Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]               [ Tác giả ]

Người hào hiệp ở Osaka

Shiba Ryotaro

Phạm Vũ Thịnh dịch

1

Cuối thời Mạc Phủ Tokugawa, ở Osaka có người hào hiệp tên là Kagiya Mansuke. Là người giỏi chịu đòn đến được gọi là "Mansuke chuyên nhịn nhục", anh ta khởi đầu sự nghiệp chẳng phải từ những thành tích hoành tráng kiểu chém giết trùm băng đảng này nọ, hay cướp đoạt giang sơn gì của băng đảng nào. Mà chỉ từ chuyện giỏi co người lại chịu đựng mặc cho người ta đấm đá bao nhiêu đi nữa. Điều lạ là Mansuke không chết mà cũng không hề bị bất tỉnh, lâu dần rồi đồng bọn đâm ra gờm nể đến tùng phục thành đầu lĩnh.

Đặc biệt là Mansuke có lòng ham muốn làm giàu hơn người. Từ mười một tuổi đã tham gia cờ bạc. Thời bấy giờ, thành phố Osaka có hàng dãy nhà buôn kèm kho hàng san sát nhau, và khu Dojima có chợ gạo bán sỉ, sản vật từ khắp các phiên trấn khác được chuyển thành tiền ở đây, tiền vàng tiền bạc xủng xoẳng vang rền khắp thành phố. Tự nhiên, cờ bạc cũng phát đạt hơn cả đất Edo. Nhất là có cả thứ kỳ quan là trẻ con cũng đánh bạc nữa. Những thằng nhóc 12, 13 tuổi làm cái cờ bạc, chất đống tiền xu như núi trên chiếu bạc, là cảnh mỗi ngày vẫn thấy trong cả khuôn viên các đền miếu, chùa chiền.

-"Nào, nào, đặt vào đi. Chẵn hay lẻ đây? Đặt trăm thành hai trăm. Đặt hai trăm thì... ờ... hai lần hai... thành bốn trăm. Đặt vào, đặt vào. Bố có cú đầu thì là bố láo!".

Tay làm cái gọi khách như thế. Đấy là thứ cờ bạc con nít, tay cái nắm một đồng xu, xoè ra mặt sấp hay mặt ngửa mà định là chẵn hay lẻ.

Mansuke bước vào đường này từ năm mười một tuổi. Nói vậy chứ chẳng phải là tay làm cái, mà cũng chẳng phải là khách chơi. Thình lình từ đâu không biết, nhảy xổ vào nằm úp lên đống tiền. Chộp tiền xu nhét vào túi, rồi cứ thế mà nín thở, co cứng người lại chờ bị đấm đá. Thế là cả sòng bạc náo động cả lên, guốc gỗ đá vào, nắm tay dộng xuống, đấm đá đến sống dở chết dở, vậy mà Mansuke vẫn không hề kêu la một tiếng nào. Đến lúc cảnh sát đi tuần ghé lại thì cả bọn, phía đấm đá cũng như phía bị đấm đá, đều phải vùng dậy chạy trốn.

Cứ làm thế mà nghe đâu đến năm 14 tuổi thì Mansuke đã mua được căn nhà 10 lạng bạc, ở mé sau con đường trước cổng chùa Taiyu, tầng dưới cho hàng bánh kẹo thuê, và mướn cả một bà giặt giũ áo quần cho nữa. Thật đúng là một tay hào kiệt!

Nhưng chỉ có thế thôi thì không thành đầu lĩnh được. Năm 14 tuổi, Mansuke làm nghề chịu vạ thế, đã vài lần bị lôi vào đồn cảnh sát. Được trả nhiều tiền nhất là lần đám nhà buôn sỉ gạo đã thuê Mansuke đưa đồng bọn ào vào phá chợ gạo Dojima, đập phá tan tành cả chợ gạo, đến bị đồn cảnh sát tóm vào tra khảo một trận tàn khốc. Thanh tra cảnh sát là Uchiyama Hikojiro, đương thời được biết tiếng là một học giả kinh tế, về sau này sinh chuyện với đội Shinsengumi mà bị chém chết trên cầu Tenma (năm 1864). Lúc đầu thì Uchiyama cho Mansuke nếm mùi tra khảo bằng bàn toán. Bắt Mansuke ngồi trên một bàn toán bằng gỗ to tướng. Lối tra khảo này vẫn còn dùng trong các trường tiểu học ở Osaka mãi cho đến trước Thế chiến thứ hai. Học trò nào quên làm bài tập ở nhà thì bị bắt ngồi bàn toán như thế. Các cục tròn của bàn toán cấn sâu vào thịt, đau đến như sắp nát xương. Đồn cảnh sát thì không chỉ bắt ngồi lên bàn toán, mà còn dằn thêm đá tảng lên đùi nữa.

-"Khai ra tên nào đã thuê mày!"

Uchiyama đã tra khảo kiểu đó suốt ba ngày ba đêm nhưng Mansuke vẫn cố chịu đựng, không khai. Vì tiền đó thôi. Đã lãnh tiền cọc là 200 lạng bạc rồi, thêm vào đó, nếu không khai tên người thuê mà ra khỏi được đồn cảnh sát thì đám nhà buôn gạo kia sẽ chi cấp cho mỗi năm 2 ngàn hộc nữa. Dù chết cũng không khai, Mansuke gan lì đến cùng.

Kết cuộc Uchiyama phải đổi qua cách tra khảo "luộc tôm". Trước hết, cột dây thừng vào cổ Mansuke, ba người cảnh sát ra sức siết dây, kéo hai đầu dây buộc chặt vào hai đùi Mansuke, vòng qua lưng, trói hai cánh tay lại. Rồi ném Mansuke ra ngoài sân nắng.

