Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
TỔ BẰNG SỞ
HÒA THƯỢNG-THÍCH TRUNG THỨ
(1871-1942)

Bằng Sở là tên Chùa (1), Ngài họ Phan, húy Trung Thứ, pháp danh Chân Như, sinh năm 1871 ở làng Hoành Đông, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ngài vốn thuộc dòng thi lễ, về đời hậu Lê tổ tiên Ngài có vị đã làm đến Quận công. Từ nhỏ Ngài đã được theo học chữ Nho. Nhờ có tư chất thông minh, nên Ngũ Kinh, Tứ Thư cho đến Bách Gia Chư Tử Ngài đều thông suốt cả.

Tuy nhiên Ngài đã không lấy văn chương thi phú làm phương tiện tiến thân nhập thế, mà lại tìm chốn thiền môn để tu thân cứu đời. Năm 19 tuổi (1890- Canh Dần) Ngài đến chùa Liên Tỉnh ở Nam Định xin làm lễ thế phát, thọ giới Sa Di. Sau vài năm, Ngài được Bổn sư cho tới thọ giáo với Hòa thượng chùa Thịnh Quang là một vị chân tu giới luật tinh nghiêm. Vài năm sau, Ngài được thọ giới Cụ Túc tại Đại giới đàn chùa Linh Quang. Ngài ở lại đây tu học một thời gian, trau giồi giới luật. Sẵn có trình độ Hán học uyên thâm, lại chí tâm tu trì, nên Ngài thâm nhập kinh tạng nhanh chóng và trở nên một bậc lương đống trong thiền gia.

Khi ngoài 40 tuổi, nhận thấy trong hàng ngũ thanh niên Phật tử nhiều người thất học, giáo lý không thông, giới luật không rõ, Ngài bắt đầu lưu tâm đến việc dìu dắt lớp hậu tiến. Do đó, khi Ngài an trụ ở chùa Bằng thì khai tràng thuyết pháp tại chùa Bằng, khi an trụ ở chùa Sở thì khai tràng thuyết pháp tại chùa Sở. Quanh năm tận tụy với sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, không lúc nào ngơi nghỉ.

Ngài giảng kinh cốt cho người nghe được rõ nghĩa, không nệ lối thuyết giảng xưa theo tập tục, nên các đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều nức lòng theo học. Trường học lúc nào cũng đông đảo. Ngài lại lưu tâm về khoa sư phạm, vừa có ân vừa có uy, nên đệ tử vừa mến lại vừa sợ. Mỗi khi lên Phật điện, giảng đường hay xuống trai đường, ai nấy đều giữ oai nghi tế hạnh nghiêm trang như luật định.

Ngài lại ra làm Chủ hạ ở chùa Linh Quang, tại đây, Ngài đã kiểm san bộ Đại Bảo Tích để báo đức Tổ Linh Quang. Ngài lại được Tổ Vĩnh Nghiêm đặc trách giao phó công việc cắt nghĩa bộ Phương Đẳng Bát Nhã, bộ Tứ Phận Hành Sự Sao, là những bộ kinh luật lớn. Đây là công việc nặng nề, nếu không phải là người tinh thâm văn nghĩa, thấu hiểu giáo lý Phật đà, và có tính nhẫn nại chuyên cần thì không thể làm được.

Đối với chúng đệ tử tại gia, Ngài cũng để tâm săn sóc dạy bảo. Ngài lập ra một Ban tại gia Bồ Tát, truyền giới Bồ Tát cho hàng thiện nam tín nữ, chỉ dạy họ hiểu nghĩa lý Phật pháp, biết quy củ thiền gia, trợ thủ cho Tăng Ni tu hành. Ngài cũng quan tâm đến công tác từ thiện xã hội. Ngài lập một Ban Tế Thí, mỗi vị “ Bồ tát “ tùy tâm tùy lực, cúng một số tiền, làm việc sinh lợi chân chính. Khi nào có thiên tai, hoạn nạn thì trích một phần quỹ cứu giúp. Thật là một phép phương tiện rất quý hóa trong thiền gia ở nước ta thời bấy giờ.

