Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Thái Tử Tu Đại Nã Kinh [太子須大拏經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Thái Tử Tu Đại Nã Kinh [太子須大拏經]


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.62 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.68 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thái Tử Tu Đại Noa

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với vô số Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, ưu-bà- di.
Khi ấy, Đức Phật ngồi giữa bốn chúng đệ tử mỉm cười, trong miệng thoát ra hào quang ngũ sắc. Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục tề chỉnh, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
-Con theo hầu Phật đến nay đã hơn hai mươi năm, chưa từng thấy Ngài mỉm cười như hôm nay. Có phải Ngài đang nghĩ đến chư Phật thời quá khứ, hiện tại hay vị lai chăng? Chắc là Ngài có ẩn ý gì, con xin muốn nghe điều này.
Đức Phật bảo A-nan:
-Ta chẳng nghĩ đến chư Phật thời quá khứ, vị lai hay hiện tại. Ta nhớ về thời quá khứ vô số a-tăng-kỳ kiếp trước đây đã thực hành hạnh Bố thí ba-la-mật.
Tôn giả A-nan bạch Đức Phật:
-Thế nào là thực hành hạnh Bố thí ba-la-mật?
Phật dạy:
-Vào thuở quá khứ lâu xa không thể tính kể được, có một nước lớn tên Diệp-ba. Vua của nước này hiệu là Thấp-ba. Nhà vua dùng chánh pháp trị nước, không hà khắc đối với muôn dân.
Vua có bốn ngàn đại thần, đứng đầu sáu mươi tiểu quốc và tám trăm làng xóm, có năm trăm voi trắng lớn, đẹp. Vua có hai vạn phu nhân mà không con, nên đích thân đi cầu đảo nơi các vị thần sông, núi, thế là phu nhân biết mình có thai. Nhà vua tự lo lắng, săn sóc cho phu nhân về các thứ như chỗ nằm, chăn đệm, thực phẩm đều phải mềm mịn. Đến đúng mười tháng thì phu nhân sinh thái tử. Hai vạn phu nhân trong cung nghe tin sinh thái tử đều vui mừng, sữa của các bà tự nhiên chảy ra, vì thế nên thái tử được đặt tên là Tu-đại-noa. Có bốn nhũ mẫu chăm sóc, nuôi dưỡng thái tử: Một người lo việc bú mớm, một người lo việc bồng bế, một người lo chuyện tắm rửa, một người chuyên đưa dẫn thái tử dạo chơi vui đùa.
Đến năm mười sáu tuổi, thái tử đã học đầy đủ các môn về học thuật, tư tưởng, các thuật bắn cung cùng các loại lễ nhạc. Thái tử thờ phụng cha mẹ như thờ trời thần.
Nhà vua sai xây dựng cung điện riêng cho thái tử. Từ lúc ấu thơ đến khi khôn lớn, thái tử thường ưa bố thí, đối với loài người, cho đến cả loài chim bay thú chạy, thái tử luôn mong cho tất cả chúng sinh đều được phước bố thí này. Kẻ ngu si, tham lam, bỏn sẻn không chịu bố thí, là tối tăm mê muội, tự lừa dối mình, chẳng được ích lợi gì cho bản thân. Bậc trí ở đời thì biết sự bố thí là phước đức, người bố thí đều được chư Phật, Bích-chi-phật và A-la-hán trong ba đời ngợi khen.
Khi thái tử tuổi đã trưởng thành, đại vương làm lễ nạp phi cho thái tử. Phu nhân của thái tử là công chúa Mạn-đề, dung mạo tươi đẹp không ai sánh kịp, nàng dùng lưu ly, vàng bạc, châu báu và ngọc anh lạc để trang điểm. Thái tử có một hoàng nam và một hoàng nữ. Ngài thường tư duy muốn thực hành việc Bố thí ba-la-mật. Thái tử tâu với đại vương là muốn đi dạo chơi khắp nơi, vua cha liền bằng lòng.
Thái tử đi ra ngoài hoàng thành, trời Đế Thích liền hóa làm những người nghèo nàn, mù, điếc, câm, ngọng ngồi bên lề đường. Thái tử trông thấy thế vội cho xe trở về hoàng cung, rất âu sầu lo lắng. Phụ vương hỏi:
-Sao con đi dạo xem, trở về mà không vui?
-Tâu phụ vương, con vừa ra khỏi hoàng thành đã thấy những người nghèo nàn, mù điếc, câm ngọng. Vì thế cho nên con không vui. Con muốn xin vua cha một điều, chẳng biết có bằng lòng không?
-Con cần điều chi, tùy theo sở nguyện của con, ta không bao giờ trái ý.
-Tâu phụ vương, con muốn đem châu báu trong kho tàng của phụ vương đặt bên ngoài bốn cổng thành và nơi chợ búa để bố thí theo nhu cầu của người xin, không trái ý họ.
-Ta đồng ý theo lời mong cầu ấy, tùy theo ý con muốn, ta không cản.
Thái tử sai các quan đem châu báu đặt bên ngoài bốn cổng thành, cùng nơi chợ búa để bố thí, tùy theo chỗ cầu xin của mọi người. Tám phương trên dưới đều nghe biết công đức của thái tử. Mọi người từ ngoài trăm, ngàn vạn dặm xa xôi đều tìm đến. Người mong được thức ăn thì được ăn, người cầu được y phục thì được y phục, người muốn được vàng, bạc, châu báu, tùy theo chỗ cần mà cho họ, không làm trái ý một ai.
Lúc ấy, có một nước oán địch, nghe tin thái tử vui lòng bố thí cho tất cả những ai đến xin, hề không trái ý. Vua nước ấy bèn hội họp quần thần và các đạo sĩ bàn bạc với nhau: “Vua nước Diệp-ba có giống voi trắng đi trên hoa sen tên Tu-đàn-diên, sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, mỗi lần các nước đem binh đến xâm lấn, voi này đều chiến thắng. Bây giờ ai có thể đến nước ấy để xin loại voi quý kia?”.
Các quan đều tâu vua:
-Chúng thần không thể đến xin được.
Trong số này có đạo sĩ Bát Nhân tâu với nhà vua:
-Thần có thể đến xin được, xin đại vương cấp lương thực cho thần.
Vua liền cấp lương thực cho ông ta và bảo:
-Nếu có thể xin được voi quý, ta sẽ trọng thưởng cho khanh.
Đạo sĩ Bát Nhân cầm gậy ra đi. Ông ta lặn lội qua nhiều lượt sông núi, đến nước Diệp-ba, tới trước cửa cung của thái tử, chống gậy, đứng kiểng chân, hướng về cửa mà đợi.
Khi ấy, người giữ cổng vào trình với thái tử:
-Bên ngoài có đạo sĩ chống gậy, đứng kiểng chân chờ đợi. Ông ta nói từ xa đến đây muốn xin một việc.
Thái tử nghe xong rất hoan hỷ, ra tận nơi nghênh đón, vái chào, giống như con gặp cha, ân cần hỏi han:
-Đạo sĩ từ đâu đến đây? Đi đường có nhọc nhằn lắm không, muốn cầu điều chi mà đứng một chân như thế?