Dần dần cổ Mansuke gục xuống, thân người cong lại, từ từ toàn thân đỏ ửng lên, không khác gì con tôm luộc.

Bị tra khảo kiểu này thì kẻ hung dữ đến mấy cũng phải khai ra. Từ trước đến nay, người chịu đòn qua được một lần thì cũng có, nhưng chưa ai chịu nổi kiểu tra khảo này lần thứ hai. Đến nỗi đã có quy định rằng: người nào bị tra khảo kiểu đó mà chịu đựng qua nổi lần thứ hai thì coi như đã chết rồi mà được tuyên cáo là vô tội.

-"Thằng này chắc có quỷ thần gì phù trợ cho rồi!".

Học giả kinh tế là Uchiyama cuối cùng đã ớn lạnh cả người mà phát ngôn có màu mê tín dị đoan như thế, khi thấy Mansuke đã cố sức chịu đựng được cả hai lần tra khảo ấy.

Rốt cuộc, Mansuke được thả ra. Và nhờ vậy mà thu được món tiền lớn.

Người ta hỏi bí quyết thì Mansuke nói: "Tùy theo lòng mình thôi. Tớ coi thường thân xác mà giữ kỹ sinh mạng của mình. Mà không, không, đến lúc cùng đường rồi thì chỉ một lòng mà niệm: Tiền là Tiên là Phật! Tiền là Tiên là Phật! thì lạ lùng thay, mọi cơn đau, cơn xót đều tiêu tán thành hư không cả".

Thiên hạ đồn rằng Mansuke chẳng phải được linh hồn hồ ly tinh phù trợ, mà là được linh hồn tiền vàng phù trợ cho đấy. Anh ta cứ khấn niệm linh hồn tiền vàng như thế thì chịu đựng được tra khảo, mà còn nghĩ ra được ý hay làm ra tiền, và có đủ can đảm đối đầu với trạng huống nguy hiểm. Và cờ bạc cũng giỏi nữa!

Mansuke nói: -"Đã đến chỗ cờ bạc rồi thì đừng nghĩ tiền bạc trong túi là của mình nữa. Cứ coi như tiền lượm được trên đường ấy. Nếu có thua sạch túi thì hãy ca lên ba lần: Lúc sinh ra là thân trần truồng, lúc sinh ra là thân trần truồng,... xem sao. Sẽ thấy trong người, khí độc thua bạc nãy giờ đọng lại nhanh chóng tiêu tán, rồi vận may được bạc lại đến với mình".

Ham làm ra tiền thì ham thật đấy, nhưng Mansuke xài tiền cũng dễ. Tiền bạc vào tay anh ta hầu hết được đem cho người khác cả. Anh ta ham là ham được bạc, chứ không ham trữ bạc. Người hào hiệp này thường nói:

-"Trên thế gian trôi nổi này, muốn sống phong lưu thì hãy coi tiền bạc là thứ để sờ vào mà thôi, chứ đừng nắm lại".

Vãi tiền ra đều đều như thế, đến khoảng năm 20 tuổi thì Mansuke đã có ba trăm thuộc hạ trực tiếp dưới trướng, còn kể cả đám bộ hạ gián tiếp dưới quyền nữa thì đến cả ngàn người, trở thành đầu lĩnh băng đảng lớn nhất ở Osaka thời bấy giờ. Chẳng nhờ vào dòng dõi để thừa kế, chỉ nhờ vào tiền bạc của chính mình mà Mansuke đã thành "Bố già Osaka".

2

Cuối năm Bunkyu thứ ba (1863), vùng Kyoto Osaka náo động vì lãng sĩ Cần Vương [1] hoành hành khắp nơi. Lãng sĩ Cần Vương Nhương Di (Phò vua, đánh đuổi kẻ man di mọi rợ là người Tây phương) từ khắp các phiên trấn khác đổ xô vào, dần dần cạn tiền ăn ở, tiền du hí, lắm người đã dựa vào chiêu bài "thừa lệnh trời tru diệt bọn man di" mà giở trò cướp phá. Thị dân Osaka thì chẳng hiểu gì chuyện quốc gia thiên hạ khó khăn. Có người còn hiểu chữ "lãng sĩ" kia là "kẻ cướp" nữa.

Chuyện đám lãng sĩ làm, bọn vô lại trong thành phố cũng bắt chước, cũng dựng cờ "thừa lệnh trời tru diệt bọn man di" mà cướp bóc.

Chỉ với hai trăm người cả thanh tra lẫn cảnh sát trong hai đồn cảnh sát phía đông và phía tây Osaka thì không sao thực thi việc trị an trong thành phố được. Ở kinh đô Kyoto, Lãnh Chúa phiên trấn Aizu nhậm chức Trấn thủ Kinh đô, đã cho quân sĩ trú đóng giữ an ninh thành phố, và đội võ trang cảnh bị Shinsengumi cũng đã được lập ra vào thời kỳ này. Ở Osaka, Mạc Phủ cũng thiết lập một tổ chức đặc biệt cho việc trị an thành phố. Chia Osaka ra làm bốn khu vực, giao cho bốn phiên trấn. Phiên trấn Kishu đảm nhận khu vực đường phố to rộng phía đông hào Yokobori; phía bắc khu vực đó giao cho phiên trấn Fukui đất Etchizen; phía nam hào Dotonbori giao cho phiên trấn Hirado đất Bizen; phía tây hào Yokobori giao cho nhà Hitotsu-yanagi, Lãnh Chúa của phiên trấn nhỏ một vạn hộc là Ono đất Banshu.

