Sugai
Haruyo, 38 tuổi. Nội trợ.
Sugai
Naotaro, 15 tuổi. (Đã tốt nghiệp trung học vào mùa xuân năm
nay).
Khách
ghi vào phiếu trọ của lữ quán như vậy với nét chữ xương
xương của phụ nữ. Địa chỉ là tỉnh Aomori, quận San-nohe,
làng Shimonomura. Phía dưới địa chỉ có ghi thêm dòng chữ
"trong chùa Korin".
Cho
dù là thành phố có ngôi thành cổ ở miền Bắc và gần đây
có danh lam thắng cảnh, nhưng quán trọ kiểu Nhật không có
gì đặc sắc và không ở ngoài mặt đường lớn mà có khách
từ xa tìm đến trọ, thật là lạ.
Chiều
xuống được một lát tôi bèn ra đón khách, mấy cô nhân
viên đã bảo đó là hai người khách đi với nhau nên cứ
tưởng là một đôi trai gái chỉ đến ngủ trọ suông thôi,
nào ngờ đó là một người đàn bà trạc tứ tuần trong bộ
áo kimono nhã nhặn, đứng ở chỗ cửa ra vào một mình, mà
không thấy người đi cùng.
Người
đàn bà hỏi nếu có phòng trống thì muốn ở hai đêm. Bà
ta nói giọng của một vùng nào đó nghe là lạ.
-Thưa
bà, một người, phải không ạ?
-Dạ
không, hai người ạ.
Người
đàn bà quay lại phía cửa lữ quán vẫn còn đang mở nửa
chừng, cất giọng lanh lảnh gọi. Bà gọi tên cùng với chữ
"Bé", mà nghe như là "Bí Nao". Một cậu con trai mặt còn non
nớt, dáng dấp ẻo lả yếu đuối, đứng khuất sau cửa,
thò đầu ra. Cậu vừa mỉm cười với vẻ ngượng nghịu
vừa cúi đầu chào, hai tay xách một cái túi đựng căng phồng.
Đã hạ tuần tháng ba rồi mà cậu vẫn còn mặc chiếc áo
măng tô trông nặng chịch, qua cổ áo trông thấy bộ đồng
phục học sinh màu đen. Thảo nào người đàn bà cũng mặc
một chiếc áo ngự hàn, và còn quấn cả khăn quàng cổ nữa.
Người
đàn bà cũng vừa mỉm cười với vẻ ngượng nghịu, vừa
đưa tay vuốt ra sau mang tai những sợi tóc bị sổ ra từ mái
tóc búi cao.
Mới
đầu cứ tưởng là hai mẹ con ở dưới quê lên thành phố
để thi vào trung học đệ nhị cấp, nhưng theo lời mấy cô
nhân viên thì các trường này đã thi nhập học xong từ nửa
tháng trước rồi. Vậy thì là đi sắm sửa để chuẩn bị
nhập học ư. Hay tìm nhà trọ học. Hay là đi du lịch kỷ
niệm nhân dịp tốt nghiệp trung học. Dù thế nào chăng nữa,
vì thế mà vào ở lữ quán những ba ngày với hai tối thì
phong lưu thật; xong xem phiếu trọ do khách viết thì mới biết
họ ở mãi tận vùng quê hẻo lánh từ miền Bắc lặn lội
tới đây.
Thế
này thì chắc không phải là một chuyến du lịch để ngao
du sơn thủy. Trên phiếu trọ, ở cột nghề nghiệp ghi là
"nội trợ", với lại "Đã tốt nghiệp trung học vào mùa xuân
này", thì xem ra có vẻ như là những người không quen đi du
lịch, xong không biết thực sự ra sao.
-Lẽ
nào mà họ là loại khách rắc rối, nhỉ?
Mấy
cô nhân viên thì thầm bảo.
-Rắc
rối là thế nào?
-Ví
dụ như hai mẹ con vào trọ để cùng nhau tự tử chẳng hạn..
-Nói
bậy nà.
-Thế
nhưng, hai người này có vẻ ủ rũ làm sao ấy. Chẳng mấy
khi thấy họ cười, lại ít nói, thật là quái lạ..
-Đó
là vì họ là người nhà quê, nên không quen ở trọ những
chỗ như thế này. Trước hết nếu muốn tự tử thì việc
gì phải lặn lội đường xa đến đây như thế này chứ.