Đạo sĩ Bát Nhân nói:
-Tôi nghe thái tử có lòng tốt, bố thí theo điều mong cầu, không hề trái ý một ai. Tên của thái tử được lan truyền khắp nơi, trên thấu tới trời xanh, dưới cho đến suối vàng. Công đức bố thí của thái tử nhiều vô lượng, khắp chốn gần xa đều biết và ai cũng ca tụng, ngợi khen. Những điều người ta ca ngợi về thái tử là hoàn toàn chính xác. Nay ngài là con của bậc Thiên nhân, những lời bậc Thiên nhân nói không bao giờ hư dối. Nếu như thái tử có thể bố thí không hề trái ý người cầu xin, nay tôi từ xa đến đây, muốn xin thái tử con voi trắng đi trên hoa sen.
Thái tử liền đến chuồng voi, sai người dắt một con voi trắng đem cho đạo sĩ.
Đạo sĩ Bát Nhân nói:
-Chính tôi muốn là xin được voi trắng đi trên hoa sen tên Tu-đàn-diên.
Thái tử nói:
-Voi trắng lớn ấy là con vật được phụ vương ta rất yêu quý. Phụ vương đã xem voi ấy cũng như ta không khác, vì thế không thể cho đạo sĩ được. Nếu cho đạo sĩ con voi này, tức là đã làm phật lòng phụ vương, có thể phụ vương sẽ đuổi ta ra khỏi nước.
Thái tử suy nghĩ: ‘Trước đây ta có phát nguyện sẽ bố thí không hề trái ý người cầu xin, nay không cho họ tức là trái với bản tâm của. Nếu không đem bố thí voi ấy, làm sao đạt được pháp bố thí bình đẳng vô thượng? Vì thế ta phải đem voi bố thí để hạnh nguyện bình đẳng vô thượng của ta được thành tựu”. Thái tử thầm nói:
-Rất tốt! Ta sẽ đem cho ông ta.
Thái tử liền sai quân hầu cận chuẩn bị yên cương bằng vàng và mau dắt voi ra. Ngài dùng tay trái cầm bình nước rửa tay đưa cho đạo sĩ, tay phải dắt voi trắng quý giao cho ông ta. Đạo sĩ Bát Nhân được voi liền chú nguyện cho thái tử. Chú nguyện xong, ông ta leo lên lưng bạch tượng, vui vẻ ra đi.
Thái tử nói với đạo sĩ:
-Đạo sĩ hãy chạy nhanh đi, phụ vương ta mà biết được sẽ cho người đuổi theo bắt lại.
Đạo sĩ Bát Nhân liền giục voi chạy nhanh.
Quần thần cả nước nghe tin thái tử đem voi trắng quý bố thí cho kẻ thù, thì vô cùng hoảng sợ, từ nơi ghế đang ngồi rơi xuống đất, lo lắng, âu sầu không vui. Họ suy nghĩ: “Quốc gia chỉ nhờ có một voi trắng quý này để chống lại kẻ địch đến xâm lấn!”.
Quần thần đến tâu vua:
-Thái tử đã đem voi quý dùng để chống địch của quốc gia bố thí cho kẻ thù.
Đại vương nghe xong thì hết sức kinh ngạc.
Quần thần lại tâu:
-Sở dĩ đại vương đã chiến thắng thống lĩnh thiên hạ là nhờ có voi trắng quý ấy. Voi trắng này vượt hơn sáu mươi lần sức voi khác, thế mà thái tử lại đem cho kẻ thù. Sợ rằng thế nào chúng ta cũng mất nước. Thái tử mặc tình bố thí như thế, khiến quốc khố ngày càng trống rỗng. Chúng thần sợ rằng thái tử sẽ bố thí cả đất nước và vợ con của ngài nữa.
Đại vương nghe nói thế, lại càng buồn hơn, bèn cho gọi một vị đại thần đến hỏi:
-Quả thật là thái tử đã đem voi trắng quý cho kẻ thù không?
-Tâu đại vương, thật đúng vậy.
Nhà vua nghe vị đại thần tâu mới thật sự kinh hoàng, rơi từ trên ngai xuống, ngất xỉu, nước mắt tuôn trào, hồi lâu mới tỉnh lại. Hai vạn phu nhân cũng đều không vui. Nhà vua cùng các quan cùng nhau bàn tính:
-Phải xử lý thái tử như thế nào?
Có một vị quan tâu:
-Vì chân thái tử đi vào chuồng voi nên phải chặt chân, vì tay dắt voi nên phải chặt tay, vì mắt thấy voi nên phải khoét mắt.
Hoặc có người nói:
-Phải chặt đầu thái tử.
Các quan cùng bàn bạc những ý như thế. Nhà vua nghe xong rất buồn rầu, nói với các quan:
-Con ta rất thích hạnh bố thí cho người, làm sao cấm đoán, ngăn cản cho được!
Có một vị quan chê lời bàn của những người kia là không đúng. Vì nhà vua chỉ có một người con, nên ngài vô cùng yêu thương đâu nỡ dùng hình phạt nặng như các ông đã nêu. Vị đại thần tâu vua.
-Thần cũng không dám khiến đại vương ngăn cản hay cấm đoán thái tử, nhưng đại vương hãy đuổi thái tử ra khỏi nước một thời gian khoảng mười hai năm, cho thái tử sống giữa núi rừng hoang dã, để thái tử biết xấu hổ, ăn năn.
Nhà vua nghe theo ý kiến của vị đại thần này, liền cho người triệu thái tử đến hỏi:
-Có phải con đã đem voi trắng quý cho kẻ thù không?
Thái tử tâu:
-Tâu phụ vương, thật đúng như thế.
Nhà vua lại hỏi thái tử:
-Tại sao con làm như vậy? Tự ý đem voi trắng quý của ta cho kẻ thù mà không tâu với cha?
Thái tử đáp:
-Tâu phụ vương, trước đây con có tâu xin phụ vương cho con được bố thí tất cả, không trái ý mọi người đến cầu xin. Thế nên con không trình cho phụ vương biết.
Vua nói:
-Theo lời yêu cầu trước đây của con có nghĩa là bố thí các thứ vàng bạc châu báu, chứ đâu có cho bố thí voi trắng quý?
Thái tử thưa:
-Tâu phụ vương, tất cả tài sản đều là vật sở hữu của đại vương, sao voi trắng quý lại không thuộc trong sở hữu ấy?
Vua liền bảo thái tử:
-Hãy mau ra khỏi nước! Ta đày ngươi ở trong núi Đàn-đặc mười hai năm.
Thái tử tâu với vua cha:
-Tâu phụ vương, con không dám trái lệnh của phụ vương, nhưng để thỏa tâm nguyện sâu kín của con, xin phụ vương cho con được bố thí thêm bảy ngày, sau đó con sẽ ra khỏi nước.
Vua bảo:
-Con đã chủ động bố thí hết sạch kho tàng của quốc gia, lại còn làm mất bảo vật dùng ngăn địch của trẫm. Vì thế trẫm đuổi con. Con không được bố thí thêm bảy ngày nữa. Trẫm không bằng lòng. Ngươi hãy mau ra khỏi đất nước ngay.
Thái tử liền tâu:
-Tâu phụ vương, con không dám trái lời phụ vương, nhưng hiện con còn một ít của cải riêng, xin cho con được bố thí hết rồi con sẽ đi, chứ con không dám phiền đến tài sản quý giá của quốc gia.
