Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phát tâm Bồ-đề »» Tôn giáo có thể đóng góp gì cho nhân loại? »»

Phát tâm Bồ-đề
»» Tôn giáo có thể đóng góp gì cho nhân loại?

(Lượt xem: 8.658)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Phát tâm Bồ-đề - Tôn giáo có thể đóng góp gì cho nhân loại?

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Trước khi thảo luận về những đóng góp của tôn giáo, việc đặt ra câu hỏi rằng nhân loại cần đến những gì có thể là hữu ích. Câu trả lời đơn giản là loài người, thật ra là tất cả chúng sinh, thường xuyên tìm kiếm hạnh phúc, vượt qua những bất ổn và tránh xa đau khổ. Cho dù từng cá nhân hay nhóm người có thể đối diện bất kỳ vấn đề gì đi chăng nữa, cho dù họ giàu hay nghèo, có học hay thất học, điểm chung là tất cả đều mong mỏi đạt được hạnh phúc bền vững. Là con người, tất cả chúng ta đều có một thân thể vật chất, thỉnh thoảng đau ốm hay bị các bất ổn khác. Và chúng ta đều có những cảm xúc như giận dữ, ghen hờn và tham lam; đồng thời ta cũng có những tình cảm tích cực như yêu thương, bi mẫn, tử tế, nhẫn nhục... Tất cả những điều đó đều nằm trong bản chất con người. Cũng vậy, mọi người đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.

Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều người trên thế giới có cuộc sống vật chất được cải thiện, hưởng nhiều tiện nghi và cơ hội mà cha ông họ thậm chí chưa từng mơ tưởng đến. Nhưng nếu hỏi sự phát triển vật chất này có thật sự loại bỏ được đau khổ của nhân loại hay không thì câu trả lời là không! Những khổ đau căn bản của con người vẫn còn đó. Con người vẫn không có được cái họ muốn và vẫn tự thấy mình ở trong những hoàn cảnh không vui. Mặc dù có nhiều tiện nghi hơn, người ta vẫn cảm thấy cô đơn, thất vọng và tâm hồn bất an.

Trong số những vấn đề bất ổn mà toàn thể nhân loại phải đối mặt, có một số như thiên tai, bão lụt và hạn hán chẳng hạn, chúng ta chẳng thể làm gì được cả; nhưng có những vấn đề khác là do con người tạo ra. Các vấn đề này bao gồm những mâu thuẫn giữa con người với nhau về chủng tộc, ý thức hệ, tín ngưỡng v.v... Điều này rất đáng buồn, vì dù cho một người có thuộc bất kỳ chủng tộc nào đi chăng nữa thì trước hết người ấy vẫn là một thành viên trong đại gia đình nhân loại. Còn nói về ý thức hệ và tôn giáo thì mục đích [của chúng] là mang đến lợi lạc cho con người chứ không phải để làm nền tảng cho sự đối đầu và bạo lực. Điều quan trọng là phải nhớ rằng mục đích của các ý thức hệ và tôn giáo khác nhau là phục vụ con người và thỏa mãn nhu cầu của họ. Chỉ riêng trong thế kỷ [hai mươi] đã có hai trận đại thế chiến và nhiều cuộc xung đột khu vực, đồng thời sự giết chóc lúc nào cũng tiếp diễn quanh ta. Hiện nay, chúng ta đều sống trong hiểm họa hạt nhân, chủ yếu là do xung đột về ý thức hệ.

Một nhóm vấn đề bất ổn khác do con người tạo ra liên quan đến quan hệ giữa con người và trái đất, hay môi trường sống, là những vấn đề sinh thái và ô nhiễm. Bất kỳ những khó khăn nào mà nạn phá rừng, ô nhiễm đất, nước và không khí đang gây ra cho thế hệ chúng ta, rõ ràng là sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trong tương lai, trừ phi chúng ta bắt tay làm một điều gì đó. Và “điều gì đó” là hoàn toàn có thể thực hiện, vì đây đều là những vấn đề bất ổn do chính ta – con người – gây ra và vì vậy có thể được dừng lại hay ít nhất là giảm thiểu nếu chúng ta muốn.

