Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]                 


 
Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V - Thiên Ðại Phẩm


 
[46] Chương II

Tương Ưng Giác Chi (a)

-ooOoo-
I. Phẩm Núi

1.I. Tuyết Sơn (S.v,63) 

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi ... 

Thế Tôn nói như sau : 

3) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ. Sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn. Sau khi đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn. Sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy, thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn. 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp? 

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. 

2.II. Thân (S.v,64) 

I 

1-2) Tại Sàvatthi... 

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

4) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

5) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với sân chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có đối ngại tướng (patighanimittam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đối ngại tướng này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

6) Này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hôn trầm thụy miên chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có sự không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhità), ăn quá no, tâm rụt rè (linàttam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

7) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạo hối chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm không được tịnh chỉ. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

8) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với nghi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với nghi đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính các pháp này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; hay đối với nghi hoặc đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

II 

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

11) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

12) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

13) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

14) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

15) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

16) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

17) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

3.III. Giới (S.v,67) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào cụ túc giới, cụ túc định, cụ túc tuệ, cụ túc giải thoát, cụ túc giải thoát tri kiến, Ta nói rằng ai thấy các Tỷ-kheo ấy thì có rất nhiều lợi ích. 

3) Ai nghe các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai yết kiến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai thân cận các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai nhớ nghĩ đến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai tùy thuận các Tỷ-kheo ấy xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. 

4) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, khi nghe pháp từ các Tỷ-kheo như vậy, vị nào sống viễn ly (vupakattho), được hai sự viễn ly : viễn ly về thân và viễn ly về tâm. Vị sống viễn ly như vậy thì sẽ tùy niệm (anussarati) pháp ấy, tùy tầm pháp ấy. 

5) Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy. 

6) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát pháp ấy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động (asallinam) bắt đầu phát khởi nơi vị ấy. 

7) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất (piti niràmisà) khởi lên. 

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an. 

9) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh. 

10) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thân khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập định giác chi; trong khi ấy, định giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn (sự vật) (sàdhukam ajjhupekkhità). 

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh, khéo trú xả nhìn (sự vật) như vậy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; trong khi ấy, xả giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

12) Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích? 

13) Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được (chánh) trí; nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí. 

14) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (antaràparinibbàyii). 

15) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian bát Niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại (upahacca) Bát-niết-bàn. 

16) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không chứng được chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phầm kiết sử, chứng được Vô hành Bát-niết-bàn (asankhàraparinibbàyii) 

17) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt được năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-hàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn. 

18) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại bát Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là bậc thượng lưu (uddhamsoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên. 

19) Này các Tỷ-kheo, do tu tập bảy giác chi như vậy, do làm cho sung mãn như vậy nên được chờ đợi bảy quả này, bảy lợi ích này. 

4.IV. Chuyển (Vatta) (S.v,70) 

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika. 

2) Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: 

-- Chư Hiền giả Tỷ-kheo. 

-- Thưa Hiền giả. 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau : 

3) -- Này chư Hiền, có bảy giác chi này. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này chư Hiền, đó là bảy giác chi này. 

4) Ðối với bảy giác chi này, này chư Hiền, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi chiều. 

5) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này. 

6-10) ... (như trên, với các giác chi khác) ... 

11) Nếu là xả giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này. 

12) Ví như, này chư Hiền, hòm áo của vua hay vị đại thần của vua đầy những loại áo có màu sắc sai biệt. Nếu vị ấy muốn mặc loại áo nào vào buổi sáng, vị ấy mặc loại ấy vào buổi sáng. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi trưa, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi trưa. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi chiều, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi chiều. 

13) Cũng vậy, này chư Hiền, đối với bảy giác chi này, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, ta an trú giác chi ấy vào buổi chiều. 

14) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết... (như trên đoạn số 5) 

15-19) ... (như trên đoạn số 6-10) 

20) Nếu là xả giác chi... (như trên đoạn số11) 

5.V. Vị Tỷ-Kheo (S.v,72) 

1) ... 

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn : 

--"Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi? 

-- Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi. 

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

4) Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên : "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 

5) Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên chúng được gọi là giác chi. 

6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73) 

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Ancana, vườn Lộc Uyển. 

2) Rồi du sĩ Kundaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn : 

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn giả Gotama, như sau là sở hành (àcàra) của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivàdapamokkànisamsam) và lợi ích cật vấn (upàrambhànisamsam). Còn Tôn giả Gotama sống có lợi ích gì? 