Hai vạn phu nhân cùng đến chỗ nhà vua, xin cho thái tử được ở lại bố thí trong bảy ngày nữa rồi mới ra đi khỏi nước. Nhà vua bằng lòng.
Thái tử bảo các quan cận vệ hãy thông báo khắp chốn xa gần, ai muốn được tiền tài vật chắt hãy đến cửa cung, thái tử sẽ cấp cho theo nhu cầu. Tiền tài vật chất của con người không thể giữ mãi, có rồi cũng bị hư hoại tan rã.
Dân chúng khắp nơi đều đến cổng hoàng cung, thái tử đãi họ ăn uống và cấp cho vàng bạc, châu báu tùy theo ý thích của họ. Đến ngày thứ bảy thì của cải hết sạch, những người nghèo đều được giàu có, tất cả mọi người đều vui vẻ.
Thái tử gọi vợ:
-Hãy mau đứng dậy nghe ta nói: Bây giờ đại vương đuổi ta vào ở trong núi Đàn-đặc mười hai năm.
Phu nhân nghe thái tử nói thì vô cùng kinh ngạc, hỏi:
-Thái tử có lỗi gì đến nỗi vua cha phải xử sự như thế?
Thái tử đáp:
-Vì ta đã bố thí quá nhiều, hết sạch kho tàng của quốc gia, lại đem voi trắng quý dũng kiện nhất bố thí cho kẻ thù. Vì thế vua cha và các triều thần đều nổi giận, đuổi ta đi.
Mạn-đề thưa:
-Mong cho đất nước được phồn vinh, thịnh vượng, nguyện cho đại vương và các quan cùng thần dân lớn nhỏ đều được sung túc, an lạc, còn thiếp sẽ cố gắng theo chàng vào chốn núi rừng để cầu học đạo.
Thái tử nói:
-Trong chốn núi rừng có nhiều nguy hiểm đáng sợ, thật khó mà bình tâm. Nơi ấy có biết bao hổ lang, mãnh thú. Nàng đã quen sống cảnh phú quý sung sướng, làm sao có thể chịu nổi? ở trong cung, mặc thì mềm mịn, ngủ thì màn che trướng phủ, ăn thì cao lương mỹ vị, hợp theo ý thích, nay ngủ nơi rừng núi lấy cỏ làm chiếu, lấy trái cây làm thức ăn, làm sao nàng có thể an vui? Rồi nào mưa gió, sương sa, sấm sét, khiến cho người ta luôn phải sợ hãi. Khi lạnh thì quá lạnh, nóng lại quá nóng, giữa chốn ấy thật không chỗ trú chân, lại thêm xung quanh là gai gốc, đá sỏi, trùng độc!
Mạn-đề thưa:
-Tâu Thái tử, thiếp đâu thể vì y phục lụa là, vì màn che trướng phủ, vì cao lương mỹ vị mà phải đành biệt ly chàng? Trọn đời thiếp không thể lìa xa thái tử. Xin cho thiếp cùng được theo hầu thái tử đi tới bất cứ nơi nào. Vua dùng cờ làm hiệu lệnh, lửa nhờ khói làm hiệu, người vợ lấy chồng làm chỗ nương dựa, nên thiếp chỉ biết nương vào thái tử mà thôi. Thái tử chính là chốn trời cao của thiếp. Lúc thái tử ở trong cung bố thí cho mọi người khắp chốn gần xa, thiếp đã hết lòng hỗ trợ. Nay thái tử đi xa, nếu có người đến xin, thiếp sẽ ứng xử thế nào? Thiếp nghe người tìm tới chỗ thái tử để cầu xin nữa, khi ấy thiếp sẽ xúc động đến chết mà thôi.
Thái tử nói:
-Ta thích bố thí không hề trái ý mọi người. Nếu có người theo ta xin con, xin nàng, ta làm sao không thể không cho được? Nếu nàng không thuận theo lời ta thì thiện tâm ta bất an. Vì thế nàng không nên đi làm gì.
Mạn-đề bảo:
-Hãy cho thiếp đi theo thái tử đến nơi nào cũng luôn thực hành bố thí. Ở đời này chưa có ai bố thí như thái tử cả.
Thái tử bảo:
-Nếu nàng thực hiện được như thế thì rất tốt.
Thái tử cùng vợ và hai con đến từ biệt mẫu thân. Ngài thưa với mẹ:
-Xin mẹ thường can gián đại vương nên dùng chánh pháp trị nước, chớ đem sự hà khắc cai trị muôn dân.
Mẫu thân nghe thái tử nói lời từ biệt, trong lòng vô cùng thương xót. Bà nói với mọi người chung quanh:
-Thân ta như đá, tâm ta như sắt cứng chăng, phụng sự đại vương chưa từng phạm lỗi lầm, nay ta chỉ có một người con mà lại bỏ ta ra đi, lòng ta sao không tan nát như người sắp chết? Khi con trẻ ở trong bụng mẹ như cành lá trên cây ngày đêm lớn dần, nuôi con tới lúc khôn lớn lại bỏ ta ra đi. Các phu nhân đều sẽ vui mừng! Vua ta không còn nể vì ta, nhưng trời sẽ không trái với nguyện của ta, xin khiến cho con ta mau trở về với đất tổ.
Thái tử cùng vợ và hai con kính lễ cha mẹ rồi ra đi. Hai vạn phu nhân dùng mỗi người một xâu trân châu kết thành chuỗi trao cho thái tử. Bốn ngàn đại thần làm tràng hoa bảy báu dâng lên thái tử. Thái tử từ trong cung phía Bắc ra khỏi cổng thành, đem tất cả tràng hoa bảy báu, chuỗi báu bố thí cho mọi người từ khắp nơi đến, trong thoáng chốc đã hết cả. Dân chúng lớn nhỏ trong nước có tới vài ngàn vạn người cùng tiễn thái tử ra đi. Họ thầm bàn với nhau: “Thái tử là bậc Thiện nhân, chính là vị thần của đất nước. Cha mẹ làm sao có thể đuổi đi người con quý giá này?”.
Mọi người nghe thấy đều tiếc thương cho thái tử.
Thái tử ngồi bên gốc cây ở ngoài thành từ tạ những người đến tiễn đưa, rằng, tới nơi đây xin hãy trở về, khiến ai ai cũng khóc. Thái tử cùng vợ và hai con tự đánh xe lên đường. Đi được khá xa, họ vừa dừng chân nghỉ bên gốc cây thì có người Bà-la-môn đến xin ngựa. Thái tử đem ngựa cho người ấy rồi tự kéo lấy, đặt hai con trên xe, vợ thì đi phía sau đẩy, còn mình tự cầm càng xe kéo bộ mà đi.
Cả nhà đi được một đoạn lại gặp người Bà-la-môn đến xin xe, thái tử cho xe, rồi tiếp tục đi, lại gặp một người Bà-la-môn khác đến xin. Thái tử nói:
-Ta cho người không tiếc bất cứ thứ gì, nhưng tài sản của ta bây giờ chẳng còn gì cả.
Người Bà-la-môn nói:
-Nếu không có tài sản thì xin hãy cho tôi chiếc áo ngài đang mặc.