Hiển nhiên là sự phát triển vật chất có ích cho nhân loại và cung cấp nhiều tiện nghi cần thiết. Nhưng chúng ta đã đi đến một tình trạng cần thiết phải xem xét lại là liệu có những lĩnh vực phát triển nào khác ngoài sự phát triển riêng biệt về vật chất mà tôi đã đề cập ở trên hay không? Sự phát triển vật chất đã mang lại các tác dụng phụ: đó là sự gia tăng tình trạng tinh thần bất an, lo lắng và sợ hãi; và chính những điều này đôi khi lại tự biểu hiện thành bạo lực. Cảm xúc của con người sa sút. Ví dụ, mặc dù sự thật là chiến tranh luôn tồn tại xuyên suốt lịch sử, nhưng có sự khác biệt giữa chiến tranh tay đôi giữa các cá nhân trong quá khứ và kiểu chiến tranh điều khiển từ xa như hiện nay. Nếu bạn cố dùng một con dao để giết người thì điều đó tự nhiên là khó khăn vì bạn phải chịu đựng việc đối mặt nhìn thấy máu người đó đổ, nhìn nỗi thống khổ của người đó và nghe tiếng kêu thét đau đớn. Có một cái gì đó tự nhiên làm bạn chùn tay. Nhưng nếu bạn dùng một khẩu súng trường có ống ngắm thì việc đó trở nên vô cùng dễ dàng hơn. Hầu như là vậy, nếu bạn không bận tâm. Nạn nhân không ý thức được sự hiện diện của bạn, bạn chỉ cần ngắm, bóp cò, nhìn đi chỗ khác và thế là xong. Dĩ nhiên là tình thế trở nên tồi tệ hơn trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân và các vũ khí điều khiển từ xa khác. Cái thiếu thốn ở đây là một cảm xúc con người, một ý thức trách nhiệm.

Nếu chúng ta quan sát kỹ con người thì chúng ta sẽ thấy rằng, bên cạnh khía cạnh vật chất, còn có một yếu tố rất hiệu dụng khác là ý thức hay tâm. Ở đâu có con người, ở đó luôn có ý thức. Do đó, để giảm thiểu các vấn đề bất ổn do con người gây ra thì tâm là yếu tố chính. Dù là những vấn đề liên quan đến kinh tế, bang giao quốc tế, khoa học, kỹ thuật, y học hay sinh thái, hay bất kỳ phương diện nào, mặc dù có vẻ như chúng nằm ngoài tầm kiểm soát riêng lẻ của bất kỳ cá nhân nào, điểm chính vẫn là động cơ hành động của con người. Nếu động cơ hành động là bất cẩn hay không được cân nhắc thận trọng ắt sẽ nảy sinh vấn đề bất ổn. Nếu có động cơ tốt thì hành động tiếp theo sẽ phát triển theo hướng tốt.

Có vẻ như phần tri thức, “trí não” của con người đã phát triển rất nhiều và được tận dụng, nhưng chúng ta đã có phần nào đó xao lãng phần “tâm hồn”; ý tôi muốn nói đến sự phát triển thiện tâm, tình yêu, lòng bi mẫn và khoan dung. Do thiếu đi phần tâm hồn nên mặc dù chúng ta đã phát triển rất nhiều về mặt vật chất, điều đó vẫn không mang lại sự thoả mãn hoàn toàn hay sự bình an trong tâm hồn. Những gì chúng ta cần là sự phát triển tinh thần song song với sự phát triển vật chất. Nếu hai yếu tố này kết hợp thì tất cả chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và bình an hơn. Điểm then chốt ở đây là sự phát triển cảm xúc cơ bản của con người, nghĩa là sự chân thật, sự cởi mở chân thành, tình yêu chân thật, thiện tâm và sự tôn trọng đối với những người khác như anh chị em một nhà.

Vấn đề hòa bình dài lâu và thật sự trên thế giới liên quan đến con người nên cảm xúc nói trên cũng là nền tảng cơ bản. Với tâm bình an, hòa bình thật sự trên thế giới có thể đạt được. Ở đây, tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân hoàn toàn rõ ràng, bởi vì trạng thái an bình phải được tạo ra trong chính tự thân mỗi người, sau đó mới [có thể] được tạo ra trong gia đình và tiếp đến là trong cộng đồng.