Nhà Hitotsu-yanagi này bối rối. Tuy có dinh cơ kiêm kho hàng ở Osaka, nhưng phiên sĩ (sĩ phu, võ sĩ có chức vị của phiên trấn) trú đóng ở đây chỉ có 6 người, gom cả bộ tốt cảnh binh lại cũng chỉ 12, 13 người mà thôi. Mà tiền cũng chẳng có! Cùng quẫn quá, ông cụ Hiramatsu Gonzaemon là quan trú đóng ở Osaka mới bàn với phiên trấn nhà, rồi tìm đến "Bố già" Kagiya Mansuke mà năn nỉ cứu giúp.

Ngày 30 cuối năm, Gonzaemon dắt theo một gia thần trẻ với một người hầu tìm đến nhà Mansuke ở gần cổng chính chùa Taiyu. Ông hứa hẹn phong cho Mansuke làm võ sĩ gia thần của phiên trấn, khiến Mansuke sửng sốt. Nghĩ là Mạc Phủ đã đến hồi mạt rồi sao chứ? Không, anh ta nghĩ là thiên hạ đã trở lại thời Chiến quốc [2] rồi!

-"Chuyện lớn đấy! Khu vực ngài Hitotsu-yanagi tước Taima-no-kami đảm đương là phía tây hào Yokobori. Quả thật người nhà ít quá. Khu vực ấy lại có nhiều sông. Sông đổ ra biển. Bọn lãng sĩ xâm nhập từ đường biển, theo sông mà lên, buộc thuyền lại khoảng trung tâm thành phố, cướp phá một hồi rồi trở lại thuyền, trong chớp mắt đã ra được đến biển. Đúng là chỗ phiên trấn của ngài phải chịu gánh nặng nhất đám. Phải có cỡ 2, 3 trăm người mới được!".

Ông cụ Gonzaemon thật là giảo quyệt. Ông công nhận là cần đến số người như thế thật, rồi hứa phong cho Mansuke cấp võ sĩ gia thần của phiên trấn, nhưng bù lại, yêu cầu Mansuke tự mình lo liệu mọi khoản nhân viên và chi phí.

-"Thế nghĩa là giống như đội Shinsengumi trên kinh đô đấy à?"

-"Đúng thế. Giống hệt như thế đấy. Hễ gặp lãng sĩ là có quyền bắt hay giết đi. Thế nào đi nữa, nói ra thì xấu hổ, nhưng phiên trấn nhà quá nhỏ, không đủ tiền bạc, nhân viên để thi hành được chức trách ấy. Vì thế mới đến mà cầu xin ngài Kagiya giúp cho".

-"Thế thì tội nghiệp quá. Tôi đây cũng đem thân trai mà lập nghiệp, vậy thì xin nhận giúp cho ngài".

Mansuke vui lòng chấp thuận dễ dàng.

Thế là Mansuke thành võ sĩ, được mang tên họ, mang kiếm, anh mới chọn một cái tên nghe hào hùng ra gì, là Yoshida Chubee. Cấp đội trưởng, bổng lộc tương đương với bậc võ sĩ có mười bộ tốt gia thần, đi công việc chính thức thì cưỡi ngựa, có lính vác thương theo hầu. Đường đường là võ sĩ cao cấp đấy. Nhưng chỉ có thế thôi. Kinh phí nuôi số 300 nhân viên cần cho chức vụ ấy, anh chẳng lãnh được xu nào.

Tuy nhiên, Mansuke không hề thiếu thốn gì tài năng kiếm tiền. Lập tức đến dinh phiên trấn mà đề khởi rằng:

-"Tôi có yêu cầu này. Xin cho phép xem tư thất của tôi là một dinh của phiên trấn".

Chỉ có thế thôi, nên được chấp thuận ngay. Thế là Mansuke cho treo cao nơi hiên nhà mình một đèn lồng lớn ngoài bao có nhuộm thật to huy hiệu "ba vạch ngang trên cái khay" đặc biệt của nhà Hitotsu-yanagi. Như vậy, trên mặt luật pháp, nơi này không còn là nhà dân thường nữa, mà là công đường của một phiên trấn, có trị ngoại pháp quyền đối với Sở Chưởng quản thành phố của Mạc Phủ. Ở đó, Mansuke mở sòng cờ bạc công khai, khách vào chơi suốt ngày từ sáng đến tối, chẳng bao lâu đã trở thành sòng bạc lớn nhất nước Nhật Bản, tiền vào như nước. Mansuke dùng tiền đó chi trả kinh phí cảnh bị giúp cho phiên trấn Ono của nhà Hitotsu-yanagi, phát lương cho bộ hạ mỗi ngày tương đương với 5 hợp gạo (khoảng một lít). Bọn bộ hạ của Mansuke cũng được nhà Hitotsu-yanagi phong cho tư cách võ sĩ cấp bộ tốt, được phép đeo hai thanh kiếm dài ngắn. Đột nhiên mà thành võ sĩ theo kiểu làm quan tắt như thế nên bọn này hí hửng mua vào hàng loạt đao kiếm, cho gọi bao nhiêu là hàng may áo xống, thợ cắt bện tóc theo kiểu võ sĩ; nhà Mansuke lúc nào cũng huyên náo nhộn nhịp.

Bọn đàn em của Mansuke đua nhau mặc áo quần võ sĩ, vừa sửa kiếm đeo lưng, vừa tự trầm trồ: "Võ sĩ oai quá chứ! Võ sĩ oai quá chứ!" ồn ào náo nhiệt. Nên người trong thành phố gọi bọn này là đám "võ sĩ oai quá chứ!".

Chủ tướng của đám võ sĩ này là Mansuke, mỗi ngày cưỡi ngựa có lính vác thương theo hầu, dẫn một đoàn "võ sĩ oai quá chứ!" đi tuần trong thành phố, và trấn đóng ở đồn canh thuyền bè của Mạc Phủ ở bến cảng Shirinashi.

