Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 17

Kinh Khu Rừng
(Vanapattha Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ  - Ách phược: Yoga (Bonds): Các trói buộc.

- Lậu hoặc: Àsavà (Cankers; defilements, đã giải thích ở các bản kinh trước).

II. NỘI DUNG BẢN KINH

Để có ngoại duyên hỗ trợ thuận duyên cho công phu giải thoát, hành giả cần có quyết định đúng đắn về trú xứ và người thân cận, đồng hành.

1. Về trú xứ: Cần chọn lựa dứt khoát hai trú xứ này:

a) Ở khu rừng mà tâm không thể định tĩnh, lậu hoặc không thể loại trừ, dù ở đó có các thức ăn, y phục, sàng tọa, y dược tốt, thì hành giả phải từ bỏ khu rừng ấy, đi đến một trú xứ khác thích hợp. Tương tự, đối với trú xứ là làng mạc, thị trấn hay quốc gia.

b) Ở tại khu rừng nào hay làng mạc, thị trấn, quốc gia nào mà hành giả phát triển tốt phạm hạnh, dù ở đó khó kiếm thức ăn, y phục, sàng tọa, y dược, thì hành giả cần có quyết tâm ở lại khu rừng đó.

2. Về con người gần gũi: a) Ở cạnh người nào mà sự phát triển công phu thiền định, phạm hạnh được tốt đẹp, thuận duyên, dù ở đó các khó khăn về thức ăn, y phục, sàng tọa, y dược, hành giả nên quyết định ở lại bên cạnh người ấy.

b) Ở cạnh người nào mà không phát triển được tâm định tĩnh, không đoạn trừ được lậu hoặc, dù ở đó dễ kiếm thức ăn, y phục, sàng tọa, y dược, thì hành giả cần từ bỏ ra đi ngay không cần từ tạ.

III. BÀN THÊM

1. Pháp môn tu, hay con đường, là yếu tố quyết định sự thành tựu của công phu tu tập phạm hạnh. Bên cạnh đó, trú xứ tu hành cũng lạ một trợ duyên quan trọng mà các kinh thuộc Phật giáo Phát triển gọi là: "thân cận xứ", "bất thân cận xứ". Nơi sống có môi sinh tốt, khí hậu tốt, thiên nhiên hòa điệu, không gây ra các thứ bệnh, không mất an ninh, không có giặc giã, không gần gũi các sinh hoạt thế tục như lầu xanh, trại binh, chỗ quyền quý v.v... đó là trú xứ thích hợp cho sự tu tập phát triển Giới, Định, Tuệ.

2. Đối với người thân cận, hay bạn đồng hành, cũng có ảnh hưởng gây ra thuận hay nghịch cho công phu giải thoát. Vì sự nghiệp giải thoát cao quý mà hành giả cần có quyết tâm rời xa người gây ra chướng duyên.

3. Qua lời dạy của Thế Tôn về khu rừng, Đức Thế Tôn đã hiện ra là một nhà giáo dục và là một Bậc Đạo Sư lý tưởng của mọi thời đại. Ngài đã giảng dạy đệ tử với nội dung rất trí tuệ, rất thiết thực và rất cặn kẽ. Những gì mạ một Bậc Đạo Sư cần truyền đạt, Ngài đã truyền đạt. Chỉ có công phu thực nghiệm giải thoát là thuộc phần đệ tử, thuộc thế nhân.

-ooOoo-

 (Nguyệt san Giác Ngộ, số 78, tháng 09-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 17-02-2003