Để tạo ra sự an bình nội tại, điều quan trọng nhất là thực hành lòng bi mẫn, tình yêu, sự hiểu biết và trân trọng con người. Những trở lực lớn nhất cho việc này là sự giận dữ, thù hằn, lo sợ, nghi kỵ. Vì thế, trong khi người ta vẫn nói chung chung về việc giải trừ quân bị trên thế giới, thì một kiểu buông vũ khí trong nội tâm là cần thiết. Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có thể giảm thiểu những tư tưởng tiêu cực này và gia tăng những thái độ tích cực được không? Chúng ta có thể suy xét trong đời sống hằng ngày của mình để xem sự giận dữ có chút giá trị nào không, và tương tự, chúng ta có thể suy nghĩ về các tác dụng tiêu cực hay tích cực của lòng bi mẫn và tình yêu.

Lấy ví dụ, vì con người là những động vật xã hội nên họ có bạn tốt lẫn bạn xấu. Những người lúc nào cũng giận dữ thì trong hầu hết các trường hợp rất hiếm khi có sự bình an trong tâm hồn, nhưng những người bản chất trầm tĩnh thường được an ổn hơn và có nhiều bạn bè thật sự, là những người bạn sát cánh bên họ khi thành công cũng như lúc thất bại. Những người bạn như thế không thể có được nhờ vào sự giận dữ, ganh ghét hay tham lam, mà là nhờ vào tình yêu chân thật, lòng bi mẫn, sự cởi mở và chân thành. Như vậy, rõ ràng những tư tưởng tiêu cực là tác nhân hủy hoại hạnh phúc và những tư tưởng tích cực là nhân tố tạo ra hạnh phúc.

Mặc dù sự giận dữ đôi khi có vẻ như một yếu tố phòng vệ, nhưng thực tế thì nó hủy hoại sự bình an và hạnh phúc của chúng ta và thậm chí hủy hoại cả khả năng thành công. Sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự khôn ngoan và trí thông minh của con người, là những yếu tố không thể hoạt động tốt dưới ảnh hưởng của sự giận dữ. Khi chúng ta đang chịu ảnh hưởng của sự giận dữ và thù hận, năng lực phán đoán của chúng ta bị suy yếu. Hậu quả là chúng ta theo đuổi những mục tiêu sai lầm hoặc áp dụng phương pháp sai và điều này dẫn đến thất bại. Vậy thì vì sao giận dữ lại sinh khởi? – Vì trong thâm tâm có một nỗi sợ hãi nào đó, cho nên sợ hãi là nguyên nhân của thất bại.

Những phương pháp tốt nhất và mạnh mẽ nhất để xóa bỏ sự giận dữ là lòng khoan dung và nhẫn nhục. Đôi khi người ta có ấn tượng rằng khoan dung và nhẫn nhục là không có cá tính, thiếu cảm xúc, nhưng thật ra không phải vậy, chúng sâu sắc và hiệu quả hơn nhiều so với sự hoàn toàn dửng dưng. Một số người cũng cảm thấy rằng lòng khoan dung và nhẫn nhục là dấu hiệu của sự yếu đuối. Ngược lại, chính sân hận và thất vọng mới là những dấu hiệu của sự yếu đuối. Giận dữ phát sinh từ sợ hãi và sợ hãi phát sinh từ sự yếu đuối hay tự ti. Nếu bạn có lòng can đảm và quả quyết, bạn sẽ bớt sợ hãi hơn và kết quả là bạn ít giận dữ hay thất vọng hơn.

Hiện nay việc thực hành các phương pháp để giảm bớt sự giận dữ và phát triển lòng khoan dung có thể được áp dụng cho mọi hệ thống tín ngưỡng, thậm chí cho cả những người không có đức tin, bởi vì là con người thì ai cũng cần đến lòng khoan dung và sự can đảm. Theo quan điểm Phật giáo, có chín đối tượng hay tình huống làm khởi sinh sự giận dữ: đó là những tình huống (1) khi tôi đã bị hãm hại, (2) đang bị hãm hại hoặc (3) sẽ bị hãm hại; tương tự, là những tình huống khi (4) những người thân của tôi đã bị hãm hại, (5) đang bị hãm hại hoặc (6) sẽ bị hãm hại; và những tình huống (7) khi những kẻ thù của tôi đã được hạnh phúc, (8) đang hạnh phúc hoặc (9) sẽ hạnh phúc. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tình huống khi tôi đang bị hãm hại.