Thường thường, bọn lãng sĩ đi thuyền theo sông Shiranashi mà đến, lên bờ ở bến Niita ở phía tây rồi lẻn vào thành phố. Phận sự của bộ hạ Mansuke là bắt giết bọn lãng sĩ này. Mansuke cho loan truyền khắp các khu phố trong phạm vi cảnh bị của mình rằng: "Hãy xem đây là đội Shinsengumi của Osaka". Và đã chém chết rất nhiều lãng sĩ. Bọn lãng sĩ mò đến mỗi nhóm vài người. Phía bộ hạ của Mansuke thì cả 50, 100 người đem đủ thứ dụng cụ bắt người mà áp đến. Bắt được người nào là làm giống hệt như quan Trấn thủ Kinh đô, không tra hỏi gì bao nhiêu mà đem ra giết mất.

Không bao lâu sau, phiên trấn Matsuura đất Hirado đảm trách khu vực phía nam hào Dotonbori cũng bắt chước theo diệu kế của nhà Hitotsu-yanagi phiên trấn Ono, mà nhờ 5, 6 đầu lĩnh băng đảng giúp cho. Thế là trong mấy năm, từ cuối năm Bunkyu thứ ba (1863) đến trận đánh Toba Fushimi (1868), bọn băng đảng tổ chức cờ bạc ở Osaka hầu hết đã thành "võ sĩ oai quá chứ!" cả. Bọn chúng thường đeo bao kiếm màu chu sa, hai thanh kiếm sắt lưỡi dày như dao phay. Chúng mua thứ kiếm này từ bọn con buôn lộ thiên trải chiếu bày hàng trên cầu Nihonbashi, giá rẻ mạt, một cặp dài ngắn không tới 2 lạng bạc.

Đội cảnh bị của bọn Mansuke đã lập thành tích to lớn trong dịp biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, tháng 7 năm Genji nguyên niên (1864). Quân sĩ phiên trấn Choshu đại bại ở kinh đô, nhóm 5 nhóm 3 chạy trốn đến Osaka. Đám bại binh này bị các đội cảnh bị của các phiên trấn ở Osaka chém chết lên đến cả trăm người. Trong lúc ấy, Mansuke ra lệnh cho bộ hạ: "Gắng đừng giết người ta!". Ở điểm đó, đội cảnh bị của Mansuke khác hẳn với bọn Shinsengumi.

Shinsengumi có thể nói là đội võ trang thành lập do ý hướng chính trị. Còn đội cảnh bị của Mansuke thì chỉ là làm thuê. Chuyện chém giết những người không quen biết, không ghét bỏ gì dần dần có vẻ ngu xuẩn thế nào. Thừa lệnh Mạc Phủ mà bắt người ta, nhưng Chủ tướng Mansuke nhìn tướng mạo từng người mà phán:

-"Coi bộ mặt có vẻ hiền lành"

thì bọn bộ hạ chỉ bắt thay đổi áo quần rồi cho làm người nhà Kagiya, hay giữ lại trong nhà ít lâu rồi thả ra ở xóm Nishinomiya. Vì vậy, trong đám bại binh võ sĩ phiên trấn Choshu lọt vào khu cảnh bị của đám Mansuke, người nào có khuôn mặt trông có vẻ hiền lành thì được lợi. Còn người có tướng mạo hung ác thì bị chém chết. Riết rồi bọn bộ hạ của Mansuke cũng thích thú mà nói khi dắt tù về:

-"Thưa chủ tướng, bắt được tên này có bộ mặt hiền lành đây".

Đến nỗi trong đám võ sĩ Choshu đang trốn nấp ở Osaka cũng có kẻ biết chuyện đó, tự mình đem thân đến nhờ Mansuke cứu giúp! Trong số đó có Akane Taketo chỉ huy đội quân chí nguyện của Choshu; Endo Kinsuke về sau này thành quan lớn trong chính phủ Minh Trị; và nhân vật quan trọng nhất là Katsura Kogoro (Kido Takayoshi, 1833-1877, một thủ lãnh Cần Vương). Lúc đó, Mansuke không biết Kogoro có dáng dấp một nhà buôn lẻ này là ai, nhưng đoán là một nhân vật xuất chúng, nên bảo bộ hạ bôi dầu pha mực lên người anh ta, cho mặc trang phục hành nghề của chính mình rồi đưa ra tận quốc lộ Nishinomiya mà thả đi.

Mansuke thân là võ sĩ của phiên trấn Ono dưới tên Yoshida Chubee, mà lại ôn tồn bảo bọn võ sĩ bại binh của phiên trấn Choshu rằng:

-"Ta chẳng về phe nào cả. Trông thế này chứ hoàn toàn không nhận lãnh một xu nào từ Mạc Phủ cả. Chỉ được lệnh trừng trị bọn trộm cướp đó thôi. Mà các người thì ta biết chẳng phải là bọn trộm cướp gì".

Không nhận lãnh một xu nào từ Mạc Phủ, điều đó hoàn toàn khác với đội Shinsengumi.

Nhà Hitotsu-yanagi có phàn nàn về thái độ của Mansuke, thì Mansuke liền phản luận: -"Xin đừng nói lời cứng rắn thế chứ. Mọi chuyện cảnh bị của phiên trấn đều do tiền của tôi lo liệu cả mà". Thế là xong. Đối với Mansuke thì Mạc Phủ hay Choshu cũng chẳng là vấn đề gì, chỉ có "tiền của tôi" mà thôi.