-- Này Kundaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vịjjàvimuttiphalà- nisamsam). 

4) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn. 

5) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. 

6) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. 

7) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn? 

8) Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. 

9-12) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... 

13) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. 

14) Này Kundaliya, khi nào Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát. Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. 

15) Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành; đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành; đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành. Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. 

16) Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn. 

17) Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn. 

18) Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :  

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời con xin quy ngưỡng. 

7. VII Nóc Nhà (S. v, 75) 

1-2) ... 

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. 

4) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi như thế nào, làm cho sung mãn bảy giác chi như thế nào, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về về Niết-bàn. 

8.VIII. Upavàna (S.v,76) 

1) Một thời Tôn giả Upavàna và Tôn giả Sàriputta sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita. 

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Upavàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Upavàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upavàna. 

3)-- Thưa Hiền giả Upavàna, Tỷ-kheo có thể biết được chăng, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú? 

4) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo bắt đầu trong ta, đưa đến lạc trú. Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu niệm giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng (atthikatvà), ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất (linàm)"... Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu xả giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng, ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất". Cũng vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú. 

9.IX. Sanh (1) (S.v,77) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. 

10.X. Sanh (2) (S.v,77) 

1) ... 

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. 

 

II. Phẩm Về Bệnh

11.I. Sanh Loại (S.v,78) 

1) ... 

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình (pàna) theo bốn cử chỉ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Tất cả những sanh loại ấy y cứ vào đất, an trú vào đất; mà thực hiện bốn cử chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

12.II. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,78) 

1) ... 

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện. Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng : bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

13.III. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,79) 

1) ... 

2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. 

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

14.IV. Bệnh (1) (S.v,79) 

1) Như vầy tôi nghe. 

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. 

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. 

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa : 

-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng? 

-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu. 

5) -- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

-- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi. 

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy. 

15.V. Bệnh (2) (S.v,80) 

1-6) (Hoàn toàn giống kinh trên, chỉ khác đây là trường hợp ngài Mahà Moggalàna). 

16.VI. Bệnh (3) (S.v,81) 

1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. 

3) Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên : 

-- Này Cunda, hãy thuyết về giác chi. 

5) -- Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

-- Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. 

6) Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy. (Kinh Hán Tạng: Tăng, Ðại 2,73la) 

17.VII. Ðến Bờ Bên Kia Hay Không Có Hơn Nữa (S.v,81) 

1) ... 

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. 

3) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm: 

1) Ít thay là những người,  
Qua được bờ bên kia, 
Phần lớn quần chúng khác, 
Chạy qua lại bờ này. 

2) Những ai khéo thuyết giảng,  
Chánh pháp khéo tuyên thuyết, 
Họ đến bờ bên kia, 
Khéo vượt cảnh Ma giới. 

3) Ðoạn tận các hắc pháp,  
Bậc trí tu bạch pháp, 
Bỏ nhà, sống không nhà, 
Trong độc cư an lạc. 

4) Ở đây muốn hưởng lạc,  
Hãy bỏ mọi dục vọng, 
Bậc trí tự thanh lọc, 
Tự tâm khởi phiền não. 

5) Những ai khéo tu tập,  
Chánh tâm trong giác chi, 
Từ bỏ các chấp trước, 
Hoan hỷ, không chấp thủ, 
Lậu hoặc tận, chói sáng, 
Ðạt tịch tịnh ở đời.

18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu (Aradda) (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Này các Tỷ-kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi,... xả giác chi. 

3) Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. 

19.IX. Thánh (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ. (Niyyànikà : Ðưa đến giải thoát), dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. 

20.X. Nhàm Chán (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

 

III. Phẩm Udàyi

21.I. Giác (Bodhanà) (S.v,83) 

1) ... 

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến... rồi ngồi xuống một bên. 

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: 

-- "Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi? 

-- Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên được gọi là giác chi. 

4) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

5) Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, cho nên được gọi là giác chi. 

22.II. Thuyết Giảng (Tạp 26,17 Ðại 2, 196a) (S.v,83) 

1) ... 

2)-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy giác chi. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này. 

23.III. Trú Xứ (Thànà) (Tạp 26,71 Ðại 2, 190b) (S.v,84) 

1) ... 

