Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Phù trợ người lâm chung »» DẪN NHẬP »»

Phù trợ người lâm chung
»» DẪN NHẬP

(Lượt xem: 5.450)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phù trợ người lâm chung - DẪN NHẬP

Font chữ:


Trước hết, theo truyền thống Tây Tạng, và nhân danh tất cả những người đồng hương của tôi, có mặt hay vắng mặt, và nói chung là nhân danh tất cả Phật tử, xin cho tôi nói câu “Tashi délég”, nghĩa là “chào mừng quý vị”!

Tôi vô cùng hạnh phúc có được dịp này để gặp quý vị, vì tôi nghĩ rằng sự gặp gỡ này cũng là một cơ hội để chúng ta trao đổi với nhau. Chúng ta rất đông, ai cũng phải mất công sức đến nơi này, và tôi cũng biết rằng có nhiều người đã phải đi xa, rất xa nữa là khác, không những từ nhiều tỉnh khác của nước Pháp mà còn từ nhiều quốc gia khác nữa. Giữa chúng ta đây còn có những người đặc biệt đến từ Á châu để tham dự cuộc hội thảo này. Tôi cảm ơn tất cả quý vị đã bỏ công sức đến đây, vì điều đó tỏ rõ sự lưu tâm của quý vị đối với đề tài mà chúng ta sắp bàn thảo.

Chúng ta không có nhiều thời gian với nhau, vì thế hãy tận dụng tối đa những giây phút này. Làm thế nào để cuộc họp mặt hôm nay có ý nghĩa nhất? Nếu chỉ đơn giản là một người diễn thuyết trên bục và vài ba người khác cố sức dịch ra các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh (và từ năm 2007 là cả tiếng Việt nữa), rồi những người còn lại không làm gì khác hơn là lắng nghe, thì dĩ nhiên cũng có lợi, nhưng sự lợi ích đó chẳng được là bao.

Chúng ta là một hội chúng khá đông và xuất thân từ những nền văn hóa, những môi trường khác nhau. Như tôi đã nói, chúng ta đến từ nhiều quốc gia, nhưng không chỉ có thế, trong Pháp hội này còn có rất nhiều quan điểm dị biệt, đến từ những truyền thống bất đồng, bất luận là xét về mặt tôn giáo, tâm linh hay triết lý. Vì chủ đề chúng ta sắp bàn thảo đây thật sự vô cùng quan trọng nên hầu như chắc chắn là mọi người đều đã suy nghĩ trước hoặc tự mình có một ý kiến riêng về vấn đề này. Nếu chúng ta có thể đối chiếu quan điểm với nhau thì thật lý tưởng. Riêng phần tôi, dĩ nhiên tôi sẽ cố gắng trình bày kiến giải của Phật giáo, và sau đó [mỗi người] chúng ta nên so sánh quan điểm của mình với các quan điểm khác về cùng đề tài này. Tôi tin rằng, như thế mỗi người chúng ta đều sẽ gặt hái được rất nhiều lợi lạc.

Chủ đề chúng ta lựa chọn để cùng nhau đào sâu là [những vấn đề] xoay quanh sự chết. Đối với [sự chết của] người khác, ta phải làm thế nào để đưa tiễn những người ở giai đoạn cuối của cuộc đời, và phải làm thế nào để giúp đỡ những người đã quá cố nếu cần; đối với bản thân, ta phải làm thế nào để chuẩn bị cho cái chết của chính mình, và làm sao để đối mặt với nó.

Chính vì tính cách phổ quát của sự chết nên trên tất cả mọi đại lục, ở tất cả mọi thời đại, chắc chắn là tất cả mọi người đều đã từng lưu tâm suy nghĩ về vấn đề này và cũng đã thử tìm đủ mọi cách để cho cái kinh nghiệm không thể tránh khỏi ấy được dễ dàng hơn, an bình hơn. Mặt khác, ở Pháp và nói chung là ở các nước Âu châu, hiện nay người ta không còn hay đã bớt đi nhiều sự húy kỵ khi nói về sự chết, cho dù trong hàng chục năm qua “chết” là một chữ không được nhắc đến, là một vấn đề không được gợi lên.

Tôi còn nhớ, lúc tôi mới qua Pháp vào thập niên 60, nói đến cái chết là một điều bất lịch sự, và nhất là không ai được dùng một từ ngữ sống sượng như thế. Đề tài ấy không đem lại chút hứng thú nào cho bất cứ ai. Nói chung, người tao nhã không được bàn luận về đề tài ấy.

Từ một vài năm trở lại đây, tình hình đã ngày càng thay đổi. Người ta đã tiến bộ nhiều, đã dám đề cập một cách trực tiếp và thẳng thắn đến đề tài vô cùng quan trọng này. Người ta đã nghiên cứu tìm tòi, đã hoàn chỉnh nhiều phương pháp để an ủi, giúp đỡ phần nào, không chỉ những người sắp chết mà còn cả thân nhân và những người chăm sóc bệnh nhân nữa. Những hội đoàn, Bi mẫn đường đã bắt đầu xuất hiện khắp nơi, thật là một điều đáng mừng!