3

Rồi thời thế đảo ngược. Tháng Giêng năm Keio thứ tư (1868), quân sĩ Mạc Phủ tập kết ở Osaka định tiến vào kinh đô, đã bị liên quân Satsuma-Choshu đánh tan nát ở Toba Fushimi, phải chạy trốn. Quân Mạc Phủ vừa triệt thoái khỏi Osaka, tức thì Mansuke quay trở lại thành dân thường, cả đám bộ hạ "võ sĩ oai quá chứ!" cũng vội vàng trở lại thành dân cờ bạc chuyên nghiệp.

Thành Osaka trống không. Các tư gia võ sĩ trong thành, chủ nhà mang thân chạy trốn cả, còn để lại bàn ghế vật dụng. "Tha hồ ai vào thành cũng được cả!". Nghe đồn như thế, thị dân lũ lượt kéo nhau vào thành cướp trộm áo quần, vật dụng, mỗi ngày có đến vài ngàn. Riết rồi đàn bà con nít cũng tham gia, cả đám phụ nữ người nhà các tiệm buôn cũng rủ rê con gái nhà hàng xóm đi theo. Ở thành phố này, chẳng phải chỉ mình Mansuke mà người nào cũng vậy, chẳng tha thiết gì phe phái Cần Vương hay Tá Mạc (Phò Mạc Phủ).

Thế rồi quân phiên trấn Choshu mặc quân trang nhẹ, áo thụng, quần ống, tiến vào trú đóng ở Osaka, nhưng không vào trong thành. Họ chỉ ngồi chờ trước cửa chính vào thành, chứ không nhập thành như thông lệ của quân chiến thắng. Mà thấy các nhóm thị dân lũ lượt kéo nhau vào thành hôi của, bọn quân Choshu cũng chỉ chăm chú nhìn mà thôi chứ chẳng buồn ngăn cản. Đám thị dân thấy vậy, bảo nhau: -"Nhanh tay là được!", ai nấy an lòng, từng đám từ khắp các ngõ ngách của Osaka kéo nhau đến, hồ hởi tiến vào thành.

Quân sĩ Choshu chỉ đứng ngắm mà thôi. Sau này mới biết lý do là họ cảnh giác rằng trong thành có thể có chôn địa lôi, nên để mặc cho bọn thị dân kia vào đạp cho hết trước đã, sau đó mới nhập thành. Quả nhiên, một ngày nọ, từ hai nơi trong thành đã có tiếng nổ lớn, lửa bốc cháy nghi ngút thành trụ cao kinh hoàng, xác người tung bắn lên không.

Thế thì vào thành được rồi. Quân phiên trấn Choshu chỉnh tề đội ngũ tiến vào thành, sau đó ra bố cáo cấm ngặt thị dân không được cướp trộm nữa. Rồi liên quân Satsuma-Choshu cho gọi bọn đầu lĩnh băng đảng trước đây đã thi hành việc cảnh bị trong thành phố Osaka đến trình diện tại đồn quân Choshu ở đền Toshogu khu Tenma Hinoguchi, và đồn quân Satsuma ở Minami Godo, chẳng cần xét xử gì, cứ thế chặt đầu ngay lập tức. Các thủ cấp ấy phơi bày ở pháp trường Senjitsumae. Càng ngày số thủ cấp phơi bày càng tăng, bọn thị dân đùa với nhau rằng: "Đám đầu lĩnh băng đảng tụ hội ở Senjitsumae đông quá!". Chỉ có Mansuke là chưa thấy bị gọi.

Nhưng rồi, cuối cùng giấy gọi đã đến. Mansuke đến trình diện, thì thấy ngồi ghế đội trưởng thẩm vấn là Endo Kinsuke, phiên sĩ Choshu trước đây đã được Mansuke cứu mạng. Endo hỏi: -"Ngươi còn nhớ mặt ta chứ?". Nhờ vậy, Mansuke thoát chết.

Nhưng thời kỳ này, đến Mansuke cũng không dám mở sòng bạc, mỗi ngày nhàn nhã mà bứt rứt. May còn có được ngôi chùa nhỏ ở Sakai gọi là Hoju-in, coi như sào huyệt kín của đám Mansuke, nên Mansuke dắt theo vài bộ hạ đến đó mở sòng. Tuy nhiên, trong thời thế ấy, vùng cảng Sakai cũng hạ hoả cờ bạc rồi nên có mời, khách cũng chẳng bao nhiêu người đến.

-"Ế quá!". Mansuke đành trọ lại phương trượng của chùa, mỗi ngày ôm lấy lò sưởi than cho qua thì giờ. Tài trí mà anh thường tự hào cũng cạn mất rồi.

Dần đến lúc Sakai được đặt dưới quyền chiếm đóng cai quản của phiên trấn Tosa, các phiên sĩ Minoura Inokichi và Nishimura Saheiji làm đội trưởng dẫn hai tiểu đội đến đóng, đặt Phủ Quân quản ở hội quán xóm Kushiya, đặt binh doanh ở Sở Chưởng quản cũ của thành phố Sakai xóm Itoya, khởi đầu nền hành chính quân quản. Trên quốc lộ Toba Fushimi vẫn còn ngổn ngang những xác chết của bại binh Mạc Phủ.

Bọn cầm quyền mới này ngay từ đầu đã bối rối vì không có tiền vận doanh. Thành phố Sakai 30 vạn hộc đã là lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ. Quan Chưởng quản của Mạc Phủ đã có lệ thu thuế mỗi năm từ mồng ba Tết đến ngày 11 tháng Giêng. Thời kỳ thu thuế ấy vừa xong thì quân Mạc Phủ bại tẩu, mang theo quá nửa số tiền thuế rồi. Phần chưa thu cũng còn. Nhưng nhân viên Sở Chưởng quản cũ cũng đã trốn mất trong cơn loạn lạc, giấu luôn sổ sách, chẳng ai biết thất tán nơi nào.

