Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 83

Kinh Makhàdeva
( Makhàdevasuttam )

- Discourse On Makhàdeva -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH MAKHÀDEVA

1. Tại rừng Makhàdevamba, xứ Mithila, Thế Tôn kể cho tôn giả Ànanda nghe về một tiền thân của Thế Tôn : Vua Makhàdeva, xứ Mithila quản trị đất nước theo Chánh pháp, theo hướng trị nước của một Chuyển Luân Thánh Vương. Tuổi thọ của vua Makhàdeva đến 336.000 năm ( 84.000 năm là Hoàng tử; 84.000 năm trị vì như một Phó vương; 84.000 năm làm Quốc vương; 84.000 năm tu tập Tứ vô lượng tâm ở rừng xoài Makhàdeva, sau đó sanh về Phạm Thiên giới. Nhà vua đã lập thành truyền thống trải qua một cuộc đời như thế cho các thế hệ vua tiếp theo.

2. Đời vua thứ hai và thứ ba tiếp tục truyền thống trị vì trên tốt đẹp. Đời thứ tư, vua Nemi vẫn kế thừa truyền thống tốt đẹp ấy, sau khi mệnh chung vua Nemi thác sanh về Phạm Thiên. Nhưng đến đời vua kế thừa thứ năm, vua Kalarajanaka, thì không xuất gia vào giai đoạn cuối cuộc đời, truyền thống kế thừa Chánh pháp trên bị cắt đứt.

Tại đây, Thế Tôn dạy vua Makhàdeva là tiền thân của Thế Tôn. Nay là Như Lai, Chánh Đẳng Giác, Thế Tôn mở ra đúng truyền thống Chánh pháp : truyền thống thực hành phạm hạnh, thực hành Bát Thánh Đạo. Các đệ tử của Ngài không nên là kẻ tối hậu kế thừa truyền thống nầy.

III. BÀN THÊM

1. Có hai truyền thống thực hiện Chánh pháp : một dành cho những người vừa trị dân vừa tu hành; một dành cho những ai tự mình thực hành đi đến giác ngộ Niết Bàn.

Về truyền thống thứ nhất, các vị vua thực hành thiện nghiệp về thân, lời và ý và thực hành ba ngày xuất gia mỗi tháng ( mồng tám, mười bốn và rằm ) lúc còn là hoàng tử, phó vương và tại vị ( Quốc Vương ). Một phần tư cuộc đời sau cùng thì hành phạm hạnh, hành Tứ vô lượng tâm để cầu sanh Phạm Thiên hưởng phúc lạc chư Thiên. Có thể gọi con đường truyền thống nầy là con đường hưởng Nhân Lạc và Thiên lạc.

2. Con đường nay Thế Tôn mở ra một truyền thống mới là con đường Bát Thánh Đạo dẫn đến giải thoát mọi cảm thọ, mọi khổ đau... Đây là con đường hưởng lạc giải thoát, là Phật giáo được phát triển cho đến tận ngày nay.

-ooOoo-

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004