Như tôi vừa nói, chúng ta đến đây rất đông, và chắc chắn ai cũng từng suy nghĩ đến cái chết, kết quả là ai cũng từng khởi thảo nhiều kế hoạch khác nhau. Để có thể xác định rõ vấn đề này thì lý tưởng nhất là mỗi người chúng ta ai cũng phải có dịp trình bày những phương pháp mà truyền thống hay nghề nghiệp của mình đã đề xướng. Từ nay, vì chúng ta có quyền chọn lựa giữa rất nhiều phương pháp khác nhau và có thể sử dụng đến khi cần, chúng ta nên chọn lựa theo hai tiêu chuẩn: phương pháp nào dễ áp dụng nhất và phương pháp nào hữu hiệu nhất.

Tại sao chúng tôi, với tư cách của một Phật học viện, lại tổ chức một buổi hội thảo về sự chết và phương pháp giúp đỡ người lâm chung cũng như người quá cố? Đó là vì trong khoảng một vài thập niên trước thì một đề tài như hôm nay không hề thu hút người đến tham dự, nhưng trái lại hiện nay đây là một vấn đề thời sự. Người không chuyên môn thì trực tiếp quan tâm đến đề tài này nhiều hơn vì chính bản thân mình, còn ở các nước công nghiệp cao, những hội đoàn y tế và cận y tế hiện đang gia tăng nghiên cứu để cải thiện tình trạng của bệnh nhân lúc cuối đời và những người quanh họ. Là một tăng sĩ Phật giáo, từ lâu tôi đã biết rằng truyền thống đạo Phật luôn đặt trọng tâm giáo pháp trên vấn đề chính yếu này, tức là sự chết. Và vì Phật giáo đã nghiên cứu suốt từ nhiều thế kỷ qua, nên nhất định là đã khám phá một số phương pháp và khai quang những con đường mới [trong lãnh vực này]. Chúng ta có thể nói rằng, trên phương diện này thì Phật giáo tỏ ra rất phong phú và chi tiết.

Vì nhận thấy rằng ở các nước Âu châu sự quan tâm đã gia tăng rõ rệt và rất nhiều người thành tâm đã hết sức cố gắng để tạo những điều kiện tốt đẹp nhất cho người lâm chung, nên tôi nghĩ rằng một Phật tử như tôi hẳn phải có bổn phận chia sẻ và đề nghị với những ai ưa thích, trình bày cho họ biết những gì Phật giáo đã khám phá và hoàn chỉnh trong suốt những thế kỷ qua. Sau đó, mỗi người sẽ tự nhận định về những gì họ có thể tiếp nhận hay không thể tiếp nhận từ những kinh nghiệm của Phật giáo.

Việc trao chiếc chìa khóa để mở vào kho tàng kinh nghiệm Phật giáo không có nghĩa là bắt buộc mọi người phải gia nhập và ai cũng muốn áp dụng. Không! Ai cũng có quyền tự do của mình, và hơn thế nữa, ai cũng có bổn phận phải gạn lọc và tự quyết định cho chính mình những gì nên giữ lại hay áp dụng khi cần đến. Nhưng dầu sao đi nữa, theo quan điểm Phật giáo, khi ta có trong tay chừng ấy giáo pháp do chính đức Phật ban truyền, có chừng ấy tài liệu để suy gẫm mà lại chỉ giữ riêng cho mình, không đem ra giới thiệu cho người khác biết để có thể tùy ý sử dụng, trong khi biết rõ rằng những người này cũng muốn tìm hiểu thì thật là sai trái, thật là bất thường. Vì thế mà chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo này.

Còn một lý do khác là tôi muốn giới thiệu toàn bộ những hiểu biết và kinh nghiệm mà Phật giáo đã đạt được về sự chết. Thật thế, từ bao nhiêu năm sống ở Pháp và đi qua gần như khắp cả địa cầu, tôi thường nghe nói về Phật giáo trên các đài truyền thanh, truyền hình, trong những câu chuyện, chưa kể trên báo chí hay trong những chuyên luận ngắn, phải nói rằng có một điều xảy ra quá thường xuyên khiến tôi phải lưu tâm. Chỉ cần đề cập tới đề tài sự chết trong Phật giáo, lập tức sẽ có một câu bình luận được thốt lên ngay: “Phải rồi, Phật tử họ có những quyển sách như Bardo Thődol” hay đúng hơn là “họ có cuốn Bardo Thődol”. Nghĩa là, ta có cảm tưởng như Phật giáo chỉ có chừng đó mà thôi!

Sự thật không phải vậy. Đúng là có một quyển sách mang tên Bardo Thődol, người ta thường dịch là “Tử thư Tây Tạng”. Nhưng chắc chắn đó không phải là bộ luận duy nhất về chủ đề sự chết trong Phật giáo. Ngược lại là khác! Thật ra, đề tài về sự chết đã được đề cập một cách vô cùng phong phú, trước hết bởi chính đức Phật trong các kinh điển hiển giáo và mật giáo. Những gì Phật giáo có thể bàn thảo về sự chết đã đi rất xa khỏi tầm nghiên cứu của cuốn Tử Thư Tây Tạng. Vả lại, cuốn sách này thuộc về văn chương dân gian thì đúng hơn. Cũng vì thế mà tôi thấy việc tổ chức các buổi hội thảo như hôm nay rất ích lợi, để có thể trình bày rõ ràng hơn quy mô của chủ đề này trong giáo lý đạo Phật. Chính tôi cũng nhận thức rõ điều ấy hơn từ khi sống xa Tây Tạng.

