Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG 
THÍCH TRÍ THẮNG
( 1891-1975)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Khắc Đôn, tự Đạo Thông, pháp hiệu Thích Trí Thắng, sinh tháng giêng năm Tân Mão (1891) tại thôn Lương Lộc, tổng Thiều Quang, huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn, nay là thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phò, thân mẫu là cụ bà Dương Thị Lân. Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung nông, gia giáo và sùng tín Tam Bảo.

Thân phụ mất sớm, Ngài phải nương nhờ sự giáo dưỡng nơi người bác ruột là Hòa thượng Ấn Bình trú trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định. Tổ Ấn Bình tinh thông dịch lý và tướng pháp, thấy rõ sự khả dụng trong tương lai của Ngài, nên cố tâm dìu dắt, đào tạo Ngài nên người.

Năm Quý Mão (1903), Ngài đậu Tiểu học tại trường trung học (collège) Qui Nhơn. Năm Đinh Mùi (1907) không đậu bằng Thành chung, Ngài quay về học Hán văn và y dược với Tổ Ấn Bình là những môn sở trường của Tổ và học thêm Pháp văn với cụ Đinh Trạc.

Năm Nhâm Tý (1912), Ngài (22 tuổi) được bổ giáo viên hương trường, dạy tại thôn Bình Thạnh, quận lỵ Tuy Phước. Năm Ất Mão (1915), Ngài được đặc cách về dạy tại trường Tam Quan thuộc phủ Hoài Nhơn, vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè, Ngài cùng các đồng nghiệp dạy hè tại vùng La Hà, núi Thiên Ấn, chuyên kèm Hán văn và Pháp văn cho số công chức Nam triều tại tỉnh đường Quảng Ngãi. Trong thời gian này, Ngài thường lui tới chiêm bái Tổ Đình Thiên Ấn, được Hòa thượng Ấn Chiếu giảng dạy những điều căn bản của Phật pháp như Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Thập nhị nhân duyên... Ngài được một lão Nho cho ở trọ, rồi lập gia đình ở đây.

Năm Mậu Ngọ (1918) gặp nghịch cảnh gia đình, nhưng lại là cơ duyên cho Ngài nhận thức giá trị đích thực của giáo lý nhà Phật. Đoạn tuyệt duyên trần, rời bục giảng, Ngài trở về Bình Định xin xuất gia tu học, được Tổ cho pháp danh Chơn Cảnh. Năm Canh Thân (1920), 29 tuổi ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Châu Long, (nay là Tổ đình Tịnh Lâm huyện Phù Cát) do Hòa thượng Phổ Huệ làm Đường đầu Hòa thượng. Bấy giờ Tổ Ấn Bình phú cho Ngài pháp tự Đạo Thông, pháp hiệu Trí Thắng, vì Ngài đạt thủ khoa tại giới trường này.

Năm Tân Dậu (1921), Tổ Ấn Bình viên tịch, Ngài thừa kế trú trì chùa Thiên Hòa và mở lớp dạy Hán văn, Pháp văn và Việt văn cho bá tánh quanh vùng. Đêm 28 tháng chạp năm Nhâm Tuất (1922), do bất cẩn nên xảy ra hỏa hoạn, chùa bị thiêu hủy. Ngài xin phép được khuyến giáo khắp các tỉnh miền Nam. Năm 1923 Ngài tái thiết toàn bộ Tổ Đình Thiên Hòa, tồn tại cho đến nay.

Năm Giáp Tý (1924), rằm tháng giêng, sau khi cử đệ tử là Thiền sư Cát Khánh, đệ tử y chỉ làm Giám tự, Ngài vào Tổ đình Bát Nhã ở Phú Yên tham học giáo lý, và cùng nhiều vị danh Tăng khác giảng dạy khóa hạ như các Thiền sư chùa Từ Quang, Phước Sơn, Kim Cang, Bảo Sơn, Hương Tích, Bảo Tịnh, Thiên Sơn ở Phú Yên, Phước Tường, Hải Đức, Thiên Bửu, Thiên Hòa ở Khánh Hòa. Nhờ đó Ngài càng thêm tinh thông nội điển.

Ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu 1925, thiền sư Cát Khánh tịch. Ngài về cử Ngài Quảng Nguyên đệ tử cầu pháp làm Thủ tọa thừa kế sự nghiệp Tổ đình Thiên Hòa, rồi Ngài vào Phan Rang tham yết Hòa thượng Chơn Niệm chùa Trùng Khánh, được Hòa thượng mời lưu lại. Sau thiện tín chùa Trùng Sơn ở núi Đá Chồng thỉnh Ngài về làm Thủ tọa, có sự tham chứng của Hòa thượng Chơn Niệm. Ở đây Ngài cũng mở lớp dạy chữ Hán, Pháp, Việt và làm thuốc.

Năm Bính Dần (1926), nữ Phật tử Hà Thị Kỉnh pháp danh Tâm Thành ở thôn Phước Hậu, xứ Cà Ná, sinh quán Phù Cát, Bình Định, hiến cúng cho Ngài thảo am của bà cất để tu dưỡng. Ngài đã xây dựng lên ngôi chùa hiệu là Hương Viên.

Năm Đinh Mão (1927), Phật tử Tâm Đạt thế danh Võ Thị Huợt, phu nhân Quản đạo Nguyễn Tập đến chùa Trùng Sơn cung thỉnh Ngài về thảo am của bà để dạy giáo lý Phật Đà. Sau đó bà hiến cúng thảo am cho Ngài và được Ngài đổi thành chùa Thiên Hưng.

