Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 99

Kinh Subha

( Subhasuttam )
- Discourse With Subha -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH SUBHA

1. Lúc Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại tịnh xá cư sĩ Cấp Cô Độc, Bà-la-môn thanh niên Subha Todeyyaputta đến yết kiến Thế Tôn và nêu ra một số câu hỏi :

1.1. Người tại gia thành tựu chánh đạo, thiện pháp; người xuất gia thì không.

1.2. Người tại gia do dịch vụ nhiều, công tác nhiều, tổ chức nhiều, lao lực nhiều nên nghiệp sự có quả báo lớn; con người xuất gia thì không có quả lớn.

Đức Thế Tôn thì chủ trương phân tích, không nói một chiều như thế.

- Ngài cho rằng : nếu người tại gia hay xuất gia hành chánh đạo thì sẽ thành tựu chánh đạo thiện pháp; nếu họ hành tà đạo thì không

- Có những dịch vụ lớn, công tác lớn..., nếu làm hỏng, làm sai thì sẽ có kết quả nhỏ. Có những dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ..., mà làm đúng, làm tốt thì có kết quả lớn( Thế Tôn có nêu ví dụ cụ thể về dịch vụ nông nghiệp, buôn bán..)

2. Subha lại hỏi về chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện, đó là : chân thực, khổ hạnh, phạm hạnh, Tụng đọc, Thí xả của các Bà-la-môn.

- Thế Tôn lại hỏi Subha :" Có Bà-la-môn nào trong hiện tại lui về bảy đời trước biết được chứng tri được quả dị thục của năm pháp ấy ?". Subha xác nhận không có.

Thế là, các Bà-la-môn được Thế Tôn gọi là một chuỗi người mù.

Sự kiện này khiến Subha phẫn nộ Thế Tôn cho là, đúng như Bà-la-môn Pokkharasati nói : các người tự cho là chứng Thánh, tri kiến thù thắng, nhưng là con người thì làm sao chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh ?

Thế Tôn lại chỉ rõ sự thật của Pokkharasati và các Bà-la-môn khác, do không biết không thấy sự thật, tâm thức của người khác mà nói : hệt như người mù từ khi sinh ra cho rằng cả bầu trời vũ trụ nầy không có mặt các hình tướng, màu sắc, do vì họ không thấy có.

Đoạn, Thế Tôn chỉ rõ người không thể có pháp thượng nhân do vì bị ám ảnh bởi ngũ dục lạc, bởi năm triền cái. Nếu đoạn trừ năm triền cái thì vào được sơ thiền rồi nhị thiền... , chứng được hỷ lạc cao thượng hơn hỷ lạc đến từ ngũ dục lạc... Ngài tiếp tục chỉ dạy pháp tu tập Tứ vô lượng tâm để cộïng trú với Phạm Thiên, theo yêu cầu của Subha.

3. Rồi Bà-la-môn Janussoni gặp Subha trên đường đi và hỏi Subha có nghĩ rằng Sa-môn Gotama là bậc có trí tuệ sáng suốt không ? Subha đáp ; " Tôi là ai mà có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Thế Tôn ? Tôi là ai mà dám tán tán Thế Tôn ?" Thế Tôn dạy, " Năm pháp đắc phước, tác thiện của các Bà-la-môn chỉ là để tu tập trở nên không sân, không hận mà thôi "

Janussoni bước xuống xe trang trọng, vọng hướng về Thế Tôn kính lễ và nói lời tán thán : " Lợi ích thay cho vua Pasenadi nước Kosala, được Như Lai trú ở trong nước "

III. BÀN THÊM

1. Tương tự như các từ Kamma, Brahmana, Samana của Bà-la-môn giáo, các từ chân thực, phạm hạnh, v.v... đều mang một nội dung ý nghĩa rất giới hạn, khác xa với Phật giáo. Các từ gọi, danh xưng của các Bà-la-môn về pháp tu tập đều được dựng nên từ các chủ chương vốn là sản phẩm của tư duy hay của kinh nghiệp rất giới hạn của các giác quan, cảm thọ, mà không phải từ trí tuệ thấy biết sự thật như thật, nên hầu như đề thiếu cơ sở, trống rỗng.

Những nhận định, phê phán của họ về các Bậc Thánh, giáo lý của bậc Thánh cũng thế.

2. Kinh 99 nầy ghi thêm một kinh đề cập đến Tứ vô lượng tâm, nhưng chỉ phát triển tâm sanh về Phạm Thiên.

3. Lời cảm thán của Janussoni rằng : " Lợi ích thay cho Vua Pasenadi nước Kosala, được Như Lai trú ở trong nước "

Đây là ý nghĩa lợi ích rất lớn mà con đường Giới, Định, Tuệ của Phật giáo đem lại cho đời mà đời sau cần chiêm nghiệm. Một mặt Phật giáo giúp phá tan các tà kiến làm u ám tư duy, văn hoá, một mặt giới thiệu con đường đi vào an lạc, hạnh phúc, giải thoát và trí tuệ.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -06-2005