Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Nghìn trùng xa cách 
người tình già trên đầu non 

Phanxipăng 

Chiều chủ nhật 27-1-2013. Tôi lần giở một số báo chí xuân Quý Tị mới phát hành, đồng thời nghe những ca khúc do Phạm Duy soạn về mùa xuân được thể hiện bởi nhiều chất giọng. Chợt hung tin dồn dập xuất hiện trên máy điện thoại & máy tính: Phạm Duy vừa tạ thế.

Qua sóng viễn liên, nữ ca sĩ Ánh Tuyết nói:

- Phạm Duy mất lúc 2 giờ rưỡi chiều nay trong Bệnh viện 115, anh Phanxipăng ạ. Em đang trực tại nhà riêng của nhạc sĩ, chuẩn bị viết cáo phó.

Lát sau, Ánh Tuyết nhắn tin: "Nhạc sĩ Phạm Duy (Phạm Duy Cẩn) sinh ngày 5-10-1921 tại Hà Nội. Từ trần lúc 14 giờ 30 ngày 27-1-2013 (nhằm 16 tháng chạp năm Nhâm Thìn) tại TP.HCM. Tang lễ tổ chức tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành, P.13, Q.11, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 09 giờ ngày 28-1-2013. Lễ động quan lúc 06 giờ ngày 3-2-2013 (nhằm ngày 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn) mai táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương."

Bao kỷ niệm liên quan Phạm Duy tái hiện trong tôi. Bây giờ chỉ xin kể dăm ba.

Nhớ năm 2000, lần đầu về thăm cố quốc sau 25 năm xa đất nước, nhạc sĩ Phạm Duy đã ghé Tân Thuận, Q.7, TP.HCM, thắp nhang lên mộ thi sĩ Lưu Trọng Lư. Bức ảnh chụp Phạm Duy và Phanxipăng trong tiệc thân mật tối hôm ấy do Nguyễn Hưng bấm máy, vẫn còn đây.

Năm 2005, Phạm Duy chính thức hồi hương vào tháng 5 thì tháng 7, Cục Nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Bộ Văn hoá và Thông tin (1) ký quyết định cho 9 ca khúc của Phạm Duy phổ biến trên toàn quốc: Tình ca, Bà mẹ Gio Linh, Quê nghèo, Nương chiều, Ngày trở về, Ngậm ngùi (phổ thơ Huy Cận), Mộ khúc (phổ thơ Xuân Diệu), Áo anh sứt chỉ đường tà (phổ thơ Hữu Loan), Thuyền viễn xứ (phổ thơ Huyền Chi). Tháng 11 năm đó, 9 ca khúc nọ tái xuất trong tập Ngày trở về do NXB Trẻ cấp giấy phép, cùng lúc với CD Ngày trở về được các ca sĩ Quang Dũng, Thanh Liêm, Duy Quang, Hồng Hạnh, Mỹ Hạnh, Đức Tuấn, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Linh hát trên nền hoà âm bởi Duy Cường & Đức Trí. Kế tiếp, chương trình nhạc sống Ngày trở về của Phạm Duy được dàn dựng quy mô lớn ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội; được ghi DVD nhằm phát hành rộng khắp.

Rồi một số sáng tác của Phạm Duy dần được cấp phép biểu diễn trong nước, hiønh thành nên các "nhạc tập" Đưa em tìm động hoa vàng, Hương ca, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Phượng yêu, Nghìn năm vẫn chưa quên, Hẹn hò, kèm theo CD phù hợp. Sách Nhớ & Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu của Phạm Duy được NXB Trẻ chấp thuận. Công ty văn hoá Phương Nam đảm trách toàn bộ các khâu tổ chức xin phép, thiết kế, trình diễn, ghi âm, ghi hình, in ấn, phát hành, quảng bá.

Mới đây, Phanxipăng cẩn thận trao đổi ý kiến với thi sĩ Phạm Thiên Thư & nhạc sĩ Phạm Duy, đoạn viết bài Hoàng Thị ngày xưa, ngày nay đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 790 (20-7-2012)(2).

Cũng mới đây, qua điện thoại, Phạm Duy vui vẻ đồng ý đưa ca khúc do nhạc sĩ phổ thơ Hàn Mạc Tử vào phần phụ lục sách Bí mật Hàn Mạc Tử của Phanxipăng sắp in.

93 tuổi ta, Phạm Duy hưởng đại thượng thọ. Nhạc sĩ đại tài qua đời, dẫu biết trước điều này, bởi Phạm Duy không chỉ quá cao tuổi mà còn mắc một số bệnh về tim, gan, v.v., với nhiều biến chứng, thế nhưng nhiều người ở gần xa vẫn thương tiếc. Thôi thì đành mượn nhan đề đôi ca khúc do Phạm Duy sáng tác để rưng rưng vĩnh biệt đại thụ của tân nhạc Việt Nam:

- Nghìn trùng xa cách người tình già trên đầu non.

___________

(1) - Từ ngày 31-7-2007, chuyển thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
(2) - Bài Hoàng Thị ngày xưa, ngày nay của Phanxipăng sau đó đăng lại trên mạng Chim Việt Cành Nam ngày 8-8-2012, rồi truyền vào weblog:
http://phanxipang.wordpress.com/2012/09/05/hoang-thi-ngay-xua-ngay-nay-i/
http://phanxipang.wordpress.com/2012/09/06/hoang-thi-ngay-xua-ngay-nay-ii/



Nhạc sĩ Phạm Duy & vợ là ca sĩ Thái Hằng cùng các con

Phạm Duy bên sông Seine ở Paris, Pháp

Phanxipăng & Phạm Duy ở Sài Gòn năm 2000.
Ảnh: Nguyễn Hưng

Phạm Duy giới thiệu Trường ca Hàn Mạc Tử tại Hà Nội đêm 27-5-2012.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ánh Tuyết thăm Phạm Duy vào "ngày tận thế" 21-12-2012.
Ảnh: Thanh Minh

Tang lễ Phạm Duy.
Ảnh: Lê Việt Yên