-Đến
đây thì gần đây có vách đá Tojinbo, lại có cả Mũi Etsuzen..
-Những
chỗ tự tử có cảnh đẹp thì ở miền đông bắc thiếu
gì. Vả lại, có khi nào những người muốn tự tử lại ở
chơi những hai đêm rồi mới tự tử đâu?
-Không
chừng không phải là bà ấy muốn ở chơi đâu. Trước tiên
là ngày mai hẵng đi tìm chỗ để tự tử đã. Đến ngày
kia mới thực sự là..
-Thôi
đừng nói nữa, nghe ghê quá,
Dĩ
nhiên là chỉ nói đùa thế thôi, nhưng sáng hôm sau, hai mẹ
con bà khách ăn sáng xong được một lát thì sửa soạn ra
ngoài và xuống đến chỗ lễ tân, làm tôi giật mình đánh
thót. Người mẹ đi tay không, còn cậu con trai cầm chiếc
túi xách đã xẹp lép.
-Quý
khách đi đâu à?
-Vâng...
Hai
mẹ con bà khách này, hễ hỏi điều gì thì y như rằng là
lại mỉm cười ngượng ngịu.
Lệ
thường là không được tò mò lục vấn chuyện của khách
trọ, nhưng tôi đã không thể không làm ra vẻ thản nhiên
mà dò hỏi:
-Hôm
nay sáng ra trời đã đẹp..Quý khách đi đâu thế ạ?
-Vâng...Đi
loanh quanh đây đó ạ ..
Người
mẹ chỉ trả lời có thế. Suýt nữa thì tôi đã buột miệng
nói "Tojinbo", xong kịp giữ lại, bèn vừa nhìn mặt khách dò
xét, vừa nói:
-Nếu
quý khách đi ra phía ngoại ô thì chúng tôi sẽ tra giúp giờ
các chuyến tàu hay xe buýt được đấy ạ.
-Không,
không sao ạ. Trước khi đi chúng tôi đã hỏi qua về cách
đi rồi ạ. Chúng tôi sẽ trở về trước khi trời tối.
Người
mẹ, không có vẻ gì là lúng túng, nói thế rồi lễ phép
cúi đầu chào: "Chúng tôi đi đây ạ".
Hai
mẹ con khách trở về trước khi trời tối đúng như đã hẹn
vào buổi sáng, nhưng vừa bước ra đón khách, bất giác tôi
đã bật kêu lên một tiếng kinh ngạc. Đó là vì người mẹ
thì vẫn như lúc ra đi, nhưng cậu con trai thì mái tóc hớt
ngắn đã bị cạo nhẵn thín, đầu trọc lóc như một thầy
tu với chân tóc còn xanh.
Bất
ngờ quá, tôi cứ giương mắt ra nhìn.
-Vâng,...
thế đấy ạ. Có lẽ là nhiễm gió, bị lạnh, mới thế mà
cháu đã nhảy mũi ba lần rồi đấy ạ.
Người
mẹ quay nhìn con mỉm cười ra chiều cũng đành vậy. Cậu
con trai cũng có vẻ cam chịu, chẳng buồn mỉm cười, cúi
gầm xuống, khẽ lắc nhẹ sang hai bên cái đầu trọc xanh
lè. Xem ra cả hai mẹ con đều đã chấp nhận việc xuống
tóc này.
-Ồ,
đầu cổ cậu bây giờ trông mát mẻ hẳn ra đấy ạ.
Mãi
một lúc sau tôi mới mở miệng nói thế được, rồi sực
nhớ ra rằng trong phiếu trọ đã có ghi câu "trong chùa Korin"
-Vậy
ra là cậu đây sẽ đi tu à?
-Vâng,
cháu đi tu ạ. Ngày mai cháu sẽ nhập môn vào tu ở Thiền
viện ạ.
Người
mẹ vừa chớp mắt vừa nói vậy.
Thế
là tất cả những điều bí ẩn về hai mẹ con bà ta liền
được giải tỏa. Thiền viện chính là ngôi chùa cổ lừng
danh ở tận trên núi của phái Sodo, cách đây chừng nửa giờ
xe buýt. Hàng năm khi trời sắp sang xuân, lại có những thầy
tu còn trẻ có tâm nguyện muốn vào Thiền viện tu hành, kéo
cả về đây trong chiếc áo cà sa nhuộm đen. Cậu bé này cũng
là một trong số đó, đã từ miền Bắc xa xôi được mẹ
đưa tới đây để vào tu.
