Người Cư Sĩ          [ Trở Về

Ai là người không nói láo...?


Tâm Phát Nguyễn Quang Lạc

Ngày hôm ấy là một ngày đầy nắng, rất lạnh, nhưng vì đó là ngày đầu tiên của năm mới, nên tự nhiên lòng cảm thấy ấm áp, đầy tràn hứng thú. Dường như những tia nắng hơi vàng vàng của mùa đông đã bắt đầu ngấm ngầm thôi thúc, giục giã bước rong chơi, rộn ràng của những ngày phố phường hội hè tết nhất.

Ở quê tôi, vào khoảng đầu tháng chạp ta, nắng chiều trở nên rất vàng. Một màu vàng đặc biệt của trời đất, mà mỗi chiều đi ngang qua đường Ngang hay cửa Ngọ môn, tôi cứ tưởng như mình đang thấy lại y nguyên màu nắng của những ngày tháng cuối năm năm ngoái, năm xưa, hàng chục năm xưa cũ. Những tia nắng vàng vàng chênh chếch chiếu thẳng tới tận đáy lòng, nghe buồn buồn nhè nhẹ. Mưa ít dần đi và dân chúng theo nhau quét vôi lại các vách tường nhà. Có lẽ người ta có đồng một cảm quan màu sắc, nên phần đông các căn nhà đều được sơn quét lại bằng nước vôi vàng, tuy thật không giống nhau lắm. Thế là tự nhiên nghĩ tới tết.

Lúc nhỏ, nghĩ tới tết là vui thích lắm, vui một cách không biết vì đâu, vui đến nôn nao bồn chồn. Cho tớùi khi có vợ có con cũng còn thấy nô nức, nhưng có phần khác hơn, hơi lo hơn một chút. Ngẫm kỹ, trong thời gian ấy, người ta chính yếu cố lo tích lũy đồ ăn thức uống để mà ăn chơi trong ba ngày nghỉ. Cũng có người nói theo cách khác, cao siêu hơn, nhưng xem ra thì cũng dường như thế. Nhưng tới bây giờ, ở tuổi nầy với tôi, những thú vui tết nhất e rằng đã khác trước rất nhiều.

Không biết người mình ở đây nghĩ như thế nào, bởi thật ra chẳng mấy ai lại mất công đi hỏi mấy câu vớ vẩn đến như vậy. Có thể vì hoàn cảnh sinh sống hoặc do tuổi tác, người ta không thấy bận tâm nhiều về những chuyện mua sắm cho lắm. Nhưng bên cạnh đó, nỗi niềm sâu kín về sự lẽ loi của mình trong một quốc gia xa lạ, đã lôi kéo người Việt mình tụ họp lại với nhau, như kiểu họp chợ tết chẳng hạn để vui xuân hay để khuây khoả nỗi nhớ quê nhà. Chắc cũng như thế nên tôi cũng tìm đến chùa, một nơi còn có những người dân mình thường lui tới nhất trong suốt những ngày đầu năm, hy vọng gặp bạn bè thân quen hay chí ít cũng để được nghe, để được thấy người Việt của chúng ta nói cười, vô ra.

Hôm tết ấy tôi ở lại chùa nguyên một ngày và thật vui mừng xiết bao khi được gặp mấy người bạn cũ cùng với vợ hay chồng họ đi lễ Phật. Chúng tôi quây quầân quanh một chiếc bàn dài được trải tấm khăn nhựa có hình in sặc sỡ, trên đó bày một bộ đồ trà, một khay mứt các loại. Nhà khách của chùa đơn sơ giản dị, khung cảnh thật không khác chi mấy với một căn nhà dân dã bên quê nhà.

Chúng tôi rót trà ra chén và câu chuyện nổ lên râm ran. Bỗng nhiên một chị bạn nói: "Uổng hí, không có hột dưa hí!" . "Quả thật như vậy. Hột dưa chỉ có một ít, và đã bị các vị tới trước cúp hết rồi". Tôi thản nhiên trả lời, nhưng trong lòng lại cảm nhận một điều khác. Ngày tết, có trà, có mứt, có thì giờ rảnh rỗi, có bạn bè để nói chuyện mà lại thiếu hộït dưa thì thiệt là uổng quá!.

