Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Du lịch xứ Phật »» Chương 11: Đức Phật sống Đạt-Lai Lạt-Ma »»

Du lịch xứ Phật
»» Chương 11: Đức Phật sống Đạt-Lai Lạt-Ma

(Lượt xem: 3.706)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Du lịch xứ Phật - Chương 11: Đức Phật sống Đạt-Lai Lạt-Ma

Font chữ:

Tôi giải đáp xong ở hội đồng các ông bộ trưởng, bèn trở về nhà ông Sonam mà chờ tin. Qua ba ngày sau, đức vua cho triệu tôi một cách bí mật. Vua không triệu tôi vào triều, có lẽ vì ngài không muốn nghe những điều trách móc của quan dân. Ngài muốn cho tôi đến bệ kiến riêng trong đền là có ý để xem tôi ra thế nào. Ngoài ngài với tôi ra thì không còn ai hay biết việc này, cho đến chủ nhà trọ và mấy người của tôi cũng không biết. Vào lúc chiều, có một người đến kiếm tôi và mời tôi vào tòa Kashak. Tôi đi theo, không thấy ghé tòa mà đi quanh một con đường ra khỏi thành phố và đi thêm một quãng nữa thì đến dưới đền vua.

Bấy giờ trời tối, tôi không thấy rõ là đi đến đâu. Nhưng giây lát, người ấy đưa tôi đi tới một ngôi làng nằm về phía dưới đền vua, đến một cái cửa kín ở chân núi mà đi vào. Trông xa, đền Potala tựa hồ như một cái đền to lớn mênh mông, nhưng khi lại gần mới rõ ra là nhiều dinh thự liên tiếp với nhau: nào là hoàng lăng, nào là chùa, nào là điện tiếp khách, nào là dinh của đại thần, nào là trường đào tạo những vương tôn để sau ra làm quan.

Chúng tôi lần lên trên núi và vào một cái đền đỏ cao hơn hết. Đi khỏi dãy hành lang, lại phải lên nhiều cái thang, sau rốt mới tới chót đền. Đưa tôi vào trong một căn phòng rồi người dẫn đường mới từ tạ mà lui ra.

Tôi tưởng là ngồi một mình, nhưng vừa nhìn vào phía trong thì thấy có một người đang chăm chú nhìn tôi. Người ấy chính là đức vua Dalai Lama, tức là đức Phật sống ở Tây Tạng vậy.

Tôi được hầu chuyện với ngài một độ lâu, tuy là bàn những việc khái quát chung chung, mà ngài cũng bảo tôi phải kín miệng mới được. Ngài lấy làm ngại lắm, sợ công chúng hay rằng tôi có đến chầu ngài. Và ít hôm sau, thiên hạ để lòng nghi thì ngài lại phán rằng không bao giờ ngài thấy mặt tôi, và khiến người sang bảo tôi phải nói như ngài. Tôi không nhớ trọn những câu chuyện mà ngài với tôi bàn luận, nhưng tôi có thể tỏ ra cái cảm tưởng của tôi đối với ngài.

Vua nhỏ người, mặt hình trái xoan, hơi dài hơn gương mặt của nhiều người trong nước. Mặt ngài rổ hoa mè. Đầu ngài cạo theo lối tăng sĩ, nhưng có để râu hai bên mép.

Từ lâu rồi, người ta nhận ngài là một đức Phật sống, và ngài cũng đinh ninh như vậy luôn, nên phát lộ ra vẻ ấy. Ngài điềm tĩnh, ít cử động tay chân và ngồi với dáng vẻ khiêm nhượng. Ngài chẳng phải nhu nhược như phần đông người trong xứ. Ngài không có vẻ mỹ miều và bí ẩn như đức Ban-thiền ở bên Shigatsé. Ngài là người ở thế, quan sát kỹ, đối đãi rạch ròi, và độ biết được lối bí thiết của những sự hành động có liên hệ đến long thể.

Đời sống của ngài vẫn là trong sạch. Ngài không có vợ cùng là con cái như vua các xứ Á Châu, không uống rượu mà cũng không hút thuốc. Ngài ăn những thức ăn bình thường và mặc y phục như tăng sĩ. Ngài thích ở trong đền riêng của ngài, cách kinh thành chừng hơn một ngàn mét, không thích lui tới những yến tiệc nơi đền Potala. Nhưng ngài lo việc quốc sự một cách sốt sắng lắm. Ngài có chí khí cao lớn, dè dặt nhiều, lo liệu những phương này thế nọ để làm cho quyền thế mình thêm cao và đè nén dần dần thế lực của phái nghịch.

