Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Tiếng nhạn đêm trăng Nguyên tác:"Yane no ue no Sawan"
của Ibuse Masuji
Người dịch : Quỳnh Chi
Chắc là có người thợ săn nào bắn vu vơ trúng phải, hay tay súng nào nghịch ngợm đã nhắm bắn. Tôi đã bắt gặp một con nhạn đang quằn quại đau đớn bên bờ đầm nước. Nó cất tiếng kêu thống thiết trong đầm nước nổi đầy bèo, cánh bên trái đẫm máu của chính nó đang trào ra, chỉ có chiếc cánh bên phải còn tự do vùng vẫy được đang đập cánh một cách tuyệt vọng.Tôi rón rén bước đến gần con chim bị thương, lấy hai tay vớt nó lên. Hơi ấm từ cánh và toàn thân của con chim thiên di truyền qua tôi, và con chim trĩu nặng không ngờ trên tay đã đem lại cho cõi lòng đang u tối của tôi một niềm an ủi. Tôi bèn nhất định phải chữa cho con nhạn này khỏe trở lại, bèn bưng nó trên hai tay và cứ thế đem về nhà. Đoạn tôi đóng chặt cửa lại và bắt đầu chữa vết thương cho nó, dưới chùm đèn điện có năm bóng.
Nhưng có lẽ nhạn là giống chim vẫn có thể nhìn thấy được trong bóng tối, nên nó đã lấy chân đá đổ lọ cồn với thuốc đỏ để trên mặt bồn rửa mặt, hòng ngăn cản không cho tôi tiến hành cuộc giải phẫu. Vì vậy tôi đành phải làm một việc hơi tàn nhẫn là lấy dây buộc hai chân chim lại, và đè cái ức của chim cùng chiếc cánh bên phải đang vùng vẫy của nó xuống, lại kẹp chiếc cổ dài ngoòng của nó vào giữa hai đùi. Tôi quát:
-Nằm yên nào !
Nhưng con nhạn đã hiểu lầm đến tột độ lòng tử tế của tôi, nên trong suốt thời gian tôi chữa trị cho nó, từ giữa hai ống chân của tôi, tiếng kêu thảm thiết của nó đã vang vọng ra khắp trời lúc canh khuya trong đêm thu ấy.
Sau khi tôi đã chữa xong và mãi cho đến khi vết thương của chim hết rỉ máu, tôi vẫn để con nhạn bị trói chặt, vì e rằng nếu không làm như thế, nó sẽ chạy khắp phòng và vết thương sẽ bị dính bẩn.
Tôi lo lắng không biết mình có chữa lành cho nhạn được hay không. Vì không có dụng cụ giải phẫu, tôi đã phải dùng con dao gọt bút chì để moi bốn viên đạn từ trong cánh nhạn ra. Đoạn dùng cồn sát trùng và bôi thuốc đỏ lên miệng vết thương. Con nhạn bị sáu phát đạn xuyên vào sâu trong da thịt, trong đó có hai viên xuyên thủng cánh đã văng ra ngoài. Có lẽ người nhắm bắn nhạn đã kéo cò súng khi trông thấy nhạn đang bay lên trời. Và sau khi bị trúng đạn con nhạn đã bị rơi nghiêng, một bên cánh chạm xuống mặt nước trước, và có lẽ nó định cứ thế nằm nghỉ, để chiếc cánh bị thương giữa đám bèo cho đến khi lành hẳn. Đúng lúc ấy thì tôi đi ngang qua. Khi ấy tôi đang đi dạo trên bờ hồ với một nỗi buồn không bút mực nào tả xiết.
Tôi để con nhạn vẫn còn đang bị trói chặt ở lại trong phòng, sang phòng bên cạnh rửa tay cho hết mùi thuốc sát trùng, và làm thức ăn cho nhạn. Thế nhưng lúc ấy tôi chợt thấy hết sức mệt mỏi, bèn tựa vào lò than, định chợp mắt nghỉ một lát cho đỡ mệt. Chợp mắt như thế thường dễ bị ngủ thiếp đi hàng giờ lúc nào không biết. Và mãi cho đến khuya mới chợt tỉnh dậy là thường.