Không phải vì năng đi chùa rồi cứ chuyện gì cũng nói buông xả, có hột dưa thì cúp, hết thì thôi không bám nhớ. Phong tục thì vẫn luôn luôn là phong tục. Nhưng thật khó cho một số người không dễ nguôi quên những điều gì đó âm ỉ trong lòng. Chỉ cần một cảnh tương hợp cũng có thể làm cho tâm tư họ trở về quá khứ, hoài niệm về một khung trời pha lẫn chút bóng dáng hạnh phúc hay da diết nỗi buồn khó tỏ bày, san sẻ. Lòng người rõ thật cũng lắm điều vướng mắc, rối rắm.

Trước đây rất lâu bên quê nhà, cũng vào những ngày đầu năm, sau khi tụng xong thời kinh tối, tôi cùng với gia đình và mấy người bà con ở quê lên chơi, chiếm mỗi người một chỗ nơi bộ xa-lông để nói chuyện gẫu và cùng nhau cúp hột dưa. Các con còn nhỏ của chúng tôi đứng bên cạnh chờ đợi những hột dưa đã được cúp rất khéo từ mấy chiếc răng rất tốt của mẹ chúng. Người chị bà con vừa cúp xong một hột vụt thắc mắc rằng, người Tàu làm thế nào có được nhiều hột dưa để sản xuất hàng loạt bánh trung thu. Chị hỏi chúng tôi vì chị nghĩ rằng gia đình chúng tôi vốn đã từng làm bánh ấy. Tôi nói đùa rằng, Họ thuê những người có công phu cao cường như cao thủ kiếm hiệp vậy, làm giùm. Các cao thủ cho một nắm hột dưa vào miệng, nhai ngồm ngoàm một lát rồi phun ra, hạt đi đường hạt, vỏ đi đường vỏ, chỉ việc gom lại. "Nói chi gớm!", chị ấy phê bình, mặc dầu vẫn biết tôi nói đùa. Nhưng mấy cháu nhỏ rất lấy làm lạ vì chuyện tôi vừa kể. Tôi bỗng thấy áy náy với chúng, nên phải giải thích cho chúng biết lời nói ấy chỉ là đùa chơi, tầm bậy tầm bạ, chứ không thiệt. Tôi đã giải thích nhiều lần và cố xí xoá dấu vết lầm lỡ bằng cách cúp cho mỗi cháu vài hột.

Lúc đó tôi tự nghĩ mình vừa mới tụng kinh xong chưa bao lâu là đã phạm giới. Tuy nhiên tôi không nghĩ nhiều về ngũ giới, trong đó có giới 'không được nói dối', bởi vì tôi tụng kinh để tưởng niệm tới, cầu nguyện cho ba tôi, cùng ông bà nội ngoại xa gần đã quá vãng; như một cách con cháu nói chuyện với tổ tiên để hương hồn của các ngài khỏi buồn vì không ai nói chuyện với. Tôi không bàn luận về giáo lý, nhưng thâm tâm mong muốn các con chúng tôi giữ được lòng trong trắng, thành thật, không gian dối nên tôi phải làm gương tự nhận mình sai. Tôi nghĩ đó là nỗi ưu tư tiêu biểu chung cho tất cả các bậc cha mẹ, sợ rằng con cái mình hư, không dạy dỗ được. Cái tánh xấu dễ tập tành nhất ai ai cũng thấy rõ ràng là nói láo, nhất là đối với trẻ em.

Thuở xưa, Đức Thế Tôn đã từng dạy dỗ ngài La Hầu La như vầy:"Này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, 'Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi'. Này Rahula, con phải học tập như vậy". (kinh Ambalatthikà Ràhulovàda).

Nhìn chung là thế, và người ta đã sản xuất ra một hệ thống giáo dục dành cho thiếu nhi. Người ta nói rằng trẻ con như tờ giấy trắng, rất dễ hoen ố vì những xấu xa của cuộc đời. Người ta nói trẻ con như thể cành cây, không chịu uốn lúc còn non thì khi cành đã già làm sao mà nắn được. Tóm lại trẻ con là lớp người mà người ta mong ước chúng thể hiện vào mai sau các lý tưởng người ta mong đợi. Nhiều người trong chúng ta tin như vậy và đặt niềm tin vào hệ thống giáo dục trong cọng đồng, xã hội. Trẻ em phải được dạy dỗ cho nên người tốt mai sau là phán quyết mạnh nhất, rõ ràng nhất.