Lúc thiếu thời vì tánh mạnh bạo, ngài đã phạm nhiều việc liều lĩnh, vô ý thức và bị hư hỏng nhiều lần. Đến lúc lâm nạn, ẩn dật nơi xa, không được về nước mà ngồi trên thiên hạ, ngài mới biết khổ tâm, rồi mới tập được tánh dè dặt, bình tĩnh và biết liệu trước xem sau. Không bao giờ ngài hành động về việc nước mà không lường trước những điều xảy ra về sau. Người ta quyết cho ngài có nhiều phép huyền diệu, song riêng phần ngài thì ngài không nghĩ như vậy. Trí sáng thì bậc trung, nhưng ngài có đức độ lớn, lanh lợi nhiều, lấy lý luận mà thẩm xét chớ không trông cậy vào sự siêu hình và phó thác cho trời. Ngài biết chọn kẻ làm tôi. Như ngài giao việc nước cho quan Tsarong-Shapé chuyên lo, ấy là ngài có mắt tinh lắm vậy.

Ngôi vua bên Tây Tạng không phải là cha truyền con nối, mà cũng không phải là do dân bầu. Triều thần chọn người mà tôn lên một cách khác hẳn với các nước trên thế giới. Theo lý thuyết, đó là Phật giáng sanh, đức Tchenresi tức là đức Quán Thế Âm hóa thân, mà cũng là vua tái sanh. Sau khi vua băng trong khoảng từ ba tháng cho đến hai năm, Hội đồng tăng sĩ mới cho dân sự hay các vị đã tìm được đức Phật Đạt-lai Lạt-ma mới. Vua mới này là cậu bé mới sanh ra, hoặc được vài tuần hoặc được một hai tuổi. Điều cần nhất là đứa trẻ ấy phải sanh ra khi vua băng, nghĩa là vua đã tái sanh thành đứa trẻ ấy.

Có đôi khi, lúc vua sắp băng phán với đình thần rằng mình sẽ tái sinh vào nhà nào hoặc ở chỗ nào đó. Nếu có di mệnh như thế thì thật tiện, triều thần sẽ biết chỗ mà đi thỉnh về. Nhưng có lúc vua không trối lại, mà ý kiến của các tăng sĩ thì khác nhau. Lúc bấy giờ phải bỏ thăm mà chọn lựa.

Chẳng phải có một mình vua là cho hay trước rằng mình sẽ tái sinh vào nhà nào, mà những vị tăng trưởng ở những ngôi chùa lớn trong xứ Mông Cổ và Tây Tạng cũng đều làm như vậy. Trước khi tịch, các ngài cho hay rằng sẽ sanh lại nơi xóm nào, nhà nào, rồi giáo hội tới đó mà rước về chùa.

Bốn đời vua trước nhất thuộc về giới tăng sĩ, vì không chú trọng đến sự mạnh mẽ của nước nhà, nên ở ngôi được lâu dài. Qua đời vua thứ năm, nhờ giặc Hung nô giúp sức cho nên được lên ngôi. Sau đời vua này, những vua khác được tôn lên không đều, vì nhiều vị ra tranh, mỗi vị có mỗi phe phái bênh vực. Sau cùng, lại có phe phái sang xin với Hoàng Đế bên Trung hoa can thiệp để lập người của phe phái ấy lên. Trung Quốc ban đầu sang giúp yên xứ Tây Tạng như thế, dần dần đến năm 1720, về đời vua Khang Hy thì Tây Tạng thành ra chịu sự bảo hộ của Trung Quốc. Tuy là Tây Tạng tự trị lấy, song vua Trung Quốc có đưa sang hai vị sứ quân ở tại Lhassa, hai vị quan này có quyền thế rất nhiều và tham lam cũng không ít. Chế độ bảo hộ kéo dài được gần hai trăm năm, đến năm 1912, dân Tây Tạng uất ức, bèn hợp nhau mà dấy lên, có đức vua đương thời cầm đầu, cùng với Namgang tức là ông Tsarong-Shapé. Cuộc nổi dậy đạt kết quả, nước Tây Tạng hiện nay được độc lập tự do, không còn ở dưới quyền áp chế của Trung Quốc.

Cách chọn lựa như vậy, nên các vua Tây Tạng khi chưa đến tuổi trưởng thành thì phải có một vị nhiếp chính cầm quyền, vị này là một tăng sĩ.