Mansuke nghe được sự tình như thế, mới cầm theo thư giới thiệu của Endo Kinsuke phiên sĩ Choshu, đến gặp Minoura Inokichi, hiến một diệu kế:

-"Sự thật, tiếng là nhân viên quản lý của Mạc Phủ, nhưng đám người ấy cũng chẳng phải là thân thích gì của Mạc Phủ, mà chỉ là người địa phương được thu dụng để làm việc đó thôi. Vì loạn lạc mà họ chạy trốn, nhưng chắc cũng chỉ trốn nấp đâu đó ở nhà bà con trong các vùng Kawachi, Yamato gần đây mà thôi. Cho dù có đeo hai thanh kiếm như võ sĩ đi nữa, bản tính của họ vẫn chẳng khác gì của thị dân địa phương, chỉ cần bảo là sẽ cấp lương cho họ phục chức như cũ, là họ trở lại. Nếu quý ngài hứa cho như thế thì tôi sẽ huy động bộ hạ đi tìm họ cho".

Mansuke đề nghị như thế, chẳng phải để kiếm cách lợi dụng Phủ Quân quản của quân phiên trấn Tosa mà kiếm lợi đâu. Thế nào đi nữa, nếu trị an và kinh tế mà không ổn định trở lại thì cả người làm ăn như Mansuke cũng cạn mất nguồn sinh kế.

Được chấp thuận, Mansuke cho bộ hạ dùng đủ mọi cách dò hỏi tìm ra chỗ ẩn nấp của các nhân viên quản lý cũ, hoặc doạ nạt hoặc phỉnh nịnh mà dắt trở về, cho làm lại chức vụ thu thuế. Nhờ vậy, Phủ Quân quản mới bắt đầu có chút tiền vào túi. Và Phủ Quân quản bắt đầu xài tiền ra, thành phố dần dần phục hồi sinh khí. Thiên hạ an tâm mưu sinh, và khách vào sòng bạc bắt đầu tăng lên.

Ngay sau đó, xảy ra sự kiện Sakai. Ngày 15 tháng 12 năm Keio thứ tư (1868), khoảng 4 giờ chiều, tướng binh Hải quân Pháp 22 người từ phía Osaka lên tàu nhỏ chạy máy hơi nước, cập bến cảng Sakai, lên bờ đi xem các phố. Cảng Sakai từ thời Mạc Phủ cũ, đã không mở cửa cho ngoại quốc, là chỗ cấm người ngoại quốc không được vào. Vì thế, thị dân náo động cả lên. Phủ Quân quản nghe tin, hai đội trưởng tức tốc dẫn 28 quân sĩ đến, ra lệnh cho bọn kia rút đi. Bọn người Pháp chạy trốn, nhân thể chộp luôn một cây cờ của quân sĩ phiên trấn Tosa dựng ở hàng rào nhà dân, mà chạy về phía cảng Sakai. Đó là nguyên nhân của vụ này.

Một lính chữa lửa của Phủ Quân quản, sinh ở Edo, tên là Umekichi đuổi theo, lấy câu liêm đánh, giật lại được cây cờ ấy. Sau đó, quân sĩ Tosa cầm súng đuổi theo đến bờ biển, bắn vãi vào bọn lính Pháp trên tàu dợm tháo chạy ra khơi. Quân Pháp bị trúng đạn, 2 người bị bắn chết, 7 người rớt xuống nước chết đuối, 7 người bị thương, tổng cộng tổn thất 16 người. Tàu Pháp chạy về được Osaka.

Quả nhiên, đã trở thành một vấn đề ngoại giao lớn. Cả bọn trong Phủ Quân quản bị gọi về dinh phiên trấn Nagabori ở Osaka chờ lệnh. Chính phủ (Minh Trị) mới lên chưa có tự tín đối ngoại nên khiếp sợ; Công sứ Pháp càng hùng hỗ đòi tử hình cả bọn, lại còn đặt điều kiện phải để cho sĩ quan Hải quân Pháp thấy xử hình tận mắt nữa. Chính phủ mới đành phải chấp thuận, ra lệnh cho phiên trấn Tosa thi hành. Phiên trấn Tosa cho cả bọn binh sĩ có mặt trong biến động ấy bốc thăm, chọn ra 20 người chịu tội mổ bụng, cho phiên trấn. Pháp trường được định là khuôn viên chùa Myokoku-ji (Diệu Quốc Tự) tông Nichiren (Nhật Liên) nổi tiếng của thành phố Sakai.

Nghe tin, Mansuke sửng sốt. Anh biết mặt hầu hết 20 người bị tử hình ấy, từ Minoura Inokichi trở xuống. Mansuke không thể lý giải được: chẳng lẽ chính phủ mới lại không muốn đánh đuổi quân man di ngoại quốc sao chứ? Chính mắt Mansuke đã vừa chứng kiến chí sĩ Nhương Di khắp thiên hạ đã chống lại chính sách khai quốc của Mạc Phủ mở cửa giao dịch với bọn man di Tây phương, mà nổi dậy, tạo ra biến loạn cuối đời Mạc Phủ đó thôi. Phiên trấn Choshu đã là cột trụ của phong trào Nhương Di ấy, gây ra biến cố ở cửa Hamaguri, chiến đấu trong cuộc chiến tranh với Mạc Phủ và cuối cùng đã lật đổ được Mạc Phủ Tokugawa đó mà! Đến lúc giành được chính quyền, thay vì lật ngược chính sách khai quốc kia, thì lại lòi ra một thái độ ngoại giao cực kỳ hèn nhát! Mansuke chán ngán, cho rằng chuyện chính trị thì dân cờ bạc như mình chẳng tài nào lý giải được.