2) -- Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho dục và tham (kàmaràga), này các Tỷ-kheo, nên dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho sân, này các Tỷ-kheo, nên sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, nên hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho trạo hối, này các Tỷ-kheo, nên trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, nên nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

7) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, nên niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

8) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho xả giác chi, này các Tỷ-kheo, nên xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

24.IV. Phi Như Lý (Ayoniso) (Tạp 27, 14 Ðại 2, 195b) (S.v,84) 

1) ... 

2)-- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh khởi đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) ... nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

7) ... và niệm giác chi chưa sanh không sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh bị đoạn diệt... xả giác chi chưa sanh không sanh khởi; và xả giác chi đã sanh bị đoạn diệt. 

8) ... Và này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, dục tham chưa sanh không thể sanh khởi; và dục tham đã sanh bị đoạn tận. 

9) ... sân chưa sanh không thể sanh khởi; và sân đã sanh bị đoạn tận. 

10) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh không thể sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh bị đoạn tận. 

11) ... trạo hối chưa sanh không thể sanh khởi; và trạo hối đã sanh bị đoạn tận. 

12) ... nghi hoặc chưa sanh không thể sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh bị đoạn tận. 

13) ... Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

25.V.Không Tổn Giảm (Aparihàni) (1) (S.v,85) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy pháp không tổn giảm. Hãy lắng nghe. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không tổn giảm? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là bảy pháp không tổn giảm. 

26.VI. Ðoạn Tận (Khaya) (S.v,86) 

1) ... 

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy. 

3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái? 

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận. 

6-11) ... trạch pháp giác chi... tinh tấn giác chi... hỷ giác chi... khinh an giác chi... định giác chi... 

12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận. 

13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận. 

27.VII. Ðoạn Diệt (Tạp 27, 18 Ðại 2, 196a) (S.v,87) 

1) ... 

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn diệt khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy. 

3) Và này các Tỷ-kheo, con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn diệt khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

5) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái. 

28.VIII. Thể Nhập (Nibbedha). (S.v,87) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thể nhập phần (nibbedhabhàgiyam). Hãy lắng nghe. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thể nhập phần? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến thể nhập? 

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập niệm giác chi, đâm thủng được (nibbijjhati), phá vỡ được (padàleti) tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ... Tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập xả giác chi, đâm thủng được, phá vỡ được tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ. 

6) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này Udàyi, bảy giác chi đưa đến thể nhập. 

29.IX. Một Pháp (S.v,88) 

1) ... 

2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. Ðó chính là bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. 

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanà), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhà) ... Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc. 

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp có khả năng sanh kiết sử. 

30.X. Udàyi (S.v,89) 

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa những người Sumbha, tại một thị trấn của những người Sumbha tên là Setaka. 

2) Rồi Tôn giả Udàyi, đi đến Thế Tôn... ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

3) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con : "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt". 

4) Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri : "Ðây là khổ". Con như thật thắng tri: "Ðây là khổ tập khởi". Con như thật thắng tri: "Ðây là khổ diệt". Con như thật thắng tri : "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". 

5) Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi. Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết được rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa"... Con chứng được, bạch Thế Tôn, xả giác chi. Xả này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con đường này được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa". 

6) -- Lành thay, lành thay, này Udàyi ! Con đường này, này Udàyi, Ông chứng được, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ dắt dẫn Ông, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, Ông sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa". 

 

IV. Phẩm Triền Cái

31.I.Thiện (1) (S.v,91) 

1) ... 

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ; không phóng dật được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy. 

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? 

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

32.II. Thiện (2) (S.v,91) 

1) ... 

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy như lý tác ý làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy. 

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? 

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

33.III. Cấu Uế (1) (S.v,92) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo có năm cấu uế này đối với vàng. Do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng. 

3) Sắt, này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng. 

4) Ðồng (loham), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng. 

5) Thiếc (tipu), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... 

6) Chì (siisam), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... 

7) Bạc (sajjhum), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. 

8) Chính cấu uế của vàng, này các Tỷ-kheo, do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm cấu uế này của tâm, chính những cấu uế ấy khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm? 

9) Dục tham (kàmachanda), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. 

10-13) ... (Với sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi) 

14) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. 

34.IV. Các Cấu Uế (2) (Tạp 26,67, Ðại 2,189b) (S.v,93) 

1) ... 

2)-- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? 

3) Có niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

4) Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

35.V.Như Lý (1) (S.v,93) 

1) ... 

2) -- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchando) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) Và này các Tỷ-kheo, do phi như lý tác ý, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

  

36.VI. Như Lý (2) (S.v,94) 

1) ... 