Để xác định mục tiêu, tôi ước mong rằng chúng ta có thể thu thập một số các phương thức mà ai cũng có thể dùng đến lúc cần, dù chúng ta là ai hay theo tôn giáo nào đi nữa. Nói cách khác, vấn đề là làm sao có được hàng loạt đủ loại pháp môn để giúp cho tất cả mọi người, bất kể quan điểm, có thể xử sự một cách có lợi và hữu hiệu đối với bất kỳ một người nào đang trong những giây phút sắp lìa bỏ cuộc đời.

Với lòng tha thiết muốn chia sẻ như thế, về phần mình tôi chỉ có thể trình bày quan điểm của Phật giáo, nhưng để tránh mọi hiểu lầm, tôi muốn nhấn mạnh rằng theo ý tôi thì đây chỉ là một trong nhiều kiến giải khác, trong rất nhiều kiến giải khác. Tôi không hề có chủ định gợi ý rằng chỉ có kiến giải do tôi trình bày mới là chân lý.

Thật ra, trong những pháp môn mà tôi sẽ đề cập, có một số sẽ làm cho quý vị ưa thích và lưu tâm đến mức muốn áp dụng chúng. Nhưng cũng có thể sẽ có những điểm mà quý vị không chút tán thành, hoặc đôi khi nghi ngờ, hoặc hoàn toàn phản đối. Điều này hết sức tự nhiên. Chúng ta ai cũng có lập trường khác nhau và mỗi người có một lối nhìn khác biệt là điều bình thường. Tóm lại, tôi không có chủ ý thuyết phục ai điều gì cả mà chỉ muốn đưa ra một vài góc cạnh khác nhau để nhìn sự việc. Sau đó, chính quý vị phải suy nghĩ, gạn lọc và rút tỉa ra những gì quý vị cần, hoặc cũng có thể [thấy là] không có gì cần đến cả.

Đề tài của chúng ta, như quý vị đã biết, liên quan tới sự giúp đỡ mà chúng ta có thể tìm cách mang lại cho những chúng sinh ở giai đoạn cuối của cuộc đời, cũng như cho những ai đã qua đời rồi.

[Sự giúp đỡ người lâm chung, hay có thể gọi là] “phù trợ người lâm chung”. Chữ lâm chung ở đây [trước hết] phải hiểu là nói đến loài người, vì chính chúng ta cũng là con người, nhưng theo nghĩa rộng, hai chữ này có thể bao hàm toàn thể chúng sinh. Hai chữ này cũng chỉ cho loài vật, bởi vì chúng cũng như ta, cuối cùng đều phải chết, và nếu quanh ta có nuôi thú vật thì ta nên giúp đỡ chúng, có mặt bên cạnh chúng vào lúc chúng trải qua sự thử thách mà đối với chúng cũng không kém phần khó khăn và tế nhị. Sự thật thì Phật giáo cũng chú ý đến những loài hữu tình khác nữa, nhưng vì những loài này nằm ngoài khả năng nhận biết của chúng ta, hiện nay ta chưa có thể cứu giúp họ một cách trực tiếp được, dù ta có mong muốn giúp đỡ họ bằng cách này hay cách khác.

Tại sao lại chọn một đề tài như thế? Vì đề tài này quan hệ đến tất cả chúng ta. Tất cả, vì chúng ta đều thuộc loài hữu tình. Nếu ta có thể khẳng định một điều, thì điều đó là “có một ngày chúng ta sẽ chết”. Đã có một ngày ta sinh ra; mà đã sinh ra là ngụ ý sẽ có một ngày diệt mất. Hễ có sinh tất phải có diệt, diệt tức là điều mà chúng ta gọi là sự chết. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh được một lúc nào đó sẽ đứng ở đầu giường của một người đang phải tiếp cận với kinh nghiệm ấy trước ta, cho tới khi đến lượt chính mình. Điều đó, chúng ta đều biết. Với thời gian, chúng ta không thể tránh khỏi cái chết.

Theo chúng tôi, tức là theo Phật giáo, vì chắc chắn chúng ta sẽ chết nên chi bằng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, vì đó là thời khắc trọng yếu nhất của một đời người. Lý tưởng nhất là chúng ta [đã có sự] chuẩn bị cẩn thận và kịp thời để có thể chết một cách hạnh phúc và đi từ niềm hạnh phúc này đến một hạnh phúc khác lớn hơn. Nếu chúng ta không thành công trong việc chuẩn bị cái chết của mình đến trình độ ấy, thì cũng rất nên làm sao giữ lòng hoàn toàn thanh thản và chết một cách an bình. Chắc chắn mọi người đều phải công nhận rằng bất kỳ ai cũng nên làm thế nào đó để giữ được tâm thanh thản trong những giây phút cuối cùng của đời mình.

