Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH NGUYÊN BIỂU (1836 - 1906) Hòa thượng họ Phạm, pháp danh Thích Nguyên Biểu, hiệu Nhất Thiết, sinh năm Bính Thân (1836) triều vua Minh Mạng thứ 17 tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thân phụ là Phạm tướng công, húy Quang Tự, hiệu Trung Tín, tự Khoan Bình. Thân mẫu là cụ bà Trần thị Ngọc, hiệu Từ Niệm. Ngài thuộc dòng ba đời khoa bảng. Ngay từ nhỏ Ngài đã mến mộ đạo Phật, nên sớm được gia đình cho xuất gia đầu Phật, Ngài được thế phát quy y tại Tổ đình Phù Lãng ở Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Bấy giờ Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở xã Đức La, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nay là xã Trí Yên, tỉnh Hà Bắc, là trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm tại miền Bắc, có Hòa thượng Tâm Viên là vị cao Tăng tinh thâm kinh điển, đạo hạnh cao dày, an trụ thuyết giảng Phật pháp. Tăng tục khắp nơi quy về tu học rất đông. Năm 17 tuổi, Ngài được Bổn sư chùa Phù Lãng cho sang đây tham học và thọ Sa Di giới. Năm 20 tuổi (1855) Ngài được thọ Cụ Túc giới cũng tại chùa Vĩnh Nghiêm với Tổ Tâm Viên. Sau khi được giới châu viên mãn, Ngài ở lại “phụng Phật sự Sư” thêm 5 năm nữa, tại đây lo sớm tối tu học, giới luật nghiêm thân. Chính trong thời gian này, Ngài đã thay mặt nghiệp sư dìu dắt sư đệ Thích Thanh Hanh từ chùa Hòe Nhai được gửi về đây tham học. Hòa thượng Thanh Hanh sau này là Thiền gia Pháp chủ của Hội Bắc Kỳ Phật học. Khi lực học đã khả kham, Ngài được nghiệp sư cho xuất viện đi hoằng pháp các nơi. Bước đầu du hóa, Ngài tới vùng đông du thuyết pháp độ sinh, rồi qua trú trì chùa Hạ Lôi ở huyện An Lãng, tỉnh Phúc Yên. Tại nơi đây, Ngài đã đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng đương thời như Hòa thượng Trung Hậu, Hòa thượng Thông Toàn là vị trú trì đệ tứ tại chùa Bà Đá (Linh Quang Tự) ở Hà Nội. Năm 1874, Ngài vừa 38 tuổi, nhân trong cuộc du hóa truyền giáo ở vùng Gia Lâm, Ngài tới bến Bồ Đề trên bờ sông Hồng nhìn qua bên kia thành Thăng Long. Nhận thấy nơi đây cảnh trí thiên nhiên thanh nhã, địa danh Bồ Đề lại đồng danh với quả vị mà mọi người tu Phật đều mong đạt tới. Vả lại đây cũng là dinh cũ của vua Lê trong những ngày kháng chiến chống quân Minh. Thật là một nơi địa linh, đáng có một ngôi Tam Bảo để hoằng dương chánh pháp, cứu độ chúng sinh. Do đó, Ngài quyết định ở lại, tự mình khai sơn phá thạch, dựng lên ngôi chùa đặt tên là Thiên Sơn Cổ Tích Tự. Nhưng vì chùa nằm trên bến Bồ Đề nên tứ chúng thường gọi là chùa Bồ Đề. Sau khi xây xong chánh diện và giảng đường, Ngài liền khai tràng thuyết pháp, thu nạp đệ tử tiếp chúng độ nhân. Tăng tục lui tới tham học nghe pháp rất đông. Chùa Bồ Đề trở nên một đạo tràng sầm uất nơi cố đô Thăng Long. Trong số đệ tử của Ngài, nhiều vị đã trở thành các bậc lương đống trong các Tổ đình trên miền Bắc, cả về học thức lẫn đạo hạnh như Tổ Quảng Gia, Tổ Quảng Yên ở chùa Bồ Đề, Tổ Phổ Tụ ở chùa Tế Xuyên, Tổ Doãn Hài ở chùa Tế Cát, Tổ Thanh Khải ở chùa Đa Bảo. Suốt ba thập kỷ trú trì Thiên Sơn Cổ Tích Tự từ ngày sáng lập cho đến ngày thị tịch, Ngài đã để công tô điểm cho ngôi chùa trở thành một tùng lâm quy mô với chánh điện, giảng đường, trai đường, pháp đường. Cũng trong thời gian này Ngài còn cho khắc ván in bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, luật Tứ Phần, các sách Lược Ký Ni, Thụ Giới Nghi Phạm, Nhật Tụng Bồ Đề (2 tập). Ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (1906) Ngài không ốm đau gì cả mà an nhiên thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi đời, 50 tuổi hạ. Hòa thượng Thích Nguyên Biểu là một vị cao Tăng đã có công khai sơn Tổ đình Bồ Đề Thiên Sơn, đào tạo nhiều Tăng tài làm hạt giống cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc. Tuy Ngài không còn trụ thế khi phong trào được phát động, nhưng sư đệ của Ngài như Hòa thượng Thanh Hanh, đệ tử của Ngài như Hòa thượng Trung Hậu, sư điệt của Ngài như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tâm Tịch đều là những cây đại thụ của phong trào. Chùa Bồ Đề của Ngài là một trong hai Phật học đường Trung học Phật giáo đầu tiên của miền Bắc. |
[ Trở Về ]