Dù
sao đi nữa, cậu bé có vẻ gì đó khiến người ta mủi lòng,
nay cạo trọc đầu trông lại càng tội nghiệp, dễ thương.
Cũng vì thế, vừa nẫy khi nhận ra là đầu tóc của cậu
đã cạo trọc chỉ còn chân tóc xanh, tuy tôi đã nghĩ là trông
giống hệt thầy tu, nhưng thật không ngờ cậu cạo đầu
để thành thầy tu thật. Theo lời người mẹ, chỉ cần phát
nguyện quy y rồi thì dù mới xong bậc trung học cũng được
phép vào tu ở Thiền viện.
Dù
vậy đi nữa, nghe nói việc tu tập ở Thiền viện này rất
khổ hạnh. Liệu là cậu bé còn thơ dại này có chịu đựng
nổi hay không. Chuyện người dưng mà tôi cứ phập phồng
lo sợ, mới bèn nói:
-Thế
nhưng, có lẽ bà là mẹ nên cũng thấy lo làm sao ấy, phải
không ạ?
Xong
lạ lùng thay, người mẹ đáp lại với giọng quả quyết,
như thể để bảo con và cũng là để tự nhủ mình:
-Không
sao đâu ạ. Trông thế chứ cháu nó rắn rỏi, thể nào cũng
chịu được. Bố cháu cũng độ trì cho cháu.
Trong
lúc cậu con đi tắm, tôi bèn mời bà mẹ dùng trà ở chỗ
bàn tính sổ sách, không ngờ là bà đã trò chuyện và kể
cho nghe thế này. Rằng mình là vợ thầy chùa, nhưng năm ngoái
đến gần cuối năm, chồng là nhà sư trụ trì ngôi chùa đã
bị tai nạn giao thông mà chết. Từ bốn, năm năm trước,
khi đến nhà các Phật tử ở xa để tụng kinh thì chồng
thường đi xe đạp, nhưng vì nghe lời mời chào của người
chào hàng trong phố, mới đổi sang đi xe gắn máy, nên đã
mang họa vào thân. Chiếc xe đã bị trượt bánh khi đi lên
đường dốc đóng băng, rồi bị xe vận tải cán.
Cậu
con trai nối dõi đã phát nguyện quy y rồi, nhưng còn đang
học lớp đệ ngũ(*), nên đành phải cầu cứu một ngôi chùa
khác cùng tông phái trong thành phố đến giúp, cho qua khỏi
lúc hoạn nạn, nhưng cũng vì vậy mà phải chi tiêu rất tốn
kém. Ngày càng có nhiều Phật tử kêu ca rằng chùa không có
sư trụ trì mãi như thế thật bất tiện, nên phải cố lo
cho cậu con trai sớm trở thành sư trụ trì. Muốn thành sư
trụ trì phải vào tu ở Thiền viện ba năm trở lên, lại
còn phải theo học bổn khóa một năm nữa.
Lâu
nay đã định là xong trung học đệ nhị cấp rồi thì cứ
thế là đương nhiên cho học lên đại học, nhưng nào ngờ
sự thể ra nông nỗi này, không còn thủng thỉnh chần chờ
được nữa. Mới 15 tuổi đã đi tu kể cũng tội nghiệp,
nhưng cũng đành vậy thôi.
Ngày
mai, trông cho đến lúc con vào Thiền môn rồi thì mình sẽ
về quê ngay. Một trăm ngày đầu sau khi nhập môn có lệ không
được đến thăm, nhưng đến thăm chỉ làm cho con động lòng
nhớ nhà, nên định bụng sẽ không đi thăm nom gì cả, cứ
ở nhà giữ chùa vậy, đợi đến khi con tu hành độ năm năm
sau rồi sẽ trở về thôi...
-Nếu
thế thì chỉ còn một đêm nay, rồi cậu nhà sẽ xa lánh cõi
ta bà này một thời gian khá lâu đấy nhỉ. Vậy thì tối
nay, chúng tôi xin dọn một bữa tối thật ngon đãi cậu. Cậu
nhà thích món gì ạ?
