triệu chứng cuộc họ Nùng nổi loạn sau này.

Năm 1050, viên coi Ung-châu lại dụ hơn 3000 dân cùng các tù trưởng Vi Thiệu-Tự, Vi Thiệu-Khâm ở châu Tô-mậu. Lý Thái-tông đòi lại, vua Tống liền trả và dặn ta phải ước-thúc biên-dân, kẻo chúng xâm phạm nhau. (TS 488)

Sau cuộc loạn Nùng Trí-Cao (1052-1053), Tống mới quan tâm đến biên-cảnh phía nam; cắt quan canh phòng cẩn mật, và có ý dòm ngó nước ta. Vì vậy, sự xích mích ở biên giới càng sinh nhiều và mạnh.

5. Can-thiệp trực-tiếp
Chính sách bắc thùy triều Lý trong 40 năm bắt đầu có kết quả. Tuy Tống vẫn coi châu Quảng-nguyên, như thuộc châu Ung của mình, nhưng thật đã hoàn toàn theo vua Lý. (TS 495)

Viên coi Ung-châu là Tiêu Chú cũng phải tâu về triều rằng :"Giao-chỉ tuy có triều cống, thật thì ngầm ngấm họa tâm, thường dùng cách tâm-thực mà lấn vương thổ. Ví dụ, về đời Thiên-thành (1023-1031), quan ta là Trịnh Thiên-Ích có trách Giao-chỉ tự tiện thu thuế ở động Vân-hà (vậy khi ấy Vân-hà thuộc Tống, có lẽ ở vùng Lạng-sơn, hoặc là sau đổi ra Vân-mịch, tức phố Van-mit trên địa đồ Đông-dương); thế mà nay động Vân-hà đã ở sâu vào đất Giao-chỉ vài trăm dặm. Ấy thật vì, năm này qua năm khác, nó lấn dần cho đến ngày nay..." (TS 334 và TB 150/15b)

Tiêu Chú là một viên biên-quan đời Tống, am hiểu tình hình nước ta vào bực nhất. Chú là một nhà nho học có tiếng, xuất thân tiến sĩ, mà lại rất thích việc binh. Coi huyện Phiên-ngu (Quảng-châu ngày nay) lúc Trí-Cao tới đánh. Trong lúc các quan to đều hoang mang sơ hãi, Chú đã lập kế hoạch du kích quân Nùng. Chú lại vào các man động kết thúc dân chúng. Sau khi Trí-Cao thua chạy về đạo Đặc-ma, Chú đã thân hành đem quân đến nơi do thám và bắt được mẹ và con Trí-Cao. Chú lại sai người vào tận nước Đại-lý tìm Trí-Cao nữa. (TS 334)

Đối với Giao-chỉ, không những mục đích Chú lấy lợi thu phục lại Quảng-nguyên (TS 334 và TB 150), mà Chú còn tham vọng đánh lấy đất Lý nữa. Nối lời tâu trên, Chú nói :"Tôi nay đã rõ chỗ quan yếu, thấu chỗ lợi hại. Nếu không đánh bây giờ mà lấy Giao-chỉ đi, thì sau sẽ có điều lo cho Trung-quốc".

Lời tâu ấy thật là xác đáng và tiên tri. Từ năm Trí-Cao bị thua (1053), Tiêu Chú được coi Ung-châu, tức là chỗ cuống họng vào đất nước ta. Một mặt, Chú xin về triều để bày tỏ phương lược; một mặt, ngầm thi hành ý định; lấy lợi nhử dân Quảng-nguyên, bảo ngầm chúng soạn binh giáp, trữ lương tiền, tuyển lính mán, dạy cỡi ngựa, bắn cung; dung nạp dư đảng của Nùng Trí-Cao và chiêu tập các du sĩ. (TS 334 và TB 150)

Nhưng những quan trên Chú, như Lý Sư-Trung, Tiêu Cố, coi giữ Quảng-tây, cho Chú hay sinh chuyện, nên thường gạt bỏ lời trình của Chú.

Với chính sách mưu chiến của Tiêu Chú, sự xích mích giữa Tống và Lý ngày càng nhiều. Cho nên những biên sự, ngày trước chỉ vì biên lại gây nên, sắp trở thành việc xung đột lớn giữa hai nước.

6. Việc động Tư-lẫm
Lý Thánh-tông biết rõ ý định của Chú, đã phản ứng lại một cách mạnh bạo hơn. Nhiều việc bất hòa xẩy ra ở vùng biên thùy, có tính cách quyết liệt hơn trước. Sau đây sẽ kể vài ba.