Riêng với bản thân người lớn thì thôi không cần quan tâm tới. Đã là người lớn là có đủ trí khôn, có đủ khả năng, thừa sức phân biệt thiện ác, xấu tốt, làm lành lánh dữ v.v... nên người lớn chẳng cần chi phải giáo dục uốn nắn, tự tu tự sửa. Người lớn lại là người đã kiến tạo nên, đang nắm xã hội, thế giới cho nên người lớn tự cho mình muốn làm gì thì làm, ít nhất là giới hạn trong những điều gọi là không vi phạm pháp luật. Có người cho rằng, nói như vậy là có ý mỉa mai, chê bai người lớn, chứ thật ra người lớn thì cũng có đủ hạng người tốt xấu. Nhưng suy gẫm lại, một khi nói trẻ con như tờ giấy trắng dễ hoen ố bởi cuộc đời, thì thế gian này đã mặc nhiên thừa nhận người lớn có nhiều hạng người đầy hư đốn, gian dối, láo lường rồi.

Dĩ nhiên người tốt thì hẳn là quý hoá, nhưng người xấu thì bởi vì đâu, tại sao ?.

Đối với trẻ con, người ta thấy rằng trẻ nói dối thường không do tự phát mà do kết quả của một đòi hỏi nào đó chưa được đáp ứng hợp lý. Thí dụ như trẻ thường được cha mẹ cho ăn kẹo, món trẻ rất thích, sau khi được một điểm tốt tại trường. Các cháu sớm nhận ra rằng chỉ cần nói có điểm tốt là có kẹo thưởng nên sự nói láo trở thành có lợi, đôi khi cần thiết cho chúng. Hoặc giả trẻ đưa tay phát biểu một câu không đâu vào đâu vì chẳng qua cháu thoáng thấy mẹ đang đứng ở bên ngoài. Có đưa tay lên phát biểu thì về nhà sẽ được thưởng. Hoặc giả trẻ chỉ được cha mẹ quan tâm bênh vực tới một khi đã nói phóng đại, cường điệu lên nhiều lần hành động đàn áp, ăn hiếp của anh chị đối với mình. Những sự khôn lanh ấy có cội rễ sâu xa phát triển ngay từ thuở còn ẵm ngửa. Trẻ phải la khóc lớn, thật lớn mới nhận được sự đáp ứng của cha mẹ mình. Ở tuổi mẫu giáo, cá tính hình thành và phát triển theo xu hướng tự bảo vệ, tự bảo tồn lấy mình. Như vậy cái gọi là quyền lợi vật chất tinh thần đã có tác động rất sớm trên con người.

Người ta nói, con người từ xa xưa cho đến ngày nay vẫn thường hay nói dối và đó là một biểu lộ ý thức bất thiện. Thật cũng khó khăn cho một người đàn ông đã có vợ, khi anh ta đeo đuổi hay được đeo đuổi bởi một cô gái khác, nói thật với vợ mình là mình có bồ. Quá khó. Tính toan cho thật kỹ thì nói láo vẫn hơn, anh ta nói rằng cô gái ấy chỉ là em ông bạn quen cũ hay là gì gì đó. Có thể trong vô thức anh vẫn nhận rằng vợ anh hiện thời vẫn nhiều ưu thế hơn cô gái. Và tuy cô gái ấy trẻ trung, hấp dẫn hơn nhưng anh ta vẫn nhất mực nói dối rằng vợ anh đẹp hơn, anh yêu hơn... Người vợ biết được chuyện anh ta ngoại tình nhiều khi chỉ vì do chính anh ta lỡ lời. Nguyên uỷ vì anh thích cô gái quá nên nhập tâm, đâm ra nói lộ bí mật.

