Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Vị thần của thằng nhỏ giúp việc Nguyên tác : Kozo no kamisama (1920)
của Shiga Naoya (1883-1971)Người dịch : Quỳnh Chi
1. Senkichi giúp việc ở một hiệu bán cân trong phố Kanda.
Hôm ấy, đúng vào lúc ánh nắng thu mềm mại và trong trẻo lặng lẽ xuyên qua bức màn nô-ren màu xanh thẫm đã bị bạc phếch buông trước cửa ra vào, soi vào trong hiệu. Không có một người khách nào cả. Bác quản lý ngồi sau quầy giữ sổ sách ra chiều buồn chán, đang phì phà hút một điếu thuốc vấn, và bắt chuyện tán gẫu với một người nhân viên trẻ tuổi đang ngồi đọc báo bên cạnh chiếc lò than.
-Cậu Kô này, sắp sửa đến mùa được ăn cá thu ngừ béo ngậy mà cậu vẫn thích đấy.
-Vâng.
-Chừng tối nay có được không ? Đóng cửa hiệu rồi hay là ta đi nhé ?
-Vâng, thế cũng hay.
-Mình đi xe điện theo đường hào ngoài thì chỉ độ 15 phút là đến nơi.
-Vâng, chỉ thế thôi ạ.
-Đã ăn ở hiệu ấy rồi, thì không làm sao nuốt nổi món ấy ở mấy hiệu quanh đây nữa nhỉ ?
- Vâng, đúng thế ạ .
Thằng nhỏ giúp việc Senkichi khép nép ngồi ngay ngắn phía sau người nhân viên trẻ tuổi và cách người ấy một khoảng cách cho phải phép, hai tay để trước bụng dưới chiếc tạp dề, nghe mẩu đối thoại ấy thì nghĩ thầm "À, các bác ấy đang nói chuyện đi ăn ở hiệu sushi đây ".
Trên phố Kyobashi có hiệu S đồng nghiệp với hiệu cân của Senkichi. Thỉnh thoảng Senkichi được sai chạy việc đến hiệu S, nên gì chứ chỗ có hiệu sushi ấy thì nó biết rõ. Senkichi chỉ mong chóng được trở thành nhân viên của hiệu, để cũng được nói bằng giọng của người sành ăn như thế và có danh phận hẳn hoi để có thể nghiễm nhiên vén chiếc màn cửa nô-ren của hiệu sushi ấy mà bước vào.
-Nghe đâu là con trai của Yôhê đã mở quán ở gần hiệu Matsuya. Cậu Kô này, cậu có biết chuyện ấy không?
-Tôi không biết bác ạ. Hiệu Matsuya là ở chỗ nào ạ ?
-Tôi cũng không hỏi kỹ. Hiệu Matsuya thì có lẽ là ở Imagawabashi đấy.
-Vậy à. Thế ở đấy có ngon không ạ ?
-Thì người ta đồn là thế.
-Cũng lại tên là hiệu Yôhê phỏng ?
-Không phải. Tên là gì đây này...Họ đặt tên là hiệu gì ấy mà...Tôi đã nghe nói rồi, mà lại quên mất chứ.
Senkichi nghe chuyện lại thầm nghĩ "Hóa ra cũng có những hiệu nổi tiếng như thế ". "Nói là ngon, nhưng mà ngon như thế nào mới được chứ nhỉ ?". Nó vừa nghĩ vừa cố nuốt nước giãi tứa ra đã đầy trong miệng, sao cho khỏi kêu lên thành tiếng.
2.
Hai ba hôm sau, vào lúc trời đã tối sập rồi, Senkichi được sai có việc đến hiệu S ở Kyobashi. Lúc sắp đi bác quản lý phát tiền cho Senkichi, chỉ đủ mua vé tàu khứ hồi.
Senkichi đáp xe điện của đường tàu chạy dọc theo hào ngoài, xuống xe ở ga Kajibashi, nhưng cố ý đi vòng qua trước hiệu sushi. Nó vừa nhìn vào tấm màn nô-ren buông trước cửa hiệu, vừa tưởng tượng ra cảnh các bác ở cửa hiệu của nó đang hăm hở vén màn bước vào.