Thái tử liền cởi chiếc áo quý giá cho người ấy, chỉ mặc chiếc áo cũ, tiếp tục tiến bước. Lại gặp một Bà-la-môn đến xin. Thái tử đem y phục của vợ cho ông ta và đi tiếp, thì lại gặp một người Bà-la-môn khác đến xin, thái tử bèn đem y phục của hai con cho người ấy.
Thái tử đã cho cả ngựa, xe, tiền tài, y phục hết sạch không còn gì để bố thí nữa, nhưng không hề hối tiếc, xem việc bố thí nhẹ như lông hồng. Thái tử cõng con trai, vợ cõng con gái tiếp tục đi bộ. Cả nhà cùng nhau vui vẻ đi về phía núi xa.
Núi Đàn-đặc cách nước Diệp-ba hơn sáu ngàn dặm. Trên đường rời xa tổ quốc, cả nhà của thái tử dừng nơi đồng trống hoang vu, rất đói khát, khốn khổ. Vua cõi trời Đao-lợi, là Đế Thích, ở nơi cảnh vắng vẻ ấy liền hóa ra thành quách, phố xá. Tại các ngã đường đều có ca nhạc, y phục, thực phẩm... Trong thành có người ra nghênh đón thái tử, mời ngài ở lại đây ăn uống, nghỉ ngơi và cùng nhau vui chơi.
Phu nhân thưa với thái tử:
-Đường đi quá vất vả, có thể dừng chân nơi đây được chăng?
Thái tử nói:
-Phụ vương đã đày ta vào núi Đàn-đặc, nếu ta dừng lại nơi đây là trái lệnh phụ vương, tức chẳng phải là người con hiếu.
Cả nhà cùng ra khỏi thành, quay lại nhìn, bỗng nhiên không còn thấy thành quách phố xá đâu cả. Họ lại tiến bước vào núi Đàn-đặc, phía dưới chân núi có dòng nước sâu không thể lội qua. Phu nhân nói:
-Chúng ta nên ở lại đây, đợi nước rút bớt rồi hãy đi.
Thái tử bảo:
-Phụ vương đã đày chúng ta vào núi Đàn-đặc, nếu dừng chân ở nơi đây là trái với lời dạy của phụ vương, chẳng phải là người con hiếu.
Thái tử liền nhập Tam-muội từ tâm, nơi dòng nước liền có núi lớn nổi lên ngăn nước lại, cả nhà cùng vén áo đi qua. Khi vượt qua dòng nước lớn rồi, thái tử suy nghĩ: “Nếu cứ để núi ngăn như thế này mà đi, dòng nước lớn sẽ tràn ngập giết hại muôn dân cùng những loài côn trùng bé nhỏ”. Thái tử ngoảnh lại nói với dòng nước:
-Hãy chảy đi như cũ. Nếu ai muốn đến chỗ ta đều có thể lội qua được.
Thái tử vừa nói xong, dòng nước liền chảy lại như trước. Cả nhà tiến về phía rừng cây, tới núi Đàn-đặc. Núi cao chót vót, cây cối tươi tốt, sum suê, muôn chim ríu rít, suối chảy, ao trong, nước ngọt, trái ngọt. Rất nhiều các loại chim rừng như Le le, chim Nhạn, chim chá màu sắc sặc sỡ, chim Uyên ương...
Thái tử nói với vợ:
-Ta thấy trong núi này cây cối lẫn trong bầu trời, không bị gãy ngã làm hại người, uống thì có suối ngọt, ăn thì có quả ngon. Nơi đây cũng có người học đạo.
Thái tử vào núi, chim muông ríu rít đón chào ngài. Trên núi có một đạo nhân tên là A-châu-đà, đã năm trăm tuổi, là người có phước đức tuyệt vời. Thái tử đảnh lễ đạo nhân và thưa:
-Ở tại núi này nơi nào có quả ngon ngọt, dòng suối nào có thể ở lại được?
A-châu-đà đáp:
-Trong núi này nơi nào cũng là vùng phước địa có thể dừng chân. Hiện tại đây là nơi thanh tịnh. Ông vì sao mà đem vợ con đến đây? Muốn học đạo chăng?
Thái tử chưa trả lời, Mạn-đề liền hỏi đạo nhân:
-Ngài học đạo nơi đây đã bao nhiêu năm?
Đạo nhân đáp:
-Ta ở trong núi này đã bốn, năm trăm năm.
Mạn-đề nói:
-Người còn tính toán có “ngã-nhân”, đến khi nào mới đắc đạo? Tuy lâu năm ở trong núi rừng cũng giống như cây cỏ mà thôi. Người không chấp trước “ngã-nhân” mới có thể đắc đạo.
-Ta thật không hiểu việc này.
Thái tử hỏi đạo nhân:
-Ông có nghe tên thái tử Tu-đại-noa, con của quốc vương Diệp-ba không?
Vị đạo nhân đáp:
-Thưa, tôi có nghe nhưng chưa từng diện kiến thái tử.
Thái tử nói:
-Ta chính là thái tử Tu-đại-noa.
Đạo nhân hỏi:
-Ngài mong cầu những chi?
Thái tử thưa:
-Ta cầu đạo Đại thừa.
Vị đạo nhân liền bảo:
-Thái tử là người có công đức như thế, chẳng bao lâu sẽ đắc đạo Đại thừa. Khi nào thái tử đắc đạo Vô thượng Chánh chân, tôi sẽ làm đệ tử có Thần thông đệ nhất.
Đạo nhân chỉ cho thái tử chỗ ở tốt. Còn thái tử thì hỏi đạo nhân cách bện tóc kết lên đầu. Thái tử dùng nước suối, trái cây làm thức ăn uống, lấy cây làm thảo am nhỏ và thái tử cũng làm thảo am cho Mạn-đề và hai đứa con nhỏ, tất cả là ba thảo am. Đứa con trai tên là Da-lợi, lên bảy tuổi, mặc áo cỏ, theo cha. Đứa con gái tên là Tân-noa-diên, lên sáu tuổi, mặc áo da nai, theo mẹ. Chim muôn, cầm thú trong rừng đều vui vẻ quấn quít bên thái tử.
Cả nhà vừa trải qua một đêm trong núi rừng. Những ao hồ trong núi khô cạn đều chảy trở lại như suối. Những cây khô sinh lá, trổ hoa. Những loài trùng độc, ác thú đều tự tiêu diệt, loại ăn thịt nhau đều tự động ăn cỏ mà thôi. Các loài cây trái tự nhiên tươi tốt, sum suê. Hằng trăm tiếng chim kêu như khúc nhạc hòa tấu. Mạn-đề lo đi hái quả để làm thức ăn cho thái tử và hai con nhỏ. Hai đứa bé cũng rời cha mẹ đi chơi, chúng vui đùa cùng bầy thú rừng bên dòng suối. Có một đêm kia, khi đứa con trai Da-lợi cỡi trên con sư tử chơi đùa, sư tử nhảy lăng quăng làm cho Da-lợi rơi xuống đất bị thương chảy máu nơi mặt. Con khỉ thấy vậy vội đi hái lá cây đắp lên chỗ chảy máu trên mặt chú bé, rồi khỉ dẫn chú bé đến bên bờ suối rửa ráy sạch sẽ. Từ xa thái tử trông thấy, thầm nghĩ: “Loài cầm thú mà có Từ tâm như thế”.