Tôi đã choàng tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Tiếng kêu thống thiết của nhạn đã đánh thức tôi dậy. Con nhạn bị thương ở phòng bên cạnh cất tiếng kêu lanh lảnh từng ba tiếng một. Tôi rón rén đến nhìn qua khe cửa, thấy con nhạn chân cánh vẫn bị trói chặt đang vươn cổ lên về phía chùm đèn điện có năm bóng, ra chiều muốn kêu tiếp. Có lẽ con chim thiên di bị thương này đã lầm tưởng bóng đèn điện với vầng trăng khuya.
Khi vết thương của con nhạn đã lành hẳn, tôi bèn cắt ngắn bớt hàng lông cánh ngoài cùng của nó, rồi thả ra nuôi trong vườn nhà. Nhạn hình như là giống chim dễ thuần tính, tôi đi đâu nó cũng đi theo ra tới tận cổng, cứ đến đêm khuya là nó đi vòng quanh nhà không khác nào một con chó giữ nhà lo canh nhà cho chủ. Tôi đã đặt cho nó tên Xa-wan và hay dắt nó ra đi dạo trên lối cỏ quanh đầm nước.
-Xa-wan ! Xa-wan !
Nghe tôi gọi, Xa-wan liền loạng choạng đi theo như người đang buồn ngủ.
Lúc này cảnh sắc quanh đầm nước đã ra vẻ đầu hạ. Trên bờ nước những cộng cỏ xanh cao gần ngập đầu mọc um tùm, vô số lá bèo rộng bản và hoa bèo trắng toát phủ đầy trên mặt nước. Xa-wan có vẻ thích đầm nước này lắm. Nó tuột xuống nước, vùng vẫy quạt đôi cánh ngắn ngủn và ngoáy đuôi, và chừng nào nó còn chưa chán trò tắm nước này thì mặc cho tôi gọi, nó vẫn không chịu lên bờ. Những lúc như thế tôi thường ngả người trên cỏ và đắm mình trong suy tưởng. Thành ra tôi đi dạo ra đầm nước này là để xua đuổi những ý nghĩ buồn rầu của mình chứ không phải là để canh cho Xa-wan vọc nước.
Xa-wan không chỉ thích nổi trên mặt nước, mà còn thích lặn nữa. Đôi khi nó còn ẩn mình dưới nước. Nhưng cũng may là nước đầm trong suốt nên tôi có thể trông thấy Xa-wan đang tìm mồi dưới đáy.
Chim nhạn là loại chim hình như vốn không thích ánh sáng ban ngày hay hơi nóng của mặt trời. Hễ tôi bỏ mặc là nó thường rúc đầu nằm ngủ suốt ngày dưới hàng hiên. Nhưng cứ đến tối ( tôi đã đóng cửa vườn để cho nó khỏi bỏ trốn được) là Xawan khỏe lắm, chỉ tìm cách phá hàng rào hay toan nhẩy qua cổng.
Thế rồi hết hạ sang thu, chuyện xảy ra vào một ngày nọ. Đó là vào một đêm khuya gió lạnh buốt ồ ạt thổi qua. Tôi khoác áo haori nhồi bông bên ngoài áo ngủ, đang hong đôi tất tabi mới giặt hồi chiều chưa được khô trên ngọn lửa trong chiếc lò đốt than. Những lúc như thế, thường thường ai cũng hay trầm ngâm suy nghĩ, ủ tay trong áo và nghĩ bụng sáng mai sẽ thức dậy thật sớm. Và có khi mãi cho đến lúc đôi tất tabi đang hong trên lửa than bị cháy khét mới định thần trở lại... Đúng lúc ấy tôi nghe có tiếng kêu lanh lảnh của Xa-wan. Tiếng kêu kinh động vang dội phá tan màn đêm tịch mịch nửa khuya, tôi đoán chắc là ngoài cửa có chuyện gì đã làm Xa-wan mất bình tĩnh.
Tôi mở cửa xem thử và lên tiếng:
- Xa-wan! Đừng kêu to thế chứ!