Lúc ấy nó cũng đã đói bụng lắm rồi. Miếng sushi nắm với cá thu ngừ có mỡ vàng ngậy hiện ra trước mắt trong trí tưởng, nó nghĩ bụng "Ước gì mình được ăn, một miếng thôi cũng đủ rồi". Lâu nay mỗi lần được bác quản lý phát cho tiền mua vé khứ hồi, Senkichi thường chỉ mua vé một chuyến đi, còn lúc về thì đi bộ. Lúc này bốn đồng xu đã để dành được, giấu dưới ngực áo của nó, đang kêu xủng xoảng.
" Có 4 xu là ăn được một miếng sushi, nhưng ai lại nói bán cho tôi một miếng sushi !", Senkichi đành cố nhịn mà chỉ đi qua trước cửa hiệu.
Senkichi đã làm xong ngay công việc được giao ở hiệu S. Nó lãnh một thùng nhỏ mà nặng lạ lùng, trong đựng những quả cân nhỏ đúc bằng đồng, bước ra khỏi hiệu.
Như bị hút bởi một hấp lực vô hình, Senkichi lại quay trở lui con đường vừa đi qua lúc nẫy. Thế rồi khi Senkichi làm ra vẻ thản nhiên sắp sửa rẽ về phía có hiệu sushi ở chỗ ngã tư, thì bất ngờ nó trông thấy trong phố buôn ở bên kia đường, có một chiếc xe bán hàng có treo quanh xe chiếc màn nô-ren viết cùng một tên với hiệu sushi này. Thế là nó bèn lò dò đi sang bên ấy.
3.
Thượng nghị sĩ A còn trẻ đang được B, bạn đồng viện, say sưa giảng giải về thú ăn sushi sành điệu là phải đứng ăn bốc, lấy ngay những miếng sushi vừa nắm xong, ở chỗ xe bán sushi. A nghĩ bụng để rồi hôm nào mình cũng thử ăn đứng như thế xem sao, bèn hỏi bạn cho biết chỗ có chiếc xe bán sushi ngon có tiếng ấy.
Một hôm, lúc trời vừa mới tối sập, A từ phía phố Ginza đi sang phố Kyobashi thử lại chỗ chiếc xe bán sushi mà chàng đã nghe tiếng lâu nay. A đến nơi thấy đã có ba người khách đang đứng quanh chiếc xe ấy. A chần chừ trong giây lát. Rồi chàng cũng mạnh dạn vén màn chui vào. Tuy vậy chàng không có ý định chen vào giữa đám người đang đứng ở đấy, mà chỉ đứng sau lưng họ và vẫn còn đang chui dưới chiếc màn nô-ren. Đúng lúc ấy, bất ngờ có một thằng nhỏ chừng 13, 14 tuổi chen vào đám người đang đứng. Từ phía sau, thằng nhỏ đã đẩy A để cố chen vào, rồi khi đã lọt vào được khoảng trống nhỏ xíu phía trước chàng, nó đảo mắt nhìn mấy miếng sushi bầy trên quầy bằng miếng ván gỗ keyaki của xe bán sushi.
-Hôm nay có nôrimaki không ạ?
-À, hôm nay không làm được .
Chủ quán sushi dáng người đẫy đà, vừa nắm sushi vừa đưa mắt nhìn chằm chằm vào thằng nhỏ, đáp.
Thằng nhỏ có vẻ như phải quả quyết lắm để làm một việc đầu tiên trong đời, thò tay ra bốc một trong ba miếng sushi nắm với cá thu ngừ đang xếp trên mặt quầy. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà cánh tay của nó tuy đã hăm hở thò ra, nhưng khi bốc miếng sushi lên thì cánh tay ấy lại có vẻ hơi trù trừ.
-Một miếng 6 xu đấy !
Có tiếng của chủ nhân.
Thằng nhỏ bèn lặng lẽ buông tay như thả cho miếng sushi rơi xuống trở lại chỗ cũ
-Đã cầm lên rồi mà lại để xuống...Thật là...
Chủ quán vừa nói thế, vừa tiện thể đang thò tay ra đặt miếng sushi mới nắm xong xuống quầy, liền nhặt miếng sushi mà thằng nhỏ đã bốc lên, mà đem về để ngay ở chỗ của ông ta.
Thằng nhỏ chẳng nói chẳng rằng. Vẻ mặt ngượng nghịu, nó đứng như chôn chân ở đấy trong khoảnh khắc. Nhưng rồi ngay sau đó, nó đã lấy hết can đảm để vén chiếc màn nô-ren lên, bước ra ngoài
-Lúc này sushi cũng lên giá rồi mà. Chỉ là một thằng nhỏ giúp việc thì làm sao mà ăn sushi được.