Bấy giờ tại nước Cưu-lưu có người Bà-la-môn nghèo nàn, đến bốn mươi tuổi mới lấy vợ, vợ ông ta rất xinh đẹp. Vị Bà-la-môn này có mười hai tướng xấu xí, thân hình ông ta đen như dầu hắc, trên mặt có ba tướng tiều tụy, ngay giữa mũi dẹp lép, hai mắt lại xanh, mặt thì nhăn nhúm, môi bị sứt, nói năng lắp bắp, bụng to phình ra, chân lại cong vòng, đầu thì hói, bộ dạng giống như con quỷ, nên vợ ông ta rất ghét khi trông thấy ông. Bà nguyền rủa, mong ông ta chết. Người vợ Bà-la-môn trên đường đi lấy nước gặp các thiếu niên đang cười nói về chồng của bà có thân hình rất tức cười. Họ hỏi:
-Bà rất đẹp, tại sao lại lấy một người như thế làm chồng?
Người vợ nói:
-Đó là một lão già đầu bạc như sương, ngồi dưới gốc cây, sáng chiều tôi đều mong ông ta chết đi, nhưng không biết đến bao giờ ông ta mới chịu chết?
Người vợ mang nước trở về, vừa đi vừa khóc, về đến nhà, bà nói với chồng:
-Tôi vừa đi lấy nước, gặp bọn thiếu niên so sánh về hình dáng hai người rồi giễu cợt tôi. Ông hãy đi tìm nô tỳ cho tôi, tôi phải có nô tỳ để khỏi đi lấy nước và mọi người cũng không cười chê tôi.
Người chồng nói:
-Tôi quá nghèo nàn, làm sao kiếm được nô tỳ?
Người vợ bảo:
-Nếu ông không kiếm được nô tỳ cho tôi, tôi sẽ bỏ đi, không ở đây nữa.
Người vợ nói tiếp:
-Tôi nghe nói thái tử Tu-đại-noa bố thí rất nhiều, vì thế mà bị phụ vương đuổi vào núi Đàn-đặc. Ngài có một người con trai và một người con gái, ông có thể đên đó xin về.
Người chồng nói:
-Núi Đàn-đặc cách đây hơn sáu ngàn dặm. Nếu không đến núi đó thì biết tìm chỗ nào?
Người vợ lên tiếng:
-Nếu ông không tìm nô tỳ cho tôi, tôi sẽ tự vẫn cho xem!
Người chồng liền bảo:
-Thà tôi chết chứ không muốn thấy nàng phải chết như vậy. Nếu nàng muốn tôi đi thì hãy lo chi phí và lương thực cho tôi.
Người vợ nói:
-Hãy đi đi! Tôi không có của cải lương thực.
Vị Bà-la-môn tự lo liệu lộ phí và lương thực ra đi. Ông ta liền khởi hành đi đến nước Diệp-ba. Đến trước cổng hoàng cung, vị Bà-la- môn hỏi người giữ cổng:
-Thái tử Tu-đại-noa hiện nay đang ở đâu?
Người giữ cổng vào tâu với vua:
-Ngoài cổng có người Bà-la-môn đến hỏi tìm gặp thái tử.
Nhà vua nghe có người đến tìm thái tử, cảm thấy nổi giận trong lòng, nói:
-Chỉ vì bọn người này cho nên ta đã đuổi thái tử con ta, nay còn đến đây làm gì? Như lửa đang cháy còn thêm củi vào, ta đang buồn khổ cũng như lửa cháy, người đến đây hỏi thái tử giống như thêm củi vào lửa.
Người Bà-la-môn nói:
-Tôi từ xa xôi đến đây, vì nghe danh thái tử, trên từ trời xanh, dưới cho đến suối vàng, thái tử bố thí không làm trái ý một ai, cho nên tôi lặn lội đến đây muôn cầu một điều.
Nhà vua nói:
-Một mình thái tử ở trong núi sâu, rất bần cùng khổ sở mà còn có gì để bố thí cho ngươi?
-Tuy thái tử không còn tài sản gì quý giá nhưng tôi muốn được gặp ngài.
Nhà vua liền sai người chỉ đường cho vị Bà-la-môn. Ông ta đi đến núi Đàn-đặc. Lúc đến dòng nước lớn, vừa nghĩ đến thái tử, ông ta lội qua được và vào trong núi. Người Bà-la-môn gặp một người thợ săn, hỏi:
-Ông ở trong núi có biết thái tử Tu-đại-noa chăng?
Người thợ săn biết thái tử vì bố thí cho những người Bà-la-môn nên bị đày vào trong núi. Người thợ săn bắt Bà-la-môn trói vào gốc cây, dùng roi đánh ông ta một trận, thân thể nát nhừ và mắng:
-Ta muốn bắn vào bụng ngươi, ăn thịt ngươi vì ngươi dám hỏi đến thái tử.
Người Bà-la-môn suy nghĩ: “Có lẽ ta sẽ bị người này giết chết. Ta phải tìm cách nói dối mới được”. Ông liền nói:
-Ông không cần hỏi tôi sao?
-Ngươi muốn nói gì?
-Phụ vương vì muốn gặp thái tử nên sai tôi đến đây tìm gọi thái tử trở về nước.
Người thợ săn vội mở trói và xin lỗi người Bà-la-môn:
-Tôi thật không biết.
Rồi chỉ chỗ thái tử ở cho ông ta. Vị Bà-la-môn đi đến chỗ thái tử. Thái tử trông thấy ông ta đến, rất hoan hỷ, ra đón chào lễ lạy và ân cần thăm hỏi:
-Ông từ đâu đến đây? Đi đường có nhọc mệt lắm không? Đến đây cần việc chi?
Vị Bà-la-môn nói:
-Tôi từ phương xa đến đây, toàn thân đều đau đớn và đói khát.
Thái tử mời vị Bà-la-môn vào ngồi, rồi lấy trái cây và nước uống cho ông ta. Vị Bà-la-môn ăn uống xong, nói với thái tử:
-Tôi là người nước Cưu-lưu, từ lâu đã nghe tiếng thái tử ưa làm việc bố thí, vang danh khắp cả mười phương. Tôi rất bần cùng, muốn đến đây xin thái tử một việc.
Thái tử nói:
-Ta cho ông không yêu tiếc vật gì, nhưng hiện giờ những vật sở hữu của ta đã tặng hết rồi, nên không còn vật gì để cho cả.
-Nếu ngài không còn vật gì thì xin ngài cho tôi hai đứa con của ngài để cho nó có thể phụng dưỡng tôi lúc tuổi già.
Vị Bà-la-môn nói như thế đến ba lần. Thái tử đáp:
-Vì ông từ xa đến đây, muốn xin con trai và con gái của ta, làm sao ta không cho được.
Lúc ấy hai đứa bé đang đi chơi, thái tử gọi chúng về bảo:
-Vị Bà-la-môn này từ xa đến đây xin hai con và ta đã hứa cho. Hai con hãy đi theo ông ấy.