Mặt khác, vì chúng ta đang sống, hẳn là chúng ta đều muốn cảm nhận hạnh phúc trong suốt cả cuộc đời. Đó là một nguyện vọng bình thường và chính đáng. Thậm chí ta có thể nói rằng đó là một quyền lợi tự nhiên của tất cả mọi loài, vì điều ấy không chỉ liên quan đến loài người: Bất cứ loài hữu tình nào cũng có cảm giác, cho nên họ chỉ có thể khao khát được cảm giác an lạc, cảm nhận hạnh phúc. Bởi vì đó là một nhu cầu mà họ cảm thấy, cho nên đó cũng là quyền lợi của họ.

Nếu theo tự nhiên và bản năng mà chúng ta muốn có được một đời hạnh phúc, thì hạnh phúc đó phải bao gồm suốt cả cuộc đời, kể cả những giây phút cuối cùng. Điều đó có nghĩa là ta không nên chỉ mong cầu hạnh phúc lúc còn khoẻ mạnh, trẻ tuổi mà thôi, mà phải có nhiều kỳ vọng hơn thế, tức là phải mong muốn được hoàn toàn hạnh phúc ngay cả khi cái chết đã gần kề hay vào lúc đang chết. Hơn nữa, nếu chúng ta chấp nhận rằng sau khi chết vẫn còn có điều gì đó xảy ra, nghĩa là sau cuộc sống này vẫn còn những cuộc sống khác, thì nhu cầu và quyền được hạnh phúc nói trên là hoàn toàn có giá trị. Về việc sau cái chết còn gì khác xảy ra hay không thì ý kiến của chúng ta có thể bất đồng; có người quan niệm rằng có một cái gì sau đó, có thể dưới dạng tái sinh; người khác sẽ tuyên bố rằng chúng ta chỉ có vỏn vẹn một cuộc sống duy nhất này mà thôi... Tuy nhiên có một điểm mà chúng ta nhất định sẽ đồng ý với nhau. Đó là, đã [chắc chắn phải chết] thì chi bằng chúng ta có được hạnh phúc từ điểm đầu cho đến điểm cuối của cuộc đời, kể cả lúc hấp hối.

Bạn có thể phản bác rằng có một điều tốt hơn nữa, lý tưởng nhất là làm sao sống mãi và sống hạnh phúc, nghĩa là không bao giờ chết. Nhưng điều này có thực tế không? Đó là một điều có vẻ khó thực hiện, hay nói thẳng ra là không thể thực hiện. Nhưng hãy mơ mộng một vài giây. Hãy tưởng tượng rằng hiện tượng chết đã được xóa bỏ vĩnh viễn. Nếu loài người thành công trong việc chiến thắng cái chết để trở thành bất tử thì chúng ta có thể hy vọng là họ cũng đạt được những khám phá khác để chống lại bệnh tật và tuổi già.

Nhưng điều này chưa xảy ra, chưa phải là hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, nghĩa là chúng ta vẫn còn phải đương đầu với cái chết. Đó là một sự kiện chắc chắn, hiển nhiên. Mặt khác, như chúng ta vừa thấy đó, ta mong cầu hạnh phúc, mong cầu tránh khỏi mọi khổ đau trong mọi trường hợp, dù thức hay ngủ. Bởi vì khoảng thời gian hiện hữu của chúng ta bao gồm mọi giây phút của cuộc sống và những giây phút cuối cùng lại đặc biệt tế nhị, chúng ta cần chuẩn bị trước sao cho vào lúc ấy, quý nhất là ta có thể hạnh phúc, nếu không thì tối thiểu cũng phải được thanh thản và thư giãn. Được như thế thì thật tốt, vì nguyện vọng của chúng ta đã được thực hiện cho đến giây phút cuối cùng.

Đồng ý là những giây phút này rất ngắn ngủi, nhưng đối với người đang buớc qua cửa tử, việc chết một cách an bình không phải là không quan trọng. Dẫu cho những giây phút ấy có vẻ ngắn ngủi, nhưng đừng quên rằng ý niệm thời gian là một điều rất chủ quan. Cho dù có quan niệm rằng chết là hết, nhưng nếu trong khoảng thời gian ấy đương sự sống được một cách trọn vẹn và thư thái thì đã là rất tốt cho họ, huống chi nếu sau đó họ còn phải tái sinh vào một kiếp sống mới.

Trên một khía cạnh khác, đa số người ta khi chết đi để lại sau lưng những người thân, bà con họ hàng hay bạn bè, và những người này đều buồn khổ vì sự ra đi của họ. Nỗi buồn khổ ấy sẽ không bao giờ nguôi ngoai hoàn toàn, nhưng nếu người chết đã ra đi trong những điều kiện tốt đẹp nhất, nếu hiển nhiên người ấy đã có chuẩn bị trước, đã chấp nhận cảnh ngộ của mình và chết một cách an bình, thì dẫu có xúc động, những người thân của họ có thể tìm được nguồn an ủi khi nhớ lại rằng người mình thương yêu đã chết một cách an tĩnh, nhẹ nhàng.