Năm 1057, sứ ta là Mai Nguyên-Thanh (VSL) đem hai "kỳ lân" qua Quảng-châu, định cống vua Tống. Nói đến kỳ lân, đời xưa ở Á-đông, là một việc rất quan hệ. Người Trung-quốc tin rằng chỉ khi có thánh nhân ra đời và gặp vận thì kỳ lân mới hiện. Đến như Khổng-tử ra đời không gặp vận, kỳ lân có hiện cũng chỉ là kỳ lân què ! Vì lẽ ấy, các quan Tống cãi nhau sôi nổi về việc kỳ lân của Giao-chỉ cống. Sách TB còn chép rõ hình dáng con vật ấy :"Hình như trâu, mình có da dày từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng; hay ăn cỏ, quả, dưa. Cho ăn thì phải lấy gậy đánh nó mới ăn". Ta đoán đó là con tê giác. Nhưng triều đình Tống bàn cãi nhau mãi. Sau Tư Mã-Quang phải nói nửa chừng rằng :"Giả sử đó là kỳ lân thật, thì hiện không gặp thời là điềm dở; mà nếu đó không phải là lân mà ta nhận, thì các nước phương xa sẽ cười ta" (TT và TTh). Vua Tống bèn bảo gọi vật ấy là "thú lạ" mà thôi (TB 187) và để lại Quảng-châu.

Chắc rằng việc Tống từ khước "kỳ lân" này không làm cho vua Lý hài lòng. Vả Tiêu Chú đem quân đi tuần các khê động gần biên giới ta, có ý đe dọa. Vua Tống phải hạ chiếu răn cấm (tháng 7 năm M.Tu 1058). Lý Sư-Trung, làm đề điểm hình ngục Quảng-tây cũng lo toan chỉnh đốn hành chính, binh lương và giao thông ở miền Ung-châu. Sư-Trung nói :"Vùng Lĩnh-nam không tiện phái lính thú đến đó. Xin mộ thổ đinh, nhà nào bốn năm đinh thì chọn một, mà cắt phiên nhau, tới lúc ngoài mùa làm ruộng, họp lại tập tành". Trong vùng Quảng-tây mộ được hơn bốn vạn người. Sư-Trung lại cho thông thương buôn bán, lập lại các chợ Ung-châu, đào sâu kênh Linh-cừ nối Hồ-nam với Quảng-tây.

Được những tin ấy, tháng hai năm sau (K.Zu 1059, theo TS và TB 188; TT chép tháng ba) vua Lý Thánh-tông sai quân đóng miền đông bắc, từ châu Vĩnh-an vào địa phận Khâm-châu, và từ châu Tô-mậu vào trại Cổ-vạn (TB 188/4b và 190/1a). Sử ta chỉ nói qua rằng : " Ta diễu quân rồi rút về. Làm thế vì người Tống tráo trở " (TT). Các sách Tống chép rõ quân ta đánh Cổ-vạn, giết viên quản-câu Lý Duy-Tân (TB 190/1a), và đánh động Tư-lẫm ở phía tây thành Khâm-châu. (TB 188/4b)

Ngày G.Tu, Tiêu Chú trình :"Giao-chỉ cướp các động Tư-lẫm, Cổ-vạn, Chiêm-lãng, bắt dân và gia súc mười bảy thôn, nhiều không kể xiết. Tôi muốn hạ lệnh cho Quảng-châu giữ sứ giả Giao-chỉ, không cho nó đem tiến thú lạ, đợi đòi chúng trả người và vật bị cướp đã. Nếu chúng không nghe, tôi muốn lập tức đưa quân đánh sâu vào đất chúng."

Vua Tống sai Tiêu Cố, Tống Hàm và Lý Sư-Trung, là ba quan coi lộ Quảng-tây, cùng Tiêu Chú xét việc mà xử trí (TB 189/5b). Tháng 9 năm ấy, Sư-Trung tâu :"Viên coi Ung-châu là Tiêu Chú muốn đánh Giao-chỉ. Sợ người nước ấy nghe mà không yên. Xin cấm Chú không được sinh biên sự". Vua Tống nghe lời tâu, nên chuyện ta đánh Tư-lẫm không thành chuyện to.