Cũng không lạ gì khi hằng ngày người ta được nghe, nhìn, đọc những quảng cáo thương mãi phô trương những đặc tính tốt đẹp của sản phẩm mà thật sự chúng không đúng như thế. Người bán hàng ra giá thật thách để người mua lầm tưởng món hàng có giá trị cao hoặc giảm giá gọi là để khuyến mãi. Hầu như trong mọi dịch vụ, thiên hạ dùng thiên phương vạn kế thực hiện cho bằng được mục tiêu của mình. Với những ngôn từ đánh bóng điêu luyện đầy dụng ý, họ lập đi lập lại vô số lần để hướng dẫn dư luận, làm cho quần chúng tin chắc về những điều họ muốn. Nhiều người lúc đầu có phần nghi hoặc sau cũng đem lòng tin. Đó là những gì được nói như là nghệ thuật tuyên truyền. Và người ta vẫn tiếp tục tung ra những lời dối trá mà không sợ sệt gì hết, bởi vì 'lộng giả thành chơn', nói láo riết thì cũng tưởng thành sự thật, nghe riết rồi cũng phải tin. Truyện xưa kể rằng, mẹ thầy Tăng Sâm - một hiền nhân - một hôm nghe người kẻ chợ mét "Tăng Sâm giết người!". (một tin không đúng sự thật, một sự trùng tên). Bà mẹ biết tính tình hiền lành của con chẳng khi nào giết người nên bỏ ra ngoài tai, không tin. Người thứ hai đến mét như thế, cũng không tin. Đến người thứ ba thì bà sợ quá đỗi, bèn bỏ nhà chạy trốn. (Cổ Học Tinh Hoa, Ôn Như Nguyễn văn Ngọc).

Lộng giả thành chơn quả thật là đáng sợ bởi vì đã có người khai thác loại tâm lý này để thực hiện những mưu đồ nguy hiểm. Chiến tranh, kinh tế, chính trị, tôn giáo... đều đã sử dụng sách lược hướng dẫn dư luận quần chúng nầy một cách rất hiệu quả. Một số dân chúng thiếu thông tin kiểm chứng rất tin tưởng vào những quảùng bá như thế. Nhưng dưới cái nhìn trung thực của xã hội, người ta kết tội sự quảng bá dối trá ấy là vô đạo đức. Như vậy, một cái nhìn dù cho rất thế tục cũng không thừa nhận nói dối.

Nói dối, nói láo hay nói xí gạt dưới cái nhìn của nhà Phật - dĩ nhiên được giải nghĩa không giống như những giảng giải từ các tôn giáo khác - được xem như phát khởi từ tâm bất thiện. Thiện hay ác trong nhà Phật không phải được điều hành từ một Đấng thiêng liêng mà do chính ngay bản thân, từ cái tâm bất thiện được cấu thành bởi các yếu tố tham, sân, si. Ý thức "biết mà nói láo, không có tàm quý" tức ý đồ bất thiện duyên khởi, biểu hiện ra bên ngoài bằng những lời nói, hành động bất thiện đến độ "không có việc ác gì mà không làm". Ý thức biết mà nói láo, nói láo không biết thẹn mang một năng lực tâm mạnh có đủ khả năng tạo nghiệp-khẩu nghiệp. Đã là nghiệp thì sẽ đưa đến quả báo - quả thiện hay quả bất thiện - một định luật bình đẳng. Đức Thế Tôn dạy rằng, "Khẩu nghiệp là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ" cũng như "Khẩu nghiệp là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". (kinh Ambalatthikà Ràhulovàda).

Theo kinh điển, nói láo (vọng ngữ) là một đặc tính tiêu biểu của một loại tâm bất thiện. Những tâm bất thiện khác liên hệ gần gũi với nói láo là nói những lời thêu dệt (ỷ ngữ), nói hai lưỡi (lưỡng thiệt), nói lời hung dữ (ác khẩu). Phản ngược với nói láo là không nói láo, không nói dối, tức là không nói trái với sự thật. Chú giải khác thêm rằng, lời nói đúng sự thật không xuất phát vì tham sân si, không nói dối để mưu cầu lợi danh cho mình, hại người, mê hoặc người.

Không tàm, không quý là hai tâm sở bất thiện. Người không có tàm là người không biết tự hổ thẹn, không ngại làm việc ác. Người không có quý là người không sợ hãi, không bị cắn rứt, không ngại thực hiện những hành vi bất thiện của mình. Một người có lòng tàm sẽ nghĩ đến những cái gì được gọi như là giá trị tinh thần của bản thân, gia đình, xã hội, tổ quốc mình, tự thẹn với lòng mà không làm việc bất thiện. Người có lòng quý sẽ nghĩ đến mà sợ hãi sự tổn hại, hậu quả của hành động bất thiện của mình, sợ hãi xã hội chê cười, phê phán. Tàm quý sóng đôi cùng đi chung với nhau, một bên trong, một bên ngoài, nên người ta một khi biết tàm quý thì không dám là việc bất thiện. Đây là những yếu tố hướng thượng làm cho cá nhân an lạc, cũng để xây dựng nên một thế giới văn minh, tiến bộ.