Vào những lúc đó, cách đối trị giận dữ là xem xét bản chất của đối tượng đang thực sự hãm hại chúng ta, xét kỹ xem nó đang hãm hại chúng ta một cách trực tiếp hay gián tiếp. Giả sử chúng ta đang bị đánh bằng một cây gậy. Cái gì trực tiếp làm hại ta? – Cây gậy. Còn nguyên nhân sâu xa nhất đang gián tiếp làm hại ta không phải là kẻ đang cầm gậy mà là cơn giận thúc đẩy người đó đánh ta. Do đó, chúng ta không nên tức giận với bản thân người đó.

Một phuơng pháp khác có thể hiệu quả trong một số tình huống nhất định, là khi đang bị người nào đó hãm hại, hãy nghĩ rằng lúc đó chúng ta có thể gặp khó khăn hay đau khổ hơn thế nhiều. Khi ta nhận ra rằng có những điều tệ hại hơn nhiều có thể đã xảy đến cho ta thì những khó khăn mà ta đang đối diện sẽ giảm nhẹ đi và dễ giải quyết hơn. Phương pháp này có thể được áp dụng cho mọi vấn đề bất ổn. Nếu bạn nhìn một vấn đề ở cự ly gần thì trông nó có vẻ rất lớn nhưng khi nhìn từ xa thì nó trông bé hơn nhiều và điều này có thể giúp đối trị cơn giận. Tương tự, khi một thảm kịch xảy ra, việc chúng ta phân tích xem có biện pháp khắc phục nào hay không là rất hữu ích, và nếu thực sự không có cách nào khắc phục thì lo lắng cũng vô ích.

Sự giận dữ là kẻ thù thực sự của chúng ta. Cho dù nó ở trong lòng của ta, bạn bè ta hay kẻ thù ta thì nó vẫn là kẻ thù thực sự. Nó không bao giờ thay đổi, bản chất của nó luôn là gây hại. Nhưng con người thì không phải luôn có bản chất gây hại. Hôm nay người ấy có thể là kẻ thù tệ hại nhất của bạn nhưng ngày mai hoặc năm sau anh ta có thể trở thành người bạn tốt nhất. Do đó, khi một người đang cư xử như kẻ thù và làm hại ta, ta không nên oán trách người ấy. Động cơ của người ấy sẽ có ngày thay đổi. Cái đáng trách thực sự là cơn giận hay thái độ tiêu cực của anh ta. Mỗi khi cơn giận trổi dậy trong bất kỳ người nào thì nó luôn gây rắc rối.

Để đối trị cơn giận, chúng ta cần phát triển tâm nhẫn nhục và khoan dung. Trong ý nghĩa đó, để rèn luyện tâm nhẫn nhục và khoan dung thì chúng ta cần có một kẻ thù, một kẻ thù là con người. Nếu không thì ta không có cơ hội thực hành. Cho dù kẻ thù có động cơ xấu hay tốt thì tình huống đều có lợi cho chúng ta vì sự gây hại của kẻ đó tạo cơ hội cho ta phát triển tâm nhẫn nhục và thử thách sức mạnh nội tâm của ta. Với cách nghĩ như thế, chúng ta có thể xem kẻ thù là đáng để ta biết ơn hơn là đối tượng để ta nguyền rủa.

Cho dù vậy, xét về hành vi thì kẻ nào hành động một cách phi lý gây hại cho người khác và làm như thế một cách thường xuyên thì cuối cùng kẻ đó sẽ chuốc lấy đau khổ. Nếu bạn hiểu thật rõ ràng tình thế thì bạn có thể dùng đến biện pháp đối trị cần thiết một cách có tôn trọng, không miệt thị. Trong những tình huống như vậy, chúng ta nên hành động để ngăn chặn người khác hành xử phi lý, vì nếu không thì sự việc sẽ tồi tệ hơn. Không những chúng ta được phép hành động đối trị như thế mà còn là thực sự nên hành động; sự khác biệt là chúng ta không hành động vì giận dữ mà với một ý nguyện vị tha.