7. Việc châu Tây-bình. Thân Thiệu-Thái
Trong lúc ấy, lại xẩy ra một việc khác ở châu Tây-bình, giáp Lạng-châu. Nguyên có dân ta chạy trốn đến đó. Viên coi quân ở đó, là Vi Huệ-Chính, dấu đi. Vua Lý Thánh-tông sai quân vào đòi lại. Quân ta do châu mục Lạng-châu phò mã Thân Thiệu-Thái, dẫn từ động Giáp kéo vào huyện Như-ngao, thuộc châu Tây-bình (TS). Vua Tống hạ lệnh cho Ung-châu đem quân dẹp (TB 191/16a). Viên đô giám tuần kiểm Tống Sĩ-Nghiêu đem quân cự lại. Quân ta rút lui. Sĩ-Nghiêu đem quân vượt biên giới động Giáp, bị quân ta đánh, giết và bắt được nhiều tên. Việc này xẩy ra năm 1059, có lẽ đồng thời với việc Tư-lẫm nói trên. Sang năm sau (1060, TB 192/16a) Thân Thiệu-Thái lại kéo quân vào đánh, giết Tống Sĩ-Nghiêu và vài tướng nhỏ : Lý Đức-Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật (TB 194/10a). Việc tâu về triều, vua Tống hạ chiếu sai Tiêu Cố đem quân tới Ung-châu, hợp cùng Tống Hàm, Lý Sư-Trung ngăn đánh.

Quân Thiệu-Thái đã qua châu Tây-bình và đánh vào trại Vĩnh-bình (TB 192/2b); làm chấn động cả Ung-châu (theo lời Dư Tĩnh). Ti chuyển vận Quảng-tây xin đem các quân lộ Kinh-Hồ-bắc, chừng 3000 tên, giỏi nghề thương và mộc, đến đánh. Vua Tống lại bảo phải kiểm điểm quân mà thay kẻ già yếu; ý chừng muốn đánh to.

Quân ta vẫn tiến, bắt chỉ huy sứ Dương Lữ-Tài (VSL, còn TT chép Dương Bảo-Tài), dân đinh và gia súc nhiều vô kể.

Viên coi Quế-châu là Tiêu Cố, và viên coi Ung-châu, là Tiêu Chú, đều bị cách chức, vì đình thần kết tội "đã không xét công việc các biên lại, để chúng gây sự, làm hại cho quan quân." (Tháng 11, TB 192/12b)

Tháng chạp năm ấy (1060) quân Lý cũng chưa lui. Lại thêm quân vùng châu Tô-mậu cũng kéo vào Ung-châu họp cùng quân động Giáp. (TB 192/17b, 18b)

Tống liền sai viên lại bộ thị lang Dư Tĩnh làm an phủ-sứ, xuống họp cùng Lý Sư-Trung mà bàn việc đánh dẹp. (TS 320)

Dư Tĩnh muốn xui Chiêm-thành họp sức, rồi đem quân Quảng-nam-tây-lộ tấn công (TS 488). Nhưng có lẽ chưa thi hành được. Sử ta chép : Dư Tĩnh đánh không được, bèn dùng phép ôn hoà mà điều đình. (TT)

Một mặt, Lý Sư-Trung tâu về triều kể tội Tiêu Chú đã hà hiếp man dân, bắt dân tìm vàng riêng cho mình, để đến nổi mất lòng dân. Một mặt, Dư Tĩnh nhận rằng lỗi bởi các viên coi biên trại tham công, sinh sự, và hẹn với quan ta họp nhau để thương nghị. Trong Tống-sử (TS 320 và ĐĐSL 75) nói Dư Tĩnh đến nơi, gọi viên dụng sự Giao-chỉ, Phi Gia-Hữu, mà trách hỏi. Nhưng theo lời Dư Tĩnh tâu vua Tống, thì chính Tĩnh đã dùng chước bàn hoà trước. (TB 193/7a)

Vua Lý Thánh-tông sai Phi Gia-Hữu (TS và TT; còn VSL chép lầm ra họ Bùi) tới thương nghị. Tĩnh yêu cầu trả lại Dương Lữ-Tài và dân đinh mà Thân Thiệu-Thái đã bắt. Gia-Hữu cũng bàn hòa, và trả lời :"Việc này xẩy ra là vì dân gần biên giới cướp nhau, rồi vô ý phạm đến quan quân. Tôi sẽ đòi chúng để tra hỏi, và sẽ trừng trị. Còn những kẻ chúng bắt, tôi sẽ trả lại" (TS). Sách ĐĐSL quyển 75 chép Gia Hữu nói :"Tội chúng đáng chết, tôi xin về bắt những đứa thủ phạm đến nộp".

Được lời, Tĩnh rất mừng, bèn hậu tạ Gia-Hữu (TS). Sử ta nói Dư Tĩnh hối lộ Gia-Hữu rất nhiều để xin lại tướng Lữ-Tài. Cuối cùng, vua Lý không bằng lòng trả (TT, VSL). Nhưng cũng bắt năm người giải tới biên giới Khâm-châu mà chém. (ĐĐSL 75)


 
8. Việc động Lôi-hỏa. Nùng Tông-Đán
Sau khi Nùng Trí-Cao bị bại trận. Họ Nùng còn có bọn Nùng Tôn-Đán là kiệt hiệu hơn cả. Tông-Đán coi vùng động Lôi-hỏa về phía tây bắc Cao-bằng ngày nay (TB 185/8b chép Hỏa-động), Tông-Đán tụ họp con là Nhật-Tân và dư đảng của Nùng Trí-Cao, căn cứ vào chỗ hiểm mà chống với quân Tống. Đối với vua Lý, Tông-Đán vẫn được coi như là phiên thần nối dòng Trí-Cao.