Đó là một sự an ủi lớn cho họ. Chỉ cần riêng lý do đó thôi, dù chúng ta không thấy cần thiết cho chính mình thì đối với người thân dường như ta cũng có bổn phận phải chuẩn bị cái chết của chính mình sao cho những người ở lại được bớt phần đau khổ.

Có thể chúng ta đã từng chứng kiến hoặc nghe kể lại, đáng tiếc là những giai đoạn cuối của cuộc đời không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng và an bình; có những lúc giai đoạn này rất khó nhọc vì người chết đã ra đi trong cơn đau đớn thể chất, hay tệ hơn nữa là đau đớn tinh thần kịch liệt. Chết như thế thật là khủng khiếp cho đương sự, mà cũng không dễ dàng cho những người ở lại. Họ đã đau khổ vì mất đi một người thương yêu, mà thật lâu sau đó hoặc cũng có thể là suốt quãng đời còn lại, lại còn bị giày vò bởi những kỷ niệm tàn bạo ấy. Kỷ niệm ấy sẽ đào sâu thêm nỗi đau khổ trong lòng họ và khơi dậy một niềm hối tiếc, một cảm giác bất lực khó chế ngự được.

Chúng ta hãy tưởng tượng một người trẻ tuổi bị mất cha mẹ, mà còn mất trong những điều kiện rất bi thảm, nghĩa là cha mẹ đã chết một cách đau đớn. Khi lớn lên, đừng tưởng người này sẽ dễ dàng tìm được một sự nguôi ngoai. Với thời gian, người ấy sẽ lãng quên đi phần nào – điều này tự nhiên thôi – nhưng sẽ vẫn còn bị chấn thương tâm thần. Chỉ cần một chút xíu [khêu gợi] là người này sẽ sống lại kỷ niệm ấy trong tất cả nỗi kinh hoàng của nó, nếu không thì họ cũng có thể bị tiêu mòn dần mà không biết, và bị hỏng cả một đời.

Thế nhưng, như chúng ta đã nói, ai cũng muốn có cảm giác an vui, vì vậy tốt nhất là nên tìm đủ mọi cách để tránh né những khó khăn có thể xảy đến, đặc biệt là các trường hợp như đã nói trên. Do đó, việc suy ngẫm về cái chết và lo chuẩn bị trước để giúp đỡ người khác cũng như tăng cường sức mạnh cho chính mình là một việc làm có ích nếu không nói là cần thiết.

Như vậy, dẫu chúng ta có cho rằng chết là hết thì chết một cách an bình vẫn hơn, mà nếu chết được trong hạnh phúc thì càng tốt. Huống chi, nếu chúng ta tin vào sự tái sinh thì điều này càng trở nên tuyệt đối cần thiết.

Khi lìa bỏ cuộc đời này, nếu ta hướng đến một cuộc sống mới nhưng hãy còn thuộc về cõi Ta-bà thì nguyện vọng được hạnh phúc suốt đời sẽ không chỉ có hiệu lực cho cuộc sống hiện tại mà còn cho cả đời sau và tất cả các đời sau đó nữa. Nếu chúng ta còn phải tái sinh trong cõi Ta-bà thì tốt nhất là nên tái sinh trong những điều kiện kha khá, đủ để bảo đảm một cuộc sống hạnh phúc tối thiểu.

Tuy nhiên, có người cho rằng vì một hạnh phúc như thế mà cứ phải cố gắng duy trì và kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác thì thật là bấp bênh và thăng giáng thất thường. Họ nhắm đến một trình độ cao hơn, an toàn hơn: ai thoát ly được cảnh giới Ta-bà sẽ không bao giờ còn phải lo sợ bất cứ một nỗi đau khổ nào nữa, vì đã đạt được một nguồn hạnh phúc cao siêu hơn, và hạnh phúc này có đặc tính là không bao giờ suy suyển.

Có người còn đi xa hơn nữa. Họ nhận thấy rằng đối với họ tránh khổ được vui là điều quan trọng, thì tốt hơn hết là không nên chỉ lo cho chính mình mà còn phải lo cho tất cả mọi loài. Họ nghĩ rằng: “Người khác cũng có cùng một nhu cầu, cùng một xu hướng như ta. Và trên nhiều phương diện, họ còn là người thân của ta nữa. Phải rồi, ta nên cố gắng đạt hạnh phúc và thoát khổ đau, nhưng không phải chỉ cho riêng ta mà còn cho tất cả chúng sinh. Muốn thế, ta phải đạt đến một trình độ đủ cao để có thể giúp đỡ muôn loài một cách hữu hiệu.”

Như thế, đi tìm hạnh phúc có thể được quan niệm theo nhiều cách khác nhau. Nhưng dù quan niệm nào đi nữa thì thành tựu hạnh phúc vẫn có nghĩa là lúc lìa đời người ta phải thanh thản và an bình.