Chủ quán có vẻ như cũng cảm thấy hơi khó xử, nói vậy. Và khi vừa nắm xong một miếng sushi mới, ông ta bèn thò bàn bàn tay không cầm gì cả ra bốc lấy miếng sushi mà thằng nhỏ đã sờ vào, khéo léo bỏ vào miệng ăn ngấu nghiến hết liền.
4.
-Tôi mới vừa đến quán sushi anh đã chỉ cho tôi đấy
-Thế nào?
-Khá ngon.
A bèn kể lại cho bạn nghe chuyện thằng bé ấy. Rồi nói tiếp:
-Mình thấy tội nghiệp cho nó quá. Chỉ muốn làm một cái gì cho thằng bé ấy.
-Thế sao lúc ấy anh không đãi nó luôn một bữa. Hễ anh bảo muốn ăn bao nhiêu cũng được, chắc là nó mừng lắm.
-Có lẽ thằng bé thì mừng, nhưng mình sẽ một phen phải toát mồ hôi !
-Sao anh lại toát mồ hôi ! Anh muốn nói là phải can đảm lắm mới làm được như thế, sao ?
-Tôi không biết đó có phải là can đảm hay không, nhưng phải nói là muốn làm như thế cũng gần như phải dũng cảm lắm. Họa là mình cùng rời khỏi chiếc xe bán sushi với thằng bé và dẫn nó đến hiệu sushi khác, may ra còn có thể được không chừng.
B cũng tán đồng:
-Ừ nhỉ, anh nói cũng phải .
5.
A muốn có những con số cụ thể để biết đứa con nhỏ của chàng hiện còn đang đi ấu trĩ viên sẽ lớn từ từ như thế nào, nên chợt nghĩ ra cách để sẵn một chiếc cân nhỏ trong buồng tắm. Và thế rồi vài hôm sau đó, ngẫu nhiên mà A đã đến cửa hiệu của Senkichi.
Senkichi không biết A là ai. Nhưng A đã nhận ra Senkichi.
Trong hiệu có bẩy tám chiếc cân hành lý lớn nhỏ khác nhau, để trên nền nhà, dọc theo chân tường từ cửa vào đến tận trong góc nhà. A bèn chọn chiếc cân bé nhất. Chiếc cân giống hệt cân hành lý vẫn hay để ở các trạm xe, hay ở các của hiệu chuyên chở hàng, nhưng bé hơn. A chắc là vợ con chàng sẽ thích cái cân ấy vì nó xinh xắn...
Người quản lý cầm quyển sổ ghi hàng vẫn theo lối xưa trên tay, hỏi A:
-Thưa quý khách, chúng tôi phải giao hàng về đâu ạ
-À..
A nhìn thằng nhỏ giúp việc, nghĩ ngợi một chút, rồi nói
-Cậu nhỏ giúp việc kia bây giờ có rỗi không ?
-Dạ, không sao ạ.
-Vậy thì tôi cũng hơi gấp. Cậu ấy đem cân đi cùng về với tôi có được không ?
-Vâng, được ạ. Vậy để chúng tôi cho nó đẩy xe theo hầu quý khách.
A đã nghĩ đến việc hôm nay sẽ cho thằng nhỏ này ăn sushi ở đâu đấy, để bù lại cho hôm trước đã không làm thế được.
-Xin nhờ quý khách ghi lại giùm trong sổ này của chúng tôi quý danh và địa chỉ của quý khách ạ.
A định trả tiền thì người quản lý lại đến đưa ra một cuốn sổ khác mà nói vậy.
A hơi bối rối. Chàng không biết rằng, khi mua cân, theo luật thì khách phải ghi và trao lại cho cửa hiệu số của chiếc cân và danh tính, địa chỉ của mình. Bị lộ danh tính thì cũng muốn toát mồ hôi như là nếu hôm trước đã dám cho thằng nhỏ ăn sushi. Nhưng không ghi không được, A nghĩ mãi mới ra được một cách là ghi bừa một cái tên và địa chỉ giả vào cuốn sổ, rồi đưa trả lại cho người quản lý của hiệu.
6.
Ông khách chậm rãi thong thả bước. Theo sau khách chừng mười mấy mét là Senkichi đang kéo một chiếc xe nhỏ chở chiếc cân.