Đức Thế Tôn nói:

-"Này Rahula, khi con muốn làm một khẩu nghiệp gì, hãy phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: Khẩu nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ...". (sđd).

Hại, thì ai ai cũng biết rõ rồi. Cái hại chỉ thẳng đến những gì làm cho người thọ nhận đau đớn, khổ não trực tiếp về cả hai phương diện vật chất tinh thần. Liên hệ xa hơn là những thiệt hại, phương hại gián tiếp, không gây tổn hại ngay tức khắc, có mức độ nào đó. Một sự kiện gây nhiều ảnh hưởng, gần thì tổn hại ngay, xa thì các kết luận về tổn hại nhiều khi còn tranh cãi. Hại như thế mang những ý nghĩa tuỳ thuộc người nhìn, cách nhìn, cái được nhìn, thời gian nơi chốn...

Như thế nếu có những lời chú giải không theo sát, đúng như Đức Thế Tôn đã nói, thì cũng nên xem đó như một lời giải thích xuyên tạc hoặc uốn nắn, hoặc nói dối để phù hợp với tham vọng, tà kiến, tư ý mà người Phật tử phải cần cảnh giác. Thí dụ, nói cái tâm trong nhà Phật cũng giống như linh hồn trong các niềm tin tôn giáo khác; cái một trong nhà Phật cũng giống như Đại Ngã, như đạo trong Lão học; nói Đức Phật như Thiên Chúa, như Chúa ngôi hai (Chúa con)... Các ý niệm về linh hồn, Đại Ngã...nói trên có ý nghĩa, giá trị riêng, rõ ràng trong phạm trù học thuyết của chúng, không có thể tóm đồng với nhau được. Trong thâm sâu, những lời giải thích sai trật trên, đều có ý đồ, âm mưu thâm hiểm riêng. Chẳng hạn, nói tha thứ bao dung vì muốn bao che tội ác, dục vọng v.v... Điều nầy xuất phát do sự yếu kém, do bản thân người lý giải đang còn ưa muốn thú ngũ dục, còn tà kiến; hoặc thủ lợi vì từ đó có thể thu hút, sai khiến những tín đồ cả tin; hoặc muốn làm suy yếu, phá hoại Phật giáo vì nhiều lý do. Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, chư Tổ nhìn thấy sự nguy hiểm ấy đã đưa ra lời cảnh giác. Nay người Phật tử cũng có thể hiểu câu nói 'phá tà hiển chánh' với ý nghĩa rất rõ ràng.

Một lời nói có thể cho thấy người phát ngôn như trào sôi trong đau khổ, giận dữ, hận thù. Một lời nói cũng mang đến cho người nghe đau khổ như sầu thương, tan nát cõi lòng, sợ hãi. Lời nói như thế hứa hẹn sẽ dẫn đến sự công xúc nhân phẩm, những hành động xâm phạm thân thể, gây tổn hại, chết chóc. Rõ ràng là vừa hại mình vừa hại người, hại cả hai, đó chính là điều Đức Thế Tôn nhấn mạnh, khuyên răn.

Có một chú giải ghi rằng, nói láo để cứu mạng cho một con vật hay cho một người vì từ bi, thì không phạm (giới) và thường được dẫn theo một thí dụ để minh họa: Một người nói láo với một người thợ săn bằng cách chỉ sai đường trốn chạy của một con thú, xem hành động đó là cứu khổ từ bi.

Tại chỗ nầy có thể tham khảo thêm những cái nhìn theo nhiều chiều hướng khác biệt. Cứu mạng cho con thú đúng là ban rải lòng từ bi. Nhưng từ bi chỉ thật sự toàn bích khi người nói láo vì tâm từ kia giải thích cho người thợ săn hiểu lý do. Nó cũng cụ thể như mang đến ngay cho người thợ săn một bữa cơm để anh ta sống và sau đó mang một phương tiện sinh nhai (hay hướng dẫn cho anh ta một nghề) thiện lành hơn để thay thế nghề săn bắn thú. Có phải là người ta cũng cần nên soi xét tới hoàn cảnh của người thợ săn, biết đâu anh ta có cha mẹ già bệnh, vợ yếu con thơ dại đầy đàn ..., việc săn bắt như thế thật cấp thiết. Cũng có khi người thợ săn đem lòng thù oán tìm cách trả thù hành động ngăn trở ấy vì anh ta chẳng hiểu nguyên cớ gì người kia lại gạt anh. Lời giải thích tại sao không nên gây tổn hại thật cũng rất cần thiết như việc ngăn cản hành vi bạo lực. Từ bi như thế, chắc là đầy sức thuyết phục hơn, cho cả về sau. Từ bi như thế, sẽ giúp cho con người tự giải phóng mình ra khỏi những kiềm tỏa bạo lực của chính mình. Cũng không nên lý giải một hành vi một cách đơn thuần. Hành vi phát khởi từ nhiều nguyên nhân, cũng phải được soi xét từ nhiều phía, trước khi đưa ra kết luận sau cùng. Theo tôi, nói dối vẫn là nói dối, dù rằng từ bi đã mang đến cho người gieo một quả báo thiện lành. Cả hai hậu quả (thiện / tổn hại, phương hại tới) dưới cái nhìn so lường phân biệt, người ta thường khi đi đến một kết luận nghiêng về một phía. Thực trạng xã hội vẫn đang dung dưỡng rất nhiều tệï giết hại. Phải chăng, trong thế giới phàm phu, mọi điều nên được xem như chỉ là tương đối?.