Vua đương thời là người đã trưởng thành, nên không cần đến việc nhiếp chính. Trên một trăm năm nay mới có một mình ngài cai trị xứ Tây Tạng ở tuổi trưởng thành. Ngài có nghị lực lớn nhờ trước kia đã thoát chết nơi tay quân Trung Quốc mà ra khỏi Tây Tạng, sau mới được về nước nhà phục ngôi. Ngài không phải thuộc dòng dõi sang trọng, mà sanh trong nhà một người nhà quê.

Lúc ngài được tôn làm vua, xứ Tây Tạng hãy còn dưới quyền bảo hộ của Trung Quốc. Trung Quốc không muốn tuyển vua trong hàng quý tộc, cho nên người ta mới tôn một người trong phái bình dân, vì vậy nên đứa trẻ nhà quê mới được ngồi trên thiên hạ.

Nay vua được năm mươi tuổi rồi. Lúc vừa đến tuổi trưởng thành, ngài lo ngại nhiều, sợ mình phải băng như những vua trước, nên để ý giữ gìn, mỗi khi ăn uống đều có người nếm trước rồi ngài mới dùng sau.

Khi lên mười tám tuổi, ngài quyết nắm thực quyền, vì trước đó ngài chỉ có tiếng làm vua chứ chưa có quyền. Giới tăng sĩ không thể chối từ, nên từ đây ngài được giữ lấy cơ đồ.

Ngài thấy nhiều công cuộc do tự mình được thành tựu, và muốn ở ngôi cho vững bền nên ngài đi theo một chính sách vừa can đảm vừa liều lĩnh. Ngài tự tiện tìm cách giao thông với nước Nga.

Điều này làm cho Anh Quốc và Trung Quốc bất bình. Nên qua năm 1904, quân đội Anh Quốc kéo vào Tây Tạng, tướng cầm đầu là Younghusband. Quân đội Anh kéo đến thì ngài bỏ ngôi mà sang lánh bên Mông Cổ, kế qua Trung Quốc và có đến ngụ một lúc ở Bắc Kinh. Đến năm 1908, ngài trở về nước, nhưng được 18 tháng thì lại quân Trung Quốc kéo sang. Lần này chính phủ Anh bên Ấn Độ vui lòng tiếp rước ngài. Ngài ngụ ở Ấn Độ từ năm 1910 đến năm 1912.

Vào năm 1912, nhờ Namgang, tức là Tsasong, quét sạch cả quân Trung Quốc và đuổi ra khỏi xứ Tây Tạng, vua bèn trở về và lo chấn chỉnh việc nước nhà. Ngài cải cách cho quê hương nhiều, nên hiện địa vị chính trị của Tây Tạng cũng rất khả quan.

Trong nước chia ra làm hai phe phái, một bên là triều thần và Hội đồng các bộ trưởng, có những nhà sang trọng và có quốc dân ủng hộ, còn một bên là quốc hội gồm giới tăng sĩ ở các chùa chứ rất ít người tại gia.

Hai bên đều có quyền thế, song giới tăng sĩ rất bảo thủ theo cổ lệ. Phía quan chức là những người từng đi du lịch xa, ý kiến theo hiện đại, theo đuổi việc duy tân và tiến bộ. Phái này thân Anh, còn phái tăng sĩ lại thân Trung Quốc mà ghét người Anh.

Hiện nay thì nhà vua có nhiều quyền thế hơn, nhưng không hiểu khi vua băng thì trong nước sẽ ra thế nào. Có người cho rằng quan Tsarong sẽ lên cầm quyền. Có người nói rằng chừng gần băng, nhà vua sẽ chọn một ấu chúa đặng đào tạo theo ý của mình. Những người tiên tri lúc trước có lan truyền trong dân gian rằng, đến đời vua Dalai Lama thứ mười ba, khi vua băng thì xứ Tây Tạng sẽ bị người da trắng bên phương Tây chiếm lấy, và chức vị Dalai Lama sẽ chỉ còn là một ký ức trong lịch sử mà thôi.

Trong khi bệ kiến nhà vua, lòng tôi lại nhớ đến những chuyện ấy.

Một giờ sau, tôi từ giã mà trở về chỗ ngụ một cách bí mật, cũng như khi tôi mới đến. Thế nhưng đến sáng hôm sau, chuyện của tôi đã nổ bùng ra.