Hai đứa bé chạy chui vào nách cha mà khóc và nói:
-Con đã nhiều lần trông thấy Bà-la-môn, nhưng chưa từng thấy ai giống như ông này, ông ta không phải là Bà-la-môn, đó là quỷ mà thôi. Mẹ con đi hái trái cây chưa về, mà cha lại đem con cho quỷ ăn thịt, nhất định sẽ phải chết. Lúc đó mẹ chúng con đi tìm chúng con không có, sẽ giống như trâu mẹ đi tìm trâu con.
Nói xong đứa bé kêu khóc lóc thật thảm thiết. Thái tử nói:
-Cha đã hứa cho ông ta rồi, làm sao các con ở đây được. Đây là vị Bà-la-môn chớ chẳng phải quỷ gì đâu. Ông ta không bao giờ ăn thịt các con, vậy các con theo ông ta đi.
Vị Bà-la-môn nói:
-Tôi muốn đi ngay, vì sợ mẹ hai đứa bé về sẽ không cho chúng tôi đi. Ngài đã có lòng tốt cho tôi, nhưng mẹ chúng về sẽ làm hỏng ý tốt của ngài.
Thái tử đáp:
-Ta từ khi sinh ra đến nay, bố thí chưa từng có sự hối hận.
Thái tử đem nước rửa tay cho người Bà-la-môn rồi dắt hai con trao cho ông ta. Mặt đất chấn động, hai đứa bé không chịu đi theo, chúng chạy trở lại đến trước mặt cha quỳ xuống thưa:
-Chúng con xưa kia có tội gì mà nay gặp phải sự đau khổ này? Là dòng dõi vua chúa lại đi làm nô tỳ. Xin cha tha lỗi, nhờ nhân duyên này mà tội diệt phước sinh, đời đời không gặp như thế này nữa.
Thái tử nói với hai con:
-Trong đời, ân ái đều sẽ biệt ly. Tất cả đều vô thường, làm sao có thể giữ mãi được. Khi nào ta đắc đạo Vô thượng bình đẳng, ta sẽ độ cho hai con.
Hai đứa bé nói với cha:
-Xin cha cho chúng con từ biệt mẹ, từ nay vĩnh biệt, hận rằng không được thấy mẹ lúc ra đi. Chúng con xưa kia có tội gì mà phải gặp nỗi đau đớn này?
Nghĩ đến mẹ mất chúng con, mẹ sẽ âu lo khổ sở biết dường nào!
Bà-la-môn nói:
-Tôi đã già yếu rồi, chúng nó sẽ bỏ tôi chạy đến chỗ mẹ chúng nó, tôi làm sao bắt được! Xin ngài hãy buộc chúng vào tôi.
Thái tử nắm tay hai đứa bé cho người Bà-la-môn tự buộc lại. Ông ta buộc chúng dính liền với nhau bằng một đầu dây. Hai đứa bé không chịu đi theo, người Bà-la-môn dùng roi đánh đập chúng, máu chảy xuống đất. Thái tử thấy vậy lệ rơi xuống đất, đất bị sôi sục lên.
Thái tử và các cầm thú đều tiễn chân hai đứa bé, đợi đi khuất mới về. Bầy thú rừng đi theo thái tử trở về đến chỗ hai đứa bé chơi đùa, kêu la vang rền và tự đập mình xuống đất.
Vị Bà-la-môn đem hai đứạ bé đi giữa đường, chúng dùng dây quấn vào cây không chịu đi theo, mong cho mẹ đến. Người Bà-la-môn lấy roi đánh đập hai anh em. Hai đứa nói:
-Ông chớ đánh chúng tôi, để chúng tôi tự đi.
Hai đứa bé ngước lên trời kêu than:
-Xin thần núi, thần cây thương nghĩ đến chúng con. Nay chúng con phải đi xa, bị người bắt làm nô tỳ mà chưa kịp từ biệt mẹ. Xin hãy nói với mẹ chúng con bỏ trái cây, mau đến đây gặp chúng con.
Người mẹ hai đứa bé ở trong rừng, chân trái bị ngứa xôn xang, mắt phải lại giật và hai vú chảy sữa. Người mẹ suy nghĩ: “Ta chưa bao giờ gặp hiện tượng kỳ quái này. Ta không hái trái cây nữa, phải chạy về xem hai đứa bé con ta có ở nhà không!”
Người mẹ liền bỏ trái cây vội đi về. Lúc đó Đế Thích ở tầng trời Đao-lợi thứ hai biết thái tử đã cho con người khác, sợ người vợ sẽ làm hỏng thiện tâm của thái tử, liền hóa làm sư tử đứng dang chân chận đường. Người vợ nói với sư tử:
-Người là vua trong loài thú. Ta cũng là con vua trong loài người, chúng ta cùng ở trong núi với nhau, xin tránh ra một chút cho ta đi qua. Ta có hai đứa con đều còn nhỏ dại, từ sáng đến giờ chưa được ăn uống, chúng đang mong ngóng ta về.
Sư tử biết vị Bà-la-môn đã đi xa, mới đứng dậy tránh đường để cho người mẹ hai đứa bé đi qua.
Người vợ trở về thấy thái tử ngồi một mình mà không thấy hai đứa bé đâu, bà đi đến căn nhà lá của hai con tìm cũng không có, bà lại vào căn nhà lá của mình tìm cũng không có con. Người mẹ ra bên bờ suối, chỗ hai con thường chơi đùa cũng tìm không thấy, mà chỉ thấy chỗ các con chơi đùa, bầy thú rừng như hươu, nai, sư tử, khỉ, vượn... đang ở trước. Mạn-đề vật vã trên đất kêu la, chỗ ao nước bọn nhỏ chơi đùa bị khô cạn.
Mạn-đề trở về nhà hỏi thái tử:
-Hai con đang ở đâu?
Thái tử không trả lời. Mạn-đề lại nói:
-Thường ngày các con từ xa trông thấy thiếp đem trái cây về là chúng chạy đến kéo thiếp xuống đất, rồi chạy lăng xăng reo lên: “A! Mẹ đã về”. Chúng ngồi xuống bên cạnh, thấy trên người thiếp dính bụi đất liền lấy tay phủi sạch. Thế mà giờ này thiếp không thấy các con, các con cũng không đến bên thiếp. Hay là chàng đã đem chúng cho ai? Không thấy các con lòng thiếp rã rời. Hãy mau nói cho thiếp biết các con ở đâu, đừng làm cho thiếp phát cuồng.
Mạn-đề nói ba lần như thế mà thái tử vẫn không trả lời. Mạn-đề lại càng đau buồn nói:
-Đã không thấy hai con rồi mà chàng còn im lặng nữa, lại càng khiến cho thiếp mê sảng thêm.
Thái tử nói:
-Có một vị Bà-la-môn nước Cưu-lưu đến đây xin hai con nên ta đã cho ông ta rồi.
Nàng nghe thái tử nói, bị xúc động ngã nhào xuống đất như núi Thái sơn sụp đổ. Nàng than khóc mãi không thôi.