Ngược lại, nếu mọi sự đều được thực hành một cách nghiêm khắc, cầu toàn thì một câu hỏi giả dụ khác, Người ta phải nói năng hành động như thế nào khi phải tham gia vào công cuộc phục quốc, cách mạng... lời nói không trung thực được soi xét như thế nào; hoặc người ta đang bị kẹt ở giữa hai phe nhóm tranh chấp, nơi mà dân chúng rất dễ bị lợi dụng, chết oan...

Trong đời sống, nói dối biểu hiện dưới nhiều hình thức. Ở đây nói láo được bàn rộng ra, chẳng hạn: Thấy rành rành mà nói chẳng thấy, không thấy nói đãù có thấy. Nghe mồn một lại nói chẳng nghe, không nghe nói đã có nghe. Biết tong tỏng đi nói chẳng biết, không biết nói đã có biết. Biết việc thế nầy nói ra thế khác, trái nói thành phải, phải nói thành trái, kiểu làm chứng dối theo đơn đặt hàng. Khai triển ra nữa thì nào là nói càm ràm, nói hành tỏi, nói ba xạo, nói xấu lén sau lưng, nói trớ, nói lộn lỡ lời, giả bộ nói lộn (giả say...) để chửi xéo... Hơn thế nữa, Đức Thế Tôn còn răn 'không nói láo, dầu nói để mà chơi', thì những ai thích nói giỡn đùa cũng nên lưu ý.

Có người cho rằng vì thiếu giáo dục, thiếu học thức, nghèo khổ cho nên mới bậy bạ thế. Nhưng thử hỏùi xưa nay người ta thường nói người nhà quê chơn chất, thành thật thì vì lẽ gì. Một nền giáo dục hiện đại không đả động gì đến tham sân si. Nhiều người học thức cao tột, được giáo dục tốt, có gia thế vẫn rất là nói láo. Cuộc sống đang đuổi theo lợi dưỡng, vật chất, danh vọng mà thiếu nói láo nói lường, thiếu mưu mẹo thì làm sao mà giàu. Không phải xã hội không biết, nhưng xã hội làm lơ cho qua. Đến nổi có người nói, diệt chúng (những người bất lương ấy) thì lấy ai mà làm việc thay. Hoặc có người đứng lên tố cáo một kẻ xấu từng hãm hại mình đến thân tàn ma dại, rồi lại nói lên lời tha thứ thì thử hỏi một xã hội tôn trọng công lý dễ gì tha tội kẻ xấu kia, kẻ đã được người tố cáo tha thứ. Như vậy có khác chi mượn lời nhân nghĩa để phục thù, một lời giả dối, một loại tố khổ trá hình. Cũng là oan oan tương báo. Kinh nói là đảo điên vậy.

Trong nhà Phật quan niệm, phát biểu những suy nghĩ sai lầm về thế giới là tà kiến. Kinh A Hàm có ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn về 62 tà kiến trong thời Ngài còn tại thế. Tà kiến là một tâm sở bất thiện, thiếu trí tuệ, thiếu suy tư, có bà con họ hàng với vô minh - si, u mê ám chướng. Kinh cũng nói, nhiều bất giác thì che mờ tuệ giác. Hiện nay người ta cũng thấy có rất nhiều tà thuyết mới nổi lên. Những tà thuyết được gọi như vậy vì đã dạy dỗ tín đồ những điều sai trái, không có giá trị phổ quát. Báo chí ngày nay thiếu gì những thông tin nói rõ lên chuyện ấy. Các tà thuyết đã mang đến cho người ta chết chóc, đau khổ và cho ngay chính bản thân kẻ mang niềm tin ấy. Tuyên thuyết cũng như tin theo một phát ngôn (niềm tin) cho dù có rất nhiều người đang theo đi nữa mà không có trí tuệ, không quán xét, không tham khảo từ các bậc có trí để biết chắc đó không phải là tà thuyết thì nghiệp báo bất thiện chắc chắn sẽ đến.