Thêm một phương thức nữa để đối trị cơn giận là dựa trên lòng bi mẫn và sự tôn trọng người khác sâu sắc. Ở đây, một thái độ vị tha chân thật rất quan trọng. Về cơ bản, con người là những động vật xã hội, không thể tồn tại nếu không có người khác. Do đó, vì sự sống còn của chính bạn, hạnh phúc và thành công của chính bạn, bạn cần đến người khác. Bằng cách giúp đỡ người khác, quan tâm và chia sẻ với nỗi khổ của người khác, cuối cùng thì bạn sẽ gặt hái được phần lợi lạc cho chính mình.

Điều này cũng có thể vận dụng trên phương diện vĩ mô, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến nền kinh tế thế giới. Nếu bạn theo đuổi chính sách một chiều thì bạn có thể tạm thời gặt hái một số lợi ích, nhưng về lâu dài bạn có thể sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Nếu chính sách đó dựa trên một tầm nhìn rộng lớn hơn, một thái độ vị tha hơn, thì kết quả đạt được sẽ tốt hơn. Trong lĩnh vực kinh tế ngày nay, chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, không những giữa các quốc gia với nhau mà còn là giữa các lục địa. Những nước tiêu thụ nhiều nhất buộc phải quan tâm đến nơi họ khai thác nguyên vật liệu để việc tiêu thụ không bị gián đoạn; nếu không thì một ngày nào đó sẽ nảy sinh các vấn đề rắc rối lớn. Những điều này ngày càng trở nên rõ rệt hơn do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng, hố sâu ngăn cách mở rộng giữa miền Bắc và miền Nam, giữa các nước giàu và các nước nghèo. Nếu tình hình cứ tiếp diễn thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn, nhưng nếu chúng ta nghĩ đến cách thức để thay đổi điều đó thì điểm mấu chốt là thái độ vị tha.

Giờ đây, việc phát triển các thái độ tích cực như tình yêu thương và lòng bi mẫn, nhẫn nhục và khoan dung hay sự chân thành hiểu biết lẫn nhau giữa con người không chỉ đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, mà là một điều kiện sống còn. Đôi khi tôi nhắc đến điều đó như một tôn giáo chung. Để làm một người tốt trong cuộc sống hằng ngày thì mọi nghi lễ hay triết lý đều không cần thiết. Làm người tốt có nghĩa là: hãy phụng sự người khác nếu có thể, nếu không thì hãy kiềm chế không gây tổn hại cho họ.

Nhưng dù sao thì các tôn giáo khác nhau đều thực sự có trách nhiệm trong việc này. Vấn đề không phải là hết thảy mọi người đều phải có niềm tin tôn giáo, mà đúng hơn là sự đóng góp của mỗi một tôn giáo cho nhân loại. Tất cả các bậc thầy vĩ đại trong quá khứ đều thuyết giảng giáo lý tôn giáo của họ vì lợi ích cho nhân loại và trong một số trường hợp là vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Chắc chắn là các vị không dạy chúng ta quấy rối người khác.

Những nhóm và hệ thống tôn giáo khác nhau cần có sự cống hiến đặc biệt, không phải cho sự phát triển vật chất, mà là sự phát triển tinh thần. Phương cách đúng đắn để vươn đến tương lai của chúng ta là kết hợp cả hai yếu tố này, vì con người nên sử dụng một nửa năng lượng vật chất và tinh thần cho sự phát triển vật chất và nửa còn lại cho sự phát triển nội tâm. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh đến khía cạnh vật chất thì không thỏa đáng, vì phương cách đó dựa trên vật chất vốn không hề có cảm xúc, kinh nghiệm và ý thức. Khi thế giới này còn chưa bị những người máy thống trị thì ta vẫn còn cần đến tôn giáo. Vì chúng ta là con người, chúng ta có cảm xúc và kinh nghiệm, có nỗi đau và niềm vui; và khi những điều này vẫn còn tồn tại thì chỉ riêng những thứ như tiền bạc không thể mang lại hạnh phúc. Việc chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không phụ thuộc phần lớn vào thái độ tinh thần và cách suy nghĩ của chúng ta.

