Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 84

Kinh Maddurà
( Madhurasuttam )

- Discourse At Maddurà -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH MADHURÀ

1. Tại rừng Gunda xứ Madhurà, vua Avantiputta xứ nầy được nghe đến tiếng tăm lớn của tôn giả Ca-chiên-diên ( Caccàna ), đa văn, biện tài lão luyện, trưởng thượng A-la-hán đến yết kiến và nêu ra chủ trương của Bà-la-môn rằng :" Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn là không như vậy; Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm Thiên, sanh ra từ miệng Phạm Thiên, tạo tác bởi Phạm Thiên, thừa tự Phạm Thiên ".

2. Tôn giả Kaccàna đưa ra một số lập luận để vạch rõ sự trống rỗng của chủ trương trên:

2.1. - Nếu Khattiya rất giàu có thì có thể có các người Bà-la-môn, Vessa và Sudda giúp việc...

- Nếu Vessa rất giàu có thì có thể có các Khattiya, Bà-la-môn và Sudda làm công cho mình.

- Nếu Sudda rất giàu có, cũng thế, có thể có các Khattiya, Bà-la-môn, Vessa phụ việc...

Điều nầy nói lên bốn chủng tánh trên là đồng đẳng.

2.2. - Nếu Khattiya, Bà-la-môn, Vessa hay Sudda tạo 10 ác nghiệp, thì sau khi mệnh chung, cả bốn đều sanh về địa ngục.

Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ hai.

2.3. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda đều tạo mười thiện nghiệp, thì sau khi mệnh chung, cả bốn đều được sanh về Thiên giới, thiện thú, loài người.

Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ ba.

2.4. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda gây tội trộm, thì cả bốn đều được gọi là tên trộm và chịu tội hình tra tấn, ...

Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ tư.

2.5. - Nếu Bà-la-môn, Khattiya, Vessa, Sudda đều là tu sĩ, thì nhà vua Avantiputta đều cung kính, tôn trọng, đảnh lễ.

Đây là ý nghĩa đồng đẳng thứ năm.

Nghe xong các lập luận, vua Avantiputta khâm phục tôn giả Kaccàna và xin quy y làm đệ tử Thế Tôn. Thế Tôn gợi ý cho nhà vua quy y Thế Tôn, đấng đã nhập Niết bàn và nhà vua y giáo.

III. BÀN THÊM

1. Bài kinh giảng cho Vua Avantiputta nói lên quan niệm bình đẳng bốn chủng tánh của Phật giáo, khác hẳn chủ trương của văn hoá xã hội Ấn thời bấy giờ. Đây là quan niệm rất tiến bộ, rất người và rất thực.

2. Sự việc quy y Thế Tôn sau ngày Thế Tôn đã nhập Niết bàn đã xảy ra rất sớm, từ lúc tôn giả Kaccàna còn trú thế ( trước Tây lịch hơn 200 năm ).

Như đã bàn, dưới con mắt nhìn sắc tướng, ngã tướng của con Người ( người phàm ) thì có sự sinh diệt của các ngã tướng; dưới con mắt trí tuệ vô ngã thì Như Lai vẫn thường có mặt ở ngoài vòng sanh diệt. Vì thế nhà vua Avantiputta vẫn hướng về Niết bàn để quy y Thế Tôn.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004