Khi đến trước một hiệu chuyên nhận chuyển hàng, người khách bảo Senkichi đứng đợi rồi bước vào hiệu. Một lát sau chiếc cân đã được đóng gói và chất lên xe của hiệu ấy.
-Vậy nhờ ông đấy nhớ. Cho tôi trả tiền trước. Tôi đã ghi trên tấm danh thiếp là trả tiền rồi.
Ông khách nói rồi ra khỏi hiệu. Đoạn ông quay sang Senkichi tươi cười bảo nó
-Cảm ơn cháu. Ta muốn đãi cháu ăn cái gì. Cháu hãy đi theo ta đến đằng kia nào
Senkichi cảm thấy như có chuyện gì như là vừa béo bở mà cũng vừa hơi là lạ ghê ghê. Thế nhưng dù sao thì nó cũng thích quá, nên đã cúi chào ông khách tới ba lần.
Họ đã đi qua trước cửa hiệu mì soba, lại đi qua luôn cả hiệu sushi, lẫn hiệu cơm gà rồi. "Đi đâu thế nhỉ ?" Senkichi nghĩ thầm, bắt đầu thấy thắc thỏm không yên. Sau khi đi qua dưới gầm đường tàu trên cao ở ga Kanda, đến bên hông hiệu Matsuya, lại đi băng qua đường tàu điện, đến trước một quán xép bán sushi trong phố buôn, ông khách đứng dừng lại.
-Cháu đợi đây nhé.
Ông khách dặn Senkichi thế rồi bước vào trong quán. Senkichi đặt cần xe kéo xuống đất, đứng đợi.
Một lát sau ông khách bước ra. Theo sau là bà chủ quán còn trẻ có vẻ sang trọng, cũng bước ra. Bà bảo Senkichi:
-Cậu bé, vào đây.
-Ta phải về trước. Cháu hãy ăn cho thật nhiều vào.
Ông khách nói rồi rảo bước như bỏ trốn, đi mất hút về phía đường tàu điện.
Senkichi đã ngốn hết cả ba đĩa sushi ở đấy. Nó ăn ngấu nghiến trong chớp nhoáng như một con chó gầy còm, đói khát đang sục sạo bất ngờ tìm được cái ăn. Bà chủ quán đã giành hẳn cho nó một căn phòng riêng, có cửa dán giấy shoji đóng kín, trong phòng không có người khách nào khác, nên Senkichi chẳng cần phải giữ gìn ý tứ gì cả, muốn ăn thỏa thích đến căng cả bụng ra cũng được.
Bà chủ quán đến rót thêm trà, hỏi:
-Ăn thêm nữa không ?
Senkichi đỏ mặt, đáp
-Dạ thôi, cháu đủ rồi ạ.
và cúi gầm mặt xuống. Rồi nó hấp tấp toan ra về.
-Vậy thì thôi. Nhớ lại đến ăn nữa nhé. Vì ông ấy đã trả tiền trước mà hãy còn nhiều lắm.
Senkichi lặng thinh.
-Mày với ông ấy là chỗ quen biết từ lâu rồi à?
-Thưa không phải ạ.
-Thế sao..
Bà chủ quán tỏ vẻ ngạc nhiên nói rồi đưa mắt nhìn ông chủ quán cũng vừa bước vào phòng.
-Người lịch lãm có khác. Còn thằng bé này, mày mà không lại đến đây ăn thì phiền cho hiệu của ta đấy.
Senkichi vừa xỏ chân vào đôi guốc ghê-ta, vừa cúi đầu chào mà chẳng nói chẳng rằng.
7.
A chia tay với thằng nhỏ rồi đi như chạy ra phía đường tàu điện, vừa đến chỗ ngã tư có con đường cắt ngang, chàng bèn đón xe đi thẳng đến nhà B.
A cảm thấy một nỗi buồn kỳ lạ. Hôm trước chàng đã trông thấy tình cảnh đáng thương của thằng nhỏ, và tự đáy lòng chàng cảm thấy thương hại nó. Thế rồi, hôm nay chàng đã tình cờ có dịp thực hiện được cái ý định nếu được sẽ giúp thằng bé như thế. Thằng nhỏ cũng đã được mãn nguyện, và lẽ ra chàng cũng có thể thỏa mãn được rồi mới phải. Làm cho người khác vui không phải là điều sai quấy. Còn mình thì đương nhiên là cũng có thể được cảm thấy một niềm vui. Thế nhưng, có thật vậy không ? Nỗi buồn kỳ lạ này, cảm giác lạ lùng này là thế nào? Tại sao thế nhỉ ? Nỗi buồn này là từ đâu đến? Tâm trạng của chàng tương tự như thể vừa làm một điều gì sai trái mà không ai hay biết.