Ở Osaka, cách đấy có 3 dặm, hành động Nhương Di (đánh đuổi kẻ man di mọi rợ Tây phương) của phiên trấn Tosa còn được người ta tán thưởng cứ như là chiến thắng vinh quang, đến nỗi được đặt thành bài ca lưu truyền. Bài ca thịnh hành, truyền đến cả đất Sakai này nữa, thị dân đua đòi hát theo tuy chẳng hiểu rõ sự tình. Những là: "Thời nay ở Sakai đất Senshu, chủ trương Nhương Di của phiên trấn Tosa trúng lớn! Tốt quá, địch là quân Pháp bị đánh tan tành không còn manh giáp. Tốt quá! Tốt quá!".

Bọn thị dân cứ nghĩ rằng chính phủ mới vẫn giữ chính sách Nhương Di ấy, nên theo đuôi mà ca hát như thế. Ngờ đâu, lập tức chính phủ mới hạ lệnh cấm hát. Mọi người sửng sốt: -"Chẳng hiểu sao nữa!".

Hoá ra chẳng phải chỉ mỗi mình Mansuke không lý giải được, mà toàn vùng Osaka là nơi hai khối quyền lực cũ và mới đã tranh chấp đổ máu, toàn thể dân chúng chẳng ai lý giải được cả.

Mansuke nghĩ: -"Dù sao, đối với dân cờ bạc như mình thì đằng nào cũng thế thôi!".

Pháp trường được dựng lên ở khuôn viên chùa Myokoku-ji nằm trong xóm Zaimoku-cho, gần chùa Hoju-in mà Mansuke đang trú ngụ. Tuy không đến gần được nhưng Mansuke hiểu rõ tình hình như nắm trong lòng bàn tay mình.

Trước ngày hành quyết một ngày, đã có 20 cái chum lớn được chở tới để sau chính điện. Mỗi chum cao 6 thước (cỡ 1 mét 8) làm bằng đất nung theo kiểu xứ Hizen để đựng xác tử tù đem chôn. Vỏ ngoài tráng men sáng loáng.

Pháp trường là sân trước chính điện, rộng 2 ngàn 6 trăm mét vuông; ở khoảng giữa, hơi xế qua phía bắc có đóng bốn cây trụ bằng tre, chăng mái sậy che nắng, trên nền đất lót hai tấm đệm rơm, trên đó đặt ngược hai tấm chiếu cói, rồi trải thêm lớp vải trắng và trên cùng là lớp thảm đỏ.

Xử mổ bụng từ 4 giờ chiều ngày 23 tháng 12, bắt đầu từ Minoura Inokichi.

Quan Công sứ Pháp (Leon Roches) dẫn 20 tên vệ binh là lính Hải quân vào ngồi ở hàng ghế gỗ dành cho ban kiểm tra ở phía tây chính điện.

Minoura Inokichi 25 tuổi, tóc xoã dài, mặc áo bào ra trận màu đen, quần cộc võ sinh bằng gấm, tay trái cầm cờ chỉ huy, bước ra, đặt cờ lên nền đất, rồi ngồi vào chỗ mổ bụng. Nắm lấy thanh đoản kiếm đặt trên khay gỗ màu trắng, trước hết đâm vào bụng phía hông trái, từ từ kéo xuống chừng ba tấc, rồi kéo vòng qua bên phải, cắt ngang bụng ba tấc, thành hình chữ thập. Máu tuôn như thác. Nhưng vẫn không khuất phục, còn thọc bàn tay phải vào vết thương, nắm lấy gan ruột móc ra, như dợm ném vào mặt bọn Pháp, đúng lúc người phụ đao là Mabuchi Momotaro vung kiếm chém đầu.

Sau đó, các đồng đội lần lượt ngồi vào chỗ, mổ bụng như thế, cho đến lúc người thứ mười một là Yanagise Joshichi mổ bụng vừa xong, thì người kiểm tra là quan Công sứ Toàn quyền Pháp mặt mày tái nhợt trước cảnh tượng thê thảm bạo liệt như thế, phải kêu lên yêu cầu đình chỉ, bỏ chuyện hành quyết 9 người còn lại, rồi rút lui mất.

Trời sắp tối rồi. Mansuke đang cùng người trong các nhà lân cận đứng ở sau rào xem đám người bên trong pháp trường, chợt thấy quang cảnh các quan chức phiên trấn Tosa cãi nhau kịch liệt với các sư tăng của chùa Myokoku-ji. Phía sư tăng khăng khăng rằng: "Không được chôn ở đây!". Đương nhiên, phía quan chức của phiên trấn Tosa sững sờ vì họ cứ tưởng là chùa Myokoku-ji thế nào cũng cho chôn ngay tại đó.

-"Sơn tự này từ đời Thiên hoàng Gonara (trị vì 1526-1557) đã sắc phong cho bậc quốc tự cao quý rồi. Không thể nào chôn tội nhân trong thiên hạ ở đây được".

Phía quan chức Tosa thì cãi rằng: đây chẳng phải là tội nhân, mà nên xem là những nghĩa sĩ, liệt sĩ mà chôn họ. Nhưng phía sư tăng vẫn nhất định không thuận:

-"Không được. Đem đi chôn ở Tobita gì đấy đi!".

Tobita là đất chôn tội nhân ở ngoại ô thành phố Sakai.

Mansuke liền chạy đến. Chẳng phải do lòng nghĩa hiệp hay thấy việc nghĩa mà phẫn nộ, chỉ là do tài trí thúc đẩy đó thôi. Mansuke nắm tay áo người quan chức Tosa mà khẩn khoản:

-"Xin phép được trình bày. Đột ngột thế này, xin tha lỗi cho, nhưng về chuyện mai táng các liệt sĩ, xin có đề án như thế này. Nếu chùa Myokoku-ji nhất quyết từ chối thì ngay phía sau đây có chùa Hoju-in tuy là ngôi chùa nhỏ ít khách vãng lai, nhưng hoà thượng trụ trì hết lòng mong muốn được lãnh nghĩa vụ ấy".