Tôi nghĩ rằng nhiều người đã biết việc tôi rồi thì không còn thế nào mà dấu kín được nữa. Người ta đồn đại nhiều với nhau ngoài chợ, tiếng thấu đến tai một số tăng sĩ thuộc phái cực đoan. Vì thế, qua hôm sau dân chúng kéo nhau lại và vây quanh nhà trọ của tôi. Chẳng bao lâu, họ càng đến đông hơn, như vậy cho đến xế chiều, tình hình có bề khó chịu. Chừng hai ba người có vẻ hung bạo hơn đang lớn tiếng bảo tôi phải ló ra cửa sổ, còn mấy người khác đồng hô lên đòi giết tôi. Kế đó thành ra một trận chưởi rủa và trù ẻo ầm ĩ dội tới tai tôi. Họ quăng đá và cây lên. Phòng tôi may nằm ở tầng lầu thứ hai cho nên họ liệng lên không tới, nhưng có ít món chạm đến bể kính cửa sổ. Trong bọn họ, không người nào có súng, cho nên tôi biết họ chỉ phá hư chút đỉnh thôi, chỉ e họ tràn vô nhà thì mới nguy hại, hư hao.

Ở đây, tại Lhassa, nhà nào cũng cất giữa một cái sân. Tầng dưới nơi mặt đất là để nuôi bò, ngó mặt ra đường không có cửa cái cửa sổ chi cả, duy có một cái cửa chính đưa về phía sau sân. Tôi đã phòng ngừa trước, sai người đóng cửa đó rồi. Dân chúng họ áp lại toan phá cửa, nhưng cửa rất chắc. Nếu ở nơi khác thì còn sợ họ đốt nhà, nhưng ở Tây Tạng nhà xây bằng gạch, lợp bằng ngói, không thể cháy được. Người nhà có thể phản bội chúng tôi mà mở cửa cho dân chúng vào, nhưng tôi biết họ sợ hư nát đồ đạc nên tôi không lo về điểm đó.

Thấy họ hăm dọa dữ dội như vậy thì tôi lấy làm lạ lùng và tức tối. Còn những người theo tôi cũng sợ sệt vô cùng. Nhưng đám đông không thể vào trong nhà, nên tôi không thấy gì là nguy. Tuy vậy, suy nghĩ dè dặt hơn, tôi định đi ở xóm khác. Tôi bèn giả dạng và dẫn mấy người của tôi theo, theo một cửa bí mật mà lần ra một con đường nhỏ ngoài xa.

Tôi muốn ngụ nhà một ông quan có cảm tình với tôi nhưng trước hết tôi thích xem dân chúng họ phá nhà trọ của tôi.

Muốn lại chỗ ngụ, phải đi ngang nhà trọ của tôi. Tôi đứng lại giây lát, phía sau đám đông phá rối kia. Tôi cũng làm bộ la ó như họ, tôi cũng vác đá mà liệng lên cửa sổ. Đến chừng tôi đi rồi, sau lại tôi mới hay rằng có một toán lính đến để cứu tôi, sợ dân chúng họ phá cửa vào được mà nguy cho tôi. Nhưng sự giải cứu của họ không ích lợi gì. Trời gần tối và tới giờ ăn, đám đông náo loạn dần tản đi hết, tôi trở về nhà trọ theo cái ngỏ hẻm lúc tôi đi ra.

Sau vụ ấy, chính phủ phải ra lệnh nhận tôi là tù chính trị của quốc gia, tạm giam tôi trong vài tuần lễ, từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3. Tôi bị giam nhưng được hài lòng, vì có dịp mà bồi bổ sức khỏe lại. Tôi ho nhiều, nhất là bị bệnh kiết đã khá lâu. Ban đầu tôi muốn rước một vị lương y đến xem bệnh. Các lương y đều là các vị Lạt-ma. Người ta khuyên tôi không nên rước thầy, vì sợ khi trị bệnh họ bỏ thuốc độc vào cho tôi uống thì nguy!

Mấy vị lương y Lạt-ma bên Tây Tạng không dùng các phương pháp như y sĩ Âu Tây. Họ theo mấy bộ kinh sách xưa của đạo Phật mà trị bệnh, và có dung hòa với y học của Trung Quốc.

Về khoa giải phẫu thì họ không biết. Dường như họ cho rằng không cần học về giải phẫu cũng có thể trị bệnh. Họ cũng có vẽ hình thân thể con người, hình vẽ kỹ lưỡng, nhưng trên mấy bức vẽ ấy, trái tim đàn bà nằm giữa ngực, còn trái tim đàn ông nằm bên trái. Máu đỏ chạy theo thân bên mặt, máu vàng chạy theo bên trái.