Năm Mậu Thìn (1928), Ngài mở lớp nội điển tại chùa Thiên Hưng. Đệ tử theo học có các thầy Huyền Diệu, Huyền Tân, Huyền Cơ, Huyền Lý, Huyền Ý, Huyền Nghĩa, Huyền Đạt, Huyền Châu (thủ tọa chùa Hương Viên).

Năm Giáp Tuất (1934) Ngài chứng minh cho Phật tử Như Phượng thế danh Võ Thị Én sáng lập chùa Long Quang, gần cầu Đạo Long để tu học. Do đó dân gian thường gọi là chùa Bà Én. Năm Ất Hợi (1935), được sự ủng hộ tài chánh của thiện tín vùng Bảo An, Tháp Chàm, Đô Vinh, Ngài cung thỉnh Hòa thượng Trí Hải chùa Bích Liên ở Bình Định, Hòa thượng Phúc Hộ chùa Từ Quang ở Phú Yên mở Thích học đường tại chùa Tây Thiên.

Năm Mậu Dần (1938), Ngài cùng một số Phật tử thuần thành ở Phan Rang vận động thành lập An Nam Phật Học chi hội Ninh Thuận, trụ sở đặt tại chùa Thiên Hưng, do cư sĩ Nguyễn Công Tích làm Hội trưởng. Năm Kỷ Mão (1939) triều đình Huế sắc tứ biểu ngạch cho chùa Thiên Hưng. Năm Canh Thìn (1940), hào lý và nhân dân làng Đắc Nhơn hiến cúng toàn bộ Thiền Lâm Cổ Tự cho Ngài. Ngài cử đệ tử là Thích Huyền Tân về làm trú trì. Năm Tân Tỵ (1941), Ngài xin khai khẩn ba mươi sáu mẫu đất rừng hoang ở phía Nam sông Đồng Mé để mở làng Phật học. Nhưng đến năm 1945 kế hoạch bị tan vỡ.

Năm Nhâm Ngọ (1942), triều đình Huế sắc chỉ khâm ban Đạo điệp Tăng Cang cho Ngài và sắc tứ biểu ngạch cho chùa Thiền Lâm. Năm 1943, Ngài chứng minh lễ đặt đá xây dựng nghĩa trang của hội Phật học và cho dời trụ sở An Nam Phật Học từ chùa Thiên Hưng lên chùa Long Quang để tiện việc sinh hoạt tu học của hội viên.

Năm Giáp Thân (1944), Ngài được chư sơn Bình Định cung thỉnh chức vị Tuyên luật sư tại đại giới đàn Tổ đình Thiên Đức, nơi sinh quán của Ngài. Năm Đinh Hợi (1947), Ngài chứng minh lễ đặt đá xây hội quán An Nam Phật Học tỉnh Ninh Thuận tại ấp Phủ Hà. Năm 1948, Ngài vận động lập Phật học đường Phan Rang, chư sơn cung thỉnh Ngài giữ chức Giám viện kiêm Giám đốc và Giáo thọ trường. Năm Canh Dần (1950), Ngài được hội Việt Nam Phật Học Trung Việt cung thỉnh ở ngôi vị chứng minh đạo hạnh và chức vụ Hội trưởng hội Việt Nam Phật Học tỉnh Ninh Thuận. Cùng năm này Ngài tái thiết chùa Long Quang để dời trụ sở Giáo hội tỉnh từ chùa Phước Quang núi Cà Đú về đây. Ngài cũng được chư sơn cung thỉnh làm Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Ninh Thuận.

Năm Tân Mão (1951), chư sơn và hội Việt Nam Phật Học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh Ngài đảm trách chức Giám đốc Phật học đường Nha Trang. Năm sau, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Thiên Bửu ở Ninh Hòa. Sau đó vì bất đồng về cách thức lãnh đạo của Tổng trị sự Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, năm 1955 Ngài tách ra thành lập Tịnh Độ Tông Việt Nam và được cử giữ chức Tông trưởng kiêm Cố vấn Tịnh Độ Tông tỉnh Ninh Thuận. Với cương vị này Ngài đã chứng minh khai sơn các chùa Trường Thọ, An Nhơn, Trường Sanh. Năm Tân Sửu (1961), ban Đại diện Cổ Sơn Môn Trung phần được thành lập, Ngài được mời làm Chứng minh Đạo sư. Năm Giáp Thìn (1964), Ngài được cung thỉnh giữ chức Phó Tăng Thống kiêm Giám luật Tịnh Độ Tông Việt Nam. Cùng năm này Ngài tham gia thành lập Phật học viện ở Đồng Đế, Nha Trang.

Năm Ất Tỵ (1965), Ngài mở phòng Đông y tại chùa Thiên Hưng để chữa bệnh cho dân nghèo và chứng minh sáng lập chùa Bảo Vân ở thôn Nhơn Hội. Mùa hè năm Ất Mão (1975), Ngài cho gọi môn đồ và thiện tín về phú chúc Phật sự tương lai. Đến ngày 12 tháng 5 (21-6-1975) lúc 10 giờ 30', Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 85 tuổi đời, 54 tuổi hạ.

Hòa thượng Thích Trí Thắng, là một vị cao Tăng đã có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài hoạt động liên tục không phút ngơi nghỉ. Nhờ đó mà phong trào Phật giáo ở tỉnh Ninh Thuận một thời được khởi sắc.



 [ Trở Về ]