Trong đời Lý Thánh-tông, vào năm 1057, Tông-Đán đem quân vào đánh đất Tống thuộc Ung-châu. Tiêu Chú, coi Ung-châu, muốn đưa quân động-đinh đánh. Nhưng quan trên là Tiêu Cố, coi Quế-châu, không ưng và muốn chiêu hàng. Viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây là Vương Hãn cũng bàn rằng :"Tông-Đán giữ vùng núi rậm, nếu nó đặt phục binh đón quân ta, thì quân ta chưa chắc dã thắng nổi. Đánh sẽ chỉ làm tăng biên hoạn mà thôi". Hãn bèn một mình đem quân tới gần động Lôi-hỏa; sai người triệu con Tông-Đán là Nhật-Tân mà khuyên rằng :"Cha mày, trong thì bị Giao-chỉ thù, ngoài thì bị cácquan biên thần ít thưởng cho. Mày về bảo cha mày nên chọn đường có lợi mà đi". Sách TB (185/8b) chép luôn :"Sau đó, hai cha con Tông-Đán hàng. Việc ở miền nam mới yên." Tông-Đán được ban chức trung-vũ tướng-quân, Nhật-Tân chức tam-ban tá-chức và được coi châu Ôn-nhuận (TB ở đây chép Ôn-mẫn, vì tự dạng hai chữ, nhuận, mẫn, gần nhau). Tuy sách Thần-tông Thực-lục cho công chiêu dụ Tông-Đán là của Vương Hãn, nhưng Tống-sử mộ-chí Tiêu Cố (do Vương An-Thạch viết) thì nói đó là công của Tiêu Cố.

Tuy vậy, Tông-Đán vẫn không theo Tống. Cho nên, năm 1060, lúc quân ta do Thân Thiệu-Thái lĩnh, kéo vào châu Tây-bình đánh quân Tống, Vương Hãn bấy giờ coi Đàm-châu, lại khuyên nên dè Nùng Tông-Đán và nên chiêu dụ nó. (TB 192/12b)

Năm 1062, Tông-Đán và con đem các động thuộc mình, là Lôi-hỏa và Kế-thành, nộp cho Tống, và xin tới ở Lạc-châu. Tống nhận đất, bổ Tông-Đán coi châu Thuận-an (là vùng Lôi-hỏa, Kế-thành mới được đổi ra tên ấy) và bổ Nhật-Tân coi việc thuế ở Ung-châu. (TS 495)

Như vậy, cha con Tông-Đán vẫn giữ đất cũ, là đất mà ta vẫn coi thuộc ta. Cho nên chúng không lấy làm yên tâm, vì sợ vua Lý Thánh-tông đánh. Vả chăng động Lôi-hỏa bên cạnh Quảng-nguyên, mà bấy giờ Lưu Kỷ quản. Lưu Kỷ cũng làmột tướng kiệt-hiệt, lại làm chức quan sát cho vua Lý. Tông-Đán lại càng lo.

"Năm Trị-bình (1064), Tông-Đán có sự hiềm khích với Lý Nhật-Tôn (Thánh-tông) và Lưu Kỷ, nên sợ chúng đe dọa. Viên coi Quế-châu là Lục Sằn biết vâïy, sai người đến dụ. Tông-Đán bèn bỏ châu mình vào nội địa, và được ban chức hữu-thiên-ngưu-vệ-tướng-quân". (TS 495)

Sự phản bội của tụi Nùng Tông-Đán lần này làm Lý mất một vùng đất khá lớn ở phía tây bắc châu Quảng-nguyên. Những tên đất mà Tông-Đán nộp Tống, mỗi sách chép một khác: vả trong một sách, cũng mỗi nơi chép một khác. Nhưng có lẽ đất ấy gồm nhiều động. Vả lúc nhận đất rồi, Tống lại đặt tên mới. Những động hay châu ấy có thể tóm tắt như sau; động Lôi-hỏa (hay Hỏa), động Kế-thành, châu Ôn-nhuận. Có lẽ các đất này thành châu Thuận-an. Về sau, lúc vua Lý xin Tống trả đất đã bị thổ tù nộp Tống, lại nói đến các động Vật-ác, mà TB (349/7b) nói là Tông-Đán đã nộp và Tống đổi ra làm châu Thuận-an.