Mỗi một tôn giáo trong các hệ thống tín ngưỡng khác nhau, dù đó là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay một trong nhiều hệ phái thuộc Ấn Độ giáo, đều có một kỹ thuật đặc biệt, một phương pháp đặc biệt nào đó để đạt được mục tiêu trên. Khi ta nói chuyện với các học giả tôn giáo hay những người đang tu tập, chẳng hạn như khi ta tiếp xúc với các tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo, ngay cả khi không nói gì cả thì ta vẫn cảm nhận được rằng họ đã đạt một thành tựu nào đó. Đây là kết quả tu tập theo truyền thống riêng của họ và là bằng chứng cho thấy không những các tôn giáo trên thế giới đều cùng nhắm đến một đích chung mà còn có khả năng lẫn tiềm năng đào tạo những con người tốt. Từ quan điểm này, chúng ta dễ dàng bộc lộ sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác nhau.

Có một thực tế là con người có xu hướng tranh chấp lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, trong khi đó tôn giáo là yếu tố duy nhất hóa giải sự hủy hoại của con người. Nhưng điều bất hạnh lớn là chính bản thân tôn giáo cũng có thể bị sử dụng như một công cụ làm tăng thêm chia rẽ và xung đột. Và một thực tế khác nữa là không thể bắt hết thảy mọi người đều phải có niềm tin tôn giáo. Không thể có chuyện mọi người đều trở thành tín đồ Phật giáo hay Thiên chúa giáo hay bất kỳ một tôn giáo nào khác. Tín đồ Phật giáo vẫn sẽ là tín đồ Phật giáo, tín đồ Thiên chúa giáo vẫn sẽ là tín đồ Thiên chúa giáo và người không có tín ngưỡng vẫn sẽ là người không có tín ngưỡng. Đây là thực tế, dù chúng ta có thích như vậy hay không. Do đó, việc tôn trọng quan điểm của người khác là rất quan trọng. Nếu người ta có niềm tin, chấp nhận một lý tưởng nào đó và cảm thấy mình đã tìm ra một phương pháp hiệu quả nhất để tự hoàn thiện mình thì đó là điều tốt và họ cứ tiếp tục thực hành. Họ có quyền lựa chọn. Còn những người không có niềm tin, thậm chí cảm thấy tôn giáo là sai, cũng ít nhất có được lợi ích nào đó từ quan điểm chống tôn giáo của họ, cũng là quyền lựa chọn của họ.

Khi ta vẫn là những con người và là công dân của thế giới này thì chúng ta vẫn phải sống chung với nhau. Vì thế chúng ta không nên quấy rối lẫn nhau mà phải nhận thức rằng chúng ta đều là anh chị em một nhà. Có những cơ sở rất rõ rệt để phát triển các mối liên hệ gần gũi hơn giữa các triết lý, các tôn giáo, các truyền thống khác nhau và hiện nay điều này rất quan trọng. Tôi vui mừng nhận thấy những tín hiệu lạc quan về một sự chuyển biến theo chiều hướng này, đặc biệt là sự thông cảm sâu xa hơn giữa cộng đồng Phật giáo Tây Tạng và các vị tu sĩ cũng như nữ tu Thiên chúa giáo.

Tuy nhiên điều quan trọng là phải hiểu rằng tương lai của tôn giáo và những gì tôn giáo có thể cống hiến cho nhân loại không chỉ là vấn đề giữ gìn các tu viện, mà phụ thuộc rất nhiều vào sự thực hành của từng cá nhân. Nếu bạn chấp nhận một tôn giáo nào đó thì bạn phải thực hành [theo tôn giáo đó] một cách chân thành, không giả tạo. Do đó, điều quan trọng là phải nắm hiểu được phần tinh yếu, hiểu được mục đích của tôn giáo mà bạn đang theo và kết quả sẽ là những gì. Sau đó, nếu bạn thực hành đúng thì bản thân bạn sẽ là một điển hình cho những lợi ích của tôn giáo.