Họ cũng biết mổ, nhưng phương pháp lạc hậu. Và họ không dùng thuốc sát trùng cho nên vết mổ thường làm độc rất nguy cho bệnh nhân.

Tuy là nghề làm thuốc rất xưa, nhưng người Tây Tạng cũng phải dày công học lắm. Phải học mười năm nơi trường y học mới có thể thi lấy bằng bác sĩ hoặc ngoại khoa y sĩ. Lại còn một nổi khổ này là sau mười năm học tập, chừng thi ra thì nhiều người không đậu. Khắp trong nước được một trăm vị y khoa tiến sĩ, phần đông đều ở dồn lại kinh thành. Còn các vùng quê, nếu có đau ốm thì rước thầy sãi đến trừ bệnh hoặc trừ tà.

Tôi có quen một vài người. Họ yêu mến tôi, lo lắng giùm cho tôi. Họ nói rằng tôi có thể rước các tu sĩ đến trị bệnh mà khỏi cần uống thuốc. Tu sĩ có ba cách chữa trị cho tôi, có thể làm dứt bệnh. Một là tụng kinh Phật cầu cho tôi lành mạnh. Thường là tụng kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Hai là cúng thí cho ma quỷ để không còn phá hại tôi. Nếu hai cách ấy không hiệu nghiệm thì sẽ làm một hình nhân giống người bệnh, cho mặc áo quần, rồi đem nạp cho thần chết. Nếu thần chết thâu nhận thì có thể lành bệnh. Còn hai cách nữa là uống thuốc hoàn của Phật sống, nghĩa là hoàn thuốc lớn như viên đạn, làm bằng bột trộn với một mảy muối di tích trong người của một đức Phật sống nào đó, hay hơn hết là của nhà vua. Họ hứa với tôi sẽ đem thuốc hoàn của vua lại cho tôi dùng. Lại còn một cách nữa là phóng sanh cho loài vật, tỷ như mua một con thú sắp bị giết và thả con thú ấy.

Người ở đây tin tưởng rằng sự đau ốm là vì trước có làm ác, và muốn cho mạnh khỏe lại thì phải chuộc tội bằng cách phóng sanh.

Về bệnh tình của tôi, tôi biết có cách này là hiệu nghiệm hơn các phương pháp về y khoa, là tôi phải ăn uống cho kỹ hơn đặng lấy sức lực lại, vì trong khi đi đường tôi chỉ ăn lúa mạch, thịt thối và uống nước trà mà thôi. Còn ở tại kinh đô có đồng ruộng, có vật thực và trái cây nhiều, tôi có thể ăn cho bổ khỏe lại.

Trong khi chính phủ giam tôi vì quốc sự, thì ngồi bên cửa sổ, tôi cũng có thể thấy vài cuộc lễ linh đình.

Trước hết là lễ rằm tháng giêng âm lịch. Hôm ấy, vừa đến xế, trước khoảng đất trống, những người thợ cùng nhau làm giàn cao có bệ coi rất oai nghiêm. Những bệ này có vài cái cao đến một trăm rưởi mét, có nhiều tấm vải cắt ráp vào theo những biểu hiệu riêng về tôn giáo. Người ta nhộm, tô điểm và vẽ hình màu. Trước mỗi bệ, người ta có bày bàn thờ bằng cây, trên bàn thờ có để đèn bằng đồng.

Đến chiều tối thì đèn sáng rực lên. Qua bảy giờ tối, đức vua ngự ra với các nhà quyền chức cầm đuốc đi vòng quanh cuộc lễ. Có cả ngàn kẻ thành tín ở phương xa đến, đi theo sau. Chính mắt tôi trông rõ thì lễ rằm tháng giêng là lớn lắm. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn với cái cảnh Âu Á giao lưu: quân kỵ mã bao quanh đức vua thì mặc sắc phục tân thời. Còn mấy nhà chức phẩm và hạng thầy tu thì giữ theo lệ cũ, mặc y phục theo xưa, lại các quan binh đều nai nịt theo như quân đội Anh, có bồng súng và thổi kèn nhà binh như Âu Tây.

Đèn sáng rực, tôi thấy người ta đi tấp nập, đông vô kể. Mà đến rạng đông thì đèn tắt, giàn cao và bàn thờ đều dẹp hết. Đến tám giờ sáng, không còn thấy dấu tích gì, người Tây Tạng vẫn đi đi lại lại chậm chạp như thường.