Đức Thế Tôn trong những ngày cuối cùng trước khi thị tịch đã dạy rằng:

"Này các Tỷ kheo, có thể có Tỷ kheo nói: 'Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư'.

Này các Tỷ kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh,không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận 'Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm'. Và này các Tỷ kheo, các ngươi hãy từ bỏ chúng.

Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận 'Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh'. Này các Tỷ kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ tư, các ngươi hãy thọ trì".(Kinh Đại Bát Niết Bàn, tụng phẩm IV, 8-11. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu).

Vậy thì, giải thích những lời dạy của Đức Thế Tôn, nhất là những lời dạy mang ý nghĩa thâm sâu, không qua lăng kính bộ phái, lập trường cá nhân, mà lại trung thực không phải là công việc dễ dàng, ai ai cũng làm được. Tuy thế, người Phật tử tại gia vẫn có thể nói lên những giáo pháp căn bản bậc sơ thiện như tam quy ngũ giới, kính hiếu, thuận thảo, lòng thương yêu giúp đỡ...với người chung quanh. Một số Phật tử chỉ muốn giải thích lời Phật dạy qua tông phái mình, dẫn đến chuyện chê bai đả kích tông phái khác. Một số học giả và những người ngoại đạo giải thích kinh Phật theo tà kiến và dục vọng của họ, của tôn giáo họ đang theo thật sự đã xuyên tạc, uốn nắn, bóp méo lời dạy của Đức Thế Tôn. Họ đang thực hiện những mục tiêu đen tối như để bôi nhọ hoặc mưu đồ chiêu dụ những Phật tử cả tin, những Phật tử không hiểu biết nhiều về đạo Phật. Đây là những sự kiện đã đang xảy ra.

Nếu người tin Phật chịu khó tìm học giáo lý của Đức Thích Ca một cách có hệ thống và nghiêm túc, chắc chắn sẽ phát sinh được niềm tin vững chãi, tự tìm thấy hạnh phúc an lạc chân thật; không những không bị quấy nhiễu bởi những lời xuyên tạc mà còn có thể giúp người chung quanh hiểu thấu mà tìm được niềm an vui chân thật nữa.

Người Phật tử thấy hiểu ngay lời dạy bao dung của nhà Phật không phải chỉ là một lời khuyên suôn tiêu cực, như kiểu có vài vị cha mẹ khuyên con cái điều thiện lành mà con có theo hay không thì tuỳ chúng. Có phải cha mẹ nên kiên trì tận lực hơn chăng?. Người không hiểu, không có căn bản giáo lý thì dễ chao đảo nên thường thích mượn lời chữ bao dung, vô ngại tự tại, buông, không chấp ... để tránh né. Nay giả thử, biết con dao là nguy hiểm thì nhất định không cho con chơi dao. Hoặc nói cho biết những hậu quả nguy hiểm của xì ke ma túy, lợi ích của sự không vướng hút xách chích choát, thì đó là thái độ khôn ngoan đầy trí tuệ. Nhưng nói rằng, có nghe hay không là tùy, hoặc nếu muốn cứ dùng, lớn rồi tự do, thì quả là không có lòng thương yêu chi hết. Lỡ đã nghiện rồi thì cũng phải tìm cách cai, chữa trị. Giảng giải cho con cháu hiểu đạo Phật là một thái độ đầy trí tuệ, nhưng khuyên con cháu gìn giữ đạo Phật cũng đúng là thái độ đầy từ bi. Sự thành tâm không phải chỉ dành riêng để tôn thờ thánh nhân, có từ bi-trí tuệ mà có thành tâm thì việc chuyển hoá người chung quanh dễ đem đến kết quả.