Về mặt giáo lý, có những khác biệt đáng kể giữa các tôn giáo. Ví dụ như theo giáo lý đạo Kỳ-na và Phật giáo thì không có “đấng sáng tạo”, không có Thượng đế. Xét đến cùng thì mỗi người giống như một đấng sáng tạo của chính mình, bởi vì đạo Phật giải thích rằng, bên trong ý thức riêng của mỗi người đều có một loại thức vi tế và sâu thẳm nhất, đôi khi được gọi là tịnh quang. Thức vi tế này giống như một đấng sáng tạo, nhưng ngự trị sâu thẳm trong chính lòng người. Do đó, không hề có một sức mạnh [sáng tạo] nào khác kiểu như Thượng đế. Vì đa số các tôn giáo khác đặt trọng tâm tín ngưỡng vào Thượng đế nên ở điểm này chúng ta có thể thấy những khác biệt lớn về giáo lý.

Tuy nhiên, thay vì dừng lại ở những khác biệt, có một câu hỏi quan trọng hơn là: mục đích của các tôn giáo và triết lý khác nhau này là gì? Câu trả lời là: chúng có cùng một mục đích giống nhau, đem lại lợi lạc tối đa cho nhân loại. Trong loài người có rất nhiều căn cơ khác nhau nên đối với người này thì giáo lý này là có hiệu quả nhưng đối với người khác thì giáo lý hay phương pháp thực hành khác sẽ hiệu quả hơn. Hoa được người ta ưa thích, một đóa hoa đã đẹp nhưng nhiều đóa hoa lại càng đẹp hơn. Càng có nhiều thứ thì sẽ có cơ hội để lựa chọn cái phù hợp với thị hiếu và sở thích của bạn. Tương tự, có nhiều giáo lý và triết lý là điều tốt. Cũng giống như chúng ta dùng thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể vật chất, tôn giáo và các ý thức hệ là thức ăn cho tâm thức.

Có những khác biệt giữa chúng ta ngay cả trong phạm vi vật chất giới hạn, vì khuôn mặt nhỏ bé của con người cũng đã có nhiều đặc điểm khác biệt nhau. Tâm của chúng ta không phải vật thể rắn mà rộng lớn như hư không nên có nhiều thiên hướng khác nhau là lẽ tự nhiên. Vì lý do này, chỉ một tôn giáo và một triết thuyết không đủ để làm thỏa mãn toàn nhân loại. Những gì chúng ta cần nhắm tới, với sự lưu tâm đến hạnh phúc của nhân loại, không phải là hy vọng cải biến mọi người quy về một tôn giáo, không phải là phát triển một tôn giáo chiết trung duy nhất từ các tôn giáo khác. Chúng ta có thể đánh giá cao và ngợi khen các điểm tương đồng và tôn trọng những phạm trù khác biệt. Chắc chắn có những khía cạnh mà các tôn giáo có thể học hỏi lẫn nhau mà không cần phải từ bỏ những đặc trưng của mình. Ví dụ như các tín đồ Thiên chúa giáo có thể thấy các phương pháp phát triển sự tập trung tư tưởng của Phật giáo, hướng tâm vào một điểm, là hữu ích. Có nhiều cách để thực hiện điều này, như là nhờ vào thiền định...; cũng như có nhiều phương pháp để phát triển lòng khoan dung, bi mẫn, yêu thương, từ tâm... Tương tự, tín đồ Phật giáo có thể thấy các hoạt động xã hội của tín đồ Thiên chúa giáo là hữu ích và có lợi cho việc luyện tâm.

Trên cơ sở nhận thức mục đích của tôn giáo là lợi ích cho con người, điểm then chốt cần nhớ ở đây là bất kể những gì chúng ta có thể học hỏi hay vay mượn lẫn nhau, những lợi ích mà tôn giáo có thể mang lại và phần đóng góp của tôn giáo cho nhân loại phụ thuộc vào chính chúng ta cũng như việc ta có thực sự tu tập theo tôn giáo hay không.

Trích từ: CHO YANG, Tập 1, Bài số 2 – 1987
Biên tập: Pedron Yeshi
Đồng biên tập: Jeremy Russell


    « Xem chương trước «      « Sách này có 3 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Lược sử Phật giáo


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.221.110.87 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (400 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...