Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]
 
Ðôi Ðiều Về Gia Ðình Phật Tử Việt Nam

Thích Thiện Bảo
quang-khanh@hcm.vnn.vn

Năm 1920 phong trào chấn hưng Phật giáo khởi phát tại Trung Quốc do Thái Hư Ðại sư lãnh đạo, rồi lan tỏa đến một số nước lân cận trong đó có Việt Nam. Từ những ảnh hưởng đó các Hội Nghiên cứu Phật học, Hội Phật giáo, các Phật học đường, các tổ chức xã hội từ thiện ra đời và An Nam Phật học tại Huế được thành lập. Hội chú trọng việc giáo dục cho tầng lớp thế hệ thanh thiếu niên. Xuất phát từ đó năm 1940 các lớp dạy về Phật học, Khổng học, Lão học dành cho thanh thiếu niên tân học cũng được Bác sĩ Tâm Minh - Lê Ðình Thám mở ra hướng dẫn, sau đó lớp học này trở thành đoàn thanh niên Phật học Ðức Dục. Ðây là lực lượng qui tụ thanh niên trí thức biên tập tạp chí Viên Âm của hội An Nam Nghiên cứu Phật học và xuất bản sách dành cho giới trẻ lúc bấy giờ. Ðoàn thanh niên Phật học Ðức Dục cũng đã tổ chức những đoàn Ðồng ấu. mỗi đoàn có khoảng 40 đoàn sinh.

Khoảng năm 1942 Phật học Ðức dục , các lớp Phật học liên tiếp được mở, lúc đó Bác sĩ Tâm Minh - Lê Ðình Thám lại có sáng kiến thành lập Gia Ðình Phật Hóa Phổ (tiền thân của Gia đình Phật tử ngày nay) và sau đó tổ chức đại hội tại đồi Quảng Tế đánh dấu một bước trưởng thành của phong trào Thanh thiếu niên Phật tử.

Năm 1947 sau ngày tan vở của một số tổ chức kháng chiến tại Huế, một số đoàn sinh cũ của Gia đình Phật tử (Gia đình Phật Hóa Phổ) đã tập họp tại trụ sở của Hội Phật học Trung Việt để học giáo lý do quí vị tôn túc giảng dạy như : thầy Minh Châu, Thiên Ân, Ðức Tâm...nhằm xây dựng GÐHPH, cư sĩ Võ Ðình Cường được đề cử ra hướng dẫn với sự cộng tác của Phan Cảnh Tuân, Văn Ðình Hy, Cao Chánh Cựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Tống Hồ Cầm, Ðặng Tống Tình Nhân, Lê Anh Dũng...Sau đó nhiều gia đình khác cũng được tiếp tục thành lập như, Hướng Thiện, Gia Thiện, Chơn Trí, Hương Từ...Các trại huấn luyện được tổ chức nhằm đào tạo những người hướng dẫn điều khiển các gia đình, cũng từ đây danh xưng Phổ trưởng đổi thành Gia trưởng và các đoàn đội được phân chia từng lứa tuổi như : ngành nữ, ngành nam, ngành thiếu...

Tại miền Bắc, HT Tố Liên bắt đầu xây dựng lại cơ sở Phật học tại chùa Quán Sứ. Năm 1949 Hội Phật học Nam Việt hoạt động sau thời gian gián đoạn, Hội thành lập một cô nhi viên để nuôi 200 trẻ em mồ côi do cư sĩ Nguyễn Văn Xếch và Ðặng Văn Khuê chịu trách nhiệm, các em được chia thành đoàn, đôi. Bên cạnh đó hội còn mở 2 trường tiểu học Khuông Việt dành cho Nam sinh và Vạn Hạnh dành cho nữ sinh do cư sĩ Lê Ngọc Quỳnh làm hiệu trưởng. Vào mỗi sáng Chủ nhật các em đến chùa lễ Phật, tập ca hát sinh hoạt vui chơi. Cũng từ đây có một số con em Phật tử đi chùa đã kết hợp với học sinh 2 trường hình thành GÐPHP.

Năm 1950 GÐPHP càng lúc càng phát triển, Gia đình đã tổ chức 2 ngành nam, nữ có huynh trưởng phụ trách. Ðó sau này là Gia đình Phật tử Minh Tâm.

Tại Sài Gòn GÐPHP manh nha từ năm 1949 từ trường" Bổ túc Học vụ Chơn Tri", sinh hoạt tại chùa Sùng Ðức (Q.11). Ðến năm 1950 Gia đình đổi danh xưng thành GÐPHP Chánh Giác trực thuộc Giáo hội Tăng Già Việt Nam do thầy Thích Huyền Dung làm cố vấn.