Vua Lý Thánh-tông sai sứ sang đòi đất và dân (TS 488). Sứ giả là Lê Thuận-Tông (TS 332), nguyên châu mục Phong-châu, được kén phò mã đời Lý Thái-tông (1036, IV/4) lấy công chúa Kim-Thành. Sứ tới Quế-châu, gặp Lục Sằn. Tỏ thái độ quả quyết, Thuận-Tông đòi Sằn trả Tông-Đán và các động.

Lục Sằn cũng là một viên xuất thân tiến sĩ như Tiêu Chú, và cũng am hiểu việc biên giới giữa Tống và ta. Trước đó Sằn coi Quí-châu, đã tình nguyện xin tới Quế, vì nhận thấy rằng Ung chỉ cách Quế có 18 trạm, mà vũ bị ở đó không sẵn sàng. Vua Tống bằng lòng. Tống-sử (TS 332) chép nối :"Từ khi giặc Nùng yên, người Giao-chỉ càng kiêu căng, các thú thần thường chịu nhịn cho qua. Sằn tới Ung, họp động trưởng ở bốn mươi lăm động thuộc Tả và Hữu-giang, biên tên được năm vạn thổ đinh, đặt các tướng lại, cấp cho ấn. Thanh thế Tống nổi lại trong vùng khê-động. Sứ Giao là Lê Thuận-Tông tới, kiêu ngạo như cũ. Sằn nhún nhường mời tới, giảng dụ phải kính lẽ phải, làm sứ phải sợ mà trở về".

Sự thật thì Sằn tâu về triều việc sứ ta tới. Vua Tống Anh-tông mới lên ngôi, hỏi ý kiến các đình thần. Tể tướng Hàn Kỳ bàn rằng :"Xứ Giao-châu, rừng núi hiểm trở, khí hậu ẩm độc. Nếu có lấy cũng không giữ được, chỉ nên vỗ về chúng mà thôi" (TS và TB 203/12a). Vua Tống Anh-tông bèn trả hai châu (Lôi-hỏa và Ôn-nhuận ?) lại cho vua Lý. (TS 332)

Nhưng cha con Tống-Đán vẫn theo Tống. Mười lăm năm sau (1073), viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây là Ôn Cảo xin gia hàm cho chúng. Tống Thần-tông ban cho hàm cung-bị-khố phó-sứ. Tông-Đán được làm đô-giám Quế-châu. (TB 244/3b)

Về đại thể, Tống Lý vẫ giao hiếu cùng nhau. Lý vẫn cống hiến, Tống vẫn gia phong. Sứ Lý sang mừng Anh-tông lên ngôi (1064). Anh-tông sai sứ đem các di vật của Tống Nhân-tông sang tặng vua Lý, và gia phong chức đồng-trung-thư môn-hạ bình-chương-sự. (TS hình-pháp chí). Trong mười năm liền, không hề xẩy ra biên sự.

9. Kết luận
Ở triều Tống, trong đời Chân-tông, Nhân-tông, và Anh-tông, có nhiều người chủ việc đánh ta. Nhưng bấy giờ, vua Tống thích hòa bình, các đại thần đều là người nho học, không ham gây họa chiến tranh. Vả việc bắc thùy Tống cũng đã khó khăn lắm. Cho nên, với việc quân Tống bị nhục bởi tay Thân Thiệu-Thái mà Tống cũng không gây sự; và đến việc Nùng Tông-Đán, Tống cũng không làm già. Sau đó ta lấn dần đất Tống. Năm 1074 Thẩm Khỉ tâu rằng năm trước ta đã chiếm mất châu Thất-nguyên. (VI/7)

Tuy nhiên, phái chủ chiến vẫn không thôi. Năm 1064, khi sứ ta tới kinh đô Tống, có nội thị là Lý Kế-Hòa đe dọa sứ ta rằng :"Lúc Thân Thiệu-Thái vào cướp Quảng-nam Tây-lộ, ta đã nhiều lần xin đánh xứ ngươi. Nhưng triều đình cho rằng Thiệu-Thái là đứa ngông cuồng. Vả nước ngươi đã sai sứ tạ tội. Cho nên triều đình chưa cất quân mà thôi". (TS 488)

Những người chủ chiến ấy sắp có cơ hội sau này. Chính là sau lúc Tống Thần-tông lên ngôi (1067), và Vương An-Thạnh được chấp chính (1069).