2) -- Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

  

37.VII. Tăng Trưởng Hay Không Giảm Thiểu (Tåp 26,67, ñåi 2, 189b) (S.v,94) 

1) ... 

2)-- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... Xả giác chi. 

4) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. 

  

38.VIII. Chướng Ngại, Triền Cái (Tåp 26, 69, ñåi 2, 189c) (S.v,94) 

1) ... 

2) -- Có năm chướng ngại, triền cái, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? 

3) Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. 

4) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ. 

5) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? 

6) Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

7) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng (atthim katvà) tác ý, tập trung tất cả tâm ý (sabbacetaso sammannàharitvà), lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Và bảy giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

9) Năm triền cái nào, trong khi ấy, không có hiện hữu? Dục tham triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc trieàn cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Năm triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu trong vị ấy. 

10) Bảy giác chi nào, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn? Niệm giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... Xả giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng tác ý, tập trung tất cả tâm ý, lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Bảy giác chi này, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

39.IX. Cây (Tạp 26,70, Ðại 2, 190a) (S.v,96) 

1) ... 

2) -- Có những cây lớn, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

3) Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có thiện nam tử đoạn trừ các dục vọng, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng bị những dục vọng ấy, hay bị những dục vọng tệ hại hơn làm cho người ấy bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

5) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? Dục tham (kàmacchanda), này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên... Trạo hối... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, năm chướng ngại, triền cái này bao trùm tâm và làm cho yếu ớt trí tuệ. 

6) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

40.X. Triền Cái (Tạp 26, 68, Ðại 2, 189c) (S.v,97) 

1) ... 

2) -- Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. 

3) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Trạch pháp... Tinh tấn... Hỷ... Khinh an... Ðịnh... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. 

-ooOoo-
Chương trước | Chương kế 
 
Mục Lục các Tập (Thiên):
01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Giới thiệu

[Mục Lục Tương Ưng] [Trở về trang Thư Mục]
 
Source = BuddhaSasana
Revised: 30-11-2000
  tu5-46a
Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]                 


 
Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V - Thiên Ðại Phẩm


 
[46] Chương II

Tương Ưng Giác Chi (a)

-ooOoo-
I. Phẩm Núi

1.I. Tuyết Sơn (S.v,63) 

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi ... 

Thế Tôn nói như sau : 

3) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ. Sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn. Sau khi đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn. Sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy, thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn. 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp? 

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. 

2.II. Thân (S.v,64) 

I 

1-2) Tại Sàvatthi... 

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

4) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

5) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với sân chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có đối ngại tướng (patighanimittam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đối ngại tướng này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

6) Này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hôn trầm thụy miên chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có sự không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhità), ăn quá no, tâm rụt rè (linàttam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

7) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạo hối chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm không được tịnh chỉ. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

8) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với nghi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với nghi đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính các pháp này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; hay đối với nghi hoặc đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại. 

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

II 

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

11) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

12) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

13) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

14) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

15) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

16) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

17) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn. 

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. 

3.III. Giới (S.v,67) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào cụ túc giới, cụ túc định, cụ túc tuệ, cụ túc giải thoát, cụ túc giải thoát tri kiến, Ta nói rằng ai thấy các Tỷ-kheo ấy thì có rất nhiều lợi ích. 

3) Ai nghe các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai yết kiến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai thân cận các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai nhớ nghĩ đến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai tùy thuận các Tỷ-kheo ấy xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. 

4) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, khi nghe pháp từ các Tỷ-kheo như vậy, vị nào sống viễn ly (vupakattho), được hai sự viễn ly : viễn ly về thân và viễn ly về tâm. Vị sống viễn ly như vậy thì sẽ tùy niệm (anussarati) pháp ấy, tùy tầm pháp ấy. 

5) Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy. 

6) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát pháp ấy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động (asallinam) bắt đầu phát khởi nơi vị ấy. 

7) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất (piti niràmisà) khởi lên. 

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an. 

9) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh. 

10) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thân khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập định giác chi; trong khi ấy, định giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn (sự vật) (sàdhukam ajjhupekkhità). 

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh, khéo trú xả nhìn (sự vật) như vậy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; trong khi ấy, xả giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

12) Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích? 

13) Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được (chánh) trí; nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí. 

14) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (antaràparinibbàyii). 

15) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian bát Niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại (upahacca) Bát-niết-bàn. 

16) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không chứng được chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phầm kiết sử, chứng được Vô hành Bát-niết-bàn (asankhàraparinibbàyii) 

17) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt được năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-hàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn. 

18) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại bát Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là bậc thượng lưu (uddhamsoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên. 

19) Này các Tỷ-kheo, do tu tập bảy giác chi như vậy, do làm cho sung mãn như vậy nên được chờ đợi bảy quả này, bảy lợi ích này. 

4.IV. Chuyển (Vatta) (S.v,70) 

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika. 

2) Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: 

-- Chư Hiền giả Tỷ-kheo. 

-- Thưa Hiền giả. 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau : 

3) -- Này chư Hiền, có bảy giác chi này. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này chư Hiền, đó là bảy giác chi này. 

4) Ðối với bảy giác chi này, này chư Hiền, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi chiều. 

5) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này. 

6-10) ... (như trên, với các giác chi khác) ... 

11) Nếu là xả giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này. 

12) Ví như, này chư Hiền, hòm áo của vua hay vị đại thần của vua đầy những loại áo có màu sắc sai biệt. Nếu vị ấy muốn mặc loại áo nào vào buổi sáng, vị ấy mặc loại ấy vào buổi sáng. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi trưa, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi trưa. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi chiều, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi chiều. 

13) Cũng vậy, này chư Hiền, đối với bảy giác chi này, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, ta an trú giác chi ấy vào buổi chiều. 

14) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết... (như trên đoạn số 5) 

15-19) ... (như trên đoạn số 6-10) 

20) Nếu là xả giác chi... (như trên đoạn số11) 

5.V. Vị Tỷ-Kheo (S.v,72) 

1) ... 

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn : 

--"Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi? 

-- Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi. 

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

4) Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên : "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 

5) Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên chúng được gọi là giác chi. 

6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73) 

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Ancana, vườn Lộc Uyển. 

2) Rồi du sĩ Kundaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn : 

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn giả Gotama, như sau là sở hành (àcàra) của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivàdapamokkànisamsam) và lợi ích cật vấn (upàrambhànisamsam). Còn Tôn giả Gotama sống có lợi ích gì? 

-- Này Kundaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vịjjàvimuttiphalà- nisamsam). 

4) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn. 

5) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. 

6) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. 

7) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn? 

-- Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn? 

8) Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. 

9-12) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... 

13) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. 

14) Này Kundaliya, khi nào Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát. Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. 

15) Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành; đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành; đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành. Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. 

16) Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn. 

17) Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn. 

18) Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :  

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời con xin quy ngưỡng. 

7. VII Nóc Nhà (S. v, 75) 

1-2) ... 

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. 

4) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi như thế nào, làm cho sung mãn bảy giác chi như thế nào, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về về Niết-bàn. 

8.VIII. Upavàna (S.v,76) 

1) Một thời Tôn giả Upavàna và Tôn giả Sàriputta sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita. 

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Upavàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Upavàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upavàna. 

3)-- Thưa Hiền giả Upavàna, Tỷ-kheo có thể biết được chăng, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú? 

4) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo bắt đầu trong ta, đưa đến lạc trú. Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu niệm giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng (atthikatvà), ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất (linàm)"... Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu xả giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng, ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất". Cũng vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú. 

9.IX. Sanh (1) (S.v,77) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. 

10.X. Sanh (2) (S.v,77) 

1) ... 

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. 

 

II. Phẩm Về Bệnh

11.I. Sanh Loại (S.v,78) 

1) ... 

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình (pàna) theo bốn cử chỉ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Tất cả những sanh loại ấy y cứ vào đất, an trú vào đất; mà thực hiện bốn cử chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

12.II. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,78) 

1) ... 

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện. Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng : bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

13.III. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,79) 

1) ... 

2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. 

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

14.IV. Bệnh (1) (S.v,79) 

1) Như vầy tôi nghe. 

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. 

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. 

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa : 

-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng? 

-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu. 

5) -- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

-- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi. 

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy. 

15.V. Bệnh (2) (S.v,80) 

1-6) (Hoàn toàn giống kinh trên, chỉ khác đây là trường hợp ngài Mahà Moggalàna). 

16.VI. Bệnh (3) (S.v,81) 

1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. 

3) Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên : 

-- Này Cunda, hãy thuyết về giác chi. 

5) -- Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

-- Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. 

6) Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy. (Kinh Hán Tạng: Tăng, Ðại 2,73la) 

17.VII. Ðến Bờ Bên Kia Hay Không Có Hơn Nữa (S.v,81) 

1) ... 

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. 

3) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm: 

1) Ít thay là những người,  
Qua được bờ bên kia, 
Phần lớn quần chúng khác, 
Chạy qua lại bờ này. 

2) Những ai khéo thuyết giảng,  
Chánh pháp khéo tuyên thuyết, 
Họ đến bờ bên kia, 
Khéo vượt cảnh Ma giới. 

3) Ðoạn tận các hắc pháp,  
Bậc trí tu bạch pháp, 
Bỏ nhà, sống không nhà, 
Trong độc cư an lạc. 

4) Ở đây muốn hưởng lạc,  
Hãy bỏ mọi dục vọng, 
Bậc trí tự thanh lọc, 
Tự tâm khởi phiền não. 

5) Những ai khéo tu tập,  
Chánh tâm trong giác chi, 
Từ bỏ các chấp trước, 
Hoan hỷ, không chấp thủ, 
Lậu hoặc tận, chói sáng, 
Ðạt tịch tịnh ở đời.

18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu (Aradda) (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Này các Tỷ-kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi,... xả giác chi. 

3) Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. 

19.IX. Thánh (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ. (Niyyànikà : Ðưa đến giải thoát), dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. 

20.X. Nhàm Chán (S.v,82) 

1) ... 

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

 

III. Phẩm Udàyi

21.I. Giác (Bodhanà) (S.v,83) 

1) ... 

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến... rồi ngồi xuống một bên. 

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: 

-- "Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi? 

-- Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên được gọi là giác chi. 

4) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

5) Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, cho nên được gọi là giác chi. 

22.II. Thuyết Giảng (Tạp 26,17 Ðại 2, 196a) (S.v,83) 

1) ... 

2)-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy giác chi. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này. 

23.III. Trú Xứ (Thànà) (Tạp 26,71 Ðại 2, 190b) (S.v,84) 

1) ... 

2) -- Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho dục và tham (kàmaràga), này các Tỷ-kheo, nên dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho sân, này các Tỷ-kheo, nên sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, nên hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho trạo hối, này các Tỷ-kheo, nên trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, nên nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

7) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, nên niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

8) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho xả giác chi, này các Tỷ-kheo, nên xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

24.IV. Phi Như Lý (Ayoniso) (Tạp 27, 14 Ðại 2, 195b) (S.v,84) 

1) ... 

2)-- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh khởi đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) ... nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại. 

7) ... và niệm giác chi chưa sanh không sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh bị đoạn diệt... xả giác chi chưa sanh không sanh khởi; và xả giác chi đã sanh bị đoạn diệt. 

8) ... Và này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, dục tham chưa sanh không thể sanh khởi; và dục tham đã sanh bị đoạn tận. 

9) ... sân chưa sanh không thể sanh khởi; và sân đã sanh bị đoạn tận. 

10) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh không thể sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh bị đoạn tận. 

11) ... trạo hối chưa sanh không thể sanh khởi; và trạo hối đã sanh bị đoạn tận. 

12) ... nghi hoặc chưa sanh không thể sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh bị đoạn tận. 

13) ... Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

25.V.Không Tổn Giảm (Aparihàni) (1) (S.v,85) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy pháp không tổn giảm. Hãy lắng nghe. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không tổn giảm? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là bảy pháp không tổn giảm. 

26.VI. Ðoạn Tận (Khaya) (S.v,86) 

1) ... 

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy. 

3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái? 

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận. 

6-11) ... trạch pháp giác chi... tinh tấn giác chi... hỷ giác chi... khinh an giác chi... định giác chi... 

12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận. 

13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận. 

27.VII. Ðoạn Diệt (Tạp 27, 18 Ðại 2, 196a) (S.v,87) 

1) ... 

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn diệt khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy. 

3) Và này các Tỷ-kheo, con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn diệt khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. 

5) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái. 

28.VIII. Thể Nhập (Nibbedha). (S.v,87) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thể nhập phần (nibbedhabhàgiyam). Hãy lắng nghe. 

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thể nhập phần? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến thể nhập? 

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập niệm giác chi, đâm thủng được (nibbijjhati), phá vỡ được (padàleti) tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ... Tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập xả giác chi, đâm thủng được, phá vỡ được tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ. 

6) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này Udàyi, bảy giác chi đưa đến thể nhập. 

29.IX. Một Pháp (S.v,88) 

1) ... 

2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. Ðó chính là bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. 

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. 

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanà), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhà) ... Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc. 

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp có khả năng sanh kiết sử. 

30.X. Udàyi (S.v,89) 

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa những người Sumbha, tại một thị trấn của những người Sumbha tên là Setaka. 

2) Rồi Tôn giả Udàyi, đi đến Thế Tôn... ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn : 

3) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con : "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt". 

4) Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri : "Ðây là khổ". Con như thật thắng tri: "Ðây là khổ tập khởi". Con như thật thắng tri: "Ðây là khổ diệt". Con như thật thắng tri : "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". 

5) Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi. Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết được rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa"... Con chứng được, bạch Thế Tôn, xả giác chi. Xả này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con đường này được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa". 

6) -- Lành thay, lành thay, này Udàyi ! Con đường này, này Udàyi, Ông chứng được, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ dắt dẫn Ông, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, Ông sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa". 

 

IV. Phẩm Triền Cái

31.I.Thiện (1) (S.v,91) 

1) ... 

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ; không phóng dật được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy. 

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? 

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

32.II. Thiện (2) (S.v,91) 

1) ... 

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy như lý tác ý làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy. 

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? 

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi. 

33.III. Cấu Uế (1) (S.v,92) 

1) ... 

2) -- Này các Tỷ-kheo có năm cấu uế này đối với vàng. Do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng. 

3) Sắt, này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng. 

4) Ðồng (loham), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng. 

5) Thiếc (tipu), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... 

6) Chì (siisam), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... 

7) Bạc (sajjhum), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. 

8) Chính cấu uế của vàng, này các Tỷ-kheo, do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm cấu uế này của tâm, chính những cấu uế ấy khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm? 

9) Dục tham (kàmachanda), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. 

10-13) ... (Với sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi) 

14) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. 

34.IV. Các Cấu Uế (2) (Tạp 26,67, Ðại 2,189b) (S.v,93) 

1) ... 

2)-- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? 

3) Có niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

4) Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

35.V.Như Lý (1) (S.v,93) 

1) ... 

2) -- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchando) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

6) Và này các Tỷ-kheo, do phi như lý tác ý, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

  

36.VI. Như Lý (2) (S.v,94) 

1) ... 

2) -- Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

  

37.VII. Tăng Trưởng Hay Không Giảm Thiểu (Tåp 26,67, ñåi 2, 189b) (S.v,94) 

1) ... 

2)-- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. Thế nào là bảy? 

3) Niệm giác chi... Xả giác chi. 

4) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. 

  

38.VIII. Chướng Ngại, Triền Cái (Tåp 26, 69, ñåi 2, 189c) (S.v,94) 

1) ... 

2) -- Có năm chướng ngại, triền cái, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? 

3) Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. 

4) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ. 

5) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? 

6) Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

7) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng (atthim katvà) tác ý, tập trung tất cả tâm ý (sabbacetaso sammannàharitvà), lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Và bảy giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

9) Năm triền cái nào, trong khi ấy, không có hiện hữu? Dục tham triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc trieàn cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Năm triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu trong vị ấy. 

10) Bảy giác chi nào, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn? Niệm giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... Xả giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng tác ý, tập trung tất cả tâm ý, lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Bảy giác chi này, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

39.IX. Cây (Tạp 26,70, Ðại 2, 190a) (S.v,96) 

1) ... 

2) -- Có những cây lớn, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

3) Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có thiện nam tử đoạn trừ các dục vọng, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng bị những dục vọng ấy, hay bị những dục vọng tệ hại hơn làm cho người ấy bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. 

5) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? Dục tham (kàmacchanda), này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên... Trạo hối... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, năm chướng ngại, triền cái này bao trùm tâm và làm cho yếu ớt trí tuệ. 

6) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. 

40.X. Triền Cái (Tạp 26, 68, Ðại 2, 189c) (S.v,97) 

1) ... 

2) -- Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. 

3) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Trạch pháp... Tinh tấn... Hỷ... Khinh an... Ðịnh... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. 

-ooOoo-
Chương trước | Chương kế 
 
Mục Lục các Tập (Thiên):
01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Giới thiệu

[Mục Lục Tương Ưng] [Trở về trang Thư Mục]
 
Source = BuddhaSasana
Revised: 30-11-2000