Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 36

Kinh Dài : SACCAKA
( Mahàsaccakasuttam )
- Greater Discourse To Saccak -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG BẢN KINH DÀI SACCAKA 

1. Saccaka, người thường hay tranh luận với lục sư ngoại đạo, lại đến yết kiến Thế Tôn một lần nữa tại Trùng Các giảng đường, rừng Đại Lâm, Vesàlì. Saccaka nói lên quan niệm của ông về thân tu tập và tâm tu tập, và muốn được nghe Thế Tôn giới thiệu quan điểm, chủ trương của Thế Tôn.

2. Quan niệm tổng quát và cụ thể của Saccaka về thân tu tập, tâm tu tập:

2.1. Thân tu tập ( tổng quát ) : Saccaka nêu ra trường hợp của Nanda, Vaccha, Kisa, Sankiccha, Makkhala Gosàla, sống lõa thể, phóng túng, không theo lễ nghi, đi khất thực không chịu bước tới v.v...; ăn một ngày một bữa, bảy ngày một bữa v.v...

2.2. Tâm tu tập : Saccaka không nêu ra được nội dung.
Về điều mà Saccaka gọi là thân tu tập thì cũng là tà pháp.

3. Đức Thế Tôn dạy tổng quát ý nghĩa thân tu tập, tâm tu tập :

3.1. Khi lạc thọ khởi lên, vị đệ tử không tham đắm lạc thọ, không rơi vào sự tham đắm lạc thọ ( do đoạn dục, ly ái ), gọi là thân tu tập.

3.2. Khi lạc thọ diệt, khổ thọ khởi lên, vị đệ tử không sầu muộn, không than van ... ( làm chủ tâm lý, không dao động ), đây gọi là tâm tu tập.

4. Ví dụ về khúc gỗ xanh, ướt đẫm trong nước, hay khúc gỗ xanh đầy nhựa sống để ra khỏi nước đều không thể lấy ra lửa được, nhưng với thanh gỗ khô để chỗ ráo thì có thể lấy ra lửa được. Cũng vậy, một người sống xả ly các dục về thân, khéo đoạn trừ dục từ nội tâm thì có thể chứng đắc được trí tuệ toàn giác. Rồi Thế Tôn tiếp thuật lại đoạn đường thân tu tập và tâm tu tập của Thế Tôn đi đến Chánh Đẳng Giác.

III. BÀN THÊM

1. Thực tế, con đường Tỷ kheo tu tập là tu tập tâm, huấn luyện tâm lý, chuyển đổi tâm lý tham, sân, si thành vô tham, vô sân, vô si; chuyển đổi các tri kiến, nhận thức hữu ngã thành trí tuệ vô ngã, trí tuệ toàn giác. Với Phật giáo thân và tâm không tách rời khỏi nhau : Chúng là cụm tập hợp nhân duyên của năm uẩn. Do vì Saccaka nêu tách riêng thân tu tập và tâm tu tập, hay huấn luyện thân, huấn luyện tâm, nên Thế Tôn cũng tùy duyên mà giới thiệu quan điểm của Ngài.

Công phu tu tập, theo nghĩa Diệt đế là đoạn tận Ái, thì tập trung đoạn tận Ái, thủ để đoạn tận khổ. Bước đầu tu tập Giới uẩn là hộ trì các căn, đoạn dục tham khởi lên từ tai, mắt, mũi, lưỡi và thân ( có thể kể thêm ý ), đoạn tâm tham lạc thọ khởi lên từ các căn, tạm gọi là bước thân tu tập, Thân tu tập như thế đồng nghĩa với nhiếp phục tham.

Khi cảm thọ Khổ khởi lên thì sân tâm khởi; nếu nhiếp phục được sân thì tạm gọi là tâm tu tập. Khổ vốn có mặt khắp tam giới biểu hiện qua nhiều cấp độ tâm lý khác nhau, do sự kiện các hữu vi là vô thường nên dẫn đến khổ đau. Nên, nhiếp phục hoàn toàn khổ thọ, hay đoạn tận khổ, là thành tựu phạm hạnh. Do dó, ý nghĩa tâm tu tập giới thiệu trên là công phu tu tập cho đến lúc đoạn tận lậu hoặc.

2. Thân tu tập và tâm tu tập đối với Phật giáo là công phu thực hành Đạo đế. Tùy theo cách đặt vấn đề và giới hạn định nghĩa vấn đề mà Đạo đế có thể trình bày dưới nhiều thể cách khác nhau. Thực chất giải thoát chỉ có một : hoặc tu là đoạn tận Ái; hoặc tu là đoạn tận Chấp thủ; hoặc tu là đoạn diệt Thức hay Vô minh... để đoạn tận khổ. Sự thật về các hiện hữu, và sự thật về "Con đường" có thể dùng vô lượng thi thiết, vô lượng ngôn từ, thí dụ, thể cách để trình bày.

Sự thật đó đối với các đệ tử Thinh Văn của Thế Tôn là lẽ sống, là sống với, nhưng đối với chàng học giả bác học Saccaka, Ni-kiền tử, vẫn là những gì của kiến thức của chàng du sĩ lang thang, rất hoang vu, rất là " Cát bụi mịt mù ".

-ooOoo-

( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 22-06-2003