CHÚ THÍCH
(1) Về sông Phú-lương, sẽ có nhiều chứng cớ ở chương X. Về sông Đào-hoa, có những chứng sau này : Trong sứ bộ vua Thanh phái sang nước ta năm N.Tu 1682, có một người quản gia tên Lư Anh-Nhân để lại mười bài thơ tả cảnh từ Lạng-sơn đến Thăng-long. Bài tả sông Thương có những câu (Theo sách Nhâm-tuất Thanh-sứ) :

"Xôn xao ngựa vá qua sông Thương,
Áp nước hoa đào ánh bóng gương."

Thơ vịnh sông Thương của Nhan Nhữ-Tu, sứ Thanh làm năm Tân-tị (1761) cũng có câu :"Nhị hoa nở rực đỏ như son"(Kiến-văn-tiểu-lục của Lê Quí-Đôn).

Chắc rằng từ xưa, ở bờ sông Thương có nhiều hoa đào, cho nên đã gọi tên sông là Đào-hoa. Sử ta đời Lý chép tên Sông Nam-bình (IV/cth 6). 1 .

(2) Đời Minh, các đường từ Trung-quốc vào nước ta còn được ghi một cách rõ ràng. Đại loại cũng có bốn đường nói trong LNĐĐ, nhưng còn thêm đường qua Lộc-bình, đường qua Tuyên-quang, đường theo sông Thao. Các đường ấy có thể chia ra ba loại : từ Quảng-tây, từ Quảng-đông, và từ Vân-nam.

A) Từ QUẢNG-TÂY có 3 lối, đều đi đến phía bắc sông Thị-cầu :

a/ Từ BẰNG-TƯỜNG khởi hành qua cửa Nam-quan, 1 ngày đến trạm Pha-lũy (Đồng-đăng); qua châu Văn-uyên và phía bắc châu Thoát-lang, 1 ngày đến Lạng-sơn-vệ; 1 ngày đến hẻm ở phía bắc Ôn-châu (đèo Kháo-mẹ và Kháo-con, tức là ải Quyết-lý); nửa ngày đến Quỉ-môn-quan (bầu Chi-lăng, tức là ải Giáp-khẩu); 1 ngày đến thôn Tán-lệ (Tiên-lệ) ở phía nam Ôn-châu; 1 ngày đến huyện Bảo-lộc; nửa ngày đến sông Xương-giang (sông Thương); 1 ngày đến bắc ngạn sông Thị-cầu (sông Cầu). Cộng 7 ngày.

b/ Từ TƯ MINH khởi hành qua núi Ma-thiên 1 ngày đến châu Tư-lăng; qua ải Biện-cường châu Lộc-bình (có thể đi về tây đến Lạng-sơn), 1 ngày đến sông Xa-lý (sông Lục-nam); 1 ngày rưỡi đến châu An-bạc (An-châu); 1 ngày rưỡi đến động Hao-quân; 1 ngày đến huyện Phượng-nhãn; 1 ngày đến huyện Bảo-lộc; qua đò Xương-giang 1 ngày đến phủ Lạng-giang; 1 ngày đến bắc ngạn sông Thị-cầu. Cộng 9 ngày.

c/ Từ LONG-CHÂU khởi hành 1 ngày đến ải Bình-nhí; 1 ngày đến châu Thất-nguyên; 2 ngày qua xã Bình-gia. Từ đây có thể đi hai ngả :

1°/ đến châu Văn-lan (Văn-quan) ; theo đường núi phía bắc châu Hữu-lũng, ra đồng bằng cách Quỉ-môn-quan 40 dặm, 1 ngày đến thượng lưu sông Thương, qua sông rồi theo nam ngạn đến đồng bằng huyện Yên-thế; nửa ngày đến huyện Yên-dũng, 1 ngày đến giữa huyện Yên-việt, ở bắc ngạn sông Thị-cầu.

2°/ đến phía tây xã Bình-gia, 1 ngày rưỡi đến đường núi châu Vũ-nhai; 2 ngày đến đất bằng huyện Tư-nông, 1 ngày rưỡi đến phía bắc huyện Yên-việt, và bắc ngạn thượng lưu sông Thị-cầu.

Cả bốn đường trên đều đến Thị-cầu. Từ đó đi Giao-châu (Thăng-long) mất 1 ngày, phải qua phủ Từ-sơn, huyện Đông-ngạn, huyện Gia-lâm, sông Phú-lương (muốn nói sông Nhị-hà).

