Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH GIÁC HẠNH (1880 - 1981) Hòa thượng họ Nguyễn thế danh là Đức Cử, đạo hiệu là Thích Giác Hạnh, sinh ngày 13 tháng 6 năm Canh Thìn (1880- P.L. 2423) tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình trung nông, thân phụ là cụ ông Nguyễn Đức Uẩn, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Lộc. Anh em Ngài có chín người gồm bảy trai và hai gái và chính Ngài đóng vai trưởng tử khi người anh cả mất sớm. Ngài sinh trưởng trong một gia đình chịu ảnh hưởng Tam giáo. Thiếu thời, Ngài theo học Nho văn. Khác với mọi Nho sinh, Ngài luôn ưu tư về cuộc sống xuất tục. Đã nhiều lần Ngài trình bày với thân sinh về bản hoài xuất gia học Phật của mình. Cho đến năm 17 tuổi (1897), Ngài mới được xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu (Huế). Sau 2 năm tu học với ý chí kiên định, tính tình hoan hỷ và nhẫn nại, trong tuần lễ Phật Đản 08-4 năm Kỷ Hợi (1899), Ngài thọ giới Sa Di với Ngài Huệ Nhật và được pháp danh là Tâm Cảnh và pháp tự là Thiện Quyên. Ngày 08 tháng 3 năm Canh Tuất (1909), Ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn Phước Lâm - Quảng Nam do Hòa thượng Vĩnh Gia làm Hòa thượng Đường đầu. Với chí nguyện tham học cầu ngộ chân lý giải thoát, nên Ngài tìm đến học đạo tại chùa Tây Thiên. Trải qua một thời gian dài tu học nghiên cứu, Ngài tinh thông kinh, luật, luận và nhất là phần giới luật được Ngài nghiêm trì cẩn mật. Với tuệ căn mẫn tiệp, sở học uyên thâm, nên tên tuổi Ngài không những được biết đến trong chốn thiền môn mà còn lan truyền ra ngoài hàng tín hữu nữa. Từ năm 1915, Ngài đã sớm thành bậc Pháp khí của Phật đạo. Lúc bấy giờ tại kinh thành Huế, ông bà Hiệp Tá Đại Học Sĩ Nguyễn Đình Hòe có lập một ngôi am nhỏ hiệu Phổ Phúc nằm trên đồi Bình An (Nam Giao-Huế) mong muốn mời Ngài làm tọa chủ. Sau nhiều lần ông bà đến chùa Tây Thiên cung thỉnh, Ngài hoan hỷ nhận làm trú trì Phổ Phúc Am vào năm Ất Mão (1915) lúc Ngài được 36 tuổi. Về đây, thấy cách sinh hoạt ở Phổ Phúc Am mang nhiều sắc dị đoan mê tín không phù hợp với thanh quy thiền môn, Ngài quyết tâm chấn chỉnh. Sau thời gian dài, Ngài mới tạo được nếp sống thanh tịnh của chốn thiền môn. Nhờ ý chí tiến tu và công hạnh hoằng hóa Phật đạo, Ngài đã đắc pháp với Hòa thượng Tâm Tịnh, được ban Đạo hiệu là Giác Hạnh, vào ngày 14 tháng giêng năm Bính Dần (1926), kế thừa đời thứ 43 dòng Lâm Tế Thiền Tông. Cùng năm đó, Ngài trùng tu chánh điện và đổi Am Phổ Phúc thành chùa Vạn Phước (Huế). Năm 1932, hội An Nam Phật Học ra đời, Ngài được cung thỉnh làm chứng minh Đạo sư của hội. Năm 1933, để tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài đã dành những ngôi nhà tả hữu của chùa (Vạn Phước) làm cơ sở vật chất cho trường tiểu học Phật giáo để Tăng Ni có nơi tham học, do Pháp sư Mật Khế sáng lập và chủ giảng. Năm Nhâm Ngọ (1941), Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Hưng Khánh tỉnh Bình Định do Ngài Chí Bảo làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài rất quan tâm về việc hoằng hóa độ sinh, nên Ngài đã từng cố vấn đạo hạnh cho hai tổ chức Phật giáo đương thời là Giáo Hội Tăng Già Trung Việt và Hội An Nam Phật Học, Ngài cũng đã chung sức cùng Chư tôn Giáo phẩm Tăng Ni hằng quan tâm đến các lãnh vực giáo dục, xã hội và hóa đạo bằng những phương thức nghi lễ của thiền môn. Ngài tự nguyện đứng vào trong ban Kinh tài để vận động tài chánh cho báo Viên Âm. Tờ báo này được duy trì mãi đến ngày báo Liên Hoa ra đời, nhờ sự đóng góp một phần của Ngài. Là người dốc lòng phụng sự đạo pháp và cũng rất hiếu hạnh, Ngài không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nên đã trở về quê hương năm Mậu Tuất (1958). Cùng với chư vị Trưởng lão ở làng Ái Tử, Ngài trùng tu chùa chiền, tạo lập trụ sở để tỏ lòng người đạo tử nhớ nghĩa sanh thành. Năm 1963, Ngài tham gia công cuộc vận động, đòi thực thi 05 nguyện vọng của Phật Giáo Việt Nam. Đến năm Ất Tỵ (1965), Ngài thấy tuổi tác đã cao không thể đảm đương Phật sự, nên Ngài trao chức trú trì cho kế pháp tử trưởng là Hòa thượng Thích Tâm Hướng. Cùng năm này, Ngài được mời làm Tôn chứng A Xà Lê các giới đàn Từ Hiếu, Báo Quốc và Thiền Tôn - Huế. Năm 1967, Ngài vào miền Nam (Sài Gòn) tiếp nhận chùa Tuệ Quang. Năm 1970, Ngài cho xây lại chùa này, và năm 1971 Ngài đã chú thành một đại hồng chung, sau đó đổi hiệu chùa là Vạn Phước vào năm 1973 (Ở số 55 đường Tuệ Tỉnh, quận 11, Sài Gòn). Năm 1973, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cung thỉnh làm thành viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống. Cũng trong khoảng thời gian này, Ngài chỉ đạo cho Hòa thượng Tâm Hướng chú đại hồng chung và trùng tu chùa Tịnh Độ nằm phía Tây Bắc cạnh chùa Vạn Phước, đường Lam Sơn- Huế. Từ đấy, Ngài không quản ngại mọi khó khăn có khi hành đạo ở miền Trung, lúc du hóa tận phương Nam. Nhiệm vụ của một trưởng tử Như Lai trong đời Ngài đã viên thành. Thân ngũ uẩn giả hợp ấy đã đến hồi qui tịch, Ngài đã an nhiên mãn hiện vào giờ Tý ngày 10 tháng 7 năm Tân Dậu (nhằm ngày 09/8/1981), trường thọ 102 năm, được 72 hạ lạp. Nhà bia và bảo tháp của Ngài được tôn trí tại khuôn viên chùa Vạn Phước, đường Lam Sơn-Huế. Cuộc đời hành hóa của Ngài thể hiện phương châm : “Lợi sanh vi sự nghiệp, hoằng hóa thị gia vụ” của chư Tổ mà Ngài đã tâm đắc và thực hành suốt tám mươi lăm năm xuất trần vi thượng sĩ vậy. |
[ Trở Về ]