Thái tử nói:
-Hãy nín đi! Nàng có nhớ bản nguyện vào thời quá khứ, lúc Đức Phật Đề-hòa-yết-la không? Lúc đó ta là một người Bà-la-môn tên Bình-đa-vệ, còn nàng là nữ Bà-la-môn tên Tu-đà-la. Nàng cầm bảy cành hoa, ta đem năm trăm quan tiền bạc mua hoa của nàng vì muốn rải hoa cúng dường Phật, nàng cũng gởi cho ta hai cành hoa dâng lên Đức Phật và cầu nguyện rằng: “Xin cho tôi đời sau thường được làm vợ chàng, cho dù xấu tốt cũng không chia lìa”. Lúc ấy ta nói cùng nàng: “Nếu muốn làm vợ ta thì phải tùy theo ý của ta, đối với hạnh bố thí không trái ý người, duy chỉ cha mẹ là không đem bố thí mà thôi, ngoài ra tất cả đều có thể bố thí tùy theo ý của ta”. Lúc ấy nàng trả lời với ta là được. Nay ta đem con bố thí, nàng lại làm xáo trộn thiện tâm của ta.
Người vợ nghe thái tử nói, tâm ý cởi mở và biết được túc mạng, bằng lòng theo thái tử bố thí để chóng được như ý muốn.
Trời Đế Thích thấy thái tử bố thí như vậy, muốn thử xem thái tử cầu điều gì. Trời hóa làm người Bà-la-môn cũng có mười hai tướng xấu xí, đến trước mặt thái tử nói rằng:
-Tôi thường nghe thái tử thích bố thí, tùy theo sự mong muốn không làm trái ý ai, vì thế tôi đến đây cho tôi xin người vợ ngài.
Thái tử bảo:
-Tốt! Có thể được.
Người vợ hỏi:
-Nay đem thiếp cho người, ai sẽ lo chăm sóc cho thái tử?
-Nếu ta không bố thí nàng, làm sao thành tựu được ý nguyện độ thoát vô thượng bình đẳng?
Thái tử đem nước rửa tay cho người Bà-la-môn và dắt vợ đến cho ông ta. Trời Đế Thích biết là thái tử không có lòng hối tiếc. Đất trời chuyển động và chư Thiên ca ngợi:
-Lành thay!
Khi ấy vị Bà-la-môn dẫn nàng đi được bảy bước. Rồi dẫn trở lại gửi cho thái tử, không nhận nàng nữa. Thái tử hỏi:
-Vì sao không nhận? Hay nàng có điều không tốt chăng? Trong các người vợ, nàng là một người vợ tốt, hiện là con của quốc vương, cha mẹ nàng chỉ có một mình nàng là con gái mà thôi. Người vợ này vì ta mà dấn thân vào nước sôi lửa bỏng, ăn uống kham khổ vẫn không bỏ đi và luôn tinh cần, diện mạo lại đoan chánh. Nay người dẫn nàng đi, tâm ta mới vui.
Bà-la-môn nói với thái tử:
-Ta không phải là Bà-la-môn, ta là trời Đế Thích đến đây để thử ngài mong ước gì.
Nói xong, người Bà-la-môn hiện nguyên hình Đế Thích trang nghiêm, sáng chói lạ thường. Người vợ liền quỳ xuống đảnh lễ trời Đế Thích và xin ba điều nguyện:
Xin ngài khiến cho người Bà-la-môn đem hai đứa con nhỏ của con trở về bán lại trong nước của nó.
Xin ngài làm sao cho hai con của con không bị đói khát khổ sở.
Xin ngài cho con và thái tử sớm trở về lại tổ quốc.
Trời Đế Thích nói:
-Nàng sẽ được như lời nguyện ước.
Thái tử thưa:
-Con nguyện làm sao cho tất cả chúng sinh đều được độ thoát, không còn bị đau khổ trong đường sinh, già, bệnh, chết.
Đế Thích liền bảo:
-Lành thay! sở nguyện vô thượng cao cả. Nếu người muốn sinh lên cõi trời, làm vua của mặt trời, mặt trăng hay làm vua ở thế gian được tuổi thọ lâu dài, thì ta có thể đem lại cho người như lời người ước nguyện, nhưng nếu làm tôn quý trong ba cõi thì ta không thể làm được.
Thái tử thưa:
-Bây giờ con nguyện được giàu có, thường ưa bố thí vượt xa hơn trước, khiến cho phụ vương và các quan cận thần đều mong gặp con.
Trời Đế Thích nói:
-Chắc chắn người sẽ được toại nguyện.
Nói xong, Đế Thích liền biến mất.
Vị Bà-la-môn nước Cưu-lưu dắt hai đứa bé về nhà, bị bà vợ mắng ngược trở lại:
-Tại sao lại nỡ đem hai đứa bé này về đây? Chúng thuộc dòng dõi vua chúa mà ông không có tâm nhân từ, lại đánh đập chúng đến nỗi thân thể bị chảy máu mủ và ghẻ chốc. Hãy mau đem chúng bán cho ai cần sai khiến chúng.
Ông Bà-la-môn nghe lời vợ, liền đem bán hai đứa bé. Vua trời Đế Thích đi vòng nơi phố chợ, nói: “Hai đứa bé này rất quý, không thể mua được”. Chúng đang bị đói khát, trời Đế Thích dùng khí tự nhiên khiến cho hai đứa bé được no đủ. Vua trời làm Bà-la-môn đổi ý dẫn hai đứa trẻ đến nước Diệp-ba. Các quan dân cả nước Diệp-ba đều biết chúng là con của thái tử và là cháu của Đại vương. Mọi người trong cả nước đều thương xót hai đứa bé. Các quan hỏi Bà-la-môn là được hai đứa bé này ở đâu. Người Bà-la-môn đáp:
-Tôi tự đi xin được, hỏi tôi làm gì.
-Ngươi đến nước ta, ta cũng phải hỏi ngươi chứ!
Đại thần, nhân dân đều muốn đoạt lại hai đứa bé nơi người Bà- la-môn. Trong đó có người trưởng giả can ngăn:
-Đây chính là do tâm bố thí của thái tử mới đưa đến sự thể này. Bây giờ đoạt lại hai đứa bé, có phải là trái lại bản nguyện của thái tử không? Không bằng tâu lên Đại vương, Đại vương biết được, ngài sẽ chuộc lại hai cháu.
Do đó mọi người bỏ ý định đoạt lại hai đứa bé. Các quan đến tâu với nhà vua:
-Hai cháu của Đại vương đang bị một người Bà-la-môn rao bán, Nhà vua nghe vậy thất kinh, cho gọi người Bà-la-môn đem hai cháu vào cung. Vua và phu nhân cùng các quan cận thần, thể nữ trong hậu cung trông thấy hai đứa bé, ai nấy đều nghẹn ngào. Vua hỏi người Bà-la-môn:
-Vì lý do gì mà ngươi có hai đứa bé này?
Vị Bà-la-môn tâu:
-Tôi xin được từ nơi thái tử.
Vua gọi hai cháu và muốn ôm chúng vào lòng, nhưng hai đứa bé khóc không chịu đến. Nhà vua hỏi người Bà-la-môn:
-Ta muôn chuộc lại hai đứa bé, ngươi muốn bao nhiêu tiền?
Người Bà-la-môn chưa kịp đáp, đứa bé trai liền nói:
-Nam thì trị giá một ngàn tiền bạc và một trăm con nghé. Nữ thì trị giá hai ngàn tiền vàng và hai trăm con nghé.
Vua hỏi:
-Người nam là quý giá, vì sao mà quý nữ và khinh nam thế?