Rồi Mansuke quay về kéo hoà thượng trụ trì chùa Hoju-in sang, đem ba tấc lưỡi mà thuyết phục cho cả hai bên đồng ý.

Về sau, chùa Hoju-in có phần lo ngại, thì Mansuke dỗ dành: -"Chờ xem!" rồi lập tức triệu tập chừng trăm bộ hạ từ Osaka kéo đến, cho mặc áo cà-sa nhuộm chữ "Chùa Hoju-in", chia việc mà chôn cất, nhất thiết không để chùa phải chi trả xu nào. Lại cho bộ hạ và anh em đồng đạo ở khắp thành phố Osaka đi rảo các phố, tán dương "các liệt sĩ cảng Sakai", tuyên truyền rằng ai đến viếng mộ các liệt sĩ ấy thì được bách bệnh tiêu trừ, tránh được tai vạ, người già chữa được bệnh tê liệt, phụ nữ chữa được bệnh lạnh sống lưng, con nít trừ được sán lãi.

Nhận được lệnh từ phiên trấn Tosa, Mansuke cho xây ở chùa Hoju-in mười một ngôi mộ liệt sĩ, cho dựng cây cờ chỉ huy của Minoura Inokichi, và cho đặt trước mỗi ngôi mộ khay gỗ trắng nhuộm máu. Rồi bảo sư tăng tụng kinh, gõ mõ suốt ngày. Quả nhiên, không chỉ Osaka, mà từ khắp nơi trong vùng Kawachi, Senshu, thiện nam tín nữ lũ lượt kéo đến viếng chùa, có ngày lên đến 5 vạn người, đến nỗi có người bị chen lấn gây thương tích nữa.

Nhờ vậy, hai bên con đường qua xóm Shukuya-cho bên cạnh chùa Hoju-in san sát những quán lộ thiên bán trầm hương, hoa quả, và trên tấm chiếu trãi trước các ngôi mộ, tiền cúng dường chất thành núi, mùi hương trầm bay lan ra xa trong các xóm lân cận cũng còn ngửi thấy mùi. Rồi tháng 7 năm đó, Mansuke lại còn thuê khuôn viên chùa Myokoku-ji để cử hành lễ cúng dường của chùa Hoju-in to lớn long trọng suốt ba ngày ba đêm, dựng cả cầu bộ hành ngay trong sân chùa cho sư tăng đi hành lễ, và cho mở các quán trà, quán diễn tuồng, quán triển lãm mua vui cho khách nữa.

Trong cuộc lễ này, khách thập phương đến xem nhiều nhất là 9 cái chum to lớn đã được chừa lại vì 9 người tử tù đã được tha mạng, khỏi phải mổ bụng ở pháp trường. Mansuke cho bày 9 cái chum lớn ấy trong sân chùa, tuyên truyền rằng: ai lọt vào chum ấy sẽ được may mắn. Thế là mọi người tranh nhau mà chui ra chui vào 9 cái chum sành ấy.

Chùa Hoju-in xưa nay hầu như là chùa hoang chẳng ai biết đến, bỗng chốc trở thành danh thắng, thu được tài sản khổng lồ. Dù vậy, người lập kế hoạch là Mansuke thì chẳng cần chia chác đồng nào, mà nghe đâu cũng không thèm lấy tiền chỗ của các quán hàng kia nữa. Anh ta chỉ mở thêm sòng bạc vào dịp đó thôi. Sòng bạc trúng lớn, khách chơi từ khắp ba vùng ở Osaka, và cả Kawachi, Senshu, đổ xô đến; hễ tạm ngưng đánh bạc thì lại ra sân chùa mà chui ra chui vào mấy cái chum kia, thật là vui nhộn náo nhiệt. Chỉ khối tiền thu vào lần này cũng đã là một tài sản lớn cho Mansuke rồi.
 

Mọi biến động, tao loạn cuối thời Mạc Phủ đầu thời Duy Tân đều ít nhiều mang tiền đến cho Mansuke. Sau này, ông ta trở thành một cụ già được nể trọng, lìa đời năm Taisho đầu tiên (1912).
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 10-2008
Chú thích:

[1]Lãng sĩ Cần Vương : võ sĩ ở nhiều phiên trấn khác nhau, chung chí hướng Cần Vương (phò Vua chống Mạc Phủ Tokugawa), đã bỏ phiên trấn nhà lên kinh đô Kyoto, trở thành lãng sĩ (võ sĩ mất chủ tướng hay bỏ phiên trấn nhà), tụ họp nhau hành động chống phá phe ủng hộ Mạc Phủ.

[14] Thời Chiến quốc : 1467-1568, các sứ quân cát cứ các nơi đánh nhau hỗn loạn, cho đến khi Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu tiếp nhau hoàn thành cuộc thống nhất, mở ra thời Phủ Chúa Tokugawa.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Kyokaku Mansuke Chindan" (Hiệp khách Vạn Trợ trân đàm, Chuyện đời kỳ thú của người hào hiệp Mansuke) của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 5 trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000.

Tương truyền rằng trước khi mổ bụng tự sát trước sự chứng kiến của Công sứ Pháp là Leon Roches, Minoura Inokichi đã hét lớn: "Quân Pháp kia, nghe đây, ta không chết vì tụi bây, ta chết cho Thiên hoàng đây. Hãy xem cho kỹ cái chết mổ bụng của nam nhi Nhật Bản!".