Không chừng đó là vì chàng đã có ý nghĩ quái gở cho rằng việc mình vừa làm một điều thiện, và ý nghĩ ấy đang bị cái tâm chính cống phê phán, quay lưng lại, nhạo báng, khiến chàng không khỏi cảm thấy buồn. Nếu chỉ coi như là một chuyện cỏn con nhẹ nhàng thôi thì có lẽ cũng chẳng có vấn đề gì. Đằng này cũng là vì vô tình mà mình đã hơi quan trọng hóa đấy thôi. Có điều là dù sao thì mình cũng chẳng làm điều gì để phải xấu hổ. Ít nhất có thể coi như là mình cũng đã không làm gì để lại cảm giác khó chịu. A bèn nghĩ vậy.
Hôm ấy họ có hẹn cùng đi với nhau, nên B đang đợi A đến. Thế rồi đến tối hôm ấy, hai người đã đi bằng xe nhà của B đến dự buổi chơi nhạc ở nhà của bà Y.
Đến khuya A mới về tới nhà. Nỗi buồn lạ lùng của A, sau khi gặp B, rồi nghe giọng hát với làn hơi thật phong phú của bà Y, hầu như đã khỏi hẳn.
-Cảm ơn mình đã mua cho cái cân.
Đúng như A đã nghĩ, vợ chàng vui mừng với cái cân nhỏ ấy. Con chàng đã ngủ rồi, nhưng vợ chàng kể lại là con cũng thích lắm.
-Thế à. Mà này, tôi lại gặp thằng bé ở hiệu sushi hôm trước đấy.
-Thế cơ à. Mà gặp ở đâu ạ ?
-Đó là thằng nhỏ giúp việc ở hiệu cân.
-Hy hữu nhỉ
A kể cho vợ nghe chuyện đã đãi thằng bé một bữa sushi, và cảm giác buồn rầu lạ lùng sau đó.
-Tại sao thế nhỉ ? Mình cảm thấy buồn như thế kể cũng lạ nhỉ ?
Vợ chàng vốn hiền lương đã nhíu mày tỏ vẻ lo lắng và ra chiều nghĩ ngợi, rồi bất ngờ lại nói:
-Vâng, tôi hiểu tâm trạng ấy của mình rồi. Cũng có chuyện như thế đấy ạ. Tôi nghĩ là cũng có lúc cảm thấy như thế.
-Thật không ?
-Vâng. Quả thật là cũng có lúc như thế. Thế ông B thì nói sao ạ ?
-Tôi chưa kể chuyện gặp thằng bé với B.
-Thế à. Nhưng mà chắc là thằng bé giúp việc ấy mừng lắm. Bất ngờ được một bữa ăn ngon như thế ai mà chẳng mừng. Tôi cũng muốn ăn thử. Hay là mình điện thoại cho hiệu sushi bảo họ đem đến nhà nhé ?
8.
Senkichi kéo chiếc xe không về tới hiệu. Nó đã no đến căng cả bụng. Từ trước đến giờ, nó đã từng nhiều lần được ăn no. Nhưng được ăn ngon như thế mà đến no bụng, thì nó nhớ là chưa bao giờ cả.
Bỗng nhiên, nó nhớ lại cái lần đã phải xấu hổ nơi chiếc xe bán sushi ở ga Kyobashi hôm trước. Mãi đến lúc ấy nó mới nhớ ra. Và thế rồi, nó mới chợt nhận ra rằng, việc nó được ăn sushi hôm nay có liên quan gì ấy đến chuyện hôm trước. Nó nghĩ không chừng là hôm trước ông khách đã có mặt ở đấy. Chắc là như thế. Thế nhưng tại sao ông ấy còn biết cả chỗ nó ở ? Nó cảm thấy điều này hơi lạ. Ờ, mà hiệu sushi hôm nay nó được dẫn đến lại là hiệu mà hôm trước các bác trong hiệu của nó đã kháo chuyện với nhau. Đúng là hiệu ấy. Tại sao ông khách này lại biết cả chuyện mà các bác trong cửa hiệu của nó kháo với nhau thế nhỉ?