Theo dự kiến thì chúng ta quy tụ về đây trong hai ngày, với mục đích chính thức là chỉ nói về cái chết và tiến trình của nó – trước, trong và sau khi chết. Đây không phải là một trong những đề tài thú vị nhất mà ta có thể bàn đến. Nó không thể mua vui hay làm trò tiêu khiển cho chúng ta. Thế mà chúng ta vừa nhắc đi nhắc lại là mình mong muốn hạnh phúc! Chọn một đề tài như thế có thể bị xem là quái dị. Thật ra, đây chỉ [là một đề tài] thực tế, không hơn không kém. Vì dù sao đi nữa, nếu có một điều mà chúng ta có thể tin chắc thì đó chính là “chúng ta đều sẽ chết”. Chính vì theo lẽ tất nhiên chúng ta đều sẽ chết nên hợp lý nhất là chúng ta nên suy nghĩ đến [cái chết] để tự chuẩn bị với tất cả khả năng của mình. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người. Dù chúng ta theo chủ nghĩa vô thần hay có một tín ngưỡng, bất cứ tín ngưỡng nào, chúng ta vẫn nên nghĩ đến cái chung cuộc bất khả kháng ấy.

Mà điều ấy thật sự có ích lợi hay không? Chúng ta thật sự có khả năng để chuẩn bị cho cái chết của mình được bình an thanh thản không? Có. Chúng ta có thể làm được. Và chắc chắn đó không phải là một quan điểm riêng của Phật tử, cũng không chỉ có Phật tử mới được quyền làm điều ấy. Vì chúng ta không chỉ là một sinh vật mà còn là một sinh vật có lý trí, cho nên, vượt ra ngoài các phạm trù tư tưởng hay tôn giáo, tất nhiên là chúng ta có đủ khả năng cần thiết để chuẩn bị ra đi trong những điều kiện tốt đẹp.

Vấn đề này quan trọng và phổ quát đến nỗi tất cả các nền văn hóa và truyền thống – tôn giáo và triết học – đều không thể không nghĩ đến. Vì thế, trên toàn thế giới có rất nhiều phương thức đã được đề nghị để đối phó với cái chết, cái chết của chính mình và của người khác. Chúng ta chỉ cần lấy đó mà dùng. Muốn thế, chúng ta cần sưu tầm càng nhiều dữ liệu càng tốt, và sau đó phán định xem phương thức nào hữu hiệu nhất. Theo tôi nghĩ, lý tưởng nhất là làm sao tìm biết tối đa các phương thức từ các truyền thống khác nhau.

Nhưng có phải vì thế mà chúng ta cần áp dụng tất cả cho chính bản thân mình? Không. Trước hết, không thể làm được vì có quá nhiều phương thức. Thứ hai, vì có những phương thức đối với người này có thể là tuyệt hảo nhưng đối với người khác lại hoàn toàn không thích hợp. Đó chính là sự hữu ích, nói đúng hơn là sự cần thiết của sự đa dạng. Nhờ thế mà chúng ta có thể tùy trường hợp để áp dụng. Do đó, chúng ta phải tuyển chọn những gì thích hợp nhất với mình, tùy theo tính tình, tín ngưỡng và khả năng của riêng ta. Phân biệt được những gì trực tiếp hữu ích cho mình là điều rất đáng quý, nhưng ngoài sự áp dụng cho chính mình ra, có lúc chúng ta sẽ phải ngồi bên giường hấp hối của một người mà ta muốn giúp đỡ. Có thể người ấy rất khác với chúng ta trên phương diện tính tình, quan niệm hay tín ngưỡng. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tìm biết càng nhiều càng tốt, vì nếu phương pháp này không trực tiếp ích lợi cho ta, nó lại có thể hoàn toàn thích hợp với người mà ta muốn giúp, và trong trường hợp đó ta nên dùng đến nó.

Để cho rõ ràng hơn, chúng ta hãy lấy một thí dụ. Hãy tưởng tượng anh A đến phù trợ anh B đang ở thời kỳ cuối của cuộc đời. Vì chúng ta ở Âu châu nên hãy tạm cho rằng anh A theo đạo Thiên Chúa – điều này rất có thể xảy ra vì ở đây đa số theo đạo Thiên Chúa. Nhưng ngược lại, có thể anh B lại là Phật tử. Nếu anh A đến để xoa dịu và trấn an anh B mà chẳng đoái hoài gì đến tôn giáo của anh B, lại chỉ sử dụng ngôn ngữ Thiên Chúa để nói chuyện với anh Phật tử B đang hấp hối thì e rằng anh B sẽ không nghe và không hiểu anh A. Anh A sẽ có nguy cơ thốt ra những lời rất khác biệt, hoặc trái ngược với tín ngưỡng của anh B. Thế mà, trong giây phút cuối cùng rất tế nhị, nếu ta nói những lời không phù hợp với lòng tin của người hấp hối, nói những lời thiếu hiểu biết hay trái ngược với lòng tin này, thì thay vì giúp đỡ họ, ta có thể làm cho họ bất an hơn. Trong khi họ đang đi vào cõi chết mà ta còn nói với họ những lời họ không tán thành. Làm như thế, chúng ta không thật sự giúp đỡ họ, nhất là trong những giây phút khó khăn ấy.

