Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH HUYỀN TÂN (1911 - 1979) Hòa thượng thế danh là Lê Xuân Lộc, húy là Tâm, pháp danh Như Thọ, pháp hiệu Thích Huyền Tân, sinh ngày mồng 8 tháng 2 năm Tân Hợi (1911) tại Văn Sơn (Lánzon), Phan Rang. Thân phụ là cụ Lê Văn Chí. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Nhi. Ngài sinh trưởng trong một gia đình danh gia cự tộc ở địa phương, là con thứ ba trong số bảy anh chị em. Thiếu thời, Ngài học trường Pháp Việt - Ninh Thuận. Ngài có biệt tài về nghề phù điêu kim loại. Gia đình sùng tín đạo Phật, nên những ngày lễ, ngày vía, Ngài thường theo cha mẹ lên chùa lễ Phật. Tín tâm của Ngài do đó mà ngày một tăng trưởng. Năm 20 tuổi (1930) Ngài vâng lệnh song đường lập gia thất. Nhưng cuộc sống thế gian trần tục không đem lại cho Ngài sự yên bình nội tâm, nên 4 năm sau, Ngài xuất gia đầu Phật tại chùa Thiên Hưng, cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thắng và được ban pháp danh Như Thọ. Sau một thời gian tu học, đến ngày 17 tháng 10 năm Ất Hợi (1935), Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Trùng Khánh ở thôn Dư Khánh, Phan Rang do Hòa thượng Long Sơn làm Đàn đầu truyền giới. Ngài là Thủ Sa Di trong số 189 giới tử. Thấy Ngài đã trưởng thành trên con đường tu học, Hòa thượng Bổn sư cho phép Ngài được tìm đến Tổ đình Bát Nhã ở Phú Yên xin tham học. Năm sau, 1936 Hòa thượng Bổn sư đưa Ngài về Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định theo học kinh luận với Quốc sư Phước Huệ. Sau đó theo lời mời của Hòa thượng Giác Tiên thay mặt cho Sơn môn và hội An Nam Phật Học Thừa Thiên - Huế, Quốc sư Phước Huệ ra giảng dạy kinh luật tại Phật học đường Tây Thiên. Ngài được Quốc sư cho đi theo làm thị giả và được chư Tôn đức Thừa Thiên cử làm Thủ chúng. Ngài được ban pháp hiệu Huyền Tân từ đó. Năm 1939, Chư sơn Bình Định cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ về chủ giảng trường Hương tại Tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn. Ngài lại theo Quốc sư về đây tu học và cũng được chư Tôn đức Bình Định cử làm Thủ chúng tại trường Hương này. Trường Hương mãn khóa, Ngài được Quốc sư Phước Huệ tuyên dương: “Tỳ Kheo Huyền Tân học hạnh kiêm ưu, hảo hạng Đại học Phật pháp”. Hôm đó Bổn sư của Ngài là Hòa thượng Thích Trí Thắng chùa Thiên Hưng - Phan Rang được mời tới dự lễ, để nhận phần vinh dự này. Năm 1940 (Canh Thìn), lý hương hào lão và nhân dân làng Đắc Nhơn làm giấy hiến cúng toàn bộ chùa Thiền Lâm (Thoàn Lâm) lâu nay do làng quản trị, cho Hòa thượng Trí Thắng. Do đó, Ngài được Bổn sư gọi về giao trách nhiệm trú trì ngôi phạm vũ này. Năm 1941, Triều đình Huế ra sắc chỉ khâm ban Đạo điệp trú trì cho Ngài và sắc tứ biểu ngạch Tổ đình Thiền Lâm. Từ đó Ngài thường xuyên mở lớp giảng dạy kinh luật cho Tăng Ni và truyền dạy giáo lý Phật đà cho thiện tín quy tụ về chùa tu học. Rằm tháng 7 năm Tân Mão (1951), Ngài thành lập Chi hội An Nam Phật Học Ninh Thuận đặt tại thôn Đắc Nhơn, đồng thời Ngài vận động thành lập Phật học đường Ninh Thuận. Cùng năm này Ngài đã thành lập Hội Phổ Tương Tế tại Tổ đình Thiền Lâm. Năm 1952, Chư Sơn và hội An Nam Phật Học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh Ngài giữ chức Giám Đốc Phật học đường Nha Trang. Trong hai Đại giới đàn năm 1957 và 1968 tại Phật học viện Trung phần ở chùa Hải Đức-Nha Trang, Ngài đều được cung thỉnh vào hàng Thập Sư. Năm 1957, hội An Nam Phật Học Ninh Thuận cung thỉnh Ngài trú trì chùa Sùng Ân. Từ năm 1959 đến năm 1961 Ngài đại trùng tu Tổ đình Thiền Lâm (Thoàn Lâm) tạo thành một cảnh già lam nguy nga bên đường quốc lộ số 11 đi Đà Lạt. Năm 1963 Phật giáo miền Nam gặp pháp nạn. Ngài là vị thượng thủ vững tay lái đưa con thuyền Phật giáo ở Ninh Thuận vượt qua mọi trở ngại, giữ vững lòng tin cho tín đồ. Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Ngài lãnh trách nhiệm Chánh Đại Diện Tỉnh Giáo Hội Ninh Thuận khóa đầu tiên và làm cố vấn đạo hạnh cho tổ chức Gia đình Phật tử ở đây. Từ năm 1970 đến năm 1975, Ngài giữ chức Giám viện Phật học viện Liễu Quán. Năm 1972 Ngài được tấn phong ngôi vị Hòa thượng. Năm 1974, Ngài được mời vào Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bấy giờ Ngài đã 64 tuổi, thường bị đau yếu, nhất là bệnh suyễn. Tuy nhiên khi thấy trong người sức khỏe có phần khá hơn, Ngài liền giảng dạy kinh luận cho Tăng chúng, vì đây là công việc mà Ngài hoài bão suốt cuộc đời. Đến ngày mồng 8 tháng 3 năm Kỷ Mùi (1979) Ngài viên tịch tại chùa Thiền Lâm, hưởng thọ 69 tuổi đời, 45 tuổi hạ. Hòa thượng Thích Huyền Tân là một vị cao Tăng ở tỉnh Ninh Thuận. Ngài có kiến thức tinh thâm về kinh luật vì thiếu thời được theo học với thiền sư danh tiếng là Quốc sư Phước Huệ. Suốt đời, Ngài một lòng xây dựng cho ngôi nhà thống nhất Phật giáo thêm bền vững. |
[ Trở Về ]