Senkichi thấy lạ lùng không sao hiểu nổi. Đầu óc của Senkichi đã không nghĩ ra được rằng A và B cũng đã nói về chuyện ấy với nhau giống như các bác trong hiệu của nó. Nó chỉ biết là nó đã nghe được câu chuyện giữa hai bác trong hiệu của mình, và cứ tưởng rằng chắc là vì ông khách cũng biết được câu chuyện ấy, nên hôm nay ông mới dắt nó đến hiệu sushi. Nếu không phải là thế, thì nó không hiểu được tại sao trước khi đến hiệu sushi hôm nay, lúc đi qua truớc cửa mấy hiệu sushi khác ông khách vẫn cứ thế đi qua luôn mà không dừng lại.
Dần dà Senkichi đã nghĩ rằng ông khách ngày hôm ấy không phải là một người bình thường. Mà đó là người đã biết được chuyện nó bị xấu hổ ở chiếc xe bán sushi, biết cả hiệu sushi ngon có tiếng mà các bác trong hiệu của nó đã kháo với nhau, hơn nữa lại còn thấy thấu tận bụng dạ nó, và đã cho nó được ăn sushi đến thỏa thuê. Nó nghĩ rằng người thường không đời nào làm được như thế. Có lẽ đó là ông thần. Nếu không thì cũng là ông tiên. Nó còn nghĩ không chừng đó lại là thần cáo Inari là khác.
Sở dĩ Senkichi nghĩ đó là thần Inari là vì nó có bà bác thờ thần Inari, nên có lúc bà như là người điên. Hễ thần Inarri nhập vào người bà thì toàn thân bà run bần bật, bà tiên tri những điều lạ lùng, chuyện xẩy ra ở một nơi thật xa mà bà cứ nói trúng vanh vách. Nó đã có lần được trông thấy bà như thế. Chỉ có điều nó thấy hơi lạ, là vì nếu ông khách là thần Inari thì sao ông lại có vẻ tân thời thế nhỉ. Dù sao đi nữa thì càng ngày nó càng tin rằng đó là một đấng siêu phàm.
9.
Nỗi buồn lạ lùng của A, theo tháng ngày đã biến mất hẳn chẳng còn để lại dấu vết nào. Thế nhưng, chàng vẫn thấy trong lòng làm sao ấy nên không thể đi qua trước cửa hiệu cân ở phố Kanda. Không những thế, chàng cũng chẳng còn muốn đến cả hiệu sushi ấy nữa.
Vợ chàng cười bảo:
-Thế thì càng hay. Bảo họ đem đến nhà thì cả nhà cùng ăn.
Xong A chẳng cười mà đáp lại rằng:
-Người nhát gan như tôi không dễ gì mà làm như vậy được.
10.
Càng ngày Senkichi càng không thể quên ông khách ấy. Ông là người hay là một đấng siêu phàm không còn là chuyện đáng kể nữa, mà nó chỉ biết là nó đội ơn ông vô cùng. Cho dù ông bà chủ hiệu sushi đã dặn đi dặn lại bảo nó lại đến, nhưng nó không hề có ý muốn đến ăn ở đấy nữa. Nó sợ chẳng dám được đằng chân lân đằng đầu như thế đâu.
Mỗi khi buồn khổ, nó đều nghĩ đến ông khách ấy. Chỉ nghĩ đến ông là nó thấy như được an ủi. Nó tin rằng một ngày nào đó ông khách ấy sẽ lại hiện ra, đem đến cho nó một ân huệ bất ngờ.
Tác giả quyết định gác bút ở đây. Thật ra tác giả đã định viết tiếp rằng: vì muốn biết rõ ông khách là ai, nên thằng nhỏ giúp việc đã hỏi bác quản lý trong hiệu của nó tên và địa chỉ của khách. Nó đã đến tìm tận nơi, thì ngạc nhiên vì thấy ở đấy không có nhà cửa gì cả, mà chỉ có một cái miếu nhỏ thờ thần Inari. Tác giả đã định viết như thế. Thế nhưng nếu viết như vậy, tác giả cảm thấy là cũng hơi tàn nhẫn với thằng bé ấy. Vì thế, mà tác giả xin gác bút ở đoạn nói trên.
Nguyên tác : Kozo no kamisama (1920), Shiga Naoya (1883-1971)
Người dịch: Quỳnh Chi ( 22/4/2009)
[ Trở Về ]