Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 4

Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm
(Bhayabherava Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ  

- Sống độc cư: (ekatte) sống viễn ly (staying in seclusion: staying in solitude): sống một mình ở nơi vắng lặng.

- Liệt tuệ: Duppannà (wicked in thought: corrupt in heart): Trí tuệ yếu kém; tư duy sai lệch, hư hỏng.

- Ly dục: (theo kinh số 4 này): Rời khỏi ham muốn sắc, thanh, hương, vị và xúc.

- Ly ác pháp, bất thiện pháp: rời khỏi ảnh hưởng của "Ngũ cái" (trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi) và rời khỏi các ác tâm, bất thiện, phát sinh từ "Ngũ cái" như: phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu và phóng dật.

- Thiền thứ nhất: (thuộc Sắc giới): gồm có 5 thiền chi có mặt: Tầm (Vitakka), Tứ (Vicàra), Hỷ (Pìty), Lạc (Sukha) và Nhất tâm (Ekaggata). Tầm: suy nghĩ hướng về đối tượng, thì dập tắt hôn trầm; Tứ: tư duy trên đối tượng, thì dập tắt nghi; Hỷ thì dập tắt sân; Lạc thì dập tắt trạo cử; Nhất tâm thì dập tắt dục.

- Thiền thứ 2 (Sắc giới): Có mặt 3 thiền chi: Hỷ, Lạc, Nhất tâm.

- Thiền thứ 3 (Sắc giới): Có mặt 2 thiền chi: Lạc, Nhất tâm. 

- Thiền thứ tư (Sắc giới): Có mặt hai thiền chi Xả, Nhất tâm.

[Ghi chú: Từ thiền thứ tư (Sắc giới) đến Tứ không (Vô sắc giới) luôn luôn chỉ có mặt 2 thiền chi Xả và Nhất tâm. Các định này gọi là đại định].

- Túc mệnh trí, hay túc mệnh thông: Pubbenivàsànussatinnàya (Knowledge and recollection of formerhabitations): Nhớ về, và biết rõ vô lượng kiếp của tự thân...

- Thiên nhãn trí, hay thiên nhãn thông (hoặc sanh tử trí về chúng sanh): Ànejjappatte sattànam cutùpapàtanôànốàya (The knowledge of the passing hence and the arising of beings): Thấy rõ sự sống và sự chết của chúng sanh. Tất cả đều do hạnh nghiệp của họ mà xuất hiện hạ liệt hay cao sang, đẹp đẽ hay thô xấu, may mắn hay bất hạnh.

- Lậu tận trí, hay lậu tận thông: Ànejjappatte àsavànam khayanànàya (The knowledge of the destruction of the cankers): Trí đoạn hết thảy lậu hoặc, thấy như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

II . NỘI DUNG CỦA KINH SỐ 4

1. Ý nghĩa: "thừa tự pháp" là thực hành phạm hạnh qua đời sống viễn ly, sống ở nơi xa vắng trong các rừng, núi. Bản kinh số 4 trình bày rõ những ai có thể sống đời sống viễn ly, và những ai không thể. Kinh cũng nêu rõ lý do có thể và không thể.

a) Những người có thể sống đời sống viễn ly:

- Đã chứng định hoặc không vướng vào 10 ác nghiệp (hay 3 nghiệp thân, khẩu, ý bất tịnh).

- Người thực hành tốt Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng.

- Người đã chế ngự Ái dục.

- Người đã loại trừ sân tâm, ác tâm, hại tâm.

- Người đã đoạn trừ "Ngũ cái".

- Người đã chế ngự "Bát phong" (được, mất, khen, chê, thị, phi, danh vọng, lợi dưỡng).

- Người tinh tấn và có trí tuệ mạnh.

b) Ngược lại với hạng người trên thì không thể sống đời sống viễn ly. Nếu hạng người này dấn thân vào nếp sống độc cư, viễn ly thì tâm sẽ trở nên rất sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện tâm sẽ khởi dậy.

2. Đức Thế Tôn khi còn là vị Bồ tát là vị có đầy đủ điều kiện tâm lý để sống viễn ly. "Ngài là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người". Ngài đã mở đường nêu cao đời sống viễn ly để thành tựu phạm hạnh: thành tựu Tứ sắc định và thiền quán để đi vào Tam minh, chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác.

3. Sau khi giác ngộ Phật quả, Đức Thế Tôn vẫn tiếp tục đời sống viễn ly trong núi, rừng không phải để đoạn trừ các lậu hoặc mà vì "hiện tại lạc trú" (để có đầy đủ sức khỏe hoằng đạo) và vì "thương tưởng chúng sanh trong tương lai" (nêu cao nếp sống viễn ly).

III. BÀN THÊM

1. Kinh số 3 và 4 liệt kê các tâm lý gây trở ngại cho công phu thành tựu phạm hạnh như:

- 14 ác tâm (xem kinh số 3)
- 5 triền cái
- Bát phong
- Liệt tuệ, đần độn.
Theo đó, thật khó có nhiều người (tu sĩ) có đầy đủ nhân duyên để sống đời sống viễn ly, bởi hiếm người thành tựu Giới học, càng hiếm hơn đối với Định học. Hẳn là có quá hiếm người có trí tuệ đi vào dòng thánh.

Xã hội bận rộn ngày nay là môi trường sống thuận duyên để phát triển "Ngũ cái" và "Bát phong", vì thế xã hội rất cần đến Phật pháp, đặc biệt là các phương pháp tu tập nhiếp phục các ác tâm, bất thiện tâm và rất cần pháp môn thiền định.

2. Trú xứ ở nơi rừng, núi xa vắng là thuận duyên cho công phu phát triển Định, Tuệ. Phương chi, các ngôi chùa danh tiếng đều tọa lạc tại những khu rừng, núi xa xôi; các danh tăng cũng sống xa làng mạc, thị thành đã mở ra các hướng giáo lý như Yên Tử (ở Việt Nam), Thiên Thai và Ngũ Đài Sơn (ở Trung Quốc) v.v... Tại đây, phải chăng có thể lập luận rằng: Một Giáo hội Tăng già hưng thịnh là một Giáo hội mà có nhiều tu sĩ hành Thiền chỉ và Thiền quán. Một Giáo hội muốn có nhiều tu sĩ hành Thiền chỉ và Thiền quán tốt thì cần có nhiều đại tùng lâm tọa lạc quanh (hay trong) các khu rừng thẳm?

3. Linh hồn của công phu thực hành phạm hạnh chỉ tập trung vào một điểm: Theo dõi và giác sát tâm để tẩy trừ cấu uế và phát triển Định, Tuệ. Chỉ có thế. Rất hiện thực. Rất nhân bản và rất trí tuệ.

-ooOoo-

 (Nguyệt san Giác Ngộ, số 71, tháng 02-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 17-02-2003