Nhưng Xa-wan vẫn không ngừng tiếng kêu thảm thiết. Hàng cây bên ngoài cửa
sổ có lẽ vẫn còn đọng vô số những giọt mưa trên ngọn, chỉ cần chạm nhẹ vào thân cây là hàng trăm ngàn giọt nước sẽ nhất loạt rơi xuống rào rạt. Thế nhưng về đêm, trời đã quang mây đã tạnh, và có trăng.
Tôi nhẩy băng qua cửa sổ ra ngoài xem thử. Xa-wan đang đứng trên mãi tận nóc nhà, vươn cái cổ dài ngoòng của nó lên trời và lấy hết sức mình ra kêu thật to. Trên nền trời, ở phía mà Xa-wan đang vươn cổ hướng về ấy, là một mảnh trăng méo mó, đỏ cạch, vẫn thường thấy khi trăng lên nửa khuya. Và trên nền trời đêm ở mãi tận trên cao, có ba cánh nhạn đang bay khuất dần từ bên trái sang phía bên phải của vầng trăng. Tôi đã chợt hiểu ra rằng ba con nhạn từ trên trời cao và Xa-wan trên mái nhà, đang ra sức cất tiếng gọi nhau. Chẳng hạn Xa-wan kêu từng ba tiếng một thì một trong ba con nhạn kia cũng kêu từng ba tiếng một, chắc là chúng đang nói với nhau điều gì ấy. Tôi đoán là Xa-wan đang hướng về lũ chim bạn mà gọi :
-Cho tôi đi theo với !
Tôi sợ Xa-wan bỏ trốn, nên nói chen vào giữa tiếng kêu của nó
-Xa-wan, tuột xuống khỏi mái nhà mau !
Thái độ của Xa-wan khác hẳn mọi khi, nó làm ngơ, mặc tôi nói gì thì nói, vẫn cứ mải miết kêu gọi ba con chim bạn. Tôi thử huýt sáo rồi vỗ tay gọi Xa-wan, nhưng cuối cùng cầm lòng không đặng, tôi đã phải lấy gậy đập vào cành cây trong vườn và sẵng giọng:
-Xa-wan! Mày leo lên cao thế nguy hiểm lắm! Hãy xuống đây mau! Kìa, mày không chịu xuống hả!
Thế nhưng mãi cho đến khi bóng dáng của ba con chim bạn đã khuất hẳn và không còn nghe thấy tiếng kêu của chúng nữa, Xa-wan vẫn ở lì trên nóc nhà mà không chịu xuống. Nếu có ai trông thấy bộ điệu của Xa-wan lúc này, có lẽ sẽ có thể vẽ ra trong trí tưởng một cảnh tượng như sau. Đó là, qua hình ảnh của Xa-wan trên mái nhà, người ta có thể mường tượng ra được cảnh một nhà hiền triết đã già bị đày ra đảo xa, mười năm sau mới trông thấy một chiếc thuyền đi qua ngoài khơi.
Lẽ ra tôi đã phải lấy dây buộc chân Xa-wan và đầu dây kia buộc vào một chiếc cột nhà để Xa-wan không thể lại leo lên mái nhà. Nhưng tôi không nỡ đang tay làm như thế với Xa-wan. Vì tôi không tin rằng Xa-wan lại phụ tấm lòng ưu ái tôi đã dành cho nó lâu nay mà bỏ trốn đi xa. Tôi chỉ cắt lông cánh Xa-wan cụt ngủn, ngắn đến mức nếu cắt nữa thì sẽ làm Xa-wan bị thương. Tôi không muốn đối xử tàn nhẫn với nó. Và ngày hôm sau đó tôi chỉ mắng Xa-wan vài câu :
-Xa-wan, mày không bỏ trốn chứ ? Đừng có bạc bẽo như thế nghe chưa !
Rồi tôi dọn cho Xa-wan thật nhiều thức ăn, có thể ăn đến ba ngày cũng không hết.