Cuộc lễ gốc ở chùa Kumbum nằm về miền đông bắc Tây Tạng. Cái giàn cao lớn lập ra ở giữa là tòa tinh thất của đức Tsong-khapa, người sáng lập Hoàng giáo, tức là phái thầy tu tịnh hạnh áo vàng và mũ vàng. Chính ngài truyền bá cuộc lễ rằm tháng giêng trong xứ Tây Tạng.

Trong cuộc lễ, có cả trăm cái bệ với bàn thờ, mỗi nhà chùa và mỗi nhà danh giá trong thành đều có một cái bệ riêng để tế lễ rất kỹ lưỡng, không cho sai sót chỗ nào.

Kế có một kỳ lễ nữa cũng long trọng, là lễ của quân đội, có diễn binh theo thể lệ quân đội ngày xưa. Bây giờ xứ Tây Tạng có binh lính tập luyện theo tân thời, chứ ngày trước thì mỗi gia đình và mỗi nhà chùa phải nạp bao nhiêu lính cho nhà vua, khi có giặc thì vua dùng quân ấy. Quân đội ngày xưa đến nay cũng còn. Xem cuộc diễn binh, thật đáng ngạc nhiêu lắm. Họ chia ra làm ba tốp, tốp đầu mang cung tên, tốp kế theo mang giáo, còn tốp sau cuối thì ôm súng cũ rích hồi thế kỷ thứ mười bảy, không còn dùng được, nhưng họ cẩn khéo lắm, giả sử đưa vào các bảo tàng viện thì phải xếp hạng nhất! Họ để pháo sẳn trong súng, đến khi hành lễ, họ bắn ra một lượt, tiếng nổ kêu vang rất ghê.

Hầu hết binh lính mặc áo giáp bằng kim loại như của người Nhật Bản. Tay cầm khiên, và trên đầu có đội mão ghim lông công. Mấy vòng binh xưa ấy đi đảo qua đảo lại trong thành đến ba lần, rồi họ đi thẳng ra ngoài đồng rộng mà làm lễ và thao diễn luôn.

Kế qua hôm sau có cuộc lễ thứ ba, lễ cúng đức Di-lặc, đức Phật sắp ra đời. Có một pho tượng ngài ngự trên một cỗ xe độc nhất ở Tây Tạng mà người ta đẩy đi trong châu thành.

Vua Dalai Lama có ngự với quần thần. Vua đi kiệu, có nhiều người đi bộ theo vua, cũng có nhiều người cưỡi ngựa và la. Có đức Ban-thiền Lạt-ma với bà chủ chùa Samding cũng đi kiệu. Ba vị ấy đều ngồi một loại kiệu. Ở Tây Tạng, người ta không đi xe, chứ dùng xe thì tiện lắm. Trong cuộc lễ này, có hai thớt voi của xứ Népal cống hiến cho vua. Voi đi dáng vẻ đàng hoàng lắm, song không ai cưỡi, chỉ có hai người nài bên Népal chăn giữ thôi. Phía sau có ba con vật bằng hình nộm được đưa đi theo: con bò, con cọp và con voi.

Khi không có lễ thì tôi xem kinh đọc sách. Tôi nhờ La-ten mua vào nhiều thứ kinh sách viết bằng chữ Tây Tạng. Sách in không phải bằng cách sắp chữ như Âu Tây, mà in trên bảng bằng cây, giấy rất dày. Thường không được rõ, có nơi cả trang kinh là một đống mực đen thui. Nghề in sách lôi thôi là vì dân chúng ít người biết đọc. May lắm là họ thỉnh kinh sách để thờ, chứ đâu có cần đọc tụng, mấy cuốn này lại còn khó đọc hơn nữa.

Tôi dặn La-ten mua cho tôi hai thứ kinh sách: một thứ của hàng dân giả đọc và một thứ của các tăng sĩ thường dùng. Anh chàng đem về cho tôi năm sáu chục quyển. Sách của hạng bình dân thì xem ra dị kỳ lắm: trong ấy chép những câu sám hối với đức Phật, những câu chân ngôn, thần chú để đuổi tà trừ nạn, trừ bệnh, cùng là chép tiểu sử của một vị Dalai Lama, hoặc một vị thánh thần nào đó.

Trong mấy quyển của giới tăng sĩ, có ba quyển là bổ ích lắm. Một quyển gọi là Domang, ghi lại những cuộc thuyết pháp thông thường với hạng bình dân, trích trong bộ đại tạng Kangyur. Các tu sĩ nhờ vào sách này lắm, họ dùng nó mà đọc kinh trừ bệnh và cầu phước lành cho thiện nam tín nữ đi hành hương. Trọn bộ Kangyur thì lớn lắm, ôm theo không nổi. Còn quyển Domang thì tiện lợi hơn, dùng được nhiều việc.