Ngày 10/12/1948 vào dịp Tết Nguyên Ðán phát động phong trào GÐPHP đánh dấu một Phật giáo Việt Nam trong khuynh hướng phát triển đạo Phật. Sau năm 1951 hầu hết các bước ngoặt đem đạo Phật đến với tuổi trẻ, có thể nói đây là sự thành công lớn của Phật giáo miền Trung và cao nguyên Trung phần đều có tổ chức của GÐPHP. Tại miền Bắc năm 1948 Hội Việt Nam Phật học đã thành lập Cô nhi viện nuôi hơn 200 em mồ côi do cư sĩ Nguyễn Văn Xếch và Ðặng Văn Khuê cũng chia thành đoàn, đại hội đã mở 2 trường Khuông Việt dành cho Nam sinh, Vạn Hạnh dành cho nữ sinh do cư sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh làm Hiệu trưởng.Vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần các em đến chùa lễ Phật, tập ca hát vui chơi.

Năm 1951 hội nghị toàn quốc của GÐPHP được triệu tập tại Huế và danh hiệu tổ chức GÐPHP được đổi thành Gia đình Phật tử (GÐPT). Ban Hướng dẫn khóa 1950 - 1951 được ra mắt với sự chứng minh của Hội đồng Tăng già Trung Việt và Hội Việt Nam Phật học Trung Việt tại chùa Từ Ðàm (Huế). Trong dịp này huy hiệu hoa sen trắng trên nền xanh lá mạ (xem hình) cũng được lần đầu tiên cho các huynh trưởng lãnh đạo phong trào.

Sau hội nghị năm 1951 đã đặt xong nền móng thống nhất cả nước, từ đó tổ chức GÐPT càng lúc càng lớn mạnh, nhưng do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chiến tranh bùng nổ nên tổ chức GÐPT một số nơi phải ngưng không còn sinh hoạt như ở thời kỳ đầu. Ðại hội huynh trưởng toàn quốc năm 1955 được tổ chức ở Ðà Lạt và sau đó cứ 3 năm một lần : Huế : 1958, Sài Gòn : 1961. Trong khoảng thời gian thập niên 60 GÐPT bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển. Các tổ chức Hội Tăng Già, Phật học thuộc miền Nam Nam bộ được sự hợp tác của một số huynh trưởng miền Trung vào Nam lập nghiệp. Có thể nói giai đoạn này tổ chức GÐPT từ trung ương đến địa phương, tiêu biểu cho ý chí đoàn kết đó là Ðại hội Huynh trưởng toàn quốc năm 1961 tại chùa Xá Lợi (Q.3).

Sau năm 1975, các hoạt động của GÐPT tuy có lúc khựng lại trong tình hình xã hội còn trong thời kỳ chưa được ổn định về các mặt như : kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị...nhưng có nói truyền thống của những người con Phật luôn vững niềm tin về một tương lai. Ðiều đó đã khẳng định trong sinh hoạt tổ chức các trại huấn luyện như A -nô - ma, Tuyết Sơn, A Dục, Ni Liên...các trại sinh hoạt hè được các Gia đình tổ chức đều đặn hàng năm trong cả nước, nhất là sau năm 1981 trong những kỳ Ðại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc sinh hoạt GÐPT được đề cập như một bức thiết cần phải được thảo luận. Ðến ngày nay tổ chức GÐPT trong cả nước đang từng bước củng cố và phát triển.

Ngày 03/10/1999, những tháng còn lại của thế kỷ 21, trong phiên họp của chư tôn đức trong HÐTS TƯ, Ban Hướng dẫn Phật tử và các Huynh trưởng của 20 tỉnh thành khu vực phía Nam có GÐPT đang sinh hoạt, các quy chế, chương trình tu học, các văn kiện có liên quan đến hoạt động của GÐPT đã được Giáo hội giao cho Ban hướng dẫn Phật tử tổ chức thông qua trong phiên họp.

Có thể nói GÐPT là một tổ chức mang tính giáo dục Phật giáo cho thanh thiếu niên Việt Nam tin Phật mang nét đặc thù của PGVN mà không có một nước Phật giáo nào có được. Ðiều đó đã khẳng định tinh thần phục vụ đạo pháp và xây dựng đất nước của tầng lớp thế hệ Phật tử trẻ là một nhiệm vụ trong tứ chúng của Ðạo Phật không thể thiếu được trong tổ chức GHPGVN ngày nay.


Thích Thiện Bảo
Tài liệu tham khảo:

- Việt Nam Phật giáo Sử luận tập III cuả Nguyễn -Lang.
- Kỷ niệm 50 năm GÐPTVN (của nhiều tác giả) .
- Tuần báo Thiện Mỹ số 24,25,26 năm 1965.




[ Trở Về ]