B) Từ VÂN-NAM có hai lối, một lối dọc sông Lô, một lối dọc sông Thao.

a/ Từ MÔNG-TỰ qua thác Liên-hoa, Thạch-lung-quan, động Trình-lan đến hữu ngạn nguồn sông Thao, 4 ngày đến châu Thủy-vĩ; 8 ngày đến châu Văn-bàn; 5 ngày đến huyện Trấn-yên; 5 ngày đến huyện Hạ-hoa; 3 ngày đến huyện Thanh-ba; 3 ngày đến phủ Lâm-thao; 3 ngày đến huyện Sơn-vi;2 ngày đến phủ Hưng-hóa, 1 ngày đến ngã ba miếu Bạch-hạc; 4 ngày đến huyện Bạch-hạc, qua sông và đến Giao-châu.

b/ Từ ải HÀ-DƯƠNG (Hà-giang) khởi hành 10 ngày đến Bình-nguyên; 5 ngày đến huyện Phúc-yên (Hàm-yên); 1 ngày đến phủ Tuyên-quang; 2 ngày đến phủ Đoan-hùng; 5 ngày đến ngã ba Bạch-hạc.

C) Từ QUẢNG-ĐÔNG thuyền khởi hành từ núi Ô-lôi, theo bờ bể, đi 1 ngày đến núi Bạch-long-vĩ thuộc châu Vĩnh-an; 2 ngày đến cửa Ngọc-sơn; 1 ngày đến châu Vạn-ninh; 1 ngày đến Miếu-sơn, 1 ngày đến tuần-ti Đồn-tốt; 2 ngày đến phủ Hải-đông; 2 ngày đến xã Kinh-thục; 1 ngày đến cửa Bạch-đằng, tuần Thiên-lâu.

Vào nội địa có thể qua những cửa Bạch-đằng, An-dương, Đồ-sơn, Đa-ngư, hay Thái-bình. Cái lối vào, kê như sau :

a) Cửa Bạch-đằng, huyện Thủy-đường (Thủy-nguyên), huyện Đông-triều, phủ Hải-dương, huyện Chí-linh, sông Hoàng-kênh, sông Bình-than, phía bắc Nam-sách, phía bắc Thượng-hồng, Giao-châu.

b) Cửa An-dương (Cửa Cấm), huyện An-dương, phủ Kinh-môn, sông Hoàng-kênh, sông Bình-than, phía bắc Nam-sách, phía bắc Thương-hồng, Giao-châu.

c) Cửa Đồ-sơn, Cổ-trai, phía bắc huyện Nghi-dương, phía bắc huyện An-lão, huyện Bình-hà, phía nam huyện Nam-sách, phía nam Thượng-hồng, Giao-châu.

d) Cửa Đa-ngư (cửa Văn-úc), huyện An-lão, huyện Tân-minh (Tiên-lãng), sông Sóc-hồng thuộc huyện Tứ-kỳ, Hàm-tử-quan thuộc Khoái-châu, Giao-châu.

e) Cửa Thái-bình, phủ Thái-bình, phủ Tân-hưng (Tiên-hưng), phủ Khoái-châu, sông Phú-lương (muốn nói sông Nhị-hà trước thành Thăng-long).

Tài liệu trên chắc về đời Mạc, vì cớ các tỉnh đều gọi là phủ, và nói đến làng Cổ-trai, tức là quê họ Mạc, mà Mạc đã tôn thành một kinh đô.

Tuy đời Mạc cách đời Lý hơn bốn trăm năm, các đường thông lộ Trung Việt qua bể và qua rừng núi chắc không thay đổi. Trước khi có những máy móc và tổ chức vĩ đại, thì các đường sá, nhất là qua những vùng khó khăn, chỉ theo đường thuộc, nghĩa là đường mòn đã có người dùng trước. Cho nên ta có thể tin rằng đời Tống Lý, đường qua lại giữa hai nước cũng như trên, chỉ có những đường Vân-nam thì Lý chưa dùng mà thôi. Còn như những tên đất thì tự nhiên phần nhiều đổi khác.

(3) Các vua Lý chịu Tống phong, thường theo lệ sau :

Sau khi vua cha mất, Thái-tử lên ngôi vua và tự xưng hoàng đế. Nhưng đối với Tống chỉ nói là quyền tri lưu hậu, nghĩa là tạm coi những việc dở dang. Rồi sai sứ sang Tống báo tin : gọi là cáo-ai. Tống sai sứ (viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây sang làm hai việc : điếu-tặng nghĩa là điếu vua mất và tặng tước cao nhất, THỊ-TRUNG NAM-VIỆT-VƯƠNG; và tấn phong cho vua mới.

Bắt đầu, chỉ phong chức KIỂM-HIỆU THÁI-ÚY, tước GIAO-CHỈ QUẬN-VƯƠNG. (Chức tước hoàn toàn là : Kiểm-hiệu thái-úy, Tĩnh-hải tiết-độ-sứ, An-nam đô-hộ Giao-chỉ quân-vương)

Sau phong thêm mỹ-tự công-thần, nghĩa là ban cho những chữ tán tụng những đức tính tốt trong khi giúp vua vì Thiên-tử. Những mỹ-tự ấy gồm hai chữ liền. Ban nhiều cặp chữ như vậy bao nhiêu là hậu đãi bấy nhiêu : ví dụ như dực-đái, bảo-tiết, thủ-chính công-thần.