Vừa
nghe hỏi, người mẹ liền đáp ngay tức thì:
-Nếu
vậy, xin làm ơn dọn cho món tonkatsu ạ.
-Tonkatsu
ư ...Chỉ có thế thôi à?
-Vâng,
con nhà chùa mà không biết sao cháu nó lại thích món tonkatsu
lắm ạ..
Người
mẹ vừa nói vừa cười ra vẻ ngượng ngùng.
Vì
vậy bữa cơm tối hôm ấy đã dọn ra một miếng thịt lợn
dầy nhất từ trước đến giờ và đã phải rán rất lâu.
Một lát sau, cô hầu phòng phụ trách dọn cơm cho khách từ
trên gác đi xuống, kháo lại rằng :
-Hai
mẹ con bà ấy ngồi ăn thật lặng lẽ và từ tốn. Vừa nẫy
mới lén dòm vào phòng xem thử, thì thấy đĩa của bà mẹ
đã hết nhẵn, còn cậu con thì vẫn còn đang ăn. Bà mẹ đã
buông đũa, yên lặng nhìn con đang cắm cúi ăn.
Thấm
thoát đã gần một năm trôi qua, đến tháng hai năm sau đó,
người mẹ bỗng một mình ghé vào lữ quán. Cho dù bà đã
khẳng khái nói rằng nhất định sẽ không đến thăm con,
nhưng chắc là bà đã không lòng dạ nào mà không đến nhìn
mặt con một lần chăng. Tưởng thế, mà hóa ra là không phải
thế. Người mẹ bảo đó là vì cậu con đang tu thì phải
vào bệnh viện, vì cậu đã bị ngã lăn xuống đất cùng
với tuyết trên mái nhà, trong lúc đang dọn tuyết trên mái
tăng phòng.
-Cháu
bảo đã đi lại được rồi, nhưng cũng không biết là có
làm sao không.
Người
mẹ vẫn mặc áo kimono kiểu nhã nhặn, những sợi tóc bạc
hai bên thái dương đập vào mắt nhiều hơn trước. Bà ta
cứ một mực quả quyết rằng đây không phải là đi thăm
con, mà chỉ là đi thăm người bệnh một chút thôi.
Trong
thư, cậu con dặn không được đến bệnh viện, mà hãy đến
đợi ở quán trọ năm ngoái lúc 6 giờ chiều nay.
-Vậy
thì cậu sẽ dùng cơm tối cùng với bà phải không ạ. Thế
nhưng năm nay khác với năm ngoái, không biết là nên dọn món
gì ạ?
-Chà
..vâng, cháu còn đang tu tập mà lại..Thế nhưng, có lẽ là
lại..
-Vâng,
được. Xin bà cứ giao cho chúng tôi.
Đúng
6 giờ chiều, thầy tu trong bộ áo cà sa đã đứng trước
cửa lữ quán. Thật không ngờ. Chỉ mới chưa đầy một năm,
vẻ dễ thương của một cậu bé trên khuôn mặt cũng như
dáng dấp đã hoàn toàn mất hẳn, thay vào đó là một thày
tu trông thật rắn rỏi. Năm ngoái gặp người lạ cậu vẫn
còn bậm môi ngượng ngịu, thế mà thật không ngờ là nay
đã cất giọng sang sảng nói:
-Xin
cảm ơn bà chủ đã cho chúng tôi ở trọ năm ngoái. Vâng,
lâu lắm mới được gặp lại bà ạ.
Và
dường như nhận ra mùi thơm của món ăn mà mình vẫn thích
từ dưới nhà bếp bay lên, ánh mắt bỗng dịu lại, cậu
nhìn về phía này.
-...Có
được không ạ?
Nghe
hỏi, cậu chỉ lặng lẽ chắp tay xá một cái, rồi vừa như
phải hơi lê chân phải, cậu từ tốn bước lên gác hai, nơi
mẹ đang chờ.
Nguyên
tác : Tonkatsu của Miura Tetsuo
Quỳnh
Chi dịch (28/7/2014)
Chú
thích của người dịch
-
Tonkatsu là món cốt lét làm bằng thịt lợn.
-
Theo Luật Giáo dục của Nhật Bản, các trẻ em đều phải
được học (miễn phí) cho đến hết bực trung học đệ nhất
cấp. |