Đạo Phật tuyên dương từ bi-trí tuệ. Giáo lý nhà Phật nói tới lòng bao dung, không nói tới bạo lực, không bao giờ khuyên dạy Phật tử sử dụng bạo lực để truyền đạo hay để bảo vệ đạo. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, với giáo lý ấy, đạo Phật không bao giờ áp đặt ai, không bao giờ khủng bố ai, không bao giờ làm đổ máu ai, không bao giờ phát động cuộc thánh chiến. Vì thế, xuyên qua các hoạt động trên thế giới, người ta nhận ra rằng nhân loại ngày nay đang hướng về đạo Phật với tấm lòng kính ngưỡng.

Nhưng mọi người vẫn còn thấy hiện diện đầy rẫy những nhóm người gieo đau khổ cho nhau bằng khủng bố, bằng chiến tranh. Họ đánh nhau vì quyền lợi. Họ đánh nhau vì niềm tin tôn giáo. Phải chăng, họ đã nghe theo lời tuyên thuyết dối gian, tà kiến nên không có việc ác gì mà không làm. Có những tà thuyết, tà giáo trá hình rất tài nghệ, những người còn nhỏ tuổi, những người cả tin thiếu kinh nghiệm gặp lời mật ngọt cùng vật chất dụ dỗ thì sa ngay. Bậc làm cha mẹ có lòng với con cái nhất định xả thân mình cứu con.

Kinh Pali kể rằng, khi Đức Thế Tôn mới thành lập được một tăng đoàn sáu mươi vị thánh A La Hán đầu tiên, Ngài liền khuyên chư vị lên đường truyền bá chánh pháp an lạc cứu khổ đến mọi người. Nhờ các ngài A La Hán thực hành hạnh Bồ Tát ấy nên ngày nay con người mới biết đến đạo Phật. Ngài còn dặn chư A-La-Hán-Bồ-Tát phải giữ cho "Chánh Pháp trường tồn", thì lớp Phật tử hàng sơ đẳng tại gia chúng ta, nếu có khuyến khích con cháu, dẫn con cháu đi chùa, sách tấn lẫn nhau giữ vững niềm tin Phật thì cũng đúng, không có gì là quá đáng, chẳng phải là áp đặt gì cả. Một tập thể Phật giáo đồ đông đảo, nếu ai ai cũng hiểu rõ giáo lý, chân giá trị tín ngưỡng của mình, không tà kiến dục vọng, tu tâm dưỡng tánh, làm theo lời dạy của Phật thì quả thật đó là một cộng đồng vừa tinh vừa đa, không những Phật tử được sống an lạc mà sự an lạc đó còn được truyền chuyển đến cho các tôn giáo, dân tộc bạn cùng hưởng vậy.

Bình tâm suy xét, cuộc sống mà con người đang sống từ xưa đến nay, ngập chìm trong láo lường, dối trá. Nếu thế gian không có lời lừa dối đường mật thì chắc không còn là thế gian. Nói thế không phải là để đầu hàng, nhưng để thấy thế gian này nhiều cạm bẫy nguy hiểm không lường được. Có chân thật chính đáng chăng khi người ta cho rằng, có thể nói láo vì một mưu cầu có lợi ích cho người, cho loài vật, cho môi trường, cho số đông. Mọi việc trong thế giới tương đối này đều có thể xảy ra. Ghi nhớ cảnh giác vẫn thật cần thiết lắm thay!.

Như vậy, chúng ta dù đang sống trong một quốc gia tương đối an ổn, no ấm, phúc lợi y tế cao nhưng thật ra chúng ta vẫn có nhiều nỗi lo sợ, bất an, những đe doạ mà chúng ta chưa từng gặp hoặc chưa biết tới khi nào thì gặp. Nhưng nếu thật sự tâm chúng sanh chuyển hoá được thì tâm cá thể phải được chuyển hoá trước tiên. Nếu ai ai cũng tự chuyển hoá được mình thì chắc thế giới này an vui. Ngôn từ chân chánh như vậy nếu khéo sử dụng, rất lợi ích trong việc tự độ và độ tha vậy. Con đường chuyển hoá từ lời nói đến việc làm ấy đã được Đức Thế Tôn tóm lược, rằng:

- "Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, nhất định chớ có làm".

- "Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, con nên làm".

- "Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đaukhổ. Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, con cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí.

Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai, nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, con biết như sau: 'Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đưa đến quả báo an lạc'.

Do vậy, này Rahula, con phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp". (kinh Ambalatthikà Ràhulovàda).

15-04-2004
tpnql


[ Trở Về