Quyển thứ nhì sao lục những bài thi phú ca kệ của một vị du tăng tên Milarepa. Ông là một vị tăng đúng đắn, sống ngèo khổ, mặc một cái áo đà, đi đến đâu cũng đều có làm thơ rất có giá trị về văn chương. Nhiều bài ngâm vịnh về trời, đất và nhân vật của ông nghe thâm trầm, siêu việt lắm.

Quyển thứ ba là Lamrin-Chempo, chỉ rõ về đạo Phật, để dắt dẫn người ta đi vào Đại thừa cho khỏi lạc lầm. Quyển kinh quý giá này do đức Tsong-Khapa, một nhà cải cách ở Tây Tạng, soạn ra. Quyển này dẫn đường cho kẻ học đạo đến nơi giải thoát hoàn toàn.

Tôi xem văn thơ Tây Tạng nhiều. Một đôi khi lại có may mắn xem được một vài tờ báo tiếng Anh. Báo in bên Ấn Độ, do người Ấn Độ viết, có nhiều bài công kích và thóa mạ người Anh với chính phủ Anh.

Dường như lúc trước, đức vua có mua trọn năm hai hiệu báo xuất bản ở Calcutta là tờ Statesman và tờ Englishman, nhưng sau người ta trả lại vì vua không đọc được chữ nào.

Vua có vài ba cuốn sách bằng tiếng Anh nói về xứ Tây Tạng. Người ta có dịch mấy đoạn ra tiếng Tây Tạng để vua xem, vì ngài rất chú ý đến những lời bình phẩm về dân tộc và văn minh Tây Tạng. Ngài rất ghét vị tu sĩ Nhật Bản tên Kawagushi, vì ông này có lén qua Tây Tạng ở Lhassa và chừng về nước thì viết sách chê vị thánh Padma Sambhava rất tệ. Tôi không biết về sau chừng quyển sách của tôi xuất bản với mấy lời bình phẩm của tôi thì ngài có vừa ý hay không?

Trong khi bị giam, tôi có tiếp chuyện với nhiều vị khách có tiếng tăm ở thành Lhassa do ông Sonam và ông Tsarong giới thiệu. Nhờ vậy mà tôi đỡ buồn. Có mấy nhà sư học rộng, kiến giải cao, biết tôi thích nghiên cứu Phật giáo nên đến bàn luận với tôi.

Tôi có làm bạn với một ông trưởng lão, cũng thường đến viếng tôi và ngồi đến mấy giờ đồng hồ, vừa uống trà vừa bàn luận về lý siêu hình trong đạo Phật. Tuy không có học thức Âu Tây, nhưng ông cũng là một học giả ở Tây Tạng. Ông không đặt nặng về những gì cụ thể, sờ mó được, mà lại thiên về những ý tưởng triết lý và siêu hình. Chúng tôi đã nhiều lần đàm luận và kể cả tranh luận. Muốn chứng minh rõ những bằng cớ đưa ra tranh luận của ông, ông có cho tôi nhiều bản thảo nói về mấy vị thánh nhân hiền triết ở Tây Tạng và Ấn Độ. Tôi đến Tây Tạng là cố ý sưu tầm sách vở và bản thảo như thế, nên tôi lấy làm vui mà nhận những món quà biếu rất quý giá ấy. Tôi cũng nhận được nhiều sách về triết lý và đạo đức. Kinh sách ấy không có bán ở hàng sách, nhưng trưởng lão cũng tìm cách in cho tôi mấy bộ. Khuôn in bằng cây thì để tại những ngôi chùa quan trọng. Khuôn to lớn, khi nào muốn có quyển kinh thì người ta đem giấy đến chùa, chịu cho nhà chùa chút ít tiền công, rồi họ soạn khuôn ra mà in cho mình. Vì tôi bị giam cầm, cho nên ông lo kiếm kinh sách về cho tôi.

Ông thật là một tu sĩ rất tử tế, tôi chưa từng gặp mấy ai như vậy ở trên cõi đời này. Ông ăn nói ôn hòa, khiêm nhượng, không kiêu ngạo như bọn tu sĩ dốt nát. Về sau, tôi mới biết rõ ông là hạng nhân tài rất hiếm hoi, riêng ở các chùa lớn tại Lhassa, do vua lựa chọn riêng vào hàng tu sĩ có học. Ông là bậc tiến sĩ về đạo lý, giữ chức Geshé.