Từ đó Xa-wan có thói quen hễ leo lên mái nhà là cất tiếng kêu lanh lảnh. Và thường là lúc nửa đêm vào những đêm trăng sáng. Những lúc ấy, tôi thường ngồi yên chống khủyu tay trên bàn, hay nằm trên giường vào lúc nửa đêm, tai lắng nghe tiếng những con chim nhạn đang vừa bay về phía trời đêm vừa đáp lại tiếng gọi của Xa-wan. Đấy là những tiếng kêu thật mơ hồ vẳng lại từ nơi xa xăm, phải hết sức lắng tai nghe mới nhận ra được. Có khi tôi lại tưởng chừng như đó là tiếng thở dài cô độc của chính màn đêm, và nếu quả thực là như vậy thì có lẽ Xa-wan và tiếng thở dài của đêm khuya đang tâm sự với nhau cũng không chừng.
Một đêm nọ, Xa-wan lại cất tiếng kêu lanh lảnh như mọi khi. Tiếng kêu nghe gần như là tiếng khóc òa. Nhưng tôi biết là lâu nay những khi leo lên mái nhà Xa-wan vẫn thường chịu nghe lời tôi là không bao giờ tìm cách trốn ra ngoài. Tôi lại ngồi nơi bàn, mong sao Xa-wan thôi đừng kêu nữa, tôi còn nghĩ đến chuyện từ ngày mai sẽ thôi không cắt lông cánh của Xa-wan, để cho nó cái tự do muốn ra đi lúc nào thì đi. Và sau khi vào giường nằm rồi, tôi đã trùm chăn kín mít gắng dỗ giấc ngủ, hệt như ngày còn bé cũng đã làm như thế, để khỏi nghe thấy tiếng mưa gió thảm thiết bên ngoài. Cũng nhờ vậy mà tôi đã không còn nghe thấy tiếng khóc của Xa-wan, thế nhưng hình ảnh của Xa-wan đứng trên nóc nhà hướng lên trời mà cất tiếng kêu, vẫn không xóa mờ được trong tâm trí tôi. Vì vậy hình ảnh Xa-wan trong trí tưởng cất tiếng kêu lanh lảnh thực sự vẫn làm tôi bận lòng. Thế rồi tôi bèn quyết ý.
Tôi định bụng sáng ra sẽ bôi thuốc cho lông cánh của Xa-wan mau mọc lại. Chắc là đôi cánh mới sẽ giúp Xa-wan tha hồ cất cánh bay lên trời cao. Họa hoằn, nếu tôi có cái sở thích cổ lỗ sĩ thì tôi sẽ gắn vào chân Xa-wan chiếc vòng thiếc , trên ấy sẽ có giòng chữ được chạm khắc bằng con dao nhỏ như sau : " Hỡi Xa-wan, hãy nhởn nhơ tung cánh bay lên trời cao, những đêm trăng "
Sáng hôm sau tôi chợt nhận ra là không thấy bóng dáng Xa-wan đâu cả.
- Xa-wan, ra đây nào !
Tôi cuống cả lên vì Xa-wan đã đi đâu mất, không thấy cả dưới hàng hiên lẫn trên mái nhà. Trên mái hiên bằng tôn có một chiếc lông ức chim, rõ ràng là lông ức của Xa-wan. Chiếc lông ấy bị giắt vào vết nối giữa hai miếng tôn, đang khẽ rung theo làn gió nhẹ thổi qua. Tôi hối hả đi ra đầm nước, nhưng ở đó cũng không có hơi hướm gì của Xa-wan. Những hạt cỏ có ngù phất phơ nhẹ như bông gòn của những bông cỏ khô, trên ngọn các cọng cỏ cao ngập đầu mọc trên bờ đầm nước, rơi ra bám đầy trên vai áo và trên mũ tôi.
- Xa-wan ! Xa-wan đâu rồi ? Xa-wan ở đâu ra đây mau. Làm ơn ra đây ..!
Đáy đầm nước phủ đầy lá úa mục nát, tôi biết chắc chắn là Xa-wan không ở dưới ấy. Có lẽ Xa-wan đã được đem theo trên đôi cánh của chúng bạn, lên đường thực hiện chuyến viễn du hàng năm vào mùa này của chúng.
Nguyên tác : Yane no ue no Sawan của Ibuse Masuji (12-1959)
Người dịch: Quỳnh Chi ( 18/11/2009)
[ Trở Về ]