Nói cách khác, cho dù ta không đồng một quan niệm với người lâm chung, nhưng tốt hơn hết chúng ta vẫn nên lưu tâm đến để có thể, hoặc là nói cùng một ngôn ngữ với họ, hoặc ít nhất cũng không làm cho họ phật lòng vì những lời nói trái ngược với những gì mà họ tin tưởng là sự thật.

Như chúng ta đã biết, trên thế giới này có rất nhiều truyền thống, đủ loại tôn giáo; và mỗi một truyền thống hay tôn giáo đều đã thiết lập một số phương thức, đặc biệt để đối phó với những giây phút cuối của cuộc đời. Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo ở Xứ Tuyết (hay Tây Tạng), vì sự quan trọng của giây phút lâm chung nên có rất nhiều vị cao tăng đã lưu tâm, vì thế Phật giáo có rất nhiều phương thức có thể ứng dụng được trong những giây phút ấy.

Lúc nãy tôi có nói rằng, trước sự phong phú của những kỹ thuật được hình dung trên thế giới, điều lý tưởng nhất là làm sao đạt được một sự hiểu biết càng sâu rộng càng tốt. Chính trong viễn cảnh đó mà buổi hội thảo hôm nay sẽ là sự đóng góp của Phật giáo, hay nói đúng hơn là sự đóng góp của [Phật giáo] Tây Tạng vào ngân hàng tài liệu chung.

Tuy thế, chính vì có quá nhiều phương pháp mà Phật giáo đã thiết lập, chúng ta không thể khảo sát hết trong một vài giờ, hay ngay cả trong một vài ngày. Nếu chúng ta có ý muốn đi đến tận cùng của đề tài, chúng ta sẽ cần đến rất nhiều năm tháng mà vẫn không rút tỉa được hết cốt tủy của nó. Nói thế không phải là khoe khoang. Vấn đề không phải là tự mãn trước những gì Phật giáo có thể đem lại cho kiến thức chung. Những ai biết Tạng ngữ có thể lướt qua hai tạng Kinh và Luận của Tây Tạng, tức là giáo pháp của đức Phật và những bản luận của các đại đạo sư Ấn Độ. Chỉ cần lướt qua thôi cũng có thể thấy ngay tầm mức của khối kiến thức ẩn tàng trong ấy.

Phật giáo là một tôn giáo đã xuất hiện tại Ấn Độ rồi lan truyền sang nhiều nước khác, trong đó có Tây Tạng, khoảng từ thế kỷ thứ sáu. Từ bao nhiêu thế kỷ qua, truyền thống này không những được gieo trồng mà còn đâm chồi nẩy lộc và nở ra những đóa hoa tuyệt đẹp ở Tây Tạng, khiến cho những tri kiến mà đức Phật và những vị tổ sư kế tục Ngài truyền trao đã mang lại một sự giúp đỡ to tát cho những thế hệ kế tiếp. Kết quả là truyền thống này vẫn còn rất sống động chứ không phải là một truyền thống xưa cũ đang tàn lụi và chỉ còn lưu lại kỷ niệm trong sách vở. Đây không phải là những kiến thức hàn lâm chuyên môn thuộc về trí năng thế gian, mà là một truyền thống có cội rễ trong những xã hội đã thừa nhận nó, và nó đã tác động một cách hiển nhiên, cụ thể đối với những người vận dụng nó.

Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo được truyền trao bởi các đại sư Tây Tạng, đã đem lại lợi lạc không những cho người Tây Tạng mà còn cho nhiều dân tộc láng giềng nữa. Các trường học Tây Tạng đã phát triển rộng rãi tại Nội Mông và Ngoại Mông và cả Trung Quốc. Trung Quốc quả là có biết đến Phật giáo trước Tây Tạng rất lâu, nhưng dưới hình thức khác. Vài thế kỷ sau, giáo pháp truyền trao bởi các đại sư Tây Tạng đã mang lại cho Phật giáo nước này một sinh lực mới. Sau khi đã lan truyền ở Á châu, hiện nay ta nhận thấy Phật giáo đã khơi dậy một sự quan tâm ngày càng rộng lớn hơn ở Âu châu. Ở đây, người ta biết đến Phật giáo ngày càng rõ hơn và đã có một số người hành trì Phật pháp nữa.

Nói tóm lại, Phật giáo quả thật có thể đề nghị rất nhiều phương thức, đặc biệt là trong lãnh vực của sự chết. Như tôi có nói, chúng ta sẽ không thể đề cập đến tất cả [các phương thức] vì nhiều lý do. Một là vì nội dung quá phong phú, hai là vì tri kiến Phật giáo là cả một đại dương mà sự hiểu biết của tôi chỉ như một vài giọt nước, và tôi chỉ có thể nói lên những gì tôi biết, nghĩa là rất ít so với toàn bộ. Thứ ba là vì có một vài phương thức trong Phật giáo đòi hỏi một sự chuẩn bị và cần phải thực hiện nhiều giai đoạn trước đó. Trong một buổi hội thảo dành cho đại chúng như hôm nay, đề cập đến những phương thức này không lợi ích gì, vì những căn bản cần thiết là quá đặc thù và quá chuyên môn để có thể ứng dụng cho tất cả mọi người. Trên thực tế, trọng tâm nhấn mạnh sẽ là những phương thức mà mỗi người trong chúng ta đây đều có thể sử dụng. Chúng ta sẽ đề cập đến những điểm rất thực tiễn mà ai cũng có thể áp dụng, không nhất thiết phải là Phật tử.