Đứa bé trả lời:
-Thể nữ trong hậu cung và vua không thân gần, hoặc xuất thân từ chỗ ti tiện, hoặc là nô tỳ, may mắn được lòng vua liền được tôn quý, ăn mặc đồ trân bảo, ăn uống trăm vị. Vua chỉ có một người con, lại đuổi vào núi sâu, ngày ngày trong cung vua vui chơi cùng các thể nữ, hoàn toàn không nghĩ nhớ đến người con duy nhất của mình. Do đó biết rõ rằng nam khinh mà nữ quý vậy.
Nhà vua nghe cháu nói mà cảm khái, xúc động, dòng lệ tuôn trào nói:
-Ta đã thua cháu. Tại sao cháu không đến ôm ta? Cháu giận ta chăng? Hay sợ ông Bà-la-môn?
-Thưa, cháu không dám oán hận Đại vương, cũng không sợ ông Bà-la-môn. Vốn là cháu của Đại vương mà nay là kẻ nô tỳ, có người nô tỳ nào dám đến ôm quốc vương? Vì thế mà cháu không dám!
Nhà vua nghe đứa bé nói như thế, càng tăng thêm nỗi bi thương, liền nói:
-Ta sẽ đền đáp cho người Bà-la-môn.
Nhà vua gọi hai cháu đến ôm vào lòng và vuốt ve khắp người chúng. Ngài hỏi hai đứa bé:
-Cha con ở trong núi ăn uống thế nào và mặc những gì?
Đứa trẻ đáp:
-Thưa, cha con hái rau và trái cây dùng làm thức ăn, mặc đồ vải gai thô, có muôn chim ca hót vui vầy nên không thấy buồn phiền. Đại vương bảo người Bà-la-môn đi về.
Đứa cháu trai tâu vua:
-Người Bà-la-môn này rất đói khát khốn khổ. Xin hãy ban cho ông ta một bữa ăn.
Vua hỏi:
-Con không căm ghét người này sao? Vì sao con lại xin thức ăn cho ông ta?
Đứa bé liền thưa:
-Thưa, cha con mến đạo, lại không còn tài vật để cho, nên mới đem con bố thí. Đó là bậc đại gia của con. Con còn chưa được ông ta sai bảo để xứng với ý đạo của cha con, nay sao nỡ nhẫn thấy người đói khát mà không có tâm nhân từ. Cha con đã đem hai anh em con cho người Bà-la-môn thì Đại vương tiếc chi một bữa ăn?
Vua ban thức ăn cho người Bà-la-môn. Người Bà-la-môn ăn xong, hoan hỷ trở về nước. Nhà vua sai sứ giả hãy mau nghênh đón thái tử trở về cung. Sứ giả tuân lệnh vua đi nghênh đón thái tử. Sứ giả bị dòng nước sâu ngăn cách không lội qua được, nhưng vừa nghĩ đến thái tử, liền lội qua được.
Sứ giả đem lệnh vua báo thái tử biết là ngài hãy mau trở về nước. Vua đang mong gặp thái tử.
Thái tử đáp:
-Phụ vương đày ta vào núi trong thời hạn mười hai năm, bây giờ mới có một năm. Khi nào số năm đã đủ, tự ta sẽ trở về.
Sứ giả trở về tâu vua như thế. Vua viết thư sai sứ đem đến cho thái tử: “Con là người có trí tuệ, đi cũng phải nhẫn mà đến cũng phải nhẫn. Tại sao con giận dỗi không trở về? Con cần phải được ăn uống đầy đủ”.
Sứ giả lại mang thư đi. Thái tử được thư phụ vương, kính lễ xuống đất và đi nhiễu chung quanh bảy vòng rồi mở thư ra xem.
Trong núi rừng, các loài cầm thú nghe thái tử trở về nước, chúng chạy nhảy lăn lộn và đập xuống đất kêu la. Nước suối lại khô cạn, loài cầm thú không có sữa, muôn chim lên tiếng kêu thương vì mất thái tử. Thái tử khoác áo cùng vợ trở về hoàng cung. Kẻ thù nước địch nghe thái tử trở về, họ sai sứ giả chuẩn bị đầy đủ yên cương bằng vàng bạc cho bạch tượng, đem bát vàng đựng đầy lúa bạc và bát bạc đựng đầy lúa vàng, đón thái tử trên đường về để trao lại cho ngài. Họ xin có lời từ tạ và hối lỗi:
-Vì trước đây ngu si nên chúng tôi đã xin bạch tượng, làm cho thái tử bị đày đi xa. Nay nghe tin thái tử trở về, chúng tôi rất vui mừng và xin đem bạch tượng hoàn lại cho thái tử. Xin dâng tặng thái tử lúa vàng bạc. Mong thái tử rủ lòng nhận cho để chúng tôi được tiêu trừ tội lỗi đã qua.
Thái tử nói:
-Ví như có người thết đãi thức ăn trăm món dâng cho một người, người có ăn xong nôn mữa khắp đất, há còn sạch sẽ để ăn lại được chăng? Nay ta bố thí cũng giống như người bị nôn kia, không bao giờ ta nhận trở lại. Hãy đem xe voi trở về. Cảm tạ quốc vương, người đã sai sứ giả xa xôi khó nhọc đến đây thăm hỏi ta.
Sứ giả đem xe voi trở về tâu với vua của họ như thế. Nhờ việc bạch tượng này mà kẻ thù nước địch trở thành nhân từ. Quốc vương và mọi người đều phát lòng cứu độ vô thượng bình đẳng.
Phụ vương cỡi voi ra nghênh đón thái tử. Thái tử đến trước cúi đầu kính lễ phụ vương và theo ngài trở về. Nhân dân cả nước ai cũng vui mừng, tung hoa đốt hương, treo lọng lụa, tràng phan, rưới hoa khắp đất để đợi thái tử về.
Thái tử vào cung liền đến thăm mẹ. Ngài cúi đầu kính lễ và hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Nhà vua đem kho báu giao cho thái tử tha hồ bố thí nhiều hơn lúc trước. Thái tử bố thí không ngừng, cho đến khi đắc thành Phật quả.
Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:
-Kiếp xưa của Ta đã thực hành việc bố thí như thế. Thái tử Tu-đại-noa nay chính là thân Ta. Phụ vương khi đó nay là phụ vương Ta tên là Duyệt-đầu-đàn. Người mẹ lúc đó nay là Ma-da, người vợ nay là Cù-di. Đạo nhân A-châu-đà trong núi khi ấy tức là Ma-ha Mục- kiền-liên. Trời Đế Thích tức là Xá-lợi-phất. Người thợ săn tức là A-nan. Đứa bé trai tên là Da-lợi nay là La-vân, con ta, đứa bé gái Tân-noa-diên hiện nay là La-hán Mạc-lợi-mẫu. Người Bà-la-môn xin hai đứa bé nay là Điều-đạt. Vợ người Bà-la-môn tức là Chiên-già-ma-na vậy. Ta đã cần khổ như thế vô số kiếp, thực hành thiện nghiệp cũng vô số kiếp. Hãy đem kinh này thuyết lại cho tất cả các thầy Sa-môn về hạnh Bố thí ba-la-mật như thế.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Nguyên lý duyên khởi


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.235.249.219 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập