Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 93

Kinh Assalàyana

( Assalàyanasuttam )
- Discourse With Assalàyana -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH ASSALÀYANA

1. Assalàyana ở Sàvatthì là một thiếu niên 16 tuổi nhưng là người thần đồng, tinh thông ba tập Vệ-đà, thâm hiểu các triết lý ở đời (thuận thế luận) và " đại nhân tướng "... được các Bà-la-môn ở Xá-vệ cử đến để tranh luận với Thế Tôn về thuyết " Bốn giai cấp " ở Ấn.

Assalàyana biết rõ là không thể đối thoại được với Thế Tôn, vị đã chứng ngộ, chứng nhập thực tại, đã từ chối sự đề cử, nhưng vì vị nể các Bà-la-môn nên đi đến yết kiến Thế Tôn với đại chúng Bà-la-môn.

2. Thế Tôn chỉ cho Assalàyana rõ : các Bà-la-môn đều do mẹ sanh và được bú mớm, nuôi dưỡng như các trẻ Khattiya, Vessa và Sudda. Đây là ý nghĩa bình đẳng về sinh dưỡng.

-Thế Tôn cho biết xã hội Yona và Kamboja thì chủ trương chỉ có hai giai cấp : chủ, tớ ( thay đổi vị trí nhau ).

Đây là ý nghĩa nói lên rằng : sự phân biệt giai cấp là do chế độ xã hội của một xứ sở nào đó thôi, mà không phải là thượng đế sinh, không phải tự nhiên.

- Thế Tôn chỉ cho Assalàyana về sự thật bốn giai cấp bình đẳng trước 10 thiện nghiệp và 10 ác nghiệp.

- Thế Tôn lại chỉ rõ thêm cho Assalàyana về sự thật bình đẳng giữa bốn giai cấp về mặt phát triển tâm, về tu tập giải thoát và về giải thoát.

- Thế Tôn chỉ rõ cho Assalàyana sự thật bìng đẳng giữa bốn giai cấp đối với lửa, nước.

- Thế Tôn chỉ rõ sự thật trên thực tế xã hội đã có sự giao phối lẫn lộn giữa các giai cấp.

* Sau cùng và quan trọng hơn cả, Thế Tôn gợi ý cho Assalàyana tự đi đến kết luận : giá trị đáng tôn quý của con người là trí thức thông rõ các Vệ-đà, đáng quý hơn là đức hạnh : do hành vi, thái độ sống của một người nói lên giá trị tôn quý của người đó mà không phải là dòng dõi.

2. Thế Tôn kể câu chuyện về Ẩn sĩ Asita Devala đã đánh bại thuyết phân biệt bốn giai cấp của bảy Bà-la-môn có thần thông của chú thuật, đã chỉ rõ sự mờ mịt của chủ thuyết của họ : sự tình là họ không biết tổ tiên của họ là Bà-la- môn hay tạp chủng.

Cuối cùng Assalàyana xin quy hướng Thế Tôn đến trọn đời.

III. BÀN THÊM

1. Ngoại đạo luôn tìm mọi cách để tranh luận với Thế Tôn, còn Thế Tôn thì không. Ngay cả thiếu niên Assalàyana là thiếu tư cách tôn trọng để đối thoại, Thế Tôn vẫn từ bi và ôn tồn chỉ dạy.

2. Có rất nhiều kinh chỉ rõ sự trống rỗng của chủ thuyết phân biệt bốn giai cấp : mỗi kinh, Thế Tôn nêu lên các sự thật ở đời khác nhau để vạch rõ các sai lầm của chủ thuyết.

Chủ trương bình đẳng bốn giai cấp, hay các giai cấp xã hội là chủ trương rất thực tế, rất công bằng và nhân ái, rất đáng được xiển dương trong mọi thời đại, ở mọi xã hội con người.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -06-2005