Lại phong THỰC-ẤP bao nhiêu hộ, nghĩa là cho ăn lộc của bao nhiêu họ phải nộp. Nhưng đó chỉ là hư hàm. Cho nên, còn ban THẬT PHONG hay THẬT THỰC-ẤP bao nhiêu hộ.

Mỗi lúc sứ ta sang Tống, hay ở Tống có việc khánh-hỉ gì, thì vua Tống gia phong cho vua Lý, gia phong hoặcbằng thêm mỹ tự, hoặc thêm thực-ấp. Còn gia phong chức tước thì thường theo thứ tự sau :

ĐỒNG BÌNH-CHƯƠNG-SỰ, nghĩa là cùng bàn việc nước.

ĐỒNG TRUNG-THƯ MÔN-HẠ BÌNH-CHƯƠNG-SỰ (Trung-thư là một ti thảo các chiếu-chỉ cho vua; môn-hạ bình-chương-sự là bàn việc nước với vua).

KHAI PHỦ NGHỊ ĐỒNG TAM-TI (được quyền mở phủ ở riêng, cùng tam-ti tức là ti-chánh bàn việc nước).

KIỂM-HIỆU THÁI-SƯ

NAM-BÌNH-VƯƠNG

Tước Nam-bình-vương là tột bậc khi vua Lý còn sống. Nếu muốn gia phong, vua Tống chỉ ban thêm mỹ tự hay là thực ấp.

Chỉ sau khi mất, mới tặng chức tước cao nhất; THỊ-TRUNG NAM-VIỆT-VƯƠNG.

Thứ tự trên này phần lớn đúng như vậy, và tuần tự theo. Nhưng cũng có đời vua Tống phong vượt thứ tự. Cũng có lúc bắt đầu chỉ cho chức THÁI-PHÓ, nhỏ hơn Thái-úy, như đời Lý Thái-tổ. Ấy vì bấy giờ, Lý mới cướp ngôi Lê.

Riêng từng triều đại một, sử ta không chép sự phong và gia phong tường tận; vì vua ta không lấy sự được phong làm hân hạnh, nhưng phải nhận, để ngoại giao với Tống cho yên ổn mà thôi. Còn Tống sử (Lễ-chí, Giao-chỉ truyện) chép rất rõ ràng.

Ví dụ :

LÝ THÁI-TỔ

1010.- Kiểm-hiệu thái-phó, Tĩnh-hải tiết-độ-sứ, quan-sát-sứ, xử-tri-sứ, An-nam đô-hộ, Ngự-sử đại-phu, Thượng-trụ-quốc Giao-chỉ Quận-vương, thực-ấp tam thiên (3 000) hộ, thật phong nhất thiên (1 000) hộ, suy-thành thuận-hoa công-thần.

1010.- thêm : Đồng binh-chương-sự, thực ấp 1 000 hộ, thật phong 400 hộ.

1012.- thêm : Khai phủ nghị đồng tam-ti, thực ấp 700 hộ, thật phong 300 hộ, dực-đái công-thần.

1014.- thêm : Bảo-tiết thủ-chính công-thần, thủ ấp 1 000 hộ, thập phong 400 hộ.

1017.- tiến : Nam-bình-vương; thêm : thực ấp 1 000 hộ, thật phong 400 hộ.

1018.- thêm : Kiểm-hiệu thái-úy, thực ấp 1 000 hộ, thật phong 400 hộ.

1022.- thêm : Kiểm-hiệu thái-sư.

1028.- tặng : Thị-trung Nam-việt-vương.

LÝ THÁi-TÔNG

1028.- tự xưng : quyền tri lưu-hậu-sự.

1028.- ban : Kiểm-hiệu thái-úy, Tĩnh-hải-quân tiết-độ-sứ, An-nam đô-hộ Giao-chỉ quận-vương.

1032.- thêm : Đồng trung-thư môn-hạ bình-chương-sự.

1034.- thêm : Kiểm-hiệu thái-sư.

1038.- tiến : Nam-bình-vương.

1055.- tặng : Thị-trung Nam-việt-vương.

LÝ THÁNH-TÔNG

1055.- ban : Kiểm-hiệu thái-úy, Tĩnh-hải-quân tiết-độ-sứ, An-nam đô-hộ Giao-chỉ quận-vương.

1064.- gia : Đồng trung-thư môn-hạ bình-chương-sự.

1068.- tiến : Nam-bình-vương.

1072.- tặng (?) TS không chép, nhưng chắc là Thị-trung Nam-việt-vương. 3.