Chức vị này là một vinh hạnh rất lớn của người Tây Tạng, ít ai đậu được. Là vì phải học trong hai mươi năm, phải thông hiểu sách vở, kinh kệ nhiều lắm mới đậu được. Trong nước cả muôn thầy tu mà có lẽ không được một trăm người đạt chức vị Geshé. Đây là bậc cao hơn hết trong năm bậc tu sĩ ở Tây Tạng, như kể ra dưới đây:

1. Người thanh niên khi mới xuất gia, bước chân vào chùa thì lãnh chức tập sự.

2. Biết đọc, biết viết và thuộc lòng ít kinh luật rồi thì lên chức Genyé, chức này ngang hàng với Ưu-bà-tắc là những người tu hành tại gia trong mấy xứ khác. Ở Tây Tạng kẻ tại gia không được chức ấy, mà phải tu tại chùa, làm chức Genyé rồi mới lên bậc tăng sĩ.

3. Học thêm kinh luật và được giáo hội nhận xét, khảo hạch rồi mới lên bậc Getsii, ngang hàng với Sa-di trong mấy xứ khác, song ở Tây Tạng thì được vào hạng tăng sĩ rồi. Rất nhiều tu sĩ chỉ lên đến chức vị này là tột cùng rồi, nhất là những tu sĩ ở các chùa nơi các tỉnh. Lên chức Getsii, thầy tăng có quyền dự vào các cuộc cúng tế.

4. Phải chịu nhiều cuộc khảo dược, phải cúng dường rộng rãi cho mấy nhà quyền chức nơi các danh lam cổ tự, rồi mới lên chức Gelong. Nhà sư lên chức này có quyền làm thượng tọa trong các cuộc lễ cúng và đủ hạnh đức mà làm thượng tọa trong những cảnh chùa nơi có một vị thượng tọa vừa tịch.

5. Rồi một số rất ít nhà sư bậc Gelong nhờ học hỏi, tu luyện rất nhiều công phu, sau khi ứng thí và thuyết pháp giữa đại chúng mới lên đến bậc cùng tột là chức Geshé, tiến sĩ về đạo lý.

Theo lẽ đạo, một nhà sư giữ chức Geshé có thể làm thượng tọa trong một cảnh chùa chính phủ, nếu chùa ấy vị thượng tọa không phải là một đức Phật tái sanh. Là vì trong mấy cảnh chùa to lớn nhất ở Tây Tạng chức thượng tọa cũng như ngôi vua, chỉ dành riêng cho các vị Bồ-tát giáng trần. Tuy vậy, có hai chức vị thượng tọa rất cao trọng dành riêng cho các ngài Geshé đầy đủ đức hạnh. Một là chức Shikyap Rempo, tức là tăng thống, cao hơn hết trong các thầy tu tại triều vua Dalai Lama. Địa vị ngài là về chính trị với ngoại giao, vì ngài thượng tọa tổng lãnh đứng làm trung gian giữa nhà vua với các nhà chùa lớn. Trong khi tôi ở tại Lhassa, người ta có cử một sư Geshé lên chức Shikyap Rempo, ông này về dòng quý phái Pala. Trước đây, cánh họ ông bị hành khổ vì sự thân thiện với chính phủ Anh.

Còn một chức nữa là Ti-Rimpoché, thượng tọa chùa Ganden là một cảnh chùa thứ ba trong ba cảnh chùa lớn nhất ở Lhassa. Chùa Ganden là chùa mà đức thượng tọa không để riêng cho một đức Bồ-tát tái sanh, ở chùa này các sư có danh là cao học hơn hết trong nước. Cho nên ông sư Geshé nào được cử làm thượng tọa chùa ấy thì được coi là nhà sư thông thái nhất ở Tây Tạng.

Thật ra, ở Tây Tạng, các tu sĩ giữ chức Geshé rất bác lãm về Phật học, còn phần đông tu sĩ trong xứ rất dốt nát, học thì nghe xuôi mà không hiểu nghĩa lý bao nhiêu. Phần nhiều, trong các cuộc khảo hạch, giáo hội không nhận cho họ vào mấy ngạch trên thì chịu trọn đời giữ chức Dokdakpa hay là sãi giữ chùa. Chính mấy sư này là rất hay gây gỗ và làm những sự tệ hại trong chốn Già-lam.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Gõ cửa thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.204.181.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...