Làm sao tôi có thể quả quyết rằng tất cả chúng ta đều có những khả năng cần thiết để chuẩn bị cho cái chết? Đó là vì – ít nhất là theo quan điểm Phật giáo – nếu không phải tất cả thì cũng là đại đa số những kinh nghiệm hạnh phúc hay khổ đau mà ta đã trải qua trong suốt cuộc đời đều trước hết đến từ tâm chúng ta. Những gì chúng ta cảm nhận hầu hết đều đến từ trạng thái tâm thức của ta, từ cách nhìn sự việc của ta.

Về sự tụ tập của chúng ta hôm nay, với những điều kiện như vật chất v.v... hiện có, chắc chắn ta có thể bắt đầu suy niệm để có một cái nhìn thích đáng về sự việc hầu đối mặt với sự chết một cách dễ dàng hơn. Nói chung thì người nào cũng có khả năng làm điều đó. Hơn nữa, hãy công nhận là chúng ta thuộc thành phần được ưu đãi. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không có vấn đề gì. Chắc chắn là trong chúng ta đây cũng có những người gặp khó khăn thật sự như thất nghiệp, bệnh tật v.v... Nhưng sự có mặt của chúng ta ở đây đủ chứng minh rằng ta đang ở trong một hoàn cảnh có thể gọi là khá tốt, nhất là vì trí năng của ta hãy còn hoàn hảo, nhờ thế mà ta có thể suy nghĩ và lý luận.

Bởi vì ai cũng có khả năng suy tư nên tôi sẽ lấy ra từ cái túi đựng của Phật giáo những phẩm vật và bày biện trước quý vị. Như thế, quý vị sẽ có thể [tùy ý] chọn lựa. Hôm nay là thứ bảy, ngày họp chợ. Tôi sẽ bày hàng của tôi lên quầy hàng. Quý vị là những khách hàng đến dạo chơi, sẵn sàng mua hàng nếu cần nhưng không bắt buộc, chỉ khi nào tìm được món hàng vừa ý mới mua thôi.


Về tài liệu tham khảo

Để thảo luận đề tài hôm nay, giữa thiên kinh vạn quyển của Phật giáo nói về cái chết, chúng ta sẽ chọn ra và dựa theo ba nguồn tư liệu gốc: hai quyển kinh và một cuốn luận giảng Tây Tạng.

Kinh là giáo pháp do chính đức Phật đã tuyên thuyết hoặc khơi nguồn. Hai quyển kinh mà tôi chọn rất ngắn gọn, nhưng nội dung rất phong phú và súc tích. Đó là:

Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử.

Kinh nói về mười một niệm tưởng phải có.

Cả hai đều thuộc về truyền thống Đại thừa.

Kinh Đại thừa nói về diệu trí lúc cận tử đã được các nhà học giả Ấn Độ luận giải rất nhiều, đáng kể nhất là hai bộ luận chính bằng tiếng Phạn. Nhưng hôm nay tôi sẽ căn cứ trên một bộ luận gần đây hơn, của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 7, Kelsang Gyatso (1708-1757), rất mạch lạc và chi tiết.

Quyển sách tham cứu thứ ba là của Thượng Sư Tây Tạng Tuken Losang Chokyi Nyima, thường được tôn xưng là Kusali Dharma Vajra (1737-1802), tựa đề là “Làm sao giúp đỡ người lâm chung: cứu giúp những kẻ đáng thương hết sinh khí”.

Có rất nhiều đại sư Tây Tạng đã viết giảng luận về vấn đề này, cho nên chúng ta có rất nhiều tài liệu và không biết chọn tài liệu nào, nhưng muốn cho hữu hiệu thì chúng ta phải tự biết giới hạn hợp lý. Vì thế, chúng ta sẽ chỉ sử dụng ba tài liệu nói trên. Dầu sao đi nữa, tuy có rất nhiều bài viết bằng tiếng Tây Tạng nói về cách giúp đỡ người lâm chung và người quá cố, nhưng phần đông dạy về mật pháp và nội dung thường rất giống nhau. Sự khác biệt nằm ở đối tượng phải cầu thỉnh: Phật Dược Sư, Phật Di-lặc, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, hay Phật A-di-đà v.v... Nhưng ý nghĩa và lời nguyện cầu thì không thay đổi.

Mặt khác, có nhiều tài liệu như thế cũng là một điều rất tốt, vì đừng quên rằng theo Phật giáo, chúng ta nên và cần phải thích ứng mỗi hành động theo từng trường hợp. Bởi vì mỗi hành giả chắc chắn là có những mong cầu hay tập quán khác biệt và đa dạng, họ phải được cung ứng một phương pháp hành trì thích hợp với nhu cầu của họ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.206.12.31 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (401 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...