Vốn là vị thiền sư hằng quan tâm đến việc hoằng pháp độ sinh, Ngài là một trong những Hòa thượng hoạt động tích cực cho việc thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, được chính thức ra đời vào ngày 18 tháng 11 năm 1934 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, do Hòa thượng Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ. Để giúp hội về mặt hành chánh trong bước đầu thành lập, Ngài nhận chức Kỳ Túc Đạo Sư. Bấy giờ hội hoạt động rất mạnh. Nhiều trường Phật học lần lượt được mở ở các Tổ đình. Một lớp Đại học Phật giáo được mở tại chùa Bằng Sở ở Thái Hà ấp, chính thức khai giảng năm 1936 do Ngài làm Đốc giáo. Chương trình học trong ba năm. Sau khi tốt nghiệp, học Tăng có thể ở lại trường nghiên cứu thêm 5 năm nữa. Chương trình này gọi là chương trình Bác Học Cao Đẳng. Trong khi trường mới mở, thiếu thốn nhiều thứ, chẳng những Ngài đã bố thí pháp, không quản thân già sức yếu, thuyết giảng kinh pháp suốt ngày, Ngài lại còn bố thí cả tài vật, cúng dường cho chư Tăng tu học, Ngài lo cung cấp đầy đủ mọi thứ, chẳng quản nhọc nhằn. Tất cả đều vì đạo pháp, vì sự thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo.

Về sau, khi chùa Bồ Đề ở Gia Lâm chuyển thành cơ sở một trường Ni học, Ngài cũng hết lòng chăm sóc cho được thành tựu.

Tháng chạp năm 1935, tờ Đuốc Tuệ, cơ quan ngôn luận truyền bá Phật giáo của hội ra đời do ông Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm, Ngài được mời làm chủ bút, chịu trách nhiệm về nội dung bài vở. Tờ Đuốc Tuệ đã quy tụ được nhiều Tăng Ni và nhà văn tân cựu học có khả năng viết bài, hoạt động cho đến trước Cách mạng tháng tám mới đình bản.

Ngoài việc hoạt động cho công cuộc hoằng pháp, đào tạo Tăng tài, bồi đắp các thế hệ kế thừa bằng các trường Phật học và diễn đàn Đuốc Tuệ, Ngài còn có công trùng tu một số chùa, nhất là tiếp nối Hòa thượng Trung Hậu, trùng tu chùa Quán Sứ nơi đặt trụ sở của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo.

Ngày 25 tháng 02 năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài cùng một số đệ tử mở cuộc hành hương chiêm bái thánh tích Yên Tử. Bấy giờ Ngài đã ngoài thất tuần, sức khỏe đã kém sút, nhưng Ngài vẫn quyết chí ra đi. Qua Lân Động đến Hoa Yên, các đệ tử thấy Ngài có vẻ suy yếu, đều xin Ngài nghỉ lại ở Hoa Yên. Nhưng Ngài không nghe, vẫn tiếp tục cuộc đăng sơn bái Tổ, theo nẻo Ngọa Vân mà đi. Khi lên đến Chân Cảnh, tự nhiên Ngài đứng ngẩn người ra, không nói không động. Các đệ tử theo sau vội vực Ngài về Hoa Yên tìm thuốc men chạy chữa, rồi rước Ngài về chùa Sở điều dưỡng.

Đến 3 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 3 năm ấy Ngài viên tịch, hưởng thọ 71 tuổi đời, 50 tuổi hạ.

Tổ Bằng Sở là một cao Tăng uy danh vang khắp Bắc kỳ, công hạnh của Ngài đối với những lớp người sau không thể kể bàn được. Chỉ có thể nói phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc ở giai đoạn đầu không thể thiếu Ngài mà thành công. Dù Ngài đã đi về nơi Tịnh cảnh, nhưng sự nghiệp và công hạnh mãi còn trong lòng mọi người.

Chú thích :

(1) Bằng Sở là 2 chùa : - Chùa Thịnh Quang tức chùa Sở, hiện là Phúc Khánh Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Chùa Bằng ở huyện Thường Tín, Hà Tây.



 [ Trở Về ]